Hà Nội sẽ lập sổ theo dõi sức khoẻ cho từng người dân
Sáng 9-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, kiểm tra công tác khám chữa bệnh ở Trạm y tế phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và làm việc với ngành y tế Hà Nội để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khoẻ cho tất cả người dân Thủ đô. Đi cùng đoàn còn có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam.
Y tế cơ sở là hạt nhân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua nhiều lần đi khảo sát thực tế, y bác sỹ ở cơ sở đều chia sẻ tâm tư rằng, muốn được làm nhiều việc hơn và ai cũng biết về nguyên lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh" và phải làm tốt từ cơ sở, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng là giải pháp lâu dài để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nhấn mạnh mục đích cuối cùng là tất cả người dân đều được lập hồ sơ, tư vấn, khám chữa bệnh, sau đó khám định kỳ hàng năm, Phó Thủ tướng lưu ý, ê kíp y bác sỹ ở trung tâm y tế cơ sở chính mà mô hình của Bác sỹ Gia đình phục vụ nhân dân. “Tất cả người dân được theo dõi sức khoẻ, khám bệnh là ước mơ của toàn dân cũng là mong muốn của các y bác sỹ ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện quyết liệt việc này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn thành phố hiện có 584 trạm y tế xã phường. Trong đó, 560 trạm đã đạt chuẩn quốc gia. Đến 30-6, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế.
Để triển khai việc triển khai khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khoẻ cho tất cả người dân Chủ tịch UBND TP khẳng định, Hà Nội sẽ hoàn thành sớm bởi lợi thế đã có dữ liệu dân cư thường xuyên được cập nhật, chỉ cần mở thêm trường thông tin về sức khỏe. Với việc nối mạng toàn hệ thống, sau này người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Mỗi người có có một mã số riêng, bác sỹ chỉ mở được các thông tin cá nhân được nếu người bệnh đồng ý để đảm bảo tính bảo mật.
Chủ tịch UBND TP cũng đề xuất kết nối gần 3.000 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập vào mạng chung, tiến tới quản lý chung toàn thành phố. Bác sỹ kê đơn mới được mua thuốc để khắc phục tình trạng 75% người dân vẫn tự mua thuốc không cần đơn như hiện nay dẫn đến thực trạng khó quản lý giá, chất lượng thuốc và tình trạng kháng thuốc.
Kiến nghị của Chủ tịch UBDN TP về việc sẽ giao cơ chế tự chủ cho các trạm y tế cơ sở để chủ động về cơ cấu tổ chức, nhân sự, kêu gọi thêm đầu tư, Phó Thủ tướng đánh giá đây là cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cấp cơ sở.
Cụ thể về cách làm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận huyện tại các trung tâm y tế xã, phường. Các bác sỹ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Trung bình một ngày ở một trung tâm sẽ khám được từ 300 đến 500 người. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Hà Nội cam kết sẽ hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân trong tháng 9 tới đây.
Rà soát, điều chỉnh các quy định
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp hỏi chuyện các cán bộ Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm cũng như Trung tâm y tế phường Tây Mỗ. Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng rằng, nếu giao nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi sức khoẻ từng người dân cho trạm y tế cơ sở thì có thực hiện được không? Trưởng trạm Y tế xã Tây Mỗ khẳng định sẽ làm tốt và mong muốn được triển khai sớm. Các y bác sỹ cấp cơ sở cũng phản ánh nhiều khó khăn trong cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cũng như cần thiết ban hành danh mục các bệnh được khám chữa ở cấp cơ sở cũng như danh mục được thanh toán BHYT; cấp thuốc BHYT ở ngay cơ sở để thuận tiện cho người dân…
Về phản ánh liên quan đến những khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế khi khám bệnh vì vướng mắc giữa chứng chỉ hành nghề và chứng nhận, Trưởng Trạm y tế xã Tây Mỗ cho biết mình được đào tạo siêu âm 3 tháng ở bệnh viện Xanh Pôn, sau đó được cấp chứng nhận. Nhưng thực tế khi siêu âm ở cơ sở không được thanh toán vì yêu cầu phải có chứng chỉ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi, vì sao lại phân biệt giữa chứng chỉ và chứng nhận? Đề nghị các bộ, sở ngành cần cầu thị, không đổ trách nhiệm, Phó Thủ tướng nói thêm: "Rất vô lý khi cùng một bác sỹ, khám ở chỗ này thì được thanh toán, chỗ kia thì không. Chúng ta cần rà soát điều chỉnh lại các quy định cho phù hợp thực tế, không nên máy móc, làm khó cơ sở”.
Một trong những vấn đề quan trọng là kinh phí để thực hiện chương trình quan trọng này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đã gửi dự thảo dự toán kinh phí đến Bộ Y tế, Bộ Tài chính để xin ý kiến, dự kiến sẽ có 5.000 tỷ đồng để triển khai trên toàn quốc. Với mức kinh phí Hà Nội khái toán là 3.000 đồng/người cho việc lập sổ, 3.000 đồng/người cho các vật tư tiêu hao. Các y bác sỹ chỉ nhận tiền bồi dưỡng. Đại diện BHXH Việt Nam hoan nghênh và đánh giá nếu tỉnh thành nào cũng như Thủ đô, kinh phí cho công tác này sẽ được đảm bảo.
Biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi người dân sẽ được lập sổ khám chữa bệnh với các thông tin cơ bản: chiều cao, cân nặng, khám cận lâm sản; các chỉ số cơ bản về máu và siêu âm. Riêng ở Hà Nội, Phó Thủ tướng đề nghị cân nhắc huy động thêm nguồn lực xã hội hoá làm thêm các chỉ số quan trọng khác. Phấn khởi và tin tưởng Hà Nội sẽ hoàn thành công việc lịch sử này trong tháng 9-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, việc cần làm tiếp theo là cần đào tạo, tập huấn để các cán bộ y tế cơ sở còn có thể tư vấn sức khoẻ theo đặc điểm riêng của mỗi người dân. “Như vậy người dân sẽ càng tin tưởng hơn, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT bới những lợi ích thiết thực”, Phó Thủ tướng khẳng định (An ninh thủ đô, trang 3; Tiền phong, trang 4; Hà Nội mới, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra 4 đơn vị y tế dự phòng: Kiện toàn lại mô hình y tế dự phòng tuyến TW
Ngày 8/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với một số đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng, gồm: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Dinh dưỡng và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Theo nhận định của Bộ Y tế, mô hình y tế dự phòng tuyến Trung ương vẫn nhiều đầu mối và đổi mới chậm hơn so với mô hình y tế dự phòng tuyến tỉnh và huyện.
Trước khi vào làm việc trong buổi chiều ngày 8/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành cả buổi sáng ngày 8/2 để đi kiểm tra thực tế tại 4 viện trên. Tại các viện này, Bộ trưởng đã trực tiếp đến tận các khoa, phòng nghiên cứu, xét nghiệm, vi sinh... để nắm thông tin từ thực tiễn.
Đến các viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao và ghi nhận các mặt tích cực của các viện, đặc biệt là việc đổi mới toàn diện của các đơn vị y tế từ cơ sở hạ tầng xanh - sạch - đẹp đến thái độ phục vụ cũng như chất lượng chuyên môn. Bộ trưởng mong muốn, các đơn vị tiếp tục phát huy những thế mạnh đã đạt được; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và có những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã trực tiếp thăm hỏi sức khỏe của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; đồng thời Bộ trưởng đã có những chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo một số viện về việc cần cải tạo, bố trí lại một số khoa, phòng chưa hợp lý. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo các viện hứa sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế của đơn vị mình trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, tại Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo của 4 viện trên. Tại đây, những khó khăn cũng như những đề xuất, kiến nghị của các viện về đổi mới tài chính; về nhân lực cũng như về đào tạo cán bộ cho hệ thống y tế dự phòng đã được Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ. “Hiện hệ thống y tế dự phòng cần tập trung thực hiện 4 chức năng sau: Nghiên cứu, y tế công cộng, các loại dịch vụ và các hoạt động khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay, trong khi nhiều đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện đã và đang sáp nhập để trở thành mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) theo xu hướng của thế giới, thì ở cấp Trung ương, các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng của Bộ Y tế vẫn dàn trải với bộ máy cồng kềnh. Một số đơn vị như Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW là mô hình đã quá cũ, hầu hết các nước trên thế giới đã sáp nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói chung. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu ung thư cần phát triển và mở rộng thì lại quá nhỏ, đặt tại Bệnh viện K Trung ương. Điều đáng nói là hiện nay, nhiều đơn vị y tế dự phòng chủ yếu hoạt động bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh, tiêm vắc-xin... Tại nhiều viện, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học lại không phát huy được và nhiều năm qua, không tìm được nguồn kinh phí cho các công trình nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới sẽ tập trung kiện toàn lại mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến Trung ương giống như việc đổi mới mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện đang diễn ra hiện nay.
Theo Bộ trưởng, vừa qua, thực hiện đổi mới và kiện toàn bộ máy của y tế tuyến huyện, đã giảm bớt đầu mối và hình thành trung tâm y tế với 2 chức năng vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa thực hiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý các bệnh không lây nhiễm. “Tại một số tỉnh cũng đã sáp nhập một số trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng (không có giường bệnh) thành những Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Những đổi mới này đã thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước là giảm bớt đầu mối, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước” - Bộ trưởng nói (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Công cụ mạnh ngăn trục lợi bảo hiểm y tế
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, hệ thống giám định thông tin BHYT bắt đầu được thành phố triển khai từ giữa năm 2016 vừa qua. Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, minh bạch trong quản lý mà hệ thống này đã giúp phát hiện ra nhiều sai phạm.
Phần mềm giúp phát hiện sai phạm
Chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2016, nhờ phần mềm giám định thông tin BHYT kết nối rộng rãi đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn, BHXH TP Hà Nội đã thống kê được nhiều trường hợp sử dụng thẻ BHYT sai phạm, phổ biến nhất là tình trạng người bệnh đi khám nhiều nơi trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Cụ thể, có 100 trường hợp khám trên 50 lần, cá biệt có trường hợp đi khám BHYT tới 140 lần trong 3 tháng này; 1 hồ sơ đề nghị thanh toán 2 lần với tổng chi phí trên 491 triệu đồng…
Trước đó, BHXH TP Hà Nội đã lựa chọn 6 cơ sở khám chữa bệnh BHYT để thí điểm thực hiện giám định hồ sơ chi tiết, đồng thời thực hiện giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo hai phương pháp (phương pháp cũ và phương pháp giám định trên hệ thống phần mềm giám định) để so sánh. Kết quả, phần mềm giám định đã cảnh báo được những chi phí bất hợp lý như: Thuốc và dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục, giá cao hơn giá được phê duyệt, thanh toán sai quyền lợi được hưởng, thẻ hết giá trị sử dụng…
Trên phạm vi cả nước, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, sau hơn 7 tháng triển khai, đến nay hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận gần 70 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán; kết nối, liên thông dữ liệu với 12.461 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, đạt 99,5%. Ngoài việc cung cấp các chức năng kiểm tra thẻ BHYT, tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, hệ thống giám định này cũng giúp quản lý thông tuyến và ngăn ngừa làm dụng thẻ BHYT hiệu quả. Mới đây, qua kiểm tra kỹ thuật liên quan đến thanh toán BHYT ở một tỉnh, BHXH Việt Nam đã xuất toán tới hơn 200 tỷ đồng...
Dù vậy, BHXH Việt Nam cũng thừa nhận, hiện công tác triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT còn nhiều khó khăn do việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Đa số đơn vị không thực hiện việc chuyển dữ liệu ngay khi người bệnh ra viện để quản lý thông tuyến, tỷ lệ này trong tháng 1-2017 chỉ đạt 49%, gây khó khăn trong việc kiểm soát lạm dụng thẻ BHYT.
Sẽ cấp thẻ BHYT điện tử
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và vận hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT phiên bản 2.0 để liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh và giám định BHYT, đồng thời thực hiện việc tiếp nhận và giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo hình thức trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Mặt khác, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với ngành y tế bổ sung, thống nhất, chuẩn hóa tên của các dịch vụ kỹ thuật, thuốc để quá trình kết nối, giám định BHYT được thông suốt.
Cũng liên quan đến cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT, Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử để thuận tiện cho người dân. Hiện tại, BHXH Việt Nam đã áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Xu hướng này sẽ giúp tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung (An ninh thủ đô, trang 3).
Lo chồng chéo quản lý an toàn thực phẩm
TP Hồ Chí Minh đang gấp rút chuẩn bị để Ban Quản lý (BQL) an toàn thực phẩm (ATTP) đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dư luận lo ngại về sự chồng chéo trong quản lý lĩnh vực này vì trước đó, các sở, ngành của thành phố liên tiếp triển khai các mô hình quản lý ATTP của riêng mình.
"Mạnh ai nấy làm"
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), năm 2016 trên địa bàn thành phố đã phát hiện hơn 9.000 trường hợp vi phạm về ATTP. Trong số đó, hơn 3.700 trường hợp bị xử phạt với số tiền trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cảnh cáo 484 cơ sở, đình chỉ 7 cơ sở, tịch thu và tiêu hủy 99 tấn thực phẩm các loại. Trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước về ATTP tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn chồng chéo khi có 3 ngành (Y tế, Công Thương và Nông nghiệp) cùng tham gia quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn. Dù vậy, khi có sự cố xảy ra thì không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả, chưa kịp thời giải quyết các vụ việc do thiếu đầu mối có đủ thẩm quyền quản lý.
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập BQL ATTP thành phố trong 3 năm, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) và một số bộ phận thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương. Dự kiến ngay trong quý I-2017, BQL sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trước khi BQL ATTP TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, các sở, ngành của thành phố liên tiếp đưa vào hoạt động các mô hình quản lý ATTP. Cụ thể, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT thành phố đã tổ chức thí điểm hai mô hình truy xuất nguồn gốc thịt lợn (Te-Food) và rau củ quả (FoodTrace) bằng tem điện tử. Nhưng đáng nói là các mô hình quản lý này hoàn toàn tách biệt với nhau và chưa có sự thống nhất thực hiện.
Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia trong lĩnh vực ATTP nhận định, người dân bị “nhiễu loạn” trước thị trường thực phẩm vì không biết đâu là thực phẩm sạch. Hàng loạt các chứng nhận chất lượng, phương thức quản lý được các hội ngành, cơ quan chức năng lập ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có một tiêu chuẩn chung, làm giảm lòng tin của người dân vào thực phẩm an toàn.
Đưa về một đầu mối?
Về việc đưa hai mô hình quản lý thực phẩm riêng biệt hiện nay của Sở Công Thương và Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh về một đầu mối, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, các mô hình đều đang trong giai đoạn thí điểm nên chưa thể ngay lập tức về "chung một nhà". Trong quá trình thí điểm, giữa hai sở sẽ có những trao đổi, phối hợp nhằm mục tiêu duy nhất là cung cấp thực phẩm sạch cho người dân thành phố. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, ngoài truy xuất nguồn gốc thịt lợn, Te-Food của Sở Công Thương sẽ tiếp tục hướng đến các loại thực phẩm khác, trong đó có rau, củ, quả. Ông Hòa cho rằng, mô hình của Sở Công Thương và Sở NN&PTNT đều nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng do đó người dân có thể yên tâm khi sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, tất cả các mô hình quản lý ATTP hiện nay tuy do từng sở, ngành triển khai, nhưng các ngành có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đều hỗ trợ lẫn nhau, nhằm hoàn chỉnh chuỗi thực phẩm sạch cung ứng cho người dân. Bà Mai nhận định Khi BQL ATTP thành phố đi vào hoạt động, những mô hình quản lý thực phẩm hiện nay sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của BQL (Hà Nội mới, trang 6).
Nhập viện do tiêm thuốc điều trị đau lưng
Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đang điều trị cho bệnh nhân nam (67 tuổi, ngụ tại Nghệ An), nhập viện trong tình trạng có ổ áp xe vùng da, cơ tại vị trí tiêm chọc (vùng thắt lưng); chụp phim cũng cho thấy có ổ áp xe trong đĩa đệm ống sống thắt lưng. Các bác sĩ đã mổ, làm sạch dịch mủ ứ trong các ổ áp xe vùng cơ lưng, ổ áp xe ở đĩa đệm và đốt sống thắt lưng của bệnh nhân. Hiện bệnh nhân chờ được can thiệp điều trị về bệnh lý cột sống.
Khoảng 1 tháng trước, bệnh nhân đến khám tại một cơ sở y tế, được chỉ định tiêm thuốc vào vùng lưng để điều trị. Sau đợt tiêm, bệnh nhân bị sốt và sưng tấy vùng cơ thắt lưng, phải chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ cho biết khoa chấn thương chỉnh hình và cột sống thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện sau khi bệnh nhân điều trị bằng cách tiêm thuốc vùng lưng, cột sống tại các cơ sở y tế khác chuyển đến (Thanh niên, trang 2).