Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Tử vong do tim mạch cao hơn ung thư; Cảnh giác nguy cơ gia tăng dịch tay - chân - miệng, sốt xuất huyết; Xây dựng tài khoản y tế quốc gia, giúp quản lý đầu tư cho y tế; ...

 

Tử vong do tim mạch cao hơn ung thư

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Bệnh tim mạch hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Trong khi đó, số người mắc căn bệnh này ở lứa tuổi trẻ ngày càng tăng. Những con số đáng giật mình này đã được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị Tim mạch toàn quốc 2017 vừa kết thúc.

Theo PGS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, đáng lưu ý khi các ca tử vong tim mạch lại chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng  thực tế cho thấy bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh: Những năm 1980 có khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh huyết áp, đến năm 2009 đã là 27%. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim Mạch Quốc gia  chỉ can thiệp khoảng 300 ca bệnh nhân bị bệnh động mạch vành, nhưng năm 2016 đã can thiệp khoảng 3.500 ca/ năm, cho thấy tốc độ gia tăng gấp hơn 10 lần chỉ trong 10 năm.

Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay, hoặc dẫn đến suy tim và tử vong sau đó. 3 thập kỷ trước bệnh nhồi máu cơ tim còn hiếm gặp nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến ở mọi cơ sở y tế. Bên cạnh đó, bệnh tai biến mạch não cũng rất nguy hiểm và để lại nhiều di chứng.

Điều được các chuyên gia tim mạch hàng đầu như GS. Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam và PGS. Phạm Mạnh Hùng lo ngại là bệnh tim mạch đang bị trẻ hóa. Trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng nay có ở bất kỳ lứa tuổi nào. 

Gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam liên tục phải tiếp nhận những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, trong đó có trường hợp mới 28 tuổi. Một điều tra cũng cho thấy, số người bị tăng huyết áp ở tuổi dưới 40 chiếm tới 16,5%. Rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30-35 cũng mắc các bệnh tim mạch và không ít người đã tử vong do nhồi máu cơ tim. “Đây thực sự là mối lo ngại với sức khỏe của cộng đồng chúng ta”- GS. Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.

PGS. Phạm Mạnh Hùng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa bệnh tim mạch là do thói quen, lối sống, ăn uống không hợp lý: ăn nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng thuốc lá, bia rượu, nước uống có gas… lại lười vận động. Thường gặp nhất là ở những người thừa cân béo phì, vòng bụng lớn, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đặc biệt là ở bệnh nhân hút thuốc lá.

Theo GS. Nguyễn Lân Việt, chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là cần thiết nhất với việc duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch: Không nên hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; không nên ăn mặn; hạn chế các thức ăn nhiều chất béo, tăng cường ăn rau xanh và tập thể dục đều đặn, tránh lo âu căng thẳng thần kinh và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

 Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần đồng thời làm một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu… để phát hiện sớm bệnh. Khi mắc bệnh hay các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, cần điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng (Công an nhân dân, trang 6).

 

Cảnh giác nguy cơ gia tăng dịch tay - chân - miệng, sốt xuất huyết

Trước diễn biến thất thường của thời tiết cũng như chu kỳ dịch bệnh, đã khiến cho các chuyên gia lo ngại một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng có thể tiếp tục gia tăng vào thời điểm này.

Do đó, ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tránh lây lan và bùng phát...

Hà Nội: Không quyết liệt phòng chống, có thể xuất hiện đỉnh dịch SXH thứ 2

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh SXH của UBND TP Hà Nội diễn ra chiều ngày 11/10, PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc SXH tại Hà Nội liên tục giảm trong 8 tuần gần đây. Riêng trong tuần từ ngày 2 - 8/10, toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc SXH (giảm 160 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.501 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8/2017). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh SXH vẫn có diễn biến phức tạp.

Dù Hà Nội đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, tại quận Hà Đông - một trong những đơn vị có số mắc giảm so với những tuần trước nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện 102/29.000 hộ gia đình có ổ bọ gậy, 30/88 công trường xây dựng có ổ bọ gậy, 25/123 khu vực công cộng có ổ bọ gậy... Hiện trên địa bàn còn nhiều khu đất trống không có người ở nên việc xử lý vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do thiếu nguồn nhân lực nên việc phun hóa chất phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn...

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đánh giá về tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn Hà Nội đã được khống chế và kiểm soát. Như vậy, giữa tháng 11/2017 có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh SXH nếu duy trì tốt và liên tục công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, hiện một số tỉnh phía Nam và khu vực miền Trung đang vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh SXH. Thêm vào đó, những ngày qua, thời tiết diễn biến cực đoan, dù hết hè nhưng mưa liên tục, nhiệt độ giảm không đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. “Chúng ta phải giữ nhịp độ phòng chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ 2 xuất hiện”, ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.

Đã ghi nhận trên 70.000 ca mắc tay-chân-miệng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 70 nghìn trường hợp mắc tay-chân-miệng (TCM). Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 4/10 ghi nhận 450 trường hợp mắc TCM, phân bố rải rác tại các quận/huyện/thị xã.

Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Theo Bộ Y tế, bệnh TCM là bệnh nhiễm virut cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng;  không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Xây dựng tài khoản y tế quốc gia, giúp quản lý đầu tư cho y tế

Tại hội thảo về tài khoản y tế quốc gia do Bộ Y tế và Tổ chức USAID tổ chức ở Hà Nội, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết,

với tài khoản y tế quốc gia sẽ giúp Bộ Y tế tập hợp các số liệu về các nguồn tài chính cho y tế qua đó sẽ giúp cơ quan quản lý nắm rõ và cân đối, lập kế hoạch chi tiêu, đầu tư cho y tế; phân tích chi tiêu công cũng như đưa ra dự toán, xây dựng kế hoạch ngân sách cho y tế, đồng thời cũng xác định được chi phí  y tế từ người dân dân phải chi trả.

Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ thống tài khoản và hệ thống này hiện đang là nguồn số liệu tổng quan cung cấp các thông tin về tài chính y tế. Nhờ đó, có thể xác định được các nguồn chi cho y tế; tỉ trọng các nguồn chi (từ ngân sách; viện trợ, nguồn do người dân tự chi trả cũng như các nguồn chi cho từng lĩnh vực: y tế dự phòng, điều trị, chi phí cho các nhóm bệnh: HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm…

Theo số liệu của tài khoản y tế quốc gia năm 2015, nguồn tài chính cho y tế từ Chính phủ là 104.096 tỉ đồng (chiếm 41,61%)… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

5 học sinh nhập viện vì ngộ độc nấm

Ngày 11/10, ông Đặng Chí Thanh - Chủ tịch UBND xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ sau khi ăn nhầm nấm độc mọc trên đồi, 6 trẻ em ở bản 8 Vài Siêu, xã Thượng Hà đã phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên.

Các trường hợp bị ngộ độc nấm đều là học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 Thượng Hà.

Trước đó, chiều 8/10, một nhóm học sinh rủ nhau lên đồi chăn trâu, thấy nấm lạ, các em đã hái và nướng ăn. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, các em có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên.

Lực lượng y tế địa phương sau khi lên tận nơi nấm mọc để kiểm tra và xét nghiệm đã kết luận đây là nấm độc, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu ăn nhiều. Sau điều trị, hiện tính mạng của các học sinh đã hồi phục.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho sự phát triển của nấm. Do đó, người dân không nên ăn nấm dại bởi so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỉ lệ tử vong lại rất cao (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho phát triển y tế và công tác dân số

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Sáng 11/10, Hội nghị đã bế mạc.

Thông qua nhiều nội dung, văn kiện quan trọng

Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết nghị: Thông qua nội dung cơ bản các văn kiện: Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới. Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, ban hành chính thức và tổ chức thực hiện các Nghị quyết nói trên.

Thông qua Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để ban hành chính thức kết luận; chỉ đạo Ban Cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời xem xét và quyết định nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Ưu tiên đầu tư từ ngân sách và mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế

Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt. Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, nghề y là một nghề cao quý với nhiều đặc thù riêng, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở thực sự là nền tảng. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở y tế hiện có của Nhà nước, bao gồm cả dân, quân y, gắn với khuyến khích hợp tác công - tư, phát triển lành mạnh y tế ngoài công lập; xây dựng hệ thống y tế rộng khắp, gần dân, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao những cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta nhiều năm qua với kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020-2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam từng bước được cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm; tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người). Phân bố dân số hợp lý hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số được tăng cường và có nhiều đổi mới. Dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số.

Tuy nhiên, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở trong nước, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cũng bắt đầu phát sinh những hệ lụy cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển...

Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang