Quảng Nam: Khoanh vùng ổ dịch bạch hầu gây chết người tại trường tiểu học
Ngày 11-10, Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Sở Y tế tỉnh và UBND huyện Nam Trà My, TTYT Dự phòng tỉnh đã nhận được thông tin từ TTYT huyện Nam Trà My vào lúc 10 giờ ngày 29-9 về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học Trà Vân, huyện Nam Trà My.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo TTYT Dự phòng tỉnh, TTYT huyện Nam Trà My cùng với Trạm Y tế xã đến trường tiểu học Trà Vân nhanh chóng nắm bắt tình hình, đồng thời thành lập các đoàn công tác để điều tra, giám sát ngay trong ngày và báo cáo cụ thể cho lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Nam Trà My và Viện Pasteur Nha Trang. Bên cạnh đó, khẩn trương tiến hành các biện pháp chuyên môn để kiểm soát, khống chế tình hình dịch bệnh.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ổ dịch nghi bạch hầu tại Trường Tiểu học xã Trà Vân có 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người nhà) gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.
Trong 7 trường hợp (3 nam, 4 nữ) mắc/nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó theo. Kết quả xét nghiệm sơ bộ của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy tất cả ca nghi ngờ đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, 2 ca ngày 27-9 (phát hiện ngày 29/9); 5 ca ngày 30-9 (phát hiện 2 ca/ngày 2-10 và 3 ca/ngày 3-10).
Các trường hợp mắc bệnh ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi, trong đó 6 ca đang điều trị tại bệnh viện huyện Nam Trà My, hiện nay đáp ứng với điều trị, tiến triển tốt. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Phúc (sinh ngày 1-4-2009) phát bệnh ngày 27-9, vào TTYT huyện Nam Trà My 10 giờ sáng ngày 29-9, được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1-10-2017, bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, sau đó chuyển bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12 giờ ngày 3-10-2017, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim.
Theo Sở Y tế Quảng Nam, ngoài 7 ca phát hiện, đến nay chưa phát hiện thêm ca mắc/nghi mắc bệnh bạch hầu khác.
Hiện Sở Y tế Quảng Nam có các văn bản báo cáo nhanh về Viện Pasteur Nha Trang và chỉ đạo TTYT Dự phòng, TTYT Nam Trà My về triển khai phòng chống dịch bệnh. UBND huyện Nam Trà My đã củng cố lại Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm và tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Chiều ngày 4-10, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch huyện với sự tham gia của Lãnh đạo Y tế tỉnh và Trung tâm Y tế Nam Trà My đã tổ chức hội nghị triển khai công tác chống dịch tại hội trường UBND xã Trà Vân có sự tham gia đầy đủ của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã, các ban ngành đoàn thể và Ban giám của 3 trường trên địa bàn xã.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Sở Y tế triển khai các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, khống chế tình hình dịch bệnh như đã báo cáo. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý tại ổ dịch, tại hộ gia đình, tại trường học và tại bệnh viện huyện Nam Trà My. Đảm bảo thông tin liên lạc để báo cáo, theo dõi và chỉ đạo khống chế dịch. Từ ngày 2-10 đến nay, theo chỉ đạo của Sở Y tế, TTYT huyện Nam Trà My cử 3 đội chống dịch gồm 4 Bác sỹ, 4 y sỹ, cùng với lực lượng y tế xã, YTTB xã Trà Vân bám sát địa bàn thực hiện các hoạt động chống dịch.
Sở Y tế Quảng Nam cho biết thêm, tất cả các ca có sốt, viêm đường hô hấp trên đều được đưa vào diện nghi ngờ và được điều trị tích cực theo phác đồ quy định. Hiện tại, về lâm sàng 6 ca tại bệnh viện Nam Trà My đều đáp ứng tốt với điều trị. Đồng thời cử CBYT tiếp tục giám sát, phát hiện sớm điều trị kịp thời các ca nghi ngờ tại cộng đồng của 3 thôn và tại các trường THCS, trường tiểu học, mẫu giáo của xã Trà Vân. Đồng thời, tổ chức phun dung dịch Chloramin B 0,5% tại các nơi thu dung điều trị và tại trường tiểu học, trường mẫu giáo, tại nhà của bệnh nhân (phun 2 ngày/ lần liên tục trong 10 ngày); cấp dung dịch Choramin B cho y tế xã, YTTB để vệ sinh bề mặt các vật dụng trong các hộ gia đình. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch và xin ý kiến Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang, tổ chức tiêm vaccine Td phòng bệnh bạch hầu cho tất cả đối tượng từ 5 - 40 tuổi và đồng thời tiêm văc xin DPT cho đối tượng từ 1 đến 4 tuổi trên địa bàn toàn huyện Nam Trà My và huyện Bắc Trà My (huyện miền núi giáp huyện Nam Trà My).
Trước đó, vào tháng 1 và tháng 5 năm 2017, tại hai huyện Phước Sơn và Tây Giang (Quảng Nam) cũng xảy ra ổ dịch bạch hầu khiến 5 người tử vong (Sài gòn giải phóng, trang 11).
Xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam
Sáng 11.10, Sở y tế tỉnh Quảng Nam cho biết vừa phát hiện một ổ dịch bạch hầu tại Trường tiểu học xã Trà Vân (H.Nam Trà My) với 7 em học sinh mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Trường tiểu học xã Trà Vân với 8 lớp gồm 199 học sinh (148 em nội trú, phân bố chỉ trong 3 phòng ở) và 14 thầy cô, cấp dưỡng.
Từ cuối tháng 9, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, UBND H.Nam Trà My và Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng tỉnh đã nhận được thông tin từ TTYT H.Nam Trà My về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học xã Trà Vân.
Qua nắm bắt tình hình, ngành y tế Quảng Nam ghi nhận có ổ dịch nghi bạch hầu tại trường tiểu học xã Trà Vân với 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người cùng nhà) và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang.
Kết quả xét nghiệm sơ bộ ngày 5.10 cho thấy 7/7 ca dương tính với vi rút bạch hầu, gồm 3 nam và 4 nữ có độ tuổi từ 8 - 12.
Theo Sở Y tế, hiện có 6 ca đang được điều trị tại Bệnh viện H.Nam Trà My, đáp ứng với điều trị và tiến triển tốt. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Ph. (6 tuổi, phát bệnh ngày 27.9, vào TTYT H.Nam Trà My sáng 29.9), được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1.10, bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, rồi bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12 giờ ngày 3.10, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim (Thanh niên, trang 3).
Mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh lây lan
Tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội giảm 106 trường hợp nhưng lại ghi nhận một số ca rất nặng. Trong khi đó, kiểm tra tại quận Hà Đông vẫn phát hiện tại 102 hộ gia đình, 30/88 công trường có ổ bọ gậy…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội chiều 11-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dù số mắc SXH tại thành phố tiếp tục giảm song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến rất phức tạp.
Đề phòng dịch diễn biến phức tạp
Thời điểm này, lượng bệnh nhân vào khám, điều trị SXH đang tiếp tục có xu hướng giảm so với các tuần trước đó. Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mỗi ngày có 10-12 ca nhập viện vì SXH trong tổng số khoảng 50 ca khám. Tính đến chiều 11-10, tại khoa này chỉ còn hơn 40 bệnh nhân SXH đang điều trị. Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 10, mỗi ngày viện này tiếp nhận khoảng 50 ca vào khám, khoảng 20 ca vào nhập viện nội trú. Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo là trong tuần qua đã ghi nhận một số ca SXH biến chứng nặng, thậm chí có ngày số ca có sốc hoặc dọa sốc lên tới 4-5 ca. Đặc biệt, ngày 10-10, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp 2 ca mắc SXH biến chứng rất nặng, trong đó có một trường hợp là bệnh nhân nam, 39 tuổi, ở Hà Nội.
Các bác sĩ cho biết, dù số mắc SXH tại Hà Nội đã giảm mạnh nhưng kinh nghiệm điều trị qua một số năm gần đây cho thấy, thường vào cuối vụ dịch, số người mắc SXH dengue bị diễn biến nặng lại tăng lên.
Chưa biết được có đỉnh dịch nữa hay không?
Chiều 11-10, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua là tuần thứ tám liên tiếp số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội giảm. Cụ thể, riêng trong tuần (từ ngày 2 đến 8-10), toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc SXH (giảm 160 trường hợp so với tuần trước).
Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát lại vẫn có thể xảy ra trong các tuần còn lại của tháng 10 và tháng 11 tới bởi thời tiết hiện nay mưa rất nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Hơn nữa, thông thường đỉnh dịch SXH hàng năm đều rơi vào thời điểm tháng 10-11.
Đặc biệt, qua báo cáo từ 8 quận, huyện tại cuộc họp cho thấy, công tác phòng chống dịch SXH ở nhiều địa phương hiện vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông - một trong những đơn vị có số mắc SXH giảm so với tuần trước nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện 102/29.000 hộ gia đình có ổ bọ gậy, 30/88 công trường xây dựng có ổ bọ gậy, 25/123 khu vực công cộng có ổ bọ gậy.
Trên toàn thành phố, qua giám sát tại 12 điểm dịch SXH trọng điểm trong tuần qua, vẫn còn 3/12 xã, phường có tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi đạt dưới 90%, 8/12 số đơn vị có tỷ lệ ổ bọ gậy cao từ 20-50%, tức cứ kiểm tra 10 dụng cụ thì còn sót từ 2-5 dụng cụ có chứa bọ gậy... Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cần phải giữ nhịp độ phòng chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ hai xuất hiện trong năm nay.
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, các quận, huyện, xã, phường, cơ quan chức năng của thành phố tuyệt đối chưa được phép chủ quan với dịch SXH mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh này. “Số mắc trong 1 tuần của thành phố hiện vẫn còn cao hơn tổng số mắc SXH của cả tỉnh Bắc Ninh tính từ đầu năm đến nay cũng như vẫn ở mức rất cao so với một số tỉnh, thành phố lân cận” - Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý.
“Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành y tế và các địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch. Ưu tiên số 1 trong công tác chống dịch SXH thời điểm này vẫn là tiến hành phun thuốc triệt để tại các ổ dịch và diệt bọ gậy, không để sinh trưởng thành muỗi. Nếu nơi nào thiếu máy phun, thiếu nhân lực phải có đề xuất để bổ sung kịp thời” - ông Ngô Văn Quý chỉ đạo (An ninh thủ đô, trang 16).
Nhận diện nguyên nhân gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, sáu tháng đầu năm 2017, quỹ BHYT đã chi cho KCB hơn 41 nghìn tỷ đồng, vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán. Quỹ KCB của các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Trị đã sử dụng 90% quỹ của cả năm. Dự kiến năm 2017, Quỹ BHYT bội chi hơn 10 nghìn tỷ đồng với khoảng 59 tỉnh, thành phố bội chi. Hiện nay, cả nước chỉ có bốn địa phương cân đối được quỹ KCB BHYT là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đác Lắc. Tình trạng bội chi đã xảy ra trong năm 2016 với khoảng hơn 7.600 tỷ đồng. Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) lo ngại, nếu điều chỉnh chính sách như mở rộng danh mục thuốc, chi trả thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS, chi trả thuốc lao, điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu yếu tố công nghệ thông tin và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định… thì dự kiến đến năm 2020 quỹ sẽ thiếu hụt khoảng 100 nghìn tỷ đồng để chi cho KCB BHYT.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, thời gian qua, nguyên nhân gia tăng chi phí quỹ KCB BHYT chưa được thông tin đầy đủ, gây hiểu nhầm cho người bệnh và nhân viên y tế. Cần đánh giá chính xác các nguyên nhân bội chi quỹ KCB BHYT để người bệnh yên tâm về quyền lợi, giúp cơ quan chức năng có những chính sách phù hợp quản lý quỹ. Bội chi quỹ BHYT bắt đầu từ 2016, do nhiều nguyên nhân: Mức đóng của người tham gia BHYT không thay đổi từ năm 2009 đến nay (mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng, tiền lương hưu...) nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT đã được mở rộng, dẫn đến quỹ BHYT phải chi trả nhiều hơn. Từ năm 2015, theo quy định của Luật BHYT, một số đối tượng được điều chỉnh tăng mức hưởng BHYT. Từ năm 2016, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Việc điều chỉnh này nhằm triển khai giá dịch vụ KCB theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí được quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá của các chuyên gia BHYT, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến gia tăng chi phí quỹ BHYT. Nhờ thực hiện thông tuyến huyện trong KCB, người bệnh có điều kiện tiếp cận dịch vụ nhiều hơn, nhưng quỹ BHYT phải chi nhiều hơn cho người bệnh. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đã được ứng dụng vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh và mô hình bệnh tật thay đổi dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng của người bệnh cũng là một trong những yếu tố làm tăng chi phí của quỹ. Ngành y tế tăng cường các chương trình, đề án chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trung ương về tuyến tỉnh, huyện khiến người có thẻ BHYT dễ dàng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương hơn so với trước đây.
Mặc dù các nguyên nhân khách quan nêu trên làm tăng chi phí quỹ BHYT nhưng việc tăng đó là theo lộ trình, nhằm đáp ứng quyền lợi ngày càng được mở rộng của người có thẻ BHYT. Bội chi quỹ hiện tại ở nhiều địa phương không ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân vì quỹ bù trừ giữa các tỉnh và cân đối được. Cuối năm 2016, quỹ BHYT còn dư hơn 47 nghìn tỷ đồng, dự báo nếu trong mỗi năm sử dụng thêm hơn 10 nghìn tỷ thì hết năm 2019 quỹ vẫn còn cân đối được.
Về nguyên nhân người bệnh và nhân viên y tế lạm dụng dịch vụ y tế, gây bội chi quỹ BHYT, ông Lê Văn Khảm khẳng định là có, tuy nhiên cần được đánh giá đúng mức độ và từng trường hợp cụ thể, nếu không, dễ gây hiểu nhầm đây là nguyên nhân chính gây bội chi quỹ thời gian qua. Ngành y tế kiên quyết ngăn chặn hành vi lạm dụng dịch vụ kỹ thuật trong KCB nhưng cần xem xét đó là hành vi cố tình chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết hay chỉ là sai sót trong quá trình thống kê, tổng hợp dữ liệu. Nếu sai sót do thống kê, nhập dữ liệu thì không thể coi là lạm dụng dịch vụ, còn nếu hành vi cố tình thì phải nêu rõ để cảnh báo, xử lý.
Vừa qua, Tổng hội Y học Việt Nam khảo sát, đánh giá nhanh thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT và nguyên nhân gây bội chi quỹ BHYT tại bốn tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa và An Giang. Kết quả cho thấy, bên cạnh nguyên nhân tăng giá dịch vụ y tế, tăng tần suất KCB, có nguyên nhân chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc không hợp lý với tỷ lệ không lớn. Có khoảng 10% dịch vụ kỹ thuật được chỉ định quá mức cần thiết, các nhận xét bệnh án không hợp lý đối với sử dụng thuốc chiếm tỷ lệ thấp hơn.
Từ nguyên nhân bội chi do tăng giá dịch vụ y tế là nguyên nhân chính, nhiều chuyên gia BHYT cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và thống nhất một giá đối với người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT để khuyến khích toàn dân tham gia BHYT, tăng số thu cho quỹ. Điều chỉnh mức đóng BHYT cũng là một giải pháp để bảo đảm cân đối thu, chi. Để giải quyết tình trạng chỉ định quá mức về dịch vụ y tế và thuốc, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các loại bệnh để thống nhất thực hiện trong KCB và cơ sở để cơ quan BHXH giám định, thanh toán BHYT. Cần thành lập hội đồng đánh giá độc lập để giải quyết các trường hợp mà BHXH và bệnh viện không thống nhất được có phải là lạm dụng quỹ BHYT hay không. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xem xét đánh giá tác động của thông tuyến KCB BHYT để kiểm soát tình trạng gia tăng tần suất KCB, tự đi KCB nhiều lần. Những đề xuất nêu trên là giải pháp bền vững để bảo đảm cân đối quỹ mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT (Nhân dân, trang 5).