Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Tỷ lệ trẻ mắc đái tháo đường tăng nhanh; Lại có người tử vong vì ngộ độc methanol; Miễn phí sàng lọc và hỗ trợ điều trị ung thư cho 15.000 người; Báo động tình trạng làm giả giấy chuyển tuyến khám bệnh để trục lợi; ...

 

Tỷ lệ trẻ mắc đái tháo đường tăng nhanh

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện có khoảng 40-50 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với trước đó (chỉ 5-20 bệnh nhân/năm).

Không được phát hiện kịp thời

 TS Hải cho biết thêm, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em ngày càng có xu thế gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam. Theo TS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư), hiện nhiều cha mẹ vẫn không nghĩ bệnh đái tháo đường có thể xảy ra trên trẻ con nên khi trẻ có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng sụt cân nhanh vẫn bỏ qua.

vậy phần lớn trẻ em bị đái tháo đường được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nặng. Khi ấy trẻ đã lừ đừ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê. Khác với tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở người lớn, tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em có diễn tiến rất nhanh. Từ lúc cha mẹ phát hiện được sự thay đổi của trẻ như các biểu hiện ăn uống nhiều nhưng vẫn sụt cân đến lúc trẻ hôn mê chỉ khoảng 2 - 3 tuần.

Bác sĩ Dũng cho hay nhiều trẻ bị đái tháo đường nhập viện trong tình trạng nặng nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do biến chứng từ cấp tính như hôn mê, rối loạn tri giác. Quá trình điều trị tại nhà và kiểm soát đường máu không tốt sẽ dẫn đến các biến chứng mạn tính như đục thủy tinh thể, tổn thương thận, cao huyết áp, phát triển chậm về thể chất, thậm chí tử vong.

Từ năm 2013 tới nay, con số đái tháo đường tuýp 1 tăng lên 3 - 4 lần so với trước, còn ở tuýp 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì trẻ mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh đái tháo đường sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi).

Bác sĩ Dũng cho hay, khi 1 cháu bé bị đái tháo đường hàng ngày phải tiêm insulin 3 - 4 lần, phải lấy máu từ 4 - 6 lần và 10 lần chọc kim ở da và phải đồng hành đến cuối đời. Đối với trẻ em bị bệnh càng sớm thì dẫn đến tổn thương càng sớm nếu không quản lý bệnh tốt.

Thủ phạm gây bệnh

Theo TS. Vũ Chí Dũng, thủ phạm gây bệnh đái tháo đường ở trẻ chính là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt nhưng lại lười vận động. Phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bệnh đái tháo đường có thể phòng chống được, bằng cách thăm khám, sàng lọc phát hiện sớm để có hướng điều trị tích cực, phù hợp. Đặc biệt, cần duy trì chế độ ăn uống, nạp dinh dưỡng hợp lý song song với việc vận động thể lực đều đặn (Tiền phong, trang 6).

 

Lại có người tử vong vì ngộ độc methanol

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều về tình trạng ngộ độc rượu có chứa Methanol, nhưng tuần qua vẫn có 3 người bị ngộ độc được đưa vào cấp cứu và 2 người đã tử vong, một người đang phải cấp cứu nhưng sự sống rất mong manh.

Ngày 7-9, có 2 nạn nhân của methanol cùng nhập viện Bạch Mai là một phụ nữ 43 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội và một bệnh nhân nam, 49 tuổi ở Hải Dương. Chị Đ.T.L vào viện trong tình trạng đã ngừng tim. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên tới 135,9 mg/dL, nhưng không thấy Ethanol. Gia đình cho biết nạn nhân đã mua rượu ở sau bách hóa Thanh Xuân và bị ngộ độc sau khi uống.

Bệnh nhân nam ở Hải Dương là ông N.X.L cũng được chuyển đến viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, huyết áp tụt sau khi uống rượu nhưng không biết uống ở đâu. Nồng độ methanol trong máu cũng cao tới 132,6 mg/dL, vì thế, bệnh nhân hiện có nguy cơ tử vong cao.

Trước đó ba ngày, một người đàn ông ở Hà Nội cũng đã tử vong sau khi được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não rất nặng do ngộ độc Methanol.

Đa số bệnh nhân nhiễm độc Methanol thời gian qua đều uống rượu trắng không rõ nguồn gốc khoảng 24 - 48 giờ trước khi vào viện, không có biểu hiện gì rõ rệt để có thể phát hiện sớm tình trạng ngộ độc Methanol. Điều đáng lưu ý trong các nạn nhân ngộ độ Methanol lần này là xét nghiệm cho thấy nồng độ Methanol rất cao, nhưng lại không có Ethanol, tức là uống rượu nhưng lại không có rượu mà chỉ có cồn công nghiệp, chứng tỏ loại “rượu” này được pha hoàn toàn từ cồn công nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên lo lắng vì mới chớm vào những ngày thời tiết mát mẻ đã có liên tiếp nhiều trường hợp ngộ độc Mathanol là những dấu hiệu rất đáng lo ngại khi mùa cưới và mùa đông đang đến gần, có thể số vụ ngộ độc sẽ tăng. Trước đây, các nạn nhân được đưa vào cấp cứu chủ yếu chỉ ở các vùng núi cao, sau đó, lại xuất hiện nhiều ở Hà Nội và giờ thì các nạn nhân đã có ở cả nhiều tỉnh khác như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên…

Điều này cho thấy, việc kiểm soát Mathanol gần như vẫn bị buông lỏng, trong khi các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã khuyến cáo mạnh mẽ phải quản lý chặt Methanol sau vụ ngộ độc Mathanol ở Lai Châu khiến gần 10 người tử vong và hơn 100 người bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, tình trạng ngộ độc methanol vẫn tăng nhanh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, số nạn nhân ngộ độc methanol đã bằng cả năm 2016. Điều nguy hiểm là cồn công nghiệp pha vào rượu, hoặc chỉ pha với nước, rất giống rượu, nên người uống không thể phát hiện được. Vì thế, hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu chứa Methanol đều đã ở trong tình trạng nặng khi đến bệnh viện, do việc ngộ độc khó phát hiện. Đặc biệt là số bệnh nhân trong thực tế có thể nhiều hơn, vì hiện nay không phải bệnh viện nào cũng làm được xét nghiệm xác định methanol. Do đó, có thể có nhiều người bị ngộ độc Mathanol mà không biết.

Cùng với tỷ lệ tử vong do Methanol khá cao, tới 20-30%, các chuyên gia cho biết, những trường hợp ngộ độc Methanol  nếu cứu sống được thì không chỉ chi phí vô cùng tốn kém, mà còn phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, mắt, tổn thương não vv… Ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyên, nếu phát hiện bị ngộ độc Methanol sớm, bệnh nhân được đưa vào viện kịp thời thì sẽ hạn chế các tổn thương não, di chứng mắt.

Theo các chuyên gia, Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, tác dụng giống Ethanol với các biểu hiện như say rượu, nhưng sau đó chuyển hóa, gây độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác. Vì triệu chứng lúc đầu thường nhẹ như ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm, bệnh nhân có biểu hiện của người say rượu, nên thường bị bỏ qua hoặc.

Có thể nhận biết sớm các dấu hiệu ngộ độc Methanol là: Bệnh nhân còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu não, tụt não rất nguy hểm đến tính mạng. 

Methanol ảnh hưởng đến thị lực của nạn nhân rất nhiều, lúc đầu vẫn nhìn bình thường, sau 12 -24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực vv… Ảnh hưởng của Methanol với tim mạch cũng vô cùng nặng nề. Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế (Công an nhân dân, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Miễn phí sàng lọc và hỗ trợ điều trị ung thư cho 15.000 người

Từ ngày 9.9 - 18.10, tại 18 điểm khám ở 8 tỉnh/TP trên cả nước đồng loạt diễn ra Chương trình sàng lọc và phát hiện sớm một số bệnh ung thư.

Chương trình do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bệnh viện K, Quỹ Thiện Tâm và Hệ thống y tế Vinmec (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với các bệnh viện tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư; tạo thói quen chủ động khám sàng lọc định kỳ phát hiện sớm ung thư.

Dự kiến sẽ có khoảng 15.000 người tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ được khám sàng lọc miễn phí đối với 3 trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất tại VN là ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại, trực tràng. Đặc biệt, qua sàng lọc, những trường hợp phát hiện mắc ung thư sẽ được Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ chi phí điều trị lên tới 70 - 100% tại các Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec trên cả nước (Thanh niên, trang 7).

 

Báo động tình trạng làm giả giấy chuyển tuyến khám bệnh để trục lợi

Tình trạng làm giả giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh của các bệnh viện để trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) không phải cá biệt.

Cuối tuần qua, Cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội đã khởi tố và ra lệnh tạm giam Trần Thị Thảo (SN 1974, Sơn La) để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đáng nói, việc đối tượng này làm giả 9 giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn và thu phí 3 triệu đồng mỗi bệnh nhân cho thấy, đang có một lỗ hổng lớn trong quản lý lĩnh vực này.

Mua giấy chuyển tuyến khám bệnh giả qua… mạng 

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, bước đầu, cơ quan công an phát hiện Trần Thị Thảo có 9 tờ giấy chuyển tuyến giả mang chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn. Tại cơ quan công an, Trần Thị Thảo thừa nhận do được một số nhân viên bệnh viện nhờ làm giấy chuyển tuyến giả và với mỗi tờ giấy chuyển tuyến giả, Thảo được trả công 200.000 đồng. Những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng giấy chuyển tuyến này phải trả phí 3 triệu đồng. Mục đích làm giấy chuyển tuyến giả nhằm giúp bệnh nhân được chuyển tuyến BHYT từ Bệnh viện Xanh Pôn lên Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến Trung ương khác, được hưởng quyền lợi BHYT đúng tuyến giống như các bệnh nhân được bệnh viện cho chuyển tuyến theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện nhận được thông tin về việc bệnh nhân sử dụng giấy chuyển tuyến khám bệnh BHYT giả từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Song, có một điều khó là hiện công nghệ làm giả giấy tờ rất tinh vi, trong khi trên các giấy chuyển tuyến phần nội dung quan trọng là chữ ký của giám đốc bệnh viện thì thường các bệnh viện vẫn sử dụng chữ ký số nên nếu họ cố tình làm giả cũng không quá khó. Với nghiệp vụ của các bác sĩ, muốn phát hiện ra giấy tờ giả không đơn giản, chỉ trừ những trường hợp giấy chuyển tuyến bị làm giả sơ sài hoặc sai mẫu. 

Phải xử lý nghiêm

Theo TS. Dương Đức Hùng, có lỗ hổng hoặc chưa chặt chẽ trong quản lý trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Ở đây, trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành bảo hiểm là rất quan trọng, chẳng hạn phải ứng dụng công nghệ hay làm Thẻ BHYT hiện đại hơn, cập nhật các thông tin đầy đủ và chặt chẽ hơn để bác sĩ dễ dàng đối chiếu… “Các giấy tờ được làm giả rất tinh vi, các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… cũng chỉ là nạn nhân. Một ngày bệnh viện chúng tôi khám 3.000-4.000 người bệnh và 2/3 trong đó có BHYT nên các bác sĩ không dễ phát hiện ra, chứ tôi nghĩ không bác sĩ nào đi thông đồng với các đối tượng vi phạm pháp luật”, TS. Dương Đức Hùng nói. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện có trường hợp nào sử dụng giấy chuyển tuyến giả nhưng cũng có thể là chưa phát hiện được chứ không dám chắc là không có”.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, việc kiểm soát, giám sát, quản lý chặt các giấy tờ chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT từ tuyến dưới chuyển lên được bệnh viện rất quan tâm. Cụ thể, ở Bệnh viện Nhi Trung ương, việc kiểm soát giấy chuyển tuyến của từng bệnh nhân được thực hiện qua 2 khâu, đầu tiên là xác định về chuyên môn và thứ hai là kiểm soát về giá trị pháp lý, tức xem giấy chuyển tuyến là thật hay được làm giả. Ở khâu kiểm soát về giá trị pháp lý, Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện sẽ kết hợp với bộ phận giám định BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội tại bệnh viện để giám định, xem xét kỹ từng trường hợp. 

Trước thực trạng một số bệnh viện đã phát hiện giấy chuyển tuyến được làm giả tinh vi, PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng, bệnh viện sẽ rà soát lại việc kiểm soát giấy chuyển tuyến, mặt khác, sẽ tiếp tục quán triệt tới toàn thể bác sĩ về vấn đề này. 

Rõ ràng, Bộ Y tế, hệ thống Bảo hiểm xã hội cũng cần phải xem xét lại các vấn đề có thể tạo kẽ hở cho các đối tượng có thể lợi dụng để làm giả, sử dụng giấy chuyển tuyến giả, chẳng hạn như yêu cầu phần thông tin về thân nhân của đối tượng tham gia BHYT cần chặt chẽ hơn. “Nếu để xảy ra việc sử dụng giấy chuyển tuyến giả thì cả nơi chuyển đi, nơi tiếp nhận bệnh nhân đến đều phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trực tiếp người bệnh sử dụng giấy tờ giả đó phải chịu trách nhiệm chính và bị xử lý nghiêm trước pháp luật, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Uống thuốc hạ sốt liên tục, nam thanh niên hôn mê, suy gan nặng

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân 22 tuổi ở Sơn La dùng đến 19 viên hạ sốt Paracetamol 500mg trong 2 ngày.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu ngày 6/9 trong tình trạng tổn thương gan, viêm gan rất nặng, có dấu hiệu suy gan. Trước đó 2 ngày, thanh niên này đã uống 19 viên thuốc paracetamol loại 500 mg chỉ trong 2 ngày để hạ sốt sau đó xuất hiện vàng da, mệt mỏi và được đưa vào viện.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, bệnh nhân đã dùng quá liều thuốc paracetamol dẫn đến ngộ độc, lại có tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh. Hiện bệnh nhân bị hôn mê, tiên lượng rất nặng, sốt cao chưa xác định nguyên nhân, có thể nhiễm trùng. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, nếu người dân không để ý hàm lượng thuốc hạ sốt Paracetamol rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc. “Chỉ cần 2 ngày liền dùng trên 3 g paracetamol là đã có nguy cơ viêm gan ngay cả với người khỏe mạnh”, BS Nguyên cảnh báo (Nông thôn ngày nay, trang 4; Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang