Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện Việt Đức tìm người sẵn sàng ghép đầu; Vụ để lọt chất thải y tế độc hại ra thị trường: Chấm dứt hợp đồng và kỷ luật 5 cá nhân vi phạm; Chuỗi ngày hội hiến máu tình nguyện; Công tác y tế phục vụ Ðại hội Ðảng lần thứ XII đã sẵn sàng...

Bệnh viện Việt Đức tìm người sẵn sàng ghép đầu

Thông tin đặc biệt này được ông Trịnh Hồng Sơn, PGĐ Bệnh viện Việt Đức cho biết tại buổi sinh hoạt khoa học sáng nay, 12-1. Theo ông Sơn, hiện tại Mỹ và Italy đã có những ê kíp thầy thuốc chuẩn bị hoàn tất về kỹ thuật ghép đầu, chỉ chờ chế tác xong con dao đặc biệt trước ghi tiến hành ghép đầu chính thức vào 2017. VN cũng đang rất mong đợi thực hiện kỹ thuật này. Ngay thời điểm này, ông Sơn cho biết đang tìm những người bị liệt toàn thân nhưng não bộ hoàn toàn minh mẫn để có thể tham gia các ca ghép. Các bộ não còn minh mẫn này sẽ được ghép với thân của người chết não.

Nếu có người ghép và khi thế giới đã tiến hành ghép đầu người, ông Sơn cho biết về mặt khoa học, việc mời cả ê kíp thầy thuốc quốc tế tới thực hiện ca ghép là hoàn toàn có thể.

Cũng theo ông Sơn, hiện tại các nhà khoa học quốc tế đã ghép thực nghiệm được đầu chuột, với con người thì chỉ có thể ghép khi kỹ thuật đã hoàn hảo. Ông Sơn cũng cho rằng các ê kíp thầy thuốc quốc tế (nhóm cao nhất có tới 150 người/ê kíp) đã thực nghiệm kỹ thuật này trong vòng 2 năm. Điểm khó khăn của kỹ thuật là trao đổi oxy cho bộ não trong thời gian chuyển phần đầu sang người được ghép.

* Cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm quốc gia điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người cho biết hiện trên mạng xã hội xuất hiện một địa chỉ Facebook có tên là “Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam”.

Địa chỉ này đã có gần 1.000 người like và đang đưa nhiều thông tin về việc đăng ký hiến tạng như cách đăng ký hiến tặng mô tạng, trên phần bình luận của mỗi lần cập nhật thông tin, có rất nhiều người trao đổi về chuyện cần bán thận, cần mua thận nhóm máu A, O, hay hỏi mua lá gan…

Theo ông Phúc, hiện Trung tâm quốc gia điều phối hiến ghép mô tạng và cơ thể người chưa tiếp xúc với bất kỳ người nào từ Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam. Tổ chức này cũng không cung cấp dữ liệu người đăng ký hiến mô tạng cho trung tâm, nên ông không biết các thông tin người hiến sẽ được chuyển đi đâu.

Ông Phúc cho biết hiện tại Việt Nam chỉ có 2 địa chỉ duy nhất ghi nhận đơn đăng ký hiến tặng mô tạng và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng là Trung tâm quốc gia điều phối hiến tặng mô tạng, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Người có mong muốn được hiến tặng mô tạng có thể gọi điện về số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm là 0915060550, hoặc gửi thư về địa chỉ email gheptang@vncchot.com để được tư vấn. Trường hợp ở xã, ông Phúc đề nghị gửi thư kèm ảnh 3x4, bản sao CMND hoặc hộ chiếu, trung tâm sẽ liên lạc, tư vấn và gửi thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng qua bưu điện. Người ở gần có thể đến trực tiếp Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Bệnh viện Việt Đức để đăng ký (Tuổi trẻ trang 14).

Vụ để lọt chất thải y tế độc hại ra thị trường: Chấm dứt hợp đồng và kỷ luật 5 cá nhân vi phạm

Trước thông tin chất thải y tế độc hại của Bệnh viện Bạch Mai được tái chế rồi bán ra ngoài cho các cơ sở chế biến được đăng tải trên báo Lao Động, ngày 12.1, Hội đồng kỷ luật của bệnh viện đã họp và đưa ra các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm. Theo đó, xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo, cắt thu nhập tăng thêm 6 tháng, cắt toàn bộ các danh hiệu thi đua năm 2016, kéo dài thời gian nâng bậc lương 6 tháng đối với PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn do chưa sâu sát trong công tác quản lý, giám sát các quy trình; tự ý triển khai thử nghiệm quy trình xử lý chất thải y tế nguy hại khi chưa báo cáo, chưa được bệnh viện và các cơ quan chức năng cho phép. Xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo, cắt thu nhập tăng thêm 12 tháng, cắt toàn bộ các danh hiệu thi đua năm 2016, kéo dài thời gian nâng bậc lương 6 tháng đối với ông Nguyễn Huy Nam, nhân viên tổ quản lý chất thải khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

Xử lý kỷ luật hình thức khiển trách, cắt thu nhập tăng thêm 6 tháng, cắt toàn bộ các danh hiệu thi đua năm 2016, kéo dài thời gian nâng bậc lương 3 tháng đối với kỹ sư Vương Thanh Thủy, viên chức tổ quản lý chất thải khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thời gian thi hành kỷ luật đối với 3 cá nhân trên là 12 tháng kể từ tháng 1.2016. Nếu cá nhân tiếp tục vi phạm bất cứ hình thức nào sẽ phải nhận kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc với lí do không tuân thủ quy trình xử lý chất thải y tế theo quy định của bệnh viện. Riêng đối với ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Đỗ Thị Bích Hà, nhân viên hợp đồng của Khoa Kiểm soát – Nhiễm khuẩn bị xử lý kỷ luật chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo GS. TS Ngô Qúy Châu, ngay sau khi nắm bắt thông tin do báo Lao Động phản ánh, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã triệu tập họp khẩn yêu cầu PGS. TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát – Nhiễm khuẩn báo cáo rõ toàn bộ sự việc trước Ban Giám đốc cùng lãnh đạo các đơn vị có liên quan. Đồng thời bệnh viện đã cử ngay 1 đoàn công tác do GS. TS Ngô Quý Châu làm trưởng đoàn xuống khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy trình, quy định của bệnh viện trong công tác xử lý chất thải y tế và đã yêu cầu Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phải dừng ngay hoạt động nghiên cứu thử nghiệm xử lý chất thải y tế nguy hại khi chưa báo cáo cũng như chưa được Bệnh viện và cơ quan chức năng cho phép (Lao động trang 3).

Chuỗi ngày hội hiến máu tình nguyện

Chiều 12/1, báo Tiền Phong họp báo giới thiệu sự kiện Chủ nhật Đỏ năm 2016. Điểm đặc biệt của Chủ nhật Đỏ lần thứ 8 là sự tham gia của 22 tỉnh, thành phố trên cả nước với 40 điểm hiến máu tình nguyện diễn ra trong gần 1 tháng. Chủ nhật Đỏ ngày càng vững mạnh, có sức lan tỏa và phát triển qua mỗi năm, trở thành chuỗi ngày hội hiến máu tình nguyện được xã hội đánh giá cao.

Lan tỏa rộng khắp

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức Chủ nhật Đỏ năm 2016 cho biết, từ một ngày Chủ nhật Đỏ duy nhất năm 2009 đến nay, sự kiện mang đậm tính nhân văn này đã trở thành những ngày hội lớn để hàng vạn người thể hiện nghĩa cử cao đẹp, san sẻ những giọt máu trong chính huyết quản của mình cho người bệnh, cho đồng bào của mình. Qua 7 lần tổ chức, từ một điểm hiến máu duy nhất tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2015, Chủ nhật Đỏ đã lan rộng đến 18 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu về 18.000 đơn vị máu.

Không ngừng lớn mạnh, năm 2016, với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Chủ nhật Đỏ tiếp tục nhận được quan tâm của các bộ, ban, ngành. Đặc biệt là sự vào cuộc của 22 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,  Khánh Hòa, Đắk Lắk. Điểm mới là năm nay có 1 đơn vị Quân đội tham gia là Học viện Hậu cần; đồng thời Công an Hà Nội cũng vừa kết nối với Ban tổ chức chương trình để có thể kịp tham gia Chủ nhật Đỏ 2016. Báo Tiền Phong không chỉ là đơn vị khởi xướng Chủ nhật Đỏ mà còn làm nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc hơn là tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ cho phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước, tiếp tục nỗ lực thay đổi nhận thức một bộ phậnnhân dân vẫn còn ngại ngùng, định kiến trước việc hiến máu. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ này, đến nay, Chủ nhật Đỏ đã lớn mạnh, được sự ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên và đóng góp đáng kể vào phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước.

Ngày hội chính của chuỗi Chủ nhật Đỏ sẽ được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, bắt đầu từ 7h30 phút ngày 17/1/2016, với sự phối hợp tổ chức và hỗ trợ mạnh mẽ của nhà trường và Thành Đoàn Hà Nội. Dự kiến sẽ có sự tham dự của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, các bộ, ngành, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia,  thành phố Hà Nội, các đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và hàng ngàn học sinh, sinh viên, người tình nguyện.

Góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cho biết, hiện nay lượng máu dự trữ trong kho chỉ còn đáp ứng được tối đa là 7 ngày, nếu dùng nhiều chỉ có thể 4 ngày sẽ cạn máu. Tình trạng khan hiếm máu bắt đầu xuất hiện từ sau Tết Dương lịch và sẽ kéo dài đến qua Tết Nguyên đán. Vì thế, sự kiện ý nghĩa này không chỉ là cơ hội để hàng vạn đoàn viên, thanh niên tiếp tục thể hiện tinh thần thiện nguyện vì người bệnh, mà còn góp phần đem lại hàng ngàn đơn vị máu cứu chữa kịp thời cho người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán. GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận định: “Chủ nhật Đỏ đã trở thành chuỗi ngày hội lớn và mang tính xã hội cao, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu tại các bệnh viện”.

Bên cạnh hoạt động trọng tâm là hiến máu tình nguyện, trước ngày hội hiến máu, Ban Tổ chức sẽ đi thăm và tặng quà các bệnh nhân ở Hà Nội và một số tỉnh, thành. Chương trình còn nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các ca sĩ, nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, hoa hậu, người đẹp tham dự, cổ vũ và hiến máu.

Cho đến thời điểm này, Chủ nhật Đỏ đã được tổ chức 3 đợt ở TPHCM (trong các ngày 27/12/2015, 3/1, 9/1/2016), thu được 2.700 đơn vị máu. Một số điểm ở Bắc Ninh, Nam Định cũng đã tổ chức. Cao trào sẽ diễn ra từ nay cho đến ngày 28/1/2016 mà đỉnh điểm là các ngày 16 và 17/1, khi có hàng chục, tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức. Chỉ tiêu của Chủ nhật Đỏ lần thứ 8 năm 2016 là huy động từ 18.000- 20.000 đơn vị máu.

Những con số chứng tỏ sức sống, sự lan tỏa và phát triển vững mạnh của tinh thần nhân văn trong ngày Chủ nhật Đỏ đã chạm đến trái tim của những người tham gia hiến máu. Trong lần thứ 8 này, Chủ nhật Đỏ tiếp tục phát huy tính nhân văn, sự sẻ chia, thương cảm trong mỗi con người để từ đó những giọt máu thiện nguyện có thể giúp hồi sinh những phận người đang khắc khoải chờ máu (Tiền phong trang 8).

Công tác y tế phục vụ Ðại hội Ðảng lần thứ XII đã sẵn sàng

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống chiều ngày 12/1, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Y tế phục vụ Đại hội (ĐH) Đảng lần thứ XII cho biết, đến thời điểm này công tác tổ chức phục vụ y tế và chăm sóc sức khỏe các đại biểu, khách mời tham dự ĐH Đảng khai mạc vào tuần tới tại Hà Nội đã sẵn sàng.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, ĐH Đảng lần thứ XII là một sự kiện chính trị lớn của đất nước, do đó đảm bảo tốt nhất công tác y tế phục vụ ĐH là mục tiêu quan trọng mà Tiểu ban Y tế phục vụ ĐH luôn xác định nhằm góp phần vào thành công của ĐH. Để làm được việc này hiệu quả, ngay từ cách đây vài tháng, Bộ Y tế đã thành lập Tiểu ban Y tế phục vụ ĐH và lên kế hoạch phân công, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan chuẩn bị công tác y tế; đồng thời yêu cầu ngành y tế TP. Hà Nội xây dựng phương án, kế hoạch triển khai công tác y tế phục vụ ĐH.

Theo đó, không chỉ những lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và chuẩn bị kịp thời các phương án y tế khi có tình huống xảy ra mà tất cả các lĩnh vực liên quan đến công tác đảm bảo y tế phục vụ ĐH Đảng đều được Tiểu ban y tế yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, riêng các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo ATVSTP và bố trí sẵn sàng các đội cấp cứu, các BV để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, được Tiểu ban y tế chú trọng hơn nhằm đảm bảo công tác y tế đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, trước và trong thời gian diễn ra ĐH, Tiểu ban y tế đã yêu cầu các đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo ATVSTP phải thực hiện đầy đủ 3 bước từ khâu thu mua thực phẩm trước khi chế biến đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các địa điểm phục vụ ăn, nghỉ cho đại biểu. Với công tác phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, dập dịch triệt để tại các ổ dịch...

Về công tác ứng cứu y tế, Tiểu ban Y tế phục vụ ĐH Đảng dự kiến bố trí 15 tổ y tế phục vụ tại các điểm có đại biểu họp, nghỉ suốt 24/24 giờ. Mỗi tổ y tế sẽ có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết. Ngoài ra, Tiểu ban Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa bố trí các giáo sư đầu ngành thường trực hỗ trợ khi có yêu cầu cần thiết; bố trí nhân lực, thuốc, trang thiết bị để xử trí các trường hợp cấp cứu và chuẩn bị đội cấp cứu lưu động để ứng cứu trong trường hợp xảy ra các tình huống khẩn cấp...

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, chiều ngày 13/1, tại Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế phục vụ ĐH Đảng lần thứ XII sẽ tổ chức lễ ra quân và kiểm tra tính sẵn sàng phục vụ công tác y tế của các tổ y tế đã phân công.

Trong đợt kiểm tra về công tác y tế chuẩn bị phục vụ ĐH Đảng của Bộ Y tế mới đây, Ban tổ chức ĐH do đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Phó Trưởng ban tổ chức TW làm trưởng đoàn đã đánh giá rất cao sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của Bộ Y tế (Sức khỏe & Đời sống trang 3).

Việt Nam chủ động phòng chống dịch bệnh do virus ZIKA

Ngày 12/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết bệnh do virus ZIKA tiếp tục ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của virus ZIKA là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Thời gian ủ bệnh thường từ 3-12 ngày. Bệnh được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng ZIKA của Uganda. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus ZIKA có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng. Do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus ZIKA. Cục Y tế dự phòng khẳng định Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus ZIKA. Tuy nhiên, Việt Nam lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - là muỗi truyền virus ZIKA. Đồng thời, hiện nay virus ZIKA đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á - nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên loại virus này có nguy cơ xâm nhập và lan truyền tại nước ta.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến và nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Hiện nay, bệnh do virus ZIKA chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắcxin phòng bệnh. Vì vậy, biện pháp hiệu quả để phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy. Để chủ động phòng chống bệnh do virus ZIKA xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; đặc biệt không tự ý điều trị tại nhà. Người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Đồng thời, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngoài ra, người dân thường xuyên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch (Vietnamplus.vn, Gia đình & Xã hội trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang