Không còn phải 3 báo giá khi mua sắm trang thiết bị y tế: Bệnh viện được gỡ khó, bệnh nhân hưởng lợi
Thông tư 14 đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu các trang thiết bị y tế cho các dịch vụ như kiểm định, kiểm chuẩn, bảo hành, bảo dưỡng, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế mà không phải e ngại như trước.
Ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này khi trao đổi với Phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống về Thông tư số 14/2023/TT-BYT Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế vừa ban hành.
Thể chế hoá Nghị quyết 30, gỡ khó cho các cơ sở khám chữa bệnh trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế
Theo ông Thiện, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nghị quyết này "cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023".
Sau khi Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đến các đơn vị, địa phương và trên thực tế đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP, khắc phục triệt để các khó khăn nêu trên, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Thông tư này quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị y tế; Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế công lập.
Khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp sau đây: Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp; Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Không còn phải bắt buộc 3 báo giá: Việc đấu thầu mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế thuận lợi hơn
Phân tích về Thông tư này, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Đây là văn bản quan trọng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư thiết bị y tế.
"Theo quy định của Thông tư 58, Thông tư 68 và các quy định về đấu thầu trước đó sẽ khó khăn vì vật tư trang thiết bị y tế là đặc thù không giống hàng hóa bình thường khác. Có những hàng hoá, sản phẩm hay linh kiện chỉ có 1 công ty, 1 hãng sản xuất, 1 nhà phân phối. Đặc biệt đối với hóa chất thì thường theo máy, mà đấu thầu đi mua hóa chất khác không dùng được với máy đang có. Cùng đó là quy định trước đây việc mua sắm trang thiết bị y tế đòi hỏi 3 báo giá, nếu không đấu thầu không có 3 báo giá thì rơi vào trạng thái chỉ định thầu"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Tuy nhiên, theo ông Cơ tại Thông tư 14 lần này đã giải quyết tất cả vấn đề đó. Trong trường hợp chỉ có 1-2 báo giá vẫn làm giá gói thầu. Việc tháo gỡ này sẽ lựa chọn mua sắm được vật tư thiết bị y tế đang chỉ có ít nhà cung cấp. Cùng đó, trước đây phải đi tìm giá rẻ thấp nhất, rất khó khăn để mua được vật tư thuốc tốt nhất để dùng cho người bệnh. Giờ các bệnh viện có thể mua được vật tư, trang thiết bị với giá cao nhất, phù hợp với chuyên môn để phục vụ tốt nhất cho người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng phân tích thêm: Thông tư quy định rất rõ, cho phép chủ đầu tư dựa vào hội đồng khoa học của Bệnh viện hay của Sở Y tế để căn cứ thực tiễn, căn cứ năng lực tài chính để quyết định giá định mua của thiết bị vật tư phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện ở mức độ nào.
Đồng quan điểm, ông Đinh Hồng Thái – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nêu rõ, Thông tư 14 ra đời nhằm cụ thể hoá những quy định của Nghị quyết 30, phạm vi bao trùm hơn, có những quy định cụ thể hơn, nhằm tạo nhiều cơ chế thuận lợi cho công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Thông tư đã mở rộng phạm vi trong đó có cả vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Riêng về vấn đề này, các máy công nghệ cao phục vụ chụp chiếu thường của hãng nào sản xuất thì linh kiện chỉ có hãng đó có. Tuy nhiên trước đây muốn sửa chữa, bảo dưỡng thì vẫn phải có 3 báo giá. Thông tư 14 nêu rõ, trong trường hợp bảo dưỡng có thể có 1-2 báo giá, chủ đầu tư sẽ giao hội đồng xem xét, lựa chọn mà không phải chờ đủ 3 báo giá.
Trước đây việc xây dựng giá đấu thầu khá khó khăn do yêu cầu tại Thông tư 58, Thông tư 68 và các quy định về đấu thầu mua sắm, phương pháp đầu tiên đòi hỏi phải có 3 báo giá và phải là báo giá thấp nhất.
Tại Thông tư 14 đã thay đổi, theo đó khi chủ đầu tư – bên mời thầu giao cho hội đồng xác định được yêu cầu kỹ thuật cơ bản và đăng thông tin chào giá trên cổng thông tin điện tử theo quy định thì kể cả trong trường hợp chỉ có 1-2 báo giá, hội đồng được quyền quyết định lựa chọn báo giá phù hợp, trong đó có thể lựa chọn báo giá cao hơn.
Tuy nhiên các bước chặt chẽ hơn vì đã xác định được yêu cầu về kỹ thuật, về chuyên môn nên hội đồng sẽ có cơ sở để lựa chọn phù hợp. Theo quy định trước đây, có thể dẫn tới tình trạng những mặt hàng có giá thấp sẽ trúng thầu tuy nhiên về mặt cấu hình, tính năng kỹ thuật lại chưa đáp ứng được mọi yêu cầu của chủ đầu tư.
Vậy nếu trong trường hợp chỉ có 2 báo giá, thậm chí là 1 báo giá thì có thể coi là độc quyền hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Thái cho hay: Khi chủ đầu tư đã thực hiện theo đúng quy định, đăng thông tin rộng rãi trên các cổng thông tin và thu nhận báo giá của đơn vị gửi về, ngoài ra bệnh viện - ở đây là phòng vật tư còn tiến hành khảo sát thực tế của thị trường xem có bao nhiêu nhà cung cấp mặt hàng đó, giá ra sao. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Ban hành Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi
Tài liệu hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là công cụ hướng dẫn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở thực hành khám, sàng lọc sức khỏe liên tục cho trẻ từ ngoài độ tuổi sơ sinh đến 24 tháng tuổi.
Ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký Quyết định Ban hành Tài liệu "Hướng dẫn về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi" được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, chính vì vậy công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta đặt lên hàng đầu. Giai đoạn đầu đời từ 0 -24 tháng tuổi là giai đoạn đặc biệt quan trọng, cần được khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, xử trí kịp thời và tư vấn hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc nhằm giúp trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và vận động để phát huy được tối đa tiềm năng trong tương lai.
Căn cứ Thông tư số 23/2017/TT-BYT ngày ngày 15 tháng 05 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, khám sức khoẻ định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng; Bệnh viện Nhi Trung ương được Bộ Y tế phân công làm đầu mối xây dựng "Tài liệu hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi" nhằm hướng dẫn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo cùng một tiêu chuẩn chung, sàng lọc được các bất thường về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Tài liệu do các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Nhi khoa tiến hành biên soạn qua nhiều lần đóng góp ý kiến và thẩm định. Tài liệu Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là công cụ hướng dẫn nhân viên y tế tuyến cơ sở, y tế thôn bản theo dõi sức khỏe liên tục cho trẻ em, sàng lọc các bất thường về thể chất, tinh thần cho trẻ em trong độ tuổi ngoài sơ sinh đến 24 tháng tuổi.
Tài liệu chia thành 2 chương: Chương I: Hướng dẫn tổ chức một buổi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; Chương II: Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 2 tuổi, gồm 6 phần chính:
Phần I: Đánh giá sự phát triển thể chất và tinh thần vận động; Phần II: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 4-6 tháng tuổi; Phần III: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 7-9 tháng tuổi; Phần IV: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 10-12 tháng tuổi; Phần V: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 13-18 tháng tuổi; Phần VI: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 19-23 tháng tuổi.
Sử dụng tài liệu đúng cách sẽ góp phần thay đổi nhận thức và cách thức hoạt động của nhân viên y tế tuyến cơ sở (tuyến xã và thôn bản) trong việc tiếp cận công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho trẻ em ở lứa tuổi ngoài sơ sinh đến 24 tháng. Đồng thời, tài liệu được nhân viên y tế sử dụng phối hợp và bổ trợ cho cuốn Sổ khám sức khỏe bà mẹ trẻ em hy vọng tạo thành một hướng dẫn chuẩn quốc gia thể hiện sự chung tay của toàn xã hội, ngành Y tế và gia đình trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngay từ giai đoạn sớm và ngay từ nền tảng chăm sóc sức khỏe ban đầu, đó là y tế cơ sở.
Tài liệu hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là công cụ hướng dẫn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở thực hành khám, sàng lọc sức khỏe liên tục cho trẻ từ ngoài độ tuổi sơ sinh đến 24 tháng tuổi. Tài liệu được áp dụng sử dụng tại tất cả các cơ sở y tế tuyến cơ sở có thực hiện việc khám, sàng lọc sức khỏe cho trẻ dưới 24 tháng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Cần Thơ: Không để thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh
TS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ khẳng định, ngành y tế thành phố này đang nỗ lực giải quyết, không để thiếu thuốc, vật tư y tế.
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết, thời gian qua, đôi lúc có tình trạng thiếu một số thuốc, vật tư, trang thiết bị trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn.
Đó là do một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khách quan khác.
Ví dụ, như một số thuốc đặc trị (sốt xuất huyết, tay chân miệng) có trúng thầu tại bệnh viện tuy nhiên không được cung ứng đầy đủ do bị "đứt" nguồn hàng, do công ty chưa nhập khẩu kịp hoặc không đủ nguyên liệu để sản xuất.
Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục mua sắm của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Năm 2023, Bệnh viện Phụ sản thực hiện đấu thầu thuốc tập trung với danh mục thuốc mở rộng cho tất cả bệnh viện của toàn thành phố giai đoạn năm 2023-2025.
UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc bổ sung cho các đơn vị. Như vậy, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu thuốc điều trị tại địa phương.
Riêng đối với vật tư, trang thiết bị y tế, do tình hình khó khăn chung của cả nước nên các đơn vị vẫn đang thực hiện các bước tiếp theo quy định để mua sắm.
Theo ông Cường, Sở Y tế TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đôn đốc các bệnh viện khẩn trương thực hiện mua sắm nhằm cung ứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu điều trị từ bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cũng bày tỏ băn khoăn trong quá trình thực hiện mua sắm theo Nghị quyết số 01/2018/HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND TP về quy định phân cấp, thẩm quyền quyết định đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý.
Theo đó, nghị quyết này quy định Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đơn vị quyết định mua sắm, thuê tài sản theo danh mục dự toán có giá trị không quá 500 triệu đồng và không quá 250 triệu đồng trên một đơn vị tài sản. Sở Y tế nhiều lần đề nghị Sở Tài chính, UBND TP thay đổi định mức này bởi nó quá thấp đối với một cơ sở y tế.
Giám đốc Sở Y tế địa phương này đề nghị, cần tăng hạn mức tự mua sắm đấu thầu của các bệnh viện, giống các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đây sẽ là giải pháp căn cơ nhất rút ngắn thời gian mua sắm đấu thầu, cũng như giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp triển khai mua sắm trang thiết bị được nhanh chóng hơn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Phấn khởi vì được tiêm vaccine trước, trả sau không lãi suất
Chương trình “Tiêm vắc xin trước, trả sau” không lãi suất cho gói vaccine từ 3 triệu đồng đang được áp dụng tại gần 120 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc thu hút nhiều người dân đăng ký.
Đưa bố mẹ đến tiêm vắc xin tại VNVC Bắc Ninh, anh Trần Văn Toàn (32 tuổi) cho hay gần đây, sau dịch COVID-19, anh ý thức tầm quan trọng của việc phòng bệnh hơn. Bố mẹ anh đều đã ngoài 60 tuổi, riêng bố anh có bệnh huyết áp cao nên anh muốn tặng cho cha mẹ những mũi vắc xin bảo vệ. Trước đó, anh cũng đã chủ động tiêm nhiều loại vaccine cho mình. Lần này, anh tính đưa bố mẹ tiêm một số mũi vaccine cần thiết trước như cúm, phế cầu vì chi trả một lần cho hai gói vaccine khá tốn kém, cuộc sống còn nhiều thứ phải lo. Sau khi biết VNVC có chương trình “Tiêm vaccine trước, trả tiền sau”, anh hồ hởi đăng ký hai gói vaccine cho bố mẹ.
“Tôi thấy tiêu xài rồi cũng hết, chỉ có sức khỏe là ở lại lâu dài cùng mình. Mỗi tháng tôi ráng tiết kiệm chi tiêu để trả góp dần cho gói vaccine, miễn là bố mẹ được khỏe, sống lâu cùng con cháu. Chia nhỏ ra chi trả, tôi thấy nhẹ nhàng hơn mà được đặt trước gói vaccine, không lo khan hiếm, tăng giá”, anh Toàn bày tỏ.
Chương trình “Tiêm vaccine trước, trả tiền sau” do Hệ thống tiêm chủng VNVC và Mcredit - Thành viên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản) chung tay thực hiện. Trong đó, toàn bộ phần lãi suất được VNVC chi trả thay cho khách hàng, với mức lãi suất ưu đãi được Mcredit dành riêng cho hoạt động này.
Người dân đăng ký chương trình chỉ cần có CMND hoặc CCCD và thực hiện các thao tác xác thực định danh trong vài phút. Phần lớn người dân sẽ được giải ngân chi trả ngay trong buổi tiêm chủng. Khách hàng có những yếu tố liên quan đến định danh hoặc khoản chi phí cũ, sẽ được hỗ trợ sau đó để hoàn thành thủ tục trước lần tiêm tiếp theo.
Người dân sẽ được kéo dài thời gian chi trả cho các gói vaccine này từ 6 tháng hoặc 12 tháng tuỳ theo giá trị gói vaccine, chỉ cần trả trước tối thiểu 10% giá trị gói.
Gần đây, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) hết nhiều loại vaccine khiến nhiều trẻ em không được tiêm đầy đủ, đặc biệt đây là nhóm trẻ yếu thế bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài ra, COVID-19, các bệnh “mùa vụ” như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não, cúm, ho gà uốn ván bạch hầu, thuỷ đậu, dại… có diễn biến khó lường, âm thầm lây lan gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Chương trình “Tiêm vaccine trước, trả sau” được kỳ vọng là hành động thiết thực, nỗ lực chia sẻ khó khăn kinh tế với người dân, giúp hàng triệu trẻ em kịp thời được tiêm chủng vắc xin đúng lịch, tiêm bù, tiêm vét và tiêm nhiều loại vaccine cần thiết. Bên cạnh đó, người lao động, người cao tuổi, cán bộ hưu trí… cũng có điều kiện tiêm đủ các loại vaccine cần thiết, khi tiêm trước rồi trả tiền sau.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, VNVC đã và đang xây dựng hệ thống trung tâm tiêm chủng dịch vụ cao cấp khắp cả nước với danh mục vaccine phong phú, chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý, quy trình tiêm chủng an toàn... mang đến cho người dân sự phục vụ tốt nhất khi đi tiêm chủng. Đặc biệt, VNVC thiết kế nhiều gói vaccine linh hoạt phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của mọi đối tượng người dân.
“Trước đó, VNVC cũng đã hợp tác với nhiều ngân hàng để triển khai chương trình trả góp gói vắc xin cho khách hàng bằng thẻ tín dụng trong 6 tháng. Tuy nhiên, phương thức này vẫn chưa tiếp cận được nhiều người dân. Cùng với hợp tác lần này, VNVC hy vọng gói trả góp vaccine không lãi suất với thủ tục đơn giản, linh hoạt không chỉ là giải pháp tháo gỡ rào cản tài chính mà còn tăng cơ hội tiếp cận, bình đẳng về vaccine đối với mọi người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế, ở vùng sâu vùng xa, nơi tiếp cận dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn. Qua đó, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, bà Hà khẳng định.
Gói vaccine theo độ tuổi là dịch vụ đặc biệt của VNVC trong nhiều năm nay, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc xin vẫn luôn có nguy cơ khan hiếm, đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, việc đảm bảo lịch tiêm khó khăn do dự trù vắc xin khó chính xác… Vì thế, với gói vắc xin theo độ tuổi, khách hàng được VNVC cam kết có đủ vaccine theo đúng phác đồ, không lo thiếu vaccine, kể cả loại thường xuyên khan hiếm, không tăng giá vaccine trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, miễn phí khám, tư vấn trước tiêm, miễn phí nhắc lịch tiêm…
Đảm bảo chất lượng của vaccine và an toàn cho khách hàng chính là yêu cầu quan trọng hàng đầu tại VNVC. Toàn bộ vaccine tại VNVC được bảo quản trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế Good Storage Practices (GSP) cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh khép kín, hiện đại hàng đầu Việt Nam cùng quy trình tiêm chủng an toàn nghiêm ngặt. (Công an Nhân dân, trang 4).
Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non 600 gam, mắc nhiều bệnh lý
Sinh non từ tuần thứ 25, bé trai nặng vỏn vẹn 600 gam kèm theo viêm ruột hoại tử, hẹp ruột. Trải qua gần 5 tháng điều trị, 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu, cháu bé hiện đã nặng 2,2kg.
Ngày 11-7, ông Trần Danh Cường - giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương - thông tin các bác sĩ đã chăm sóc, điều trị thành công cho trẻ sơ sinh 25 tuần tuổi nặng 600 gam, bị viêm ruột hoại tử, hẹp ruột.
Tháng 2-2023, bé trai (tại Hà Nội) được sinh thường khi mới 25 tuần tuổi. Trẻ là con thứ ba trong gia đình, khi chào đời chỉ nặng 600 gam. Sau sinh non, trẻ bị suy dinh dưỡng, non bóng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm. Trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, bơm sunrfactant.
Bác sĩ Cường chia sẻ để điều trị cho trẻ, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức hội chẩn chặt chẽ giữa ngoại nhi và sơ sinh để giải quyết cơ quan tiêu hóa cho bệnh nhi.
Theo bác sĩ Phạm Văn Thái - Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản trung ương), trẻ được điều trị gần 5 tháng tại bệnh viện và đây là ca bệnh khá đặc biệt.
"Giai đoạn đầu trẻ được hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần...
Sau đó trẻ tiếp tục đối diện với nhiều bệnh lý, được chẩn đoán viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm khuẩn, hẹp ruột sau viêm, mổ cắt đoạn hẹp ruột và nối lại tại Bệnh viện Việt Đức.
Sau gần 5 tháng điều trị, trải qua 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu, hiện trẻ đã ăn tốt, bú được mẹ, cảm xúc đã biết mỉm cười tự phát. "Cháu nặng 2,2kg nhưng hồ sơ điều trị cân nặng tới hơn 4kg", bác sĩ Thái nói.
Đây là ca bệnh có thời gian điều trị lâu tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Trước đây, những trẻ sinh cực kỳ non tháng bị viêm ruột hoại tử đều đối mặt với nguy cơ tử vong. Thế nhưng, việc cứu sống bé trai nêu trên đã mang đến tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội sống cho những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân. (Tuổi trẻ, trang 14).