Bệnh viện công thuê CEO được không ?
Bộ Y tế sẽ thí điểm để bệnh viện công thuê giám đốc điều hành (CEO) không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa, mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phương thức đổi mới bệnh viện công tới đây dự định sẽ thuê giám đốc như một CEO, không quá chú trọng chuyên môn mà quan trọng là năng lực quản lý điều hành, quản trị.
Theo dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập với việc đổi mới bộ máy quản lý ở các cơ sở y tế tự chủ về tài chính hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, cùng với đổi mới về tài chính y tế (tự chủ tài chính), bệnh viện (BV) công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy. Các nhóm tự chủ tài chính đều hoạt động theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm: tổng giám đốc và các giám đốc điều hành (với các đơn vị do T.Ư quản lý) hoặc giám đốc và các phó giám đốc (các đơn vị do địa phương quản lý).
Chủ trương của Bộ Y tế là để các BV thí điểm thuê CEO (giám đốc điều hành), không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa, mà yêu cầu là giỏi về quản lý y tế và điều hành BV.
Mổ giỏi nhưng quản lý kém
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, vấn đề quan trọng là chú trọng nâng cao công tác quản lý, điều hành BV. “Vừa qua, một số BV đầu ngành có chất lượng chuyên môn rất tốt nhưng chỉ một vài sự cố đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành y. Sự cố có thể xảy đến từ bất kỳ hoạt động nào của BV, từ chất lượng dịch vụ cho đến các sự cố trong điều trị như mổ nhầm, tiêm nhầm. Nếu không quản lý được toàn diện chất lượng các dịch vụ thì rất có thể những sự cố đó sẽ còn lặp lại”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành y đánh giá, một số BV, giám đốc là người giỏi về chuyên môn nhưng trình độ quản lý lại hạn chế. “Có thể một giám đốc BV mổ giỏi nhưng lại quản lý kém. Ông học giỏi, nghiên cứu giỏi thì không nên bắt làm giám đốc. Các giáo sư, phó giáo sư thuộc hệ hàn lâm sẽ là viện trưởng các viện, còn giám đốc BV thì không nên phải là giáo sư, tiến sĩ. Nếu có thì tốt nhưng tiêu chuẩn giám đốc phải là quản trị giỏi. Ngành y tế sẽ có lộ trình đổi mới về tiêu chuẩn về bổ nhiệm giám đốc BV. Làm thế nào để BV có giám đốc hiểu về chuyên môn bên cạnh đó là điều hành BV, quản lý tài chính giỏi, chăm lo đời sống cán bộ cũng giỏi”, Bộ trưởng nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM), cho rằng nếu thuê CEO cho BV công thì phải thay đổi cơ cấu tổ chức của BV. Chẳng hạn, dưới CEO cần có các giám đốc chuyên môn, quản trị, tổ chức, tài chính... Còn nếu để nguyên cơ cấu, tổ chức BV công như hiện nay rồi thuê CEO "gắn" vào thì sẽ rất khó điều hành công việc. Cũng cần lưu ý là đơn vị nhà nước có những đặc thù, cơ chế ràng buộc, nếu chỉ đơn thuần “thuê một anh CEO giỏi” ở các công ty, tập đoàn tư nhân về làm cho BV nhà nước thì chưa chắc thuận lợi. "Cần lưu ý, BV công hoạt động theo cơ chế nhà nước, đặc biệt là đảm bảo về chăm sóc sức khỏe cho người dân, chính sách an sinh. Do vậy, nếu CEO chỉ tập trung vào tính hiệu quả, sinh lời cho BV sẽ làm mất ý nghĩa chính trị của BV công lập", bác sĩ Tùng nói.
Theo bác sĩ Tùng, cũng có thể chọn những bác sĩ có năng lực, năng khiếu về quản lý để đào tạo CEO cho BV công, khi đó, CEO nắm rõ về chuyên môn y khoa thì tuyệt vời.
Mỹ chỉ có 5% giám đốc BV là bác sĩ
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em (CEO của BV Hoàn Mỹ Sài Gòn), khu vực Đông Nam Á lâu nay đều theo khuynh hướng giám đốc BV là bác sĩ, như VN hầu như 100% bác sĩ là giám đốc BV, Philippines và Malaysia có tới 60 - 70%.
Trong khi đó, tại Hội nghị quản trị BV châu Á tổ chức ở TP.HCM hồi tháng 9.2016, báo cáo tham luận cho biết tại Mỹ chỉ có 5% giám đốc BV là bác sĩ, số còn lại là các CEO từ các ngành khác. “Có sự khác biệt về giám đốc BV giữa ta và các nước phát triển. Ở nước Mỹ, châu Âu, BV đi theo hướng doanh nghiệp nên quyền điều hành của CEO tập trung vào chiến lược tài chính, cung cấp dịch vụ và quản lý quy trình hoạt động BV. Muốn trở thành CEO của các BV thì ngoài việc học chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính, y tế công cộng, cần phải học quản trị BV mới hoàn chỉnh. Sau đó họ vào BV làm hành chính quản trị trong nhiều năm, khi được tín nhiệm, họ mới được bầu hoặc bổ nhiệm CEO. Về mặt chuyên môn y khoa, họ không nắm chuyên sâu nhưng kỹ năng điều hành về mặt hệ thống là khá tốt", bác sĩ Trâm Em nói.
Lãnh đạo một BV tuyến T.Ư cho rằng lâu nay chúng ta quen với việc lãnh đạo BV công phải có uy tín về chuyên môn. Ngoài ra, y tế có đặc thù riêng, do đó, người quản lý vẫn phải có kiến thức về y thì mới có thể điều hành, bởi BV công vẫn phải lo chính sách chứ không chỉ là doanh nghiệp, chỉ lo "thu vén" lợi nhuận, chia lương thưởng. "Nếu buộc phải thuê CEO thì đơn vị chúng tôi cũng vẫn phải tìm một bác sĩ biết quản lý, quản trị hoặc một người có kinh nghiệm quản lý, điều hành am hiểu về y tế. Phải hiểu về nghề thì mới điều hành hiệu quả được. Do đó, CEO của BV công sẽ phải ngặt nghèo hơn CEO của BV tư và các đơn vị kinh doanh khác", vị này nói.
Một số bác sĩ khác khi trả lời Thanh Niên đều cho rằng nên chọn BV nhỏ để thí điểm CEO, qua đó đánh giá hiệu quả. Trong ngành y hiện nay, nhiều người làm chuyên môn giỏi và quản lý cũng giỏi. Bằng chứng là các BV vẫn phát triển, nâng quy mô. “Nếu CEO của BV mà không hiểu về y thì có khi lại là nguyên nhân gây sự cố. Do đó, rất cẩn trọng để đảm bảo chủ trương thuê, tuyển CEO, nếu thực thi phải tốt hơn chứ không phải chỉ là “mới” hay “khác” so với cái đang làm”, một bác sĩ chia sẻ.
Thanh Tùng - Liên Châu - Duy Tính Thanh niên (trang 3)
Rác y tế ở Cần Thơ phải chở lên Bình Phước xử lý
Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ thừa nhận phần lớn lượng rác thải y tế nguy hại ở Cần Thơ đang phải hợp đồng với một công ty công nghệ môi trường và vận chuyển hơn 250 km lên tận tỉnh Bình Phước để xử lý.
Ngưng tất cả lò đốt rác gây ô nhiễm
Ngày 11.10, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.Cần Thơ và Sở Y tế để đôn đốc việc xử lý chất thải y tế và thực hiện cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.
Theo Sở Y tế Cần Thơ, hiện TP này có tổng cộng 129 cơ sở y tế; trong đó có 18 bệnh viện (BV) trực thuộc Sở; 4 BV thuộc bộ ngành; 3 BV ngoài công lập; 85 trạm y tế... Lượng chất thải y tế phát sinh trung bình gần 7 tấn/ngày. Trong số này, ngoài hơn 6,2 tấn thông thường có thể tái chế, còn có 625 kg chất thải nguy hại, lây nhiễm. Ông Cao Minh Chu, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, thừa nhận phần lớn lượng rác thải y tế nguy hại ở Cần Thơ đang phải hợp đồng với một công ty công nghệ môi trường và vận chuyển hơn 250 km lên tận tỉnh Bình Phước để xử lý. Nguyên nhân là vì địa bàn Cần Thơ có 7 lò đốt chất thải rắn y tế công nghệ 2 buồng đốt tại các BV nhưng đều không đáp ứng được yêu cầu xử lý. Trong số này, hiện đại và quy mô nhất là lò của BV đa khoa T.Ư Cần Thơ nhưng cũng đã ngưng đốt từ tháng 6.2016.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho rằng TP.Cần Thơ hiện còn 65 cơ sở sử dụng lò đốt công nghệ 1 buồng, trong khi theo quy định đến hết tháng 6.2016 thì các lò đốt 1 buồng đã phải dừng vì không đạt tiêu chuẩn về môi trường. Ngoài ra, việc xử lý nước thải ở các trạm y tế xã, phường chưa đạt yêu cầu. Dù lượng nước thải phát sinh ít nhưng lại là nguồn lây nhiễm, nên cần phải có các biện pháp xử lý vi sinh...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá vấn đề môi trường đang rất cấp thiết, ngành y tế phải thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Theo ông Long, việc cấp bách là ngành y tế Cần Thơ phải cho ngưng ngay tất cả lò đốt rác thải y tế công nghệ 1 buồng gây ô nhiễm. “Theo quy chuẩn VN, lò đốt rác y tế tối thiểu phải có 2 buồng đốt; trong đó buồng đốt sơ cấp phải đạt 6500C và buồng đốt thứ cấp phải đạt 1.0500C mới đảm bảo về môi trường”, ông Long nhấn mạnh và yêu cầu phải nghiêm túc trong việc đôn đốc xử lý nước thải, nhất là ở các trạm y tế, phòng khám tư...
Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết TP đã có một bãi xử lý chất thải ở Q.Ô Môn, một bãi chôn lấp ở H.Cờ Đỏ nhưng cả hai nơi này đều đang quá tải. Hiện TP đang đầu tư bãi xử lý chất thải ở H.Thới Lai quy mô hơn. Riêng về vấn đề xử lý CTYT nguy hại, ông Chu cho biết hiện có một dự án xây dựng lò đốt rác y tế đặt tại BV lao và phổi của TP, dự kiến khi hoàn thành sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của ngành y tế Cần Thơ.
Đình Tuyển Thanh niên (trang 5)
Bộ Y tế lên tiếng việc Vụ trưởng bị tố đi "hầu đồng"
Ngày 11-10, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có công văn số 7392/BYT-TT-KT gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) làm rõ thông tin báo chí nêu về việc ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ của Bộ Y tế bị tố “hầu đồng” mong thăng quan tiến chức.
Theo đó, ngày 10-10, Bộ Y tế đã nhận được đơn kiến nghị của ông Phạm Văn Tác phản ánh về việc ngày 9-10, Báo điện tử Người tiêu dùng thuộc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam có đăng bài phản ánh về việc ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế đi “hầu đồng” cầu thăng quan tiến chức.
Sau khi nghiên cứu vụ việc, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ Y tế có ý kiến như sau: “Việc ông Phạm Văn Tác tổ chức lễ tạ đền Bảo Lộc thờ Đức thánh Trần là việc cá nhân, gia đình đồng chí, không liên quan đến công việc của ngành y tế.
Nội dung bài báo nêu, việc tổ chức lễ tạ thực hiện từ 12h – 17h30 ngày thứ 7 (1-10-2016) là ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc theo quy định của Nhà nước. Bộ Y tế nêu rõ, vấn đề tín ngưỡng là của cá nhân, đã được Nhà nước quy định tại Pháp lệnh số 2004/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có vấn đề tín ngưỡng cá nhân.
Theo Bộ Y tế, Báo Người tiêu dùng trước đây cũng đã có một số bài phản ánh việc của đồng chí Phạm Văn Tác về một số vấn đề công tác tổ chức cán bộ khi chưa được kiểm chứng, việc này đoàn xác minh đơn thư tố cáo của Bộ Y tế đang thực hiện chưa có kết luận thì điều đó trái với Luật Khiếu nại tố cáo".
Trước những thông tin báo nêu, Bộ Y tế bày tỏ mong muốn các báo phản ánh trung thực, khách quan theo đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, của ngành y tế vì mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong trường hợp báo Người tiêu dùng không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh, Bộ Y tế đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức ngành Y tế. An ninh thủ đô (trang 3)
Khẩn trương điều tra ổ dịch tại 2 địa phương có người nhiễm Zika
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh về điều tra và xử lý ổ dịch do vi rút Zika.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế hai địa phương nói trên khẩn trương tổ chức điều tra ổ dịch, nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ thì phải lấy mẫu để gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán, xác định sớm ca bệnh, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn...
Trước đó, ngày 8-10, Bộ Y tế đã thông báo về hai trường hợp dương tính với vi rút Zika tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, trong đó có một phụ nữ 28 tuổi đang mang thai (cư trú tại quận 9, TP Hồ Chí Minh). Như vậy, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phát hiện 5 trường hợp dương tính với vi rút Zika. Sức khỏe đời sống (trang 2)
Bộ Y tế đề nghị làm rõ vụ "sản phụ tử vong với mảnh xương trong tử cung"
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến việc xác minh và báo cáo trường hợp tử vong của sản phụ Vì Thị Trà (34 tuổi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) sau chuyển dạ với một mảnh xương dài 8cm, ngang 2,5cm được tìm thấy trong tử cung.
Sáng 11/10, theo tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 7365 /BYT-BM-TE gửi Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến việc xác minh và báo cáo trường hợp tử vong của sản phụ Vì Thị Trà (34 tuổi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) sau chuyển dạ với một mảnh xương dài 8cm, ngang 2,5cm được tìm thấy trong tử cung.
Theo đó, ngày 8/10, một tờ báo điện tử có đăng bài “Bỏ thai lưu, sản phụ chết với mảnh xương trong tử cung” phản ánh về trường hợp tử vong sản phụ Vì Thị Trà và thai nhi tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ngày 5/10.
Theo nội dung thông tin phản ánh, sản phụ Vì Thị Trà, sinh năm 1982, cư trú tại trú thôn Thượng Thiên, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh, có thai tháng thứ 8. Ngày 3/10, sản phụ Trà thấy mệt, tức ngực, khó thở, nên được gia đình đưa đến khám tại BV khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh. Tại đây, sản phụ Trà được khám, siêu âm, kê đơn uống viên sắt và về nhà. Đến 17h30 ngày 3/10, sản phụ Vì Thị Trà vẫn mệt mỏi nhiều, gia đình đưa sản phụ đến khám lại tại Bệnh viện đa khoa cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, sau khi siêu âm xác định là thai nhi đã chết lưu, sản phụ Trà được chuyển đến Bệnh viện da khoa huyện Đức Thọ. Tại đây, bác sĩ cũng kết luận là thai nhi bị lưu và cho sản phụ Trà nhập viện để theo dõi.
Đến 9h30 ngày 4/10, sản phụ Trà được khám lại và truyền oxytocin để kích thích mở tử cung. Đến 13h ngày 5/10, thai lưu được lấy ra. Đến 15h cùng ngày 05/10/2016, sản phụ Vì Thị Trà được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu trong tình trạng phải thở oxy, qua phòng cấp cứu rồi đưa lên phòng mổ để ngăn ngừa băng huyết. Tại đây, các bác sĩ thông báo là tình trạng của chị Trà rất xấu. Đến 20h ngày 5/10, ca mổ hoàn thành, sản phụ Trà được đưa về khoa Hồi sức tích cực. Tuy nhiên, đến 21h30 ngày 5/10, sản phụ Vì Thị Trà đã tử vong với một mảnh xương dài 8cm và ngang 2,5cm trong tử cung.
Để có cơ sở báo cáo Lãnh đạo Bộ về trường hợp tử vong sản phụ Vì Thị Trà và thai nhi, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ sở y tế liên quan gặp gỡ, chia sẻ động viên và cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông. Mặt khác, khẩn trương họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc, xử trí ban đầu của Bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; đồng thời quá trình tiếp nhận, chăm sóc, xử trí tại Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đối với trường hợp ca đẻ của sản phụ Vì Thị Trà, dẫn đến việc tử vong sản phụ và thai nhi.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại địa phương, bao gồm cả cơ sở y tế các Bộ, Ngành và cơ sở y tế hành nghề y tế tư nhân nghiêm túc thực hiện theo Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (khám, quản lý thai nghén, theo dõi, chăm sóc xử trí trong đẻ, sau đẻ …); Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 09/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh và lãnh đạo đơn vị nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về trực đường dây nóng, đồng thời tăng cường chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế gửi báo cáo nhanh về quá trình theo dõi, diễn biến ca đẻ của sản phụ Vì Thị Trà và quy trình chăm sóc, xử trí của Bệnh viện đa khao khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em) trước 12h00 ngày 13/10/2016, để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Nguyễn Hoàng Sức khỏe đời sống (trang 3), Gia đình & xã hội (trang 7)
Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng đột biến tại Cần Thơ
Từ tahngs 8/2016 đến nay, bệnh nhi bị bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tăng nhanh, gấp 2-3 lần so với các trước và cùng kỳ năm 2015. Lượng bệnh nhân tăng đột biến khiến bệnh viện lầm vào tình trạng quá tải nghiêm trọng… Gia đình & xã hội (trang 7)
Bệnh viện Nhi TƯ bị tố thu một số phí dịch vụ cao
Theo phản ánh qua đơn thư gử lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Nhi TƯ đang biến bệnh viện này thành bệnh viện dịch vụ, có khoảng 400 giường dịch vụ trong tổng số gần 1500 giường bệnh. Đặc biệt, giá dịch vụ cao hơn so với giá khám thông thường, và không công khai cho người bệnh va người nhà tham khả; giá dịch vụ cao nhất là 680 nghìn đồng/ lượt đối với khám chuyên khoa không hẹn, hội chẩn chuyên khoa; 580 nghìn đồng/ lượt với khám đa khoa, khám cấp cứu… Nhân dân (trang 5)