Nhiều trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc ho gà: Chưa có khuyến cáo hạ độ tuổi tiêm phòng
Gần 80% trong số bệnh nhân mắc, tử vong do ho gà từ đầu năm đến nay là trẻ dưới 3 tháng tuổi – chưa đến độ tuổi được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh này.
Khoảng 2 tháng nay, số trẻ mắc ho gà vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng mạnh, nhiều trẻ nguy kịch, tử vong. Điều này khiến những phụ huynh có con nhỏ lo lắng bởi mùa Đông Xuân chính là mùa của bệnh ho gà.
Số mắc tăng gấp 5 lần cả năm 2016
Số liệu cập nhật tại Bệnh viện Nhi Trung ương tính đến hết tuần vừa qua cho thấy, chỉ 2 tháng trở lại đây, bệnh viện này đã tiếp nhận 55 ca mắc ho gà, tập trung ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ... Trong đó, Hà Nội là địa phương có số mắc cao nhất. Báo của Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 12 ca mắc rải rác ở nhiều quận, huyện.
Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có có 3 ca tử vong vì ho gà (ở Hà Nội, Nam Định, Cao Bằng), 2 ca nặng xin về ở Nam Định, Nghệ An. Một số trẻ khác tình trạng bệnh rất nặng, phải thở máy, điều trị trao đổi oxy ngoài màng cơ thể (ECMO) - phương pháp tốt nhất và cũng được xem là biện pháp cuối cùng trong điều trị ho gà hiện nay.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số ca được chẩn đoán ho gà nhập viện tăng vọt so với các năm trước. Cụ thể, cả năm 2015 bệnh viện chỉ tiếp nhận hơn 10 ca ho gà, năm 2016 có 12 ca, nhưng chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã có trên 50 ca và dự báo số mắc chưa dừng lại. Đáng chú ý, hầu hết trẻ mắc ho gà, tử vong vì ho gà đều dưới 3 tháng tuổi (chiếm khoảng 80% tổng số bệnh nhân).
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, điều này không bất thường bởi trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đủ liều vaccine (lịch tiêm vaccine phòng bệnh ho gà ở trẻ gồm 3 mũi tiêm, khi trẻ trên 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi). Mặt khác, bản thân trẻ không có miễn dịch hoặc không nhận được miễn dịch từ cơ thể mẹ do trước đó sản phụ chưa tiêm vaccine phòng bệnh này. Điều lo ngại nữa là trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà tiến triển nặng lên rất nhanh. Trẻ càng ít tháng mắc ho gà thì tỷ lệ tử vong càng cao.
Thai phụ có thể cân nhắc tiêm vaccine
Trước thực trạng trên, vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm hiện nay là có thể hạ độ tuổi tiêm phòng vaccine ho gà cho trẻ xuống thấp hơn hoặc có vaccine tiêm phòng ho gà cho thai phụ được hay không? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, đến nay, các tổ chức y tế trên thế giới đều chưa có khuyến cáo hạ độ tuổi tiêm mũi vaccine ho gà đầu tiên cho trẻ xuống dưới 2 tháng tuổi.
Vì thế, Việt Nam cũng không thể hạ độ tuổi tiêm vaccine ho gà mà vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tiêm đi vaccine đúng lịch, đủ liều... như hiện tại. Còn việc có vaccine phòng ho gà tiêm cho các thai phụ hay không, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thế giới hiện có vaccine Adacel (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván) tiêm chung cho người lớn (từ 6-64 tuổi), có thể tiêm cho phụ nữ mang thai.
“Bộ Y tế đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu đối tượng phụ nữ mang thai nào thì nên đi tiêm vaccine này. Theo nghiên cứu cách đây không lâu được áp dụng tại 3 xã của huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), trên 50 phụ nữ (từ 18-35 tuổi) mang thai trong khoảng 20-32 tuần được tiêm Adacel và 50 thai phụ chỉ tiêm vaccine uốn ván, kết quả cho thấy khả năng phòng bệnh ho gà cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở bà mẹ được tiêm Adacel cao gấp 6,39 lần so với bà mẹ không tiêm” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.
Được biết, hiện vaccine Adacel đang được tiêm dịch vụ ở nước ta với giá khoảng hơn 600.000 đồng/liều và bà mẹ mang thai nên căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan y tế để quyết định có nên đi tiêm hay không.
Về cách phát hiện sớm và điều trị bệnh ho gà để giảm nguy cơ tử vong, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh ho gà thường bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên… Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh rất quan trọng.
Cụ thể, ho gà có một số đặc trưng là trẻ ho theo cơn, có thể kèm theo thở khò khè, thậm chí trẻ có thể tím tái, lịm đi hoặc có cơn ngừng thở, sau khi ho trẻ nôn ra đờm trắng, dính nhưng sau cơn ho trông trẻ có vẻ bình thường. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, bệnh có thể biến chuyển nhanh và dễ có biến chứng. TS Nguyễn Văn Lâm lưu ý, trong thời điểm này, trẻ 1-3 tháng tuổi nếu bị ho nhiều thì cha mẹ nên đưa đi khám ngay để được chẩn đoán đúng. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Phát hiện 5 mẫu rượu có methanol
Tối 12-3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã có báo cáo nhanh về tình hình giám sát bệnh nhân, kiểm tra các cơ sở thực phẩm, phòng chống ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) trên địa bàn.
Theo đó, tính đến ngày 12-3, trong số 9 sinh viên (tạm trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy) được điều trị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) có 2 sinh viên đã xuất viện; hiện còn 7 trường hợp đang được điều trị, trong đó một trường hợp nặng phải thở máy.
Như vậy, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 24 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Qua kiểm tra gần 1.100 cơ sở, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 140 lít rượu, niêm phong gần 1.300 lít rượu, tiến hành xử phạt hơn 200 cơ sở với số tiền gần 380 triệu đồng.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã lấy 43 mẫu rượu xét nghiệm tại labo, phát hiện 5 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép, trong đó có 1 mẫu tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính ở Thanh Xuân, 1 mẫu tại cửa hàng cơm (số 1 Trung Liệt, Đống Đa), 1 mẫu ở cơ sở cơm Vĩnh Thành (số 95, khu giãn dân Mộ Lao, Hà Đông) và 2 mẫu tại quán cơm 38 Chùa Láng, Đống Đa).
• Đội Quản lý thị trường số 25 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với các ngành chức năng huyện Chương Mỹ kiểm tra hộ nấu rượu thủ công tại thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3.800 lít rượu, chứa trong 5 téc inox. Chủ cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe nhưng không có giấy phép sản xuất rượu và chưa xuất trình được giấy tờ nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Số rượu trên đã bị tạm giữ và gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm tra chất lượng sản phẩm. (Hà Nội mới, trang 1)
Người Việt Nam đầu tiên 2 lần nhận danh hiệu Giáo sư thỉnh giảng của ĐH Oxford
Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến là người Việt Nam đầu tiên được trao danh hiệu Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford, đây là lần thứ 2 bà vinh dự nhận danh hiệu này.
Sáng 10/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Đại sứ quán Anh tổ chức lễ trao danh hiệu Giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 2 của Đại học Oxford – một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất thế giới của Anh – cho Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến.
Chức danh Giáo sư thỉnh giảng được trao cho Bộ trưởng Bộ Y tế lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2013 với nhiệm kỳ từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2016. Nhiệm kỳ 2 chức danh Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford sẽ kéo dài 5 năm từ năm 2016 - 2021.
Trong lĩnh vực y học, Thầy thuốc Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là người Việt Nam đầu tiên được trao danh hiệu cao quý này và đây cũng là lần thứ 2 bà vinh dự nhận danh hiệu này của Đại học Oxford.
Tại lễ trao danh hiệu, Ngài Giles Lever, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh, việc trao chức danh giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 2 cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là sự ghi nhận những đóng góp quan trọng của bà trong quá trình hợp tác nghiên cứu khoa học trên cương vị là Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh trong những năm trước đây.
Đặc biệt trên cương vị hiện nay, Bộ trưởng rất coi trọng việc mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ với Đại học Oxford và các trường đại học, các trung tâm y tế quốc tế khác trên thế giới. Ngài Giles cũng nhấn mạnh việc trao danh hiệu giáo sư thỉnh giảng cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là điểm nhấn trong hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh.
Đại học Oxford là một trong những trường đại học lâu đời và danh giá nhất thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Australia Tony Abott cùng nhiều nhà khoa học từng đoạt giải Nobel từng học tập và trưởng thành từ mái trường này. Đại học Oxford cũng có bề dày truyền thống đào tạo quốc tế với những sinh viên quốc tế đầu tiên theo học tại đây từ những năm 1190.
Sau buổi lễ, Bộ Y tế Việt Nam và đoàn đại biểu Đại sứ quán Anh đã có cuộc thảo luận về những ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong thời gian tới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Cấp cứu thành công một bệnh nhân nước ngoài nguy kịch
Bệnh viện E vừa cấp cứu hồi sức thành công mang lại sự sống cho một bệnh nhân người nước ngoài nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim.
Bệnh nhân là một người đàn ông quốc tịch Úc, 43 tuổi không có người thân hay người giám hộ đi cùng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, có dấu hiệu ngừng thở ngừng tim. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được ê kíp các bác sĩ trực cấp cứu và hồi sức đã tiến hành hồi sinh hô hấp và tuần hoàn tích cực nhất có thể.
Ngay khi được báo cáo, GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo các bác sĩ trực phải điều trị hết sức cho bệnh nhân với các trang thiết bị và kĩ thuật hồi sức cấp cứu chuyên sâu nhất hiện nay có thể làm. Đến nay, sau 5 ngày nằm viện bệnh nhân chỉ còn thở oxy hỗ trợ và đã có thể nói chuyện bình thường. Anh cho biết mình tên Darryn, đến từ Úc và vừa sang công tác tại Việt Nam hai ngày trước khi biến cố xảy ra. Anh chỉ nhớ mình bị ngã ra đường và hôn mê bất tỉnh cho đến ngày hôm nay. Hiện nay, vợ của bệnh nhân đã có mặt bên chồng mình sau khi nhận được thông tin từ bệnh viện và đại sứ quán cung cấp. Chị Liz cho biết cũng rất bất ngờ vì chồng mình đã được các bác sĩ bệnh viện E cấp cứu và mang lại sự sống một cách thần kì.
TS.BS.Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E cho biết: Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, có dấu hiệu suy hô hấp, ngừng tuần hoàn và suy gan suy thận rất nặng. Hiện bệnh nhân đã được điều trị qua cơn nguy kịch và có thể xuất viện trong một vài ngày tới. Đây là một trong số rất nhiều các bệnh nhân nặng như suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, vết thương tim... đã được cấp cứu và phẫu thuật thành công tại bệnh viện.
Bệnh viện E với quy mô gần 1000 giường bệnh, là một bệnh viện đa khoa trung ương hoàn chỉnh với đầy đủ tất cả cách chuyên khoa, cùng với phương châm thay đổi để tiến lên và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hiện nay bệnh viện đã phát triển rất nhiều các chuyên khoa sâu như cấp cứu hồi sức, tiêu hoá, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và thần kinh, sản phụ khoa, ung bướu và đặc biệt là phẫu thuật và can thiệp tim mạch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Khám bảo hiểm y tế có thể không cần đến thẻ
Người bệnh đi khám, chữa bệnh trong trường hợp không xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, có thể chỉ cần cung cấp mã số định danh và các giấy tờ tùy thân khác.
Cấp mã số định danh cho mỗi người
Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và luật Bảo hiểm y tế (BHYT), dự kiến hiệu lực thi hành từ 1.6.2017, người tham gia BHYT khi đến khám, chữa bệnh (KCB) phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa xuất trình thẻ BHYT thì có thể cung cấp số định danh cá nhân và xuất trình một trong các loại giấy tờ còn giá trị hiệu lực như: thẻ căn cước công dân; CMND (bao gồm cả chứng minh quân đội); hộ chiếu; thẻ học sinh, sinh viên, học viên (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm CMND) hoặc các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp, xác nhận.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay: “Mã số định danh là mã riêng cho từng cá nhân, gắn với người đó suốt đời. Do đó, khi đi khám, trong trường hợp chưa xuất trình được thẻ BHYT thì có mã số định danh và một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh đã có thể được đảm bảo quyền lợi”.
Theo ông Sơn, trong năm 2017, BHXH sẽ thông báo đến mỗi người có thẻ BHYT mã số định danh của mình. Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được thông báo thông qua chính quyền xã/phường. Mã số này cũng được lưu trên hệ thống máy tính của cơ quan BHXH. Hệ thống mạng của BHXH liên thông với các cơ sở điều trị có thể tra được khi người bệnh thông báo mã định danh.
“Mã số định danh không chỉ kiểm soát việc cấp trùng thẻ mà còn hỗ trợ trong khi đăng ký khám BHYT. Hiện tại, BHXH VN đã có mã số định danh cho 76 triệu thẻ BHYT, trong đó đã đồng bộ được 67 triệu thẻ. Số còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017. Những người tham gia BHYT hộ gia đình cũng được cấp mã số định danh riêng”, ông Sơn cho hay.
Theo ban soạn thảo dự thảo, trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT, vẫn được hưởng quyền lợi nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.
Thông tuyến, thêm quyền lợi
Theo Bộ Y tế, từ 1.1.2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở y tế là trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại các cơ sở y tế này trên cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến.
Theo lộ trình, việc áp dụng quy định về thông tuyến tỉnh chung trên cả nước sẽ thực hiện từ 1.1.2021 với trường hợp điều trị nội trú. Riêng đối tượng là người dân tộc thiểu số và người nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, hiện đã được KCB thông tuyến tại các cơ sở tuyến huyện và điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh, tuyến T.Ư. Như vậy, các đối tượng này được áp dụng quy định về thông tuyến sớm hơn và ở tất cả các tuyến.
Trong động thái khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký công văn gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ và các bệnh viện hạng 1 yêu cầu rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo đó, việc liên thông kết quả xét nghiệm áp dụng với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1.7, áp dụng với bệnh viện hạng 1 và tương đương trước ngày 1.1.2018. Bộ Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh, yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm. Các bệnh viện thuộc diện trên thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện trước khi làm xét nghiệm cho bệnh nhân; đồng thời lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm theo lộ trình quy định, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30.3. (Thanh niên, trang 4)
Bùng phát H5N1, H5N6 ở Cao Bằng
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vừa có kết quả số mẫu gia cầm mà tỉnh Cao Bằng gửi xét nghiệm. Theo đó, các kết quả đã dương tính với cúm gia cầm A/H5N1 và H5N6. Trước đó, tại xóm Lũng Đẩy Dưới, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh và hộ chăn nuôi Hoàng Văn Hữu, trú ở tổ 2, phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng, có một sô gà chết nhiều không rõ nguyên nhân… (Tiền phong, trang 2)