Kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế
Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh làm việc với UBND và HĐND thành phố về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, việc tăng cường thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố thời gian qua, cao điểm từ ngày 23/8 đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong đó, thành phố đã triển khai xét nghiệm thần tốc theo kế hoạch được duyệt, hoàn thành 3 giai đoạn với hơn 17,5 triệu mẫu; tỷ lệ hệ số lây nhiễm giảm rõ rệt, từng bước chuyển hóa các vùng đỏ, mở rộng nhiều vùng xanh. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt hơn 98% và mũi 2 đạt hơn 72% số người từ 18 tuổi trở lên. Thành phố Thủ Đức và tất cả các quận, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh.
Từ ngày 30/9, thành phố cũng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Qua hơn 10 ngày thực hiện, đến nay các chỉ tiêu theo dõi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tích cực, số ca mắc mới trung bình ngày giảm 5 lần so với lúc đỉnh dịch. Số trường hợp tử vong hằng ngày đến nay đã giảm dưới hai con số. Không còn hiện tượng quá tải tại các bệnh viện Covid-19. Những chuyển biến đó phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát tốt.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch nước gửi lời chia sẻ đến Đảng bộ, chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh đã trải qua những mất mát, đau thương đồng thời biểu dương nỗ lực của chính quyền, lực lượng tuyến đầu, đồng bào cả nước, kiều bào, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đồng thời ghi nhận Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh có truyền thống phát huy trí tuệ, sáng tạo, chủ động, đóng góp vai trò quan trọng cho các hoạt động của Quốc hội, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước.
“Tôi rất yên tâm khi tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản ổn định, không có giết người cướp của nghiêm trọng xảy ra. Đồng thời đánh giá cao việc thành phố chuẩn bị kịp thời các túi an sinh, chương trình đi chợ hộ, huy động các thành phần xã hội tham gia phòng chống dịch bằng mọi hình thức bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Xác định việc kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và sự thành công bền vững của TP Hồ Chí Minh phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Trên cơ sở này, Chủ tịch nước yêu cầu TP Hồ Chí Minh sớm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm để phục hồi kinh tế: Một là bảo đảm huyết mạch lưu thông hàng hóa, vận chuyển con người; hai là khôi phục và phát triển doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ về thuế, tín dụng, thu hút đầu tư FDI, kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công; ba là giải quyết vấn đề lao động việc làm, tạo mọi điều kiện cho người dân về quê quay trở lại; bốn là xây dựng hệ thống an sinh chặt chẽ hơn, tiếp tục bổ sung gói an sinh cho những nhóm bị tổn thương sau đại dịch, hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần, việc làm cho nhóm bị tổn thương; năm là thành phố tập trung tìm ra giải pháp mới để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như tạo cơ chế và nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kiến nghị của một số đại biểu cho thấy, thành phố cần sớm xây dựng kịch bản an toàn trong trường học để sớm mở cửa trường học trở lại, tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em, phủ nhanh hơn tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 trong toàn dân để các hoạt động kinh doanh, mua bán, lao động sản xuất sớm ổn định…
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất: để chúng ta có thể chung sống và an toàn với dịch, Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng và ban hành chiến lược “bình thường mới”, trong đó bao gồm những chiến lược thành phần cho từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với những giải pháp và chính sách mang tầm vĩ mô. Sở dĩ phải xây dựng chiến lược này vì sau đại dịch, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam có cung cách, hình thức sinh hoạt mới nên buộc chuyển sang một phương thức làm việc mới, mang tính toàn cầu với những tiêu chí, yêu cầu bắt buộc.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, gợi mở cho thành phố những ý kiến sâu sắc, những giải pháp hữu hiệu, đề xuất nhiều chiến lược mang tính dài hạn và khoa học giúp thành phố sớm tái thiết và phục hồi trở lại.
Nhận định thành phố đã trải qua đại dịch chưa từng có, dù tình hình có chuyển biến tốt lên tuy nhiên những nỗi lo lắng, bất an của người dân vẫn còn thể hiện rõ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Hơn lúc nào hết, vấn đề kiến thiết thành phố trong tình hình mới, làm sao để người dân yên tâm có công ăn việc làm là điều phải làm dù khó khăn. Thành phố phải khắc phục nhanh và nhanh nhất có thể trên nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế, y tế…”. (Nhân dân, trang 1)
Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Nghị quyết nêu: Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.
Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất
Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (sau đây gọi là Quy định) với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị Covid-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị; nhằm bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Quan điểm của Chính phủ là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.
Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.
Phân loại 4 cấp độ dịch
Quy định hướng dẫn cụ thể về phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch. Theo đó, phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp:
Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch: Đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.
Quy định cũng nêu rõ 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Về xác định cấp độ dịch, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình dịch trên địa bàn, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch
Các biện pháp y tế bao gồm cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ.
Quy định nêu cụ thể các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch đối với một số hoạt động của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp gồm:
1- Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch;
2- Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19;
3- Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh;
4- Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo,...);
5- Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp;
6- Hoạt động cơ quan, công sở;
7- Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự;
8- Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao;
9- Ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với cá nhân, Quy định cũng nêu rõ các biện pháp về tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ thông tin, về việc đi lại của người dân và về điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 ở từng cấp độ dịch.
Áp dụng thống nhất trong toàn quốc
Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Tạm thời không áp dụng các quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn các biện pháp tại Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ. (Nhân dân, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Không đóng cửa chợ dân sinh, nhà hàng, quán ăn trong ca 4 cấp độ dịch”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’”; Tuổi trẻ, trang 7: “Ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn”
Thúc đẩy phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Trước tác động của đại dịch Covid-19 và ô nhiễm môi trường gia tăng, du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) đang trở thành xu hướng du lịch toàn cầu.
Ngày càng nhiều du khách quan tâm đến vấn đề cải thiện sức khỏe khi tham gia du lịch. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để nhanh chóng đẩy mạnh loại hình du lịch này.
Theo Viện Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (GWI), du lịch CSSK là du lịch gắn liền mục đích duy trì hoặc nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân. Du lịch CSSK chính là sự kết hợp của hai hoạt động du lịch và CSSK.
Du khách lựa chọn loại hình du lịch này nhằm tìm kiếm những dịch vụ giúp thư giãn, nghỉ ngơi, xóa bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản. Khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, nhu cầu được giải tỏa của con người ngày càng cao thì thị phần du lịch CSSK cũng vì thế càng rộng mở. Đây là loại hình đã phát triển phổ biến ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Việt Nam sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ; hơn 400 nguồn nước khoáng nóng tự nhiên; hệ thống cây dược liệu phong phú; số lượng chùa, tịnh xá, thiền viện đồ sộ; cùng nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng… được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch CSSK. Những năm qua, nhiều nguồn suối khoáng nóng tại nước ta đã được đưa vào khai thác, phục vụ du khách như Quang Hanh (Quảng Ninh), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Kênh Gà (Ninh Bình), Kim Bôi (Hòa Bình), Thanh Thủy (Phú Thọ), Núi Thần Tài (Đà Nẵng), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch gắn với kết hợp duy trì và tăng cường sức khỏe như: yoga trên bãi biển, ngồi thiền, đạp xe trong rừng, massage trị liệu, thể dục dưỡng sinh, giảm cân… cũng đã bước đầu được các công ty khai thác, sử dụng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng tính trải nghiệm, khả năng chi tiêu của du khách.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch CSSK ở nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định: Các sản phẩm du lịch CSSK còn ít, chưa đa dạng; chưa có nhiều các cơ sở dịch vụ CSSK đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, tắm nước khoáng, tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều sản phẩm khai thác hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng… TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Hầu hết du khách trong nước và nước ngoài còn ít biết đến dịch vụ du lịch CSSK, việc tìm kiếm các dịch vụ này từ công ty lữ hành gần như rất khó khăn; thông tin trên các website còn hạn chế... Đáng lưu ý là chưa có đơn vị lữ hành nào liên kết với các nhà đầu tư quan tâm trực tiếp đến lĩnh vực này, do đó tính quảng bá chưa cao, chưa thu hút được du khách.
Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên nhân của thực trạng này là do Việt Nam chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết, cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch CSSK. Đây cũng là lý do hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch CSSK ở Việt Nam” vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức, nhằm tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy loại hình du lịch này có bước tiến bứt phá thời gian tới.
Cần chiến lược phát triển đồng bộ
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, du lịch gắn với CSSK sẽ là xu hướng của du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Theo GWI, loại hình này có thể đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm 7,5%, chạm mức doanh thu 919 tỷ USD năm 2020, chiếm 18% tỷ trọng du lịch toàn thế giới. Châu Á sẽ tiếp tục là thị trường hàng đầu của du lịch CSSK.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 có thể làm những số liệu thực tế thấp hơn so với dự báo nhưng nhu cầu và tỷ trọng đóng góp của loại hình này chắc chắn sẽ tăng lên, nhất là khi sự đe dọa của dịch bệnh khiến yêu cầu về CSSK toàn diện trở thành đòi hỏi cần thiết. Do đó, nếu không muốn bỏ lỡ thị phần du lịch nhiều tiềm năng này, Việt Nam cần có những giải pháp tổng thể để đưa du lịch CSSK phát triển dựa trên thế mạnh có sẵn.
Theo GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính, Chính phủ nên có chính sách, quy hoạch phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư Việt Nam và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu cho ngân sách; cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
ThS Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, cùng với nghiên cứu, điều tra toàn diện về tiềm năng, thực trạng và nhu cầu của thị trường du lịch CSSK tại Việt Nam để có chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cần tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở dịch vụ du lịch để hình thành các gói sản phẩm CSSK giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch. Hệ thống sản phẩm, dịch vụ phải phù hợp từng phân khúc thị trường khách theo độ tuổi, nền văn hóa và mang đặc thù riêng của Việt Nam để tạo khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Chẳng hạn, với sản phẩm du lịch CSSK gắn với suối khoáng nóng, theo TS Vũ Nam, Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch), ngoài việc khai thác triệt để các công dụng của suối khoáng nóng vào việc chữa bệnh, phục hồi, CSSK, còn có thể kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc, làm đẹp truyền thống khác mà Việt Nam sẵn có như spa sử dụng thảo dược thiên nhiên, tắm thuốc lá người Dao, xông hơi thảo dược trước khi tắm khoáng nóng…
Sự kết hợp này sẽ tạo ra nét khác biệt giữa sản phẩm du lịch CSSK của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Khi đã hình thành được sản phẩm thì việc quản lý chất lượng sản phẩm cũng quan trọng không kém. Bà Triệu Thị Hòa, Công ty lữ hành PYS cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của ngành du lịch và y tế để thẩm định chất lượng kỹ thuật liên quan các dịch vụ CSSK trong hoạt động du lịch.
Thêm một vấn đề được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là việc phát triển đội ngũ nhân lực đủ khả năng đáp ứng nhu cầu du khách khi tham gia loại hình du lịch mang tính đặc thù này. TS Đỗ Hải Yến, Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) nhận định: Nhân lực làm du lịch CSSK cần thời gian tích lũy kiến thức trước khi đưa vào sử dụng.
Vì thế, họ cần được tạo nguồn ngay thông qua công tác đào tạo, tập huấn để được trang bị về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khả năng ngoại ngữ liên quan các dịch vụ CSSK trong hoạt động du lịch… Ở Việt Nam, loại hình du lịch này vẫn còn khá mới. Chưa có nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác các sản phẩm đặc thù, phần lớn mới chỉ gắn vào hành trình nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Do đó, để xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch CSSK, ngành du lịch trên cơ sở xác định những sản phẩm cụ thể gắn với đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đến du khách trong nước và nước ngoài. Kế hoạch phát triển du lịch CSSK cần được xây dựng, thực hiện theo từng giai đoạn với các mục tiêu rõ ràng mới có thể bảo đảm sự phát triển hiệu quả, lâu dài và bền vững. (Nhân dân, trang 1)
Ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trước 15.10
Ngày 12.10, Bộ Y tế cho biết VN đã tiếp nhận 87 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu và viện trợ (riêng từ ngày 1 - 10.10 tiếp nhận 26,7 triệu liều), 81,7 triệu liều đã được phân bổ đến các địa phương.
Dự kiến từ nay đến cuối tháng 10, có 35 triệu liều sẽ về thêm; trong tháng 11 và 12 tiếp tục có hơn 65 triệu liều.
Về vắc xin cho trẻ em, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) đang xây dựng tài liệu tập huấn. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (tại trường học hay ở địa phương hoặc nơi lưu trú).
Trước ngày 15.10, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. (Thanh niên, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 2: “Chưa tiêm vaccine, trẻ em chưa được đi máy bay”
Phớt lờ các quy định phòng dịch
Từ sau ngày 1-10 đến nay, TPHCM đã nới lỏng nhiều hoạt động trong sự cân nhắc, cẩn trọng từng bước. Với một bộ phận bạn trẻ sau “kỳ nghỉ tại chỗ bắt buộc”, nay bung xõa hết mức, bất chấp nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh.
Đông đảo người trẻ đến quán xá dọc theo tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ vui chơi, bất chấp những quy định phòng dịch
Đông đảo người trẻ đến quán xá dọc theo tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ vui chơi, bất chấp những quy định phòng dịch
1. Ghi nhận vào hai ngày cuối tuần và đầu tuần vừa qua, tại khu vực công viên 30-4, khá đông người trẻ tụ tập “để hít khí trời”. Nhiều bạn tháo khẩu trang, ngồi san sát nhau trên ghế đá, vô tư trò chuyện. Vào chiều và tối, khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà cũng vui không kém ban ngày. Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng người, xe tập trung quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà - trước cổng Trường Tiểu học Hòa Bình đông nghịt dù chỉ mới hơn 19 giờ. Đa phần là thanh thiếu niên, đến đây vui chơi, dạo mát… Khi ăn uống, những bạn trẻ này tháo khẩu trang máng lên xe máy, hoặc kéo xuống cằm. Khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, họ nhanh chóng giải tán và tụ tập trở lại khi lực lượng chức năng rời đi.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ sau mấy tháng vắng lặng, nay hoạt náo trở lại, không thua kém là mấy so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Vào cuối tuần rồi, dòng người đông đúc, chen lấn hai bên phố đi bộ giống như sắp có lễ hội diễn ra. Nhiều bạn trẻ vô tư bỏ khẩu trang hút thuốc lá và trò chuyện cùng nhau. Một số xe hàng rong nay hoạt động trở lại. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong một thời gian ngắn mà có đến 3 lần lực lượng chức năng đến giải tán đám đông, nhưng quay đi quay lại, các nhóm bạn trẻ quay lại vui đùa, ăn uống, thậm chí nẹt pô xe inh ỏi.
Tối 11-10, dù trời mưa lớn, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thản nhiên ngồi trú mưa dưới mái hiên các tòa nhà, quán xá để ăn uống, nói chuyện rôm rả ở khu vực này. Một bạn trẻ cho biết: “Chơi chút về. Mai mốt đi học trở lại, đâu có rảnh như vầy đâu. Tụi em có đem theo cồn, cứ xịt xịt xung quanh chỗ mình đứng là an toàn thôi mà…”.
Trong thời gian này, TPHCM chỉ cho phép các hàng quán bán hàng mang về. Thế nhưng, một số hàng quán góc đường Huỳnh Thúc Kháng giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ bất chấp quy định. Khi thấy khách ngỏ ý muốn vào quán ngồi nhưng còn do dự vì số lượng người ngồi đông quá, một nam nhân viên trấn an: “Không sao, mấy bạn này sắp uống xong rồi”. Trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, quán cà phê nổi tiếng tên Ch., chấp hành quy định bán mang về, nhưng khu vực trước quán vẫn để xảy ra tình trạng nhiều bạn trẻ tụ tập, “check in” liên tục nhiều ngày qua.
2. Mua vội 2 ly cà phê cùng ít bánh ngọt từ một quán nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, bạn trẻ tên Tú chở bạn gái đến nóc hầm Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức để hàn huyên tâm sự. Tú hồ hởi cho biết: “Đã hơn 3 tháng, em và bạn gái chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại nên khi TPHCM nới lỏng giãn cách, tụi em tranh thủ gặp mặt nhau. Do hàng quán chưa cho khách ngồi ăn uống nên tụi em sang công viên này”.
Mới chỉ 16 giờ ngày đầu tuần, nhưng nóc hầm Thủ Thiêm đã có rất nhiều bạn trẻ tụ tập thành từng nhóm để hóng mát và chụp hình. Đoạn bờ kè ngắn sát mép sông Sài Gòn có hơn 20 đôi tình nhân trẻ chia nhau từng khoảng không gian để đậu xe, trò chuyện, nói cười rôm rả sau khoảng thời gian xa cách. Ăn theo nhu cầu, các xe đẩy hàng rong bán đồ ăn vặt cũng xuất hiện tại địa điểm này. Chị Bé (ngụ TP Thủ Đức) cho hay, từ đầu tháng 10, chị bắt đầu đẩy xe cá viên đi bán vào buổi chiều ở khu vực này và ngày càng có nhiều bạn trẻ đến hóng gió, chụp hình, ăn vặt. Không khí nhộn nhịp, đông đúc ở đây khiến nhiều người lầm tưởng TPHCM đã trở lại như những ngày chưa từng có dịch bệnh.
Cùng với nóc hầm Thủ Thiêm, cánh đồng diều dưới chân cầu Thủ Thiêm cách đó không xa cũng nhộn nhịp không kém. Đây được xem là chỗ hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi, là vị trí được nhiều nhóm bạn trẻ chọn để vui chơi mỗi chiều. “Do phải làm việc ở nhà trong thời gian dài giãn cách xã hội nên tôi cảm thấy bí bách, buồn chán. Khi thành phố nới lỏng giãn cách, tôi và bạn bè rủ nhau ra đây ăn uống, buôn chuyện, ngắm diều bay lượn một chút để giải phóng đầu óc”, Minh Thư (20 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) chia sẻ.
Đáng chú ý, với suy nghĩ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên nhiều bạn trẻ khá lơ là trong việc phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. Khẩu trang được vô tư kéo xuống cằm, vị trí ngồi san sát nhau, thoải mái nói chuyện vui vẻ... là hình ảnh thường thấy ở các khu vực này.
Tại công viên bờ sông đảo Kim Cương, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, nhiều hàng quán phớt lờ lệnh cấm và dịch bệnh, vẫn kê ghế sát nhau để khách ngồi ăn uống tại chỗ. “Hiện nay, hầu hết mọi người đều đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine nên tôi nghĩ thành phố đã khá an toàn, có thể nới lỏng một chút, thoải mái một chút sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt”, một bạn trẻ chia sẻ.
TPHCM đã nới lỏng giãn cách, từng bước đưa các hoạt động trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ở thời điểm này, thành phố vẫn là vùng dịch, vẫn có nhiều ca mắc Covid-19 mỗi ngày, nên việc bảo vệ bản thân và người xung quanh là rất cần thiết. Việc phớt lờ những quy định phòng dịch cần phải được chấn chỉnh để đảm bảo môi trường sống an toàn về lâu dài. (Sài Gòn giải phóng, trang 5)
Những mô hình làm nên hiệu quả chống dịch - Bài 1: Cách làm sáng tạo kéo giảm tỷ lệ tổn thất
Đầu tháng 8-2021, Đảng bộ, chính quyền TPHCM xác định chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 khi đang ở những ngày khốc liệt nhất. “Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa”, thành phố xác định tập trung vào chiến lược chăm sóc F0 tại nhà, F0 trong cộng đồng và chiến lược điều trị.
TPHCM đã đi qua thời kỳ khốc liệt nhất của dịch Covid-19, kể từ ngày 23-1-2021, thời điểm bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm đó, Việt Nam và cả thế giới chưa thể hình dung được sức tàn phá của dịch này trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Chúng ta đã có thời điểm loay hoay, nhưng đã nhanh chóng khắc phục và kiên cường chiến đấu. Nhìn lại chặng đường gian khó đó sẽ thấy rõ những bài học kinh nghiệm đắt giá, những sáng tạo linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong từng thời điểm khốc liệt nhất. Những mô hình chống dịch hiệu quả được xây dựng từ cơ sở cho đến những sáng tạo trong chăm sóc y tế, hay các mô hình chăm lo đời sống nhân dân, được vận hành đồng bộ, đã góp phần đưa thành phố đến ngày hôm nay - thời điểm sẵn sàng cho trạng thái “bình thường mới”.
Cùng nhìn lại những nét tích cực trong công tác chống dịch Covid-19 tại TPHCM trong loạt bài “Những mô hình làm nên hiệu quả chống dịch”.
Đầu tháng 8-2021, Đảng bộ, chính quyền TPHCM xác định chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 khi đang ở những ngày khốc liệt nhất. “Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa”, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM (khi đó chưa giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM) phát biểu ngày 3-8 và nhấn mạnh, thành phố xác định tập trung vào 2 trụ cột. Đó là chiến lược chăm sóc F0 tại nhà, F0 trong cộng đồng và chiến lược điều trị.
Từ trạm y tế lưu động đến chăm sóc F0 trực tuyến
“Vâng, trạm y tế lưu động phường 14 xin nghe. Bà mệt à? Rồi, bây giờ thở đều nhé, mở cửa sổ ra cho thoáng nhé, chúng con đến ngay”. Thượng úy Trần Quang Đức, thành viên Tổ quân y, Trạm y tế lưu động phường 14 (quận Gò Vấp, TPHCM) nhanh chóng lấy túi đồ nghề, bình oxy, cùng tình nguyện viên dẫn đường đến nhà một bệnh nhân 73 tuổi.
Đó là bệnh nhân quen thuộc của tổ quân y. “Bà cụ lớn tuổi, tình trạng ổn định, nhưng ở một mình không ai chăm sóc. Mình đến đo huyết áp, SpO2 đều ổn cả. Vấn đề là tâm lý lo sợ. Tổ quân y có mặt, không chỉ để bà yên tâm mà nếu bất ngờ chuyển nặng, mình cũng xử lý kịp. Dù là F0 nào, gọi hỗ trợ sáng hay đêm, quân y cũng lên đường”, Thượng úy Trần Quang Đức khẳng định.
Cuối tháng 9, phường 14 (quận Gò Vấp) có 300 F0, trong đó 200 F0 điều trị tại nhà, còn lại ở khu tập trung của phường. Hai trạm y tế lưu động theo dõi và cấp phát túi thuốc thường xuyên cho 300 F0 trên. Đó là sự san sẻ ý nghĩa với y tế địa phương. “Hơn 3 tháng qua, tôi và nhân viên không về nhà. Lực lượng Học viện Quân y trước đây và Quân khu 3 hiện tại đã cùng gánh vác trọng trách chăm sóc F0 với chúng tôi, đặc biệt là khâu cấp cứu”, bác sĩ Lê Hữu Cường, Trạm trưởng Trạm y tế phường 14 (quận Gò Vấp) tâm sự.
Trong khi đó, mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” đã có những quả ngọt khi thí điểm tại quận 10 và quận 8. Người phụ trách mô hình này - PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mô hình gồm Đội tư vấn và Đội cấp cứu ngoại viện. Đội tư vấn trực tuyến cho F0 hàng ngày, nâng đỡ tinh thần và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng. Khi F0 chuyển nặng, nhân viên lập tức báo đội cấp cứu ngoại viện. Xe cấp cứu đưa F0 đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1 sơ cấp cứu, nếu nặng sẽ chuyển tuyến. Có thời điểm, quận 8 có đến 131 tổ tư vấn, mỗi tổ phụ trách 60 F0 từ xa.
“Cách làm này tăng tối đa sự tiếp cận của F0 tại nhà với dịch vụ y tế, nhân viên y tế”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nhận định. Mô hình được Bộ Y tế và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá rất cao, chỉ đạo phải nhân rộng.
Tính đến ngày 23-9, TPHCM đang theo dõi cho 32.744 F0 cách ly điều trị tại nhà. Ngày 11-10, con số này là 17.839. Hơn 500 trạm y tế lưu động; 312 tổ phản ứng nhanh, tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng; 1.500 chuyên gia trong mạng lưới bác sĩ tư vấn, đảm bảo F0 được quản lý và điều trị an toàn tại nhà... đã được thành lập. Sở Y tế cấp phát 150.000 túi thuốc A và B, Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng virus) và mua thêm 200.000 túi thuốc, sẵn sàng khi lượng F0 tăng cao, đồng thời giảm áp lực hiệu quả cho bệnh viện thuộc tầng 2 và 3.
Từ tháp 3 tầng đến bệnh viện đa tầng
Tháng 9-2021, TPHCM có 90 cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19, theo mô hình tháp 3 tầng, điều trị cho trên 40.500 F0. Tầng 1 có 12 bệnh viện, tầng 2 có 68 bệnh viện, tầng 3 có 10 cơ sở (trong đó có 5 trung tâm - bệnh viện hồi sức thuộc Bộ Y tế). Tại tầng 3, có 3.268 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng. Nhờ phân tầng điều trị, nhân viên y tế được điều tiết, duy trì nguồn lực trong cuộc chiến trường kỳ.
Trong khi đó, Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình là một điểm nhấn khác biệt. Bệnh viện được thiết lập tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, hoạt động từ ngày 18-8, tích hợp đủ 3 tầng trong mô hình tháp điều trị. Bệnh viện có 1.000 giường, với 50 giường hồi sức và 150 giường bệnh nặng. Trong đó, Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách tầng 1, Bệnh viện quận Tân Bình phụ trách tầng 2 và Bệnh viện Thống Nhất phụ trách tầng 3. Khi F0 ở tầng 1 trở nặng sẽ chuyển lên tầng cao hơn, ở ngay trong 1 bệnh viện. Nhanh chóng và an toàn.
Bác sĩ Đặng Quốc Nghiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Tân Bình, khẳng định: “Nếu như trước kia Trung tâm Y tế Tân Bình và Bệnh viện quận Tân Bình hay có ca mắc Covid-19 tử vong vì không kịp chuyển tuyến, thì nay đã hạn chế được tối đa”. Sau hơn một tháng áp dụng, tỷ lệ tử vong tại quận Tân Bình từ 5% còn gần 3%.
Trong khi đó, 68 bệnh viện tại tầng 2 luôn duy trì cơ chế trao đổi, hội chẩn thông suốt với 5 trung tâm - bệnh viện hồi sức (thuộc tầng 3). Nhờ đó, bệnh nhân được chuyển viện ngay khi vừa trở nặng, ê kíp hồi sức sẵn sàng tiếp nhận, mang lại cơ hội sống cao nhất cho bệnh nhân và bớt mất sức nhất cho nhân viên y tế. ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định: “Việc phân tầng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Đơn cử như tầng 1 không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu. Còn tầng 3 sẽ trang bị đầy đủ ECMO, lọc máu… và đội ngũ y bác sĩ hồi sức tích cực”. Đặc biệt, nguồn oxy được đảm bảo, lắp đặt các bồn oxy cao áp tại bệnh viện dã chiến hay các hệ thống cung cấp oxy dòng cao… Oxy là mấu chốt khi điều trị bệnh nhân Covid-19.
Với hiệu quả từ chiến lược chăm sóc F0 tại nhà đến phân tầng điều trị, TPHCM đã bước đầu đạt được mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền thành phố cam kết trước nhân dân: Giảm số ca tử vong. Từ cuối tháng 9, con số tử vong giảm xuống dưới 200 ca mỗi ngày và liên tục đi xuống, chạm mốc 2 con số. Ngày 10-10, thành phố chỉ còn ghi nhận 73 ca tử vong vì Covid-19. Đồng thời, không xảy ra tình trạng F0 tử vong tại nhà, hoặc không được hỗ trợ y tế.
Hiện nay, số xuất viện từng ngày cao hơn hẳn số ca nhập viện, thậm chí là gấp đôi, chưa kể F0 khỏi bệnh tại nhà. Cần nhớ, vào cao điểm của dịch, thành phố liên tiếp ghi nhận 300 trường hợp tử vong mỗi ngày. Tùy từng thời điểm, chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của thành phố có những điều chỉnh, nhưng xuyên suốt, là đặt tính mạng nhân dân lên trên hết và trước hết. Sự linh hoạt trong các biện pháp và thận trọng trước những quyết sách của lãnh đạo thành phố, đã hạn chế những tổn thất cho người dân và kìm hãm phần nào sự khốc liệt của dịch Covid-19.
Ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ sự xúc động với tinh thần quyết tâm trụ vững, đẩy lùi dịch bệnh của các y bác sĩ tuyến đầu tại tâm dịch TPHCM. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Có lẽ tới thời điểm này, chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống. Để đạt được những kết quả đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, của ngành y tế nói chung và sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là hết sức quan trọng”. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Tiêm vắc xin COVID cho trẻ em từ cuối tháng 10: Những điểm cần chú ý
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cuối tháng này.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, dù số lượng và thời gian tiếp nhận vắc xin phụ thuộc nhà cung cấp, nhưng ngành Y tế đang chủ động chuẩn bị cả nhân lực và tổ chức để triển khai tiêm khi vắc xin về đến Việt Nam. Ông cho biết, do đang trong quá trình xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ nên chưa có những quy định cụ thể về tiêm vắc xin cho vị thành niên.
Dự kiến khi triển khai, có thể sẽ tiêm cho lứa tuổi 16-17, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn, vì quá trình triển khai tiêm, các chuyên gia và Bộ Y tế vẫn tiếp tục xem xét về an toàn của vắc xin khi tiêm cho trẻ.
Theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết, khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, nhân viên y tế sẽ theo dõi giống như tiêm các vắc xin phòng bệnh khác (sởi, viêm não, cúm mùa…) với các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.
“Với vắc xin Pfizer, liều tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi đang được hoàn thiện hồ sơ và dự kiến sẽ thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn”, ông Thái cho biết.
“Hồi đầu mới tiêm vắc xin phòng COVID-19, người dân được phát tờ theo dõi 7-18 ngày sau tiêm thì với trẻ em cũng vậy. Hiện tại, một số quốc gia ở châu Âu sau một thời gian cho tiêm vắc xin Moderna đã lại thu hồi, không cho tiêm nữa, nhưng một số nước vẫn dùng.
Nhiều nước hiện tại chỉ dùng vắc xin Pfizer cho trẻ em. Sắp tới có thể có vắc xin Abdala và một vắc xin khác cũng của Cuba đã được cấp phép khẩn cấp dùng cho trẻ em ở Cuba.
Hiện tại, Việt Nam chưa phê duyệt những vắc xin này cho trẻ em. Với những vắc xin khác theo dõi chặt thế nào thì vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ con cũng chặt như thế, thậm chí chặt hơn”, bác sĩ Thái nói.
Theo bác sĩ Thái, tiêm chủng có nhiều hình thức, nhưng nếu triển khai theo chiến dịch, sẽ không thực hiện tại bệnh viện mà tại trạm y tế xã, phường, trường học.
“Trẻ em không có vấn đề bệnh lý gì nặng nề cần phải tiêm ở bệnh viện”, ông nói.
Theo ông, mới đây có báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em dù rất hiếm gặp. Trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn.
Nếu có những hành động quá sức như chạy nhảy…, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, đây cũng là phản ứng cần được theo dõi, nhận biết sớm sau tiêm.
Có thể cho học sinh đến trường
Liên quan việc học sinh chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể trở lại trường học hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định: “Khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân, có thể cho trẻ đi học. Việc này vẫn tiềm ẩn rủi ro nên cần có quy định chặt chẽ về phòng chống dịch cho giáo viên, cha mẹ...”.
Theo ông, có thể cho học sinh đi học trở lại khi các em đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bất kỳ gia đình nào có thành viên bị sốt, ho, khó thở thì trẻ đều phải nghỉ học, khai báo y tế, khai báo với nhà trường.
“Khi đến trường, cần hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, để nếu chẳng may phát hiện một trường hợp F0 thì chỉ giới hạn trong lớp đó. Việc đo thân nhiệt cho trẻ cần thực hiện nhưng không để ùn ứ ở cổng trường”, ông Phu nói.
Bác sĩ Thái cho rằng, lúc này cho học sinh đến trường là có rủi ro nhưng không thể để trẻ ở nhà học trực tuyến mãi.
“Chúng ta chấp nhận khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt”, ông nói. Theo ông, việc cho trẻ con đi học trở lại liên quan kiểm soát dịch ở địa phương.
“Theo tôi, Hà Nội có thể cho đi học trở lại được nhưng phải có sự giám sát. Ví dụ như bất ngờ có ổ dịch nhỏ bung ra ở khu vực nào đó thì kiểm soát phải rất chặt để ngăn chặn tại cộng đồng”, bác sĩ Thái nói.
Bộ Y tế đã đàm phán với Công ty Pfizer (Mỹ) và thỏa thuận mua 20 triệu liều vắc xin dành cho trẻ 12-17 tuổi. Hiện các thủ tục để nhập khẩu lô vắc xin này như giấy phép khẩn cấp bổ sung, văn bản của Chính phủ cho phép mua sắm trong điều kiện đặc biệt… đều đã sẵn sàng. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi 12-17. (Tiền phong, trang 1)
Hà Nội sẽ triển khai phần mềm trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phòng chống Covid-19
Hà Nội sẽ triển khai các phần mềm trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng hiệu quả thẻ Căn cước công dân phục vụ quản lý dân cư, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid - 19 trong điều kiện bình thường mới.
Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ phát triển kinh tế
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Kế hoạch 225 về việc triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội trên địa bàn TP để thực hiện mục tiêu kép “kiểm soát bệnh tật, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội”, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Thủ đô.
Đồng thời, cần đảm bảo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP và các Kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Việc này nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Về các nhiệm vụ cụ thể, UBND TP Hà Nội giao CATP chủ trì đảm bảo cấp thẻ căn cước công dân cho tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn TP và tất cả công dân chưa đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân đều được nhận thông báo mã định danh cá nhân;
Phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các cấp duy trì và cập nhật đầy đủ thông tin công dân vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống";
Phối hợp với Sở Y tế, Sở TT-TT cập nhật thông tin tiêm chủng cho tất cả công dân trên địa bàn TP theo quy định của Bộ Y tế. Dữ liệu thông tin tiêm chủng, thông tin dịch tễ được cập nhật đầy đủ, kịp thời vào hệ thống quản lý của Bộ Y tế và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Triển khai các phần mềm trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng hiệu quả thẻ Căn cước công dân phục vụ quản lý dân cư, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid - 19 trong điều kiện bình thường mới.
Sở Công Thương phối hợp với CATP, Ban Quản lý khu công nghiệp chế xuất và các doanh nghiệp và UBND các cấp triển khai ứng dụng quản lý thông tin công dân trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với toàn bộ người lao động trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh.
CATP phối hợp với Sở Y tế, Sở GTVT và các đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm soát, quản lý thông tin công dân trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân, trước mắt triển khai thực hiện ngay thông qua ứng dụng VNEID hoặc truy cập trang Web http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trên điện thoại thông minh, máy tính có kết nối với camera tại cổng ra/vào nhằm kiểm soát các thông tin dịch tễ của công dân (tiêm chủng, khai báo tình trạng sức khỏe, nguy cơ liên quan đến ca bệnh) tạo sự di chuyển an toàn, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Sở TT-TT tổ chức tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, sử dụng mã QR code cá nhân trong quá trình kiểm soát của cơ quan chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ xã hội.
Sở LĐ-TB&XH sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP.
Bảo hiểm xã hội TP, Cục thuế TP, Sở KH-ĐT bảo đảm kết nối, cập nhật thông tin của Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội, Cơ sở dữ liệu người nộp thuế, Cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư...
UBND TP Hà Nội giao CATP phối hợp với các đơn vị tham mưu, thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn TP. Trong đó, Chủ tịch UBND TP là Trưởng Ban Chỉ đạo; Giám đốc CATP là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Sở Y tế, Sở TT-TT, Sở Tư pháp là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo... (An ninh Thủ đô, trang 6)
Địa phương nào tiêm chậm sẽ bị điều chuyển vaccine cho nơi khác
Bộ Y tế vừa gửi công điện đến Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19.
Theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Tại công điện, Bộ Y tế nêu rõ: Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm tiêm, Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho địa phương khác có tiến độ tiêm chủng nhanh hơn và khi đó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (Công an Nhân dân, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Địa phương nào tiêm chậm sẽ bị điều chuyển vaccine Covid-19 cho nơi khác”
Tặng Bằng khen của Thủ tướng cho một số tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng chống COVID-19
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký các Quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Quyết định số 1698/QĐ-TTg nêu rõ: Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 31 tập thể và 23 cá nhân thuộc Bộ Công an đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Quyết định số 1692/QĐ-TTg, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Theo Quyết định số 1700/QĐ-TTg, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 cá nhân được tỉnh Bình Dương đề nghị khen thưởng đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Người bệnh không phải chi trả xét nghiệm COVID-19 khi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế công lập
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân.
Tối 10/10, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, có thông tin rõ ràng, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế, ngày 28/9/2021, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 8157/BYT-KHTC đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Trước đó ngay đầu tháng 5 khi đợt dich thứ 4 bùng phát, tại Công điện số 615 ngày 7/5/2021 và công điện số 628 ngày 10/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã quy định đối với người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH ngày 29/4/2021;
Các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân;
Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Khởi tố nam thanh niên trốn cách ly đi uống rượu
Ngày 12-10, Công an huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Văn Khánh, 29 tuổi, trú tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc để điều tra về hành vi 'chống người thi hành công vụ'.
Theo điều tra ban đầu của Công an huyện Ngọc Lặc, khoảng 20h30 ngày 6-10, tổ giám sát cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 của xã Minh Tiến phát hiện Bùi Văn Khánh - là công dân từ vùng dịch ở các tỉnh phía Nam về địa phương, thuộc diện phải cách ly tại gia đình - đã tự ý bỏ trốn sang xã Minh Tiến để uống rượu.
Khi bị tổ giám sát cộng đồng của xã Minh Tiến yêu cầu trở về nhà để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, Khánh không chấp hành mà còn có hành động chống đối, dùng dao dọa chém các thành viên tổ công tác.
Ngay sau đó, tổ công tác đã khống chế, tước dao và lập biên bản vụ việc Khánh tự ý rời khỏi nơi cách ly. Trong khi bị lập biên bản, Khánh tiếp tục có hành vi chống đối và xé nát tờ biên bản. (Tuổi trẻ, trang 5).