Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 1/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Vị thế viện quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh; Thêm một bệnh viện triển khai thành công kỹ thuật ghép thận; Chín người ngộ độc thực phẩm tại Ninh Bình do vi khuẩn Clostridium botulinum

Vị thế viện quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh

Được thành lập ngay sau khi đất nước giành được độc lập, đến nay Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã khẳng định vị trí là viện quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh. Các kết quả trong phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu khoa học của viện được đưa vào hoạch định chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, trong việc xây dựng các chính sách, chiến lược và hướng dẫn quốc gia về y tế dự phòng nói riêng.

Viện đã có những đóng góp hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, góp phần khống chế, loại trừ và thanh toán nhiều dịch bệnh nguy hiểm; xử lý kịp thời các vụ dịch, không để dịch lớn xảy ra. Những năm gần đây, các bệnh dịch mới và tái xuất hiện ngày càng nhiều, viện cũng là đơn vị chủ công trong nghiên cứu và cùng toàn ngành y tế ngăn chặn thành công những dịch bệnh nguy hiểm như: SARS, cúm gia cầm A(H5N1) trên người, cúm A(H1N1), đại dịch Ebola, MERS-CoV… Ngoài ra, viện cũng là đơn vị chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Tiêm chủng mở rộng; phòng, chống các bệnh tiêu chảy, dại, sốt xuất huyết... Những chương trình này đã góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đến nay, các nhà khoa học của viện thực hiện được hơn 1.700 đề tài khoa học, trong đó có nhiều đề tài trọng điểm cấp Nhà nước. Nhiều công trình đã được ứng dụng vào thực tế phòng, chống, thanh toán, loại trừ bệnh dịch. Chỉ trong 5 năm qua, viện đã công bố hơn 250 bài báo trên các tạp chí quốc tế; có khoảng 400 bài đăng trên tạp chí quốc gia… Theo thống kê của Cục Thống kê Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong giai đoạn 2010-2014, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư được xếp thứ chín trong tổng số 20 tổ chức có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam, và đứng đầu trong lĩnh vực y tế dự phòng. Lĩnh vực khoa học ứng dụng là một trong những thế mạnh được viện chú trọng và đang phát huy hiệu quả. Các đơn vị trong nước đã sản xuất được hơn mười loại vắc-xin phòng bệnh, thì các nghiên cứu để sản xuất các loại vắc-xin đó đều có khởi nguồn từ viện. Các nhà khoa học của viện đang tích cực phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai nghiên cứu sản xuất vắc-xin đa giá 5 trong 1, 6 trong 1; sinh phẩm chẩn đoán viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết cũng như các mẫu chuẩn phục vụ xét nghiệm.

Là đơn vị được thành lập đầu tiên trong hệ thống y tế dự phòng, viện đã đặt cơ sở và hỗ trợ, giúp đỡ cho sự hình thành và trưởng thành của nhiều cơ quan, đơn vị y tế trên cả nước, góp phần hình thành nên hệ thống y tế dự phòng toàn diện và lớn mạnh. Viện hiện có nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật cũng như phối hợp, chỉ đạo cho 28 tỉnh, thành phố phía bắc thực hiện tốt hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đến thời điểm hiện nay, 11 trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng.

Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, GS Đặng Đức Anh cho biết: Thời gian tới, phấn đấu xây dựng viện trở thành một trong những viện hàng đầu trong khu vực về phòng chống các bệnh dịch mới và tái nổi, các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề y tế công cộng quan trọng. Triển khai các kỹ thuật chuẩn thức và hiện đại ở mức phân tử về vi sinh y học, miễn dịch, di truyền... bảo đảm chất lượng với mức độ an toàn sinh học cao. Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, vi sinh y học, miễn dịch học, sức khỏe cộng đồng và y tế công cộng; phát triển, nghiên cứu thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mới và các chế phẩm sinh học dùng cho dự phòng, chẩn đoán và điều trị. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong dự phòng, giám sát, điều tra, chẩn đoán phát hiện sớm, và đáp ứng nhanh. (Nhân dân (trang 5)

Thêm một bệnh viện triển khai thành công kỹ thuật ghép thận

Sáng 30-9, Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên ký cam kết thi đua với Bộ Y tế công bố kết quả ca ghép thận đầu tiên. Đây là trung tâm thứ 15 thực hiện thành công kỹ thuật ghép tạng ở nước ta. Ca ghép thận được thực hiện ngày 18-9 vừa qua dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Bệnh viện Quân y 103. Người bệnh được ghép thận là Trần Văn Đại, 35 tuổi ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Người cho thận là Trần Văn Phong, em song sinh của người nhận.

Ngay sau ghép, thận đã bài tiết nước tiểu; tình trạng sau mổ của người cho và người nhận đều ổn định; được điều trị, theo dõi sát theo đúng các quy trình chăm sóc hậu phẫu. Đến nay, sau 12 ngày, cả người cho thận và nhận thận đều ổn định, sức khỏe tiến triển tốt, đủ điều kiện ra viện. Nhân dân (trang 5), Nông thôn ngày nay (trang 2)

Chín người ngộ độc thực phẩm tại Ninh Bình do vi khuẩn Clostridium botulinum

Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm khiến chín người ở thôn Lý Nhân, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình phải đi cấp cứu, ngày 30-9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình cho biết: Bước đầu xác định có các bào tử điển hình của vi khuẩn Clostridium botulinum trong mẫu thịt vịt quay.

Trước đó, chiều 27-9, có chín người bệnh phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm, đều là con cháu gia đình bà Trần Thị C (thôn Lý Nhân, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Phần lớn người bệnh bị đau đầu, khô cổ, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt, có dấu hiệu của ngộ độc thần kinh. (Nhân dân (trang 5)

Bệnh viện tạm ngừng mổ vì thiếu nước

Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh hôm qua xác nhận từ 29.9 BV phải ngưng các ca phẫu thuật chủ động vì nước sinh hoạt bị mất do sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. “Đến chiều nay (30.9) chúng tôi phải mua nước chở đến bằng téc. Lượng nước mua cũng chỉ hạn chế không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu”, ông Ánh nói.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Trực, Khoa Ngoại BV 19-8 chia sẻ: “Ở nhà dân bị cúp nước khổ thế nào thì ở đây khổ gấp năm lần. Đến nay, BV vẫn phải cố gắng đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng các ca mổ”.

Bệnh nhân, người nhà than trời

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, bà Thanh (Thạch Thất, Hà Nội) đang trông con gái sinh tại BV Phụ sản Hà Nội, than: “Đêm 29.9 và sáng 30.9 BV đều không có nước, mãi trưa 30.9 mới có được một ít nước. Nóng bức lại không có nước dùng, đi chăm bệnh mà mình cũng muốn bệnh. Cả tuần nay tôi không tắm, người ngứa ngáy, tóc tai cứng hết. Có chút nước nào thì để dành giặt giũ cho con, cho cháu. Con nhà tôi sinh non nên phải ở BV lâu lắm. Cái gì cũng phải tiết kiệm, tiền đâu mà đi tắm dịch vụ”.

Nước dự trữ của BV không đủ, bà Thanh phải mua nước đóng chai để lau rửa cho con gái. “Không được tắm nhưng cũng phải cho con cái nó vệ sinh, vừa sinh nở xong, bẩn lại mang bệnh vào người”, bà Thanh nói. Tại khu vực nhà vệ sinh của BV này, một số người nhà bệnh nhân thay phiên nhau hứng, tranh thủ dự trữ nước. Ở mỗi giường bệnh ai cũng trữ những chai nước lớn dự phòng, vì lo không có nước dùng.

Có mặt tại Khoa Xạ trị 3, BV K T.Ư (Quán Sứ, Hà Nội) khoảng 16 giờ hôm qua, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân và người nhà xếp hàng để được tắm, giặt, đi vệ sinh. Nhiều người vì chờ đợi quá lâu nên đã đi vệ sinh ngay dưới sàn... Theo bà Hoa (52 tuổi, ở Thái Bình, người nhà bệnh nhân), mấy ngày nay tình trạng xếp hàng tắm rửa diễn ra “như cơm bữa” tại BV này. Nước trong khu vệ sinh của BV chỉ có được 2 lần/ngày, mỗi lần 1 - 2 giờ, có lần chỉ 30 phút thì ngưng. Người nhà bệnh nhân thường xuyên phải chuẩn bị xô chậu để dự trữ nước sinh hoạt.

Khu B9 của BV 19-8 (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi) đưa người nhà vào đây nằm được 3 ngày nhưng không hề có nước sinh hoạt, người bệnh không thể tắm rửa, giặt giũ cũng như đi vệ sinh. “Thiếu nước khiến tình trạng quá tồi tệ. Mỗi ngày tôi phải tự tay xách nước từ bể nước dự trữ của BV lên dùng, mà cũng chỉ dám dùng để dội sau khi đi vệ sinh, còn tắm rửa thì không biết làm thế nào. Nóng bức, hôi thối thế này thì người bệnh làm sao khỏi bệnh được”, bà Thúy bức xúc.

Trong khi đó, bà Trần Thị Yến (61 tuổi, ở Q.Hai Bà Trưng) đang chăm con trai nằm ở phòng kế bên thì cho biết ngày nào bà cũng phải đi xách 20 lít nước leo cầu thang đưa lên phòng bệnh. Lực lượng y bác sĩ của BV này cũng huy động xe đẩy và cáng để vận chuyển nước cho bệnh nhân. Dù vậy, bà Thúy rất lo lắng về chất lượng nước sử dụng trong ca phẫu thuật của con mình.

“Mấy ngày nay không có nước, không biết họ mổ cho con tôi bằng nguồn nước lấy ở đâu. Vẫn biết là nước được khử trùng trước khi sử dụng nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng. Lo là thế nhưng đâu còn cách nào khác. Đi viện đã khổ trăm bề nay lại còn thêm nỗi khổ vì BV thiếu nước”, bà Yến than.

“Rất gay go”

Đại diện Công ty nước sạch Hà Nội giải thích việc thiếu nước cấp cho BV Phụ sản Hà Nội là do sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà hôm 26.9. Theo vị này, bình thường công ty lấy 34.000 m3/ngày đêm từ nguồn nước sạch sông Đà để cấp cho toàn hệ thống. Từ lúc đường ống này vỡ, toàn bộ lượng nước kể trên bị mất.

“Mãi đến tối 29.9, khi nước cấp cho bên mạng lưới của Viwaco phục vụ gần 80.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... tương đối ổn định thì mới mở van cho chảy sang mạng lưới do Công ty nước sạch Hà Nội quản lý”, vị này nói.

Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước - Sở Xây dựng Hà Nội, nhìn nhận: “Việc BV thiếu nước là rất gay go. Tôi sẽ sát sao liên lạc với lãnh đạo các đơn vị cấp nước để đốc thúc, chấm dứt tình trạng thiếu nước ở BV sớm”.

Cũng theo ông Quân, phương án khắc phục lâu dài là sớm khởi công đường ống nước sạch sông Đà số 2. Dự kiến ngày 7.10 tới sẽ khởi công xây dựng, sau khoảng 6 tháng sẽ đi vào hoạt động, giảm áp lực cấp nước cho tuyến ống hiện nay thường xuyên xảy ra sự cố. Thanh niên (trang 3), An ninh thủ đô (trang 6)

Thẩm mỹ viện Kangnam bị phạt do vi phạm về quảng cáo

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường vừa có quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với thẩm mỹ viện Kangnam (Quang Trung, Hà Nội) do vi phạm về quảng cáo.

Theo giải thích của thẩm mỹ viện, các dịch vụ này không thực hiện tại địa chỉ của thẩm mỹ viện Kangnam, mà thẩm mỹ viện thuê một bệnh viện khác để thực hiện các ca phẫu thuật, chỉ có “bác sĩ là của Kangnam”.

Tuy nhiên ông Cường cho biết dịch vụ không có trong danh mục hành nghề được cấp phép thì không được quảng cáo. Thanh niên (trang 3)

Ghi nhận tình trạng virus cúm kháng thuốc

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, kết quả phân lập mới nhất của Viện đã ghi nhận tình trạng virus cúm kháng thuốc chống virus. Thậm chí, tình trạng kháng thuốc ở virus cúm còn xảy ra ở cả thuốc mới dù mới ở mức độ thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng virus kháng thuốc là đặc tính biến đổi liên tục của virus cúm. Điều này khác với tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh do con người sử dụng bừa bãi. 


Để đối phó với tình trạng virus kháng thuốc, các thầy thuốc thường sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc điều trị đối với bệnh nhân cúm. Hiện có 10 điểm giám sát cúm trọng điểm tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với nhiệm vụ giám sát đặc điểm dịch tễ học, sự tiến hóa, tình trạng kháng thuốc để có những cảnh báo kịp thời, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thanh niên (trang 5)

9 tháng, 20 người tử vong do ngộ độc thực phẩm

Thông tin được TS. Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí, phổ biến tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sáng 30.9.

Theo ông Hùng, so với các năm trước, năm nay sự cố về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều ở khu công nghiệp, do thời tiết nóng ẩm thất thường, bảo quản thực phẩm không đảm bảo. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp với hàng trăm người nhập viện.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể… Hà nội mới (trang 5), Nông thôn ngày nay (trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang