Dâng hương tưởng niệm 226 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông
Ngày 11/2/2017 (tức Rằm Tháng giêng năm Đinh Dậu) tại Hưng Yên, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 226 năm ngày mất của ông và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ IV tại Khu tưởng niệm xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 11/2/2017 (tức Rằm Tháng giêng năm Đinh Dậu) tại Hưng Yên, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 226 năm ngày mất của ôngvà trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ IV tại Khu tưởng niệm xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Tại buổi Lễ, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế và các thành viên trong Đoàn; lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã thành kính dâng hương tri ân, tưởng nhớ tới cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Người đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển nền Y học cổ truyền nước nhà. Ông là một một tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho các thế hệ thầy thuốc noi theo.
Phát biểu tại lễ dâng hương tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và nhấn mạnh những đóng góp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đối với nền y học Việt Nam. Ông là tấm gương sáng, hiện thân của một nhân cách lớn về Y đức, là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật.
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 / 11 năm Canh tý (tức ngày 11 tháng 12 năm 1720), nguyên quán thôn Văn Xá - huyện Đường Hào – phủ Thượng Hồng – tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá – huyện Yên Mỹ - tỉnh Hưng Yên). Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ông là người học cao hiểu rộng nhưng đã từ quan về để học hành nghề y, dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp “trị bệnh, cứu người”.
Cuộc đời của Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả, đức hy sinh nhẫn nại, tận tâm, lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng về y đức - y đạo - y thuật cho muôn đời noi theo.
Với nghề y, ông được nhân dân và ngành y tế tôn vinh là Đại danh y. Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi kể công”. Ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện tâm niệm của mình.
Ông đã sưu tầm phát hiện thêm hơn 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo), tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân. Trong cuộc đời làm thuốc, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y học cổ truyền Việt Nam, để lại cho hậu thế những di sản vô giá thể hiện trong bộ sách "Y Tông Tâm Lĩnh" gồm có 28 tập, 66 quyển.
Ông luôn chú trọng đến việc xây dựng y đức của người thầy thuốc, ông đã để lại những lời răn và chỉ ra 8 tội người thầy thuốc cần tránh như: “Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương đó là tội lười” “Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền đó là tội tham lam”, … Đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông đã đề ra 9 điều trong “Y huấn cách ngôn” để răn dạy về đạo của người thầy thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi cán bộ ngành y tế tiếp tục noi theo gương sáng của Đại danh y Hải thượng Lãn Ông về y đức, y đạo, y thuật; kế thừa, bảo tồn và phát triển nền y dược cổ truyền Việt Nam kết hợp với y học hiện đại; xây dựng nền y học Việt Nam theo hướng hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng; thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại buổi lễ, Bộ Y tế đã trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ IV về công tác Y dược cổ truyền cho 45 cá nhân tiêu biểu. Đây là những người có nhiều đóng góp cho công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền và y dược hiện đại phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Được biết, sau 4 lần tổ chức trao tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, đến nay đã có hơn 300 cán bộ y tế chuyên ngành y học cổ truyền trong cả nước được nhận giải thưởng này…
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm thực địa Dự án xây dựng mở rộng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tại Khu Đại học Phố Hiến (thành phố Hưng Yên). Dự án xây dựng mở rộng Học Viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tại Hưng Yên có quy mô gần 70ha, được bố trí xây dựng tại Khu Đại học Phố Hiến (thành phố Hưng Yên).
Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo cho khoảng 8 nghìn sinh viên y, dược, học viên sau đại học; 10 nghìn sinh viên các ngành khác liên quan đến hoạt động và quản trị y dược cổ truyền gắn với y học hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng khẳng định, Hưng Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách, các thủ tục hành chính cho việc thực hiện Dự án xây dựng mở rộng Học viện bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự án.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc xây dựng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam ở Hưng Yên, quê hương của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có ý nghĩa lớn đối với ngành y tế Hưng Yên nói riêng và ngành y tế cả nước nói chung. Đồng thời mong muốn tỉnh Hưng Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt để dự án sớm được thực hiện.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các thành viên trong Đoàn Bộ Y tế đã dâng hương tại Y miếu Thăng Long, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi thờ phụng hai Đại danh y lớn của Việt Nam là: Thiền sư Tuệ Tĩnh và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. (Sức khỏe đới sống trang 3)
Chủ động ứng phó dịch thủy đậu
Những ngày qua, số ca mắc thủy đậu (còn gọi là trái rạ) có chiều hướng tăng nhanh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM và dự báo có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Dịch bệnh đang vào mùa
Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay, số ca mắc thủy đậu phải điều trị nội trú là 24 ca và đã có những ca bệnh thủy đậu nặng dù đây chỉ mới là thời điểm vào đầu mùa bệnh. Theo BS Trương Hữu Khanh,Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1: Những năm gần đây, bệnh thủy đậu đang có xu hướng chuyển dần từ trẻ nhỏ sang người lớn. Nếu như trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp là người lớn trong độ tuổi 25 - 30 mắc bệnh thủy đậu, sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Mới đây, tại BV Nhi đồng 1 ghi nhận trường hợp một trẻ 20 ngày tuổi phải nhập viện điều trị thủy đậu do lây từ mẹ.
Tại BV Nhi đồng 2, số ca nhập viện do thủy đậu cũng không ngừng tăng, tính từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 11-2, BV đã tiếp nhận 240 ca khám ngoại trú do thủy đậu, trong đó có 6 ca nhập viện, số ca mắc thủy đậu tại BV gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho rằng, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khiến tình hình bệnh thủy đậu diễn biến khá phức tạp, số ca mắc bệnh tăng nhanh.
Dịch thủy đậu thường phát triển theo mùa, trong khoảng tháng 2 - 6. Đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 4, 5 và lây lan rất nhanh. Vì thế, các nhà chuyên môn dự báo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ bệnh sẽ bùng phát rất nhanh trong thời gian tới. Trước tình hình này, mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo với người dân, để phòng tránh bệnh thủy đậu.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày và thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
Không được lơ là và tự ý chữa bệnh
Theo các bác sĩ, mặc dù thủy đậu là bệnh khá lành tính, nhưng cũng không thể chủ quan, bởi bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tủy... Bởi bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây lan thông qua sự đụng chạm vào bọng nước từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm bệnh. Trẻ nhiễm bệnh thủy đậu thường dễ lây bệnh cho bạn bè ở nhà trẻ, mẫu giáo, lớp bán trú. Thủy đậu có thể gây tử vong ở đối tượng trẻ quá nhỏ, trẻ đang điều trị ung thư máu hoặc ở trẻ có biến chứng viêm não nặng. Viêm não là biến chứng rất nguy hiểm của thủy đậu, dù hiếm gặp. Nguyên nhân là do phụ huynh chăm sóc không đúng cách. Nhiều phụ huynh đã tự ý bôi thuốc, bôi lá lên vết bọng nước của trẻ dẫn đến nhiễm trùng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, trong môi trường khép kín (như gia đình, trường học, công ty…), nếu có 1 người mắc bệnh thủy đậu thì các thành viên khác rất dễ lây nếu không có biện pháp phòng ngừa và cách ly kịp thời. Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh cũng khuyến cáo, người càng lớn tuổi mắc thủy đậu sẽ càng nặng.
BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, để phòng ngừa thủy đậu, tốt nhất nên tiêm 2 mũi vaccine, cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng 1 tháng. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và người thân cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho con. Đặc biệt, không tiếp xúc với trẻ khi đi làm về mà chưa thay quần áo, không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân... (Sài gòn giải phóng trang 1, Nông thôn ngày nay trang 5)
Bố mẹ lơ là, bệnh nhi ho gà tăng trở lại
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến bệnh ho gà tăng trở lại tại Hà Nội và một số tỉnh/ thành phố khác là do trẻ không được tiêm vaccine đầy đủ. Đặc biệt, ở một số thời điểm vaccine dịch vụ phòng ho gà khan hiếm, nhiều người dân vẫn có tâm lý chờ đợi, không đưa trẻ đi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chưa tiêm đủ vaccine
Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ tính riêng trong gần 1 tháng qua, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng. Qua khai thác bệnh án, đa số trẻ bị bệnh đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh này. Bệnh nhân đến rải rác từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình…
Đáng lo ngại là hầu hết trẻ đến viện trong tình trạng muộn hoặc trước đó được chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Đến khi uống thuốc mãi không khỏi, bị biến chứng viêm phổi, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện tình trạng suy hô hấp mới được đưa đến bệnh viện, vì thế không ít trường hợp phải thở máy, có những trường hợp phải điều trị kéo dài hàng tháng.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhi Trần T.D. (4 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang điều trị trong phòng cách ly vì biến chứng viêm phổi. Mẹ bệnh nhi cho biết, lúc đầu cháu bé chỉ ho một, hai tiếng, đứt quãng, gia đình tưởng cháu chỉ bị viêm họng thông thường nhưng càng ngày cơn ho càng dài, sau mỗi cơn ho còn có biểu hiện tím tái. Lúc này gia đình đưa bé đến viện thì đã viêm phổi nặng do biến chứng của bệnh ho gà…
Thêm một điều đáng lo ngại nữa, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, đó là bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như hộ gia đình, trường học. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Vì thế, những trẻ chưa tiêm vaccine phòng ho gà hoặc tiêm chưa đủ mũi có nguy cơ lây bệnh rất lớn.
Cần tiêm chủng đúng lịch
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vaccine tổng hợp 5 trong 1 Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) có tác dụng phòng bệnh ho gà.
Nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt với khoảng 25 triệu liều vaccine Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ trên cả nước từ giữa năm 2010 đến nay, số ca mắc ho gà cũng như các bệnh bạch hầu, uốn ván… đã giảm mạnh. Tuy nhiên gần đây, sau khi xảy ra một số vụ tai biến sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, tỷ lệ người dân đưa trẻ đi tiêm chủng loại vaccine này ở một số địa phương có sụt giảm.
Đặc biệt, từ cuối năm 2014 kéo dài cho tới đầu năm 2016 vừa qua, do vaccine tương ứng trong tiêm dịch vụ như vaccine 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) khan hiếm, một số người dân ở thành phố có tình trạng chờ đợi vaccine dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, dẫn tới số ca mắc ho gà tăng trở lại.
Trên thực tế, trong số các bệnh nhi mắc ho gà biến chứng nặng phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần một tháng qua, số bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao. Đây là thời điểm mà trẻ chưa đến tuổi tiêm đủ 3 mũi vaccine Quinvaxem để phòng bệnh, trong khi theo khuyến cáo nếu tiêm đủ 3 mũi có thể bảo vệ được tới trên 90%, còn với trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi thì khả năng bảo vệ miễn dịch chỉ khoảng 60%.
Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm cho rằng, để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, tránh tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi đã mắc ho gà, tốt nhất là các bà mẹ khi mang thai nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh, nhằm tạo hệ miễn dịch sớm cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ.
Về triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh ho gà, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh này thường khởi đầu bằng cơn sốt nhẹ (có thể không có sốt), có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ thường ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt, nôn. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. (An ninh thủ đô trang 3, Hà nội mới trang 1).