Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Thuế thuốc lá rất thấp khiến giới trẻ dễ nghiện; Bổ sung biện pháp xử phạt với cơ sở không kê khai giá thuốc, bán thuốc cao hơn giá kê khai; Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh về tâm thần; Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm dịp cuối năm…

 

Thuế thuốc lá rất thấp khiến giới trẻ dễ nghiện

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, hiện nay, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ở nước ta còn nhiều thách thức. Dù tỷ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc.

Tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán bar và một số nơi tập trung đông người. Trong khi đó, do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp nên các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, những năm gần đây việc sử dụng các loại điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa đang tăng nhanh, nhất là trong lứa tuổi học sinh gây nhiều mối nguy hại tới sức khỏe.

Trong khi đó, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chỉ rõ, đến nay Việt Nam chưa đạt tiến bộ đủ nhanh để hiện thức hóa các mục tiêu đã đặt ra của Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá và chương trình Việt Nam khỏe mạnh, cũng như Mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những lý do là thuế thuốc lá rất thấp, điều này làm cho những người trẻ tuổi dễ dàng bắt đầu hút thuốc và không tạo được quyết tâm cho những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc. Bên cạnh đó, tỷ lệ người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở mức báo động sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine, đe dọa phá hỏng những thành tựu Việt Nam đã đạt được thời gian qua. (Sài gòn giải phóng, trang 7).

 

Bổ sung biện pháp xử phạt với cơ sở không kê khai giá thuốc, bán thuốc cao hơn giá kê khai

Các cơ sở kinh doanh dược đã vi phạm từ 02 lần trở lên trong thời gian 01 năm sẽ bị tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ trong 3 tháng đến 1 năm…

Ngày 11-12-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP năm 2017 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh dược thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Theo đó, Nghị định đã bổ sung quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc trong việc thực hiện quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có quyền chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc trong các trường hợp: không thực hiện kê khai, kê khai lại; kê khai không đầy đủ giá thuốc theo quy định…; báo cáo không trung thực các yếu tố hình thành giá hoặc bán thuốc cao hơn giá đã kê khai hoặc kê khai lại đang có hiệu lực.

Đồng thời, xem xét áp dụng các biện pháp trong trường hợp cơ sở kinh doanh dược đã vi phạm từ 02 lần trở lên trong thời gian 01 năm: tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc; tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc chưa có Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam; tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp, gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thời hạn tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm này từ 03 tháng đến 12 tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo hành vi vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định cũng bổ sung quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược trong việc thực hiện quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc

Theo đó, Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, thông báo mức giá theo quy định; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc; chấp hành báo cáo về mức giá kê khai, kê khai lại theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước…

Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh về tâm thần

Ngày càng nhiều người trong độ tuổi 16-30 mắc bệnh về tâm thần, nguyên nhân chính đến từ áp lực công việc, học tập, gia đình, xã hội…

Tại Phòng khám ĐH Y Dược 1 TP.HCM, bệnh nhân LTN (nam, 18 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám trong tình trạng mất ngủ, đau dạ dày, không thể ngồi yên, hay bồn chồn, bất an không rõ lý do.

Áp lực từ chính gia đình

Bệnh nhân tâm sự vì áp lực thành tích học tập và sự kỳ vọng của gia đình nên thường học bài xuyên đêm, có sử dụng chất kích thích để duy trì sự tỉnh táo. Tình trạng này kéo dài hai tháng khiến bệnh nhân không chịu được và đi khám.

Trước đó, bệnh nhân từng mắc bệnh về tâm thần, phải điều trị bằng thuốc. Sau một thời gian, thấy tình hình sức khỏe tạm ổn nên bệnh nhân tự dừng uống thuốc. Đến nay, gặp áp lực từ việc học nên bệnh tái phát.

Trường hợp khác là bệnh nhân TTH (nữ, 24 tuổi, ngụ TP.HCM), được gia đình đưa đến khám sau khi tự tử không thành do bị trầm cảm nặng. Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân luôn bị áp đặt, quản lý chặt từ gia đình nên cảm thấy mất tự do, không được làm nhiều việc theo sở thích. Từ đó dẫn đến mất động lực sống, bị trầm cảm nặng.

Đỉnh điểm là khi gia đình định sẵn hôn sự, không cho con sự lựa chọn khiến bệnh nhân “tức nước vỡ bờ”, nghĩ quẩn rồi tự vẫn “để được giải thoát”.

NVA (nam, 24 tuổi), bệnh nhân mắc bệnh về tâm thần, đến khám về tâm thần tại BV Quân y 175 với triệu chứng lo lắng, mất ngủ, gặp ảo giác. Bệnh nhân A kể mình là con một nên được gia đình đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2021, sau khi nhập học tại một trường đại học có tiếng ở TP.HCM, do không theo kịp chương trình nên bệnh nhân buồn bã, thất vọng.

Thấy vậy, gia đình đã chuyển trường cho con nhưng bệnh nhân vẫn gặp khó khăn, không thể theo nổi. Suy nghĩ nhiều vì không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, tự cho rằng mình kém cỏi, bệnh nhân đã sử dụng bóng cười một thời gian dài.

Do tinh thần vẫn suy sụp nên gần đây bệnh nhân lén dùng ma túy tổng hợp và xuất hiện loạn thần, phải vào BV cấp cứu. Hiện bệnh nhân đã nghỉ học để tập trung điều trị.

Dễ nhầm nên hay khám “lạc” chuyên khoa

BS CKII Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám BV ĐH Y Dược 1 TP.HCM, cho biết hiện một số người vẫn quan niệm rằng người mắc bệnh về tâm thần là những người mất trí, không có ý thức… Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm.

“Khi thấy những người xung quanh có dấu hiệu như ít nói, hay thở dài, tránh sinh hoạt chung, lo lắng, nhạy cảm thái quá, gương mặt trầm buồn… là khi họ cần được quan tâm và giúp đỡ” - BS Khuyên nói.

Cũng theo BS Khuyên, không ít người mắc các bệnh lý về tâm thần bị nhầm lẫn với bệnh khác, dẫn đến đi khám “lạc” chuyên khoa. Chẳng hạn, với hội chứng rối loạn lo âu có thể xuất hiện mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp, đau dạ dày, tay run, người vã mồ hôi… thì người bệnh khi mất ngủ lại đi khám thần kinh; tim đập nhanh, hồi hộp lại đi khám tim mạch… Như vậy là vấn đề không giải quyết được tận gốc.

Theo Đại tá, BS CKI Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm khoa Tâm thần BV Quân y 175, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và tư vấn tâm thần tại BV Quân y 175 thời gian qua có tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là áp lực từ học tập của học sinh, sinh viên; áp lực mau giàu, sớm thành công với người đi làm; kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội của người trẻ chưa có sự cân bằng trong khi mặt trái của mạng xã hội không được kiểm soát…

Cũng theo BS Ca, bệnh tâm thần, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm có nhiều triệu chứng nên người bệnh hay đi khám các chuyên khoa khác nhau trước khi nghĩ đến khám tâm thần. Khoảng 15%-20% người bệnh do không thừa nhận hoặc mặc cảm bệnh nên đến khi bệnh đã nặng mới đến chuyên khoa tâm thần để thăm khám, điều trị.

“Để giữ tinh thần khỏe mạnh trước cuộc sống áp lực như hiện nay, người trẻ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vượt qua những áp lực từ xã hội và thay đổi của cuộc sống. Tăng cường hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý. Khi có cảm xúc bất lợi, hãy tìm chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ” - BS Ca khuyến cáo.•

Người bệnh không chịu đi khám, phải làm sao?

Với người bệnh không chịu đi khám, người thân có thể tranh thủ lúc người bệnh đang có một bệnh nào đó như đau đầu, đau chân hay đau bụng... thì đưa đến BV khám. Hoặc cũng có thể mời bác sĩ chuyên khoa tâm thần đến nhà nói chuyện với bệnh nhân như một người quen tình cờ đến chơi. Bác sĩ sẽ có cách tư vấn để bệnh nhân hợp tác.

Ngoài ra, người nhà có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần, kể cho bác sĩ nghe những triệu chứng, biểu hiện của bệnh nhân để bác sĩ có hướng chẩn đoán bệnh và kê toa thuốc điều trị. Sau đó, tìm cách cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

BS NGUYỄN VĂN HƯỜNG, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm thần BV Quân y 175. (Pháp luật TP. HCM, trang 12).

 

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm dịp cuối năm

Trước tình hình bệnh cúm gia cầm phức tạp ở Campuchia, Bộ Y tế lo ngại căn bệnh này gia tăng tại nước ta khi hoạt động buôn bán gia cầm cuối năm sôi động hơn.

Ngày 11-12, theo tin từ Bộ Y tế, cơ quan này đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Theo thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23-11 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot.

Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Tỉnh Kampot, Campuchia là tỉnh giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Do đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị, các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh. Đồng thời, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1).

Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Các cơ quan y tế, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch. (Pháp luật TP. HCM, trang 13, Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế gia hạn gần 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết 80 của Quốc hội, thời gian qua Cục Quản lý Dược và Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế đã nỗ lực tổ chức các đợt công bố gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Tính đến nay đã có gần 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn.

Đa dạng sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn

TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã có nhiều đợt ký quyết định công bố thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đã có gần 12.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Được biết các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, về việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản hoặc văn bản các cấp có thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 80, Bộ đã thực hiện rà soát 6 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Thông tư của Bộ Y tế và 5 Nghị quyết của Chính phủ.

Về giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định.

Trừ các trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược. Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược.

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi sửa đổi gì về quy định cấp giấy đăng ký và gia hạn thuốc giấy đăng ký lưu hành thuốc?

Liên quan đến vấn đề cấp giấy đăng ký và gia hạn thuốc giấy đăng ký lưu hành thuốc, tại dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2024, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 56 như sau:

Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc bao gồm:

Thứ nhất, hồ sơ hành chính bao gồm đơn đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập văn phòng đại diện còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam; bản gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc nhập khẩu còn thời hạn hiệu lực; mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thông tin về thuốc và các tài liệu khác về kinh doanh và lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trường hợp để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép lưu hành hợp pháp.

Thứ hai, hồ sơ kỹ thuật chứng minh thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 54 của Luật này; đối với thuốc mới, sinh phẩm tham chiếu, vaccine, thuốc cổ truyền có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành phải có thêm hồ sơ lâm sàng chứng minh đạt an toàn, hiệu quả; đối với sinh phẩm tương tự phải có thêm hồ sơ chứng minh tương tự về chất lượng, an toàn, hiệu quả so với một sinh phẩm tham chiếu; đối với thuốc có yêu cầu thử tương đương sinh học phải có thêm báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh học của thuốc;

Đối với thuốc mới sản xuất trong nước, trừ vaccine, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng, chỉ định với thuốc đã được cấp phép lưu hành tại một trong các cơ quan quản lý dược tham chiếu, khi nộp hồ sơ đề nghị đăng ký lưu hành cho phép được miễn nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng, an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi cấp phép;

Đối với thuốc nhập khẩu là thuốc mới sử dụng cho công tác phòng, chống dịch đã được cơ quan quản lý dược tham chiếu cấp phép lưu hành, khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho phép cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở tham chiếu, công nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược tham chiếu mà không phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất và không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật (chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng) trong hồ sơ đăng ký thuốc…

(Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế: Giám sát, lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm biến thể mới, phòng dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

Theo Bộ Y tế, hiện nay là giai đoạn vào mùa Đông Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Viện trưởng các Viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về việc tiếp tục chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1) tại một số quốc gia trong khu vực.

Hiện nay là giai đoạn vào mùa Đông Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó một số bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng…và một số bệnh có vaccine dự phòng vẫn ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Để tiếp tục chủ động công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đề nghị Viện trưởng các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur tập trung chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:

Thường xuyên, liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm; tiếp tục chủ động công tác giám sát; hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây từ động vật sang người; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng với mọi tình huống xảy ra của dịch bệnh.

Tăng cường hoạt động của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng (PHEOC); chủ động theo dõi thông tin dịch bệnh trong nước và quốc tế; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình, các yếu tố nguy cơ và đề xuất các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp với các tình huống xảy ra của dịch bệnh.

Trước đó, liên quan đến công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo (lưu ý) người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Hành hung nhân viên y tế có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi hành hung nhân viên y tế là vi phạm pháp luật, cần bị xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh. Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 cũng đã nêu rõ: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người hành nghề... tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật

Chỉ trong vòng 2 tuần nay đã có 2 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Quận 7 - TP HCM bị hành hung trong khi thi hành nhiệm vụ (một tại khoa cấp cứu bệnh viện và một tại hiện trường cấp cứu ngoài bệnh viện).

Trường hợp thứ nhất, vào lúc 23 giờ 15 phút, ngày 22/11/2023, ca trực đêm tại bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân tên N.T.T. nhập viện với vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế bệnh viện tiếp nhận, tư vấn khâu vết thương và được sự đồng thuận từ phía bệnh nhân. Tuy nhiên, người thân bệnh nhân không chịu ra ngoài để nhân viên y tế làm việc mà có những lời nói và hành vi chửi bới, nhục mạ, khiến bác sĩ L.T.P. buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu. Người nhà bệnh nhân N.T.T. sau đó đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ.

Trường hợp thứ 2, vào khoảng 17 giờ ngày 03/12/2023, Bệnh viện Quận 7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại quán nhậu trên đường 47, phường Tân Quy, Quận 7. Bệnh viện đã cử bác sĩ cấp cứu tới hiện trường, tuy nhiên do bệnh nhân say xỉn dẫn tới té ngã trong nhà vệ sinh, tình trạng bệnh nhân bất tỉnh và đang nằm nguyên tại chỗ.

Do nhà vệ sinh hẹp nên nhân viên y tế đã nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ để đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển đi. Tuy nhiên, người này đã mắng nhân viên y tế là "sao không tự làm mà bắt hỗ trợ", sau khi đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển ra ngoài, người này đi phía sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, tình trạng nhân viên y tế bị hành hung là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và phục vụ của nhân viên y tế nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế.

Hành vi hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh. Ngành y tế kịch liệt lên án hành vi tấn công nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ. Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP HCM phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp, tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình thực hiện cấp cứu cho người bệnh.

Trước đó, tại nhiều cơ sở y tế khác trên cả nước cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế bị người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung, cản trở việc khám chữa bệnh.

Phải tôn trọng người hành nghề y; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm...

Theo TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Mỗi một sự việc xảy ra đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân viên y tế, đây không chỉ là sự xúc phạm về thể xác, tinh thần mà nó còn ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của thầy thuốc, những người đang nỗ lực ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh.

Nhân viên y tế đang có rất áp lực, công việc nhiều, thu nhập lại thấp, nếu môi trường làm việc không an toàn… sẽ khiến họ lo lắng, chán nản, tâm lý bị ảnh hưởng. Điều này, trước nhất là ảnh hưởng đến chính người bệnh, nếu nhân viên y tế có không gian để làm việc, có thể người bệnh sẽ được cứu sống trong những trường hợp nhất định.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Quốc hội thông qua năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, tại Điều 16 về Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng đó, tại Điều 43 về Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, người hành nghề được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng; Được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhưng phải báo cáo ngay với người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Tại Điều 42 của Luật này cũng quy định Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa của ngừoi hành nghề. Theo đó, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa; Được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.

Tại Điều 114 của Luật nêu rõ, trong trường hợp người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người khác có hành vi gây mất trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe an toàn của người bệnh, người hành nghề, người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng biện pháp như: Ngăn chặn theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan công an, trừ trường hợp người vi phạm là người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu; Giới hạn việc ra vào khu vực bị mất an ninh, trật tự hoặc có nguy cơ bị mất an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt tại Điều 114 đã quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện, trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Bộ này đề nghị điều tra, làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-7-2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng viện.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn trang bị kỹ thuật đảm bảo an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương "tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến khám, chữa bệnh đông. Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự". (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang