Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Sống chung suốt cuộc đời với vi khuẩn HP; 10 loại thực phẩm làm tăng trí não; Người 'hâm' ở viện Ung thư; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…

 

Sống chung suốt cuộc đời với vi khuẩn HP

 Thống kê cho thấy, 70% dân số Việt Nam hiện nay mắc vi khuẩn HP nhưng không nhiều người biết rằng, hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng. Vì vậy, không phải cứ phát hiện có vi khuẩn HP là phải diệt trừ, tốt hơn là nên “chung sống hòa bình” với nó và chỉ điều trị khi thực sự cần thiết.

Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori được phát hiện ra năm 1982, được viết tắt là H.Pylori hoặc khuẩn HP. Đây là một loại khuẩn gram (-) kỵ khí tức là vi khuẩn sống trong môi trường thiếu oxy. Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease, chất này phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.

Ít ai biết rằng đến 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng, chỉ rất ít trường hợp mới tiến triển thành ung thư dạ dày. Nguyên nhân thường là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống, đặc biệt là hút thuốc lá, ăn các thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản... của người bị nhiễm. 

Để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Diệt trừ HP thường sử dụng phác đồ điều trị 3 thuốc, gồm 2 loại kháng sinh và một loại ức chế tiết axit nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. 

Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…), không có những tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày khi đã được thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao. Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng và được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

 Để giảm các triệu chứng gây ra của viêm loét dạ dày, nên thực hiện việc ăn uống điều độ, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress đồng thời duy trì lối sống khỏe mạnh bằng việc tập thể dục, yoga, thiền để có tâm trạng thư thái, ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, cần tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ axit quá cao, tránh rượu bia… bởi nếu không tuân thủ các phương pháp trên thì rất có thể khi đã chữa khỏi vi khuẩn HP vẫn bị tái phát (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

10 loại thực phẩm làm tăng trí não

Các loại thực phẩm đóng một vai trò trong việc giữ cho não khỏe mạnh, cải thiện trí nhớ và sự tập trung. Dưới đây là 11 loại thực phẩm làm tăng trí não.

Cá béo

Cá béo gồm cá hồi, cá mòi giàu axit béo omega-3. Khoảng 60% não được tạo thành từ chất béo và một nửa chất béo đó là omega-3. Bộ não sử dụng các omega-3 để xây dựng các tế bào não và thần kinh, và những chất béo này rất cần thiết cho việc học tập và trí nhớ. Omega 3 làm chậm sự suy giảm tinh thần liên quan đến tuổi tác và giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Thiếu omega-3 có liên quan đến giảm khả năng học tập, cũng như gây trầm cảm.

Chất xám trong não chứa các tế bào thần kinh kiểm soát việc ra quyết định, trí nhớ và cảm xúc. Omega-3 còn đóng vai trò trong việc làm sắc nét trí nhớ và cải thiện tâm trạng, cũng như bảo vệ não chống lại sự suy giảm trí nhớ.

Cà phê

Hai thành phần chính trong cà phê - caffein và chất chống oxy hóa - tác dụng tích cực lên não: tăng cường sự tỉnh táo và cải thiện tâm trạng. Uống cà phê về lâu dài cũng liên quan đến giảm nguy cơ bệnh thần kinh, như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

Củ nghệ

Curcumin, thành phần hoạt chất của nghệ đã được chứng minh là rất có lợi cho tế bào não. Curcumin có thể giúp cải thiện trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer, làm sạch các mảng amyloid là dấu hiệu của bệnh này. Curcumin tăng cường các yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não, một loại hormone tăng trưởng giúp tế bào não phát triển, giúp trì hoãn sự suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác.

Súp lơ xanh

Súp lơ xanh chứa nhiều hợp chất thực vật mạnh mẽ, bao gồm chất chống oxy hóa giàu vitamin K. Một vài nghiên cứu ở người lớn tuổi đã tìm ra mối liên hệ giữa vitamin K và sức khỏe não. Ngoài vitamin K, súp lơ xanh chứa một số hợp chất hiệu quả chống viêm và chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ não.

Hạt bí 

Hạt bí chứa các chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ cơ thể và não khỏi những tổn thương. Chúng cũng là nguồn magiê, sắt, kẽm và đồng - những chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe của não. 

Chocolate đen

Chocolate đen và bột ca cao có chứa một số hợp chất tăng cường trí não, bao gồm flavonoid, caffeine và chất chống oxy hóa. Các flavonoid trong chocolate làm tăng trí nhớ cũng như làm chậm sự suy giảm tinh thần do tuổi tác. 

Các loại hạt

Nghiên cứu cho thấy rằng ăn hạt có thể cải thiện sức khỏe của tim và một trái tim khỏe mạnh có liên quan đến việc có một bộ não khỏe mạnh. Một đánh giá năm 2014 cho thấy rằng, các loại hạt có thể cải thiện nhận thức và thậm chí giúp ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh. Một số chất dinh dưỡng trong các loại hạt, như chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa và vitamin E, có thể giải thích lợi ích sức khỏe của não. Vitamin E bảo vệ các màng tế bào khỏi sự tổn thương của gốc tự do, giúp làm chậm quá trình suy giảm tâm thần.

Cam

Theo một bài báo đánh giá năm 2014, việc ăn đủ lượng thực phẩm giàu vitamin C có thể bảo vệ chống lại sự suy giảm tinh thần và bệnh suy thoái liên quan đến tuổi tác. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại các gốc tự do có thể làm hỏng tế bào não. Thêm vào đó, vitamin C hỗ trợ sức khỏe của não khi bạn có tuổi. 

Trứng

Trứng là một nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất có liên quan đến sức khỏe của não, gồm vitamin B6 và B12, folate và choline. Choline là chất vi lượng quan trọng mà cơ thể sử dụng để tạo ra acetylcholine, chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng và trí nhớ. Lượng choline cao hơn có liên quan đến trí nhớ và chức năng tâm thần tốt hơn. Ngoài ra, thiếu hai loại vitamin B - folate và B12 - có liên quan đến chứng trầm cảm.

Trà xanh

Giống như cà phê, caffeine trong trà xanh làm tăng chức năng não, cải thiện sự tỉnh táo, bộ nhớ và tập trung. Một trong số đó là L-theanine, một axit amin có thể vượt qua hàng rào máu - não và tăng hoạt tính của chất dẫn truyền thần kinh GABA, giúp giảm bớt lo lắng và làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Một nghiên cứu cho thấy L-theanine trong trà xanh có thể giúp bạn thư giãn bằng cách giảm bớt các tác động kích thích của caffeine. Nó cũng chứa nhiều chất polyphenol và chất chống oxy hóa có thể bảo vệ não khỏi sự suy giảm tinh thần và làm giảm nguy cơ bệnh Alzheimer và Parkinson (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Người 'hâm' ở viện Ung thư

Đã ba năm ròng, bà Thũng âm thầm phát quần áo, phát nước vối miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Ngày mưa cũng như ngày nắng, người đàn bà này vẫn kiên trì với công việc từ thiện của mình trước cổng Bệnh viện K (43 Quán Sứ, Hà Nội), mặc mọi lời đàm tiếu sau lưng.

Giữa thời kinh tế thị trường, câu “chẳng ai cho không ai cái gì” đã thành quen thuộc. Vậy nên người đàn bà 68 tuổi phát nước vối, phát quần áo miễn phí trước cửa viện K khiến người ta tò mò. Bà làm việc đó một mình từ năm 2014, dù biết sau lưng có người cười: “Họ nói: Bà này bị hâm. Ờ thì tôi hâm cũng được”. Nhưng cũng có người vì quá ngưỡng mộ việc làm của bà lại đặt cho bà biệt danh “Bồ Tát sống”, khiến bà phát ngại. Để tiếp tục công việc của mình, bà Thũng học theo cách cụ Nguyễn Khuyến: “Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ/Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây”.

Minh Vượng bỏ nghề hài, quay sang bán trống?

Bà Thũng xởi lởi, hay cười. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, bà lí giải. Cho nên, đời càng sóng gió bà càng hào phóng tiếng cười.  Mấy ngày nay, những người bán hàng nước, những người chạy xe ôm trước cổng viện K không thấy bóng dáng bà Thũng. Chắc họ cũng nhớ tiếng cười của bà nên khi có người hỏi han về bà, lập tức một người đàn ông chạy xe ôm hăng hái: “Cô lên đây, tôi chở đến nhà bà ấy”.

Trên quãng đường đến nhà bà Thũng, anh xe ôm kể: “Bà ấy có hoàn cảnh đặc biệt lắm. Đứa con gái qua đời khi còn quá trẻ. Chồng cũng mất rồi. Giờ ở một mình ngoài đê sông Hồng”. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã vào con phố nơi bà sinh sống, nơi đây  như một xóm nghèo ở một vùng quê nào đó, mùi hôi bốc lên từ cống rãnh, vài chú chó chạy rông, mấy người đàn bà trung niên đang ngồi tám chuyện trong sân nhà. Thấy chiếc xe máy bà Thũng dùng để chở đồ từ thiện dựng trước cửa, anh  xe ôm đoán bà có nhà, liền đập cửa, gọi lớn. Một người đàn ông thò đầu qua ô cửa nhỏ tầng 2 trả lời: “Tìm mẹ tôi ở Hàng Lược ấy”. Thì ra, mấy ngày qua bà Thũng không ốm, không đau mà bận bán hàng trung thu, anh con trai đến giúp mẹ canh nhà.

Chúng tôi chạy qua Hàng Lược. Chẳng mất thời gian hỏi thăm cũng mau chóng  tìm được cửa hàng của bà Thũng. Đó là một cửa hàng chuyên bán trống, bà Thũng đứng trước cửa hàng đánh trống liên hồi. Đúng là trời phú cho bà sức khỏe, đến ngưỡng “thất thập cổ lai hy” mà  tiếng trống còn giòn giã lắm. Buôn trống đã 30 năm nay, bà Thũng không chỉ học được cách đánh trống mà  còn biết rõ  lai lịch, giá trị, cách sử dụng từng loại trống, khiến khách hàng thích thú. Khách vào cửa hàng của bà tấp nập, người này đi, người kia đến. Nếu chỉ nhìn lượng khách, ai cũng đoán bà kiếm được kha khá sau mỗi vụ trung thu nhưng bà bán hàng chẳng giống ai, phóng khoáng và hay mủi lòng. Một vị khách hàng chia sẻ: “Con mua trống này không chỉ để cho con cái của con chơi mà con còn muốn mang cho lũ trẻ mồ côi được chơi cùng”. Chỉ câu nói ấy mà bà Thũng sẵn sàng bán huề vốn. Những khách đến mua hàng thầm thì với nhau: “Trống ở đây rẻ hơn tất cả mọi cửa hàng lại còn được miễn phí nước vối”. Bà Thũng cười: “Lời lãi chẳng được bao nhiêu, cho nên thằng con trai của tôi có chịu ra bán đâu”.

Bà Thũng quê gốc Thanh Trì (Hà Nội) nhưng từ năm 13 tuổi bà đã buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Bà từng bán nhiều loại mặt hàng khác nhau: Bán trống, bán vàng mã… Bây giờ vào ngày thường bà bán rau để nuôi thân và làm từ thiện: “Trước con trai phát cho 200 ngàn đồng mỗi ngày. Nhưng tôi không muốn nhận tiền của con, mình còn sức khỏe nên tự lao động nuôi mình và làm những gì mình thích”. Bà vừa nói chuyện, vừa bán hàng. Thỉnh thoảng vắng khách, bà đứng dậy cầm dùi trống nói to: “Khua một hồi trống thôi, hết khách rồi”. Thế là bà đánh trống, cơ thể  lắc lư theo nhịp trống đầy hào hứng, khiến nhưng khách ngoại quốc đi qua cũng  xin bà đánh thử một hồi. Bà  bật mí: “Tôi theo nghề buôn trống vì trống chính là trò chơi của “ngàn năm văn hiến” vẫn còn lại đến hôm nay”. Bà yêu văn hóa của đất nước theo cách riêng, còn những người buôn trống như bà thì nghề làm trống truyền thống còn sức sống.

Hài hước, vui vẻ như một diễn viên hài, ai mua trống của bà Thũng cũng tạm quên cuộc đời bề bộn ngoài kia: “Này bác ơi, cái tai trống xinh thế kia bác cầm lên đánh mới giòn”, “Bác không mua trống, bác chỉ mua dùi, tôi bán trống cho ai”…Bà kể: “Người ta hay gọi tôi là Minh Vượng. Cũng ối nơi mời tôi đi diễn hài đấy. Nhưng tôi không đi”.

Từ thiện ồn ào, mất phước!

Bà tự thuật hoàn cảnh của mình: “Chồng tôi sang Mỹ theo con gái tôi để chữa bệnh rồi”. Nếu không được anh xe ôm “phím” trước, tôi đã không thể đoán được “sang Mỹ” nghĩa là “sang thế giới bên kia”. Chính trong khoảng thời gian chăm chồng bệnh, bà Thũng nảy ra ý định phát nước vối miễn phí: “Bởi vì ngồi trong nhà chăm chồng ốm tôi thấy nóng quá lại nhớ đến những người đang trong cảnh ở viện, chắc họ khổ lắm. Tôi bèn nói với con trai: Hay mai cho mẹ đi phát nước vối miễn phí?. Con trai nghi ngờ: Liệu mẹ có làm được không? Tôi khẳng định luôn: Mẹ làm được”. Thế là từ đó bà Thũng vừa chăm sóc ông chồng bị bệnh, vừa phát nước vối. “Bây giờ ông ấy đã “sang Mỹ” chữa bệnh, tôi còn lại một mình, nhàn hơn nên càng có thời gian làm từ thiện”, bà tâm sự. Nhưng cái “nhàn” của bà cũng đủ làm nhiều người choáng: “Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, đun nước vối rồi đi chợ. Khoảng 9 rưỡi đến 10 giờ trưa tôi vào viện phát nước vối, phát quần áo miễn phí, đến khoảng giữa trưa thì hết”. Anh xe ôm ở viện K tiết lộ: Mỗi ngày bà phát miễn phí khoảng 50-60 lít nước vối, một mình bà thồ vào viện bằng cái thúng đặt phía sau xe máy. Bà Thũng kể: “Ban đầu tôi còn e dè, chỉ dám nói: Các bác ơi, nước vối miễn phí đây. Có người hỏi: Bà nói thật hay nói dối? Tôi bảo: Nói thật chứ nói dối làm gì. Người ta gợi ý, bà nên làm cái biển ghi rõ, nước vối miễn phí, quần áo miễn phí. Thế là từ đó tôi mới đề biển”.

Tuổi mỗi ngày một cao nhưng bà Thũng bảo: Tôi chỉ thôi làm việc thiện khi không còn sức. Vì sao bà say mê làm từ thiện? “Bởi vì tôi nghèo, nhà tôi chẳng có gì đáng giá cả. Mình nghèo nhìn thấy người khác nghèo hơn nên thương. “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Bà Thũng rất ngại việc lên báo: “Lên báo làm gì? Tôi nói thật, cô đừng tự ái. Lên báo không giải quyết vấn đề gì mà chỉ ầm ĩ thêm, phiền lắm, mất phước. Làm từ thiện mà cứ ầm ầm lên là mất phước đấy”. Tôi hỏi bà: “Quen làm từ thiện, nếu bây giờ ngừng không phát nước, phát quần áo miễn phí nữa, liệu bà có buồn không?”. Bà Thũng đáp: “Không làm cũng không buồn nhưng thương. Cô chưa tưởng tượng được đâu. Tôi xách nước lên tầng, thấy 3,4 bệnh nhân nằm chung một giường, có khi 2 người nằm một giường, không có người trông, họ vẫy tay xin nước. Tôi rót nước, bưng hai tay mời họ uống và cảm ơn họ”. Mùa hè, bà cho bệnh nhân uống nước vối, thả thêm vài viên đá cho mát: “Nước đá cũng do tôi tự làm. Hôm nào không kịp làm, tôi mua đá sạch”. Còn mùa đông, bà cố gắng ủ ấm nước vối, để người bệnh ấm lòng. Bà mời tôi một cốc nước vối rồi tự hào khoe bằng giọng đầy “màu sắc”: “Nhiều người không biết đun nước vối đâu, để nước vối đỏ là hỏng, là không biết nàm (làm- pv). Tại họ đun chín, đậy vung, không vớt lá đi”.

Thấy bà vui chuyện lại hay cười, tôi hỏi: “Có bao giờ bà nổi nóng không?”. Bà Thũng lại cười: “Tôi chăm chồng khi ông ấy bệnh suốt thời gian dài còn chưa nổi nóng lần nào. Không tin cô hỏi con tôi xem”. Lại hỏi tiếp: “Nhưng chắc bà hay buồn lắm nhỉ?”. Đến đây, bà Thũng trầm hẳn: “Có những ngày Hà Nội mưa tầm tã, ở nhà buồn, tôi mặc áo mưa dạo Bờ Hồ một vòng cho đỡ nhớ”. Một bà lão gần 70 tuổi dạo phố trong màn mưa,  ai đó biết chuyện thế nào chẳng bình: Đúng là một bà già “hâm chính hiệu”.

“Tôi xách nước lên tầng, thấy 3,4 bệnh nhân nằm chung một giường, có khi 2 người nằm một giường, không có người trông, họ vẫy tay xin nước. Tôi rót nước, bưng hai tay mời họ uống và cảm ơn họ”.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng

Già hóa dân số đã trở thành vấn đề mang tính quốc tế. Bên cạnh những tác động tích cực, già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe. Với phong tục tập quán, văn hóa và thực tế của Việt Nam, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng là phù hợp, là cơ sở để các cơ chế, chính sách cần hướng đến.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe..., nhờ đó, tuổi thọ của người dân cũng được nâng cao. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% tổng dân số, trong đó có hơn hai triệu người trên 80 tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những nước điển hình và được xếp vào nhóm mười nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 17% và đến năm 2050 chiếm 25% dân số cả nước. Nếu như các nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. Già hóa dân số nhanh có hai nguyên nhân chính là: Mức sinh ngày càng giảm và tuổi thọ ngày càng tăng. Đáng chú ý, tuổi thọ tăng cao (74 tuổi) nhưng tuổi khỏe mạnh vẫn còn thấp (64 tuổi), như vậy mười năm cuối đời là sống không khỏe. Theo GS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư, người cao tuổi ở Việt Nam có mười vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc sức khỏe, đó là: Đa bệnh lý; các bệnh phức tạp; biểu hiện không điển hình; dùng nhiều thuốc; hội chứng dễ tổn thương; hội chứng sa sút trí tuệ; ngã; suy dinh dưỡng; giảm khả năng vận động; giảm hoạt động chức năng.

Già hóa nhanh với nhiều điểm đáng lưu ý đã tạo những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt. Hội thảo thích ứng với già hóa dân số do Chính phủ và Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức mới đây đã khuyến nghị để các nền kinh tế thành viên nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với luật pháp và điều kiện kinh tế - xã hội. Các khuyến nghị nêu rõ, cần định hướng lại hệ thống y tế và phát triển các hệ thống chăm sóc dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người cao tuổi theo hướng nhấn mạnh vào bệnh không lây nhiễm, dự phòng, mở rộng độ bao phủ chăm sóc sức khỏe phổ cập; có chiến lược phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ dựa vào giá trị nhằm nâng cao chất lượng, tăng tính hiệu quả và đầu ra của công tác y tế; tăng cường chính sách và thực hiện các chương trình để cải thiện việc tiếp cận, thụ hưởng chăm sóc sức khỏe ban đầu, can thiệp và phòng ngừa như tiêm chủng và sàng lọc chẩn đoán; tăng tính sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào nhu cầu chăm sóc các bệnh mãn tính của người cao tuổi; lồng ghép và tăng cường đầu tư chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội; cung cấp chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và tại nhà cũng như dịch vụ chăm sóc dài hạn…

Qua các nghiên cứu thực tế cũng như phong tục, tập quán của người Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần dựa vào cộng đồng. Để làm được điều đó cần phát triển mô hình y học gia đình; củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn giúp chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các bệnh mãn tính; cần có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất... Phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng là một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng và chủ yếu trong bối cảnh già hóa dân số đang tăng nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, quá trình già hóa của mỗi vòng đời trải qua ba giai đoạn: Năng lực sống cao và ổn định; suy giảm năng lực; suy giảm, mất năng lực nặng nề. Theo khung phân tích của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các can thiệp tác động vào quá trình già hóa, nâng cao năng lực nội tại và khả năng hoạt động nhằm mục tiêu già hóa khỏe mạnh có thể chia thành ba nhóm, trải suốt vòng đời, đó là: Can thiệp về dịch vụ y tế, bao gồm các can thiệp cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, chẩn đoán sớm và kiểm soát bệnh mãn tính; thực hiện can thiệp chăm sóc dài hạn để hỗ trợ người cao tuổi nâng cao năng lực, hành vi và chăm sóc bảo đảm nhân phẩm cho người cao tuổi ở giai đoạn cuối vòng đời, khi năng lực đã bị suy giảm nặng nề; can thiệp vào môi trường văn hóa, xã hội, bao gồm các can thiệp nhằm nâng cao năng lực, đẩy mạnh lối sống, hành vi lành mạnh cho sức khỏe một cách mạnh mẽ ngay từ giai đoạn đầu của vòng đời, hỗ trợ người cao tuổi loại bỏ những rào cản trong tham gia hoạt động kinh tế - xã hội, bù đắp sự mất mát về năng lực sống ở giai đoạn cuối (Nhân dân, trang 5 ).

 

Một bác sĩ chấp nhận bồi thường 655 triệu đồng để thôi việc

Chiều 30.9, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Quảng Nam (đóng tại TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) xác nhận bác sĩ (BS) Phan Xuân Khoa (26 tuổi), hiện công tác tại khoa gây mê phẫu thuật của bệnh viện, đã vi phạm hợp đồng và buộc phải bồi thường 655 triệu đồng cho UBND tỉnh Quảng Nam theo cam kết. Số tiền trên BS Khoa đã nộp đầy đủ và được chuyển trả lại cho ngân sách nhà nước. Được biết, năm 2016, BS Khoa ký hợp đồng với Sở Nội vụ làm việc tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam với thời gian 12 năm, được nhận ưu đãi 350 triệu đồng (250 triệu là tốt nghiệp đại học loại giỏi, 100 triệu đồng hỗ trợ mua đất làm nhà) theo chính sách thu hút nhân tài của địa phương. Sau đó, BS Khoa được bệnh viện cử đi học chuyên khoa định hướng về gây mê phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Hết thời gian học, BS Khoa về làm việc được một thời gian thì có đơn xin thôi việc, vì lý do vào TP.HCM sống với gia đình. Theo lãnh đạo bệnh viện, trong hợp đồng làm việc ghi rõ, nếu BS nào đơn phương chấm dứt hợp đồng, không phục vụ đủ thời gian làm việc theo cam kết phải bồi thường số tiền gấp đôi (Thanh niên, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang