Sàng lọc miễn phí 3 bệnh ung thư cho khoảng 15.000 người
Từ ngày 9/9/2- 18/10/2017, tại 18 điểm khám ở 8 tỉnh, thành phố đồng loạt diễn ra chương trình miễn phí sáng lọc và phát hiện sớm 3 trong số các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam hiện nay là ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng cho khoảng 15.000 người.
Sáng ngày 9/9/2017, tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động chương trình sàng lọc và phát hiện sớm một số bệnh ung thư.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 9/9/2017 đến hết ngày 18/10/2017, tại 18 điểm khám ở 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng, Quảng Nam , Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đồng loạt diễn ra chương trình miễn phí sáng lọc và phát hiện sớm 3 trong số các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam hiện nay là ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng cho khoảng 15.000 người. Đặc biệt, qua sàng lọc các trường hợp phát hiện mắc ung thư sẽ được hỗ trợ 70-100% chi phí điều trị tại hệ thống bệnh viện Vinmec toàn quốc.
Chương trình này do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng, Bệnh viện K, Quỹ Thiện tâm và Hệ thống y tế Vinmec (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với các bệnh viện ở các địa phương trên tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư, đồng thời tạo thói quen cho người dân chủ động khám sàng lọc định kỳ để phát hiện ung thư.
Phát biểu tại lễ phát động chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư ngày càng gia tăng trên cả nước và đòi hỏi có sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Theo số liệu của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và Ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca vào năm 2010. Dự kiến con số này sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn và thiết thực giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh ung thư trên cả nước. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân hãy quan tâm và thực hiện khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư mà thông điệp chương trình đã đề ra: “Ung thư-Sàng lọc ngay, điều trị trong tầm tay”.
Riêng về 3 loại ung thư được sàng lọc miễn phí trong đợt này , thông tin tại chương trình cho biết, mỗi năm có khoảng 12.500 ca ung thư vú mắc mới, 5.700 ca ung thư cổ tử cung và khoảng 13.500 ca ung thư đại trực tràng.
Phát hiện muộn là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân ung thư. Do đó, với thông điệp “Ung thư – sàng lọc ngay, điều trị trong tầm tay”, chương trình đã mang tới cơ hội tầm soát sớm, phát hiện kịp thời các nguy cơ cảnh báo bệnh để tối ưu hóa hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Tại lễ phát động chương trình ý nghĩa này, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cũng nhấn mạnh: ung thư đang là gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Chương trình này là hoạt động đầy ý nghĩa nhằm mang tới cho người dân cơ hội được khám và điều trị trong điều kiện tốt nhất, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về phòng chống ung thư.
“Chúng tôi tin tưởng với sự đồng hành này, sẽ có thêm nhiều người bệnh được chữa trị, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trên khắp Việt Nam” - ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ trong buổi lễ phát động chương trình
Để biết thêm thông tin và đăng ký tham gia chương trình, người dân có thể liên hệ theo các số điện thoại: 098 308 2272 và 098 428 1660. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cách phát hiện sớm sốt xuất huyết ở trẻ
Sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp gia tăng mạnh ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội, trong đó trẻ em mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
Vì vậy, cần nhận biết sớm trẻ mắc bệnh để có hướng xử trí tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng mạnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Miền Bắc năm nay ít ngày rét, mưa nắng thất thường, trong khi miền Nam thì mùa mưa đến sớm, thêm vào đó đô thị hóa nhanh chóng làm cho muỗi càng dễ phát triển và giao lưu đi lại cũng là điều kiện thuận lợi cho SXH lan truyền nhanh.
Tại sao SXH lại gia tăng ở trẻ em?
SXH là bệnh gây ra bởi virut Dengue nên được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Đây là bệnh truyền nhiễm, cấp tính gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em dễ mắc hơn do trẻ có những đặc thù riêng. Trẻ em hầu hết chưa có kháng thể chống lại SXHD, trừ một số trẻ (nhất là trẻ lớn) đã có lần mắc bệnh này, hơn nữa cho đến nay chưa có vắc-xin để phòng bệnh. Trong khi đó, virut Dengue gây bệnh SXH có 4 typ huyết thanh (D1 - D4), con người có thể mắc cả 4 typ huyết thanh, nếu đã mắc bệnh thuộc typ D1, vẫn có thể mắc typ D2, typ D3 hoặc typ D4. Do chưa có kháng thể lại dễ bị muỗi đốt, nếu việc phòng muỗi đốt không tốt (lúc trẻ chơi, lúc ngủ, lúc bú hoặc lúc ăn), nguy cơ trẻ mắc SXHD là rất cao. Trẻ càng ở nhiều trong nhà có nhiều muỗi, nhất là vùng đang có SXHD và có muỗi vằn truyền virut Dengue, trẻ sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh SXHD.
Cần lưu ý là muỗi Aedes có 2 loại đều mang mầm bệnh virut Dengue và đều có thể truyền mầm bệnh cho người lành khi chúng đốt và hút máu của họ, đó là Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á) gọi chung là muỗi vằn. Muỗi vằn đều đốt và hút máu cả ban ngày, cả ban đêm, đặc biệt là sang sớm và chiều muộn.
Cách nhận biết sớm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn, đó là: Giai đoạn khởi phát: bệnh sốt cao đột ngột liên tục từ 38-39 độ. Trẻ bứt rứt, quấy khóc, nôn trớ, chán ăn, da sung huyết, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt (trẻ lớn mới nhận biết được), có chấm xuất huyết dưới da. Có thể xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài ra máu), số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (xét nghiệm máu).
Giai đoạn tiếp theo thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Đây là giai đoạn cần hết sức cẩn thận vì rất nguy hiểm (trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt), vì trẻ có thể bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to. Đặc biệt có thể bị thoát huyết tương và nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt, ngủ li bì mê man, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, tiểu ít. Giai đoạn này bắt đầu xuất hiện xuất huyết được thể hiện như các mảng bầm tím, xuất huyết dưới da, mạch nhanh nhỏ và lúc này sẽ bị tụt huyết áp hoặc huyết áp của trẻ không đo được. Đồng thời, trẻ có thể bị xuất huyết ở niêm mạc (chảy máu mũi, chân răng...) hoặc có thể xuất huyết nội tạng (tiểu ra máu...). Một số trường hợp trẻ không thấy có dấu hiệu xuất huyết nhưng trẻ vẫn dễ bị tử vong nếu bị sốc với những biểu hiện như tụt huyết áp, giảm thân nhiệt, giảm tri giác. Trường hợp nặng có thể bị rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm.
Giai đoạn hồi phục: Nếu qua được giai đoạn kịch phát, trẻ sẽ dần dần được hồi phục (thường sau giai đoạn nguy hiểm 48-72 giờ), trẻ hết sốt, tình trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều. Khi xét nghiệm máu, số lượng tiểu cầu trở về bình thường, số lượng bạch cầu tăng.
Người lớn cần lưu ý đối với trẻ
Thứ nhất, nếu một người đang ở trong vùng có dịch SXH hoặc từ vùng dịch về, thấy sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, đau nhức hố mắt (trẻ lớn), kèm theo da sung huyết, phát ban hoặc có kèm thêm chảy máu cam, chảy máu chân răng, nên nghĩ đến bị mắc bệnh SXH. Đối với một số trẻ em, nếu vừa có các triệu chứng nêu trên, kèm theo đau bụng càng phải hết sức chú ý đề phòng SXH bị sốc.
Thứ hai, khi đã có dấu hiệu sốc xảy ra, đặc biệt là trẻ em, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Thứ ba, khi nghi là SXH nhưng chưa kịp đưa người bệnh đi khám được (vì một lý do đặc biệt nào đó), cần làm giảm thân nhiệt bằng cách lau mát cho trẻ (nước để lau mát cho trẻ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 độ), đặc biệt là trẻ nhỏ, ở các vùng có động mạch lớn đi qua như trán, nách, bẹn (không được chườm lạnh hoặc nước đá). Nếu đã lau mát nhiều lần, liên tục mà thân nhiệt không thuyên giảm, vẫn trên 38 độ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin hoặc biệt dược có chứa aspirin hoặc ibuprofen để hạ nhiệt cho trẻ. Bởi vì, các loại thuốc này sẽ làm cho bệnh nhi chảy máu nặng thêm và có thể đưa đến tử vong. Lý do là khi đã bị xuất huyết mà dùng thuốc aspirin, ibuprofen càng làm cho rối loạn đông máu tăng lên dẫn đến máu khó đông, gây ra chảy máu nặng kéo dài và không cầm được.
Thứ tư, khi bị SXH sẽ làm trẻ mất nước, chất điện giải do sốt và thoát huyết tương cho nên rất cần được bù đắp sự thiếu hụt đó, bằng cách uống dung dịch oresol (ORS) hoặc nước gạo rang, nước ép hoa quả, sữa khi chưa thể đưa trẻ đến cơ sở y tế được. Với trẻ đang bú mẹ, cần tăng thời gian và số lần cho bú. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời phải khẩn trương cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán xác định và có hướng xử trí kịp thời tránh để biến chứng xảy ra.
Phòng SXH tốt nhất là không để muỗi đốt, tăng cường diệt muỗi và diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng mọi biện pháp từ dân gian đến dùng hóa chất (phun thuốc, hương muỗi) và cần đông đảo người dân tích cực tham gia. Bởi vì không có muỗi, không có bọ gậy (lăng quăng) sẽ không có SXH (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).
Dịch bệnh “tấn công” trẻ nhỏ
Thời tiết chuyển mùa, trẻ em tựu trường là những yếu tố ngoại cảnh thuận lợi khiến các loại bệnh truyền nhiễm như bệnh đường hô hấp, bệnh tay chân miệng lây lan nhanh chóng, dồn dập “tấn công” trẻ nhỏ TPHCM và các tỉnh phía Nam trong những ngày qua.
Quá tải bệnh nhi mắc bệnh hô hấp
Từ đầu tháng 8 đến nay, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận gần 10.000 lượt bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến đường hô hấp và gần 5.000 trẻ phải nhập viện điều trị. Khoa Hô hấp 1 của BV này luôn có khoảng 300 trẻ điều trị mỗi ngày. Phần lớn trẻ nhập viện do mắc các bệnh như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, thời tiết chuyển mùa từ mưa sang nắng chính là lý do khiến trẻ nhập viện gia tăng trong những ngày gần đây bởi thời điểm này các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh, sinh sôi nhanh chóng, độc lực cao khiến nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp. BS Nguyễn Hoàng Phong cho biết, trong số gần 5.000 trẻ nhập viện có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi.
“Trẻ nhỏ tuổi hệ miễn dịch chưa phát triển, sức đề kháng yếu do đó dễ sinh ra đàm và diễn tiến khó thở, suy hô hấp cũng đến nhanh hơn” - BS Phong cảnh báo. Chính vì thế, phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp 1 lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Thậm chí, dù chỉ có 20 giường bệnh nhưng có những ngày có đến 30 trẻ phải thở máy.
Nhập viện và thở máy gần 1 tuần nhưng bé Nguyễn Thị Thanh Hồng (12 tháng tuổi, ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) vẫn chưa thể bỏ máy thở. Theo lời kể của chị Lâm Thị Út Gái, mẹ bé Thanh Hồng, trước đó bé bị ho, sổ mũi. Nghĩ con bị cảm cúm thông thường, chị đưa con đi khám và uống thuốc theo đơn của BS phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, sau 3 ngày, bệnh không thuyên giảm mà sốt cao hơn, ho nhiều hơn. Khi bé bắt đầu mê man chị mới hoảng hốt đưa con lên BV Nhi đồng 2. Tại đây, các BS cho biết, con chị đã bị viêm phổi nặng, thở yếu, cần phải hỗ trợ thở máy.
BS Nguyễn Hoàng Phong khuyến cáo, các bệnh hô hấp do vi rút lây lan nhanh chóng qua đường không khí. Thời tiết chuyển mùa là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh, nhất là đối với trẻ có sức đề kháng yếu. Do đó, phụ huynh cần có các biện pháp phòng tránh như giữ ấm cơ thể trẻ vào ban đêm, cho trẻ uống nước ấm, vệ sinh mũi, họng trẻ thường xuyên. Phụ huynh không nên coi thường bệnh hô hấp, không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi bệnh này dễ tiến triển nhanh thành viêm phổi, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi khiến trẻ suy hô hấp, khó thở, nếu không được hỗ trợ thở thì sẽ vô cùng nguy hiểm. BS Nguyễn Hoàng Phong dự báo, từ nay đến tháng 10, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.
Bệnh tay chân miệng tăng nhanh
Cùng với bệnh đường hô hấp, từ tháng 8 đến nay, các BV nhi trên địa bàn TPHCM cũng ghi nhận số trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có hơn 3.500 trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Tại các khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố, chỉ trong tháng 8, số trẻ nhập viện điều trị tay chân miệng đã tăng hơn 10% so với các tháng trước đó. Riêng tại BV Nhi đồng 2, nếu tháng 7 chỉ ghi nhận gần 150 trẻ nhập viện điều trị thì trong tháng 8 số trẻ nhập viện do tay chân miệng là 308 trẻ, tăng hơn 2 lần.
Mặc dù vậy, theo BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng thành phố, bệnh tay chân miệng phần lớn có thể điều trị tại nhà, do đó số lượng chỉ định điều trị nhập viện chưa phản ánh hết mức độ gia tăng của bệnh. Thực tế số trẻ mắc tay chân miệng trong cộng đồng cao hơn số lượng trẻ nhập viện rất nhiều, nhất là sau khi trẻ tựu trường.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, tay chân miệng là một bệnh lành tính nhưng một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dễ dẫn đến tử vong. Nhà trẻ, trường mẫu giáo là những nơi dễ xuất hiện ổ dịch và lây lan nhanh chóng. Ngoài ra, nguy cơ lây bệnh cũng tiềm ẩn rất nhiều ở những nơi khác như các điểm vui chơi công cộng, người lớn mang vi trùng từ bên ngoài về hoặc lây nhiễm chéo tại BV.
Vì thế, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Khi thấy trẻ bỏ ăn, quấy khóc, nước miếng chảy nhiều, miệng hoặc lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối có bóng nước… thì đó là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay.
Còn BS Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 thì khuyến cáo, dù có thể điều trị tại nhà nhưng khi trẻ có dấu hiệu sốt cao khó hạ trên 39°C, trẻ giật mình, choáng váng, run tay run chân, đi đứng không vững... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).
Cúm gia cầm lại đe dọa người dân
Các chủng virus cúm gia cầm: H7N9, H5N2 và H5N8 chưa có ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Ngày 10-9, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại một số nước trong khu vực và một số địa phương trong nước đe dọa lây lan sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa dịch cúm gia cầm lây sang người.
Trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm.
Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu qua biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các hoạt động quản lý buôn bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong.
Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại địa phương.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người. Còn tại một số quốc gia trong khu vực như: Lào ghi nhận cúm A(H5N1) trên gia cầm, Philippines xuất hiện cúm A(H5N6) trên gia cầm.
Tại Việt Nam cũng ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Bạc Liêu. Đáng lưu ý, các chủng virus cúm gia cầm: H7N9, H5N2 và H5N8 chưa có ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Do đó, Bộ Y tế chỉ rõ, mặc dù cả nước hiện không ghi nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm ở người, nhưng nguy cơ cúm gia cầm lây lan sang người luôn ở mức cao nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).
"Trung thu cho em 2017" tiếp nhận gần 2.000 đơn vị máu
Trong hai ngày 9 và 10-9, tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền Máu Trung ương phối hợp với Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Ngày hội hiến máu "Trung thu cho em 2017” với thông điệp "Thắp sáng tuổi thơ Việt”. Ngày hội hiến máu "Trung thu cho em năm 2017" được tổ chức với hoạt động trọng tâm là chương trình hiến máu "Thắp sáng nụ cười trẻ thơ”, dự kiến thu hút khoảng 4.000 người tham dự, tiếp nhận được khoảng 2.000 đơn vị máu dành tặng các bệnh nhi đang ngày đêm phải gánh chịu những nỗi đau do bệnh tật gây nên, đồng thời, chương trình góp phần bổ sung một lượng máu phục vụ cho công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết… (Công an nhân dân, trang 1).