Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Một quận ở TP.HCM có 7 trường hợp mắc vi rút Zika; Sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi-rubella đạt chuẩn quốc tế; Hơn 600 người dân vùng lũ được khám bệnh và phát thuốc miễn phí...

Sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi-rubella đạt chuẩn quốc tế

Bộ Y tế vừa thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vắc-xin phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất, với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Nhật Bản. Các chuyên gia đánh giá, vắc-xin MR đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới trên cơ sở tuân thủ WHO-cGMP được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng vắc-xin ở trong nước, thậm chí có thể xuất khẩu.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế Nguyễn Đăng Hiền (Bộ Y tế) - (POLYVAC), dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vắc-xin sởi - rubella” được bắt đầu triển khai từ tháng 5-2013, do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật. Vắc-xin MR được bào chế bằng công nghệ nuôi cấy tế bào phôi gà và thận thỏ, trong đó thỏ được nhập khẩu từ Nhật Bản và trứng gà phải nhập khẩu từ Đức mới đạt tiêu chuẩn. Tế bào phôi gà và thận thỏ này sau khi gây nhiễm vi-rút được bổ sung chất ổn định, loại bỏ tế bào để tạo nên bán thành phẩm. Sau đó phối trộn hai bán thành phẩm sởi và rubella với nhau đóng ống, đông khô tạo nên vắc-xin thành phẩm MR. Theo ông Nguyễn Đăng Hiền, công nghệ phối trộn là công nghệ mới, do đó cần phải đào tạo được đội ngũ cán bộ từ sản xuất đến kiểm định chất lượng, bảo đảm chất lượng… để nắm vững và làm chủ công nghệ, sản xuất được những loạt vắc-xin đạt chất lượng và ổn định lâu dài. Vì vậy, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động đến tháng 10-2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản đã cử 197 lượt chuyên gia Nhật Bản sang chuyển giao công nghệ cho POLYVAC và tiếp nhận 36 lượt cán bộ của POLYVAC sang học tập công nghệ tại Nhật Bản.

Vắc-xin MR đã được thử nghiệm lâm sàng tại hai tỉnh Hà Nam và Hòa Bình trên 756 đối tượng từ một đến 45 tuổi. Kết quả cho thấy vắc-xin MR do POLYVAC sản xuất có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt. Kết quả này đã được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá và Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận ngày 2-11 vừa qua. TS A-rai Xét-xư-ô, Giám đốc dự án của đơn vị chuyển giao công nghệ cho POLYVAC đánh giá, POLYVAC là đơn vị đầu tiên và duy nhất được phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất loại vắc-xin này. POLYVAC đã đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu của phía Nhật Bản về sản xuất vắc-xin. Vắc xin MR do POLYVAC sản xuất đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới trên cơ sở tuân thủ WHO-cGMP. So với vắc-xin đơn giá thì vắc-xin phối hợp sởi-rubella có giá trị gia tăng rất lớn. Đây là loại vắc-xin có khả năng miễn dịch được đồng thời với nhiều bệnh và được kỳ vọng là sẽ góp phần tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Ông Nguyễn Đăng Hiền cho biết, việc Việt Nam sản xuất được vắc-xin MR có ý nghĩa cộng đồng rất lớn. Việt Nam sẽ chủ động nguồn vắc-xin để phòng chống dịch bệnh, nhất là trong tình huống khẩn cấp. Dự kiến trong thời gian tới, POLYVAC sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm để có thể cung cấp vắc-xin MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam từ năm 2017. Hiện nay, công suất sản xuất vắc-xin của POLYVAC là khoảng 7,5 triệu liều/năm. Chương trình tiêm chủng mở rộng cần khoảng ba đến bốn triệu liều/năm, cho nên hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước, ngoài ra có thể xuất khẩu. Việc sản xuất vắc-xin MR theo công nghệ cao của Nhật Bản đã đưa Việt Nam trở thành một trong 25 quốc gia sản xuất được vắc-xin trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vắc-xin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm cũng gặp phải một số khó khăn như chi phí cho việc mua phụ tùng thay thế và bảo dưỡng các thiết bị chuyên dụng như máy rửa lọ, máy đóng ống, máy dập nắp nhôm, máy đông khô… Bên cạnh đó, phần lớn các nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất vắc-xin đều phải nhập khẩu nên sẽ mất thời gian kể từ khi đặt hàng cho đến khi được cung cấp.

Bà In-chi-ma Ma-ki-cô – chuyên gia Tiêm chủng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công đã minh chứng được tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin MR, đồng thời là “một thành quả tuyệt vời”. Có rất ít quốc gia trên thế giới có thể tự sản xuất được vắc-xin để cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như Việt Nam và WHO cũng như các quốc gia khác đánh giá rất cao việc này. Năm 2011, đã từng xảy ra dịch rubella ở Việt Nam, đối tượng mắc có cả ở trẻ em và người lớn, nhất là phụ nữ mang thai, dẫn đến hậu quả là một số trẻ em khi sinh ra đã bị mắc một số dị tật bẩm sinh. Vắc-xin MR do POLYVAC sản xuất không chỉ có tác dụng với trẻ em mà còn hiệu quả đối với người lớn đến độ tuổi 45, trong đó có phụ nữ mang thai, cho nên có khả năng phòng tránh được dịch bệnh sởi và rubella ở cả trẻ em và người lớn. Bà In-chi-ma Ma-ki-cô cũng cho biết, năm 2015 cơ quan Quản lý chất lượng vắc-xin của Việt Nam (NRA) đã chính thức được tổ chức WHO cấp phép, thông qua việc đó, các vắc-xin mà VIệt Nam sản xuất không những có thể sử dụng được trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài, dưới sự giám sát của cơ quan NRA của Việt Nam. (* Nhân dân (trang 5))

Hơn 40% doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHYT

Ngày 11/11, tại TP Đà Nẵng, Ban kinh tế Trung ương và BHXH Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”.

Theo Ban kinh tế Trung ương tính đến hết tháng 6/2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 72,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 79% dân số. Đến tháng 6/2016 chỉ còn 1 địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 65% dân số (Bạc Liêu). Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Dự báo nếu không có điều chỉnh, Quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018. Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm....

Trong khi đó, BHXH Việt Nam cho hay: Hiện, có khoảng 3 triệu người lao động trong các doanh nghiệp; 0,4 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay chính sách BHYT ở nước ta vẫn chưa thu hút được người dân tham gia và có hiện tượng trục lợi BHYT. Sau 6 năm thực hiện luật BHYT, tỷ lệ đóng BHYT tăng 20%, tuy nhiên chủ yếu sử dụng từ ngân sách và tỷ lệ bao phủ theo vùng miền chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác khám chữa bệnh còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đóng BHYT....

Ông Ngô Đông Hải, Phó ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách BHYT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững. Chính sách BHYT là lý tưởng với mọi bệnh nhân, nhưng trên thực tế lại không đủ sức thu hút các đối tượng tham gia do người tham gia BHYT chưa hiểu hết được giá trị và quyền lợi của tấm thẻ BHYT; tính chia sẻ cộng đồng còn hạn chế. Trong công tác phát triển đối tượng, thực hiện việc mở rộng bao phủ, vẫn còn khoảng 20%, tương đương với gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu vào đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình..

Cũng theo ông Hải, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để; Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa tạo sự yên tâm với người có thẻ, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Công tác giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị nhiều bất cập về nguồn nhân lực và năng lực của giám định viên. Công tác kiểm soát việc sử dụng dịch vụ từ chủ trương xã hội hóa chưa tốt. Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả đang được nghiên cứu, nhưng chưa hoàn thành. Đó là những thách thức không nhỏ, cần có các giải pháp quyết liệt, tổng thể, toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có thể thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân theo quy định của Luật BHYT. (* Tiền phong (trang 13))

Điều trị bại não, tự kỷ bằng tế bào gốc

Ngày 11/11, tại Hội thảo với chủ đề “Phương pháp điều trị tự kỷ và bại não”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam là một trong 3 nước đi đầu về ứng dụng ghép tế bào gốc tự thân để điều trị cho bệnh nhân bại não và tự kỷ ở châu Á.

Thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ và bại não, các bác sĩ dùng một thiết bị chọc vào vùng xương chậu để hút tủy xương, rồi đưa vào phòng xét nghiệm, tách lấy tế bào gốc, sau đó, bơm vào tủy sống. Từ đây, tế bào gốc theo dịch não tủy đến não bộ làm nhiệm vụ thay thế các tế bào bị tổn thương của hệ thần kinh trung ương. Phương pháp này được đánh giá là có hiệu quả cao hơn nhiều so với việc chỉ áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng cho trẻ bại não.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã tiên phong tiến hành ghép tế bào gốc chữa bệnh bại não từ cách đây 3 năm. Trong khoảng 1 năm qua, bệnh viện đang thực hiện một Đề tài cấp Nhà nước về ghép tế bào gốc chữa bại não thông qua thực tế điều trị cho 30 bệnh nhân. Kết quả bước đầu cho thấy 90% số bệnh nhân được điều trị có tiến triển tốt, trong đó nhiều bệnh nhi từ chỗ nằm liệt giường hoàn toàn, nay đã đi lại được. Bệnh viện này cũng đang thí điểm ghép tế bào gốc để điều trị trẻ tự kỷ.

Chia sẻ về kỹ thuật này, GS Alok Sharma, Viện Nghiên cứu não bộ và tủy sống Ấn Độ cho biết, ông và các đồng nghiệp đã ghép tế bào gốc để điều trị cho 580 trường hợp tự kỷ tại Ấn Độ. Kết quả điều trị cho thấy 90% số bệnh nhân có chuyển biến tích cực, nhất là với những trẻ được phát hiện sớm chứng tự kỷ.

Cũng theo chuyên gia Ấn Độ thì trước năm 2009, Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới về ứng dụng ghép tế bào gốc chữa bại não và tự kỷ. Còn tại Mỹ, phương pháp ghép tế bào gốc chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2009 đến nay. Hiện Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam là 3 quốc gia dẫn đầu châu Á về ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị tự kỷ và bại não. (* Nhân dân, Tiền phong (trang 15))

35 người mắc virus Zika ở TP HCM

Với 6 người mắc mới, TP HCM hiện có 35 trường hợp tại 13 quận huyện mắc virus Zika, tính đến ngày 11/11.

Ngày 11/11, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết trên 80 mẫu xét nghiệm trong tuần ghi nhận 6 trường hợp dương tính với virus Zika. Tính từ đầu năm, với tổng số 995 mẫu xét nghiệm, thành phố xác định 35 trường hợp mắc bệnh tại 13 quận huyện.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Sở Y tế TP HCM cho biết trong 2 tuần qua, số mẫu phát hiện nhiễm virus Zika giảm hơn so với trước. Tuần 43 phát hiện 16 ca nhiễm mới, tuần 44 và 45 lần lượt là 8 và 6 ca. Ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, diệt loăng quăng, tầm soát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, đặc biệt phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và trong độ tuổi sinh đẻ.

TP HCM đang kết hợp phòng chống cùng lúc cả hai bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết, hai loại bệnh này đều do một loại muỗi truyền bệnh.

Tính đến ngày 3/11, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn là 15.874, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 là 14.440.

Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi. Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đến 30 bệnh viện tại TP HCM và các cơ sở y tế để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí. (* Gia đình & Xã hội, Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “TP Hồ Chí Minh đã có 35 trường hợp nhiễm vi rút Zika”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 3: “TP HCM đã có 35 ca mắc vi rút Zika”; Báo Tuổi trẻ trang 2: “TP.HCM: 35 người mắc Zika; Báo Lao động trang 3: “TP.Hồ Chí Minh: Liên tục phát hiện người nhiễm virus Zika”.

Hà Nội chủ động phòng chống Zika

TS.Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.

Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cần phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, giám sát véctơ muỗi truyền bệnh Zika, giám sát người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika đồng thời tiếp tục tổ chức các chiến dịch phun hóa chất trên diện rộng.

Đặc biệt, các bệnh viện công lập và dân lập, phòng khám tư nhân phải tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và trang bị đầy đủ phương tiện, thuốc men để có thể đáp ứng công tác điều trị.

Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn trực tuyến công tác giám sát, phát hiện sớm và chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika cho cán bộ, y bác sỹ các bệnh viện công lập, dân lập và các trung tâm y tế để tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và phòng chống bệnh ngay từ cơ sở.  (* An ninh Thủ đô (trang 7) )

Hơn 600 người dân vùng lũ được khám bệnh và phát thuốc miễn phí

Những người dân tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình bị bệnh nước ăn chân tay, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt... do tiếp xúc nguồn nước bẩn và môi trường ô nhiễm sau lũ lụt đã được điều trị kịp thời.

Sáng ngày 27/10, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cùng Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh tổ chức chương trình khám tư vấn sức khỏe, phát thuốc và tặng quà cho bà con tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.

Theo đó, đoàn cứu trợ đã có mặt tại thôn Công Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề vì nằm trên một cồn đất nổi giữa sông Gianh. Cả thôn chỉ có hơn 300 hộ dân với khoảng 1.600 nhân khẩu, vì thế, khi lũ về giữa đêm, bà con không kịp trở tay.

Chị Hoàng Thị Thanh (49 tuổi) chia sẻ: “Cả nhà vừa tắt đèn đi ngủ, chưa được bao lâu thì lũ ập về. Lúc đó, tôi chỉ kịp nhìn đồng hồ điểm 1h sáng. Không kịp trở tay nên cả gia đình mấy mạng người vội leo lên mái nhà trốn lũ dưới trời mưa gió quất. Lương thực hay đồ đạc cũng không kịp thu vén. Đến khoảng 4h nước lũ mới bắt đầu rút, mọi người đều lả đi vì lạnh và đói. Đặc biệt, bố mẹ tôi và mấy đứa nhỏ sau đó đều đổ bệnh hết”.

Những ngày sau đó, để sớm ổn định cuộc sống, chị Thanh và người dân trong thôn lại dầm mình dưới nước bẩn để thu dọn, dựng lại nhà cửa đổ nát và ngược xuôi mưu sinh vì gia súc, gia cầm đều bị lũ cuốn trôi. Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết bà con đều bị nhiễm bệnh do tiếp xúc nguồn nước bẩn và môi trường ô nhiễm như bệnh… Trong khi ấy, thôn lại không có quầy thuốc hay trạm y tế.

Tham gia đoàn cứu trợ, bác sĩ Trần Đình Trung - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, mặc dù đã khảo sát sẽ thăm khám cho 400 người nhưng thực tế, đoàn đã khám cho gần 600 người. Đa số họ bị bệnh về mắt (viêm kết mạc), da liễu (ngứa vùng kín sau khi đi tiểu, viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ, nước ăn chân tay), tiêu hóa (đau bụng tiêu chảy), xương khớp (nhức khớp chân tay, cột sống)…

 “Sau khi thăm khám, chúng tôi đã phát thuốc kháng sinh, hạ sốt, thuốc bôi ngoài da, thuốc nhỏ mắt, vitamin tổng hợp, siro ăn ngon cho trẻ, thuốc đau bụng, dung dịch vệ sinh phụ nữ, kem đánh răng… cho bà con neo đơn, nhằm tư vấn và khuyến khích họ có ý thức chăm sóc sức khỏe ban đầu và vệ sinh cá nhân tốt hơn”, bác sĩ Trung nói thêm.

Bà Nguyễn Thùy Dung - đại diện Công ty Dược phẩm Hoa Linh cho biết, dựa vào chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đơn vị này đã lường trước hậu quả của lũ đối với sức khỏe bà con. Vì thế, khi Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng phát động chương trình, Dược phẩm Hoa Linh đã hưởng ứng và chọn địa phương gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giúp họ thăm khám bệnh kịp thời.

Chương trình khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc và tặng quà của hai đơn vị trên nhận được sự hưởng ứng của người dân thôn Công Hòa. “Hôm nay, không chỉ tôi mà cả bố mẹ và các con tôi cũng đi khám bệnh. Nhờ được bác sĩ phát thuốc kịp thời, dịch bệnh sau lũ ở thôn chúng tôi không bùng phát như những mùa trước”, một người dân chia sẻ. (* Sài Gòn giải phóng (trang Doanh nghiệp và Phát triển))

Ăn cào cào nướng, bé 4 tuổi nhập viện

 Trung tâm Y tế huyện Di Linh (Lâm Đồng) ngày 10-11 cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho bé K’Khánh (bốn tuổi, trú xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) bị ngộ độc khi ăn cào cào nướng.

Một ngày trước đó, bà ngoại của cháu đi chăn bò ở ngoài đồng thì thấy có nhiều cào cào nên bắt về nhà bảo ông ngoại nướng cho cháu K’Khánh ăn. Ăn xong, cháu có những biểu hiện bị ngộ độc như nôn ói, co giật nên gia đình lập tức đưa cháu đến Trạm Y tế xã Đinh Trang Hòa, sau đó cháu được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Di Linh. Các bác sĩ tại đây đã rửa dạ dày cho cháu. (* Pháp luật TPHCM (trang 2))

ÁM ẢNH UNG THƯ - BÀI CUỐI: 80% ung thư có thể phòng tránh

Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường là tác nhân làm gia tăng ung thư tại Việt Nam.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc thêm, 94.000 ca chết, ước tính tới năm 2020 có khoảng 189.000 ca ung thư mới mắc. Tại Việt Nam, xu hướng mắc ung thư ngày càng tăng dần. Theo thống kê, đánh giá nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2008-2012, những loại ung thư phổ biến nhất hiện diện ở nam giới bao gồm ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng, vòm. Còn đối với nữ giới ung thư vú chiếm vị trí cao nhất, sau đó đến ung thư cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và ung thư tuyến giáp. Cho đến thời điểm hiện tại, tức năm 2016, số liệu và thống kê này vẫn không có gì thay đổi.

Cần điều tra dịch tễ nghiêm túc, khoa học

Theo GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, 80% nguyên nhân ung thư có thể phòng tránh liên quan đến thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thực phẩm, nguồn nước, bệnh nghề nghiệp (công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại..., tia phóng xạ, vi khuẩn…). Còn đối với các yếu tố gồm tuổi cao, giới tính, chủng tộc, gen di truyền chiếm 20% nguyên nhân gây ung thư và các yếu tố này lại không thể phòng tránh. Người cao tuổi dễ mắc ung thư hơn người trẻ tuổi, vì thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ về môi trường lâu hơn, nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nga, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV K Trung ương, cho biết không phải bây giờ mà trước đây báo chí cũng nói về “làng ung thư”. Do vậy, thời gian qua Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có đề tài nghiên cứu cấp nhà nước điều tra về nguồn nước tại 37 làng có tên trong danh sách làng ung thư mà báo chí đã phản ánh. Nghiên cứu này sẽ lấy mẫu thử nguồn nước; các tiêu chí, thông số, chỉ số cho phép về nước tại những làng này.

Tuy nhiên, con số nghiên cứu từ 37 ngôi làng kia nếu so sánh với tỉ lệ người mắc ung thư ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM thì chưa ghi nhận con số cao hơn. Do vậy, để có thông tin cụ thể và chính xác phải làm cuộc điều tra cơ bản, đắt tiền. Mà cuộc điều tra này kể cả những nước tiên tiến cũng khó thực hiện, không phải ngày một ngày hai là làm được.

Các yếu tố nguy cơ

Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nghiên cứu và có đánh giá cụ thể về tình hình ung thư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta có hai đơn vị ghi nhận ung thư và tập trung nghiên cứu là Hà Nội và TP.HCM, đây là hai trung tâm lớn nhất. Ngoài ra còn có nhiều trung tâm nghiên cứu ung thư khác như Hải Phòng, Đà Nẵng… và những đơn vị nghiên cứu theo số lượng ung thư quần thể.

Theo dịch tễ học, rất khó xác định nguyên nhân dẫn đến ung thư một cách chính xác nhất, chính vì lý do đó người ta hay gọi tác nhân dẫn đến ung thư hay gọi đúng hơn là các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư. Những yếu tố tác động và ảnh hưởng trực tiếp, tích tụ dần dần gây ra ung thư có rất nhiều, điển hình như hút thuốc là nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, vi trùng, các nhóm vi khuẩn, gen, yếu tố di truyền... dẫn đến khả năng mắc ung thư khá cao.

BS Phạm Xuân Dũng phân tích trên từng loại bệnh ung thư có nhiều yếu tố hoặc tác nhân khác nhau. Các yếu tố môi trường như nơi có chất độc dioxin hay nơi có nhiều khu công nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với chất thải, khả năng gây ô nhiễm ngày càng nhiều hơn đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, không phải nó gây ra ung thư ngay lập tức mà phải tích tụ một thời gian mới ảnh hưởng đến bệnh ung thư. Cũng vì lý do đó, số lượng người chết vì ung thư đa phần là người lớn tuổi, sống trong môi trường chịu ảnh hưởng lâu năm nên mắc bệnh.

Lối sống và vệ sinh an toàn thực phẩm

Lối sống, cách sinh hoạt ngày nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, như trẻ em ăn quá nhiều hamburger, đồ chiên, béo không đảm bảo vệ sinh; thực phẩm bẩn, rau củ quả nhiễm hóa chất độc... các yếu tố này được xem là nguy cơ dẫn đến ung thư đáng nói nhất kèm với hút thuốc, chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Yếu tố môi trường gần như chắc chắn liên quan đến nguy cơ gây ung thư nhưng tùy vào từng chất là có mức độ độc hại riêng. Căn cứ vào nghiên cứu trên từng chất, nhất là khi có một chất mới ra đời người ta chia ra các chất gần như chắc chắn liên quan đến ung thư, các chất có liên quan đến ung thư, các chất có thể gây ung thư ở mức độ thấp và cũng có những chất hoàn toàn không gây ra ung thư. Và tùy thuộc vào cơ địa mỗi người nên rất khó quy kết một chất nào đó 100% ảnh hưởng trực tiếp đến ung thư.

Hiện tại, tính trên 100.000 dân, tỉ lệ ung thư nước ta so sánh với nhiều nước trên thế giới vẫn đang ở mức độ trung bình nhưng có chiều hướng tăng so với các năm trước đây. Riêng BV Ung bướu TP.HCM, trung tâm điều trị ung thư lớn tại miền Nam, số lượng bệnh nhân ung thư tăng lên hằng năm do số lượng dân số tăng, độ tuổi cao hơn, cuộc sống phát triển nên có điều kiện đi kiểm tra ung thư, chẩn đoán mỗi lúc một chính xác hơn kéo theo ung thư liên tục tăng và diễn biến phức tạp. (* Pháp luật TPHCM (trang 14))

Một quận ở TP.HCM có 7 trường hợp mắc vi rút Zika

Ngày 11.11, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết UBND TP chỉ đạo Sở Y tế thông báo rộng rãi cho người dân biết về tình hình bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

Theo đó, về tình hình bệnh do vi rút Zika, tính đến ngày 11.11, TP đã có 35 trường hợp nhiễm Zika (tăng 1 trường hợp so với ngày 10.11) tại 24 phường xã của 13 quận huyện. Nhiều nhất là Q.Bình Thạnh 7 ca, các quận huyện: 2, 9, 12 đều 4 ca; Tân Phú, Hóc Môn cùng có 3 ca…

Về sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay phát hiện 15.874 ca, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

“Số ca bệnh mới phát hiện có giảm nhiều so với 2 tuần vừa qua. Việc phát động phong trào vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng kèm phun hóa chất diệt muỗi ở ổ dịch và vùng nguy cơ đã cho thấy có hiệu quả ban đầu, không những giảm số ca mắc Zika mà còn giảm số ca mắc sốt xuất huyết”, bác sĩ Tuấn cho biết thêm. (* Thanh niên (trang 5))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang