Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Yêu cầu giải trình vụ trạm y tế đóng cửa không phục vụ dân; Hậu kiểm cơ sở sản xuất nước đóng chai vi phạm; Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh; Vì sao hàng loạt bác sĩ xin nghỉ việc?

Vì sao hàng loạt bác sĩ xin nghỉ việc?

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Cần Thơ, đã có tổng cộng 14 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác, thậm chí không ít bác sĩ cấp trưởng khoa ở bệnh viện tỉnh cũng xin thôi công tác. Chưa bao giờ tình trạng “chảy máu chất xám” trong các bệnh viện công lại đáng báo động đến vậy.

Thu nhập là nguyên nhân chính

Như Báo ANTĐ đã phản ánh, từ giữa tháng 5-2016, dư luận tại tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin cùng lúc 3 bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước tỉnh Cà Mau (Khoa Khám bệnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Khoa Ngoại tổng quát) đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Trao đổi với báo chí, Giám đốc bệnh viện này cho biết, 3 bác sĩ đó cho rằng, lý do xin nghỉ vì thu nhập tại bệnh viện thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Tình trạng xin nghỉ việc cũng diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa TP Cà Mau từ giữa năm 2015 với 3 bác sĩ  xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau,  hơn 10 bác sĩ xin nghỉ việc trong năm 2015 và vẫn tiếp diễn trong năm 2016. Đáng chú ý, theo Sở Y tế Cà Mau, các bác sĩ nghỉ việc phần lớn có tay nghề cao. 

Tại Cần Thơ, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi cũng vừa yêu cầu Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ báo cáo việc có tổng cộng 14 bác sĩ xin nghỉ việc, trong đó, có 5 trường hợp sau khi được bệnh viện vận động đã rút đơn xin nghỉ. Trước đó, thông tin về việc bác sĩ bỏ việc cũng xảy ra liên tục tại Đắk Lắk, Đắk Nông.

Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, trong vòng 3 năm gần đây, có tới 48 bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ việc. Chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã có 12 bác sĩ bỏ việc, đa số là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ. Nguyên nhân chính dẫn đến “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công chủ yếu là do thu nhập thấp, áp lực lớn, trong khi bệnh viện tư sẵn sàng mời chào với mức đãi ngộ cao hơn. Ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thậm chí ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng “chảy máu chất xám” do bác sĩ xin chuyển ra ngoài làm tư cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tại Hà Nội, một bệnh viện đa khoa tuyến đầu của thành phố cách đây 3-4 năm về trước từng bị các bệnh viện tư “rút ruột” hàng chục bác sĩ giỏi.

Tại các bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện 09 hay các bệnh viện y học cổ truyền, việc tuyển dụng bác sĩ vốn đã khó, việc giữ được bác sĩ giỏi càng khó khăn hơn. Riêng Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từng trải qua giai đoạn 10 năm liền không tuyển được bác sĩ nào.

Đổi mới hay là chết 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, nếu bệnh viện công lập dù hạng 1 nhưng không có cơ chế để nâng cao thu nhập cho y bác sĩ thì chuyện bác sĩ xin nghỉ việc hàng loạt cũng là bình thường. Lý do vì với cơ chế hiện nay, nhiều bệnh viện công lập vẫn mang nặng tư tưởng xin - cho, tư duy bao cấp, lương bác sĩ không đủ sống trong khi bệnh nhân đông, áp lực lớn.

Nạn “phong bì bệnh viện” hay nhũng nhiễu bệnh nhân xuất phát từ đây, cũng từ đó nhiều bác sĩ phải “chân trong, chân ngoài” để tăng thu nhập, không yên tâm công tác. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, để khắc phục được tình trạng “chảy máu chất xám” trong bệnh viện công thì bắt buộc phải đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, vừa giúp nâng cao đời sống cán bộ nhân viên y tế mà người bệnh cũng được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, việc bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ để chuyển ra ngoài làm ở bệnh viện tư nhằm có thu nhập cao hơn là một hiện tượng xã hội bình thường như nhiều ngành nghề khác.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, bác sĩ công tác ở bệnh viện công hiện nay phải đối mặt với áp lực rất lớn do bệnh nhân đông, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, hơn nữa lại thường xuyên phải đối mặt với các nguy cơ rủi ro, kiện cáo, nhất là khi xảy ra sai sót chuyên môn ngoài ý muốn. Các bệnh viện tuyến huyện thì vắng bệnh nhân, nhiều nơi không có đủ điều kiện tốt cho các bác sĩ phát huy hết năng lực, trình độ của mình kèm theo thu nhập thấp… nên tất yếu sẽ có những bác sĩ xin nghỉ việc nếu tìm được môi trường làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng, việc bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc để ra ngoài làm tư chỉ là “hiện tượng” chứ không phải là xu thế chung và chưa đến mức quá lo ngại.

Hơn nữa, tuy môi trường làm việc ở bệnh viện công có thể không đem lại cho bác sĩ mức thu nhập cao như làm ở bệnh viện tư nhưng các bác sĩ sẽ có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao tay nghề và khẳng định được thương hiệu của mình. Dẫu vậy, việc vừa qua có nhiều bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc cũng là hồi chuông cảnh báo lãnh đạo các bệnh viện công cần phải thay đổi cơ chế để giữ chân cán bộ giỏi (An ninh thủ đô trang 4). 

 

Hậu kiểm cơ sở sản xuất nước đóng chai vi phạm

Ngày 9-8, Đoàn Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội bắt đầu đợt hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình đã từng bị phát hiện vi phạm ATVSTP. Cụ thể, tại Công ty TNHH Trọng Thái (số 6, ngõ 318, phố Ngọc Trì, Thạch Bàn, Long Biên), qua kiểm tra đột xuất, đoàn hậu kiểm phát hiện tại khu vực đựng vỏ bình của cơ sở vẫn sắp xếp lộn xộn, mặt bằng lênh láng nước do hệ thống xử lý nước chưa hiệu quả.

Cơ sở này từng 2 lần bị phạt vì vi phạm ATTP. Tại huyện Gia Lâm, đoàn kiểm tra đã đến hậu kiểm Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải. Thời điểm kiểm tra, chưa phát hiện lỗi vi phạm ATTP, đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước tại công ty này. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, vi phạm chủ yếu là những cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Từ nay đến hết tháng 8-2016, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ tiếp tục đợt cao điểm tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở vi phạm và thanh tra, kiểm tra đột xuất một số cơ sở mới. Nếu phát hiện vi phạm, Chi cục sẽ xử lý nghiêm (An ninh thủ đô trang 4, Hà Nội mới trang 6).

 

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh

Hà Nội vừa đưa vào triển khai ứng dụng quét mã QR code trên điện thoại thông minh để người dân có thể truy xuất nguồn gốc rau, thịt an toàn. Một cú nhấp để có toàn bộ thông tin. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, sau hơn 1 năm lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện, Trung tâm này đã triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn.

Theo đó, chỉ cần sử dụng smartphone chạy hệ điều hành IOS hoặc Android có kết nối mạng internet, người tiêu dùng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Ngoài ra, qua việc quét mã QR code, người tiêu dùng sẽ thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và có thể phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Đặc biệt, người tiêu dùng cũng có thể xem lại sản phẩm đã quét hay bản đồ từ vị trí của mình tới vị trí các nhà cung cấp nông sản thực phẩm trong hệ thống thông qua Google map. Phần mềm quản trị này còn phục vụ thêm hai nhóm đối tượng là nhà quản lý và doanh nghiệp. Đối với nhà quản lý, giao diện sẽ hiển thị được tên đơn vị quản lý, logo; có chức năng xem và tìm kiếm được các thông tin về doanh nghiệp cũng như sản phẩm trong hệ thống.

Cơ quan hữu quan có thể quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng. Cũng qua hệ thống này, doanh nghiệp có thể cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn của mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác.

Thể hiện tính minh bạch thông tin sản phẩm, phần mềm nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị phân phối sản phẩm nông sản. Giám đốc Công ty TNHH MTV CleverFood Hà Minh Đức cho biết, ứng dụng này là một dự án hữu ích và cần thiết, góp phần quan trọng trong việc minh bạch thông tin tới người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ, hệ thống này sẽ giúp tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản, tránh cho người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp các doanh nghiệp mở rộng quảng bá, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối cũng như người tiêu dùng.

Cần quản lý chặt chẽ 

Lâu nay, người tiêu dùng rất bức xúc về tình trạng thực phẩm sạch - bẩn lẫn lộn, gây mất lòng tin. Xu hướng công khai, minh bạch về thông tin đang được các nước áp dụng, thông qua hình thức quét mã số, mã vạch. Tại Việt Nam, TP. HCM cũng vừa áp dụng việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn qua quét mã vạch trên smartphone.  

Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, dự kiến, ban đầu sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong đó, có 150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác phân phối tại Thủ đô.

Tuy nhiên, do đây là một ứng dụng hoàn toàn mới mẻ với người tiêu dùng và doanh nghiệp nên bước đầu triển khai vẫn có sự lo ngại từ phía doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Theo phân tích của một số doanh nghiệp, hạn chế của hệ thống này là tem và phần mềm khi test thử chưa thực sự nhạy. Hơn nữa, giá thành tem in riêng cao, gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại mặt hàng.

Bên cạnh đó, phải có đánh giá sâu đối với người sử dụng và quản lý chất lượng sản phẩm đầu vào để người tiêu dùng thực sự yên tâm. Đặc biệt, phải quản lý như thế nào để tránh tình trạng doanh nghiệp quay vòng tem dán lên sản phẩm.

Tỏ ra hào hứng và ủng hộ dự án này, nhưng chị Nguyễn Thùy Linh ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy Hà Nội cũng băn khoăn: “Hệ thống bán các sản phẩm an toàn dán tem mã QR này còn quá ít. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt từ nơi sản xuất vì sau khi đơn vị được cấp mã QR cho sản phẩm, có thể xảy ra tình trạng trà trộn, đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào tiêu thụ như sản phẩm an toàn”.

Trong bối cảnh thực phẩm mất ATTP đang bủa vây người tiêu dùng thì dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh là cần thiết và được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ. Ngoài việc nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống quét mã vạch thì Sở NN&PTNT cần mở rộng hơn nữa các điểm phân phối sản phẩm an toàn, kèm theo sự kiểm soát chặt  chẽ để lấy lại lòng tin của người tiêu dung (An ninh thủ đô trang 6). 

 

Yêu cầu giải trình vụ trạm y tế đóng cửa không phục vụ dân

Ngày 9-8, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế đã ký công văn gửi đến Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu kiểm tra, giải trình về việc trạm y tế đóng cửa không phục vụ dân.  Trước đó, trưa 7-8, trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra đột xuất Trạm Y tế xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và phát hiện Trạm Y tế này đóng cửa không hoạt động. Dù lãnh đạo Sở Y tế liên tục gọi điện thoại cho Trạm trưởng nhưng máy điện thoại báo tắt. 

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Trạm Y tế xã Cư Eebur (TP Buôn Ma Thuột) báo cáo giải trình về việc đóng cửa Trạm Y tế; đồng thời rà soát tình hình hoạt động của toàn bộ các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, yêu cầu thực hiện đúng quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế về hoạt động của Trạm Y tế xã/phường trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, báo cáo về cơ quan có thẩm quyền và Bộ trước ngày 19-8 (An ninh thủ đô trang 4, Lao động trang 2, Sức khỏe & Đời sống trang 2, Hà Nội mới trang 6, Gia đình & Xã hội trang 7).

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Ðẩy mạnh tuyên truyền là giải pháp căn cơ

Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 50.000 ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH) tại 48 tỉnh thành, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Riêng tại Tây Nguyên có gần 7.500 ca mắc, đặc biệt chiều hướng gia tăng số ca SXH của khu vực này đang cao nhất nước. Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH tại Tây Nguyên, ngày 8 - 9/8 Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn tăng cường công tác điều trị SXH và rút kinh nghiệm tử vong do SXH năm 2016 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên tại Đăk Lăk.

Dồn sức chống dịch SXH ở “điểm nóng” Tây Nguyên

Trước đó, ngày 7/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình SXH ở các hộ dân. Đồng thời, một hội nghị về tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH khu vực Tây Nguyên đã được tổ chức.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khu vực Tây Nguyên chiếm 15,1%, đặc biệt số mắc khu vực tăng cao so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân do dịch SXH có tính chu kỳ, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết như hiện tượng El Nino dẫn đến nhiệt độ tăng cao, hạn hán, các địa phương tích trữ nước nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng (bọ gậy) phát triển. Bên cạnh đó, ý thức người dân chưa cao, còn chủ quan lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bộ trưởng yêu cầu, để tăng cường phòng chống dịch SXH, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tập trung tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống dịch trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm dân cư, ưu tiên truyền thông bằng phát loa trực tiếp ngay tại địa bàn dân cư kết hợp với tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống SXH; tăng cường giám sát chặt chẽ trên địa bàn tỉnh, huyện, xã để phát hiện sớm các trường hợp bệnh, các ổ dịch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, thu gom lật úp, xử lý dụng cụ phế thải chứa nước; triển khai phun hóa chất xử lý ổ dịch, phun chủ động phòng chống dịch tại các khu vực nguy cơ cao...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Y tế và ngành y tế 4 tỉnh Tây Nguyên đã kịp thời chủ động, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở ban ngành đoàn thể tuyên truyền vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi...

Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, giảm tử vong do SXH

Trong khóa tập huấn diễn ra từ ngày 8 - 9/8, với sự tham gia của gần 200 học viên gồm các lãnh đạo, bác sĩ đến từ Sở Y tế, BV và đại diện các khoa khám bệnh, khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu của các BVĐK tỉnh, huyện, BV tư nhân và các BV của các Bộ, ngành trên địa bàn thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, các đơn vị y tế trên địa bàn phải tích cực, chủ động và liên tục nâng cao chất lượng công tác KCB nhằm giảm tỷ lệ tử vong do SXH. Để đạt được kết quả đó, việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác giai đoạn, chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác vô cùng quan trọng; trong cấp cứu, điều trị phải hết sức tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH do Bộ Y tế ban hành theo diễn biến của bệnh.

“Việc nâng cao năng lực KCB về SXH là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi BV, tuy nhiên việc xác định mức độ, giai đoạn của bệnh để chuyển tuyến an toàn cũng không kém phần quan trọng” - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Cùng với việc tập huấn để nâng cao kiến thức, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV phải củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị SXH” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH” tại các đơn vị KCB để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ, phác đồ xử trí để cấp cứu người bệnh. Không được để thiếu thuốc trong điều trị (Sức khỏe & Đời sống trang 3).

Kiểm tra trạm y tế đóng cửa không phục vụ dân

Ngày 9-8, liên quan tới sự việc Trạm Y tế xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đóng cửa không phục vụ người dân, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu kiểm tra làm rõ và giải trình về sự việc này. Trước đó ngày 7-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong khi đi kiểm tra việc phòng chống dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ kiểm tra hoạt động của Trạm Y tế xã Cư Êbur, phát hiện trạm y tế này đóng kín cửa không hoạt động, không có cán bộ y tế túc trực. Nhìn qua cửa sổ phòng khám thấy trang thiết bị y tế bám đầy bụi bẩn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tìm hiểu người dân sinh sống quanh khu vực về hoạt động của Trạm Y tế xã Cư Êbur và được biết trạm y tế này chỉ hoạt động từ thứ hai đến thứ năm, còn thứ sáu đến chủ nhật nghỉ. Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk đã liên lạc với Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Êbur nhưng điện thoại tắt máy.

Cùng với việc yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk kiểm tra làm rõ về sự việc Trạm Y tế xã Cư Êbur đóng cửa không phục vụ người dân, Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát tình hình hoạt động của toàn bộ các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn, yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động của trạm y tế xã phường trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo quy định, các trạm y tế, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước phải duy trì hoạt động, có cán bộ y tế túc trực 24/24 giờ hàng ngày để phục vụ người dân khám chữa bệnh (Sài gòn giải phóng trang 7, Tuổi trẻ trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang