Bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016, với chủ đề: Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm khắc phục tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, gà, thủy sản. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, nhất là tại các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản; giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay diễn ra trong bối cảnh người dân cả nước đang rất bức xúc về tình trạng thực phẩm không an toàn được sản xuất, chế biến, phân phối tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng con người. Tình trạng rất đáng lo ngại khi chỉ trong quý I, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra 28 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp, tổng số tiền phạt 1,2 tỷ đồng; kiểm tra, phạt tám tổ chức, cá nhân hơn 52 triệu đồng về vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong tháng cao điểm này, các cấp, ngành, đoàn thể, cộng đồng tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ, để đạt hiệu quả cao trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời đưa các hoạt động này trở thành nền nếp để tiếp tục duy trì thực hiện trong năm, nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm từ gốc, kiểm soát sản xuất, tổ chức, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật cấm trong trồng trọt…
Để kế hoạch này đạt hiệu quả thiết thực, tránh phô trương hình thức, lãng phí, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân, từ người sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng. Coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra, thu thập, xử lý thông tin, xác định, đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Khắc phục tình trạng tiêu cực, nể nang, ngại va chạm, làm qua loa, đại khái trong thanh tra, kiểm tra. Nắm chắc tình hình, mở rộng phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra. Kết hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên, công khai, đột xuất. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, trong đó có người đứng đầu, nhất là cấp cơ sở, khi để xảy ra những hoạt động vi phạm an toàn thực phẩm. Triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả chính sách bố trí nhân sự chuyên trách công tác an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở, phường, xã trong thời gian qua, để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế. Tất cả các việc làm này nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển của quốc gia, dân tộc. (* Nhân dân (chuyên trang Hà Nội))
Dịch vụ y tế chất lượng cao
Thời gian gần đây, tại nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục có sự cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh, không chỉ bằng trang, thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn, tay nghề của y sĩ, bác sĩ mà còn bằng việc cho ra đời các phòng khám theo yêu cầu nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Việc các BV hình thành các dịch vụ y tế được đánh giá là hướng đi phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay.
Sau khi đặt lịch hẹn với BV Hoàn Mỹ Sài Gòn qua điện thoại, bà Nguyễn Thanh Hà (giáo viên về hưu, ngụ quận 1) được chọn giờ hẹn, chọn bác sĩ theo yêu cầu. Khi bà Hà đến đã có nhân viên đón tại sảnh, đưa vào thang máy riêng để lên khu khám bệnh theo yêu cầu. Bà Hà bộc bạch: “Trước giờ tôi rất ngại đi BV vì tôi vốn bị suyễn, phải hạn chế đến những nơi đông người. Nhưng từ ngày biết nhiều BV ở thành phố có các phòng khám dịch vụ, khám VIP, tôi không còn lo mỗi khi có vấn đề về sức khỏe”.
Được biết, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa khai trương khu khám theo yêu cầu nằm riêng biệt trên tầng 11 và 12. Với tám phòng khám bệnh và 15 phòng điều trị nội trú đạt tiêu chuẩn 4 sao, giá khám bệnh là 400.000 đồng/người, tiền phòng khoảng 2,3 triệu đồng/ngày.
Nắm bắt nhu cầu của đối tượng bệnh nhân là người có thu nhập cao, nhiều bệnh viện công tại TP Hồ Chí Minh cũng tham gia mô hình phòng khám theo yêu cầu này. Cuối tháng 11-2015 vừa qua, BV Nhi Đồng 1 khánh thành Phòng khám theo yêu cầu 2, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Có mặt ở phòng khám theo yêu cầu khi đã hơn 17 giờ, chúng tôi vẫn thấy nhân viên y tế tại đây miệt mài làm việc, nhiệt tình hướng dẫn từng trường hợp đến viện. Chị Đan Phượng (ngụ quận 10) cho biết, sau khi kê khai thông tin cá nhân và triệu chứng bệnh của con gái gần ba tuổi, chỉ khoảng năm phút, bé đã được đưa vào phòng khám gặp bác sĩ. Khám xong, bệnh nhi và người nhà ngồi chờ tại một khu vực sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng mát. Nhân viên y tế sẽ đi lấy kết quả xét nghiệm hay kết quả siêu âm đưa cho bác sĩ và nhận toa thuốc. Người nhà chỉ cần lĩnh thuốc và thanh toán viện phí. “Chúng tôi mất nhiều nhất là khoảng 30 phút chứ không phải đợi cả buổi trong không khí nóng bức, chật chội như khu vực khám bệnh thông thường”, chị Phượng cho biết.
Chủ tịch Công đoàn BV Nhi Đồng 1, bác sĩ Nguyễn Duy Tiên cho biết: “Với mô hình Một điểm dừng - Onestop của Phòng khám theo yêu cầu 2 thì bệnh nhân chính là trung tâm. Các xét nghiệm cần thiết hay cần hội chẩn sẽ được thực hiện tại chỗ, riêng biệt. Việc lấy thuốc hay nhận kết quả xét nghiệm sẽ do nhân viên đi nhận và trao tận tay khách. Chúng tôi đang chuẩn hóa hoạt động khám, chữa bệnh. Đây là mô hình học tập từ nước ngoài và cũng xuất phát từ quy định của Bộ Y tế là một lần khám bệnh phải từ 10 đến 15 phút. Hiện tại mình chưa làm được do quá đông. Do đó, chúng tôi xây dựng một khu vực chuẩn với hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí qua thẻ và bệnh nhi được chăm sóc tại chỗ”.
Tất nhiên, mô hình phòng khám dịch vụ chất lượng cao có giá không hề rẻ, trung bình khoảng 300.000 đồng/lần khám, ở BV tư có thể đến 800.000 đồng/lần khám. Thế nhưng, hầu hết các bệnh nhân đều hài lòng vì ngoài được phục vụ tận tình, chu đáo, họ còn không phải chịu cảnh chen chúc, chờ đợi. Đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy cho biết, phòng khám chuyên gia của BV Chợ Rẫy ra đời là để phục vụ nhu cầu người bệnh chứ không phải vì mục đích kinh doanh. Một số bệnh nhân có nhu cầu được một bác sĩ nào đó có nhiều kinh nghiệm mà họ mong muốn khám bệnh, BV mới thành lập ra phòng khám với tiêu chuẩn cao…
Mong muốn chung của tất cả các người bệnh là được khám nhanh, gặp bác sĩ giỏi, được điều trị và phục vụ chu đáo. Như vậy, các BV có cơ sở vật chất, máy móc được đầu tư đúng mức, đội ngũ bác sĩ tay nghề cao thì việc hình thành các dịch vụ y tế chất lượng cao theo yêu cầu là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân có những dịch vụ chăm sóc y tế tiện nghi hơn ngay tại nơi sinh sống mà không cần phải ra nước ngoài để khám và điều trị bệnh… (* Nhân dân (chuyên trang TPHCM))
Cả nước có hơn 28 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết
Ngày 11-4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 28 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó có bảy trường hợp tử vong. Đáng chú ý, khu vực phía nam ghi nhận 17.149 trường hợp mắc, chiếm 60,4% số mắc của cả nước, trong đó một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai... có số mắc SXH tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm trước. (* Nhân dân ( trang 5))
Ngộ độc thực phẩm, 2 người chết, 2 người nhập viện
Trưa 11-4 tại thôn Hợp Nhất, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã xảy ra vụ ngộ độc làm hai người chết, 2 người phải đưa đi cấp cứu.
Ông Nguyễn Cao Cường, chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn cho biết: Sự việc xảy ra trưa 11-4 tại nhà bà Hoàng Thị Thắng, thôn Hợp Nhất. Sau khi dùng bữa trưa, 4 người thân trong một gia đình đã có biểu hiện bị ngộ độc gồm: Chị Hoàng Thị Thêm (29 tuổi), cháu Hoàng Thị Linh (4 tuổi), bà Hoàng Thị Xương (86 tuổi) và cháu Hoàng Anh Thiên (4 tuổi).
Ngay sau đó các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu nhưng chị Hoàng Thị Thêm và cháu Hoàng Thị Linh đã tử vong. Hiện bà Hoàng Thị Xương và cháu Hoàng Anh Thiên đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Văn Chấn. (* Công an Nhân dân, Nhân dân (trang 8))
Zika có thể gây viêm não tủy cấp
Các nhà khoa học ở Brazil vừa phát hiện ra một bệnh cũng liên quan đến virus Zika ở người lớn: viêm não tủy cấp lan tỏa - một hội chứng tự miễn dịch tấn công não bộ và tủy sống, thường để lại di chứng thần kinh, tàn tật lâu dài, thậm chí dẫn tới tử vong.
Phát hiện mới cho thấy Zika có thể tấn công hệ thần kinh trung ương. Trước đó, loại virus do muỗi truyền này đã được xác định liên quan hội chứng Guillain-Barre tấn công hệ thần kinh ngoại biên (các dây thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống), gây liệt tạm thời. Trong một số trường hợp, hội chứng Guillain-Barre khiến bệnh nhân cực kỳ khó thở, phải nhờ đến máy thở.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù chưa có bằng chứng kết luận, nhưng đã có sự đồng thuận cao về mặt khoa học rằng, ngoài hội chứng Guillain-Barre, Zika còn có thể gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Brazil đã xác nhận hơn 940 trường hợp đầu nhỏ liên quan phụ nữ mang thai nhiễm Zika. Nước này cũng đang điều tra gần 4.300 trường hợp đầu nhỏ khác nghi là do virus Zika gây ra.
Ngoài bệnh tự miễn, một số nhà nghiên cứu cũng báo cáo các trường hợp nhiễm Zika bị viêm não và viêm cột sống. Đây là những rối loạn thần kinh do viêm nhiễm trực tiếp trong tế bào thần kinh gây ra.
“Dù nghiên cứu của chúng tôi có quy mô nhỏ, nhưng có thể cung cấp bằng chứng rằng, virus Zika có các tác động khác đối với não bộ so với những tác động đã được xác định trước đó”, TS Maria Lucia Brito, nhà thần kinh học ở Bệnh viện Restoration ở Brazil, tuyên bố. Viêm não tủy cấp lan tỏa xảy ra sau khi có nhiễm trùng, gây sưng trong não bộ và tủy sống, phá hủy myelin, khiến người bệnh yếu đuối, tê liệt, mất thăng bằng, mất thị lực - các triệu chứng tương tự bệnh đa xơ cứng.
Hôm qua, bà Brito trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất của mình về Zika tại hội nghị của Viện Thần kinh học Mỹ diễn ra ở Canada. Nghiên cứu được thực hiện với 151 bệnh nhân tới bệnh viện của bà từ tháng 12/2014 tới tháng 6/2015. Trong số họ, 6 người có các triệu chứng của bệnh tự miễn. Trong số 6 bệnh nhân này, 4 người mắc hội chứng Guillain-Barre và 2 người bị viêm não tủy cấp lan tỏa. Với hai bệnh nhân viêm não tủy, quét não cho thấy chất trắng bị tổn hại. Các triệu chứng của viêm não tủy cấp lan tỏa thường kéo dài 6 tháng. Sáu bệnh nhân này đều nhiễm virus Zika; sau khi xuất viện, sức khỏe của họ vẫn bị ảnh hưởng. Năm người bị rối loạn dây thần kinh vận động; ngoài ra, 1 người gặp vấn đề về thị lực và 1 người có nhận thức suy giảm.
Theo WHO, ít nhất 13 nước trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp Guillain-Barre liên quan sự bùng phát của dịch Zika. WHO tin rằng, virus Zika có thể là nguyên nhân. (* Tiền phong (trang 12))
Cùng chủ để Báo Hà Nội mới trang 8: “Vi rút Zika có thể tấn công cả não người lớn”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 8: “Thêm bệnh nhân thần kinh liên quan đến virus Zika”
Hàng chục công nhân nhập viện sau bữa cơm trưa
Chiều 11/4, hơn 50 công nhân làm việc tại công ty TNHH dệt Đông Minh, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa với các món chay.
Theo công nhân, bữa cơm trưa tại công ty có cả món ăn chay và món ăn mặn, các công nhân ăn trưa bằng món chay, đến khoảng 15h thì có các biểu hiện nhức đầu, đau bụng, nôn ói và được đưa đến Bệnh viện Quận 7 cấp cứu. Bác sĩ Trần Dư Đông, Giám đốc Bệnh viện Quận 7 cho biết, khoảng 15h chiều, bệnh viện tiếp nhận 49 công nhân từ công ty dệt Đông Minh chuyển đến nghi do ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân nhập viện đều sử dụng món ăn chay, sau khi được chữa trị, hầu hết bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và cho xuất viện, còn một trường hợp phải chuyển lên Bệnh viện 115 tiếp tục chữa trị. Đến 17h chiều, vẫn còn một số công nhân tiếp tục nhập viện điều trị.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, sau khi nhận được thông tin, tổ công tác thuộc sở Y tế TPHCM đã đến bệnh viện thăm hỏi các công nhân và đến Công ty Đông Minh để lấy thông tin điều tra vụ việc. (* Thanh niên, Tiền phong (trang 15))
Lắng nghe trái tim của người dân nghèo
Về An Phú, xã nghèo nhất của một huyện xa trung tâm Mỹ Đức trong một buổi khám sàng lọc bệnh lý tim mạch cho học sinh tiểu học tôi đã lý giải được vì sao lịch đi cơ sở của các bác sĩ Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội dày đặc đến thế.
Vì nếu không có những hoạt động xã hội này của những người thầy thuốc luôn đau đáu một tâm nguyện làm sao giúp người dân, nhất là người nghèo có sức khỏe tốt thì có lẽ 30 học sinh của Trường Tiểu học An Phú nghi ngờ có bệnh sẽ không biết đến bao giờ được phát hiện bệnh. Và còn vì, qua những chuyến đi này các thầy thuốc cũng "được" rất nhiều, như PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV chia sẻ: Chúng tôi biết thương bà con mình hơn, để không còn coi họ là "con bệnh".
Giúp người nghèo biết bệnh
Xã An Phú có đến 38% hộ nghèo theo chuẩn mới, 60% là người dân tộc Mường. Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó phòng LĐ,TB&XH huyện Mỹ Đức, từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, người dân những xã nghèo như An Phú được chăm sóc y tế tốt hơn. Được khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không chỉ mang lại cho các cháu sức khỏe mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo. Có nhẽ bởi thế, sân Trường Tiểu học An Phú ngày có các bác sĩ về khám không khí thật đặc biệt, nhất là với 775 học sinh.
Cái nghèo hiển hiện trên những bộ quần áo các em đang mặc, trong những tấm thân gầy guộc và có phần thấp bé hơn so với trẻ con thành phố. Nhưng trên những gương mặt của những học sinh đang xếp hàng trật tự chờ đến lượt được các bác sĩ khám bệnh là sự mong ngóng và háo hức vì với đa số các em, đây là lần đầu tiên được các bác sĩ ở thành phố về khám tim. Và còn bởi, sau khi khám các em còn được nhận sữa, thuốc bổ và sách truyện - những món quà đến từ Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hà Nội và Quỹ "Vì một trái tim khỏe" của BV Tim Hà Nội.
Ân cần và cẩn trọng, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cao Khanh đặt ống nghe bên ngực trái của những đứa trẻ, lắng nghe nhịp tim đập trong lồng ngực nhỏ bé để tìm ra những khuyết tật nếu có. Và mỗi khi một học sinh có trái tim khỏe, tôi thấy dường như ông lại mỉm cười. Bàn bên cạnh, một bác sĩ trẻ, tay cầm ống nghe, ngước mắt nhìn lên trần, anh đang cố tập trung lắng nghe nhịp đập trái tim cô học sinh lớp 2 L.T.H.L. Kéo vạt áo mỏng che tấm thân gầy cho cô bé, anh lúi húi ghi vào sổ y bạ: "Nhịp tim nhanh, có tiếng thổi. Đề nghị đến BV kiểm tra lại". Kết thúc buổi khám, có 30 cuốn sổ y bạ được sử dụng, có nghĩa là 30 học trò sẽ phải đến bệnh viện, nơi có đầy đủ trang thiết bị để được khám bệnh kỹ càng hơn.
Tranh thủ thời gian nghỉ, bác sĩ Nguyễn Cao Khanh, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội BV Tim cho biết, 4 năm nay, thường xuyên tham gia các đoàn khám sàng lọc và từ thiện anh thấy yêu nghề thầy thuốc hơn. Khám sàng lọc giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm là một hoạt động quan trọng trong công tác xã hội của BV Tim Hà Nội. Theo thống kê, số người được khám sàng lọc tăng hằng năm, năm 2006 là hơn 5.000 người thì năm 2014 đã là gần 16 nghìn. Năm 2015, nhờ phát triển tốt hệ thống BV vệ tinh, BV Tim Hà Nội chỉ khám lại những trẻ nghi ngờ có bệnh sau khi các BV tỉnh, huyện đã sàng lọc và con số này là 4.527, trong đó 518 trường hợp có chỉ định mổ và can thiệp.
BV Tim Hà Nội còn tìm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để mổ tim miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Trên 1.800 bệnh nhân đã được cứu sống nhờ bàn tay tài hoa và trái tim nhân hậu của đội ngũ y, bác sĩ của BV. Nhờ nỗ lực giải quyết vấn đề tài chính, BV đã và đang hướng tới một quy trình trọn vẹn cho những người nghèo không may bị bệnh lý tim mạch. Đó là khám sàng lọc - chẩn đoán - điều trị - theo dõi. "Nếu không giải quyết được trọn vẹn quy trình này thì sẽ là có lỗi với người bệnh", PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV nêu quan điểm. Và để làm tốt điều này, BV không chỉ tổ chức khám sàng lọc, tìm nguồn tài chính để điều trị mà còn triển khai có hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, giúp BV các tỉnh và tuyến huyện có khả năng tham gia sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi sau điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là người bệnh nghèo. Bởi vậy, hầu như trong các chuyến khám bệnh miễn phí, các anh thường làm việc với tuyến y tế cơ sở như BV đa khoa của huyện, để tìm hiểu, tư vấn và giúp các đơn vị này phát triển chuyên khoa tim mạch. Và chuyến về Mỹ Đức cũng không ngoại lệ.
Mang chuyên khoa sâu đến với cơ sở
Theo thống kê, tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng, hiện đã lên đến 25%. Trong khi đó đây lại là một chuyên khoa sâu và khó, đòi hỏi sự đầu tư về cả nhân lực lẫn trang thiết bị nên tuyến y tế cơ sở khó có thể tiếp cận nếu không có cách làm phù hợp. Là một BV tim mạch hoàn chỉnh, với vai trò là BV chuyên khoa hạng I và BV chuyên khoa đầu ngành của Hà Nội, Tim Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao làm BV hạt nhân giúp đỡ phát triển chuyên ngành tim mạch cho 3 BV vệ tinh là BV Đa khoa Thanh Trì, Quốc Oai, Đan Phượng.
Bên cạnh đó, BV đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho 32 tỉnh, thành với gần 50 BV, gồm cả tuyến trung ương, tỉnh và ngành. Cùng với việc đi tuyến hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, BV cũng mở các khóa đào tạo tại BV cho các bác sĩ, điều dưỡng như tim mạch học cơ bản, điện tâm đồ trong thực hành lâm sàng, cấp cứu tim mạch, siêu âm tim... Bên cạnh đó, BV đang tham gia một số đề án của Bộ Y tế liên quan đến công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ cho các BV tuyến dưới. Hiện tại, đang có thêm hai BV tuyến tỉnh và Hà Nội đề xuất với Bộ Y tế là BV vệ tinh về chuyên ngành tim mạch của BV Tim Hà Nội. Riêng trong năm 2015, BV Tim Hà Nội đã đi tuyến khảo sát, giúp đỡ phát triển về chuyên ngành tim mạch tại 45 cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Hà Nội trong đó có 20 BV đa khoa và 25 trung tâm y tế; 39 đơn vị y tế của 32 tỉnh, thành cùng một số đơn vị tuyến trung ương, BV ngành trên cả nước.
Cũng giống như các lần đi tuyến và khảo sát các đơn vị tuyến dưới, lần này về BV Đa khoa Mỹ Đức, Đoàn cán bộ BV Tim cũng đã làm việc với lãnh đạo BV, tìm hiểu khó khăn và "điểm nghẽn" để có thể giúp đơn vị này phát triển chuyên khoa tim mạch. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn trăn trở: Nơi nào hạn chế về năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, BV Tim Hà Nội sẽ mở các khóa đào tạo, các khóa tập huấn cán bộ. Có cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi mới có thể giúp đỡ về trang thiết bị. Tuy lần thứ hai về Mỹ Đức BV đã có thay đổi nhiều, bác sĩ đã "dày" hơn nhưng vẫn còn rất "mỏng". BV sẽ được thành phố và huyện đầu tư máy siêu âm tim. Siêu âm tim không dễ như siêu âm ổ bụng, nhưng cũng không khó dù bệnh lý tim mạch có đến 2.500 bệnh khác nhau. Nhưng chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa hồi sức, 2 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thì không thể rút người đi để đào tạo. Chúng tôi không có "bột" để "gột" nên hồ.
Rời BV Mỹ Đức, người đứng đầu ngành tim của Hà Nội day dứt về tình trạng thiếu bác sĩ ở BV tuyến huyện, mà Mỹ Đức là một điển hình. Theo anh, muốn phát triển BV vệ tinh, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với nền y tế hiện đại, tiên tiến, được chăm sóc tốt hơn, giảm tải cho BV tuyến trên thì điều kiện đầu tiên là phải có cán bộ được đào tạo chính quy. Môi trường làm việc để có thể cống hiến, có khả năng rèn luyện và tiến bộ về chuyên môn là lý do hàng đầu trong việc lựa chọn nơi làm việc của sinh viên ngành y sau khi ra trường. Tuy tiền lương không phải là ưu tiên hàng đầu nhưng họ cũng phải đủ sống.
Với những đơn vị y tế cơ sở, nếu không có chính sách thu hút đủ mạnh thì tình trạng thiếu bác sĩ khó giải quyết. Mà đã không có bác sĩ thì vòng tròn chất lượng yếu - bệnh nhân ít - bác sĩ không về làm việc sẽ mãi xoáy trôn ốc theo chiều đi xuống. "Nói vậy không có nghĩa là không làm, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức trong điều kiện có thể để giúp bà con theo cách của mình", PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn khẳng định trước khi chia tay. Và tôi tin quyết tâm ấy, lời hứa ấy của anh cùng tập thể y, bác sĩ BV Tim Hà Nội bởi đã biết về những việc BV triển khai hiệu quả trong những năm qua trong hoạt động chỉ đạo tuyến và công tác xã hội. Và còn bởi đã từng chứng kiến cảnh người bác sĩ không ngại bất kỳ khó khăn nào trong chuyên môn và công tác quản lý đã "trốn" khỏi đám đông để che giấu cảm xúc khi nhìn thấy những em bé vùng cao chân trần, áo mỏng đến khám bệnh cũng trong một chuyến khám thiện nguyện giữa mùa đông giá lạnh. (* Hà Nội mới (trang 8))
Chuyển mùa, cúm dễ biến chứng nặng
Chỉ riêng trong 2 tuần qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 5 ca viêm phổi nghi ngờ cúm nhập viện thì tới 2 ca được xác định nhiễm cúm A (H1N1) nhưng diễn biến rất nặng, hiện vẫn đang trong tình trạng thở máy.
3 trường hợp còn lại cũng phải thở máy vì biến chứng rất nặng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các chủng cúm mùa thông thường như cúm A (H1N1), cúm A (H3N2) diễn biến thường nhẹ, tuy nhiên có một tỷ lệ nhất định mắc viêm phổi trầm trọng, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Đây là căn bệnh dễ lây lan, nhất là trong những ngày thời tiết miền Bắc chuyển mùa, khí hậu ẩm ướt như hiện nay. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt, đeo khẩu trang khi ra đường… (* An ninh Thủ đô (trang 6))
Cứu sống các bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết suy đa cơ quan
Trong thời gian qua, khoa Hồi sức bệnh viện Nhi Đồng 1 liên tiếp cứu sống các bệnh nhi bị sốt xuất huyết suy đa tạng nguy hiểm.
Mới đây nhất là trường hợp trường hợp bệnh nhi N.Q.D. (3.5 tuổi, ngụ tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển viện với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 5 tái sốc, suy hô hấp, tổn thương gan.
Theo BS. Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực & Chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 1), khi nhập viện trẻ được điều trị tích cực truyền dịch chống sốc, dùng các thuốc vận mạch phối hợp. Trẻ được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy. Tình trạng suy hô hấp diễn tiến nặng do tràn dịch màng bụng lượng nhiều gây chèn ép, được chọc dò dẫn lưu giải áp ổ bụng.
Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc. Tình trạng bệnh trẻ diễn tiến phức tạp, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, tổn thương phổi, hôn mê, trẻ được lọc máu liên tục 2 đợt. Kết quả qua gần 2 tuần điều trị, tình trạng D. đã bình phục hoàn toàn.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi N.T.D. (12 tuổi, ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được chuyển viện với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 4 sốc kéo dài, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định trẻ vào sốc sớm và sâu nên diễn tiến sẽ rất nặng nên các bác sĩ đã điều trị tích cực truyền dịch chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dùng các thuốc vận mạch phối hợp. Trẻ được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm.
Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc. Tình trạng bệnh trẻ diễn tiến phức tạp, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, tổn thương phổi, hôn mê, được lọc máu liên tục 4 đợt.
Kết quả qua gần 4 tuần điều trị, tình trạng D. đã bình phục hoàn toàn. Được biết D. là vận động viên Taekwondo hạng nhất lứa tuổi thiếu niên của tỉnh nhà! Hy vọng em hồi phục sức khỏe, học tập tốt và trở thành nhà vô địch Taekwondo trong tương lai.
Qua những trường hợp trên, BS Minh Tiến khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện: Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; Đau bụng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống. (* Sài Gòn giải phóng (trang 3))
Cứu ngư dân gãy chân ở Hoàng Sa
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) cho hay, dự kiến lúc 19h tối 11/4, tàu SAR 412 sẽ đưa ngư dân tàu cá Quảng Nam QNa 95997 TS bị gãy chân khi đang đánh bắt trên vùng biển gần Hoàng Sa về đến Đà Nẵng để cứu chữa.
Trước đó, lúc 17h55 ngày 10/4, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Danang Radio) nhận được thông tin tàu QNa 95997 TS do ông Phan Thu (trú tại xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang hành nghề trên biển thì có ngư dân Lê Văn Hộ (46 tuổi), bị ngã từ trên cao, gãy chân trái, phía trên đầu gối, không ra máu (gãy xương kín). (* Thanh niên (trang 4))
Cùng chủ đề Báo Lao động trang 2: Cứu thành công ngư dân bị gẫy chân trên biển; Báo Sài Gòn giải phóng trang 2: “Cứu thành công ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa”