Bảy người phải nhập viện vì ngộ độc methanol
Sáng 10-3, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bảy người bị ngộ độc methanol. Tất cả những người bệnh này đều quê ở tỉnh Gia Lai, hiện là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương (có cơ sở tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cả bảy trường hợp nhập viện trong tình trạng khá nặng, có chỉ định lọc máu để thải methanol, trong đó có ba người trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy.
Theo lời kể của một người bệnh, nhóm bạn này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn mác về phòng trọ để liên hoan. Cả nhóm ăn, uống từ trưa đến 24 giờ đêm ngày 8-3. Sáng 9-3, một số người xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198 và sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc sáng 10-3.
Thống kê cho thấy, từ ngày 22-2 đến 10-3, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 21 ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp (methanol), trong đó có một trường hợp đã chết, một trường hợp gia đình xin về. Những người bị ngộ độc đến từ nhiều địa phương nhưng chủ yếu sống và làm việc tại Hà Nội. (* Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 1: “Bảy sinh viên ở Hà Nội ngộ độc rượu methamol”; Báo Hà Nội mới trang 7: “Thêm 7 bệnh nhân ngộ độc Methanol vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai”; Báo Lao động trang 7: “7 sinh viên ngộ độc rượu cực độc tại Hà Nội”
Mẹ chết não vẫn có thể nuôi sống thai nhi
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết khẳng định, trong trường hợp mẹ chết não nhưng thai nhi vẫn bình thường thì hoàn toàn có thể kéo dài sự sống của mẹ để cứu được con.
Liên quan đến trường hợp một thai phụ (mang thai 21 tuần) ở Quảng Ninh bị tai biến chết não sau khám phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, nhiều bạn đọc Báo ANTĐ đặt câu hỏi, trong các trường hợp như thế này, liệu có thể cứu được mạng sống của thai nhi?
Phụ thuộc nhiều yếu tố
Về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các bệnh viện ở nước ngoài đã từng ghi nhận một số trường hợp bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh dù thai phụ chết não vào thời điểm tuổi thai còn khá nhỏ. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, việc có cứu được thai nhi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải xem các chức năng của thai nhi, tim thai còn phát triển bình thường hay không và thai nhi phải được nuôi dưỡng tốt. Quan trọng hơn là nhu cầu, nguyện vọng của gia đình và khả năng chăm sóc đứa trẻ sau sinh.
“Những người chết não là những người sống thực vật. Nếu chức năng tim, thai vẫn phát triển bình thường thì chúng ta có thể kéo dài sự sống của người mẹ thêm thời gian để thai nhi phát triển lớn hơn, đủ tuổi có thể phẫu thuật cứu lấy đứa trẻ. Nhưng tiên lượng sức khỏe của đứa trẻ được sinh ra trong điều kiện như vậy thường không tốt do sinh thiếu tháng” - PGS.TS Vũ Bá Quyết nói.
Cũng về vấn đề này, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung - Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (cơ sở 2) cho biết, với những trường hợp thai phụ chết não khi thai nhi mới chỉ 21-22 tuần tuổi thì không thể mổ lấy đứa trẻ ra được. Trong trường hợp thai phụ vẫn có thể kéo dài được sự sống và thai nhi phát triển bình thường thì có thể tiếp tục duy trì sự sống thực vật của người mẹ để thai đạt đến tuần tuổi lớn hơn. “Nếu các chức năng của đứa trẻ vẫn phát triển bình thường thì ngay cả bệnh viện tuyến huyện cũng có thể cứu được đứa trẻ” - bác sĩ Lê Thị Kim Dung nêu rõ.
Cách điều trị của phòng khám 168 Hà Nội rất lạ đời
Trao đổi với báo chí về trường hợp của thai phụ Trần Thị T., Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết cho rằng, việc bác sĩ phòng khám này chỉ định điều trị viêm âm đạo cho bệnh nhân “bằng máy khí dung và dung dịch NaCl 0,9% pha với Gentamycin cùng Dexamethasone” là sai hoàn toàn. Bởi dung dịch là dùng để sát khuẩn, trong khi Gentamycin (kháng sinh) và Dexamethasone được dùng để tiêm.
Vì vậy, nếu dùng dung dịch NaCl 0,9% pha với 2 loại thuốc trên để rửa sát khuẩn là không có tác dụng. Trong hướng dẫn sử dụng thuốc không có cách dùng như vậy. “Tôi chưa thấy tài liệu nào nói dung dịch trên để điều trị viêm âm đạo. Nếu là bác sĩ thì không ai khuyên dùng và điều trị cho bệnh nhân như vậy” - PGS.TS Vũ Bá Quyết chia sẻ.
Tương tự, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung cũng cho rằng, cách điều trị như vậy của Phòng khám 168 Hà Nội là rất… lạ đời. Bác sĩ Dung phân tích, trong thành phần thuốc rửa âm đạo có chứa Gentamycin. Đây là loại thuốc hạn chế sử dụng cho phụ nữ có thai vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi.
Không những vậy, ngay cả với bệnh nhân thông thường, việc sử dụng Gentamycin trong phác đồ điều trị viêm âm đạo cũng không có nơi nào sử dụng. “Trong điều trị viêm âm đạo, không phải nhiễm trùng huyết thì không cần phải sử dụng tới huyết dịch. Bệnh nhân chỉ cần điều trị tại chỗ và cho uống thuốc” - bác sĩ Kim Dung phân tích. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Dùng biện pháp mạnh trị đối tượng trục lợi bảo hiểm y tế
Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp như tạm dừng hợp đồng đối với các cơ sở khám chữa bệnh, thu hồi thẻ của cá nhân có biểu hiện trục lợi.
Thời gian gần đây, đặc biệt từ khi chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh được áp dụng, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT có xu hướng gia tăng. Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, BHXH Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp.
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam trên hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy, trong vòng 8 tháng (từ tháng 7 -2016 đến tháng 2-2017), có tới hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng.
Đáng chú ý, nếu loại trừ các trường hợp bệnh nhân phải điều trị các bệnh mạn tính, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì vẫn có tới hơn 3 triệu lượt người khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Thậm chí, BHXH Việt Nam còn ghi nhận cả các trường hợp cư trú tại tỉnh khác nhưng hằng ngày đến khám, lãnh thuốc tại nhiều BV quận/huyện của TP.HCM vì được thông tuyến.
Cụ thể hơn, cơ quan quản lý thống kê được 12 trường hợp lãnh thuốc hơn 100 lần trong vòng 8 tháng. Có những trường hợp khám tới hơn 300 lần ở hơn 20 cơ sở. Số tiền thuốc mà những người trên đã lãnh mỗi trường hợp cũng lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tình trạng bệnh nhân đi khám hàng trăm lần ở nhiều cơ sở là biểu hiện bất thường, cần xem xét lại động cơ và xiết chặt quản lý của các bên liên quan.
Dấu hiệu trục lợi không chỉ xuất hiện ở người tham gia BHYT mà còn có cả ở các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế. Đặc biệt, khi quy định thông tuyến và điều chỉnh giá dịch vụ y tế chính thức được áp dụng, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tiếp tục gia tăng từ phía cơ sở khám chữa bệnh như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, chỉ định nằm nội trú...
Bà Nguyễn Thị Minh cho hay: “Khi thông tuyến xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở tư nhân như khuyến mại thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT”.
Liên quan tới các trường hợp cá nhân khám nhiều bất thường nêu trên, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, cơ quan BHXH các địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh sẽ có trao đổi cụ thể với các cá nhân này, trường hợp phát hiện trục lợi sẽ nhắc nhở, thậm chí xem xét tạm ngừng cấp thẻ BHYT.
Thời gian qua, BHXH các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nhiều sai sót tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, từ chối thanh toán hàng trăm tỷ đồng trong năm 2016. Cơ quan bảo hiểm cũng sẽ tạm dừng hợp đồng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh nếu phát hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, chuyển cơ quan điều tra nếu vụ việc có tính chất nghiêm trọng.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trước khi đưa thẻ an sinh vào thực tế, trước mắt, phía BHXH đã phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia gia đình của BHXH. Thẻ an sinh xã hội sẽ cho phép cả người dân, cơ quan quản lý BHXH và cơ quan quản lý nói chung biết được các thông số liên quan tới mức đóng, hưởng bảo hiểm của cá nhân.
Mặt khác, về cơ chế chính sách, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, có thể xem xét điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT như tăng mức đồng chi trả đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc mang tính lựa chọn sử dụng, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật cao; điều chỉnh giá các dịch vụ y tế được xây dựng không phù hợp với thực tế để giảm tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh tăng cung vì lợi nhuận.
Một trong các giải pháp quan trọng là đưa vào sử dụng hệ thống giám định điện tử. Lịch sử khám chữa bệnh của người tham gia BHYT sẽ được lưu vào hệ thống, qua đó sẽ kiểm soát được tình trạng người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong thời gian ngắn tại một hoặc nhiều cơ sở; tránh được chỉ định trùng thuốc, trùng xét nghiệm; loại bỏ được tình trạng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chưa được phê duyệt, thuốc không có trong danh mục.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết thêm, trong thời gian tới, cơ quan sẽ bổ sung thêm các quy tắc giám định vào hệ thống để phát hiện các sai sót, tình trạng lạm dụng chỉ định dịch vụ, thuốc, vật tư... Đặc biệt là cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống lạm dụng. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Ngày 10-3, tại Hội nghị tổng kết một năm thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận, huyện, xã, phường của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đại biểu đều nhấn mạnh, việc hình thành lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP đã giúp công tác xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền một số nơi chưa quyết liệt, khiến mô hình này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Không dám phạt vì sợ... sai
Sau một năm (từ ngày 15-11-2015 đến 15-11-2016) thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được triển khai tại 5 quận/huyện và 10 xã/phường của mỗi thành phố, số cơ sở bị phạt tiền và số tiền phạt đều tăng trên 200%. Tại Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hơn 3.500 trường hợp, xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với số tiền gần 1,2 tỷ đồng (tăng khoảng 240% so với trước khi triển khai). Còn ở TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra gần 4.000 cơ sở, xử lý vi phạm hơn 2.100 cơ sở, phạt tiền 923 trường hợp với số tiền trên 4,1 tỷ đồng (tăng 270%).
Thế nhưng, đằng sau những “con số biết nói” đó cho thấy, hiệu quả từ việc thí điểm mô hình trên vẫn còn nhiều tồn tại. Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP) thừa nhận, nhiều địa phương thiếu nhân lực, không có cán bộ chuyên trách hay chuyên môn về ATTP, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế. Nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nhưng có tâm lý sợ sai, ngại va chạm, không dám làm… Tại TP Hồ Chí Minh, có tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động thanh tra ATTP cho phòng y tế quận/huyện, trạm y tế xã/ phường nên hiệu quả không cao.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP do phòng y tế, trạm y tế chủ trì không hiệu quả; các đoàn do Phó Chủ tịch UBND xã/phường làm trưởng đoàn thì hiệu quả hơn hẳn. Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, nếu thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu chuyên môn, mà chỉ “rồng rắn cả đoàn” đi thanh tra chuyên ngành để kiểm tra xem cơ sở kinh doanh có đủ giấy phép chưa thì không ổn, vì còn vấn đề chất lượng thực phẩm, vệ sinh chế biến, giết mổ, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu...
Cần đi sâu vào hiệu quả
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN& PTNT), nếu chỉ dựa vào số cuộc thanh tra tăng, xử phạt tăng thì chưa thể hiện hết hiệu quả của mô hình thí điểm này. Việc xử phạt hành vi vi phạm vẫn chủ yếu là thiếu giấy tờ quy định, điều kiện sản xuất, kinh doanh, còn nếu xử lý được những vi phạm về sử dụng chất phụ gia, chất cấm thì chắc chắn mức xử phạt tăng hơn nhiều. Thời gian tới, nếu mở rộng việc thí điểm mô hình này thì cần tập trung thanh, kiểm tra vào những nhóm hành vi: Kinh doanh chất cấm, nuôi trồng, sản xuất sử dụng chất cấm… gây rủi ro đến an toàn sức khỏe người dân. Muốn làm được, mỗi đoàn thanh, kiểm tra phải được tăng cường thêm nhân lực có chuyên môn, trang thiết bị, test nhanh kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, việc mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP thế nào cho hiệu quả, cần tính toán cụ thể. Theo ông Nguyễn Phú Cường, việc thanh tra chuyên ngành chỉ phù hợp với các đô thị lớn, giải quyết các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, còn nếu vào các nhà máy, cơ sở sản xuất lớn, e rằng không phù hợp.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tới đây sẽ mở rộng cả đối tượng thanh, kiểm tra và không phải chỉ dịch vụ ăn uống, mà có thể làm cả thực phẩm chức năng, thuốc thú y… Nội dung thanh, kiểm tra cũng mở rộng hơn rất nhiều. Chẳng hạn, thức ăn đường phố không phải chỉ kiểm tra giấy phép, mà cả nguồn gốc thực phẩm, thậm chí cả giấy tờ thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, để có cơ sở báo cáo Quốc hội, Chính phủ mở rộng thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP, cần đi sâu vào hiệu quả của việc thanh, kiểm tra, xem hướng mở rộng thí điểm thời gian tới sẽ tập trung vào việc gì để giảm nguy cơ ngộ độc, chứ không chỉ dừng lại ở việc phát hiện lỗi không có hoặc thiếu giấy tờ theo quy định. “Muốn mô hình này hoạt động hiệu quả cao hơn, phải tính tới việc tập trung vào thanh, kiểm tra các vấn đề nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm, thậm chí truy tìm tận gốc thực phẩm “bẩn” để xử lý. Từ kết quả của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cần tập trung vào 3 nội dung, đó là tiếp tục thí điểm, rà soát quy trình thanh tra và tập trung đào tạo, tập huấn đội ngũ thanh tra có chất lượng” - Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhận danh hiệu "Giáo sư thỉnh giảng" tại Đại học Oxford
Sáng 10-3, tại Bộ Y tế đã diễn ra lễ trao chức danh “Giáo sư thỉnh giảng” nhiệm kỳ II, thời hạn 5 năm (từ 2016 đến 2021) của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tại lễ trao danh hiệu, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever nhấn mạnh, việc trao chức danh “Giáo sư thỉnh giảng” nhiệm kỳ II cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là sự ghi nhận những đóng góp quan trọng của Bộ trưởng trong quá trình hợp tác nghiên cứu khoa học trên cương vị Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh những năm trước đây. Đặc biệt, trên cương vị hiện nay, Bộ trưởng luôn coi trọng tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ với Đại học Oxford và các trường đại học, các trung tâm y tế quốc tế khác trên thế giới. Chức danh “Giáo sư thỉnh giảng” đã được trao cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên vào tháng 7-2013. Bộ trưởng là người Việt Nam đầu tiên được Đại học Oxford trao chức danh này. (Hà Nội mới. trang 7)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Bộ trưởng Y tế được trao chức danh GS Thỉnh giảng của ĐH Oxford”
Làm rõ vụ thai phụ chết não ở Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội
Ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ thai phụ bị hôn mê sâu ở Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14-3.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, chiều 5-3, chị Trần Thị Thu T. (29 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) đang có thai 20 tuần tuổi đến khám phụ khoa tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội. Tại đây, bác sĩ Trịnh Túc Vinh (người Trung Quốc) đã thăm khám và xác định chị T. mang thai 21 tuần và bị viêm âm đạo, có nhiều khí hư, chỉ định xét nghiệm, siêu âm và tư vấn sử dụng máy rung để rửa âm đạo. Tuy nhiên, chỉ 3 phút sau khi bắt đầu sử dụng máy rung thì bệnh nhân khó thở, lên cơn co giật. Hiện bệnh nhân vẫn được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, chết não. (Hà Nội mới, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Yêu cầu làm rõ vụ bệnh nhân bị chết não ở phòng khám tư”
Thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia
Chiều 10-3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã công bố Quyết định thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia do Chính phủ phê duyệt.
Hiện tại, chi phí tiền thuốc chiếm khoảng 50-60% tổng chi phí điều trị. Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế (đặt tại 138A Giảng Võ, Hà Nội) có nhiệm vụ đấu thầu tập trung thuốc đối với các loại thuốc có nhu cầu sử dụng nhiều, chi phí lớn; thực hiện đàm phán giá với các loại thuốc đắt tiền, biệt dược. Việc đấu thầu thuốc tập trung và đàm phán giá nhằm giảm hơn giá thuốc cung ứng vào bệnh viện; khắc phục chênh lệch giá, chênh lệch chất lượng thuốc giữa các đơn vị. Đây là mô hình mua sắm tập trung quốc gia đầu tiên của cả nước. (Hà Nội mới, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “Thành lập Trung tâm Mua sắm tập chung quốc gia để quản lý giá thuốc”; Tuổi trẻ trang 4: “Lập trung tâm mua sắm quốc gia để đấu thầu thuốc”
Ghi ở ngân hàng sữa mẹ
Dòng sữa ngọt lành từ những người mẹ tới hiến tặng được lưu trữ an toàn tuyệt đối để trao cho những em bé mồ côi, sinh non hoặc không may mang bệnh. Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) đầu tiên của Việt Nam, đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã làm sứ mệnh thiêng liêng ấy.
Sữa của bác sĩ…
Những giọt sữa đầu tiên ở ngân hàng lại chính là của những y bác sĩ đang công tác tại bệnh viện. Sau đó là của những sản phụ sinh tại đây.
Bác sĩ Lê Phương Diệu Thảo (28 tuổi, Khoa Nhi sơ sinh) có con đầu lòng gần 8 tháng tuổi mỗi ngày vẫn đều đặn hai lần lên ngân hàng vắt sữa để chia sẻ với những em bé khác. Chị nói: “Sữa tôi khá nhiều, bé ở nhà bú no vẫn còn nên tôi lên hiến tặng cho ngân hàng. Mỗi lần hiến 200ml”. Như chị tâm sự, trước đây chị chưa từng có dự định hiến sữa, nhưng hay tin NHSM sẽ đặt tại bệnh viện, và nhất là khi được đào tạo, vận động hiến sữa để giúp những em bé thiệt thòi hơn, chị càng náo nức với nghĩa cử này.
Trong căn phòng hậu sinh, những sản phụ áp đứa con còn đỏ hỏn lên ngực, một vài người cắn chặt môi khi con giằng ti mẹ mà vẫn không ra sữa. Sản phụ Lê Thị Bích Thoại (quận Thanh Khê), vừa sinh được 6 ngày, xót xa: “Vào đây mới hay nhiều bà mẹ tội nghiệp lắm, cố tới mấy sữa cũng không đủ cho con bú, cứ bất lực nhìn con khóc hoài. Tôi may mắn hơn, vì được nhiều sữa nên chia cho các mẹ. Sữa đã được các bác sĩ kiểm tra an toàn, nên tôi có thể cho trực tiếp hoặc gởi vào ngân hàng”.
TS. BS. Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho hay, chỉ sau 20 ngày NHSM hoạt động, đã có hàng chục người tham gia hiến tặng sữa. Vì mới là giai đoạn đầu, nên ngân hàng tiếp nhận trong phạm vi bệnh viện để siết chặt hơn nguồn sữa cũng như quá trình vắt sữa, xét nghiệm, thanh trùng… “Những y bác sĩ là người ý thức tuyệt đối với việc hiến sữa, vì vậy họ xung phong thực hiện đầu tiên, cũng là để làm gương vận động những bà mẹ khác”, bà Hoàng nói. Việc hiến sữa có thể thực hiện ngay tại ngân hàng, hoặc hướng dẫn cho bà mẹ về vắt tại nhà rồi lưu trong bình sữa của bệnh viện, sau đó đưa về bảo quản tại NHSM.
“Ngân hàng sữa mẹ nuôi cháu tôi từ lúc lọt lòng”
Khi NHSM chưa có mặt tại bệnh viện, việc thiếu sữa cho những em bé mồ côi, sinh non và mang bệnh là nỗi lo lắng của cả khoa Nhi sơ sinh. Như lời BS. Hoàng nói thì trẻ trong 6 tháng đầu không bú sữa mẹ có nguy cơ tử vong gấp 14 lần so với những trẻ được bú sữa mẹ. Đó là chưa kể những trẻ mang các bệnh về đường ruột, nhiễm trùng… thiếu sữa mẹ thì càng khó điều trị hơn. Gần một tháng nay, khi NHSM mở cửa đón những dòng sữa ngọt lành ngay tại bệnh viện, nỗi băn khoăn, trăn trở, lo lắng ấy của cả khoa như được lắng xuống. Mỗi ngày hàng chục bệnh nhi không phải uống sữa bột để chiến đấu trước lằn ranh còn, mất.
Ở căn phòng điều trị tại Khoa Nhi sơ sinh, nơi những em bé yếu ớt chỉ nặng chừng 2kg nằm trên những chiếc giường nhỏ xíu vây quanh là máy móc, nữ điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm đi từng giường một kiểm tra việc bú sữa của các bé. Dẫn chúng tôi tới giường của một bé nằm góc phòng, chị Tâm bảo em bé này từ ngày sinh ra đã được NHSM nuôi sống. Em bé may mắn ấy chào đời khi mới 34 tuần tuổi, con của sản phụ Huỳnh Bạch Xuân Giang (28 tuổi, quê Quảng Ngãi). Từ lúc sinh, chị Giang và con nằm hai khu điều trị khác nhau trong bệnh viện. Không được ôm ấp và cho con dòng sữa nóng khiến chị càng khủng hoảng hơn. Bà Bạch Thị Thu Hà, mẹ chị Giang, sụt sùi: “Tội nghiệp hai mẹ con nó vậy đó, nhưng cũng còn may vì có NHSM nên từ lúc lọt lòng cháu tôi chưa đói sữa mẹ bữa nào. Cứ hai tiếng các bác sĩ cho cháu uống sữa một lần. Nhìn cháu bú ngoan mà mừng ứa nước mắt”.
Bà Bạch Thị Thu Hà
Ở giường cạnh bên, ông bố trẻ Lê Văn Cường (24 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) gật dạ liên tục khi nghe bác sĩ hướng dẫn về cách nhận sữa từ ngân hàng cho bé. Vợ anh Cường cũng sinh non, con vừa được 8 ngày tuổi. Chị nhà sau sinh đã ra viện nên ngày hai lượt anh phải về nhà lấy sữa vợ vắt sẵn mang lên cho con. Lúc vợ hết sữa hoặc con háu ăn, anh được ngân hàng hỗ trợ để bé không bị đói.
Nhờ ngân hàng, mà cháu bà Hà, con anh Cường cùng gần 30 trẻ khác đang nằm tại bệnh viện đã được hỗ trợ sữa mẹ đầy đủ. Có bé dùng sữa của ngân hàng 100% từ lúc chào đời, có bé được hỗ trợ một phần những khi mẹ tắc sữa. Theo như lãnh đạo của bệnh viện kỳ vọng, NHSM đầu tiên này sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh cho khoảng 3.000-4.000 trẻ mỗi năm.
Lan tỏa tinh thần nuôi con bằng sữa mẹ
NHSM đặt tại tầng hai trung tâm của bệnh viện với các phòng vắt sữa, phòng thanh trùng, tủ vô trùng… được bố trí khoa học, hiện đại và hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Tại đây, những bà mẹ trẻ sau khi được tư vấn kích sữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ được khuyến khích tự nguyện góp sữa cho ngân hàng. Và để được hiến sữa, họ phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc khám sàng lọc bệnh lý, kỹ năng vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh bình sữa, máy hút sữa… Lượng sữa ngân hàng nhận được cũng trải qua các quy trình sàng lọc, xét nghiệm trước và sau thanh trùng, các quy trình trữ đông (-24 độ) và rã đông tự nhiên, điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng. NHSM cũng đặt ra những điều kiện khá khắt khe khi cho sữa. Trước là ưu tiên những trẻ có nguy cơ cao như nhẹ cân, thiếu tháng, bệnh lý hoặc mồ côi mẹ. Sau đó, những bà mẹ tới xin sữa phải trình bày lý do thật đặc biệt ngân hàng mới cân nhắc cho hay không.
BS. Trần Thị Hoàng, kể: “Có trường hợp đi xin sữa do lười vắt, lười dự trữ hoặc những lý do tế nhị nào đấy mà họ không chịu cho con bú sữa. Những trường hợp ấy chúng tôi đều khuyến khích phải tự cho con bú và hướng dẫn dự trữ. Không thể ỷ lại vào ngân hàng mà bỏ quên việc cho con bú sữa của chính mình”, BS Hoàng thẳng thắn.
Ngoài sứ mệnh là đầu mối nhận - trao sữa, NHSM còn là nơi tư vấn cho những bà mẹ về ý nghĩa, lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời điều chỉnh xu thế chạy theo sữa bột, sữa ngoại.