Quá tải bệnh viện: Cần giải pháp hơn lời hứa
“Bốn bác sĩ ngồi một giường có chịu được không?” là câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi thị sát Bệnh viện K tại Tân Triều (Hà Nội) hôm 8.12. Dư luận lại một lần nữa quan tâm đến tình trạng quá tải bệnh viện vốn là nỗi sợ hãi suốt nhiều năm qua ở nước ta, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, nhiều ý kiến “mời” Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát thêm nhiều bệnh viện nữa! Vậy thực trạng quá tải bệnh viện hiện ra sao? Lời hứa của Bệnh viện K sau câu nhắc nhở thấm thía của Bộ trưởng đã cải thiện được gì?
Quá tải nặng ở các bệnh viện chuyên khoa và tuyến cuối
Tại TPHCM, khảo sát của nhóm PV cho thấy, tình hình quá tải nặng hiện nay tập trung ở một số bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện tuyến cuối như: Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Viện Tim và 2 bệnh viện đa khoa hạng 1 Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy…
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cảnh bệnh nhân nằm xếp lớp trên giường bệnh, dưới nền nhà đã không còn là một hình ảnh xa lạ. Chị Trần Thu Trang - mẹ một bệnh nhi 12 tuổi đang điều trị bệnh ung thư lympho tại khoa Nhi - cho biết: “Con tôi lâu lâu mới nhập viện để vô hóa chất. Nhưng lần nào nhập viện cũng phải nằm dưới đất. Phòng hai mươi mấy cháu mà có 8 cái giường thì phải vậy thôi. Ở đây các bà mẹ tự hiểu, thông cảm cho nhau, bé nào vào hóa chất thì nhường giường cho nằm một vài bữa”. Theo BS Nguyễn Hoàng Minh - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu - mỗi ngày, bệnh viện phải tiếp nhận lượng bệnh nhân “khổng lồ” từ 1.700-1.800, trong đó có 60-70% là bệnh nhân từ các tỉnh xa đến và lượng bệnh nhân phải nhập viện ngày càng đông. Cơ sở vật chất của bệnh viện không thể nào theo nổi.
Còn tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, mặc dù đã gần 11 giờ trưa, nhưng Khu khám bệnh vẫn đông nghẹt bệnh nhân chờ khám và lấy thuốc. Nhiều bệnh nhân không có ghế ngồi, trong số đó có cả những bệnh nhân phải chống nạng, bệnh nhân lớn tuổi. Theo thống kê, mỗi ngày, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM phải tiếp nhận điều trị cho khoảng 1.000 lượt khám bệnh, ngày cao điểm là thứ hai và thứ ba hằng tuần, số bệnh nhân tăng lên 1.500 bệnh nhân. BS Võ Hòa Khánh (Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện) cho biết, có 2 vấn đề khiến bệnh nhân than phiền nhiều nhất là nạn móc túi và quá tải. Về quá tải, bệnh viện đã cố gắng tận dụng tất cả các khoảng trống để kê thêm ghế chờ cho bệnh nhân theo kiểu “chỗ nào có thể kê được đã kê cả rồi”. Tuy vậy, do quỹ đất của bệnh viện quá hạn chế trong khi lượng bệnh nhân đổ về ngày một tăng cao nên chưa thể cải thiện được tình trạng quá tải. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 là bệnh viện chuyên khoa nhi, tình hình quá tải vẫn luôn là nỗi sợ hãi của nhiều phụ huynh. Theo thống kê, Bệnh viện Nhi đồng 1 có lượt khám bệnh ngoại trú từ 4.000 - 6.000 lượt/ngày.
Gấp rút thêm giường bệnh và xây nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân
Trở lại Bệnh viện K Tân Triều, nơi 4 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Y tế. PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện - cho biết: Chúng tôi lập tức đưa ra các giải pháp trước mắt như mở thêm phòng điều trị ngoại trú ở các khoa quá tải, đặc biệt ở các khoa nội (phòng truyền ngồi) kết hợp với hẹn bệnh nhân truyền theo giờ để không quá tập trung vào giờ cao điểm như hiện nay (9-11h). Đồng thời, thêm phòng lấy xét nghiệm tại Khoa khám bệnh để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Chúng tôi xây dựng thêm 500 giường bệnh theo cơ chế xã hội hóa tại Tân Triều để tiếp tục công tác giảm tải bệnh viện. Đồng thời, xây nhà lưu trú cho người bệnh và người nhà người bệnh tại cơ sở Tân Triều...
Hy vọng “lời hứa” và những biện pháp quyết liệt của GĐ Bệnh viện K sẽ khiến tình hình quá tải ở đây giảm bớt. Tuy nhiên, về lâu dài lại là câu chuyện khác. Hai năm trước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã từng chứng kiến bệnh nhi bò dưới giường bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Bộ trưởng Tiến cùng nhiều lãnh đạo tỉnh thành đã quyết tâm giảm tải bệnh viện. Nhưng đã qua nhiệm kỳ thứ 2 của mình, bà Tiến vẫn phải bức xúc như trên và cũng chưa thấy có nhiều dấu hiệu hứa hẹn việc ấy sẽ chấm dứt trong vài năm nữa.
Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ đổ những lỗi ấy lên chỉ ngành y là chưa công bằng. Họ sẽ chẳng làm gì được nếu bệnh nhân vẫn đổ xô lên tuyến trên. Thực tế là hàng chục năm qua hầu như không “mọc thêm” được mấy bệnh viện công lớn ở Hà Nội và TPHCM?
Đơn cử, dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu 2 với quy mô 1.000 giường bệnh mới được khởi công vào cuối tháng 6.2016 và dự kiến đến cuối năm 2017 mới hoàn thiện và đi vào hoạt động; Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cho đến nay vẫn còn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chưa “hẹn” ngày khởi công; Dự án xây thêm Bệnh viện Nhi đồng TP tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cũng phải ít nhất giữa 2017 mới hoạt động. Và nữa, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có nên tồn tại cùng lúc cả trung tâm y tế, y tế dự phòng và cả bệnh viện quận, huyện? Mô hình này có thể phù hợp ở các địa phương khác, còn ở TPHCM và Hà Nội có thể không phù hợp và dễ dẫn tới sự lãng phí? (Lao động, trang 2).
Phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe
Theo Bộ Y tế, trước thực trạng chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đề án trên được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Đáng chú ý, đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã và 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Để đạt được mục tiêu trên sẽ tổ chức thống nhất trong cả nước mô hình trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh phục hồi chức năng. Các trạm y tế xã phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân là giải quyết được ở tuyến cơ sở. Tuy nhiên ở nước ta, năng lực cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở còn hạn chế về chuyên môn và thực hành. Khảo sát điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế đối với 750 bác sĩ ở 78 bệnh viện tuyến huyện và trên 250 bác sĩ, y sĩ ở gần 250 trạm y tế xã về kiến thức 5 bệnh thường gặp (viêm phổi trẻ em, tiêu chảy trẻ em, lao, tăng huyết áp, đái tháo đường) cho thấy, chẩn đoán sai bệnh tăng huyết áp độ 1 là 19%, đái tháo đường type 2 14%, tiêu chảy trẻ em 12%, lao 9% và viêm phổi trẻ em 3% (Sài gòn giải phóng, trang 2).
Giảm áp lực, tăng năng lực cho trạm y tế xã
Chỉ 3% bác sĩ tuyến cơ sở (huyện và xã) chẩn đoán đúng 5 bệnh cơ bản, gần 50% bác sĩ kê đơn có hại… Nhận định về kết quả nghiên cứu mới nhất về chất lượng khám bệnh của y tế cơ sở vừa được công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian tới, y tế cơ sở cần có những thay đổi mạnh mẽ mới đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
Năng lực tuyến dưới còn hạn chế
PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng khám chữa bệnh của mạng lưới y tế cơ sở hiện nay?
- Nghiên cứu “Điều tra cơ sở y tế về năng lực cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở” của Viện Chiến lược Chính sách y tế (Bộ Y tế) vừa công bố (ngày 9.12-PV) đã cho thấy bức tranh khá sát thực về tình hình y tế cơ sở hiện nay. Có thể nhận thấy, năng lực cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa được chuyển đổi kịp thời để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Đây là lý do cơ bản dẫn đến việc người bệnh không tin tưởng vào y tế tuyến dưới nên đổ dồn lên bệnh viện (BV) tuyến trên. Điều này dẫn đến quá tải ở một số BV T.Ư, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời chi phí y tế từ tiền túi của người dân phải bỏ ra nhiều hơn. Kết quả của nghiên cứu đã giúp Bộ nhận định về năng lực cung ứng dịch y tế cơ sở của Việt Nam đang ở mức độ nào? Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả đề án xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở trong tình hình mới mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 5.12 vừa qua.
PV: Nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ các bác sĩ chỉ định thuốc gây hại (chưa an toàn và hợp lý) còn cao, riêng đối với viêm phổi trẻ em lên đến gần 70%. Liệu Bộ Y tế đã biết đến điều này?
-Lâu nay, Bộ Y tế luôn có các hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Mỗi BV cũng có riêng hội đồng thuốc và điều trị để hướng dẫn, định hướng cho bác sĩ kê đơn thuốc đúng, an toàn. Tuy nhiên, tuyến cơ sở vẫn có hạn chế. Điều này liên quan nhiều đến năng lực, nhận thức. Ví dụ như có trường hợp cứ ho, đau họng, sốt là cho dùng kháng sinh, nhưng nếu ho, đau họng sốt do virus mà không phải vi khuẩn thì dùng kháng sinh không có tác dụng gì. Hậu quả là người bệnh trì hoãn chữa bệnh, dẫn đến kháng kháng sinh… Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ cho rà soát lại chương trình sử dụng thuốc an toàn cũng như rà soát lại hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị để tiếp tục đào tạo kiến thức cho cán bộ y tế. Để làm sao họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong chẩn đoán và điều trị. Mục tiêu của ngành y là phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán đúng, chỉ định hiệu quả, kê đơn an toàn.
Phải cân bằng giữa học và thực hành
PV: Về phát hiện các bác sĩ dành thời gian cho bệnh nhân không nhiều, hỏi và khám lâm sàng chưa đủ để giúp chẩn đoán, điều trị bệnh tốt hơn. Theo Thứ trưởng, đây có phải do bác sĩ còn làm việc chưa nghiêm túc?
-Nghiên cứu nói trên đã chỉ ra một nghịch lý “thú vị”: Các bác sĩ tuyến huyện thực hành ít hơn so với những gì họ biết, còn bác sĩ tuyến xã lại kiến thức hạn chế nhưng họ lại thực hành hầu hết những gì họ biết. Như vậy, một bên muốn làm nhiều nhưng biết ít, bên biết nhiều lại làm ít. Điều này đều gây thiệt thòi cho người bệnh. Việc thực hành ít liên quan mật thiết đến việc số lượng bệnh nhân mà mỗi bác sĩ khám hiện nay vẫn còn cao. Nếu mỗi bác sĩ khám nhiều bệnh nhân thì thời gian khám sẽ ít đi, không thể hỏi nhiều, tư vấn nhiều. Trong khi đó, Bộ Y tế đang chú trọng thay đổi đối với giao tiếp bệnh nhân, tăng cường tư vấn. Thời gian không chỉ hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng, chẩn đoán mà còn phải tư vấn về sử dụng thuốc, dinh dưỡng, tư vấn tâm lý, việc luyện tập, giữ gìn sức khoẻ, tránh các thói quen có hại…
Điều này không chỉ liên quan đến việc giảm tải BV mà còn phải tổ chức lại bệnh nhân cho hợp lý. BV nhiều nước tiên tiến chỉ tập chung giải quyết các bệnh cấp tính, các ca cấp cứu, còn các bệnh mãn tính đều phải hẹn. Mình không thấy ở họ cảnh chờ đợi đông nghịt là vì bệnh nhân họ đợi ở nhà, đến ngày hẹn, giờ hẹn mới đến viện. Còn Việt Nam dù cấp tính hay mãn tính đều đổ dồn đến BV, dẫn đến việc bệnh nhân chờ đợi mệt mỏi, các bác sĩ quá tải cũng căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Do đó, cần phải có kế hoạch tổ chức, phân bố lại việc khám chữa bệnh. Nếu bệnh mãn tính đã được chẩn đoán rồi, chỉ cần hẹn tái khám, phát thuốc định kỳ như đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần phải hẹn bệnh nhân cho hợp lý. Như vậy mới dành được nhiều thời gian cho bệnh nhân. Bệnh nhân có lợi, bác sĩ cũng vui.
PV: Có bác sĩ trạm trưởng trạm y tế phản ánh, cả trạm có mỗi mình ông làm bác sĩ nhưng phải dành tới 10-15 ngày mỗi tháng để đi họp, tập huấn, không dành nhiều thời gian được cho bệnh nhân?
-Đây đúng là một thực tế cần phải giải quyết ngay. Hiện chúng ta có xu hướng cái gì cũng phân cho bác sĩ, cho trạm trưởng trong khi ở trạm y tế xã thường chỉ có 1 bác sĩ, kiêm trạm trưởng. Do đó cần có cơ chế phân cấp cho các nhân viên khác, cái gì không cần bác sĩ đi họp, kiểm tra thì phân nhân viên đi. Còn trạm y tế ở khu vực đông dân cư, nhiều thẻ khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu thì BV huyện cần phải đưa bác sĩ về hỗ trợ, cố định khám các bệnh mãn tính một vài ngày trong tuần. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường xây dựng BV vệ tinh tuyến huyện. Theo đó, BV tỉnh, T.Ư sẽ về BV huyện hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, huyện lại hỗ trợ xã… Đồng thời không chỉ cử bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới mà bác sĩ tuyến dưới cũng cần lên tuyến trên học hỏi, tăng cường thực hành để lấy kinh nghiệm…
PV: Cũng có ý kiến cho rằng ngân sách cấp cho y tế cơ sở còn quá thấp trong khi họ phải ôm đồm nhiều các hoạt động dự phòng, tuyên truyền nên muốn phát triển cũng “lực bất tòng tâm”. Vậy thời gian tới, Bộ Y tế có chính sách gì để tăng cường “năng lực” tuyến cơ sở?
- Một trong những nội dung quan trọng trong đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới là đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở. Ngân sách nhà nước sẽ không cấp cho cơ sở y tế mà hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời Bộ Y tế cũng sửa đổi bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại nơi khám chữa bệnh ban đầu.
Bộ Y tế cũng tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế ngang với thị trường, xây dựng ban hành giá, cơ chế thanh toán BHYT đối với phòng khám bác sĩ gia đình, khám bệnh tại nhà, đỡ đẻ tại nhà, chữa bệnh lưu động của các cơ sở y tế xã huyện… Như vậy, các hoạt động của trạm y tế xã, BV huyện sẽ được BHYT chi trả. Bộ cũng sẽ rà soát, sửa đổi, ban hành định mức chi ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng tuỳ từng vùng, điều kiện địa lý, mô hình bệnh tật cho hợp lý.
PV. Xin cảm ơn ông! (Nông thôn ngày nay, trang 5).
Chăm lo sức khỏe học sinh trong nhà trường
Với sự nỗ lực của hai ngành y tế, giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), trong gần mười năm qua công tác y tế trường học (YTTH) đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để công tác YTTH thật sự phát huy hiệu quả, các bộ, ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những khó khăn và bất cập, nhất là nguồn lực dành cho hoạt động YTTH.
Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Gần 10 năm công tác tại Trường THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với chức danh kế toán, cũng từng đó thời gian chị Nguyễn Thị Ly Phương kiêm nhiệm công tác YTTH của nhà trường. Chị Phương cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, lớp đào tạo ngắn hạn do ngành y tế tổ chức, giờ đây tôi không chỉ làm tốt công tác chăm sóc ban đầu cho học sinh (HS), giáo viên trong nhà trường, mà tôi còn chủ động phối hợp cán bộ trạm y tế xã xây dựng các kế hoạch kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS…
Sự việc xảy ra mới đây, chắc sẽ mãi in đậm trong tâm trí chị Phương. Hôm đó, khi đang làm việc nhận được tin em HS lớp 8 bị ngất tại lớp học trong giờ ra chơi. Cùng với giáo viên chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng, chị Phương đã có mặt kịp thời thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu, thông báo cho cán bộ Trạm y tế xã Thụy Dân đến phối hợp đưa em HS lên tuyến trên cấp cứu. Theo phản ánh của bác sĩ, nếu không được cán bộ y tế sơ cứu ban đầu đúng quy trình, không được đưa đi cấp cứu kịp thời, thì nguy cơ tử vong là rất cao. Qua sự việc đó, chị Phương luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vì các em khi đến trường, không chỉ được học hành, mà còn phải được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Không chỉ được trang bị khá đầy đủ về trang thiết bị, thuốc chữa bệnh, điều ấn tượng nhất ở phòng y tế của Trường THPT Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình) là sự ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát. Tại đây, cán bộ YTTH Trương Ngọc Huyền đang theo dõi, chăm sóc nữ HS bị đau bụng. Chị Ngọc Huyền cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Hải Dương, tôi được nhà trường tuyển dụng về làm công tác YTTH theo dạng hợp đồng. Khi chưa vào việc, tôi nghĩ công việc YTTH chắc nhàn nhã lắm. Nhưng làm rồi, mới thấy áp lực công việc là rất lớn, vì hiện nay toàn trường có gần hai nghìn HS, gần 100 cán bộ, giáo viên và nhân viên cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe hằng ngày. Trong khi đó, các HS đều trong lứa tuổi vị thành niên, cho nên tâm, sinh lý có nhiều thay đổi, sức khỏe không ổn định.
Nhận thức được điều đó, bên cạnh việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường, tôi thường gần gũi các em chia sẻ, tư vấn về sức khỏe giới tính. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cán bộ trạm y tế xã, phòng y tế tổ chức các buổi truyền thông ngoại khóa, với các nội dung như: sức khỏe sinh sản; phòng, chống HIV/AIDS; an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học… Thông qua các hoạt động nêu trên, các HS có thêm những kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Chị Ngọc Huyền nói: Tôi không sợ vất vả, khó khăn trong công việc đang làm, điều mong muốn lớn nhất không chỉ riêng tôi, mà của hàng trăm cán bộ YTTH đang làm hợp đồng trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh, đó là UBND tỉnh sớm bổ sung định biên cán bộ YTTH cho ngành GD và ĐT thời gian tới. Được như thế chúng tôi sẽ thật sự yên tâm công tác, cống hiến công sức nhỏ bé của mình chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường.
Đánh giá về vai trò của cán bộ YTTH trong các nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Ước (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) khẳng định: Trước đây, khi nhà trường chưa có cán bộ YTTH, vấn đề bảo đảm sức khỏe của các cháu trong thời gian học tập tại trường, luôn là bài toán làm chúng tôi “đau đầu”. Không may có điều gì xảy ra với các cháu, không chỉ mất uy tín của nhà trường mà cha mẹ các cháu không yên tâm. Tuy nhiên, kể từ khi nhà trường có cán bộ chuyên trách về YTTH, những lo lắng, băn khoăn trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các cháu đã được “cởi bỏ”, giáo viên trong trường có thể dành toàn bộ tâm trí, để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tháo gỡ “rào cản” nguồn nhân lực và kinh phí
Thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT- TTg về tăng cường công tác y tế trong các trường học và Quyết định số 401/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống bệnh, tật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, ngành y tế, ngành GD và ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản liên quan công tác YTTH. Điều đó giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ để xây dựng cơ sở, vật chất, trang, thiết bị, tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động, nhất là từng bước hình thành đội ngũ làm công tác YTTH. Đến nay, mạng lưới YTTH đã được hình thành từ trung ương đến địa phương; các cơ sở giáo dục thành lập ban chỉ đạo công tác YTTH; cán bộ quản lý và chuyên trách về công tác YTTH từng bước được kiện toàn… Theo báo cáo của các sở GD và ĐT, đối với bậc phổ thông và mầm non đã có 44,6% số trường có cán bộ chuyên trách làm công tác YTTH; 58,2% số trường có ban chăm sóc học sinh. Tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách về công tác YTTH là 57,3% và cán bộ kiêm nhiệm là hơn 37%... Nhờ có hệ thống YTTH, những năm qua công tác chăm sóc sức khỏe cho HS, sinh viên, giáo viên trong các nhà trường không ngừng được nâng cao; đồng thời góp phần giảm đến mức thấp nhất các dịch, bệnh trong trường học.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai công tác YTTH tại các địa phương còn gặp không ít khó khăn, bất cập về nguồn nhân lực, kinh phí. Hiện cả nước còn hơn 10 nghìn trường chưa có biên chế nhân viên YTTH và hơn bảy nghìn trường học chưa có nhân viên y tế, các vị trí này được giao cho giáo viên và nhân viên khác đảm nhiệm. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Thái Bình Đặng Phương Bắc đánh giá: Hiện nay, ngành GD và ĐT tỉnh Thái Bình đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực YTTH. Mặc dù tất cả các trường từ cấp tiểu học đến THPT đều có phòng y tế học đường, nhưng tất cả các cán bộ YTTH làm kiêm nhiệm và hợp đồng. Hay trong vị trí việc làm của các trường ở Thái Bình, chưa có chỉ tiêu biên chế dành cho đội ngũ YTTH, cho dù chúng tôi đã nhiều lần đề nghị. Do vậy, chất lượng YTTH tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường ưu tiên ký hợp đồng với các cán bộ y tế về hưu, hoặc sinh viên tốt nghiệp các trường y. Tuy nhiên, những người mới tốt nghiệp từ các trường y đang làm việc tại các trường học chưa thật sự “toàn tâm, toàn ý” với công việc, luôn tìm cơ hội để được tuyển dụng vào các cơ sở của ngành y tế, cho nên tình trạng thiếu cán bộ YTTH có trình độ chuyên môn sẽ tiếp tục xảy ra.
Theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV của Bộ GD và ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, quy định trường loại một có 28 lớp trở lên có một biên chế chuyên trách YTTH; hơn 40 lớp được bố trí thêm một biên chế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh An Giang có số lớp nhiều hơn so với quy định, nhưng chưa được bổ sung thêm biên chế. Cô giáo Nguyễn Thị Kiều, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: Trường Nguyễn Du là một trong những trường tiểu học có số lượng lớp và HS đông hàng đầu của tỉnh, với tổng số 59 lớp và hơn hai nghìn HS. Hàng chục năm qua trường vẫn chỉ có một y sĩ đa khoa, kiêm răng hàm mặt đảm trách các công việc từ sơ cấp cứu đến nha khoa trường học và triển khai các hoạt động khác. Bất cập này là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ…
Không chỉ thiếu nhân lực, vấn đề kinh phí dành cho YTTH của các trường còn gặp rất nhiều khó khăn, gần như toàn bộ kinh phí dành cho công tác này ở các nhà trường đều “trông chờ” từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) trích lại. Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Dương Thành Vui, cán bộ phụ trách y tế học đường và BHYT (Sở GD và ĐT An Giang) cho biết: Theo quy định, các trường được trích lại 7% tổng thu quỹ BHYT trên tổng số HS, sinh viên đang theo học tại trường có tham gia BHYT; 5% tổng thu quỹ BHYT trên tổng số trẻ em dưới sáu tuổi đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, để đầu tư trang, thiết bị, phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS, sinh viên. Tuy nhiên, ngay các trường loại một cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì với khoản thu nêu trên, ngay từ đầu năm đã mất 10 nghìn đồng/học sinh để khám sức khỏe ban đầu cho HS. Số tiền còn lại phải dùng cho việc mua trang, thiết bị, thuốc… Tất cả chỉ “trông chờ” vào nguồn thu đó.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho rằng: Thời gian tới, hai ngành y tế, GD và ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động YTTH sát với nhu cầu thực tiễn. Sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND các cấp củng cố, kiện toàn đội ngũ nhân viên y tế, phòng y tế, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các chế độ đãi ngộ cán bộ làm công tác YTTH theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BYT- BGDĐT. Đối với các trường chưa bố trí được nhân viên đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, chưa có cán bộ chuyên YTTH, thì thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm với trạm y tế trên địa bàn…
Vụ trưởng Công tác HS, sinh viên (Bộ GD và ĐT) Ngũ Duy Anh nêu kiến nghị: thời gian tới, Bộ GD và ĐT tiếp tục phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai BHYT bắt buộc đối với HS, sinh viên; tạo cơ chế cho phép các trường ký hợp đồng khám, chữa bệnh với các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp ngành y tế đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ YTTH đủ về số lượng, chất lượng theo quy định (Nhân dân, trang 1).
Kháng thuốc - Nỗi lo đáng báo động
Hiện nay, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt là xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị. Thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD để xử lý vấn đề này.Vậy nước ta sẽ làm gì để đối phó với vấn đề đáng báo động này?
Chỉ ho cũng có thể... tử vong
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Điều đáng nói là có đến 98% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn. Ông Cao Thái Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, chưa ở đâu mua kháng sinh dễ như ở nước ta. Người bán thuốc đã bán kháng sinh không cần đơn lại còn khuyên người bệnh mua loại kháng sinh nặng hơn cho nhanh khỏi bệnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm điều trị cho các bệnh nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, tình trạng các bậc phụ huynh lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh bừa bãi cho con em mình diễn ra khá phổ biến. Có đến 80-90% trẻ trước khi nhập viện đã được gia đình tự ý cho sử dụng kháng sinh. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng dẫn chứng, ông và các đồng nghiệp đã từng dốc hết công sức điều trị cho một bệnh nhi mới 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Nguyên nhân do trước đó, gia đình đã tự ý cho con uống kháng sinh khi thấy xuất hiện triệu chứng sốt, tiêu chảy, ho. “Với những bệnh nhân đã kháng kháng sinh, sau này mắc các bệnh nhiễm trùng thì rất khó điều trị, dễ nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị kéo dài, tiền viện phí lớn...”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính cũng cho rằng, dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn nhưng người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc bán lẻ. Thậm chí, thực tế hiện nay, chính nhân viên y tế cũng thiếu kiến thức sử dụng kháng sinh hợp lý. Ví như nhân viên y tế cho bệnh nhân dùng kháng sinh không cần thiết trong các trường hợp cảm cúm thông thường. Một thực tế nữa, mặc dù việc giám sát sử dụng kháng sinh trên 1.000 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, huyện đã và đang được làm rất chặt chẽ nhưng với hơn 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân thì rất khó có thể kiểm soát. Không ít bác sĩ chia sẻ rằng, tại các phòng khám tư, để “giữ chân” khách, bác sĩ đã dùng sớm kháng sinh mạnh dù người bệnh không nhiễm trùng mà chỉ là nhiễm siêu vi. Việc làm này đã vô tình gây kháng và nhờn thuốc, bỏ qua sự an toàn cho người bệnh.
Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở bất kỳ nhóm tuổi nào, tại bất kỳ quốc gia nào. Trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng chỉ do triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Tăng cường mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc
Để chống lại tình trạng kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, Bộ Y tế đã thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020. Đã có 16 bệnh viện tham gia giám sát trọng điểm về kháng thuốc. Mạng lưới này có nhiệm vụ phân tích và báo cáo dữ liệu quốc gia về kháng thuốc, bao gồm: Giám sát sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn trên người; sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc mới hoặc bất thường; giám sát mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và vấn đề dịch tễ của vi khuẩn kháng thuốc... Đến năm 2020, Việt Nam phải xây dựng từ 30 đến 32 đơn vị hệ thống giám sát quốc gia. Ông Cao Hưng Thái cũng đề nghị các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng thuốc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và các hiệu thuốc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thắt chặt việc quản lý bán thuốc theo đơn. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, do mức xử phạt rất nhẹ nên không đủ sức răn đe.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đáng báo động hơn, do việc lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật cũng như cho mục đích kích thích tăng trưởng đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế, sử dụng thuốc hợp lý và an toàn trong cả khám chữa bệnh, trồng trọt và chăn nuôi, kế hoạch phòng chống kháng thuốc thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng Ngành Y tế (Hà Nội mới, trang 5).