Bệnh viện K phải thay đổi để lấy lại niềm tin của bệnh nhân
Ngày 9 - 6, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng làm trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt bệnh viện K về các mặt hoạt động của bệnh viện. Trong thời gian qua, Bệnh viện K đã để xảy ra nhiều vụ việc khiến uy tín của bệnh viện bị giảm đi trong mắt người dân. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị BV phải củng cố lại niềm tin của người bệnh để người bệnh hài lòng hơn, cán bộ nhân viên bệnh viện cũng hài lòng. Thứ trưởng Tiến cho rằng, bệnh viện cần sớm tuyển thêm cán bộ làm việc, quy hoạch bổ nhiệm cán bộ phù hợp cho 3 cơ sở, đặc biệt Đảng ủy, lãnh đạo Bệnh viện cần nghiên cứu và xem xét thống nhất cơ chế hoạt động và điều hành bệnh viện, tránh tình trạng dàn trải, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành.
Theo TS Bùi Diệu, Giám đốc BV K cho biết, hiện BV có 3 cơ sở với 1.327 giường bệnh và hơn 1.000 cán bộ nhân viên, trong đó có 673 viên chức. Trong thời gian qua, BV đã thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh với 28 bàn khám, duy trì 3 phòng khám dự phòng, đầu tư 17 tỷ hệ thống khám, chữa bệnh. Trong 5 tháng đầu năm, BV đã khám cho trên 103.000 lượt bệnh nhân, tăng 101%, số bệnh nhân nội trú tăng 106%.( Sài Gòn giải phóng trang 7)
Chưa có “chuẩn” cho giá khám dịch vụ
Khác với cảnh đông nghẹt bệnh nhi ngồi chờ trong không khí nóng nực thường thấy, phòng khám theo yêu cẩu 2 của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM đi vào hoạt động gần một năm nay được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, và chủ yếu là tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân…( Tuổi trẻ trang 14)
Nhiễm liên cầu lợn, người bán thịt heo nguy kịch
Chiều 9.6, PGS.TS. BS Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, bệnh nhân là ông P.T.L (SN 1964, ngụ tại An Giang) Bệnh viện An Giang chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 1.6. Lúc nhập viện, bệnh nhân sốt cao, co giật, mất tri giác. Trước đó, tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não và cho uống thuốc kháng sinh nhưng bệnh tình càng trở nặng.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, ông P.T.L tiếp tục được chẩn đoán viêm màng não, và điều trị bằng kháng sinh. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân càng trở nặng, bị sốc, rơi vào trạng thái lơ mơ và phải đặt nội khí quản, cho thở máy. Sau khi điều tra thông tin từ người nhà bệnh nhân, các bác sĩ Chợ Rẫy phát hiện, bệnh nhân có làm nghề buôn bán thịt lợn. Từ thông tin này, các bác sĩ đã đặt nghi ngờ bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn và mạnh dạn áp dụng kháng sinh đặc dụng kết hợp với hồi sức cấp cứu. Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, dự kiến sẽ xuất viện sau 4 ngày tới.( Tuổi trẻ trang 14, Công an nhân dân trang 2, Tiền phong trang 2)
Giáo sư Đại học Havard Mỹ trao đổi về phương pháp chăm sóc giảm nhẹ
Sáng 9-6, khoảng 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội và một số cơ sở y tế của Hà Nội đã được Giáo sư Erickrakauer, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chuyên môn chăm sóc giảm nhẹ của trường Đại học Havard Mỹ trình bày kinh nghiệm giúp bệnh nhân giảm đau.
Giáo sư Erickrakauer từng đến Việt Nam cách đây 15 năm đã cùng với các thầy thuốc Việt Nam nghiên cứu và áp dụng phương pháp chăm sóc giảm nhẹ với bệnh nhân. Việc áp dụng chăm sóc giảm nhẹ có thể triển khai được ở y tế xã, phường kết hợp với các thầy thuốc tuyến trên.
Theo TS Bùi Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, những kiến thức trao đổi rất bổ ích, thiết thực phù hợp với Việt Nam.
Bản thân TS Bùi Văn Giang đã học kinh nghiệm của Giáo sư Erickrakauer và áp dụng ngay tại bệnh viện với nhiều bệnh nhân bị đau dây thần kinh số 5, bị đau do đau cột số, do hẹp đốt sống lưng hay hội chứng đau thần kinh cơ khi được điều trị bằng phương pháp thẩm phân thuốc.
Những bệnh nhân sau khi được tiêm dung dịch đều đã giảm đau rõ rệt, trở lại cuộc sống bình thường. Những kiến thức trên có thể áp dụng được tại các bệnh viện ở Hà Nội.( An ninh thủ đô trang 7, Hà Nội mới trang 5)
Vụ bệnh nhân tử vong sau khi tiêm kháng sinh: Đình chỉ công tác trạm trưởng trạm y tế
Ngày 9-6, thông tin từ Trung tâm y tế huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày, đối với bà Hoàng Thị Đường – Trạm trưởng Trạm y tế xã Kim Thành, vì liên quan đến sự việc, tiêm thuốc kháng sinh cefotaxim, khiến một bệnh nhân tử vong trước đó.
Sự việc xảy ra vào ngày 4-6, do thấy mệt mỏi trong người nên ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962) trú tại xã Kim Thành cùng vợ là bà Trần Thị Hệ (SN 1971) đến trạm y tế xã để thăm khám.
Khi đến nơi, ông Sơn được bác sỹ Hoàng Thị Đường – trưởng trạm y tế xã thăm khám, đo nhiệt độ ban đầu. Sau khi kiểm tra nhiệt độ cơ thể của ông Sơn, bà Đường đã truyền cho bệnh nhân 1 chai Natri chorid – 0,9% 1000ml.
Khi chuyền được 1/3 chai thì ông Sơn yêu cầu tiêm kháng sinh cefotaxim. Tuy nhiên, kháng sinh cefotaxim là loại thuốc nằm trong danh mục thuốc không sử dụng ở tuyến xã nên bà Đường đã về nhà lấy lên tiêm cho ông Sơn.
Sau khi tiêm khoảng 3 phút, ông Sơn biểu hiện khó thở, mặt tím tái. Khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng trên bà Đường đã dùng các biện pháp cấp cứu nhưng không được. Sau đó, ông Sơn được chuyển lên tuyến huyện để cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Ngay sau sự việc, bà Hoàng Thị Đường đã làm đơn tường trình sự việc và nhận trách nhiệm về mình.(
An ninh thủ đô trang 7)
Bệnh sốt xuất huyết tăng cao ở ĐBSCL
Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 361 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015. Không chỉ Cần Thơ, qua ghi nhận 5 tháng đầu năm nay, bệnh SXH ở 20 tỉnh, thành phía Nam tăng 120% so với cùng kỳ”.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.290 ca mắc SXH, tăng 160% so với cùng kỳ. Còn ở Đồng Tháp cũng cho thấy, nếu như mùa khô các năm trước, bình quân mỗi tuần chỉ có khoảng 5-8 ca bị SXH trên phạm vi toàn tỉnh, nay số người bị bệnh SXH tăng lên khoảng 50 ca/tuần. Tại Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay có khoảng 500 người bị SXH, tăng gần 70% so cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, thông tin: “Số bệnh nhi từ các tỉnh ĐBSCL mắc SXH nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay tăng khoảng 340% so với cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu năm, bệnh viện tiếp nhận 808 bệnh nhi mắc SXH điều trị nội trú, trong khi cùng kỳ chỉ tiếp nhận 242 ca”.
Nguyên nhân SXH bùng phát do năm nay đến chu kỳ phát bệnh, tình hình thời tiết biến đổi bất thường, sự chuyển tiếp của virut và quan trọng là ý thức diệt muỗi, lăng quăng của người dân chưa cao nên bệnh có cơ hội bùng phát… ( Công an nhân dân trang 7)
* Cùng chủ đề tin, bài còn có:
* Sức khỏe & đời sống (trang 2) 10/6: 11 người tử vong trong 5 tháng vì sốt xuất huyết
Chuyện lạ chưa kể của cấp cứu 115
Theo chân những nhân viên cấp cứu mới thấy nghề này không chỉ cần nghiệp vụ mà phải có cái tâm của người thầy thuốc.
“Trong quá trình cấp cứu ngoại viện 115 trên địa bàn TP.HCM, nhân viên y tế gặp nhiều tình huống bất ngờ không lường trước. Vì vậy, các thành viên trong tổ cấp cứu phải khéo léo và nhanh trí xử lý tình huống để đưa bệnh nhân tới bệnh viện (BV) càng sớm càng tốt” - BS Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, quản lý phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, nói.
“Lệnh” 115 dọn vệ sinh
“Cách đây không lâu, 115 TP.HCM nhận cuộc gọi báo có một bà lớn tuổi ở quận 3 (TP.HCM) bị tai biến. Tôi và hai điều dưỡng nhanh chóng lên xe cấp cứu” - BS Tuệ kể. Tới nơi, tổ cấp cứu thấy bệnh nhân tiêu tiểu tại giường nằm, mùi hôi bốc lên khó chịu. BS Tuệ nhỏ giọng nói người nhà dọn dẹp sạch sẽ để nhân viên y tế khám và sơ cứu bệnh nhân.
Thế nhưng thân nhân người bệnh nhìn BS Tuệ chằm chằm rồi nói: “Tụi tôi dọn thì tụi tôi gọi 115 tới để làm gì. Các anh, các chị tự dọn dẹp đi”. Trước tình huống trên, bất chấp mùi hôi thối, BS Tuệ và hai điều dưỡng nhanh tay sơ cứu bệnh nhân. “Thấy chúng tôi tận tình cứu chữa người bệnh, thân nhân xắn tay dọn sạch sẽ chỗ bệnh nhân nằm và giúp chúng tôi chuyển người bệnh lên xe. Một người còn ghé tai tôi nói lời xin lỗi” - BS Tuệ cười nói.
“Ông mụ, bà mụ” bất đắc dĩ
Mới đây, 115 nhận được điện thoại báo có một phụ nữ 25 tuổi ở trọ trên đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) bị đau bụng dữ dội. “Đến nơi, tôi thấy chị ta nằm trên vũng máu, ôm bụng quằn quại. Sau khi khám, tôi phát hiện chị ta mang thai khoảng 7-8 tháng và có dấu hiệu sinh non do vấp ngã” - BS Tuệ kể.
Do không thể chuyển thai phụ đến BV vì có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng hai mẹ con nên BS Tuệ và hai điều dưỡng quyết định đỡ đẻ tại chỗ. “Tôi vận dụng những kiến thức sản khoa được học khi còn là sinh viên để áp dụng trong trường hợp này. Thiệt tình mà nói, tôi vừa đỡ đẻ vừa run vì sợ chuyện không hay xảy ra. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của hai điều dưỡng nên đứa bé chào đời an toàn, sức khỏe sản phụ cũng bình thường. Nghe tiếng đứa bé khóc oa oa, nhìn gương mặt hạnh phúc của người mẹ, cả tổ cấp cứu vỡ òa niềm vui. Sau đó hai mẹ con được chuyển tới BV Hùng Vương (TP.HCM) để được tiếp tục chăm sóc” - BS Tuệ nói.
Bị túm áo kéo đi
Trong quá trình cấp cứu ngoại viện, BS Trang Thị Hồng Phượng, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, gặp khá nhiều tình huống không lường trước. “Đến nay tôi vẫn còn ấn tượng ca cấp cứu một ông ở quận 1 bị rối loạn tiền đình” - BS Phượng nói. “Người nhà bệnh nhân gọi 115 báo cấp cứu với lý do chóng mặt, nôn ói. Xe cấp cứu vừa tới, một thanh niên độ 25 tuổi to cao, dữ dằn bước tới mở cửa rồi nắm cổ áo tôi kéo nhanh vào nhà. Tôi yêu cầu buông ra, anh ta chửi thề rồi nói: “Cha tao sắp chết mà buông cái gì”. Anh ta tiếp tục kéo mạnh tôi vào nhà” - BS Phượng kể.
Chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiền đình, BS Phượng và hai điều dưỡng tiến hành sơ cứu. Xong xuôi mọi việc, BS Phượng nói nhỏ với anh thanh niên: “Bao nhiêu năm đi cấp cứu, đây là lần đầu tôi bị lôi cổ”. “Thấy vậy, mẹ anh ta quỳ xuống xin lỗi tổ cấp cứu và trách mình không biết dạy con. Tôi liền đỡ bà ta đứng lên, nói nhỏ vài câu rồi lên xe về” - BS Phượng nhớ lại.
Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM) cũng đã từng gặp những tình huống bất ngờ không lường trước. Do tính mạng người bệnh trên hết nên nhân viên cấp cứu phải đưa ra giải pháp xử lý thật nhanh.
BS Diệp Thành Tường, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức BV Đa khoa Sài Gòn, chia sẻ: “Mới đây, tôi cùng hai điều dưỡng đến một địa chỉ ở quận 3 (TP.HCM) để cấp cứu cụ bà hơn 60 tuổi bị suy tim nặng, khó thở. Chúng tôi nhanh chóng sơ cứu, đặt nội khí quản, bóp bóng trước khi đưa bệnh nhân tới BV” - BS Tường nói.
Bệnh nhân nằm trên gác, cầu thang xoắn ốc lại quá nhỏ, chỉ vừa một người lên xuống nên không thể đưa người bệnh xuống đất bằng băng ca. Bệnh nhân lại trong cơn nguy kịch, chậm đưa tới BV sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. “Suy đi tính lại, tôi quyết định cột chặt người bệnh vào băng ca. Tiếp theo tôi nhờ người nhà tìm giúp bốn đoạn dây rồi cột vào bốn đầu băng ca. Sau đó bốn người cầm bốn sợi dây thòng bệnh nhân từ lan can xuống đất. Cuối cùng mọi việc cũng êm đẹp, bệnh nhân được đưa tới BV kịp lúc” - BS Tường cho biết.
Theo BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các chuyên viên sơ cấp cứu ngoại viện được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể tuyển từ điều dưỡng, y sĩ được đào tạo về chương trình cấp cứu y tế ngoài bệnh viện. Các nhân viên này sau khi tốt nghiệp trung cấp sẽ phải thực hành thêm một năm để được cấp bằng chứng nhận nhân viên cấp cứu y tế ngoại viện. Họ sẽ được đưa về Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố hoặc tham gia vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn 114. Do vậy họ có thể đánh giá mức độ tai nạn, bệnh tật chính xác và sơ cứu an toàn cho bệnh nhân. ________________________________ Bình quân mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM và các trạm vệ tinh tiếp nhận từ 40 đến 50 cuộc gọi. Trong quá trình cấp cứu, nhân viên y tế phải đối diện với những tình huống không lường trước. Thậm chí còn bị chửi bới, đe dọa. Cho dù rơi vào bất kỳ tình huống nào, nhân viên 115 cũng bình tĩnh xử lý vụ việc và nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân. ThS-BS VÕ QUANG HUY, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM |
( Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trang 13)
Hồi âm máy thở “nín thở”, lãng phí tiền tỷ: Chờ kết luận của cơ quan điều tra
Ngày 7/6, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có trao đổi với phóng viên Tiền Phong liên quan đến thông tin “Máy thở “nín thở”, lãng phí tiền tỷ” đăng tải trên số báo ra ngày 6/6.
Máy thở Raphael Color thuộc gói thầu số 1 bị hư hỏng hiện đang chất đống trong kho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quốc Ngọc
Sở này xác nhận 20 máy thở đa năng hiệu Raphael Color mua cho bệnh viện tỉnh nằm trong gói thầu số 1 thuộc “Dự án phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A/H5N1 ở người” có tổng giá trị hơn 4,6 tỷ đồng. Dự án nằm trong kế hoạch dự toán kinh phí chung từ năm 2005. Bệnh viện tỉnh tiếp nhận số máy trên ngày 24/8/2010 trong tình trạng hoàn toàn mới, phù hợp với tiêu chí ban đầu đề ra.
Với trách nhiệm của mình, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, khi cơ quan CSĐT vào cuộc, Sở đã tích cực hỗ trợ công tác điều tra; chủ động chỉ đạo bệnh viện kiểm tra lại tất cả các máy thở hiện có nhằm lên kế hoạch khắc phục, sửa chữa các máy đã bị hư hỏng bảo đảm đủ phương tiện phục vụ bệnh nhân.
Theo một đại diện của Sở Y tế Bình Dương, việc công an vào cuộc điều tra là họ có lý do riêng của họ, Sở Y tế không có ý kiến. Sở đang chờ kết luận của cơ quan điều tra và nếu có sai phạm nào thuộc chức năng xử lý của mình, sẽ xử lý nghiêm với tổ chức, cá nhân
liên quan.
Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo bệnh viện tỉnh có kế hoạch bảo trì, sửa chữa máy móc, trang thiết bị y tế đã bị hư hỏng để có phương tiện phục vụ bệnh nhân. Hiện có 5/20 máy giúp thở nói trên đã được sửa với kinh phí hơn 318 triệu đồng và đang hoạt động hiệu quả khi kết nối với hệ thống khí nén trung tâm.
Cũng theo Sở Y tế Bình Dương, năm 2015, bệnh viện đã tổ chức đấu thầu sửa chữa 15 máy thở còn lại nhưng do nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, do đó bệnh viện đã hủy kết quả đấu thầu. Hiện tại, bệnh viện đang cho đánh giá lại hiện trạng của 15 máy giúp thở để tiếp tục tiến hành đấu thầu sửa chữa.( Tiền phong trang 10)
Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra an toàn phóng xạ của thiết bị y tế
Trước thông tin báo chí nêu về việc một số cơ sở y tế ở TP HCM sử dụng các thiết bị y tế bức xạ như máy CT, máy chụp Xquang không đảm bảo về tiêu chuẩn an toàn bức xạ, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý lĩnh vực này.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có hoạt động liên quan đến thiết bị sử dụng y học hạt nhân, kịp thời chấn chỉnh sử dụng trang thiết bị, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước.
Riêng với Sở Y tế TP HCM kiểm tra ngay việc sử dụng các thiết bị phát xạ tia X đang sử dụng tại Trung tâm Y khoa Medic – Hòa Hảo ở số 254 Hòa Hảo, phường 4, quận 10 và Phòng chụp Xquang của bác sĩ Nguyễn Tiến Hương (số 738 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 do có thông tin phản ánh về một số vấn đề liên quan đến an toàn tia X.
Bên cạnh đó phải kiểm soát, kiểm tra các cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố có sử dụng thiết bị phát bức xạ, nguồn điều trị phóng xạ và thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân, kịp thời chấn chỉnh trong quản lý, sử dụng các thiết bị này./.( Sức khỏe & đời sống trang 2)
Bệnh viện quận lần đầu điều trị thành công dị dạng mạch máu não
Ngày 9/6, BS Trần Quốc Cường, Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết, tại đây vừa cứu chữa kịp thời cho một trường hợp bị dị dạng mạch máu não, dọa vỡ.
Bệnh nhân là N.T.H. (35 tuổi) nhập viện trong tình trạng co giật nửa người bên trái. Sau các kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán, người bệnh bị động kinh cục bộ, dị dạng mạch máu não dạng thông động tĩnh mạch. Khối dị dạng có kích thước lên tới 3cm ở vùng thùy đỉnh bên phải. Khối dị dạng đã phình lớn, nguy cơ vỡ rất cao, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng người bệnh. Bệnh nhân đã được chụp chẩn đoán và đồng thời can thiệp bằng phương pháp nút keo. Sau hơn 1 giờ thực hiện, thủ thuật đã thành công, bệnh nhân tỉnh táo, được chuyển về khoa Nội Thần kinh để tiếp tục theo dõi, điều trị.( Thanh niên trang 4)