Đôi tay vàng
Trong lúc trò chuyện với ông ở phòng Chủ nhiệm khoa, tôi thấy thập thò ngoài cửa một cô gái đeo khẩu trang. Cô gái có vẻ bồn chồn, chốc chốc lại ngó vào phòng.
Trong lúc trò chuyện với ông ở phòng Chủ nhiệm khoa, tôi thấy thập thò ngoài cửa một cô gái đeo khẩu trang. Cô gái có vẻ bồn chồn, chốc chốc lại ngó vào phòng. Tôi nhắc ông, bác sĩ (BS) Sơn xin lỗi và mời cô gái vào. Bác sĩ chưa kịp hỏi, cô gái đã tháo khẩu trang. Cái mũi dị dạng, khuôn mặt thành kỳ dị. Cô chừng hai mươi tuổi. Được biết Bệnh viện TWQĐ 108 có BS. Sơn có thể lấy lại gương mặt bình thường cho mình, cô gái tìm đến và hôm nay, cô đã được gặp ông. Cô nói về những khó khăn trong đời sống xã hội nhiều hơn những triệu chứng bệnh lý. Giọng nói run run, hồi hộp, lo âu, hi vọng. Ngẫu nhiên tôi được chứng kiến một buổi khám bệnh cùng những nỗi niềm của người bệnh tìm đến chỉnh hình. Ở các nước, phẫu thuật thẩm mỹ được định nghĩa như một tác động y học vào người lành, người vô bệnh nhưng cần làm đẹp. Nhưng ở khoa BS. Nguyễn Tài Sơn - người được khen là có đôi tay làm vi phẫu tài tình vào hàng đầu ở nước ta, thì những người tìm đến không thể gọi là vô bệnh. Phẫu thuật tạo hình cũng có nhằm cái đích thẩm mỹ. Nhưng thẩm mỹ ở đây là lấy lại được nét bình thường, mô phỏng lại dáng bình thường cho những khiếm khuyết. Họ là những người bệnh. Bệnh do vết thương chiến tranh, do tai nạn, do bẩm sinh hoặc hậu quả của một điều trị (đúng hoặc sai sót - đúng như một cắt bỏ do ung thư, sai sót như lấy bỏ khối u ở mặt làm tổn thương thần kinh số 7 gây liệt mặt). Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) y khoa Nguyễn Tài Sơn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, BVTWQĐ 108 có ý dè dặt với những lời khen, ông kể lại mấy ca phải bó tay. Một ca tạo hình xương hàm sau cắt bỏ xương do ung thư. Phẫu thuật tạo hình xương loại này ông đã có nhiều thành công. Đã có người bệnh từng là một bưu tá xã, trên 50 tuổi bị u xương hơn 30 năm. Khối u lúc đầu nhỏ, sau phát triển lớn dần, phá xương mặt, làm lồi mắt, lệch mũi, miệng. Bệnh nhân đã được nhiều tổ chức và chuyên gia trong, ngoài nước khám nhưng không dám can thiệp. Nhân một chuyến đi làm từ thiện, BS. Sơn cùng đồng nghiệp được Hội Chữ thập đỏ tại địa phương, nơi bệnh nhân sinh sống mời thăm khám. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện TWQĐ 108 điều trị. Cuộc mổ kéo dài hơn 12 giờ, cái khó nhất và kéo dài thời gian nhất không phải là cắt bỏ khối u mà làm sao tạo lại khuôn mặt bình thường cho người bệnh. Da, cơ, xương ở chỗ khác được lấy lên, cưa cắt, sắp xếp và nối lại với nhau làm khuôn mặt mới. Đã thành công. Nhưng lần này, phần da thịt vùng hàm bệnh nhân được tách ra để nhận xương ghép lại không tìm được mạch máu nuôi dưỡng. Một ca khác, liệt mặt do đứt thần kinh số 7, nhưng đến quá muộn, các cơ trên mặt lâu ngày không hoạt động nên không có khả năng phục hồi co duỗi khiến không thể phẫu thuật nối dây thần kinh đứt mà phải lấy cơ khác ghép vào thay các cơ bị liệt. Ông nói: những trường hợp liệt mặt do đứt thần kinh 7 đến sớm do tai nạn giao thông hoặc bị hành hung, bị chém được nối thần kinh kịp thời thường phục hồi được khá tốt. Dây thần kinh vốn là một bó các sợi thần kinh tạo thành. Mỗi sợi là một nhánh rất nhỏ từ tế bào thần kinh đi ra, có chức năng dẫn truyền các xung động thần kinh đến các cơ làm các cơ này vận động. Khi sợi thần kinh bị đứt thì sợi trục nằm ở đầu trung tâm sẽ mọc ra mỗi ngày được 1 ly cho đến khi đến được cơ do nó chi phối. Khi dây thần kinh bị đứt, hai đầu xa nhau thì phải nối chúng với nhau dưới kính phẫu thuật phóng to từ 10 - 20 lần. Dễ nối nhất là các vết cắt thẳng (bị chém) mà phức tạp nhất khi vết thương giành giật như trong các trường hợp tai nạn giao thông. Nhưng điều cần là thời gian còn đủ cho các cơ mặt không bị thoái hóa và có khả năng phục hồi vận động. Đứt sợi thần kinh số 7 là méo một khuôn mặt. Khuôn mặt méo không chết người nhưng lấy đi nhiều lắm hạnh phúc một đời người. Đến muộn do người bệnh an phận, cho rằng phận trời của mình là vậy, phải chấp nhận. Chính vì vậy, có ông tới chữa trĩ mới biết bệnh viện tạo được dương vật. Dương vật ông phải cắt do ung thư, ông tính chịu tật nguyền đã hơn 10 năm để cứu lấy mạng sống. Không ngờ đến đây ông lại có lối thoát. Ông đã hoãn cắt trĩ, xin phẫu thuật tạo hình dương vật trước. Phẫu thuật thành công. BS. Sơn cho biết, ở ta, phẫu thuật này được khởi xướng từ Quân y 108, ngay từ thời gian chiến tranh chống Mỹ. GS. Nguyễn Huy Phan là người tiên phong. Ông đã có bài tổng kết về hơn 50 ca tạo hình dương vật. Có cô y tá đã trở thành vợ của người bệnh mà cô chăm sóc. Một bệnh nhân khác ở Phủ Lý đã có con... Ngày nay, phẫu thuật này được hoàn thiện qua nhiều cải tiến kỹ thuật mổ và sử dụng các vật liệu phụ trợ mới nhằm lấy lại cả thẩm mỹ lẫn các chức năng tiết niệu và sinh dục cho phần ghép. Trước đây, trụ da làm nguyên liệu lấy từ bụng nên phải chuyển dần từ bụng lên cẳng tay, sau đó mới nối từ tay vào chỗ ghép (phẫu thuật hai thì). Từ năm 1990, chỉ làm một thì, lấy da cẳng tay cuộn lại đưa thẳng vào chỗ cần ghép, vừa làm niệu đạo vừa làm thân dương vật. Những vật liệu tạo cương cũng có nhiều thay đổi. Tham khảo kinh nghiệm các nước nhưng ta lại có sáng tạo của riêng mình. Kinh nghiệm hơn ba mươi ca của BS. Sơn thực hiện thành công đã lấy lại hạnh phúc thật sự cho nhiều người bệnh, làm phong phú thêm hướng phát triển phẫu thuật tạo hình này. Phẫu thuật cắt bỏ và nạo hạch do ung thư vú trước đây lấy đi khá rộng phần ngực. Cứu được mạng sống nhưng người bệnh phải chịu khuyết hổng lớn trên cơ thể trọn đời. Ngày nay, phẫu thuật tạo hình đang lấy lại dáng ngực, cả hình thể lẫn màu sắc da nơi núm, nơi quầng, người bệnh được sống cuộc sống gần với bình thường, hòa nhập với đời chung. BS. Sơn mở máy tính cho tôi xem một số hình ảnh chụp người bệnh trước và sau phẫu thuật. Một bước tiến không phải chỉ của y học qua các thành tựu của phẫu thuật mà còn là một bước tiến trong quan niệm về cuộc sống con người và việc thỏa mãn những đòi hỏi tinh thần, đòi hỏi về cái đẹp của họ. Hôm nay, được thấy những tấm ảnh do bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình lưu giữ về kết quả điều trị cho thương binh, bệnh binh và cả người dân thường mới thấy được thành tựu ngoại khoa của nước ta, riêng về phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ đã tiến một bước dài trong mấy chục năm qua. Có thể nói từ không thành có, từ có được hoàn thiện, nhanh chóng trở thành một khoa phẫu thuật đáng tin cậy, góp phần tích cực nâng cao cuộc sống của những người bệnh từng phải cam chịu thất thiệt một đời người. Tôi chú ý tấm ảnh chụp khoang miệng một bệnh nhân bị cắt dọc nửa lưỡi do ung thư. Khoang miệng trống đang đợi ghép lưỡi. Cắt một phần lưỡi bệnh là một thủ thuật không dễ an toàn vì chảy máu. Lưỡi sau khi cắt cần ghép các vạt tổ chức tự do để tạo lại hình dáng mới lấy lại phần nào chức năng cho cơ quan phát âm và vị giác này. Tôi hiểu tính phức tạp nối mạch máu, nối thần kinh ở vị trí khá hóc hiểm và chức năng khá tinh vi này
Tôi hỏi BS. Sơn: Trong việc phục hồi gương mặt những bệnh nhân bị bỏng lửa, bỏng hóa chất làm biến dạng toàn bộ gương mặt, ta đã có cách tạo lại gương mặt chưa? Tôi nhắc tới việc tạo hình gương mặt được coi là thành tựu của phẫu thuật thế giới. Ông Nguyễn Tài Sơn dè dặt: Đây là phẫu thuật phức tạp, phải làm nhiều đợt mà kết quả còn rất khiêm tốn. Người ta tạo được cái dáng hao hao khuôn mặt người. Tạo mũi, tạo miệng, tạo tai, tạo mắt, kể cả đôi lông mày… nhưng vẫn chỉ như gương mặt đắp, như dáng mặt nạ. Rất khó để tạo cho gương mặt có được nét biểu cảm. Cả một mạng lưới thần kinh dày đặc ngay dưới da mặt chỉ huy các cơ dưới da thực hiện chức năng ấy. Lớp thần kinh ở nông là những nhánh li ti rất dễ tổn thương, nhiều khi mất hẳn, không hoặc rất khó phục hồi. Thế giới cũng chưa có kết quả cao về lĩnh vực này. Ở ta, chủ yếu vẫn là giữ cuộc sống cho nạn nhân. Nguyễn Tài Sơn được giới phẫu thuật coi như người có bàn tay vàng. Có lẽ nhờ sự khéo léo cùng những sáng tạo trong thủ thuật, ông đã được giáo sư Nguyễn Huy Phan chú ý và chọn là một trong năm phẫu thuật viên được ông lựa chọn và đào tạo rất cơ bản về tạo hình vi phẫu. Trong phòng làm việc của ông, một bức chân dung GS. Phan mặc quân phục treo ngay tầm nhìn của ông khi khám bệnh. Tôi nhận thấy ông tỏ ra kiệm lời khi tôi hỏi về những dự định mới, nhưng ông lại băn khoăn nhiều về sự “phát triển ồ ạt” các phòng khám đa khoa và phẫu thuật thẩm mỹ. Hình như bác sĩ nào cũng có thể mở phòng khám đa khoa và phẫu thuật viên nào cũng có thể làm thẩm mỹ. Rất cần một phương pháp quản lý chuyên môn trong lĩnh vực đầy nhạy cảm này. Nó là yêu cầu của số đông nhưng lại ít được chú ý. PGS. Nguyễn Tài Sơn hiện có tham gia giảng dạy phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ cho những khóa bổ túc các bác sĩ. Ông thấy việc đào tạo chuyên khoa này cần được quan tâm hơn nữa mới đáp ứng được thực tế. Một điều quan trọng với mọi phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ là cập nhật kịp thời thành tựu trong nước và thế giới. Ở nước ta, ngành này còn non trẻ nhưng ở nhiều nền y học, nó đã có quá trình phát triển phong phú và giờ đây, cùng với tiến bộ của hồi sức, của phi lâm sàng, của dược phẩm…, việc ghép tạng, tạo hình các bộ phận cơ thể đang có những thành tựu mới mẻ, kinh ngạc như dự định ghép đầu người vừa được nêu trong báo chí y học thế giới. (Sức khỏe & Đời sống).
Nghề y, áp lực lớn
Nói về áp lực ngành y thì chúng tôi phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là từng phút, từng giây... nhất là mỗi khi gặp các ca bệnh khó, nguy hiểm.
Nói về áp lực ngành y thì chúng tôi phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là từng phút, từng giây... nhất là mỗi khi gặp các ca bệnh khó, nguy hiểm. Một trong những ca làm cho tôi nhớ và ấn tượng là trường hợp xảy ra vào năm 2011. Đó là một cháu bé tên là Julia Quỳnh, con lai (bố là người Mỹ, còn mẹ là người Việt Nam). Sau khi sinh ra tại Bệnh viện Việt Pháp, cháu bé bị suy hô hấp rất nặng và được đưa vào khoa chúng tôi cấp cứu trong tình trạng khó thở nặng, môi tím, co rút lồng ngực nặng, nhịp tim và nhịp thở rất nhanh, độ bão hòa ôxy trong máu rất thấp. Ngay lập tức cháu được thở ôxy qua mask và sau đó là thở máy. Đây là một trong những ca tương đối nguy hiểm và khó vì nguyên nhân gây suy hô hấp xảy ra trên trẻ đẻ đủ tháng, cân nặng 3.400g vẫn chưa được tìm ra, trong khi chúng tôi cũng đã tiến hành làm hết khả năng và cho thở máy mà vẫn không có chuyển biến gì. Nhiều ý kiến đề nghị chuyển lên khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi để điều trị, chứ để ở đây thì các bác sĩ và điều dưỡng chịu rất nhiều áp lực do ông bố cứ 1-2 tiếng lại hỏi về tình hình diễn biến của em bé ra sao và cách điều trị thế nào? Lúc đầu, tôi cũng nghĩ rằng, việc chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi cũng đúng, và chỉ cần ký một cái giấy chuyển và cho một chuyến ô tô là xong. Thế nhưng bây giờ mà rút máy thở ra, di chuyển, nhỡ giữa đường em bé tử vong thì sao? Mà nếu giữ lại thì tôi cũng bị áp lực một cách kinh khủng. Đồng nghiệp thì rất băn khoăn... Sau một hồi đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định giữ cháu bé lại, sau khi đã động viên ông bố người Mỹ và cũng nói rõ được các nguy cơ có thể xảy ra với cháu bé. May mắn thay rốt cuộc tôi cũng thuyết phục được ông bố cho cháu ở lại điều trị vì ông cũng rất lo nếu chuyển cháu đi thì có thể cháu sẽ tử vong trên đường vận chuyển.
Sau khi loại trừ các nguyên nhân tại phổi bằng chụp phim phổi, chúng tôi phải tiến hành tìm đến các nguyên nhân khác. Lúc này chúng tôi làm thêm siêu âm thóp thấy não bình thường và cũng không bị xuất huyết não. Siêu âm tim phát hiện còn ống động mạch lớn nhưng vì là ngày đầu tiên sau đẻ nên chúng tôi nghĩ có thể do suy hô hấp nặng nên ống động mạch mở ra. Và sau đó quyết định cho cháu thở máy cố gắng điều chỉnh máy thở cho thật phù hợp với mức độ suy hô hấp của bé. Thế nhưng sau 3 ngày điều trị tích cực cháu bé vẫn không thể cai được máy. Siêu âm tim vẫn thấy ống động mạch rất lớn. Lúc này sau khi hội chẩn chúng tôi quyết định đóng ống động mạch bằng thuốc ibuprofen. Tuy nhiên sau khi giải thích điều này với ông bố trẻ thì ông lại do dự vì sợ rằng nếu cho thuốc này có thể ảnh hưởng đến gan thận của bé. Chính vì thế ông ấy gọi điện thoại cho bác sỹ người Mỹ ở bên Mỹ và sau đó tôi là người phải trình bày lại tình hình bệnh lý của bé qua điện thoại hơn nửa tiếng đồng hồ để vừa hội chẩn với họ, vừa cố gắng thuyết phục họ cho chúng tôi tiến hành đóng ống động mạch bằng thuốc. Một lần nữa, may mắn thay tôi lại thuyết phục được bác sĩ người Mỹ đồng ý với cách xử trí của chúng tôi. Thế là ngay sau đó các biện pháp điều trị đóng ống được thực hiện. Vừa cho thuốc vừa theo dõi toàn trạng và siêu âm tim. Hai ngày sau ống động mạch được đóng, em bé được cai thở máy và ra viện sau gần 10 ngày điều trị. Ông bố người Mỹ và cả gia đình hết sức phấn khởi. Tất cả mọi người chúng tôi đều vui lây và thở phào nhẹ nhõm...
Áp lực là vậy, nhưng mỗi khi cứu sống được bệnh nhân, đó chính là niềm vui của người thầy thuốc và là động lực để cho mình phấn đấu hơn nữa... (Sức khỏe & Đời sống).
Xây dựng hệ thống y tế thích ứng với già hóa dân số
Già hóa dân số là một trong những xu hướng có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21. Tại Việt Nam, nhờ những thành quả tích cực của phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội, tuổi thọ người dân và tỷ lệ người cao tuổi gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, tăng quá nhanh số người cao tuổi đang là thách thức đối với hệ thống y tế khi đối mặt với việc phải bảo đảm quyền, khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và an toàn cho người cao tuổi.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư Nguyễn Trung Anh, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% số dân năm 1989 tăng lên 10,5% năm 2013. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2012, nhanh hơn sáu năm so với dự báo. Với tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với các nước khu vực, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn cấu trúc dân số già nhanh nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp gần hai lần hiện nay. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng số dân. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nhu cầu đào tạo nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất lớn, song năng lực của các cơ sở đào tạo hiện nay còn hạn chế.
Đáng chú ý, người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc ba chứng bệnh đặc trưng: Đái tháo đường, thoái khớp, ung thư... phải điều trị suốt đời. Các hội chứng đặc trưng ở người già: suy giảm nhận thức, rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm... Tính chất đa bệnh lý (trung bình một người già mắc gần ba bệnh mạn tính) triệu chứng không điển hình, dùng nhiều thuốc, tai biến do điều trị tăng... Với các chứng bệnh như vậy, chi phí điều trị cho người cao tuổi sẽ là con số khổng lồ. Theo tính toán của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 dân số Việt Nam sẽ già trước khi giàu vì chi phí y tế cho người cao tuổi sẽ tăng cao gấp bảy đến mười lần người trẻ, và người cao tuổi sẽ sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.
Để thích ứng già hóa dân số, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 35/2011/TT-BYT hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Theo đó, ngành y tế bước đầu xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người cao tuổi, trong đó bao gồm: Bệnh viện Lão khoa T.Ư, các khoa lão tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các nhà dưỡng lão của nhà nước và tư nhân, tổ chức CSSK người cao tuổi tại cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách liên quan đến CSSK người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một số bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương về già hóa dân số và CSSK người cao tuổi còn chưa đầy đủ. Hiện, chưa có một kế hoạch tổng thể về CSSK cho người cao tuổi. Thiếu các chính sách, giải pháp về tài chính để đối phó với già hóa dân số (hiện có 30% số người cao tuổi không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào). Trong đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; những mô hình CSSK người cao tuổi tại cộng đồng chưa được triển khai nhiều...
Theo Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cho người cao tuổi vô cùng quan trọng và cần được quan tâm thỏa đáng. Do lối sống thay đổi, bệnh tật ở người cao tuổi đang có xu hướng chuyển từ những bệnh dễ lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và mạn tính, nhiều bệnh nặng đang ngày càng phổ biến như ung thư, căng thẳng, trầm cảm... Những xu hướng này khiến cho chi phí CSSK ngày càng tăng cao và người cao tuổi cũng là đối tượng khả năng chịu nhiều rủi ro hơn. Không những vậy, người cao tuổi còn có những yêu cầu về CSSK và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư trẻ tuổi cho nên ngành y tế cũng cần có sự chuẩn bị cũng như kế hoạch đầu tư cho nhân lực, vật lực kịp thời.
Nhằm xây dựng một hệ thống y tế thích ứng với già hóa dân số, trước mắt, ngành y tế sẽ đầu tư tăng cường chất lượng và số lượng bác sĩ. Triển khai nhanh chóng các đơn vị lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các nhà dưỡng lão tại cộng đồng của Nhà nước và tư nhân. Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch; đặc biệt tăng cường CSSK tâm thần và phòng, chống bệnh ung thư. Trong đề án tăng cường y tế cơ sở, sẽ triển khai tích hợp mô hình bác sĩ gia đình để nâng cao năng lực CSSK người cao tuổi ngay tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm các điều kiện tốt nhất CSSK người cao tuổi. Xây dựng kế hoạch tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương để triển khai CSSK người cao tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự CSSK cho người cao tuổi; khuyến khích phát triển các mô hình CSSK người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình; nâng cao năng lực của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế từ cơ sở đến trung ương để đáp ứng nhu cầu CSSK cho người cao tuổi. Mở rộng độ bao phủ, tiến tới BHYT toàn dân để bảo đảm các CSSK thiết yếu tới mọi người dân, trong đó có người cao tuổi; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nhân viên chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế để đáp ứng nhu cầu CSSK người cao tuổi. (Nhân dân (trang 5).
Coi chừng hỏng mắt vì…máy massage mắt
“Máy giúp tăng cường tuần hoàn máu cho vùng mắt, xua tan cảm giác mệt mỏi, làm giảm cận thị, viễn thị và loạn thị, loại bỏ túi mỡ mắt, quầng thâm…” - Những lời quảng cáo có cánh về máy massage mắt này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, song tác dụng của nó đến đâu thì… chỉ dùng mới biết.
Chỉ có lợi chứ không gây hại?
Do có 2 con trai đang độ tuổi đi học đều bị cận thị khá nặng nên chị Nguyễn Thu Nguyệt (ở phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội) rất quan tâm đến các phương pháp điều trị cận thị. Thời gian gần đây, chị Nguyệt được biết một số cá nhân rao bán máy massage mắt chữa cận thị nên quyết định tìm mua sản phẩm. “Tôi liên lạc đến số điện thoại của nơi bán máy và ngỏ ý muốn xem hàng trước khi mua thì họ nói chỉ có cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP.HCM, khách hàng ở các tỉnh khác muốn mua phải đặt qua mạng.
Họ cũng khẳng định rằng, máy này được thiết kế nhỏ gọn như một chiếc kính râm nên người lớn và trẻ nhỏ đều có thể dùng được và nếu đeo hàng ngày, độ cận thị, viễn thị, thậm chí loạn thị sẽ giảm dần đến khi khỏi hẳn. Tuy vậy, khi tôi hỏi kính massage mắt đã được cơ quan chức năng kiểm định chưa, có được bảo hành không thì nhân viên bán hàng chỉ ậm ừ rằng, hàng xách tay nên chỉ được bảo hành tại điểm bán hàng. Cửa hàng chấp nhận đổi với những hư hỏng do lỗi của… nhà sản xuất. Nếu người bị cận đeo máy thường xuyên, độ cận thị chắc chắn sẽ giảm, còn khỏi hay không tùy thuộc vào cơ địa từng người?!” - chị Nguyệt chia sẻ.
Liên lạc tới số điện thoại của điểm bán máy massage mắt do chị Nguyệt cung cấp, chúng tôi cũng được nhân viên bán hàng tư vấn khá nhiệt tình. Theo nhân viên này, máy được thiết kế gọn nhẹ dành riêng cho vùng mắt với các đầu massage chứa nhiều hạt từ tính được bố trí theo đúng vị trí các huyệt đạo của mắt. Do đó, nó sẽ tác động giúp tăng cường tuần hoàn máu cho vùng mắt, làm giảm các tật về khúc xạ. Không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe, máy massage mắt còn có thể làm chậm quá trình lão hóa, làm mờ các nếp nhăn vùng mắt, trán, cải thiện tình trạng bọng mắt, quầng mắt, đánh tan mỡ thừa, làm tăng tính đàn hồi của da, chống lão hóa, làm giảm các cơn đau đầu nhanh chóng…
Cũng theo nhân viên này, nếu sử dụng máy thường xuyên, thị lực của người dùng sẽ được cải thiện rõ rệt mà không cần sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc nào. Trả lời thắc mắc của chúng tôi liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, những điều cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm, đặc biệt là với trẻ em, nhân viên tư vấn tiếp tục quảng cáo, “máy massage mắt là hàng ngoại nhập, chỉ có lợi chứ không gây hại”!
Thận trọng khi sử dụng
Mặc dù được giới thiệu có rất nhiều công dụng, song giá máy massage mắt khá đa dạng, từ vài trăm đến hàng triệu đồng/chiếc. Đây cũng chính là lý do khiến không ít người tiêu dùng đã quyết định mua sản phẩm về sử dụng.
Liên quan đến một số sản phẩm, phương pháp chữa các tật khúc xạ về mắt hiện nay, bác sỹ Trần Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, do ngày càng có nhiều người bị cận, viễn, loạn thị... nên một số cá nhân đã lợi dụng niềm tin của khách hàng để quảng cáo quá sự thật nhằm thu lợi từ việc bán những thực phẩm chức năng, các loại thuốc, kính massage mắt.
Trong khi đó, tâm lý người bệnh, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ bị các tật về khúc xạ thường lo lắng, sốt ruột nên khi nghe nói có loại máy hay thuốc chữa khỏi các bệnh này thường không ngần ngại bỏ tiền ra mua mà chưa biết công dụng của chúng đến đâu. Có thể khẳng định, kính massage mắt hoặc các sản phẩm khác nếu có tác dụng chỉ mang tính hỗ trợ làm giảm nhức mỏi trong một thời điểm nào đó, chứ không thể điều trị khỏi các tật khúc xạ về mắt. Do vậy, để bảo vệ mắt, cách tốt nhất là mỗi người cần bố trí thời gian nghỉ ngơi kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh mắt hàng ngày.
Cũng theo bác sỹ Trần Thu Hà, việc sử dụng các thiết bị như máy massage mắt nếu trong thời gian dài, liên tục, với cường độ rung mạnh có thể dẫn đến hiện tượng hoa mắt, chóng mặt gây nguy hại cho mắt và não. Bên cạnh đó, do cấu tạo của kính massage gồm nhiều thanh nhỏ tác động lực vào xung quanh mắt nên khi kính vận hành nó có thể chà xát vào mắt, đặc biệt là mắt những người đeo kính áp tròng hoặc những trẻ nhỏ do hiếu động mở mắt trong khi đeo kính, làm tăng nguy cơ gây tổn thương.
Hiện nay, có 2 phương pháp được áp dụng để điều trị cận thị là phẫu thuật hoặc mang kính. Do vậy, để bảo vệ “cửa sổ tâm hồn”, những người mắc tật khúc xạ cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh việc mua và sử dụng các thiết bị y tế được bày bán trôi nổi trên thị trường kẻo vừa mất tiền, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. (An ninh thủ đô (trang 8).
Nỗi oan Quinvaxem
Cơn sốt vaccine dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim lên tới đỉnh điểm ở Hà Nội, TP.HCM vừa qua xuất phát từ nỗi sợ vaccine Quinvaxem do một số vụ tai biến sau khi tiêm loại vaccine này. Thực tế, Quinvaxem đã bị oan. So với những loại vaccine phổ biến trên thế giới, mức độ an toàn của Quinvaxem không hề thua kém.
Quyết chờ vaccine dịch vụ
Lý giải về câu chuyện “sốt” vaccine, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Tâm lý các bậc phụ huynh lo lắng cho con em mình là điều dễ hiểu, nhất là trong hoàn cảnh đang nhiễu thông tin sau khi nhiều tờ báo đưa tin không chính xác về các ca phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem. Trên thực tế, vaccine dịch vụ Pentaxim cũng gây phản ứng với mức độ tương đương, nhưng hiện tại số lượng trẻ tiêm vaccine này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với Quinvaxem nên nhiều người lầm tưởng rằng Pentaxim an toàn 100%. Các ông bố, bà mẹ cần biết rằng, thời điểm tiêm chủng tốt nhất ở trong khoảng thời gian trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Đây là thời điểm “vàng” để vaccine phát huy tối đa tác dụng. Nếu không tiêm chủng hoặc chờ đợi vaccine dịch vụ trong thời gian quá lâu thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là rất lớn. Chúng ta đã có bài học đau xót về dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong chỉ trong thời gian ngắn hay dịch bạch hầu ở Quảng Nam, dịch ho gà tại Hà Nội năm 2015 mà nguyên nhân chính cũng là do người dân quay lưng với việc tiêm chủng.
Lợi dụng tâm lý của các bậc phụ huynh có nhu cầu tiêm Pentaxim, thị trường đã xuất hiện những dịch vụ đăng ký tiêm chủng và tiêm vaccine xách tay khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc ngăn chặn.
Vaccine nào là tốt?
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, hiện nay, Việt Nam phổ biến 2 loại vaccine tổng hợp là Quinvaxem (vaccine tiêm chủng mở rộng) và Pentaxim (vaccine dịch vụ). Quinvaxem là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib - trong một mũi tiêm. Đây đều là những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi - đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam.
Trên thế giới, Quinvaxem được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều đã được cung cấp, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống lại các dịch bệnh nguy hiểm. Vì Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như trẻ bị sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc... nhưng đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vaccine chứa thành phần vô bào như Pentaxim. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong so với vaccine chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.
Pentaxim là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hemophilus influenza tuýp B. Điều khác biệt cơ bản giữa 2 loại vaccine trên chỉ ở thành phần ho gà: vô bào ở Pentaxim và toàn tế bào ở Quinvaxem. Theo các nhà khoa học, kháng nguyên toàn tế bào sẽ kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vô bào.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù các phản ứng hệ thống và tại chỗ thường liên quan tới vaccine ho gà toàn tế bào, nhưng cả 2 loại vaccine có tỷ lệ như nhau về các phản ứng nặng và tử vong. Kết quả giám sát và nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, các trường hợp tử vong sau tiêm chủng hầu hết là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ mà không liên quan tới vaccine. Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn vaccine của WHO kết luận, vaccine Quinvaxem 5 trong 1 là một trong những vaccine an toàn nhất hiện nay, có tầm quan trọng đặc biệt trong phòng 5 bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ bằng một mũi tiêm. Hiện WHO vẫn khuyến cáo các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine Quinvaxem.
Đến nay, trong 5 năm, Việt Nam đã thực hiện khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem và số ca bị tai biến là 63 trẻ.
Trong khi đó tại Italia, loại vaccine 6 trong 1 vẫn được sử dụng là Infanrix Hexa đã thực hiện 15 triệu mũi tiêm và có 63 trẻ tử vong đột ngột. Một nghiên cứu khác cũng ở Italia thống kê số trẻ tử vong đột ngột chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vaccine (gồm 2 loại vaccine 6 trong 1 có tên Infanrix Hexa và Hexavac, cùng các mũi rời khác) là 52 trẻ.
Còn tại Mỹ, từ năm 2008 đến 2010 đã có gần 13 triệu liều vaccine Pentacel (“anh em sinh đôi” của vaccine Pentaxim) được tiêm và đã có 26 trẻ tử vong sau khi tiêm. Như vậy, tới nay, không có bằng chứng cho thấy vaccine Quinvaxem kém an toàn hơn Pentaxim hay loại vaccine nào khác (An ninh thủ đô (trang 8).
Bệnh viện vẫn quá tải với sốt xuất huyết
Ngày 9-1, ông Bùi Xuân Minh - giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - cho biết dịch sốt xuất huyết ở tỉnh này có dấu hiệu giảm nhẹ.
Theo ông Minh, trong hai tuần qua số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đã giảm: từ 200 - 250 ca/ngày xuống còn 120 - 140 ca/ngày, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa từ 150 ca/ngày còn 110 ca/ngày
Tuy vậy, các bệnh viện vừa nêu vẫn trong tình trạng quá tải và Sở Y tế Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết quyết liệt, vì nếu lơ là thì dịch bệnh có thể tăng nhanh trở lại.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2015 tỉnh dự báo có khoảng 6.000 ca mắc sốt xuất huyết vì tới chu kỳ dịch, tuy nhiên số mắc tính đến cuối năm là hơn 9.000 ca, gấp gần 10 lần so với năm 2014, trong đó có hai bệnh nhân ở huyện Vạn Ninh tử vong.
Tại cuộc họp triển khai công tác tháng 1-2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa vừa được tổ chức, ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nhận xét sốt xuất huyết ở Khánh Hòa năm nào cũng có, cần phải lập biểu đồ cụ thể từ năm 2010 đến nay để có phương án ứng phó chủ động hơn, bởi công tác này năm 2015 ngành y tế của tỉnh triển khai còn bị động.
Ông cũng yêu cầu ngành y tế chủ động xử lý quá tải ở các bệnh viện khi có dịch sốt xuất huyết, không để bệnh nhân phải nằm giường ghép, nằm hành lang...
Ông Nguyễn Hùng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên - cho biết trong năm 2015, toàn tỉnh có 1.800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,5 lần so với năm 2014 và cũng có hai ca tử vong ở các huyện Phú Hòa và Tuy An. Những ngày đầu năm nay dịch bệnh giảm nhẹ do trời hết mưa và nhờ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo ông Hùng, dịch sốt xuất huyết ở Phú Yên chủ yếu xảy ra ở ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Ông Hùng nói đáng lo nhất là năm 2016 Phú Yên sẽ đến chu kỳ dịch sốt xuất huyết. (Tuổi trẻ (trang 9).