Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ chấn thương, tử vong ở người chơi thể thao; AstraZeneca hợp tác với Bộ Y tế phòng chống bệnh tật; Chạy thận nhân tạo cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử, shisha

 

Nguy cơ chấn thương, tử vong ở người chơi thể thao

Những ngày gần đây liên tiếp ghi nhận các trường hợp chấn thương và tai nạn ở người chơi thể thao. Đã có trường hợp tử vong dù có kinh nghiệm tập lâu năm. Đây là hồi chuông cảnh báo người tập phải chọn bài tập phù hợp với thể trạng, không nên tập một mình và nắm vững các quy tắc an toàn.

Vậy tập làm sao để các bộ môn thể thao phát huy lợi ích cho sức khỏe và phòng tránh tối đa những chấn thương, tai nạn đáng tiếc xảy ra?

Chấn thương nặng: có người chết, người liệt chân

Sự việc chị N.H. (27 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tử vong tại phòng tập vào ngày 7-3 khiến nhiều người, đặc biệt là người tập luyện thể dục thể thao không khỏi bàng hoàng. 

Tại hiện trường, chị H. bị dải dây tập bằng vải có đầu mối treo trên xà nhà thắt siết ngang bụng, hai chân sắp chạm tới mặt sàn. Được biết chị là người tập luyện yoga nhiều năm qua.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - để làm rõ nguyên nhân cần có sự hỗ trợ của cơ quan pháp y. 

Tuy nhiên, dựa vào những thông tin được cung cấp ở thời điểm hiện tại, có thể nghĩ đến nguyên nhân là do bụng của chị H. bị siết quá chặt.

Khi bụng bị siết, đồng nghĩa với việc động mạch chủ bụng bị tăng áp lực. Theo phản xạ cơ thể, nhịp tim giảm đi, hơi thở chậm dần khiến nạn nhân bị ngất. 

Bên cạnh đó, nạn nhân đang trong trạng thái treo lơ lửng, không thể tự thoát ra dẫn đến hôn mê và tử vong. 

Hiện tượng nêu trên không chỉ xảy ra ở bụng mà còn có thể xuất hiện ở vị trí khác, phổ biến nhất là ở vùng cổ.

Trường hợp khác là nam thanh niên 18 tuổi nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng liệt vận động hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ hai núm vú trở xuống sau tập gym.

Theo bác sĩ Lã Quang Thịnh, phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện, đây là một trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể gặp chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế. Tủy sống bị chèn ép bệnh nhân có nguy cơ bị liệt hai chi dưới phải ngồi xe lăn suốt đời.

Chấn thương vì vượt khả năng cơ thể chịu đựng

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - chủ tịch Liên chi hội Y học thể dục thể thao TP.HCM, cho biết nguy cơ tai nạn, chấn thương ở bộ môn thể thao nào cũng có thể xảy ra nếu không tuân thủ các nguyên tắc trước, trong và sau tập. 

Nhưng với các bộ môn thể thao có động tác khó hay phải tập ở cường độ cao, có tính đối kháng, mạo hiểm như boxing, cardio, leo núi, nhảy dù, đá bóng... thì chấn thương, tai nạn dễ xảy ra hơn.

Riêng nguy cơ bị chấn thương khi tập yoga, ông Nguyễn Thiện Tín, ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Yoga Việt Nam, cho hay ít so với những bộ môn đối kháng, điều này xảy ra chủ yếu do không khởi động kỹ, tập nóng vội, quá sức.

Theo nguyên tắc tập yoga, người tập nên chọn những bài tập phù hợp với độ tuổi, thể lực và cơ địa. Trước khi bắt đầu bài tập phải khởi động kỹ. 

Trong lúc tập nên tập vừa sức và phải có huấn luyện viên để kiểm tra tư thế và điều chỉnh kịp thời nếu tư thế sai. Người huấn luyện phải biết cách sơ cứu chấn thương cho người tập.

"Trên mạng rất nhiều hình, video người tập yoga với những tư thế rất đẹp, khó. Nhiều chị em cũng muốn thực hiện được những tư thế như vậy, "đua nhau" tập theo dù mới bắt đầu học. 

Đây là điều không nên, tập yoga cần quá trình rèn luyện. Nếu khởi động không kỹ, tập nóng vội, quá sức thì khả năng chấn thương rất cao", ông Thiện Tín cảnh báo.

Còn bác sĩ Lộc lưu ý: "Trong bộ môn yoga có những tư thế đòi hỏi kỹ thuật và độ dẻo dai, vì nếu không đáp ứng được các điều kiện này, người tập luyện có khả năng gặp phải tổn thương ở các khớp. 

Ngoài ra, một loại tổn thương khác có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người tập là chấn thương cột sống, đặc biệt là cột sống cổ".

Chọn bộ môn phù hợp thể trạng, tập vừa sức

Qua những trường hợp đáng tiếc khi tập luyện, bác sĩ Lộc nêu kinh nghiệm ít được quan tâm là cần phải cẩn thận ở các vị trí như bụng và cổ, vì những nơi này có các mạch máu lớn đi qua.

"Trong quá trình tập luyện, nếu tì đè (có thể là để tạ ở tư thế chờ khi tập gym hoặc treo dây khi tập yoga) ở các vị trí như bụng và cổ thì có nguy cơ làm giảm nhịp tim và nhịp thở, khiến người tập bị ngất đi và người gặp nạn có khả năng tử vong nếu không được phát hiện kịp thời", bác sĩ Lộc chia sẻ thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm y học thể thao Starsmec (từng là bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam), tại phòng tập gym có dụng cụ tập chuyên biệt cho từng người, từng mục đích tập.

Người tập cần đặc biệt chú trọng đến tập tạ, đây là một trong những dụng cụ dễ gây chấn thương. Các chấn thương dễ xảy ra nếu tập không đúng như chấn thương khớp cổ tay khi tập tạ, chấn thương lưng và đầu gối, chấn thương bắp tay trước, chấn thương khớp khuỷu tay, chấn thương khớp vai, rách cơ, đứt dây chằng.

Tập luyện thể thao an toàn cần lưu ý chọn bộ môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, nên ngừng tập luyện khi đang có chấn thương, cần bổ sung nước, điện giải trong quá trình tập luyện, lựa chọn trang phục phù hợp để tập luyện từng bộ môn (Tuổi trẻ, trang 9).

 

AstraZeneca hợp tác với Bộ Y tế phòng chống bệnh tật

Ngay sau lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác y tế mới giữa Bộ Y tế và AstraZeneca Việt Nam hôm 8-3, Tuổi Trẻ trò chuyện với lãnh đạo của AstraZeneca về những kế hoạch và hợp tác phát triển bền vững tại Việt Nam.
Chia sẻ về kế hoạch của công ty trong tăng cường hệ thống y tế, ông Leon Wang - Phó Chủ tịch điều hành Khu vực Quốc tế, AstraZeneca - cho biết AstraZeneca Việt Nam và Bộ Y tế ký Bản ghi nhớ nhằm đưa hợp tác song phương lên tầm cao mới, đồng thời đẩy mạnh chương trình liên kết trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Trong năm năm từ 2023-2028, công ty sẽ mở rộng hợp tác phòng chống và kiểm soát bệnh tật, nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm và phát triển hệ thống y tế bền vững.

Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam - chia sẻ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca, Ngài Pascal Soriot tháng 5-2022, công ty mong muốn chung tay cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân, cũng như giúp hệ thống y tế Việt Nam ngày càng hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Thuốc chất lượng cao sẽ được sản xuất tại Việt Nam

* AstraZeneca đang hướng đến kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam, công ty đã công bố dự định chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến tại đây. Ông có thể cho biết thêm thông tin về việc triển khai?

- Ông Nitin Kapoor: Từ nay đến 2030, AstraZeneca sẽ đầu tư 2.000 tỉ đồng (90 triệu USD) hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với thuốc chất lượng cao sản xuất ngay tại Việt Nam. Với khoản đầu tư này, ba loại thuốc quan trọng sẽ được AstraZeneca sản xuất gia công trong nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà công ty sản xuất thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm.

Kể từ khi công bố dự án này cuối năm 2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, chúng tôi đã lựa chọn một đối tác sản xuất gia công tại Việt Nam và hiện đang tích cực phối hợp để chuyển giao chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết, nhằm đảm bảo thuốc AstraZeneca sản xuất trong nước có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.

- Ông Leon Wang: Việt Nam là một trong những thị trường chủ chốt của chúng tôi, không chỉ ở phạm vi khu vực mà còn ở toàn cầu. Khoản đầu tư cho chuyển giao công nghệ và sản xuất gia công thuốc này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5.000 tỉ (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam giai đoạn 2020-2024, được công bố trong chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đến nhà máy sản xuất của AstraZeneca tại Thụy Điển năm 2019.

Trụ sở chính của AstraZeneca tại Cambridge, Vương quốc Anh, nhưng chúng tôi đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia và có 28 nhà máy sản xuất tại 16 nước. Những loại thuốc tiên tiến của chúng tôi được hàng triệu bệnh nhân khắp thế giới sử dụng. Trong năm đầu tiên triển khai tiêm chủng COVID-19, vắc xin phòng COVID-19 của chúng tôi giúp ngăn ngừa hơn 6 triệu ca tử vong do đại dịch trên toàn cầu.

* Trong những cuộc trò chuyện trước, AstraZeneca nhấn mạnh cam kết trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Ông có thể chia sẻ thêm những loại bệnh cụ thể mà AstraZeneca đang chú trọng, những bước tiếp theo mà công ty dự định thực hiện để cải thiện chất lượng điều trị?

- Ông Leon Wang: Các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 thu hút nhiều sự quan tâm, nhưng bệnh không lây nhiễm mới thực sự là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm hơn 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Nhiều thập kỷ qua, chúng tôi đã cung cấp các loại thuốc tiên tiến, góp phần cải thiện cuộc sống của những bệnh nhân đang phải chống chọi với ung thư, tim mạch, thận, chuyển hóa, bệnh hô hấp và bệnh tiêu hóa. Hai năm qua, chúng tôi mở rộng danh mục thuốc của mình nhằm cung cấp thêm các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh hiếm gặp và bệnh truyền nhiễm.

- Ông Nitin Kapoor: Kể từ năm 1994 chúng tôi thực hiện nhiều hoạt động hợp tác với Bộ Y tế, bệnh viện, các hiệp hội y khoa cũng như các đối tác y tế để góp phần đẩy lùi những bệnh không lây nhiễm, còn được biết đến là "những sát thủ thầm lặng".

Theo Bản ghi nhớ vừa ký kết, AstraZeneca sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác thúc đẩy các chương trình đang triển khai và chương trình mới, với mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tật, phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.

Bao gồm Chương trình Vì Lá Phổi Khỏe cải thiện việc chẩn đoán, điều trị và quản lý hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi; chương trình Sức khỏe Thanh Thiếu Niên giúp giới trẻ xây dựng lối sống lành mạnh, dự phòng sớm bệnh không lây nhiễm; chương trình CAREME - Yêu Lấy Mình củng cố hệ sinh thái chăm sóc tim mạch - thận - chuyển hóa.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bền vững

* Trong phạm vi của Bản ghi nhớ, ông cũng đề cập đến việc hợp tác với Bộ Y tế để phát triển hệ thống y tế một cách bền vững. Ông có thể cho biết thêm về chủ đề này?

- Ông Nitin Kapoor: AstraZeneca đang hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế Luân Đôn và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế Việt Nam trong chương trình Hợp tác vì Tính bền vững và Khả năng chống chịu của hệ thống y tế, giúp củng cố hệ thống y tế toàn diện, chuẩn bị cho các thách thức trong tương lai. Hiện đã ở giai đoạn II của chương trình, hy vọng có thể chia sẻ thêm về các kết quả cụ thể trong những năm tiếp theo.

AstraZeneca đã phối hợp với Bộ Y tế và Chính phủ Anh trao tặng hệ thống điện mặt trời cho các cơ sở y tế tuyến huyện, góp phần bảo vệ môi trường và cung cấp nguồn điện ổn định thông qua năng lượng xanh. Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

- Ông Leon Wang: Tại AstraZeneca, chúng tôi tin rằng mình có trách nhiệm cải tiến và đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bền vững để đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn. Chúng tôi là một trong bảy công ty đầu tiên có chiến lược chống biến đổi khí hậu được công nhận bởi Net Zero Corporate Standard - Tiêu chuẩn Doanh nghiệp Phát thải ròng về 0. Thông qua chương trình toàn cầu Tham vọng Không Carbon, chúng tôi đang trong quá trình giảm phát thải carbon mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng của mình.

Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng bệnh tật, bao gồm bệnh mạn tính. Ngành y tế cũng ảnh hưởng đáng kể đến biến đổi khí hậu, gây ra khoảng 4% lượng khí nhà kính phát thải trên toàn cầu. Hy vọng ngày càng có nhiều công ty và tổ chức chung tay giải quyết vấn đề cấp bách này, tận tâm hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống sức khỏe và tương lai bền vững hơn (Tuổi trẻ, trang 16).

 

Chạy thận nhân tạo cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử, shisha

Bệnh viện Đà Nẵng cho biết gần đây liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, dẫn đến ngộ độc cấp.
Theo thông tin từ Khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, một nam bệnh nhân (BN) 26 tuổi (ngụ Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) được chuyển viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, hai chân yếu liệt không cử động được. BN vô niệu, các xét nghiệm cho thấy BN bị suy thận cấp tính, các chất độc trong máu như ure, creatinin máu tăng cao, được chỉ định lọc máu bằng chạy thận nhân tạo để cấp cứu.

TS-BS Đặng Anh Đào, Trưởng khoa Nội thận - Nội tiết, cho biết BN có hút shisha và sử dụng bia rượu. "BN được chẩn đoán ngộ độc chất kích thích gây tổn thương thận cấp, suy thận cấp. Kèm theo đó là biểu hiện phù toàn, suy hô hấp, xuất huyết cơ đùi phải, nhiễm trùng huyết, rối loạn đông máu… BN được chạy thận nhân tạo cấp cứu qua catheter tĩnh mạch đùi, truyền dịch, lợi tiểu", BS Đào nói.

Một BN khác 27 tuổi, trước khi nhập viện 3 ngày sử dụng thuốc lá điện tử liên tục (không rõ loại) dẫn đến co giật toàn thân liên tục nhiều cơn. Mỗi cơn co giật kéo dài khoảng 5 phút, sùi bọt mép, được người nhà đưa vào BV Đà Nẵng, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. BN được chẩn đoán tổn thương thận cấp, ure và creatinin máu tăng cao, chức năng thận xấu dần và chuyển chạy thận nhân tạo, lọc máu…

"Các trường hợp suy thận cấp do ngộ độc thuốc hoặc các chất kích thích, gây nghiện… đều phải được chạy thận nhân tạo cấp cứu. Dù đã qua cơn nguy kịch, các chức năng thận cải thiện, tuy nhiên vẫn cần theo dõi định kỳ vì nguy cơ suy thận cấp tái diễn, nguy cơ bệnh thận mạn tính về sau nếu tiếp tục tái sử dụng chất kích thích", BS Đào cho biết.

Các BS chuyên khoa cho hay hiện có rất nhiều thanh niên nghiện thuốc lá điện tử, có trường hợp chỉ sử dụng vài liều đã ngộ độc, dẫn đến suy thận cấp. Tương tự, có người sử dụng shisha, nghiện ma túy… khiến cơ thể nhiễm độc cấp, nhiễm độc mạn tính. Độc tính tích tụ khiến chức năng thận suy giảm dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, chứng suy thận còn xảy ra đối với những trường hợp sử dụng thuốc trị bệnh mạn tính liều dùng không hợp lý, không theo chỉ dẫn.

"Đối với những nhóm nguy cơ như tiền sử gia đình có người bị bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… thì nên đi khám sức khỏe định kỳ (1 - 2 lần/năm) với những xét nghiệm thông thường như xét nghiệm máu và nước tiểu, có thể phát hiện sớm bệnh thận để có kế hoạch quản lý, kiểm soát và điều trị lâu dài, tránh dẫn đến suy thận mạn", BS Đào tư vấn (Thanh niên, trang 15). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang