Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Vụ bảo vệ BV Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi: Minh bạch dịch vụ vận chuyển cấp cứu, không dung túng sai phạm; Đình chỉ bác sĩ Trung Quốc chuyên khoa ngoại khám… y học cổ truyền; Thực phẩm bẩn - Nỗi lo của nhiều cử tri; Bơm xi măng sinh học điều trị cho bệnh nhân gãy lún đốt sống lưng

Vụ bảo vệ BV Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi: Minh bạch dịch vụ vận chuyển cấp cứu, không dung túng sai phạm

Sau vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối gây bức xúc dư luận vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sẽ tìm đối tác bảo vệ mới. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, không chỉ bệnh viện mà Công ty bảo vệ AZ cũng phải công khai xin lỗi người dân.

Không dung túng nhân viên bảo vệ sai phạm

Ngày 11-7, đoàn công tác của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế do Cục trưởng Lương Ngọc Khuê làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương về vụ việc nhân viên bảo vệ tại bệnh viện này chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối. Tại buổi làm việc, bên cạnh việc báo cáo với đoàn Bộ Y tế về các bước giải quyết vụ việc, trong đó có việc phê bình nghiêm khắc các phòng ban có liên quan, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải cũng đã giải đáp về số tiền 35 triệu đồng mà bệnh viện trao cho gia đình bé Trần Công D. (9 tháng tuổi, ở Quỳ Hợp, Nghệ An – bệnh nhi tử vong trên chiếc xe cứu thương bị bảo vệ chặn lại) vào ngày 8-7.

PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, bệnh nhi D. vào viện ngày 21-6, với chẩn đoán suy dinh dưỡng nặng, tim bẩm sinh, não úng thủy. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhi bị suy đa tạng. Sau khi được bác sĩ giải thích nhiều lần, gia đình bé xin thôi điều trị.

“Trong quá trình điều trị, số tiền viện phí, thuốc men phải chi trả cho cháu bé là 162 triệu đồng. Trong đó, có hơn 30 triệu đồng ngoài danh mục chi trả của BHYT. Gia đình đã tạm ứng 35 triệu đồng trong quá trình bé nằm viện. Bệnh viện đã làm hồ sơ xin tài trợ cho bé từ Chương trình Nhịp nối trái tim và Trái tim cho em ngay khi bệnh nhi vào viện. Ngày 8-7, bệnh viện đã chủ động thanh toán viện phí cho cháu bé qua BHYT, hoàn trả gia đình 35 triệu đồng đã tạm ứng trước đó” - PGS.TS Lê Thanh Hải chia sẻ.

Ông Lê Thanh Hải cho biết, hành vi ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhi của nhóm nhân viên bảo vệ Công ty AZ là không thể chấp nhận được. Bệnh viện không dung túng cho hành vi này. Khi hết hạn hợp đồng với Công ty AZ trong tháng 7-2016, bệnh viện sẽ tìm đối tác khác. Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cắt cử nhân viên Phòng Hành chính quản trị của bệnh viện giám sát công tác bảo vệ, không để xảy ra những sự việc tương tự.

Phải minh bạch dịch vụ vận chuyển cấp cứu

Ngày 11-7, trước thực trạng thiếu kiểm soát dịch vụ vận chuyển người bệnh ra - vào bệnh viện, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã yêu cầu các phòng, ban có liên quan soạn quy trình vào - ra bệnh viện và quy trình ra viện. Bệnh viện cũng yêu cầu gửi thông báo tới các khoa, phòng, trong trường hợp gia đình ký hồ sơ xin bệnh nhân về, phải bổ sung thêm vấn đề vận chuyển bệnh nhân (tự túc hoặc 115, hoặc xe cứu thương ngoài). Bệnh viện sẽ mở lớp tập huấn về giao tiếp trong bệnh viện cho hai đối tượng là nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh…

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu rõ, vụ việc này là bài học sâu sắc cho bệnh viện trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ.

Ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu bệnh viện làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban, đặc biệt trong công tác giám sát, qua đó có hình thức xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan. Bệnh viện phải công khai, minh bạch về giá cả các dịch vụ như xe cấp cứu, xe taxi vận chuyển người bệnh…

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho rằng: “Để xảy ra sự cố đáng tiếc này, không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương, mà Công ty bảo vệ AZ cũng phải chịu trách nhiệm, phải công khai xin lỗi vì đã làm cho người dân bức xúc về bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng và ngành y nói chung” (An ninh thủ đô (trang 6), Tuổi trẻ trang 9).

Đình chỉ bác sĩ Trung Quốc chuyên khoa ngoại khám… y học cổ truyền

 Ngày 11-7, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả xử lý một phòng khám tư nhân có sử dụng bác sĩ người Trung Quốc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn, “chặt chém” khách hàng. Trước đó, nhận được thông tin phản ánh “Phòng khám Đa khoa An Khang (69 phố Đông Các, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) mạo danh là đơn vị công lập trực thuộc Sở Y tế, đưa bác sĩ người Trung Quốc không phép vào hành nghề”, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra phòng khám này.

Qua kiểm tra cho thấy, Phòng khám An Khang thuộc Công ty THHH Y học Hồng Phúc, đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám là bác sĩ Nguyễn Xuân Hợp. Phòng khám có một bác sĩ người nước ngoài đã được Sở Y tế Hà Nội phê duyệt trong danh sách nhân sự là bác sĩ chuyên khoa ngoại Viên Cát Lượng, quốc tịch Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, bác sĩ Viên Cát Lượng hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép (bác sĩ Lượng chuyên khoa Ngoại nhưng khám bệnh, kê đơn thuốc Y học cổ truyền cho người bệnh); Thu tiền cao hơn giá niêm yết; Không đảm bảo điều kiện nhân lực trong quá trình hoạt động (5 bác sĩ vắng mặt khi phòng khám mở cửa hoạt động); Sổ ghi chép khám bệnh không tuân theo qui định; Quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Với những vi phạm này, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt Phòng khám An Khang 101,7 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Viên Cát Lượng, đình chỉ hoạt động của bác sĩ này trong 9 tháng. Thanh tra Sở Y tế yêu cầu phòng khám chỉ được khám bệnh, chữa bệnh đúng phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép; tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh trên trang website của cơ sở (An ninh thủ đô trang 6, Thanh niên trang 2, Sài gòn giải phóng trang 3, Nhân dân trang 8).

Bơm xi măng sinh học điều trị cho bệnh nhân gãy lún đốt sống lưng

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, Đơn nguyên Tim mạch và điện quang can thiệp thuộc Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện vừa điều trị có kết quả cho bệnh nhân bị gãy lún đốt sống lưng 2 bằng phương pháp bơm xi măng sinh học vào cột sống. Bệnh nhân là bà N.T.T (51 tuổi, trú quận Tây Hồ, Hà Nội), cách đây hơn 1 tháng bị ngã đập hông xuống nền nhà. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc và chườm ngải cứu muối, song vẫn bị đau và đi lại rất khó khăn.

Ngày 6-7, bà T vào điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội và được chẩn đoán gãy lún đốt sống lưng 2 kèm phù tủy xương. Chiều 11-7 việc điều trị được tiến hành bằng phương pháp bơm 70ml dung dịch xi măng sinh học vào chỗ gãy lún. Sau 2 giờ, kỹ thuật được tiến hành xong, bệnh nhân đỡ đau và đi lại dễ dàng hơn (An ninh thủ đô trang 6).

Thực phẩm bẩn - Nỗi lo của nhiều cử tri

Khâu tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các cấp chính quyền còn hạn chế; một số địa phương quản lý lỏng lẻo dẫn đến chậm phát hiện và không xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm..., gây lo lắng trong dư luận. Điều cử tri Thủ đô liên tục kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc gần đây là các cấp chính quyền, các ngành chức năng phải nhận rõ trách nhiệm, quyết liệt vào cuộc ngăn chặn thực phẩm bẩn và xử lý nghiêm nhằm giảm thiểu tác hại đến sức khỏe cộng đồng.

Hà Nội có gần 2.500 điểm, hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ thủ công, hơn 400 chợ, 90 siêu thị và 20 trung tâm thương mại. Theo Ban Chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã ban hành hơn 30 văn bản chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP), lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm… Các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường phối hợp kiểm tra, nhưng tình trạng sản xuất kinh doanh vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Huyền, cử tri phường La Khê (quận Hà Đông) cho rằng, điều nhân dân lo lắng hiện nay là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường có quy mô nhỏ lẻ, nhưng lại tràn lan ở các chợ tạm, chợ cóc rất khó kiểm soát. Cử tri Ngô Thị Kim Ngân, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) phản ánh, chỉ bằng mắt thường thì rất khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Việc kiểm tra chất lượng thực phẩm phải do cơ quan chuyên môn, với công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng và đặc biệt cần sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh khác vào địa bàn Hà Nội có giảm, song còn diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát tuyến đường giao thông từ các tỉnh vận chuyển thực phẩm vào Hà Nội gặp khó khăn, bởi các đối tượng vi phạm dùng thủ đoạn tinh vi, thường vận chuyển vào ban đêm hoặc gửi nhỏ lẻ trên các tuyến xe khách.

Luật ATTP năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm. Ba ngành: Y tế, Công thương, NN&PTNT được giao quản lý ATTP đối với từng loại sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thay vì chỉ quản lý một công đoạn như quy định của Pháp lệnh VSATTP trước đây. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, công cụ hỗ trợ còn thiếu… nên kết quả chưa như mong đợi. Vì thế, dù có cán bộ kiểm tra, kiểm dịch thường xuyên, nhưng ngay tại một số siêu thị, chợ truyền thống, thực phẩm bẩn vẫn còn. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri liên tục kiến nghị, tới đây khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh, công khai để làm gương. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố khẳng định sẽ tăng cường giám sát để tham mưu với HĐND thành phố ban hành chính sách nhằm siết chặt quản lý về ATVSTP trên địa bàn thành phố.

Phía chính quyền thành phố cũng đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, giải pháp, trong đó có Kế hoạch hành động Năm cao điểm ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp (UBND thành phố ban hành tháng 4-2016). Theo đó, ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tuyên truyền đến người tiêu dùng, UBND thành phố chỉ đạo tăng cường tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về ATVSTP. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Sở Y tế được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình, phương pháp thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP đặc thù; thành lập, tổ chức các tổ công tác như mô hình 141 của ngành Công an. Bên cạnh đó, theo kiến nghị của cử tri, cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân về bảo đảm ATVSTP, các cơ quan quản lý cần mở rộng địa bàn thanh tra ở các quận, huyện, thị xã, nhất là thường xuyên thanh tra đột xuất lò giết mổ, thực phẩm đường phố… và công khai các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên dương, khen thưởng, có cơ chế bảo vệ cá nhân dám tố cáo, phanh phui những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Chỉ khi có tai mắt của nhân dân, cùng với sự vào cuộc tích cực, kiên quyết của các cơ quan chức năng… mới hạn chế được tình trạng vi phạm, giảm bớt nỗi lo mất ATVSTP của người tiêu dung (Hà Nội mới trang 3).

Hệ thống y tế tư nhân: Bao giờ đi đúng “quỹ đạo”?

Bài 2: Thanh tra thiếu, nhân lực yếu

Khám chữa bệnh (KCB) là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe người dân, thậm chí cả tính mạng con người. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý các cơ sở y tế tư nhân của các cơ quan chức năng không kịp thời do lực lượng thanh tra y tế vừa yếu và thiếu trầm trọng. Và vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý cơ sở y tế tư nhân chưa phát huy hết nhiệm vụ được giao.

Một thanh tra “trông” 1.000 cơ sở y tế tư nhân

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 3.000 cơ sở KCB ngoài công lập, bao gồm: Phòng khám (PK) đa khoa, PK chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, phòng chẩn trị y học cổ truyền. Thế nhưng, toàn ngành y tế Thủ đô mới chỉ có 3 thanh tra về lĩnh vực KCB; trung bình một thanh tra phải “trông” khoảng 1.000 cơ sở y tế ngoài công lập. Do khối công việc quá lớn, lực lượng thanh tra “siêu mỏng”, khó đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong 6 tháng (từ ngày 16-11-2015 đến 15-5-2016), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra được 62 lượt cơ sở, chiếm hơn 2% số lượng cơ sở KCB ngoài công lập hiện có. Như vậy, trong một năm lực lượng thanh tra chỉ tiến hành thanh, kiểm tra được khoảng 4% cơ sở và phải mất đến hơn 20 năm lực lượng thanh tra mới thanh, kiểm tra hết một vòng các cơ sở y tế tư nhân. Đó là chưa kể những PK “chui”, hoạt động không phép phải thanh, kiểm tra. Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, nhân lực trực tiếp quản lý hành nghề y, dược tư nhân từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn còn ít, trong khi đó số lượng cơ sở lớn, hình thức tổ chức ngành nghề đa dạng, trải rộng khắp địa bàn thành phố. “Một bộ phận người hành nghề y, dược ngoài công lập chưa thực sự chấp hành tốt các quy định của pháp luật, lợi dụng kẽ hở để cố tình có những hành vi đi lệch với quy định. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa có nhiều thông tin, hiểu biết khi sử dụng dịch vụ, họ thường lựa chọn sử dụng dịch vụ thông qua các hình thức quảng cáo” - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nêu vấn đề, hạn chế lớn nhất trong quản lý hoạt động y tế ngoài công lập là lực lượng thanh tra y tế quá mỏng. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân đóng trên địa bàn phường, xã, thị trấn chưa được thường xuyên. “Hệ thống thanh tra y tế cần tăng cường phối hợp với các phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn để giám sát công tác thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn” - người đứng đầu ngành y tế đề nghị.

Kiểm tra hay rà soát?

Qua các số liệu của phòng y tế các quận, huyện và chính quyền các địa phương cung cấp cho phóng viên Báo Hànộimới, điều dễ nhận thấy, hoạt động kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân ở tuyến dưới khá nhiều, chiếm tỷ lệ lớn, song, hiệu quả lại không cao. Chẳng hạn, với hơn 200 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra gần 100 cơ sở (chiếm khoảng 50%) và xử phạt hành chính 8 cơ sở, với số tiền 81 triệu đồng. Còn tại quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm đến nay, riêng lực lượng chức năng phường Đồng Tâm đã kiểm tra 195 lượt các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn và tiến hành xử phạt hơn 85 triệu đồng đối với 11 cơ sở…

Một trong những rào cản khiến công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân của chính quyền cơ sở chưa phát huy hết vai trò, đó là vấn đề chất lượng nhân lực và chức năng, nhiệm vụ còn hạn chế. Theo quy định, đội ngũ cán bộ y tế cấp xã, phường, thị trấn chỉ có chức năng kiểm tra (chủ yếu là thủ tục pháp lý) của các cơ sở y, dược tư nhân, mà không có chức năng quản lý hành nghề. Do vậy, việc kiểm tra chẳng khác gì rà soát, nếu nghi ngờ cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo cơ quan chức năng và chính quyền cấp trên kiểm tra, xử lý. Hơn nữa, lực lượng quản lý lĩnh vực này tại các xã, phường, thị trấn quá mỏng, lại không có chuyên môn, chủ yếu kiêm nhiệm. Bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông thẳng thắn thừa nhận, do nhân lực mỏng, ngoài việc quản lý hệ thống cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, Phòng y tế quận còn thường xuyên phải triển khai các nhiệm vụ chuyên môn khác, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các PK tư nhân… Việc các cơ sở y tế tư nhân "mọc" lên quá nhiều, nhưng lại thiếu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ đang là thách thức với chính quyền các cấp của Hà Nội. Nhiều vụ việc đáng tiếc đã từng xảy ra tại các PK tư nhân trên địa bàn thời gian qua là bài học vô cùng đau xót. Vậy phải quản lý thế nào để nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở y tế tư nhân, đem lại niềm tin cho người dân là câu hỏi cần được trả lời (Hà Nội mới trang 5).

Dễ dãi với thực phẩm chức năng

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đã thực sự bùng nổ trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, về mặt bất cập thì ngoài chuyện quảng cáo không tương xứng chất lượng, giá cả bị thả nổi, kinh doanh đa cấp, thì vấn đề quan trọng là chưa có tiêu chí sản xuất, quản lý dễ dãi!

Muốn “chức năng” gì cũng có

Dạo một vòng thị trường bán buôn bán lẻ dược phẩm tại TPHCM, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng, phong phú chủng loại TPCN. Ghé vô nhà thuốc M.C. trên đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1), chúng tôi “choáng” trước một dãy kệ dài ghi rõ “thực phẩm chức năng các loại”. Khi biết ý chúng tôi, cô nhân viên đon đả: “Các anh mua loại nào. Muốn hỗ trợ chức năng gì cũng có. Yếu sinh lý thì có R.K 1 giờ, M.Mạng… Yếu gan, yếu phổi thì có P., E… Gì cũng có”. Chúng tôi hoa cả mắt bởi các loại TPCN, từ đóng gói trong hộp giấy, hộp thiếc, hộp nhựa… Loại nào cũng giúp tăng cường sinh lực, nâng cao thể trạng, ăn ngon, ngủ khỏe, lợi ruột, tốt gan… cho từ trẻ em đến cụ già! Để mục sở thị sự phong phú của TPCN, chúng tôi ghé tiếp nhiều nhà thuốc khác, nhận thấy cũng đều bán hàng trăm sản phẩm TPCN, mà loại nào cũng được dán nhãn công dụng “thần tiên”. Còn chợ sỉ buôn bán dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) là cả một “ma trận” TPCN. “Mấy chú mua loại nào? Loại gì cũng có, đau xương mỏi khớp, chán ăn mất ngủ, hỗ trợ ung thư… Muốn loại gì có liền loại đó, bao nhiêu cũng có”, nhân viên một quầy thuốc vừa nói vừa xếp một chồng TPCN lên trước mặt chúng tôi giới thiệu.

Thực tế thị trường TPCN đã đến độ “hỗn loạn”. Từ nhập khẩu có nguồn gốc đến không rõ nguồn gốc, tự sản xuất trong nước và tự làm giả, làm nhái. Mặc dù công dụng chưa biết thế nào nhưng để làm nên những TPCN ấy là sự tráo trộn thêm nhiều hóa chất, dược chất có thể gây những phản ứng ngoài mong muốn, thậm chí nguy hại. Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện hồ sơ công bố sản phẩm TPCN còn chung chung, không có một tiêu chí, tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo chuyên gia dược học Trần Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chưa có một quy trình, tiêu chuẩn nào cho TPCN, nên cây gì, con gì cũng thành TPCN! “Bùng nổ trong vòng hơn 10 năm qua, TPCN đã chiếm lĩnh thị trường sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng như công bố, quảng cáo”, một chuyên gia y tế cho biết. Vì thế, nếu như người dân tự ý sử dụng, lạm dụng thì hậu quả rất khôn lường…

Bắt cóc bỏ dĩa

Thực tế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tăng cường siết chặt TPCN trong 2 năm qua. Năm 2015, cục đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, 203 công ty vi phạm về quảng cáo, tập trung chủ yếu là quảng cáo TPCN. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết qua kiểm tra TPCN thì 35% mắc sai phạm là chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố, 17% chưa thực hiện công bố hợp quy phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 17% chưa thực hiện đúng nội dung quảng cáo thực phẩm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cục đã kiên quyết xử lý, hạn chế thấp nhất sản phẩm vi phạm ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, với thị trường gần 20.000 sản phẩm thì khó kiểm soát ngày một ngày hai! Theo các báo cáo của Bộ Y tế, đến nay đã có gần 3.000 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất và kinh doanh khoảng 20.000 sản phẩm TPCN. Theo Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2014 đến nay đã cấp hơn 10.000 giấy phép sản phẩm TPCN các loại!

Vì sao nhiều DN đổ xô vào sản xuất - kinh doanh TPCN? Theo PGS-TS Trần Đáng, Hiệp hội TPCN Việt Nam, hầu hết các DN dược cũng đã nhảy vào sản xuất, kinh doanh TPCN. Các chuyên gia y tế nhìn nhận lý do không chỉ là thị trường “màu mỡ” mà còn có yếu tố các công ty dược hiện xin cấp số đăng ký thuốc quá khó, quá mất thời gian nên chuyển sang sản xuất TPCN cho… khỏe!  “Điều kiện sản xuất, tiêu chí sản xuất đơn giản, tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường”, một giám đốc công ty dược cho biết. Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa theo kịp nên trên thị trường nên TPCN như một mớ hỗn độn. “Hàng thật thì ít mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì chiếm lĩnh thị trường”, ông Trần Đáng nhận định. Do vậy, các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN. Nói như chuyên gia dược học Trần Văn Truyền thì TPCN nói chung là hỗ trợ chữa bệnh, là tiệm cận với thuốc nên không thể uống bừa bãi, lung tung được.

Theo Bộ Y tế, hiện thế giới cũng chưa có quy chuẩn quy định chung về điều kiện đối với TPCN. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, sắp tới Bộ Y tế ban hành quy chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với TPCN. Tài liệu hướng dẫn GMP cho TPCN gồm 10 chương quy định về hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng và thiết bị, hồ sơ tài liệu, sản xuất và kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng, khiếu nại thu hồi… Và lộ trình cho phép chuyển đổi muộn nhất đến cuối năm 2018 (Sài gòn giải phóng trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang