Cần tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt vàng khi đến các khu vực đang có dịch
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt vàng đang lưu hành tại 42 quốc gia, chủ yếu ở khu vực Trung Phi và Nam Mỹ. Riêng tại Bra-xin, từ tháng 12-2016 đến nay đã ghi nhận 364 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 49 người chết. WHO đánh giá, đây là đợt dịch lớn nhất, rộng nhất tại Bra-xin kể từ năm 2000 và người đến vùng dịch có nguy cơ cao bị nhiễm vi-rút sốt vàng. Bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, do vi-rút sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%.
Tại các nước khu vực châu Á và tại Việt Nam, đến nay không có dấu hiệu lây truyền và lưu hành bệnh sốt vàng, tuy nhiên, một số nước đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh về từ vùng có dịch. Nước ta hiện giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể sẽ ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng trở về từ các nước này hoặc nhiễm bệnh khi đi đến các khu vực đang có dịch. Ðể chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: người đến các nước khu vực châu Phi và Mỹ la-tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi, đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh sốt vàng. Người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất bảy ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. (Nhân dân, trang 8)
Công bố Giải thưởng chất lượng Khám chữa bệnh
Sáng 10-2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố Giải thưởng chất lượng Khám chữa bệnh. Đây là hoạt động trong hàng loạt chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng bệnh viện giai đoạn từ 2015 – 2025 của ngành y tế TP Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho sản phẩm “Quy trình báo động đỏ” của BV Nhi Đồng 1; trao hai giải nhì cho sản phẩm “Khoa khám bệnh thông minh” của BV Nhân dân Gia Định và sản phẩm “Bệnh án điện tử” của bệnh viện (BV) quận Thủ Đức; trao ba giải ba cho sản phẩm “Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm Y tế" của BV quận Thủ Đức, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng kháng sinh” của BV Nhân dân Gia Định, “Chương trình giám sát trực tuyến kê đơn thuốc” của BV Nhi Đồng 1.
PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết cuộc thi nhằm đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh, tăng cường sức sáng tạo của các BV, giúp các BV trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm tự nâng cao năng lực phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Ngay từ đầu năm 2016, Sở đã phát động bình chọn giải thưởng. Các sản phẩm có thể đăng ký bình chọn bao gồm những hoạt động cải tiến chất lượng khám chữa bệnh của các BV trên địa bàn, hướng đến lấy người bệnh làm trung tâm với năm mục tiêu chất lượng: hiệu quả hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn.
Với 120 sản phẩm của 35 BV đăng ký dự thi, đã có 80 sản phẩm được Ban tổ chức sơ tuyển vào vòng chung kết xếp hạng. Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng chấm giải bao gồm: thành viên các Ban chuyên trách của Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế, những nhà quản lý bệnh viện nhiều kinh nghiệm; các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực y tế của các báo đài trên địa bàn thành phố và chủ tịch các hội nghề nghiệp trực thuộc Sở Y tế quản lý. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 3: “Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: đoạt giải nhất chất lượng khám chữa bệnh ”; Báo Thanh niên trang 7: “Lần đầu trao giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh”
Bác sĩ giỏi đổ bộ về trạm xá
Nhiều bệnh nhân đã chọn phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại trạm y tế vì gần nhà và hưởng chất lượng phục vụ như bệnh viện.
“Hiệu quả lớn nhất mang lại từ mô hình phòng khám đa khoa (PKĐK) vệ tinh của Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM) đặt tại hai trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh chính là người bệnh không phải đi xa và chẳng tốn công chờ đợi” - BS Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc BV quận Thủ Đức, chia sẻ.
Trạm y tế chất lượng BV
Gần 8 giờ ngày 6-2, bà Nguyễn Thị Dừng (77 tuổi) từ nhà ở phường Bình Chiểu tới Trạm Y tế phường Bình Chiểu để tái khám căn bệnh cao huyết áp, thoái hóa đa khớp và rối loạn chức năng tiền đình. Hai phút sau, bà Dừng đã có mặt tại khoa Ngoại tổng quát và ngồi chờ chưa tới 10 phút.
“Trước đây tôi thường khám ở BV quận Thủ Đức. Do nhà xa nên gà vừa gáy là tôi lật đật kêu đứa cháu lấy xe máy chở đi. Vậy mà tới nơi đã thấy đông nghẹt người, bốc số xong phải chờ tới hơn 9 giờ mới được khám. Đôi khi đợi lấy kết quả thử máu, siêu âm… tới tận trưa. Nhiều lúc về tới nhà thì mặt trời đã đứng bóng, bụng đói meo, tay chân run lẩy bẩy” - bà Dừng nói.
Từ khi BV quận Thủ Đức đặt PKĐK vệ tinh tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu thì bà Dừng không phải đi sớm về trưa nữa. “Từ lúc khám bệnh tới khi cầm bịch thuốc ra khỏi quầy độ chừng 30 phút, khỏe re” - bà Dừng nói vui.
Cũng tại khoa Nội tổng hợp của PKĐK vệ tinh đặt tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, BS Huỳnh Như Diễm đang khám căn bệnh rối loạn tiêu hóa, sỏi thận cho bà Lê Ngọc Tuyết (54 tuổi, ở phường Hiệp Bình Chánh). Sau khi đo huyết áp, nghe nhịp tim cho bà Tuyết, BS Diễm hỏi han cặn kẽ việc ăn uống, nghỉ ngơi… và cho phiếu xét nghiệm.
Cầm phiếu xét nghiệm, bà Tuyết đi thẳng vào phòng nội soi và không lâu sau đó đã có kết quả. “Trước đây tôi hay khám ở BV quận Thủ Đức, giờ chuyển qua khám tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh vì nhanh hơn rất nhiều. Đâu chỉ vậy, bác sĩ ở trạm y tế đều công tác ở BV quận Thủ Đức nên giỏi chuyên môn lại hết sức ân cần nên tôi rất yên tâm” - bà Tuyết trải lòng.
Thuận lợi hơn cho người bệnh
Nói thêm về hiệu quả PKĐK vệ tinh BV quận Thủ Đức đặt tại hai trạm y tế phường mang lại, BS Nguyễn Lan Anh cho biết việc tận dụng cơ sở sẵn có của trạm y tế để đặt PKĐK vệ tinh là phù hợp.
“Điều này đã chấm dứt lãng phí phòng ốc, máy móc do không được khai thác sử dụng. Hiện tại trung bình một ngày mỗi trạm y tế này khám 70-110 bệnh nhân. Số lượng nói trên đã góp phần ít nhiều giảm tải cho BV quận Thủ Đức” - BS Lan Anh cho biết.
Theo BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Phúc, Trưởng trạm Y tế phường Bình Chiểu, trước đây nói đến trạm y tế phường/xã là mọi người nghĩ nơi chỉ khám những bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, sơ cứu tai nạn, chích ngừa… Nhiều người cũng chưa thực sự tin tưởng chuyên môn của nhân viên y tế làm việc tại đây.
PKĐK vệ tinh của BV quận Thủ Đức đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu chính thức hoạt động đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Người bệnh đến trạm y tế phường có thể khám và điều trị nhiều bệnh khác nhau, kể cả siêu âm, nội soi, xét nghiệm… mà không phải chờ đợi, tốn công đi lại. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Hỗ trợ Bệnh viện Campuchia chữa bệnh từ xa
Sáng 9-2, tại TPHCM, Tổng cục Hậu Cần (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Lễ nghiệm thu và bàn giao hệ thống y khoa trực tuyến Telemedicine giữa Bệnh viện (BV) Quân y 175 Bộ Quốc phòng Việt Nam và BV 179 Quân đội Hoàng gia Campuchia (BV Preah Ket Mealea).
Đây là một trong các dự án trang bị, lắp đặt hệ thống Y khoa kết nối giữa BV Quân y 175 BQP Việt Nam và BV 179 QĐHG Campuchia với mục đích giúp các hình ảnh chẩn đoán, nội soi, siêu âm,…truyền đi nhanh chóng, kịp thời để các bác sĩ tuyến cuối đưa ra kết quả một cách chính xác nhất, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Trong buổi Lễ nghiệm thu, đại diện các bên liên quan đã kiểm tra kỹ chất lượng hình ảnh, âm thanh, đường truyền dữ liệu; đánh giá Hệ thống đạt yêu cầu và thống nhất bàn giao cho các đơn vị sử dụng. Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV 175 cho rằng đây là kết quả của một quá trình dài khẳng định tình đoàn kết giữa hai đất nước, hai quân đội. BV 175 BQP Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ BV 179 QĐHG Campuchia trong các hoạt động y tế chuyên môn, hoàn thành nhiện vụ mà Đảng hai đất nước giao cho. Qua đó, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa chuyên môn kỹ thuật nhằm giao lưu, học hỏi giữa hai đất nước, hai BV thêm thắm tình hữu nghị. (Sài Gòn giải phóng, trang 13)
Nhiều bệnh viện thẩm mỹ có điểm chất lượng thấp
Trong số 10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất có tới 5 bệnh viện thẩm mỹ, 1 bệnh viện quốc tế, 3 bệnh viện tư nhân khác và một bệnh viện quận.
Cụ thể, 10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất là: BV Đa Khoa Tân Hưng, BV Mắt Việt Hàn, BV CKPTTM Quốc tế Thảo Điền, BV Thẩm Mỹ JW, BV Tân Sơn Nhất, BV Quận 3, BV Thẩm mỹ Kim Hospital, BV Thẩm Mỹ Sài Gòn, BV Thẩm Mỹ Kỳ Hòa, BV Thẩm mỹ AVA Văn Lang.
Trong 10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất có 8 bệnh viện công lập và chỉ có 2 bệnh viện tư nhân. Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đứng đầu trong 10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất.
Những thông tin này đã được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết chất lượng bệnh viện và Lễ công bố giải thưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của ngành y tế TP.HCM năm 2016 được tổ chức vào sáng 10-2. Hiện TP.HCM có khoảng 100 bệnh viện.
“Quy trình báo động đỏ” của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã được giải nhất trong tổng số 120 sản phẩm của 35 bệnh viện dự thi Giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh của Ngành Y tế TP. Đây cũng là lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM tổ chức bình chọn giải thưởng này.
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP, quy trình báo động đỏ không tốn thêm một đồng nào, một nhân lực nào nhưng trong thời gian qua đã cứu sống không ít trường hợp nguy kịch mà nếu trước đây không có quy trình này sẽ khó cứu sống. (Tuổi trẻ, trang 4)
Nhiều người nhập viện vì thủy đậu
Hà Nội hiện ghi nhận nhiều trường hợp mắc thủy đậu đến khám tại các bệnh viện Bạch Mai, E, Việt Nam- Cu Ba... Không ít người đã phải nhập viện vì bệnh nặng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh. Đáng nói, không chỉ có trẻ em mắc căn bệnh này mà còn xuất hiện không ít ca bệnh là người lớn.
Tại Bệnh viện E, bệnh nhân V.T.T.H (30 tuổi, Hà Nội) nhập viện ngày 6/2, trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước mặt và lan toàn thân. Bác sĩ cho biết bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nổi nốt hết toàn bộ thân, đau đầu, mệt mỏi. Bệnh nhân bị lây thủy đậu từ con mới 2 tuổi đã được điều trị khỏi 31/1. Sau một ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, đa hình thái (có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, nốt mới mọc, nốt mọc lâu…). Trước đó, bệnh nhân N.M.H (27 tuổi, Hà Nội) cũng nhập viện do mắc bệnh thủy đậu, nổi mụn nước toàn thân. Cách đó 3 ngày, bệnh nhân này có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi bị mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh. Điều đáng nói là 2 bệnh nhân người lớn này chưa từng tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, chưa từng mắc bệnh và tiếp xúc với nguồn lây… Theo bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phó khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E), trong 1 tháng gần đây đã tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, trong đó, không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong.
TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, phòng khám bệnh truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày có từ 3-4 ca thủy đậu đến khám, tuy nhiên đa phần các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú. Đặc biệt có một số trường hợp nặng biến chứng khi nhập viện như bệnh nhân có thai, bệnh nhân bị bội nhiễm nốt phỏng. Đặc biệt hiện tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, do chủ quan dẫn đến bệnh nặng, khi vào viện đã gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở oxy…Theo thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba) cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 8/2, đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu. Đặc biệt, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.
Dễ nhiễm vì bệnh lây qua đường hô hấp
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường cho hay, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Đến nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
TS Lương Thị Thu Hiền - Trưởng khoa Nội nhi Tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, thủy đậu là bệnh cấp tính do varicella zoster virus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật. Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin đều cảm nhiễm với bệnh, thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắc-xin. Vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đa số người mắc chưa được tiêm vắc-xin phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc-xin rồi vẫn mắc bệnh. Bởi vì, trên thực tế, nếu đã được tiêm phòng vắc xin thủy đậu thì từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt bỏng rạ và thường là không bị biến chứng. (Tiền phong, trang 10)