Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/12/2019

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề xuất lập cơ quan giám định BHYT độc lập; Gần 900 người chết vẫn thanh toán BHYT: Lỗi phần mềm hay gian lận, trục lợi?; Ứng dụng ‘Trợ lý bác sĩ’ sử dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam; Nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát…

 

Bộ Y tế đề xuất lập cơ quan giám định BHYT độc lập

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế đưa ra đề xuất thành lập cơ quan giám định bảo hiểm y tế (BHYT) độc lập, tách khỏi cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay. Theo đó, nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám viên sẽ do Bộ Y tế ban hành hoặc giữ như hiện nay nhưng Bộ Y tế quy định nội dung, cách thức giám định, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên.

Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia, quy định cụ thể về số lượng thành viên, thành phần (đại diện các bên liên quan), quy định nhiệm vụ của Hội đồng. Chính phủ quy định chi tiết quy chế hoạt động của Hội đồng.

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), việc tổ chức hệ thống giám định BHYT sẽ đảm bảo thực hiện nghiệp vụ giám định một cách minh bạch, khách quan, độc lập, trách nhiệm giải trình; còn tổ chức Hội đồng tư vấn quốc gia sẽ giúp cơ quan quản lý triển khai Luật BHYT đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận, phù hợp thực tiễn.

Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết, Bộ sẽ bổ sung quyền lợi BHYT cho người tham gia như sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, quyền lợi này chưa được BHYT chi trả.  

Bộ cũng đề xuất cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động là cơ sở cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, không quy định phải thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt trên 88% dân số. Đặc biệt, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được đảm bảo do liên tục có sự điều chỉnh về danh mục, điều kiện, tỉ lệ thuốc, vật tư y tế, danh mục dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân..

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, lợi dụng chính sách BHYT vẫn tồn tại. Một số hình thức lạm dụng dịch vụ y tế như  áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thống kê tổng hợp các chi phí sai quy định như thống kê trùng các dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, hóa chất đã có trong cơ cấu giá; chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang, thăm dò chức năng) quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh; chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú. Thậm chí thực hiện mua sắm vật tư y tế, hóa chất sử dụng cho các dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định của pháp luật. Có trường hợp yêu cầu người bệnh phải tự chi trả chi phí thuốc đã có trong danh mục BHYT nhưng đơn vị không cung cấp được do công tác đấu thầu, mua sắm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế không đảm bảo tính pháp lý. Cụ thể, người thực hiện chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.  (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Gần 900 người chết vẫn thanh toán BHYT: Lỗi phần mềm hay gian lận, trục lợi?

Bộ Y tế cho biết đã có 826 trường hợp sau chết vẫn phát sinh 1.780 lượt KBCB bằng BHYT, với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng.

Trong văn bản phúc đáp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam về thông tin phát sinh chi phí khám bệnh chữa bệnh (KBCB) bảo hiểm y tế (BHYT) sau khi chết, Bộ Y tế cho biết đã có 826 trường hợp sau chết vẫn phát sinh 1780 lượt KBCB bằng BHYT, với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong công văn số 4043/BHXN-CSYT ngày 28/10/2019 báo cáo tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam cho biết sau khi kiểm tra, xác minh có thêm 58 trường hợp vi phạm, phát sinh 67 lượt KBCB sau khi tử vong với tổng chi phí từ BHYT hơn 59 triệu đồng.

Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của 53/59 Sở Y tế, 12 cơ sở y tế trực thuộc các bộ, ngành. Trong đó có thông tin của 650/826 trường hợp, 176 trường hợp còn lại chưa có thông tin.

Theo Bộ Y tế, tổng hợp kết quả kiểm tra, xác minh thông tin của 650 trường hợp có phát sinh chi phí KBCB BHYT sau khi chết, Bộ nhận thấy, lỗi của nhân viên cơ quan BHXH hoặc bưu điện (đại lý của BHXH) là 575/650 trường hợp, chiếm 88,46%.

Cụ thể, nhân viên nhập sai dữ liệu thông tin hoặc phần mềm tự động “nhảy” về ngày đầu tiên (ngày 1) của tháng về ngày chết của bệnh nhân, dẫn đến khi thống kê trên phần mềm cho thấy phát sinh chi phí KBCB BHYT sau chết, hoặc lỗi do cơ quan BHXH đồng bộ sai mã số BHXH của người còn sống với người đã chết.

Trong bảng danh sách 826 trường hợp nói trên có thể thấy rất nhiều trường hợp sau khi chết vẫn tiếp tục được KBCB vài chục lần và thanh toán BHYT với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Tại tỉnh Bắc Giang có tới 89 trường hợp có dấu hiệu gian lận. Hà Nội có 70 trường hợp, trong đó có bệnh nhân mất ngày 12/12/2017 vẫn tiếp tục được KBCB 8 lần với chi phí gần 45 triệu đồng.

Thanh Hóa là tỉnh có đông bệnh nhân nhất với 145 trường hợp đã chết vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT, trong đó bệnh nhân B.V.Th, mất ngày 1/12/2018 nhưng vẫn trong danh sách KBCB 3 lần với số tiền được BHYT thanh toán gần 140 triệu đồng.

Hay như bệnh nhân Đ.H.N mất ngày 23/7/2016 lại có tới 25 lần KBCB bằng BHYT hết hơn 73 triệu đồng. Một trường hợp khác là bệnh nhân H.T.TH ở tỉnh Vĩnh Phúc có 18 lần phát sinh chi phí KBCB với tổng số tiền hơn 155 triệu đồng…

Bộ Y tế cho hay, khi kiểm tra danh sách, trong 89 trường hợp có 86 bệnh nhân có ngày mất là ngày đầu tháng, sai thông tin so với trích lục khai tử. Bộ Y tế cho rằng có sai sót này là do lỗi nhân viên y tế thao tác sai phần mềm HIS hoặc lỗi trong quá trình trích chuyển dữ liệu dẫn đến sai thông tin KBCB của bệnh nhân là 16/650 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,46%.

Ngoài ra, một lý do nữa được ngành Y tế nhận định là lỗi do BHXH Việt Nam đã thống kê nhầm dữ liệu BHXH của tỉnh khác 11/650 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,69%. Bộ Y tế dẫn chứng: “Theo báo cáo số 2905/BC/SYT của sở y tế Bến Tre ngày 24/10/2019 cho biết: Sở Y tế kiểm trá xác minh thông tin KBCB của 36 trường hợp theo danh sách, trong đó có 31 lượt điều trị tại cơ sở KBCB BHYT với thời gian điều trị, kết quả điều trị chi phí phát sinh cụ thể theo danh sách đính kèm. Các trường hợp còn lại không có trên hệ thống của cơ sở KBCB của tỉnh Bến Tre”. (Tiền phong, trang 6).

 

Ứng dụng ‘Trợ lý bác sĩ’ sử dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 12.12, Hệ thống y tế Vinmec, Bệnh viện Phổi T.Ư và VinBrain đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác và triển khai ứng dụng “AI Trợ lý bác sĩ trong  chẩn đoán hình ảnh ”.

Đây là phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo  (AI) đầu tiên tại VN, kết hợp với công nghệ thị giác máy tính và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh.

Theo thỏa thuận hợp tác, 3 đơn vị sẽ cùng nhau phát triển thu thập dữ liệu “vàng” cho ứng dụng “AI Trợ lý bác sĩ”, trong đó VinBrain sẽ cung cấp phương pháp, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng (phần mềm và phần cứng) để trích xuất, chuyển đổi và tải từ hệ thống bệnh viện đến Trung tâm dữ liệu của VinBrain nhằm mục đích phân tích, đánh giá và học sâu. (Thanh niên, trang 6).

 

Nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát

Rét đậm cùng với không khí ô nhiễm đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, khiến cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng.

 Miền Bắc đang phải đón nhận các đợt không khí lạnh mạnh tăng cường khiến nhiệt độ ở nhiều nơi xuống thấp, thậm chí ở vùng núi xuất hiện băng giá, sương muối. Thời tiết giá rét kéo dài, cùng với đó là hiện tượng nghịch nhiệt đêm lạnh, ngày hửng nắng đã làm không khí gia tăng ô nhiễm, với nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng rất cao. Rét đậm cùng với không khí ô nhiễm đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, khiến cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng.

Đổ bệnh vì giá rét

 Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở TP Hà Nội như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Thanh Nhàn, Xanh Pôn cho thấy số trẻ nhỏ được gia đình đưa tới khám, điều trị các bệnh do thời tiết giá lạnh gây ra đang có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương cùng với số trẻ bị sốt cao, tiêu chảy, viêm đường hô hấp thì có khá nhiều trường hợp mắc cúm mùa.

PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, hiện nay, tại Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của bệnh viện đang điều trị cho hơn 30 trẻ mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có trường hợp chỉ vài tháng tuổi đã mắc cúm biến chứng.

Theo bác sĩ Trần Minh Điển, dù bệnh sởi có xu hướng giảm nhưng số ca mắc rải rác vẫn xuất hiện. Bệnh viện đang điều trị cho gần 10 trẻ bị sởi biến chứng và đều chưa tiêm chủng. Tương tự, bệnh ho gà có xu hướng tăng, gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tháng tuổi do chưa tới tuổi tiêm chủng. 

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, số trẻ được đưa tới khám các bệnh về viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt cao... hơn 300 trẻ/ngày, tăng hơn 10% so với tháng trước. 
Thời tiết rét đậm cùng với không khí bị ô nhiễm cũng đang khiến nhiều người lớn đổ bệnh. Tại Bệnh viện Phổi trung ương ghi nhận khoảng 300 ca nhập viện/ngày, tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó. Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, cho biết, thời tiết chuyển lạnh cùng với ô nhiễm không khí thì phổi, đường hô hấp chính là cơ quan bị tác động trực tiếp, dễ cảm nhiễm và hay bị bệnh nhất với các bệnh phổ biến như: viêm phế quản cấp, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn.

Tiêm ngừa đầy đủ vaccine

 Đáng lo ngại hơn trong điều kiện thời tiết mùa đông xuân hiện nay cũng làm gia tăng nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Trong đó bệnh mắc nhiều nhất là sốt xuất huyết (SXH), với hơn 250.000 người mắc được ghi nhận trong vòng 12 tháng qua và so với cùng kỳ năm 2018, số người mắc SXH tăng hơn 300%. Tiếp đó cả nước cũng ghi nhận gần 85.000 người mắc tay chân miệng, hơn 41.000 người sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 8.200 trường hợp dương tính với sởi. Tại các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh như: bạch hầu, liên cầu heo ở người, viêm màng não do não mô cầu, ho gà, viêm não.

 Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa đông xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan như: bệnh đường hô hấp, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, giáp tết nên nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng. 

Để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh trong thời điểm mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi người: cần quan tâm, chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy,  ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp; đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ung thư vú nam, đừng chủ quan!

Những ai đang lầm tưởng ung thư vú chỉ xảy ra ở nữ giới đã đến lúc cần phải chú ý. Thống kê mới nhất cho thấy tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư vú nam đang có chiều hướng gia tăng.

Điều đáng lo ngại hiện nay là ung thư vú ở nam thường được chẩn đoán ở giai đoạn trễ hơn ung thư vú ở nữ bởi phần lớn đều có nhận thức rất chủ quan hoặc không biết là có bệnh. Nhiều người nghĩ rằng "ở nam không thể phát triển ung thư vú".

Nam giới muộn hơn nữ giới

Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, giống như nữ giới, nam giới bị ung thư vú có thể có thêm nguy cơ về nhiều loại bệnh ác tính khác. 

Trong một nghiên cứu với dữ liệu trên 3.400 bệnh nhân nam ung thư vú còn sống, có 12,5% phát triển loại ung thư thứ 2 như đường tiêu hóa, tụy, da, tuyến tiền liệt... Nam giới bị ung thư vú thường phải đối mặt với tâm lý trầm cảm, lo âu, giảm khả năng sinh lý...

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ phát hiện, thường các bệnh nhân nam ung thư vú chỉ quyết định đến bệnh viện thăm khám khi phát hiện bướu ở vú với kích thước khá lớn, từ 3-5cm, trong đó nhiều bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối khi đến khám lần đầu.

Mới đây, tại miền Bắc, một nam bệnh nhân 63 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) phẫu thuật lấy khối u ở vú trái, vét hạch nhóm I và II với mô bệnh học là ung thư biểu mô thể ống xâm nhập. Điều đặc biệt là khối u này đã tồn tại suốt 20 năm qua nhưng bệnh nhân chỉ khám, điều trị khi u đã cứng. "Ung thư vú ở nam ngày càng gia tăng. Không giống với nữ giới, nam giới bị ung thư vú thường muộn hơn nữ giới khoảng 10 năm" - bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, khoa ung bướu bệnh viện này, cho hay.

Biểu hiện... không đau

Hầu hết ung thư vú ở nam thường có biểu hiện với một khối chắc nằm dưới quầng vú, không đau. Vú trái thường bị ảnh hưởng nhiều hơn vú phải. Biểu hiện này có thể đi kèm với các thay đổi ở da như co kéo núm vú, loét hoặc khối bướu dính chặt vào da, mô bên dưới. 

Ở các trường hợp tiến triển xa thường được sờ thấy hạch nách. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là ung thư vú ở nam được chẩn đoán ở giai đoạn trễ hơn ung thư vú ở nữ bởi phần lớn đều có nhận thức chủ quan là "ở nam không thể phát triển ung thư vú".

Điều này dẫn đến việc thiếu đi thăm khám, tầm soát định kỳ khiến khối u di căn vào xương, phổi, gan, não... Thời gian sống trung bình từ khi phát hiện bệnh ở giai đoạn di căn là khoảng hơn 2 năm. "Sàng lọc ung thư vú ở nam không được thực hiện vì tỉ lệ mắc khá thấp trong cộng đồng. Thiếu hiểu biết, cùng với việc trì hoãn điều trị, kích thước khối u lớn dẫn đến tỉ lệ mắc, tử vong tăng cao" - BS Thành Vinh cho biết.

Hàng loạt nhóm nguy cơ

Theo các bác sĩ, ung thư vú ở nam có biểu hiện về sinh học giống với ung thư vú ở nữ. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt về mô bệnh học. Đó là ung thư biểu mô thể xâm nhập chiếm phần lớn trong ung thư vú ở nam, chiếm 84 - 94%. 

Ung thư thể ống, ung thư thể tiểu thùy của vú nam ít gặp hơn ở nữ. Trái lại, ung thư vú có yếu tố thụ thể nội tiết dương tính ở nam hay gặp hơn nữ. Cụ thể xấp xỉ 80% ung thư vú ở nam có thụ thể nội tiết dương tính. Vì vậy liệu pháp hormon có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư vú ở nam. Hiện nay có một thực tế là có rất ít thông tin về ung thư vú ở nam giới trong dịch tễ. Một nghiên cứu gần đây cho rằng một trong số các nguyên nhân gây ra ung thư vú ở cả nam, nữ là do sự thay đổi tỉ lệ hormone nội tiết. Ngoài ra, các yếu tố gây nguy cơ ung thư vú ở nam còn bao gồm hội chứng Klinefelter (tình trạng không phân li nhiễm sắc thể ở nam giới), tinh hoàn lạc chỗ, viêm hoặc chấn thương tinh hoàn, cắt tinh hoàn, dậy thì muộn, vô sinh... Một số nguy cơ khác xuất phát từ vấn đề chức năng gan, béo phì, sử dụng thuốc phiện, bệnh tuyến giáp, tia bức xạ... Đặc biệt, có khoảng 20-30% ung thư vú ở nam có nguy cơ từ các yếu tố gia đình.

Hiện nay khám lâm sàng được xem là "chìa khóa" trong việc đánh giá một cách dễ dàng khối u ở nam. Chọc tế bào, sinh thiết kim vào khối u hoặc sinh thiết mở lấy u là việc làm cần thiết được các bác sĩ thực hiện nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Ngoài ra, đối với các khối u này các bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ vú, đồng thời vét hạch nhóm I, nhóm II. Đối với nam bệnh nhân ung thư vú di căn hạch các bác sĩ sẽ sử dụng các loại hóa chất bổ trợ cùng một số loại thuốc ung thư, điều này giúp việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Việt Nam: Khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh mỗi năm

Bệnh viện E vừa tổ chức công bố quyết định thành lập Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E và bổ nhiệm TS.BS Đỗ Anh Tiến làm Trưởng khoa và cử nhân điều dưỡng Trương Thị Thủy làm Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta có khoảng 10.000 – 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh.

Bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ và có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện E, nhấn mạnh, việc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh và được điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ giảm những biến chứng, có cơ hội phát triển tốt hơn.

Kể từ khi ra đời đến nay, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E đã có những bước tiến vững chắc. Hiện đơn vị là một trong những cơ sở đi đầu cả nước trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (cả trẻ em và người lớn).

Trung tâm Tim mạch còn quy tụ những bác sĩ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm về điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Đây là một trong những lĩnh vực được Trung tâm tim mạch tập trung nghiên cứu, phát triển, áp dụng những kỹ thuật mới.

Hằng năm, tại Trung tâm Tim mạch đã có hàng trăm trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật và điều trị thành công bao gồm: bệnh lý thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch, teo van động mạch phổi…

Đặc biệt, các bác sĩ ở đây đã phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp thành công cho bệnh nhân nhi nhỏ tuổi nhất (8 giờ tuổi sau sinh bị đảo gốc động mạch) hay bệnh nhân nhi nhẹ cân nhất (chỉ nặng 1,7kg mắc hội chứng thiểu sản quai động mạch chủ). Tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật tim mạch là khoảng 95%...

Ngoài ra, để kịp thời phát hiện và điều trị sớm cho trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E còn thường xuyên tổ chức những buổi khám tầm soát tim mạch miễn phí dành cho trẻ em tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, hỗ trợ kinh phí cho những trường hợp bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân tài trợ tiền mổ tim cho các bệnh nhi nghèo.

Để có thể cứu sống các em, mọi phẫu thuật hoặc can thiệp đều được khuyến cáo thực hiện trong năm đầu đời với tỉ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, việc thực hiện phẫu thuật cho các em bị mắc tim bẩm sinh không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ không có nhiều.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Bệnh viện E quyết định thành lập Khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, với mong muốn nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được điều trị cũng như phát triển chuyên sâu và nâng cao chất lượng điều trị, phẫu thuật các bệnh tim bẩm sinh phức tạp. (Tuổi trẻ, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang