Chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 28/CĐ-TTg về việc thần tốc tiêm vắc-xin và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng Covid-19.
Theo đó, trước các diễn biến mới của dịch bệnh tại TP Hà Nội và một số địa phương, nhất là nguy cơ bùng phát do biến chủng mới Omicron, Thủ tướng yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là biện pháp 5K, nâng cao ý thức người dân cũng như các biện pháp ứng phó với biến chủng mới Omicron; tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác; tăng cường việc điều trị tại nhà theo hướng dẫn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế đối với người nhiễm Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng.
Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc-xin,bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vắc-xin ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung. Những địa phương, cơ quan, đơn vị nào không đủ lực lượng để tổ chức khám, chữa bệnh Covid-19, tiêm chủng và nhất là triển khai tăng cường điều trị tại nhà cần báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để tiến hành điều động lực lượng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vắc-xin phòng và thuốc cho điều trị Covid-19, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, tự chủ vắc-xin trong nước nhanh nhất và bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; có văn bản hướng dẫn cụ thể cho UBND, Sở y tế các địa phương về việc thần tốc hơn nữa tổ chức tiêm vắc-xin và tăng cường điều trị tại nhà; chủ trì cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong nước về việc triển khai nhập khẩu, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm an toàn, kịp thời, khoa học, hiệu quả.
Chiều 11/1, Bộ Y tế đã có thông tin và các lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19. Theo đó, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã có ý kiến đối với tác dụng phụ và các khuyến cáo quan trọng đối với việc sử dụng thuốc Molnupiravir. Căn cứ các chỉ định, các khuyến cáo của thuốc Molnupiravir được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA), các nội dung quan trọng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị là: Chỉ định; giới hạn sử dụng thuốc; cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc... Để bảo đảm an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Ngày 11/1, Bộ Y tế có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đề nghị, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng và chỉ đạo thực hiện hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) bảo đảm được tiêm đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương (xã, phường, thị trấn); tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn... Tiếp tục tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19...
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến chiều 11/1, cả nước đã tiêm hơn 162,2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 13.930.813 liều, trong đó có 7.953.138 mũi một và 5.977.675 mũi hai; tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 89,2% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 67,0%. Hiện có 32 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.035 ca nhiễm mới, gồm 16 ca nhập cảnh và 16.019 ca trong nước (tăng 1.236 ca so với ngày 10/1) tại 63 tỉnh, thành phố. TP Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong ngày, với 2.884 ca. Các bệnh nhân phân bố tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30 trên 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trong ngày cũng có 8.866 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 256 ca tử vong tại 26 tỉnh, thành phố. (Nhân dân, trang 8; An ninh Thủ đô, trang 2).
Việt Nam nghiên cứu thành công sản phẩm phòng ngừa, hỗ trợ điều trị COVID-19 từ thảo dược
Qua thử nghiệm, sản phẩm phòng ngừa, hỗ trợ điều trị COVID-19 với thành phần thảo dược cho thấy có khả năng bảo vệ tế bào trước sự xâm nhiễm của virus corona, giảm các triệu chứng và hỗ trợ ức chế, ngăn ngừa cơn bão cytokine...
Trưa 11-1, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đã công bố chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học về sản phẩm phòng ngừa và hỗ trợ điều trị COVID-19 mang tên Androherb cho Công ty cổ phần Phát triển dược liệu Gia Lai. Tại buổi chuyển giao, TS Nguyễn Thanh Hà - phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM - cho hay trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt khi TP.HCM chịu hậu quả nặng nề, đội ngũ nghiên cứu của viện đã tìm tòi, phát triển ý tưởng khoa học và nghiên cứu thành công một số sản phẩm với mong muốn cùng ngành y tế TP góp phần đẩy lùi dịch bệnh, trong đó có sản phẩm phòng ngừa và hỗ trợ điều trị COVID-19.
Dược sĩ Phan Nguyễn Tường Thắng - trưởng khoa nghiên cứu và phát triển Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM - cho biết sản phẩm gồm các thành phần: cao khô Xuyên Tâm Liên, cao khô Thanh Hao Hoa Vàng, vitamin C, Cao Cát Cánh, kẽm Gluconate.
Qua thử nghiệm cho thấy mẫu nghiên cứu chưa đủ để đánh giá khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 nhưng có khả năng bảo vệ tế bào trước sự xâm nhiễm của virus, giảm các triệu chứng và hỗ trợ ức chế, ngăn ngừa cơn bão cytokine...
Nhờ thành công từ thử nghiệm, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đã chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học cho Công ty cổ phần Phát triển dược liệu Gia Lai theo hợp đồng số 01/HĐCG để phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp người dân vượt qua đại dịch.
Dược sĩ Thắng cho biết thêm, hiện sản phẩm chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đem lại tín hiệu tích cực, giúp phòng ngừa và hỗ trợ bệnh COVID-19 bằng thảo dược do chính Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Để trở thành thuốc được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công nhận thì cần nhiều nghiên cứu lâm sàng và đảm bảo thêm nhiều yếu tố khác.
Vì sao Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lại chọn Công ty cổ phần Phát triển dược liệu Gia Lai chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học này? Ông Thắng cho hay xuất phát từ mong mỏi của giám đốc công ty là muốn đóng góp, phục vụ cộng đồng.
Khi chuyển giao đề tài, viện sẽ có phụ lục hợp đồng, bắt buộc 100% lô sản xuất của công ty phải gửi về viện để kiểm soát chất lượng, đảm bảo sản phẩm an toàn người dùng. Hiện công ty cùng viện đang tiếp tục nghiên cứu lâm sàng, hoàn chỉnh sản phẩm. (Tuổi trẻ, trang 7).
Hội đồng thuốc Bộ Y tế khuyến cáo về việc sử dụng Molnupiravir
Phiên họp gần nhất của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế có thông báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.
Phiên họp gần nhất của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế có thông báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.
Theo thông báo của hội đồng, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 nhẹ đến trung bình cho người trưởng thành dương tính COVID-19, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Về giới hạn sử dụng thuốc, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Hội đồng cũng cho rằng dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Thuốc ảnh hưởng đến trẻ em và nam giới
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Đối với nam giới, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới sử dụng Molnupiravir nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, hội đồng cho rằng chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.
Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng cho biết Molnupiravir hiện đã được cấp phép lưu hành tại Anh, Mỹ, Nhật và một số quốc gia. Tại Việt Nam, ngày 5-1, hội đồng đã họp, thống nhất đề xuất BYT cấp phép lưu hành có điều kiện 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Cục Quản lý dược cho biết đang chuẩn bị các khâu hồ sơ để cấp phép cho thuốc.
Đến nay đã có trên 400.000 liều Molnupiravir được phân bổ cho 53 tỉnh thành trong chương trình điều trị có kiểm soát từ tháng 8-2021, gần đây do nhu cầu sử dụng tăng cao, đã xuất hiện tình trạng "chợ đen" thuốc này trên mạng Internet. (Tuổi trẻ, trang 7).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thông báo về việc có hay không kit xét nghiệm phát hiện Omicron
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế có văn bản thông báo chính thức về việc có hay không kit xét nghiệm phát hiện Omicron. Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 216/VPCP-KGVX ngày 10/1/2022 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thông tin chính thức, công khai về kit xét nghiệm.
Theo đó, trên báo chí có phản ánh về tình trạng rao bán tràn lan các loại kit xét nghiệm Covid-19 có khả năng phát hiện cả biến chủng Omicron. Theo các chuyên gia y tế, muốn xác định được một ca mắc thuộc biến chủng gì cần phải trải qua quy trình giải mã trình tự gene rất phức tạp chứ không có bộ kit test nào phát hiện được.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế có văn bản thông báo chính thức về việc có hay không kit xét nghiệm phát hiện Omicron, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Hà Nội: Khả năng cung ứng oxy có thể đáp ứng được nhu cầu của 40.000 F0
Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh oxy với sản lượng khoảng 58.000 tấn/năm, đủ khả năng đáp ứng oxy cho 40.000 bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp họ có nhu cầu. Làm việc với Bộ Công Thương về tình hình cung ứng oxy cho các bệnh viện và bệnh nhân Covid-19, ông Đàm Tiến Thắng cho hay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 08 đơn vị sản xuất, kinh doanh oxy với sản lượng khoảng 58.000 tấn/năm (có thể nâng công suất tối đa 75.000 tấn/năm), đang là nguồn cung cấp khí y tế, đặc biệt là khí oxy phục vụ cho các bệnh viện trên địa bàn.
Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động trong việc liên hệ tới các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, đảm bảo về việc cung ứng hàng hóa, sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm tăng hiệu suất sử dụng, kho dự trữ và có phương án cấp hàng kịp thời cho các bệnh viện trong các tình huống xảy ra.
“Với tình hình sản xuất, cung ứng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy tại Hà Nội hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp có 40.000 người bệnh Covid-19 theo Phương án đã được phê duyệt”- ông Đàm Tiến Thắng nói.
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo nguồn cung ứng không để gián đoạn, thiếu oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày (miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày).
Trong điều kiện không có bùng phát dịch bệnh thì lượng oxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành (oxy chủ yếu cho công nghiệp, công nghiệp vừa phục hồi, điều kiện cung ứng vận chuyển…) nên tại một số thời điểm, xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đặc biệt đối với TP HCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thời gian qua.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hoạt động sản xuất, điều phối, cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân covid-19, thậm chí đề nghị một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn điều chỉnh kế hoạch sản xuất để ưu tiên oxy cho bệnh nhân Covid-19.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh dịch gia tăng làm thiếu hụt cục bộ nguồn cung oxy cho điều trị bệnh nhân; Mặt khác, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, dự báo nguồn oxy còn khan hiếm, thiếu hụt hơn nếu không có sự chủ động, nên các Bộ, ngành, đặc biệt là ngành y tế, các địa phương cần khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình, dự báo, tổng hợp nhu cầu và đặt hàng cụ thể với các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy (hoặc thông qua Cục Hóa chất, Hiệp hội khí Công nghiệp) để có kế hoạch sản xuất. Đồng thời, ban hành khung giá, chỉ ra đầu mối, điều phối tiếp nhận… (An ninh Thủ đô, trang 6).
Bát nháo thị trường thuốc trị Covid-19
Hiện thuốc Molnupiravir chỉ được sử dụng thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai, chưa được mua bán ra thị trường. Thế nhưng, loại thuốc này vẫn được rao bán công khai, giá cả mỗi nơi một kiểu, chất lượng không được kiểm soát.
Các loại thuốc điều trị và hỗ trợ điều trị Covid-19 được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Với đủ mẫu mã, xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Trung Quốc...
Đủ loại, đủ giá
Trong một nhóm trên mạng xã hội có nhiều người nhiễm Covid-19, ngoài những bài viết về tư vấn điều trị thì rất nhiều bài viết rao bán các loại thuốc điều trị và hỗ trợ điều trị Covid -19. Để tìm hiểu thêm, ngày 10.1, PV Thanh Niên nhắn tin cho các tài khoản đang rao bán. Sau vài lời hỏi giá, trả giá là có thể mua thuốc, thanh toán bằng hình thức giao hàng thu tiền hộ.
Tài khoản Facebook L.H.N đăng bài rao bán thuốc điều trị Covid-19 Favipiravir 400 mg nhập khẩu từ Ấn Độ, 1 hộp/17 viên có giá 1,8 triệu đồng. Về xuất xứ, người này nói thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ và giới thiệu mình là bác sĩ (BS) nên chỉ bán hàng chuẩn, hàng uy tín. Đặt vấn đề mua với số lượng nhiều từ 5 - 10 hộp, người này cho biết sẽ giảm từ 100.000 - 200.000 đồng/hộp. Cũng trong nhóm này, tài khoản T.N rao bán thuốc Lianhua Qingwen Jiaonang (Liên hoa thanh ôn), được giới thiệu do một công ty của Trung Quốc sản xuất đã được nước này cấp phép đưa ra thị trường năm 2020. Được quảng cáo với công dụng giảm thiểu các triệu chứng do Covid-19 gây ra, tại Trung Quốc loại thuốc này cũng được sử dụng rộng rãi. Với dạng viên nang, “Liên hoa thanh ôn” hộp 24 viên/110.000 đồng, hộp 36 viên giá 150.000 đồng. Về xuất xứ, người này cho hay có người thân đang sinh sống tại Trung Quốc gửi về bán nên số lượng không nhiều, nếu mua sẽ giao dịch bằng phương thức giao hàng thu tiền hộ. Tiếp tục tìm kiếm các nơi bán thuốc điều trị Covid-19 khác trên internet, chúng tôi thấy nhà thuốc T.T rao bán thuốc điều trị Covid-19 Molaz Molnupiravir 200 mg hộp 40 viên, giá 3 triệu đồng, người mua có thể liên hệ qua hotline của nhà thuốc này để được tư vấn, tại TP.HCM và Hà Nội đều có nhiều cơ sở của nhà thuốc này. Để thấy thuốc tận mắt, chúng tôi tìm tới 4 địa chỉ trên địa bàn Q.3, Q.Tân Bình được công bố trên trang web của nhà thuốc này hỏi mua. Nhưng đến 3 - 4 địa chỉ được công bố lại không thấy cơ sở của nhà thuốc này đâu, 1 trong 4 địa chỉ trên hiện đang kinh doanh thuốc, nhưng bảng hiệu không đề tên nhà thuốc T.T mà chỉ là một hiệu thuốc bán lẻ. Vào hỏi mua thuốc trị Covid-19 đang được rao trên trang web của nhà thuốc này, nhưng nhân viên ở đây cho biết tại đây không bán thuốc trị Covid-19. Trong khi đó, trên trang web của nhà thuốc này, khi có người hỏi mua được hồi đáp rất tận tình.
Trong các loại thuốc trị Covid-19, Molnupiravir được tìm mua nhiều nhất. Thuốc Molnupiravir bắt đầu được bán “chui” tại VN từ đầu đợt dịch thứ 4 (27.4.2021) với giá trên dưới 2 triệu đồng/hộp (hộp 40 viên, mỗi viên 200 mg hoặc 20 viên/hộp, mỗi viên 400 mg). Đến lúc đỉnh điểm của dịch Covid-19 tại TP.HCM vào tháng 8, 9.2021, thuốc được đẩy lên với giá 8 - 9 triệu đồng/hộp. Khi dịch bệnh tại TP.HCM hạ nhiệt, thuốc cũng bắt đầu hạ giá theo, xuống còn 4 - 6 triệu đồng, và hiện tại có giá từ 2 - 3 triệu đồng, tùy nơi bán, và chủ yếu là hàng xuất xứ từ Ấn Độ. Mặt hàng rao bán thông dụng nhất là Molaz của Azista. Một điều đáng lưu ý là ngay tại tờ hướng dẫn sử dụng thuốc này có ghi chú: Thuốc chỉ dành xuất khẩu, không được bán trong nước.
“Mua thuốc của chị, ngày nào chị cũng điều trị cho em”
Tại Hà Nội, nhóm Facebook như “Chợ thuốc tây, đông y, khẩu trang và thiết bị y tế”, “Chợ thuốc Hapulico (536)”… cũng đang mua bán Molnupiravir.
PV Thanh Niên đã lên các nhóm trên đăng “cần thuốc Molnupiravir”, chỉ 5 phút sau, hàng chục người gửi tin nhắn riêng chào mời, giới thiệu hàng chuẩn bán cho cả BS và các bệnh viện (BV). Nhiều người còn báo giá buôn và đề nghị cung cấp thuốc Molnupiravir số lượng lớn với giá 1,5 triệu đồng/hộp nhập vào, bán ra từ 1,7 triệu đồng/hộp đến bao nhiêu tùy thích, vì thị trường không có giá cố định.
Sau một hồi nhắn tin, T.N, một phụ nữ là thành viên trong nhóm “Chợ thuốc Hapulico (536)”, đã xin số gọi tư vấn và tự nhận là BS, trú Q.Long Biên, Hà Nội, đang điều trị cho F0, hứa sẽ hướng dẫn điều trị đến khi âm tính, nếu mua Molnupiravir của người này. Theo chị T.N, thuốc của Ấn Độ giá 2,4 triệu đồng/hộp 40 viên và là “rẻ nhất Hà Nội rồi”. Chị T.N còn cho biết nếu lấy thuốc từ TP.HCM ra thì giá sẽ cao hơn, còn thuốc của T.N lấy từ BV không dùng đến. Ngoài ra còn có hàng gia công, hàng nhái…
“Molnupiravir hiệu quả lắm, em chỉ cần uống 1 hộp thôi, ngày thứ 3 đã âm tính rồi”, chị T.N quảng cáo và cho rằng nhiều người còn bán 90.000 - 100.000 đồng/viên (tức 3,6 - 4 triệu đồng/hộp). Để khách hàng thêm tin tưởng, chị hứa sẽ giao thuốc tận nơi, lấy mẫu test nhanh miễn phí tại nhà và hằng ngày sẽ gọi điện tư vấn, khám, điều trị, có triệu chứng sẽ “bắt” sớm… hoàn toàn miễn phí cho đến khi âm tính. “Mua thuốc của chị, ngày nào chị cũng điều trị cho em, bạn ở Cần Thơ chị gửi thuốc này vào cho bạn ấy 4 ngày đã khỏi rồi”, chị T.N nói và dặn cần thuốc thì “alo chị”.
Không khó để mua tại hiệu thuốc
PV Thanh Niên đã đến những khu vực được coi là “thủ phủ” thuốc tại Hà Nội để hỏi thuốc này, phần lớn tỏ ra e dè, không bán vì loại thuốc này đang bị cấm, nhưng vẫn có những cơ sở sẵn sàng phục vụ, thậm chí mang thuốc ra tư vấn nhiệt tình tại chỗ, dù biết mình đang bán “hàng cấm”.
Khoảng 13 giờ ngày 11.1, tại một hiệu thuốc lớn trên đường La Thành, P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, vừa đưa ra đoạn tin nhắn “mua hộ anh thuốc hạ sốt, ho, Molnupiravir, nước muối”, nữ nhân viên đeo thẻ tên N.T.N liền hỏi: “Nhà anh có ai bị Covid-19 à?”, rồi nói với vào bên trong với nhân viên khác: “Còn thuốc Molnupiravir không, thuốc kháng vi rút dương tính ấy”.
Cầm hộp thuốc, chị N. giới thiệu loại này được Bộ Y tế cấp phép, có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán 2,6 triệu đồng/lọ. Cần mua nhiều thì đặt trước, nhà thuốc mới có hàng cung cấp. Nữ nhân viên này còn bóc hộp, cầm lọ thuốc Molnupiravir để PV chụp hình, gửi cho “người thân”. Tại hiệu thuốc T.N trong ngõ 136 Cầu Diễn (P.Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vừa đặt vấn đề, nữ nhân viên đứng quầy tự hào: “Hỏi đúng người luôn, chị chuyên sỉ loại này” và lấy ra 2 hộp thuốc giới thiệu, tư vấn. Theo nữ nhân viên, hiệu thuốc T.N đang bán 2 loại Molnupiravir, của Ấn Độ là 1,6 triệu đồng/hộp, còn của Nga giá 2,6 triệu đồng/hộp, cả 2 loại đều có thành phần, hàm lượng giống nhau. Lý giải về giá, nhân viên cho rằng bên Ấn Độ mệnh giá tiền thấp nên nhập về rẻ hơn, còn thuốc của Nga đắt vì có tiếng hơn.
“Thực ra 2 loại thuốc này đều tốt, nếu vừa tiền em dùng hàng Ấn cho rẻ. Uống cái này triệu chứng sẽ không trở nặng, chỉ cần dùng hết 1 hộp thôi. Cách uống có hướng dẫn bên trong, nếu mua chị sẽ hướng dẫn thêm cho, triệu chứng nhẹ thì dùng của Ấn là được rồi, đỡ tốn kém”, nữ nhân viên hiệu thuốc giới thiệu và nói nếu được thì qua lấy, hiệu thuốc này chuyên bán sỉ.
Một nhân viên khác của hiệu thuốc T.H, (đường Trần Quốc Vượng, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy) cho biết hiệu thuốc mình có bán 3 loại thuốc Molnupiravir (1 loại của Nga giá 2,3 triệu đồng/hộp 40 viên; 2 loại của Ấn Độ, 1 loại 2,25 triệu đồng/hộp và 1,4 triệu đồng/hộp), các loại thuốc này không khác gì nhau về công dụng, chỉ khác nơi sản xuất. Tuy nhiên khách phải đặt hàng, thanh toán tiền trước và cửa hàng sẽ giao thuốc tận nơi sau khoảng 5 tiếng.
“Thuốc này Bộ Y tế không cấm nhưng đúng ra phải theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có đơn của BS bọn chị mới được bán. Em muốn mua thì phải đặt, bởi chị để ở quầy thì sẽ bị phạt nên chị không để thuốc ở quầy... Mình tự điều trị thì khi nào có biểu hiện khó thở, máu không đông, ô xy trong máu hạ thì mới phải uống hoặc em muốn khỏi nhanh hơn thì uống, sẽ khỏi nhanh hơn nhưng có tác dụng phụ, đàn ông thì không sao, phụ nữ chưa có gia đình mà uống có thể gây vô sinh. Chính vì vậy người ta khuyến cáo là phải có chỉ định của BS mới được dùng, nhưng đó mới là khuyến cáo, còn thực tế người ta vẫn phải dùng, nếu không thì tổn thương phổi sâu là đi (chết) luôn”, nữ nhân viên tư vấn.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công an TP.Hà Nội cho biết công an các quận, huyện chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm nên vẫn chưa có số liệu để thống kê, cung cấp. (Thanh niên, trang 1).
Chưa có kit test nhanh phát hiện biến thể Omicron
Ngày 11-1, phản ứng trước việc nhiều trang mạng xã hội rao bán tràn lan kit test nhanh virus SARS-CoV-2 được quảng cáo có khả năng phát hiện biến thể Omicron, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, hiện không có kit test chuyên biệt nào có thể phát hiện riêng biến thể Omicron. Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cho biết, để phân định, làm rõ các biến thể của virus SARS-CoV-2 phải dựa trên các xét nghiệm về mặt di truyền mà chỉ có các phòng xét nghiệm chuyên sâu mới có đủ năng lực thực hiện. Do đó, các test nhanh trên thị trường không thể giúp phát hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.
Qua tìm hiểu của phóng viên, sau khi một số tỉnh thành liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp là người nhập cảnh mắc biến thể Omicron thì gần đây trên mạng xã hội xuất hiện các quảng cáo, rao vặt về kit test Covid-19 có thể phát hiện ra người mắc biến thể Omicron. Các kit test này được quảng cáo là hàng xách tay, ngoại nhập có giá bán 65.000-130.000 đồng/bộ với độ chính xác lên tới 99% nên người mua có thể hoàn toàn yên tâm. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bình Phước: Đưa Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 gần 1.000 giường vào hoạt động
Ngày 10-1, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 K72 của tỉnh Bình Phước (đóng tại phường Tân Phú, TP Đồng Xoài) đã được đưa vào hoạt động điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện có 964 giường, gồm 180 giường điều trị bệnh nhân mức độ nặng, nguy kịch; 672 giường mức độ vừa và nặng (tầng 2) và 112 giường chờ ra viện do Tổng Công ty Becamex- Bình Dương hỗ trợ xây dựng trước việc bệnh nhân mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đề nghị, Bệnh viện dã chiến K72 cần sớm ban hành quy trình tiếp nhận bệnh nhân và Sở Y tế phải mở lớp tập huấn về việc phân loại, sàng lọc điều trị F0 cho các địa phương nhằm phân tầng điều trị một cách hiệu quả nhất.
Bà Trần Tuyết Minh đề nghị Sở Y tế phải gấp rút phối hợp cùng các ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh mua sắm thuốc men, vật tư y tế, thiết bị cho bệnh viện và việc điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tỉnh, theo đúng quy trình. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến K72 cũng phải lên phương án hoàn chỉnh từ nhân sự, trang thiết bị cần đầu tư trên tinh thần hoạt động ở mức cao nhất và hiệu quả nhất… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đánh giá cao kết quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương chúc mừng Việt Nam đã đạt kết quả cao trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, cũng như trong tiếp cận vaccine nhanh so với các nước khác trên thế giới.
Chiều ngày 10/1, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng BYT đã tiếp TS. Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.
Cùng dự buổi tiếp, về phía Bộ Y tế có lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện trực thuộc Bộ Y tế; Về phía WHO có PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Chương trình Kiểm soát dịch bệnh, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cùng các các cán bộ kĩ thuật của WHO.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ niềm vui mừng được đón, gặp gỡ TS Takeshi Kasai- một người bạn thân thiết với ngành y tế Việt Nam. Bộ trưởng cũng đồng thời bày tỏ lời cảm ơn đến WHO và cá nhân TS Takeshi Kasai cùng các đồng nghiệp khác ở WHO đã dành nhiều quan tâm hỗ trợ đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân Việt Nam nhiều năm qua.
Đặc biệt trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, WHO có vai trò quan trọng trong hoạch định các chính sách, chiến lược, cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
"Chúng tôi cảm ơn WHO đã hết sức nỗ lực vận động các nước hỗ trợ vaccine cho Việt Nam qua cơ chế COVAX. Những hỗ trợ đó mang ý nghĩa to lớn, đã giúp Việt Nam tuy tiếp cận vaccine chậm hơn các nước khác, nhưng đã đạt nhiều kết quả trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và là một trong những nước có tốc độ tiêm nhanh trên thế giới"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin rõ thêm: Đến nay, độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 với người trên 18 tuổi tại Việt Nam rất cao, gần 100% mũi 1, hơn 92% mũi 2. Chúng tôi cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi theo quy định, phấn đấu đến hết quý I/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi.
Về tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, hơn nửa số tỉnh, thành trên cả nước đã bao phủ đủ 2 liều vaccine cho đối tượng này. Việt Nam cũng đang chờ những khuyến cáo, hướng dẫn của WHO đối với tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi.
Bên cạnh những hỗ trợ trong phòng chống dịch, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của WHO trong các lĩnh vực y tế khác như tăng cường hệ thống y tế, phòng chống bệnh không lây nhiễm và các bệnh lây nhiễm khác, sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy tiến trình hội nhập của Việt Nam trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu, truyền thông và những vật tư thiết bị y tế…
GS.TS Nguyễn Thanh Long còn cho biết Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết số 128 NQ/CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" gắn với thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Việt Nam mong muốn WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch vì năm 2022, Việt Nam xác định công tác phòng chống dịch vẫn là trọng tâm ưu tiên; Đồng thời WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về đánh giá, kiểm nghiệm và cấp phép các loại vaccine cũng như thuốc điều trị COVID-19; cũng như trong công nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vaccine bao gồm cả vacine COVID-19;
Bộ Y tế mong muốn WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường năng lực xây dựng thể chế, chính sách chăm sóc sức khoẻ người dân, để đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Vấn về phòng chống bệnh không lây nhiễm; già hoá dân số, đảm bảo an ninh y tế trong dịch bệnh, biến đổi khí hậu và sức khoẻ môi trường… cũng đang được Việt Nam quan tâm và mong muốn WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các lĩnh vực này.
TS Takeshi Kasai chúc mừng Việt Nam đã đạt được kết quả cao trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, cũng như trong tiếp cận vaccine nhanh so với các nước khác trên thế giới. Đồng thời WHO cũng tự hào đã hỗ trợ Việt Nam thành công trong xây dựng Cơ quan quản lý vaccine của Việt Nam đáp ứng các Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý vaccine.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương chúc mừng Việt Nam đã chuyển đổi định hướng sang chung sống an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.
TS Takeshi Kasai khẳng định, WHO sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng chống dịch; trong đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế cũng như trong các vấn đề liên quan đến vaccine nói chung, vaccine phòng COVID-19 nói riêng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).