Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Thực hiện bồi thường sự cố sau tiêm chủng; Nhân rộng quy trình “báo động đỏ” để cứu nhiều người bệnh; Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảm tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh...

 

Nhân rộng quy trình “báo động đỏ” để cứu nhiều người bệnh

Triển khai lần đầu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh với tên gọi “báo động đỏ” nội viện, rồi được nâng lên thành “báo động đỏ” liên viện, kịp thời cứu sống nhiều người bệnh qua cơn nguy kịch. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã quyết định nhân rộng quy trình cấp cứu đặc biệt này.

Sau vụ tai nạn, anh L.P.L (36 tuổi, tạm trú Bình Dương) được đưa vào Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng bị gãy khung xương chậu, vỡ khớp mu, khớp cùng chậu, vỡ bàng quang, đứt niệu đạo, xuất huyết nội gây mất nhiều máu, nguy cơ tử vong rất cao. Nhận thấy khả năng cứu sống người bệnh rất thấp, cho nên bệnh viện nhanh chóng khởi động quy trình “báo động đỏ” nội viện. Ngay lập tức, hàng chục bác sĩ liên chuyên khoa đã có mặt thực hiện ca phẫu thuật. Người bệnh được cố định khung xương chậu, cầm máu bên trong, khâu bàng quang vỡ, tạm xử lý vị trí bị đứt hoàn toàn ở niệu đạo… Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức Nguyễn Minh Quân khẳng định: “Nếu hôm ấy chỉ một khoa cấp cứu thực hiện thì khó cứu sống được người bệnh, cho nên cần huy động tất cả các chuyên khoa và đây là quy trình “báo động đỏ” nội viện. Nhờ quy trình này, đến nay Bệnh viện quận Thủ Đức đã cứu sống hàng chục người bệnh.

Đêm 16-12 vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Tân Phú tiếp nhận cấp cứu cho chị N.T.K.Đ. (33 tuổi, ngụ Củ Chi) trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán choáng mất máu, người bệnh cắt bán phần tử cung do băng huyết sau sinh có rối loạn đông máu. Tình huống khẩn cấp hơn là trên đường chuyển đến bệnh viện thì bệnh tình của chị Đ. đột ngột trở nặng đe dọa ngưng tim. Bệnh viện quận Tân Phú cùng lúc đã xử lý ổn định tình trạng huyết đông cho chị Đ, đồng thời kích hoạt “báo động đỏ” nội viện đến các khoa hồi sức cấp cứu, sản, phẫu thuật, gây mê hồi sức, ngoại, xét nghiệm. Các y sĩ, bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức, chuẩn bị truyền máu khẩn cấp, chuyển gấp người bệnh đến khoa phẫu thuật gây mê hồi sức. Bệnh viện này kích hoạt hệ thống “báo động đỏ” liên viện đến các bệnh viện: Hùng Vương, Nhân dân 115, Truyền máu, huyết học để huy động khẩn y, bác sĩ phẫu thuật. Nhờ sự nỗ lực của các nhân viên y tế của nhiều bệnh viện, đến rạng sáng 17-12, người bệnh đã qua cơn nguy kịch.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đây là ca “báo động đỏ” liên viện thứ sáu trong sáu tháng cuối năm 2016 được thực hiện thành công, kể từ khi sở chính thức ban hành quy trình “báo động đỏ” liên viện. Các ca bệnh phải thực hiện “báo động đỏ” liên viện đã được phẫu thuật khẩn cấp thành công ngay tại những bệnh viện vốn không có đủ năng lực thực hiện, nhưng nếu chuyển viện thì người bệnh nguy cơ tử vong rất cao.

Ngày 26-10, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận một bé trai bị ngã từ lầu hai xuống bị cọc nhọn đâm xuyên thấu tim, phổi từ phía sau ra phía trước, da niêm nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, có lúc ngưng tim. Trước tình trạng nguy kịch của người bệnh, Bệnh viện Thống Nhất đã phát lệnh “báo động đỏ” liên viện đến BV Nhi Đồng 1. Sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Thống Nhất với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, dấu hiệu sinh tồn của bé khá ổn định, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay trong đêm để tiếp tục điều trị. Sau một tháng, cháu bé được xuất viện trong tình trạng sức khỏe đã ổn định và sinh hoạt bình thường.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây triển khai quy trình “báo động đỏ” nội viện, nay nâng lên thành “báo động đỏ” liên viện. Và từ khi thực hiện quy trình “báo động đỏ” liên viện, ngành y tế không phải tăng thêm nguồn lực mà hiệu quả lại cao hơn. Các bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ, tạo ra nhiều thay đổi trong quy trình cấp cứu người bệnh, trong đó đáng chú ý là huy động được lực lượng nhanh nhất, phối hợp đồng bộ để cứu sống người bệnh. Ðặc biệt, từ khi áp dụng quy trình “báo động đỏ”, cơ hội cứu sống người bệnh tăng lên rõ rệt… Qua khảo sát 808 cán bộ đang làm công tác lãnh đạo, quản lý tại 78 bệnh viện công lập và tư nhân, kết quả khảo sát chung cho thấy tỷ lệ hài lòng là 70% và tỷ lệ không hài lòng chỉ là 1%. Trong đó, 21 nội dung hoạt động được đánh giá rất hài lòng chiếm tỷ lệ cao, theo thứ tự là: Tổ chức các khóa đào tạo liên tục của sở y tế các chuyên đề về quản lý bệnh viện và quản lý chất lượng bệnh viện; Hướng dẫn và giám sát các hoạt động an toàn người bệnh tại đơn vị; Hoạt động khảo sát hài lòng người bệnh tại đơn vị; Trực và phản hồi phản ánh qua đường dây nóng; Xây dựng kho dữ liệu phác đồ điều trị của ngành y tế và hướng dẫn xây dựng phác đồ điều trị tại các đơn vị…

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn cho biết: Những tình huống cần ưu tiên vận dụng quy trình “báo động đỏ” gồm: đa chấn thương do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… cần can thiệp hồi sức tích cực và phẫu thuật khẩn cấp của nhiều chuyên khoa; Tai biến sản khoa nặng cần can thiệp hồi sức tích cực và phẫu thuật; Phát hiện thêm bệnh lý chuyên khoa trong tình trạng nguy kịch ngoài khả năng chuyên môn kỹ thuật của từng bệnh viện… Quy trình này yêu cầu toàn bộ ê kíp và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ, có thể bỏ qua một số khâu cấp cứu thông thường (như hội chẩn, xét nghiệm máu, X- quang, siêu âm…). Phòng mổ phải được chuẩn bị sẵn sàng trong thời gian sớm nhất kể từ khi có “báo động đỏ”. Khi người bệnh thuộc diện “báo động đỏ”, bác sĩ hoặc điều dưỡng nơi khoa cấp cứu sẽ thực hiện việc báo động đến: tổng đài bệnh viện, phòng mổ cấp cứu và khoa xét nghiệm và ngân hàng máu. Các phẫu thuật viên, chuyên gia sẽ phối hợp giải quyết tùy thực tế của từng trường hợp… (Nhân dân, trang 5).

 

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảm tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Các cơ sở y tế giảm bớt được nhiều thủ tục giấy tờ, đẩy nhanh thủ tục hành chính trong thanh toán BHYT, giám sát Quỹ BHYT…

Chính người bệnh cũng được hưởng lợi khi ở nhà có thể gửi tin nhắn để đặt lịch khám, lấy số khám; những ca bệnh khó ở địa phương vùng sâu, vùng xa được hội chẩn cùng các chuyên gia tuyến trên để có biện pháp xử lý kịp thời…

Những thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện tin học hóa trong quản lý KCB và thanh toán BHYT năm 2016, xây dựng kế hoạch năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức mới đây. Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong năm 2016, công tác tin học hóa KCB và thanh toán BHYT đã đạt được một số kết quả nổi bật. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng và ban hành mô hình kiến trúc tổng thể về hệ thống thông tin KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để triển khai các hoạt động về tin học hóa trong BHYT một cách khoa học và có kế hoạch. Các sở y tế, cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng hành với Bộ Y tế và tích cực thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong quản lý KCB. Theo thống kê cả nước hiện có 12.719 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội… Đến giữa tháng 12- 2016, đã có 12.653 cơ sở KCB thực hiện kết nối liên thông dữ liệu, đạt tỷ lệ 99,48%.

Đáng chú ý, những năm gần đây, nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện tuyến trung ương triển khai Telemedicine, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất tốt. Các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối như: Bạch Mai, Hữu nghị, Việt Đức, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Chợ Rẫy… thường xuyên hội chẩn trong khám, chữa bệnh với các bệnh viện tuyến tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật. Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp ở bệnh viện tuyến dưới mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nhất là tại các bệnh viện vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm như Bạch Long Vĩ, Cô Tô... Người bệnh ở những bệnh viện tuyến huyện vẫn có thể được các giáo sư, bác sĩ giỏi đầu ngành từ các bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương, các thầy thuốc tại tuyến tỉnh tư vấn, hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa. Người bệnh và gia đình không phải mất thêm nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển viện lên tuyến trên; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, khó khăn chung trong ứng dụng CNTT của ngành y tế hiện nay là hạ tầng của ngành y tế còn nhiều yếu kém; chưa có trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; chưa có hệ thống đường truyền kết nối ngành y tế; nhiều dịch vụ kèm theo chưa có… Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục phối hợp để triển khai thống nhất, đồng bộ KCB BHYT điện tử theo lộ trình đã được đề ra; thống nhất chuẩn đầu ra dữ liệu, đồng bộ danh mục dùng chung với hệ thống thông tin KCB BHYT của Bộ Y tế để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại…

Theo Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Đặng Hồng Nam, để thực hiện yêu cầu kết nối liên thông nhiều cơ sở KCB phải thay mới hoặc nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện hoặc phần mềm quản lý viện phí. Ngoài ra, các cơ sở KCB BHYT cần cập nhật đầy đủ mã và tên thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế theo danh mục dùng chung điện tử vào phần mềm quản lý KCB, điều chỉnh phần mềm để kết, xuất dữ liệu đúng quy định của Bộ Y tế; cung cấp đầy đủ thông tin về chỉ định, kết quả điều trị ngay khi người bệnh ra viện để quản lý việc KCB BHYT… (Nhân dân, trang 5)

 

Các bệnh viện trực bốn cấp trong những ngày Tết

Ngày 11-1, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành có kế hoạch bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Các đơn vị trực theo bốn cấp: lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; chuyên môn; hành chính - hậu cần và bảo vệ - tự vệ. Các bệnh viện dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh cũng như chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra… Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cũng cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, Bộ Y tế sẽ triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh; đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng; phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, để phát hiện sớm các ổ dịch và có biện pháp xử lý kịp thời… (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 2: “Đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán”

 

Chuyện hiến máu: Phải cẩn trọng ngôn từ

Máu là một phần của cơ thể, là biểu tượng quý giá của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Trung ương, từng bày tỏ lo lắng với tôi về tình trạng thiếu máu triền miên.

Chính người thân của tôi cũng do không có máu truyền mà mất nên tôi rất hiểu và ủng hộ việc huy động nguồn máu từ xã hội. Nên chăng chúng ta thiết lập một cơ chế bảo hiểm bằng ngân hàng máu. Bất kỳ người nào cũng phải có trách nhiệm đối với ngân hàng máu này nhưng ta không nên làm theo cách bắt buộc người dân phải hiến máu mà phải thực hiện bằng giải pháp nhân văn.

Dù trong dự thảo Luật hiến máu và tế bào gốc đã bỏ phương án bắt buộc hiến máu nhưng việc tờ trình dự án luật này đưa ra dự tính buộc mỗi người phải hiến máu mỗi năm một lần đã gây nhiều băn khoăn.

Theo Hiến pháp, khi tác động vào quyền lợi của người dân thì phải được quy định bằng luật. Bộ Y tế đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo luật chứ luật này chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Ý tưởng của Chính phủ phải được cả xã hội đồng thuận.

QH không quyết định bằng cách ấn định ý tưởng đó vào luật, buộc người dân phải làm mà tất cả đạo luật đều phải dựa trên cơ sở đồng thuận của xã hội. Hiến máu là một chính sách nhân văn thì phải xử lý bằng giải pháp nhân văn. Nếu không dùng chữ “bắt buộc” hay “phải hiến máu mỗi năm một lần” mà diễn đạt cho thấy công dân có trách nhiệm hiến máu để góp vào ngân hàng máu, để thực hiện sự bảo hiểm tính mạng cho cả bản thân, người thân và toàn xã hội thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Quan trọng nhất phải làm cho người dân hiểu việc cần huy động nguồn máu của cả xã hội.

Về nội dung bắt buộc hiến máu, đại diện Bộ Y tế đã giải thích “đây là phương án giả định”. Tôi thấy Bộ Y tế không nên trốn tránh ý tưởng này mà cần tung vấn đề này ra để tác động vào tâm lý xã hội, để cho người ta có sự chuẩn bị, tuy nhiên phải chú ý cách diễn đạt.

Một đạo luật quan trọng như thế này cần sự chuẩn bị tâm lý, cần tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận. Tôi không ngại câu chuyện đa chiều, việc có quan điểm này đồng ý, quan điểm kia không ủng hộ là chuyện bình thường. Nhưng bước quan trọng là phải lấy ý kiến của nhân dân, bởi đối tượng tác động của dự luật chính là người dân. Vì vậy việc sử dụng ngôn ngữ, cách diễn đạt rất quan trọng, đừng dùng những câu từ để cho người ta cảm thấy khó chịu. Thực ra có người rất bực vì cụm từ “nghĩa vụ bắt buộc” nhưng vẫn sẵn sàng hiến máu. Vấn đề không phải ở chỗ người dân không muốn hiến máu mà phải tạo cơ chế, ghi nhận, tôn vinh… đối với người dân hiến máu.

Đừng làm người dân sốc, đừng dùng ngôn ngữ tạo cảm giác như bị ép buộc. Người dân mình cực kỳ nhạy cảm, biết bao gia đình, dòng họ bao đời nay hy sinh xương máu họ có kêu ca gì đâu. Nhưng nếu không được trân trọng, cảm thấy bị ép buộc thì lúc đó người ta có thể nói rằng một giọt máu này là một giọt đời của họ, còn quý hơn cả vàng... (Pháp luật TPHCM, trang 7)

 

Lên Facebook rao bán giấy khám sức khỏe

Công an TP Hà Nội vừa đấu tranh, khám phá ổ nhóm  sản xuất và buôn bán giấy khám sức khỏe giả, bắt giữ 4 đối tượng.

Ngày 11-1, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 - Công an TP Hà Nội) đấu tranh, khám phá ổ nhóm  sản xuất và buôn bán giấy khám sức khỏe giả.

Đối tượng cầm đầu là Ngô Quang Bình (26 tuổi), trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) và đồng bọn gồm: Nguyễn Kim Anh (31 tuổi), Nguyễn Văn Minh (24 tuổi), cùng trú tại quận Đống Đa; Nguyễn Đăng Hiếu (26 tuổi), trú tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Cuối tháng 12-2016, tổ công tác của PC50 và PC45 phối hợp với Công an phường Nhân Chính (Thanh Xuân) bất ngờ kiểm tra hành chính đối với 4 đối tượng trên khi đang mua bán giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (GTVT-TW) tại quán cà phê Tiamo, số 89 phố Hoàng Ngân (Nhân Chính).

Tiến hành khám xét khẩn cấp đối với nơi ở của Ngô Quang Bình, Cơ quan Công an thu giữ 1 con dấu tròn đỏ ghi tên Bệnh viện GTVT-TW và 8 dấu chức danh của các bác sỹ; 89 tờ giấy khám sức khỏe loại A3; 76 tờ giấy khám sức khỏe loại A4. Tất cả giấy đều đã ký, đóng dấu sẵn chưa có nội dung, tên người khám bệnh.

Tại Cơ quan điều tra, Bình khai nhận, từ đầu tháng 10-2016, thông qua trang mạng xã hội Bình đã mua của một đối tượng không quen biết các loại dấu giả như trên. Sau đó, Bình tìm mẫu giấy khám sức khỏe của Bệnh viện GTVT-TW  phô tô ra làm nhiều bản đề tự ký và đóng dấu vào các mục khám, tên người sử dụng để trống.

Từ khoảng đầu tháng 11-2016, Bình bắt đầu bán buôn cho các đối tượng khác với giá giấy khám sức khỏe khổ A3 là 40 nghìn đồng/1 tờ; giấy khám sức khỏe khổ A4 là 20 nghìn đồng/tờ; giấy khám sức khỏe khổ A3 có dán ảnh người dùng đóng dấu giáp lai giá 60 nghìn đồng/tờ. Từ khi bán giấy khám sức khỏe giả Bình đã thu lời bất chính khoảng 20 triệu đồng.

Khách hàng thường xuyên mua với số lượng nhiều của Bình gồm có Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Đăng Hiếu, Nguyễn Văn Minh. Sau khi mua của Bình, các đối tượng trên đã lập ra các Facebook cá nhân đăng tin quảng cáo và đăng số điện thoại để giao dịch liên lạc mua bán giấy tờ giả.

Các đối tượng mua giấy khám sức khỏe của Bình bán cho khách theo từng loại, như A3 có giá 100 nghìn đồng/tờ; loại A4 có giá 50 nghìn đồng/tờ; loại A3 có dán ảnh người dùng đóng dấu giáp lai giá 140 nghìn đồng/tờ. Kim Anh, Hiếu và Minh trực tiếp bán giấy khám sức khỏe giả cho khách và thu tiền. Nếu người mua yêu cầu mang đến, các đối tượng trên trang Facebook: “Ship tìm người, người tìm Ship” thuê những người ship đem giấy khám sức khỏe cho khách hàng.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. (Công an Nhân dân, trang 5)

 

45,5% mẫu thực phẩm nhiễm vi khuẩn

Ngày 11.1, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) công bố kết quả nghiên cứu ban đầu dự án “Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa...

Ngày 11.1, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) công bố kết quả nghiên cứu ban đầu dự án “Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa thuốc trong chuỗi thực phẩm tại VN (SATREPS)” do viện này thực hiện trong 5 năm, tại các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Bình, Nha Trang, TP.HCM và Cần Thơ.

Trong số 330 mẫu thực phẩm phân phối ở các hệ thống chợ, siêu thị và lò giết mổ được xét nghiệm, kết quả cho thấy E.coli (là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm) được phát hiện trong 150/330 mẫu (45,5%). Trong đó, tỷ lệ nhiễm cao nhất là thịt gà (92,7%), tiếp đến thịt heo (34,8%), thịt bò (34,3%), cá/tôm (29,3%).

Đáng lưu ý, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn E.coli từ các mẫu thịt gà thu thập từ các lò giết mổ lên đến 100%. Nguyên nhân có thể gây nhiễm vi khuẩn trong quá trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Viện Dinh dưỡng cũng cho biết hơn 60% mẫu được lấy từ người khỏe mạnh nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh và khoảng 50% mẫu thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn này. Đây là hệ quả của tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh và trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết kết quả của nghiên cứu này khá tương đồng với thực trạng của một số nước Đông Nam Á. (Thanh niên, trang 2)

 

Thực hiện bồi thường sự cố sau tiêm chủng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2016, nước ta ghi nhận một số ca phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng, trong đó có 3 ca sau tiêm vắc xin BCG (phòng lao); 5 ca sau tiêm viêm gan B sơ sinh; 11 ca sau tiêm vắc xin Quinvaxem và vắc xin bại liệt; một ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin sởi và rubella. Dù không mong muốn nhưng trong tiêm chủng vẫn có những rủi ro (tỷ lệ này rất thấp).

Thực hiện Nghị định 104/2016/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, mới đây, một trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm đang tiến hành các thủ tục nhận bồi thường. Đây là trường hợp đầu tiên triển khai thực hiện bồi thường sự cố sau tiêm chủng. Theo Nghị định trên, nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Kinh phí bồi thường tai biến sau tiêm chủng từ nguồn ngân sách và do cơ quan y tế đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây phản ứng, tai biến tiêm chủng do lỗi sai sót của nhân viên y tế thì cá nhân đó phải bồi hoàn lại; nếu nguyên nhân do vắc xin thì nhà sản xuất, cung ứng phải chịu trách nhiệm và bồi hoàn lại. (Thanh niên, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang