Bộ Y tế chấn chỉnh việc ban hành văn bản về muối I-ốt trái chỉ đạo của Thủ tướng
Sáng nay, 31-10, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến bổ sung muối I-ốt, Bộ đã đã điều chỉnh việc chỉ đạo về hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.
Trước đó, trong buổi kiểm tra tại Bộ Y tế, Tổ công tác của Chính phủ do Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu ra việc Bộ Y tế ban hành một văn bản không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối I ốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung iốt. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế thừa lệnh Bộ trưởng đã ký một công văn hướng dẫn của Bộ quy định từ ngày 15-3-2017, các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm (để tiêu dùng trong nước) đều phải sử dụng muối có tăng cường I-ốt.
Thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên, Bộ Y tế vừa có công văn số 6134/BYT-PC ngày 27-10-2017, trong đó Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện: “Chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối I-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối I-ốt” (An ninh thủ đô, trang 6; Nhân dân, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Sử dụng uy tín của PGS.TS Bệnh viện Bạch Mai để quảng cáo, Hamomax bị xử phạt 85 triệu đồng
Ngày 31-10, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong đã ra quyết định xử phạt hành chính 85 triệu đồng đối với Cty CP phát triển thảo dược Việt Nam vì sử dụng uy tín của bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai để quản cáo thực phẩm chức năng…
Trước đó, theo phản ánh, Cty nêu trên có đăng bài quảng cáo trên website của hamomax.vn với tiêu đề: “GS.TS.BS cao cấp bệnh viện Bạch Mai: Tìm ra phương pháp hạ mỡ máu cao không gây tác dụng phụ”. Nội dung bài viết này nêu: “Những chia sẻ chân thực nhất của PGS.TS.BS. Đ.Q.H, Chuyên khoa Tim mạch (hiện công tác tại Bệnh viện Bạch Mai) trong điều trị mỡ máu cao cho rất nhiều bệnh nhân và của chính bản thân mình”.
Cục ATTP đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty CP phát triển thảo dược Việt Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) 85.000.000 đồng với 2 hành vi vi phạm sau: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm nêu trên.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo quy định của Bộ Y tế nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Bởi khi một bác sĩ quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng thường có niềm tin hơn, tăng độ tin cậy của người bệnh đối với sản phẩm do bác sĩ quảng cáo. (An ninh thủ đô, trang 6; Nhân dân, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
"Thuốc chữa ung thư Vidatox chưa hề được phép bán, kê đơn tại Việt Nam"
Trong thời gian gần đây, thông tin thuốc ung thư Vidatox giả đang được bày bán rất nhiều tại cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều khiến dư luận hết sức hoang mang. PGS. TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho rằng: việc bày bán các thuốc ung thư giả là một tội ác, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K về vấn đề này.
Phóng viên: Trước thông tin có thuốc điều trị ung thư chưa được Bộ Y tế cấp phép mang nhãn hiệu Vidatox đang được bày bán tràn lan tại các hiệu thuốc ở cổng Bệnh viện K Tân Triều, nguy hại hơn là có những thuốc được làm giả hoàn toàn, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, người bệnh và gia đình luôn có tâm lý "có bệnh vái tứ phương". Thế nhưng thật đáng tiếc, có những gian thương bất chấp luật pháp và lương tâm, sản xuất, kinh doanh thuốc giả nhằm trục lợi bất chính. Đây có thể coi là tội ác vì ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng, là vốn quý nhất của con người. Để bài trừ vấn nạn thuốc giả, theo tôi ngoài nỗ lực của ngành y tế cần có sự kết hợp, chung tay hỗ trợ của ngành công an, quản lý thị trường….
Phóng viên: Theo tôi được biết, có nhiều bệnh nhân ung thư khi điều trị tại viện phải mua thuốc điều trị ung thư ở ngoài, làm thế nào để người dân có thể phân biệt được đâu là thuốc có chất lượng, đâu là thuốc giả thưa ông?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Hầu hết các trường hợp để phân biệt chính xác thuốc thật, thuốc giả cần phải có thẩm định của cơ quan kiểm nghiệm. Nếu chỉ dựa vào bao bì, nhãn mác thì ngay cả bác sĩ điều trị cũng có thể bị đánh lừa, không phân biệt được chứ chưa nói đến người bệnh. Mỗi khi phát hiện những chủng, loại thuốc giả có mẫu mã, bao bì, hình thức thuốc, số đăng ký… khác thuốc thật, các cơ quan chức năng nên phổ biến đến người dân và cộng đồng cách thức phân biệt.
Phóng viên: Thông tin thuốc hỗ trợ điều trị ung thư Vidatox 30CH – chưa được Bộ Y tế cấp phép, được bày bán trước cửa bệnh viện K và đã có rất nhiều bệnh nhân mua và sử dụng loại thuốc này, đã có trường hợp gặp phải phản ứng không mong muốn và phải quay lại bệnh viện cấp cứu. Xin hỏi ông thuốc này có tác dụng với bệnh nhân ung thư không? Xin ông cho biết tại bệnh viện K bác sĩ có kê đơn cho người bệnh sử dụng loại thuốc Vidatox 30 CH này không? Việc kê đơn các loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư tại bệnh viện thế nào?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Hiện tại Vidatox có hai loại: thực phẩm chức năng đã được Bộ y tế cấp phép và thuốc đã được nghiên cứu đánh giá hiệu quả tại Bệnh viện K, chưa được Bộ y tế cấp phép lưu hành. Chính vì vậy, các bác sỹ Bệnh viện K không kê đơn thuốc này tính tới thời điểm hiện tại. Đối với các thực phẩm chức năng nói chung, bác sỹ được quyền tư vấn sử dụng, tại nhiều nước thực phẩm chức năng được bán ở cửa hàng, siêu thị mà không cần đơn.
Phóng viên: Khi mắc bệnh ung thư, nhiều người cho rằng đây là bệnh nan y, vô phương cứu chữa, họ đi tìm đủ loại cách thức trong đó có cả thuốc để trị bệnh ung thư. Việc phát triển của mạng xã hội cho phép người dân tiếp cận nguồn thông tin sai trái này dễ dàng hơn. Là bác sĩ chuyên ngành ung thư, theo ông, người dân có nên tự mua thuốc theo những chỉ dẫn trên mạng hay không, nhất là với những bệnh nhân ung thư? Nếu mua và sử dụng những loại thuốc như vậy sẽ gây ra những hậu quả gì?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Người bệnh nhất là người bệnh ung thư tuyệt đối không nên tự mua thuốc theo chỉ dẫn trên mạng. Vì rằng điều trị ung thư hết sức phức tạp, phải phối hợp đa mô thức căn cứ trên nhiều yếu tố và đặc điểm người bệnh, ngay cả bác sĩ không phải chuyên ngành cũng không có đủ kiến thức, kĩ năng cần thiết để chỉ định, chứ chưa nói người bệnh. Hơn nữa các thuốc chống ung thư đều có độc tính, tác dụng phụ nhất định, do vậy sẽ rất nguy hiểm nếu sử dụng không có chỉ định, hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Còn nếu các hướng dẫn truyền tai là các thuốc, các phương pháp không chính thống, chưa có bằng chứng khoa học thì cũng không phù hợp, thậm chí nguy hiểm vì dùng thuốc không có tác dụng, có thể có độc tính nặng nề và bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời các thuốc có hiệu quả.
Phóng viên: Ông có lời khuyên gì với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư trong việc mua thuốc điều trị hay hỗ trợ ung thư?
PGS.TS Trần Văn Thuấn:Người bệnh nên sáng suốt tuân thủ chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc của các bác sĩ chuyên khoa, tại các cơ sở khám chữa bệnh ung thư uy tín. Không nên dùng thuốc theo lời truyền tai, đồn đại, chưa được khoa học kiểm chứng. Nếu những thuốc này có tác dụng thật sự, đương nhiên được ứng dụng đưa vào các phác đồ chuẩn mực, điều trị rộng rãi cho người bệnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Phẫu thuật lấy khối bướu hiếm gặp ở trẻ sơ sinh 20 ngày tuổi
Một trẻ sơ sinh 20 ngày tuổi có khối bướu trải dài từ cổ, nách tới bụng đã được các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh bóc tách thành công, tránh được nguy cơ tử vong do nhiễm trùng. Thạc sỹ, bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ngày 6/10 bệnh viện tiếp nhận một bé gái mới sinh được 3 giờ từ Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng sốt cao, bé có một khối bướu chạy dọc từ vùng cổ, nách xuống ngực, bụng. Sau khi nhập viện, bệnh nhi tiếp tục sốt cao không hạ, khối bướu mỗi ngày một phình to hơn. Thông qua siêu âm, các bác sỹ nhận định đây là khối bướu được tạo thành do dị dạng mạch máu hỗn hợp giữa bạch huyết và tĩnh mạch. Ngày 26/10, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sỹ và gia đình đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi. Phải mất 8 giờ đồng hồ, các bác sỹ mới lấy được toàn bộ khối bướu ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Khối bướu được lấy ra nặng 1kg. Theo các chuyên gia y tế, dị dạng tĩnh mạch và bạch huyết là bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là ca thứ 6 trên thế giới được ghi nhận có bướu dị dạng khổng lồ tương tự. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).