Thu giữ rượu ba kích, táo mèo không rõ nguồn gốc
Ngày 5/4, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tại buổi kiểm tra, đoàn liên ngành của thành phố đã trực tiếp kiểm tra cơ sở Gà Mạnh Hoạch (ở 97 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa) và thu giữ 11,5 lít rượu táo mèo và rượu ba kích không rõ nguồn gốc. Đoàn đã lấy mẫu rượu táo mèo và ba kích kiểm nghiệm tại la-bô. Tại cửa hàng “Cây đề quán” (ở 21 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa), đoàn cũng thu giữ 40 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc. Toàn bộ số rượu của 2 cơ sở được niêm phong và thu giữ giao đội quản lý thị trường số 13 xử lý. Trong quý I/2017, các lực lượng chức năng trên toàn quận Cầu Giấy đã kiểm tra 1.226 cơ sở, phát hiện 229 cơ sở vi phạm, phạt 939 triệu đồng. Ông Trần Văn Chung cho biết, trong tháng cao điểm ra quân kiểm tra mặt hàng rượu, toàn thành phố có gần 700 đoàn kiểm tra, đã tiến hành kiểm tra 5.420 cơ sở, thu hồi trên 55 nghìn lít rượu, tiêu hủy 20 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc, xử phạt hành chính 733 cơ sở gần 1,3 tỷ đồng (Tiền phong, trang 2)
Người mắc trầm cảm ở Việt Nam đang trẻ hóa
Tại Hội thảo “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện” do Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức, TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng cho biết, tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện có xu hướng trẻ hóa. Hiện có khoảng 30% dân số từng có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%...(Tiền phong, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Hà Nội mới, trang 1)
Những cảnh báo từ sử dụng đồ uống không đúng cách
Ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đồ uống và sức khỏe”. Tại Hội thảo, một số tham luận đã chỉ rõ việc lạm dụng đồ uống có cồn, nước uống có ga, nhiều đường và chất tạo ngọt, hay việc bổ sung không đủ lượng nước cần thiết khiến cơ thể thiếu nước- đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tăng nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm khó ngờ tới…(Công an nhân dân, trang 7)
21 người bị ngộ độc nghi do ăn bánh mì
Ngày 6.4, 21 người phải nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì tại cửa hàng bánh mì A.T. ở thị trấn Châu Ổ, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Trong số những người bị ngộ độc, hai người đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; 2 người đang được điều trị ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam; số còn lại đang được theo dõi tại Bệnh viện H.Bình Sơn…(Thanh niên, trang 2)
Kỹ thuật mới điều trị cho người bệnh vô sinh
Ngày 6-4, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thông tin về phương pháp mới, nong vòi tử cung qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng trên bệnh nhân vô dinh do tắc đoạn gần vòi tử cung. Đây là kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên được GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia áp dụng thành công tại Việt Nam (Nhân dân, trang 5); An ninh Thủ đô, trang 6)
Gần 250 người nhập viện trong tháng 3 do ngộ độc thực phẩm
Báo cáo công tác y tế tháng 3/2017 của Bộ Y tế cho biết, trong tháng có 8 vụ ngộ độc khiến 245 người mắc, 243 người nhập viện, 4 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm với 641 người mắc, 627 người phải điều trị và 15 trường hợp tử vong…(Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Hà Nội mới, trang 5)
Phòng, chống dịch cúm A/H7N9 theo 4 tình huống
Ngày 6-4, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 trên địa bàn thành phố theo 4 tình huống dịch nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm gây ra…(Hà Nội mới, trang 6)
Quyết giảm giá biệt dược
Hơn 400/700 biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại chậm cập nhật để sản xuất đại trà thuốc tương đương đã khiến giá vẫn quá cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã truyền đi thông điệp đầy quyết tâm khi yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN bổ sung quy định về mua biệt dược gốc hết bản quyền, Bảo hiểm xã hội VN không chi trả nếu tỉ lệ mua biệt dược gốc quá cao…(Tuổi trẻ, trang 5)