Bộ Y tế hướng dẫn tiêm 2 mũi vaccine khác nhau
Những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại…
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, trong công văn Bộ Y tế nêu rõ, từ tháng 3-2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine Covid-19 có công nghệ sản xuất khác nhau như: AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V... Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý ( khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần).
Đáng lưu ý, Bộ Y tế yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca. Đồng thời Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vaccien; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng. Các bệnh viện và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế cấp huyện, các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp với sổ vaccine được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm tiêm đủ liều, an toàn, đúng lịch, diện bao phủ rộng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; An ninh Thủ đô, trang 6).
Nhiều tỉnh muốn được tiêm thử nghiệm vắc xin Việt Nam
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong khi nguồn vắc xin chưa đáp ứng kịp, nhiều địa phương, đơn vị muốn được tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin sản xuất trong nước.
Tình nguyện tham gia
Nguồn tin Thanh Niên ngày 3.8 cho biết ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa có công văn gửi Bộ Y tế, Học viện Quân y và Công ty Nanogen xin phép sử dụng thí điểm vắc xin Nanocovax (do Công ty Nanogen, TP.HCM nghiên cứu, phát triển) giai đoạn 3 trong thời gian sớm nhất. Khánh Hòa hiện có tình hình dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp, chính quyền các cấp và người dân đang tập trung triển khai các biện pháp mạnh mẽ để khống chế dịch bệnh, trong đó có phương án tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết chủ trương này tỉnh Khánh Hòa dựa trên hướng dẫn của nhà sản xuất, tức là khi họ được Bộ Y tế cấp phép. “Khi vắc xin đưa vào con người, một là thử nghiệm hay là tiêm. Nếu thử nghiệm chuẩn thì được cấp phép. Chủ trương tỉnh xin sử dụng thí điểm vắc xin Nanocovax chỉ là từ ngữ, chứ bản chất là xin tiêm những liều đầu tiên”, ông Minh thông tin.
Ngày 2.8, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, cho phép Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương được đăng ký tham gia chương trình tiêm thí điểm vắc xin Nanocovax giai đoạn 3 cho 200.000 tình nguyện viên là nhân viên, công nhân của các hiệp hội, doanh nghiệp thành viên của Liên đoàn doanh nghiệp. Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, đã ghi nhận trên 17.354 ca Covid-19. Trao đổi với PV, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho biết công nhân trong các nhà máy đang thực hiện “3 tại chỗ” rất lo lắng vì chưa được tiêm vắc xin. Nếu không được tiêm sớm thì khả năng các nhà máy sẽ mất hết lao động, buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, việc cung cấp vắc xin đủ cho lượng công nhân lớn ở Bình Dương từ nguồn của Chính phủ phải cần thêm thời gian, còn các kết quả thử nghiệm của vắc xin Nanocovax được công bố cho thấy hiệu quả và an toàn nên địa phương đề nghị được tham gia tiêm thí điểm trên cơ sở tình nguyện.
Trước đó, ngày 1.8, Tập đoàn thủy sản Minh Phú có công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đề nghị được hỗ trợ tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax cho 200.000 người lao động là cán bộ công nhân viên, hộ nuôi tôm, đại lý thu mua, các đối tác và người thân của các đối tượng này, đang làm việc tại Cà Mau...
Trước đó, sáng 2.8, trong buổi làm việc với các đơn vị nghiên cứu tiến độ thử nghiệm lâm sàng (TNLS), phát triển vắc xin Covid-19, đại diện Công ty Nanogen cũng kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c trên 500.000 - 1 triệu người và TNLS cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Công suất tối đa đạt khoảng 7,2 - 8 triệu liều/tháng
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua 3.8, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, xác nhận các địa phương đề nghị được tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 rất đông, từ nam chí bắc, có gửi yêu cầu trực tiếp cho công ty. Đến nay các nơi muốn đặt hàng từ công ty lên đến 50 triệu liều cả trong và ngoài nước, cho dù sản phẩm chưa được cấp giấy phép chính thức.
Việc tiến hành TNLS giai đoạn 3 của Nanocovax đã được tiến hành từ tháng 6 đến nay cũng đã có các dữ liệu về tính an toàn (cả giai đoạn 1, 2, 3). Trong báo cáo tiến độ, kết quả nghiên cứu TNLS vắc xin Nanocovax giai đoạn 3 (3a và 3b) của Công ty Nanogen gửi Cục KH-CN và đào tạo (Bộ Y tế) và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia ngày 24.7 cho thấy tại thời điểm báo cáo, các biến cố bất lợi tại chỗ và toàn thân trong dự kiến (60 phút sau tiêm và 7 ngày sau tiêm) xuất hiện với tần suất xấp xỉ nhau trong nhóm Nanocovax 25 mcg và nhóm giả dược ở mức độ nhẹ và trung bình, xuất hiện vài ngày đầu sau tiêm, không cần can thiệp điều trị và hồi phục hoàn toàn.
Cũng theo báo cáo, kết quả đến ngày thứ 42 sau tiêm mũi 1 của 1.000 người trong nghiên cứu 3a cho thấy: 100% đối tượng được tiêm Nanocovax có kháng thể trung hòa Surrogate (khả năng trung hòa các độc tố, vi khuẩn và vi rút) trên ngưỡng 30% và 99,2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S (sinh kháng thể) cao gấp 4 lần so với nền. Hiện công ty vẫn đang tiếp tục theo dõi 13.000 người.
Về kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c tiêm vắc xin Nanocovax cho khoảng 500.000 - 1 triệu người và cho triển khai nghiên cứu trên trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sau khi được cấp phép, đại diện Công ty Nanogen khẳng định năng lực sản xuất của công ty đạt khoảng 7,2 - 8 triệu liều/tháng.
Đang hoàn thiện dự thảo thông tư cấp phép vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”
Trước đó, Công ty Nanogen từng có kiến nghị xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện đối với vắc xin Nanocovax. Về đề xuất này, thông tin từ Bộ Y tế hôm qua cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo thông tư cấp phép vắc xin trong trường hợp cấp bách để chống dịch Covid-19. Đây là hướng dẫn chưa có tiền lệ, phải tham khảo các quy định, hướng dẫn của khoảng 20 quốc gia. Về cơ bản, việc cấp phép sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nguyên tắc chung vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và số lượng cỡ mẫu nghiên cứu (người tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin dự tuyển) phải đủ để đánh giá. Ví dụ, một số vắc xin Covid-19 của nước ngoài đã được TNLS trên 50.000 người, trong trường hợp khẩn cấp tại VN, số mẫu này có thể thấp hơn nhưng vẫn cần đủ số lượng để đánh giá về an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Trong buổi làm việc sáng 2.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã yêu cầu nhà sản xuất cần hoàn thiện bộ dữ liệu hiện có, gửi Bộ Y tế trước ngày 15.8 để Bộ gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, nếu kết quả đánh giá tốt, Bộ sẽ báo cáo các cấp theo thẩm quyền để xem xét quyết định cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nanocovax.
Về việc nhiều tỉnh đề nghị được tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định “rất ủng hộ các tỉnh tham gia TNLS vắc xin Nanocovax để mở rộng phạm vi nghiên cứu, nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của vắc xin”. Tuy nhiên, việc đăng ký tham gia TNLS phải đúng quy trình nghiên cứu. Trước tiên cần thông qua Hội đồng đạo đức, sau đó sẽ tổ chức đánh giá theo đúng các tiêu chí trong đề cương. Đặc biệt, trong quá trình thử nghiệm phải đảm bảo thu thập, quản lý dữ liệu một cách khoa học, tin cậy và chính xác. Để làm được việc này, rất cần sự phối hợp của sở y tế các tỉnh, thành. (Thanh niên, trang 1).
TP. HCM thu hồi 2 công văn đề nghị mua thuốc điều trị Covid -19
Ngày 3-8, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam ký Văn bản số 5261/SYT-NVD gửi các bệnh viện trong, ngoài công lập; cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 và các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn về việc mua thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia điều trị Covid-19 đã chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn sử dụng hai thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để điều trị bệnh nhân hiệu quả, cứu được kịp thời nhiều người. Văn bản này nêu rõ tên thuốc, tên công ty và liều lượng sử dụng.
Cụ thể "chỉ định" 2 loại thuốc, bao gồm thuốc kháng viêm Medrol (Methyl prednisolone) 16 mg (Công ty Pfizer) sáng uống 1 viên và thuốc kháng đông Xarelto (Rivaroxaban) 20 mg (Công ty Bayer) sáng uống 1 viên. Chống chỉ định bệnh nhân có rối loạn đông máu và viêm loét dạ dày nặng.
"Nay Sở Y tế đề nghị các đơn vi mua gấp các thuốc trên để kịp thời điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nơi cung ứng 2 thuốc trên: Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Công ty Phytopharma)" - văn bản khẩn nêu rõ đích danh đơn vị.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, thực tế cả hai loại thuốc này đều có tác dụng, nhưng chỉ với các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, có viêm phổi. Còn với những người bình thường, khi uống các loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe. Văn bản chỉ nên đăng công thức thuốc, không được nêu tên biệt dược, chỉ định liều dùng và tên công ty. Như vậy là vi phạm Luật Dược.
Ngay sau khi ban hành Văn bản 5261 chưa lâu, Sở Y tế TPHCM đã thu hồi lại và ban hành thay thế bằng Văn bản 5279. Theo Sở Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số bệnh viện có nhu cầu sử dụng thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Đó là hoạt chất Methyl prednisolon (kháng viêm) và Rivaroxaban (kháng đông).
Do đó, Sở Y tế TPHCM đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện nghiên cứu xem xét phê duyệt và xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng các thuốc nói trên tại đơn vị. Việc sử dụng các thuốc trên phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, việc mua sắm thuốc phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 được áp dụng theo các quy định của Luật Đấu thầu.
Nghiêm cấm các nhà thuốc trên địa bàn TPHCM bán các thuốc nêu trên khi không có đơn thuốc hợp lệ của bác sĩ. Sở Y tế TPHCM sẽ xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý các thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3).
1 triệu liều vắc xin Vero Cell ở TP. HCM đang chờ thẩm định, chưa tiêm
Theo lãnh đạo TP.HCM, sau khi thẩm định chất lượng, nếu được Bộ Y tế cấp phép thì 1 triệu liều vắc xin Vero Cell này sẽ được tiêm theo nguyên tắc minh bạch và tự nguyện như các loại vắc xin khác.
Ngày 3.8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 sau 10 ngày triển khai. Đến tối 2.8, hơn 920.000 người được tiêm vắc xin, trong đó 1.039 người có phản ứng sau tiêm, chủ yếu là triệu chứng nhẹ và tất cả an toàn.
Đến nay, TP.HCM nhận tổng cộng khoảng 2,5 triệu liều vắc xin từ nguồn phân bổ của Bộ Y tế; trong đó có khoảng 2 triệu người được tiêm 1 mũi, khoảng 70.000 người tiêm 2 mũi, 400.000 liều cấp cho các đơn vị T.Ư đóng trên địa bàn. Các loại vắc xin được phân bổ gồm: AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Chưa tiêm vắc xin Vero Cell
Cũng theo ông Đức, ngày 31.7 vừa qua TP.HCM nhận 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm từ nguồn doanh nghiệp ủng hộ. Đơn vị nhập khẩu đã gửi hồ sơ để Bộ Y tế thẩm định theo đúng quy trình, khi thẩm định xong, đạt chất lượng thì tổ chức tiêm chủng như đợt 5 vừa qua. “Chính sách của nhà nước là tiêm miễn phí, tự nguyện cho toàn dân”, ông Đức khẳng định và cho biết các loại vắc xin được tiêm phải thỏa mãn 2 điều kiện là: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp và Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách. Vắc xin Vero Cell được WHO cấp phép khẩn cấp ngày 7.5 và Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp ngày 3.6. Do đang được Bộ Y tế thẩm định nên TP chưa triển khai tiêm vắc xin Vero Cell trong đợt này. Khi nào Bộ Y tế thẩm định xong thì tổ chức tiêm vắc xin theo nguyện vọng.
TP.HCM chính thức bước vào đợt tiêm vắc xin thứ 6 từ hôm qua (3.8) và dự kiến kéo dài đến hết tháng 8. Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, hiện đã tiêm được 2 triệu liều nên còn khoảng 5 triệu người cần được tiêm. Theo ông Đức, nếu được T.Ư cung cấp vắc xin đầy đủ và đúng tiến độ như đề xuất của TP.HCM (từ 5 - 5,5 triệu liều) thì sẽ đạt mục tiêu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm trong tháng 8. Về năng lực tiêm chủng, hiện TP.HCM có khoảng 1.200 đội tiêm và có thể đạt 300.000 người/ngày; nếu đủ nguồn vắc xin thì tăng năng lực tiêm lên 350.000 mũi/ngày.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đánh giá vắc xin là vấn đề quan trọng, quyết định đến mục tiêu đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới nên TP đặc biệt quan tâm. Bên cạnh nguồn phân bổ từ T.Ư, TP đã xin chủ trương tự tìm kiếm bằng nguồn lực xã hội hóa. Dù vậy, vắc xin khan hiếm nên khó tiếp cận, UBND TP.HCM đã ký cả trăm ghi nhớ với các đơn vị cung ứng nhưng đến nay ngoài nguồn được cấp thì TP chưa nhận được liều nào từ nguồn chủ động này. Ông Mãi khẳng định công tác tiêm vắc xin theo nguyên tắc minh bạch và tự nguyện; đồng thời cho biết 1 triệu liều vắc xin Vero Cell đang được Bộ Y tế thẩm định chất lượng, nếu được cấp phép thì cũng sẽ tiêm trên nguyên tắc này.
Cam kết không để dân thiếu, đói
Những ngày qua, rất nhiều người dân ở các tỉnh đang cư trú tại TP.HCM có nhu cầu về quê tránh dịch, nhưng số lượng người về thông qua các tổ chức, hội đồng hương chỉ chiếm số nhỏ. Theo ông Phan Văn Mãi, số lượng người dân từ các tỉnh đang công tác, làm việc ở TP rất lớn, có thể lên đến cả triệu người. Nếu tất cả bà con về quê vào thời điểm này thì công tác tổ chức, đón nhận sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi nhiều tỉnh thành phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển giữa các địa bàn.
Do đó, ông Mãi đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại; TP sẽ tập trung nguồn lực, sự giúp đỡ của các địa phương, kể cả ngân sách, quỹ dự trữ để đảm bảo chăm lo. “Chúng tôi cam kết không để bà con thiếu, đói”, ông Mãi khẳng định và cho biết TP xác định công tác chăm lo, hỗ trợ người dân không chỉ 1 - 2 tuần mà có thể kéo dài 1 - 2 tháng hoặc hơn nữa. TP.HCM đã đề nghị các phường, xã, thị trấn nắm danh sách công nhân, lao động, sinh viên… bị mất việc thời gian qua, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Ông Mãi nhìn nhận số lượng người dân ở TP rất đông, có thể các đơn vị không bao quát được hết nên bà con chủ động liên hệ địa phương hoặc thông qua Tổng đài 1022 (kênh 2). Sắp tới, TP.HCM sẽ củng cố lại và mở thêm kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời chăm lo.
Về công tác điều trị, ông Mãi cho biết khi TP xác định chuyển hướng sang điều trị thì việc đếm ca dương tính sẽ không còn ý nghĩa lớn nữa; thay vào đó là số ca tiếp nhận điều trị, ca chuyển nặng, ca tử vong sẽ rất quan trọng để điều chỉnh kịp thời. Hiện các cơ sở điều trị được tăng cường cơ sở vật chất, các bệnh viện tuyến quận áp dụng mô hình tách đôi, thậm chí tăng năng lực tiếp nhận điều trị, cấp cứu lên đến 100%. Tuy nhiên, khi mở rộng năng lực điều trị thì TP đối mặt với yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị, đến thời điểm này đã quá tải.
Trả lời câu hỏi số ca tử vong hiện đang tập trung ở tầng nào, ông Mãi thông tin hiện chưa có thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, qua quan sát thì khâu tiếp nhận, xử trí ở tầng 3 (F0 triệu chứng trung bình, bệnh nền cần điều trị) còn gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ y tế và trang thiết bị. “TP.HCM đã đề nghị Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ khâu này để kết nối liên thông tầng 3 - 4 - 5 nhằm kịp thời chỉ định biện pháp điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong”, ông Mãi nói.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết trong khoảng 30.000 thông tin phản ánh qua kênh 2 - Tổng đài 1022 chuyển về cho địa phương, có 65 - 75% thông tin được xác minh và hỗ trợ nhu cầu của người dân khó khăn, số còn lại không đủ điều kiện xử lý hoặc đang chờ xử lý. Đối với kênh 3 kết nối người dân với y bác sĩ tư vấn sức khỏe, thời gian qua tiếp nhận và tư vấn thành công 5.728 cuộc gọi; trung bình 636 người/ngày. Liên quan đến Tổng đài 115, tính đến 1 giờ chiều 2.8 có 89% cuộc gọi đã được đáp ứng nhu cầu, 10% cuộc gọi bị nhỡ, 1% cuộc gọi gây rối. “Sở TT-TT sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng năng lực tiếp nhận cuộc gọi, phấn đấu đạt 100% các cuộc gọi đều được tiếp nhận và đáp ứng”, ông Thắng cho hay. (Thanh niên, trang 4).
Từ chối, xử lý chậm việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid -19 sẽ bị xử lý
Sở Y tế TP.HCM giao Thanh tra phối hợp Phòng Nghiệp vụ y, Văn phòng Sở ghi nhận các trường hợp từ chối hoặc xử lý chậm trễ việc tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19... sẽ bị xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 3.8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Trung tâm cấp cứu 115, bệnh viện (BV) công lập và ngoài công lập, BV thu dung điều trị Covid-19; Trung tâm y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện; các khu cách ly y tế tập trung, về tăng cường tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 khi được chuyển đến các BV trên địa bàn.
Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP, trong đó lưu ý phải tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là các trường hợp F0. Đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không được từ chối hoặc xử lý chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào được chuyển đến. Nếu người bệnh được chuyển trái tuyến, trái chuyên khoa vẫn phải tiếp nhận và xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh trước khi chuyển đi BV khác.
Sở Y tế giao Thanh tra phối hợp Phòng Nghiệp vụ y, Văn phòng Sở ghi nhận các trường hợp từ chối hoặc xử lý chậm trễ việc tiếp nhận, điều trị người bệnh, báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế xem xét và xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật về công chức, viên chức, cá nhân, tổ chức liên quan và trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. (Thanh niên, trang 5).
Phân bổ thêm vắc xin cho TP. HCM và Hà Nội
Ngày 3.8, Bộ Y tế điều chỉnh Quyết định 3600/BYT-QĐ về việc phân bổ vắc xin Covid-19 đợt 16 để cấp thêm cho TP.HCM (tăng 319.000 liều) và Hà Nội (tăng 284.000 liều).
Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vắc xin gần nhất, TP.HCM được cấp hơn 1,148 triệu liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư tại TP.HCM và Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn 2 TP.
Theo Bộ Y tế, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất, với hơn 4 triệu liều (gồm cả vắc xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. Hà Nội đã được phân bổ hơn 2,943 triệu liều (gồm cả vắc xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.
Tính đến nay, đã có hơn 6,959 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm trên cả nước (hơn 6,246 triệu liều tiêm mũi 1 và 712.864 liều tiêm mũi 2). Trong ngày 3.8, Bộ Y tế tiếp nhận 415.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca do Chính phủ Anh trao tặng. Đây là lô vắc xin được sản xuất tại Anh, hỗ trợ Việt Nam cho phòng, chống dịch (Thanh niên, trang 5)
Thực hư việc bệnh viện thu phí dịch vụ tiêm vắc xin Covid -19 tại TP. HCM
Trong những ngày gần đây, trên các nhóm và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về một số loạt chi phí trước khi tiêm vắc xin phòng chống Covid -19 tại BV Đại học Y dược TP. HCM cho người bệnh có bệnh lý nền trên 65 tuổi. Chi phí này gồm phí xét nghiệm Covid -19 là 238.000 đồng, phí khám và được bác sĩ tư vấn loại vắc xin là 150.000 đồng. Sự thật ra sao? (chi tiết xem báo Lao động, trang 4).
Không nên mua bộ test nhanh Covid -19 kháng nguyên chưa được cấp phép
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) vừa cảnh báo tình trạng người dân đổ xô mua bộ kit test nhanh Covid-19 trên các trang web không rõ nguồn gốc hoặc mạng xã hội, dễ tiền mất tật mang.
Theo Cục TMĐT&KTS, Bộ Y tế hiện đã cấp phép cho 16 loại kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép.
Tuy nhiên, trên thị trường có nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trước tình trạng trên, Cục TMĐT&KTS khuyến cáo người dân chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng;
Hoặc mua tại các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dân cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể để tránh bị mất tiền oan.
Theo khảo sát của phóng viên, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, trên mạng xã hội và các website/ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 với giá từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng/bộ.
Chủ hàng thường quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo quảng cáo, các bộ kit này có kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng” .Tuy nhiên, các Kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi/xách tay không có hóa đơn chứng từ và chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. (An ninh Thủ đô, trang 6).
TP.HCM tiêm vắc xin miễn phí và tự nguyện
Điều này được lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh tại buổi họp báo hôm qua 3-8, khi người dân còn nhiều băn khoăn với kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin đợt 6 của TP.HCM.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức tổng kết cho biết đến tối 2-8, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành đợt tiêm ngừa COVID-19 thứ 5 với hơn 920.000 liều vắc xin. Đợt tiêm này có 1.039 người có phản ứng sau tiêm, hầu hết là triệu chứng nhẹ và được xử lý ổn định, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chưa tiêm vắc xin Sinopharm
Theo ông Đức, từ ngày 3-8, TP.HCM đã bước vào đợt tiêm ngừa thứ 6, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. TP.HCM có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên và đến nay đã tiêm được 2 triệu liều. Trong đó, có khoảng 800.000 người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca trước ngày 30-6 cần phải tiêm mũi 2 vào cuối tháng 8 và khoảng 25.000 người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna trước 31-7 cần phải tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 8.
Như vậy, tổng số cả mũi 1 và mũi 2 TP.HCM cần có khoảng 5,5 triệu liều. Để có nguồn vắc xin tiêm trong đợt 6 này, UBND TP đã gửi văn bản đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế trong tháng 8 cấp cho TP.HCM khoảng 5 - 5,5 triệu liều vắc xin.
Riêng về 1 triệu liều vắc xin Sinopharm đã về TP.HCM, theo ông Đức, đây là lượng vắc xin được nhà tài trợ tặng cho TP.HCM. Lô vắc xin này đang trong quá trình được Bộ Y tế kiểm định độ an toàn nên chưa đưa vào tiêm chủng, nếu kiểm định an toàn sẽ tiến hành tiêm chủng theo đúng quy trình như các vắc xin khác.
Ông Đức cũng khẳng định tất cả các loại vắc xin được tiêm cho người dân hiện nay đều phải được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cấp phép sử dụng và chủ trương lâu nay của cả nước là tiêm miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin trên tinh thần tự nguyện, những người đồng ý tiêm sẽ được tiêm.
Ông Đức cho biết hiện nay Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương huy động tất cả các nguồn lực, bao gồm y tế công lẫn tư, quân đội của các tỉnh hỗ trợ. Hiện riêng nguồn TP đảm bảo được 1.200 đội tiêm và với quy trình hiện nay công suất đạt 250 người/đội/ngày. Như vậy riêng các đội tiêm của TP.HCM sẽ đạt 300.000 mũi/ngày.
Phấn đấu tiêm 300.000 liều/ngày
Phát biểu tại cuộc họp, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi xác định vắc xin là một trong những điều kiện quyết định, quan trọng để TP.HCM đạt được trạng thái bình thường mới.
Theo ông Mãi, cho đến nay sau 16 đợt cấp, nhận và triển khai tiêm vắc xin, TP.HCM nhận 4 loại vắc xin các loại. Các loại vắc xin này đã được WHO cho phép lưu hành và được Bộ Y tế phê duyệt cho phép sử dụng ở Việt Nam. Đến ngày 1-8, TP.HCM đã nhận trên 2,5 triệu liều các loại và đã triển khai tiêm theo nguyên tắc minh bạch, tự nguyện. Về chất lượng, đến nay có thể đánh giá đảm bảo an toàn, tiến độ ngày càng nhanh hơn do cải tiến, rút kinh nghiệm, cải thiện năng lực tiêm.
Ông Mãi nhấn mạnh TP.HCM đạt mục tiêu tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, TP.HCM đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu 300.000 liều/ngày. Trong tháng 8 nếu đảm bảo nguồn cung liên tục, TP.HCM sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi.
Cắt bớt vắc xin các nơi để phân bổ cho TP.HCM
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 3-8 cho hay Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ trên 600.000 liều AstraZeneca (trong lô mua qua Công ty VNVC về Việt Nam ngày 2-8) cho TP.HCM, đồng thời điều chỉnh quyết định phân bổ từ tháng 7, nâng số lượng phân bổ cho TP.HCM lên gấp 3 so với quyết định cũ.
Như vậy TP.HCM có thêm trên 1 triệu liều vắc xin, nâng tổng số đã phân bổ lên trên 4 triệu liều, bằng 20-21% tổng số 18 triệu liều Việt Nam đã tiếp nhận cho đến nay.
Bộ Y tế cho biết số lượng vắc xin cho các tỉnh phía Nam dịch cũng đang nóng vẫn thuộc nhóm ưu tiên, phần điều chỉnh phân bổ cho TP.HCM được cắt bớt của các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu NanoCovax cho biết hôm nay 4-8 nhóm sẽ gửi báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3, với 1.000 người được tiêm từ 11-6 đến giữa tháng 7.
Qua lấy mẫu đánh giá, vắc xin có hiệu quả sinh kháng thể và trung hòa virus tốt, kể cả với chủng Delta là chủng đang gây dịch mạnh. Tuy nhiên với các địa phương đề nghị được tiêm NanoCovax sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a và 3b như Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp..., quy định hiện hành chưa cho phép "dùng thử nghiệm".
Nếu tiêm thử nghiệm thì vẫn phải thực hiện theo đề cương là 2 người tiêm vắc xin 1 người tiêm giả dược, nhưng cho đến nay nhà sản xuất vắc xin chưa có dự định về thời gian thử nghiệm tiếp ở giai đoạn 3c. Vì thế dù nhiều địa phương mong muốn, rất khó có thể có việc cho tiêm vắc xin NanoCovax.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến ngày 2-8 với các đơn vị đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc xin nội, bao gồm NanoCovax, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết "mong sớm có vắc xin trong nước sản xuất". Tuy nhiên với các điều kiện về pháp lý hiện nay, không dễ cấp phép khẩn cấp vắc xin nội địa, dù với vắc xin ngoại, đến nay đã có 6 vắc xin được phê duyệt. (Tuổi trẻ, trang 2).
Thêm 1 F0, Hà Nội phong tỏa chợ Long Biên
Chính quyền quận Ba Đình quyết định phong tỏa, cách ly y tế và ngừng kinh doanh chợ Long Biên để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 sau khi phát hiện thêm 1 ca mắc COVID-19.
Theo quyết định ban hành ngày 3-8 của UBND phường Phúc Xá, cách ly y tế toàn bộ chợ Long Biên từ 13h hôm nay cho đến khi có thông báo hết cách ly của UBND phường.
Ban quản lý chợ Long Biên cũng yêu cầu các tiểu thương ngừng kinh doanh từ 12h trưa nay cho đến khi có thông báo mới.
Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế đối với chợ Long Biên là do phát hiện 1 ca F0 làm đá cây cung cấp cho các hộ kinh doanh thủy hải sản tại chợ.
Chiều 3-8, ông Bùi Thanh Xuân, chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình), cho biết Trung tâm Y tế quận Ba Đình đang lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Biên để sàng lọc.
Trưa 3-8, CDC Hà Nội công bố về trường hợp nam bệnh nhân N.Q.T. (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình), người làm tại chợ hải sản Long Biên. Ngày 28-7, bệnh nhân xuất hiện ho sốt, đến ngày 2-8 được lấy mẫu sàng lọc và kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khi phát hiện ca bệnh, Ban quản lý chợ Long Biên, phường Phúc Xá và lực lượng chức năng quận Ba Đình đã tổ chức thực hiện các biện pháp khử khuẩn, điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan, hướng dẫn người dân biện pháp cách ly y tế, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe theo quy định.
Trước đó, ngày 1-8, quận Ba Đình đã phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản tại chợ Long Biên do liên quan đến một ca nhiễm SARS-CoV-2 có địa chỉ tại huyện Thanh Trì, đã đến lấy hàng tại khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên.
Đồng thời, quận tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khoảng 300 trường hợp liên quan, tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Hiện nay, Hà Nội đang tạm thời dừng hoạt động các chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ), chợ đầu mối Minh Khai, chợ Long Biên... để phòng chống dịch COVID-19. (Tuổi trẻ, trang 2).
Những loại vaccine nào phòng COVID-19 khi tiêm mũi 2 phải tiêm cùng loại, không được "tiêm trộn"?
Bộ Y tế cho biết, chỉ có thể phối hợp khi tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, mũi 2 vaccine Pfizer; riêng 3 loại vaccine Moderna, Pfizer/ BioNtech, Sinopharm người đã tiêm mũi 1 thì mũi 2 cũng chỉ được tiêm vaccine cùng loại.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine COVID-19. Theo Bộ Y tế, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý ( khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần).
Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.
Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bộ Y tế giao Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vaccine; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng. (An ninh Thủ đô, trang 1).
TIÊM DỊCH VỤ VẮC-XIN COVID - 19:Tiêm dịch vụ vắc-xin ngừa COVID-19: Nhu cầu rất lớn
Trong khi nguồn vắc-xin hạn hẹp, độ phủ vắc-xin miễn phí từ Chính phủ còn thấp, việc các doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân được “cởi trói" để đàm phán nhập vắc-xin về tiêm dịch vụ (trả phí) cho người dân là cần thiết, nhiều người nhận định.
Nhu cầu lớn
Con số hơn 40 nghìn người đăng ký tiêm vắc-xin trả phí tại Bệnh viện Hạnh Phúc An Giang chỉ trong 5 ngày thông báo nơi đây nhận tiêm cho thấy nhu cầu người dân mong muốn được tiêm vắc-xin dịch vụ là rất lớn.
Trước đó, ngày 10/7, bệnh viện này làm việc với một công ty dược tại TPHCM, và được hứa sẽ cung cứng khoảng 10 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca nên bệnh viện đăng thông báo để người dân lên web đăng ký. Theo giám đốc Bệnh viện Hạnh Phúc, đến ngày 15/7 đã có khoảng 40 nghìn khách hàng đăng ký tiêm vắc-xin và chấp nhận trả phí 1,5 triệu đồng/liều.
Tại TPHCM, nhu cầu cần tiêm vắc- xin COVID-19 dịch vụ còn cao rất nhiều lần, khi đến nay dù thành phố được Chính phủ ưu tiên nhưng cũng mới chỉ hơn 2 triệu người được tiêm. Để tạo miễn dịch cộng đồng với 70-80% người dân từ 18 tuổi trở lên, tương đương hơn 7 triệu người được tiêm, thành phố cần lượng lớn vắc-xin với khoảng 4-5 triệu liều nữa.
Hơn 2 tháng nay, nhân viên trực tổng đài của Bệnh viện FV ở TPHCM luôn nhận hàng nghìn cuộc gọi với nội dung “lúc nào thì bệnh viện sẽ tiêm vắc-xin dịch vụ?”.
“Chúng tôi nhận rất nhiều câu hỏi như vậy nhưng chỉ biết trả lời đến nay vẫn chưa được Chính phủ cho tiêm vắc-xin dịch vụ”, nhân viên bệnh viện này chia sẻ. Tại hệ thống Trung tâm tiểm chủng VNVC, đến nay đã có cả triệu người đăng ký để chờ đến thời điểm Nhà nước cho tiêm dịch vụ.
“Họ đăng ký từ trước khi vắc-xin COVID-19 về Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, vắc-xin về Việt Nam vẫn được tiêm theo đối tượng ưu tiên, do vậy VNVC chưa thể triển khai tiêm dịch vụ vắc-xin này”, nhân viên nơi đây nói.
Không chỉ người dân đang có nhu cầu, nhiều tập đoàn, hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ ở khu vực phía Nam đều mong muốn được nhanh chóng tiêm vắc-xin cho nhân viên. Gần tháng nay, bà L.T.H, giám đốc nhân sự của một tập đoàn bảo hiểm ở TPHCM, liên lạc với nhiều nơi để tiêm vắc-xin cho nhân viên và thân nhân nhưng chỉ nhận được lời hứa “sẽ sắp xếp”. Chờ đợi quá lâu vẫn chưa đến lượt được tiêm vắc-xin miễn phí, bà H. cho biết sẽ chờ đến lúc tiêm vắc-xin dịch vụ.
“Tập đoàn có 700 nhân viên cộng với khoảng 2.000 thân nhân. Chúng tôi rất mong họ được tiêm sớm, và công ty đã sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để tiêm dịch vụ”, bà H nói. Còn ông Lý Chung, Tổng Giám đốc Công ty May mặc V.N ở Bình Dương, nói rằng, doanh nghiệp ông ở khối sản xuất với hàng nghìn lao động nên rất mong muốn được tiêm vắc-xin sớm.
“Nếu tiêm vắc-xin sớm, công nhân vẫn sẽ đảm bảo làm việc bình thường và các đơn hàng không bị đứt gãy. Trong bối cảnh vắc- xin miễn phí chưa đáp ứng, nếu có vắc-xin tiêm trả phí, chúng tôi sẵn sàng”, ông Chung nói.
Đề xuất táo bạo
Trong lúc nguồn vắc-xin COVID-19 đang khan hiếm trên thị trường toàn cầu, Bệnh viện FV, TPHCM cho biết đã tìm được nguồn vắc-xin Pfizer và đề xuất được nhập về để tiêm dịch vụ cho người dân. Đề xuất của bệnh viện đang nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo thành phố và Bộ Y tế, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức về các phương án liên quan.
Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện tư nhân về công tác phòng chống dịch tối 1/8, Bệnh viện FV có những đề xuất liên quan vắc-xin COVID-19.
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Bệnh viện FV, cho biết: “Trên tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc-xin phòng chống COVID-19, thông qua các mối quan hệ ngoại giao, Bệnh viện FV đã có nguồn mua vắc-xin. Bệnh viện đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vắc-xin bằng nguồn tài chính của bệnh viện”.
Phía bệnh viện cho rằng, sự tham gia của bệnh viện nói riêng và hệ thống các bệnh viện tư nhân nói chung và việc tìm kiếm nguồn hàng, nhập vắc-xin về nước phục vụ người dân sẽ giúp Việt Nam có thêm nguồn vắc-xin lớn.
Khi nguồn hàng được nhập về, người dân có thể tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm vắc-xin bằng khả năng tài chính của mình. Đây là giải pháp vừa đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, vừa góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trước khi đưa ra đề xuất trên, Bệnh viện FV đã trang bị hệ thống kho lạnh được Viện Pasteur TPHCM kiểm định và chứng nhận đủ điều kiện lưu trữ cùng một lúc 800.000 liều vắc-xin AstraZeneca, 200.000 liều Moderna và 600.000 liều Pfizer. Bệnh viện có hơn 100 điều dưỡng đã được cấp chứng chỉ tiêm vắc-xin.
Cơ quan quản lý nói gì?
Phản hồi các báo cáo và kiến nghị của FV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá cao việc Bệnh viện FV chủ động đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch cũng như việc chủ động đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực chuyên môn để thực hiện điều trị COVID-19 và tiêm vắc-xin...
“Bộ sẽ xem xét các kiến nghị và sớm có chỉ đạo chính thức để Bệnh viện FV tham gia vào nhiệm vụ tiêm chủng đang vô cùng cấp bách”, ông Khuê nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 3/8, BS CKII Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp đồng hành, tìm kiếm tiếp cận các nguồn để có thêm nhiều vắc-xin, tăng khả năng cung cấp cho người dân.
Chúng tôi rất trân trọng đề xuất này nhưng chưa biết các phương án của các bệnh viện liệu có khả thi hay không bởi trên thực tế các hãng cung cấp vắc-xin từ AstraZeneca đến Pfizer, Moderna đều yêu cầu phải làm việc ở cấp Chính phủ, cấp nhà nước và cũng chỉ ủy quyền cho một đơn vị duy nhất. Do đó, trong trường hợp Bệnh viện FV đề xuất nhập vắc-xin, cần có thủ tục, lộ trình cụ thể”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, cá nhân ông đã ký rất nhiều văn bản để hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu tiếp cận nguồn mua vắc-xin về tiêm cho người dân thành phố theo đúng quy định của Chính phủ.
“Đến nay, chúng tôi đã tiếp cận khoảng 100 đầu mối, trên thực tế việc tìm mua rất khó. Thành phố có thể làm gì được để giúp Bệnh viện FV hoàn tất các thủ tục mang vắc-xin về chích cho người thì dân chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, vừa qua thành phố giao nhiệm vụ cho Bệnh viện FV tiêm vắc-xin cho người Pháp đang sinh sống trên địa bàn, công tác tổ chức được thực hiện rất tốt, đảm bảo quy định giãn cách, an toàn.
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh đang diễn ra ở thành phố, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho biết, thành phố đã xác định tiêm vắc-xin là điều kiện quan trọng quyết định để thành phố đạt trạng thái bình thường mới.
Ngoài nguồn cung của Trung ương, thành phố đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách, nguồn quỹ, nguồn tài trợ để chủ động tìm kiếm, bổ trợ cùng với các nguồn của Trung ương điều phối.
Ông Mãi nói: “UBND TPHCM đã ký cả trăm ghi nhớ về việc cung ứng vắc-xin COVID-19 nhưng đến giờ này ngoài nguồn cung ứng của Trung ương thì thành phố chưa nhận được các nguồn khác.
Sau 15 đợt cấp nhận, triển khai tiêm vắc-xin, thành phố đã nhận 4 loại vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép lưu hành được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam. Đến ngày 1/8 đã nhận hơn 2,5 triệu liều. Chúng tôi đang tiến hành tiêm cho cộng đồng trên nguyên tắc minh bạch”. (Tiền phong, trang 1).
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, hỗ trợ các địa phương chống dịch
Chiều 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên về công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phải mở “chiến dịch” mạnh mẽ, tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “dây dưa” đến một mức nào đó sẽ không kiểm soát được tình hình. Hai tỉnh phải xem xét lại công tác xét nghiệm, kết hợp hài hoà hai loại xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ trên tinh thần tiết kiệm triệt để, hiệu quả tối đa. Đối với những vùng đã tầm soát cho thấy nguy cơ cao, rất cao phải thực hiện các biện pháp mạnh, tăng cường xét nghiệm nhanh, kết hợp xét nghiệm PCR quét nhiều lần để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Không chỉ vây các vùng đỏ mà phải khoanh giữ bằng được vùng xanh.
Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý Phú Yên, Khánh Hòa phải chú trọng đến các khu tiếp nhận người nhiễm (F0) không triệu chứng, đặt ở những nơi thông thoáng, chăm lo đầy đủ sức khỏe, tinh thần, cấp phát thuốc đông y, tây y để tăng cường thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng. Các cơ sở điều trị F0 có triệu chứng và có dấu hiệu chuyển nặng phải có hệ thống ô-xi tập trung, máy thở ô-xi dòng cao… để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ chuyển sang nặng, rất nặng, nguy kịch…
Trước tình trạng người từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam về nhiều, Phú Yên, Khánh Hòa cần thực hiện triệt để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm bắt và thực hiện các biện pháp y tế, phòng dịch với những người này, không để sót bất kỳ ai về mà không phát hiện được...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại các chợ và cảng cá ở Phú Yên, Khánh Hòa có mối nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Do vậy lưu ý hai địa phương cần tận dụng thời điểm đang đóng của các chợ, cảng cá để có phương án tổ chức lại hoạt động; xét nghiệm cho các tiểu thương, quy định số người bán hàng - mua hàng theo ngày, thực hiện giãn cách… Mặt khác, tổ chức hợp lý các khu chợ ngoài trời cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân.
Tỉnh Bình Dương đã khánh thành và đưa vào hoạt động hai bệnh viện dã chiến có quy mô 8.300 giường, phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn. Tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị: tỉnh Bình Dương cần tranh thủ thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng bóc tách người nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng; cần sử dụng test nhanh kháng nguyên để có kết quả sớm. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Dương xây dựng trung tâm hồi sức tích cực 500 giường, với đội ngũ chuyên gia của bộ, kết hợp hệ thống bệnh viện dã chiến của tỉnh sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điều trị thời gian tới.
Ngày 3/8, tại buổi làm việc với UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Bạc Liêu về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Các tỉnh cần chủ động phối hợp đoàn công tác Bộ Y tế đánh giá mức độ nguy cơ, từ xã, phường cho đến thành thị, từ đó đưa ra các giải pháp chống dịch phù hợp.
TP Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 900.000 liều vắc-xin Covid-19 đợt 5 trong vòng 10 ngày, hoàn thành mục tiêu đề ra và bước vào đợt tiêm thứ 6, dự kiến kéo dài hết tháng 8. Nếu được cung cấp vắc-xin đầy đủ, thành phố cố gắng đạt mục tiêu tiêm cho 70% người dân trên 18 tuổi trên địa bàn trong tháng này.
Tỉnh Quảng Bình có văn bản gửi các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xem xét miễn chi phí cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho người khó khăn trở về quê tránh dịch.
TP Hải Phòng quyết định hỗ trợ người dân Hải Phòng ở TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do dịch bệnh 2 triệu đồng/hộ. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp Hội đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan chuyển kinh phí hỗ trợ đến các hộ dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp Hội đồng hương Hải Phòng tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg rà soát những người Hải Phòng đang gặp khó khăn, đề xuất thành phố hỗ trợ kịp thời. Từ 0 giờ ngày 5/8, TP Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận công dân từ các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau đã phát động quyên góp được 5,6 tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19, nhằm góp thêm nguồn lực phục vụ mua vắc-xin, máy thở, trang thiết bị y tế và hỗ trợ người dân trong và ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng thăm và tặng 100 phần quà cho người nghèo, lực lượng chống dịch Covid-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển thuộc thị xã Vĩnh Châu, các huyện Trần Đề và Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng tặng mỗi chốt kiểm soát phòng, chống dịch và các khu cách ly 2 triệu đồng.
Sáng 3/8, tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), ông David McNaught - Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam - đã trao 415 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ giúp Việt Nam chống dịch Covid-19. Tại lễ tiếp nhận, Bộ Y tế trân trọng cảm ơn Chính phủ Anh tặng Việt Nam số vắc-xin nêu trên.
Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tiêm hai liều vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, những người đã tiêm mũi một với loại vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vắc-xin đó. Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi hai vắc-xin Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi một bằng vắc-xin AstraZeneca (nếu người được tiêm chủng đồng ý) khoảng cách giữa hai mũi tiêm là từ 8 đến 12 tuần.
Tuy nhiên, yêu cầu không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi hai cho người đã tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca. Những người đã tiêm mũi một bằng vắc-xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ hai chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Chiều 3/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Tại cuộc họp, Ông Kidong Park đánh giá đợt dịch thứ 4 rất khó khăn với tốc độ lây nhiễm mạnh của biến thể Delta, nhưng Việt Nam đã “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân... Đặc biệt, đánh giá cao việc Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Trưởng đại diện WHO khẳng định: WHO tại Việt Nam sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch; sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn cho cán bộ, các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế. Về vắc-xin, ông Kidong Park cho biết: Tất cả các loại vắc-xin Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt đều bảo đảm an toàn và hiệu quả. WHO tại Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc nâng cao năng lực, thử nghiệm đánh giá, cấp phép với vắc-xin sản xuất trong nước qua hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin theo đúng các quy định. (Nhân dân, trang 7).
Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì khi một số tỉnh xin tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax số lượng lớn cho dân?
Khánh Hoà và Bình Dương là 2 tỉnh đầu tiên xin tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 "made in Viet Nam" Nano Covax số lượng lớn.
Bình Dương, Khánh Hoà xin tiêm thử nghiệm tiêm vaccine COVID-19 Nano Covax
Tỉnh Bình Dương xin tiêm thử nghiệm tiêm vaccine COVID-19 Nano Covax cho 200.000 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, chiếm khoảng 16% trong tổng số hơn 1,2 triệu người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh.
Lý do Bình Dương đưa ra là tình hình dịch tại tỉnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc đã vượt 18.000 ca và những ngày tới sẽ tiếp tục tăng.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Bộ Y tế sớm cho phép tiêm thí điểm vaccine phòng COVID-19 Nanocovax trên địa bàn tỉnh để "góp phần đưa Nano Covax sớm đến tay người dân".
Hiện tại, Nanocovax là ứng viên vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng pha 3a và 3b trên 13.000 tình nguyện viên. Trong đó đã có hơn 4.000 tình nguyện viên được tiêm đủ 2 mũi tại Học viện Quân Y, tỉnh Hưng Yên và tại huyện Bến Lức tỉnh Long An.
Việc tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 cần phải đúng quy trình
Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế rất ủng hộ các tỉnh tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax để mở rộng phạm vi nghiên cứu nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của vaccine.
"Tuy nhiên việc đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng cần phải đúng quy trình nghiên cứu, trước tiên thông qua Hội đồng đạo đức, sau đó sẽ tổ chức đánh giá theo đúng các tiêu chí trong đề cương. Đặc biệt, trong quá trình thử nghiệm phải đảm bảo thu thập, quản lý dữ liệu một cách khoa học, tin cậy và chính xác"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Để quản lý được số mẫu thử nghiệm lớn, rất cần sự phối hợp của Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế tuyệt đối không ủng hộ việc mua bán, mượn danh thử nghiệm lâm sàng để tiêm vaccine cho người dân khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Trước đó, trong buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 sáng 2/8, phía Nanogen – đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine Nano Covax cũng kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c trên 500.000 – 1 triệu người.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế luôn rất ủng hộ và tạo điều kiện nhất cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Với vaccine Nano Covax, trước mắt Bộ Y tế đã yêu cầu nhà sản xuất hoàn thiện bộ dữ liệu hiện có, gửi Bộ Y tế trước ngày 15/8 để Bộ gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, đánh giá. "Nếu kết quả đánh giá tốt, Bộ sẽ báo cáo các cấp theo thẩm quyền để xem xét quyết định cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Các tỉnh ít ca nhiễm cũng phải sẵn sàng tình huống dịch như TP. HCM
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid -19 đề nghị TP. HCM có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giữ vững vùng xanh (an toàn), chuyển nhanh vùng vàng (nguy cơ) sang vùng xanh ở tất cả các quận, huyện. Các địa phương có ít ca nhiễm cần chuẩn bị sẵn sàng các tình huống dịch lan rộng như ở TP. HCM và một số tỉnh khác.(chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Thêm 3.866 người mắc Covid -19 khỏi bệnh
Chiều 3-8, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo bổ sung 190 ca tử vong (từ ca số 1.882 đến ca 2.071) tại 10 tỉnh, thành phố tính từ ngày 25-7 đến 3-8.
Tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 2-8: 166 ca
Tại tỉnh Long An từ ngày 27-7 đến 2-8: 7 ca
Tại tỉnh Đồng Tháp ngày 2-8: 5 ca
Tại tỉnh Bến Tre từ ngày 25-7 đến 2-8: 4 ca
Tại tỉnh Đồng Nai từ ngày 2 đến 3-8: 2 ca
Tại tỉnh Vĩnh Long ngày 2-8: 2 ca
Tại thành phố Hà Nội ngày 3-8: 1 ca
Tại thành phố Đà Nẵng ngày 3-8: 1 ca
Tại thành phố Cần Thơ ngày 3-8: 1 ca
Tại tỉnh An Giang ngày 2-8: 1 ca
Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận 2.071 ca mắc Covid-19 tử vong, trong đó có 2.036 ca tử vong tại đợt dịch thứ 4 này.
Cũng theo Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta có thêm 3.866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 3-8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 50.831 ca. Ngoài ra, có 463 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 20 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. (Hà Nội mới, trang 7; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 5).