Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng nói về tiềm năng phát triển dược liệu của Việt Nam; Ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc; Tặng Bệnh viện Xanh-pôn nhiều trang, thiết bị y tế;Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2017: Phải thay đổi trong quản lý

 

Thủ tướng nói về tiềm năng phát triển dược liệu của Việt Nam

Nước ta có trên 5.000 loài dược liệu và sinh vật biển khác nhau có thể làm ra các bài thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

"... Đất nước ta núi rừng bao la, cây dược liệu phát triển ở mọi miền. Phát triển ngành dược liệu không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể mang lại sự giàu có cho một bộ phận người dân". 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam sáng 12-4. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành tại các đầu cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định điều kiện tự nhiên ở Việt Nam là tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại dược liệu, đặc biệt là nhiều loại dược liệu quý. Thủ tướng cũng nhận định chúng ta có thị trường rộng lớn để tiêu thụ, cả trong nước và xuất khẩu.

“Trên thế giới có đến 80% dân số sử dụng y học cổ truyền thì ở Việt Nam, như Bộ Y tế trình bày, thuốc từ cây dược liệu trong nước phải chiếm ít nhất 30%. Đây là một cơ hội lớn để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển. Đó là chưa tính đến dược liệu dùng trong ăn uống hằng ngày, bồi bổ sức khỏe” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương đã quan tâm và có sự thành công trong một số sản phẩm cây dược liệu như nghệ, atiso, quế, sản phẩm từ cây sâm ngọc linh… nhưng đây chỉ mới là bước đầu và cần phát triển hơn nữa.

Còn với Hà Nội, TP.HCM và 3 thành phố trực thuộc trung ương nước ta, tuy không phải là nơi sản xuất nhiều nhưng là những điểm trung tâm bào chế thành phẩm có giá trị của cây dược liệu ở khâu cuối cùng.

Thủ tướng cũng nêu rõ: “Phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp dược để chế biến tiết kiệm, có hiệu quả, bao bì đẹp, quảng bá mạnh mẽ là cách làm chúng ta cần đặt ra hiện nay. Chúng ta phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra quốc tế”.

Trước thực trạng quy mô phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại, Thủ tướng yêu cầu phải thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, ở từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt y tế, để chú trọng tập trung phát triển.

Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, đặc biệt là sản xuất, chế biến, sử dụng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan chú trọng bảo tồn nguồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm, hỗ trợ, phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền…, thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn.

“Dược liệu làm thuốc chữa bệnh thì phải chặt chẽ trước khi áp dụng, còn thuốc bồi bổ thì phải phổ cấp cho nhân dân. Ngoài ra, ngành y tế phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng thuốc dược liệu, y học cổ truyền, khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Tuổi trẻ, trang 14; Tiền phong, trang 2; Lao động, trang 2; Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 1; Nông thôn ngày nay, trang 2).

 

Ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa thông tin về một ca bệnh 30 tuổi đến từ Chương Mỹ, Hà Đông, Hà Nội do bị ngộ độc chì và liệt rất nặng. Bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc từ ngày 24-3 với bệnh cảnh chính là thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, cũng không thể tự nghiêng mình được. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài; bị tổn thương thần kinh nặng nề, không thể vận động tự chăm sóc bản thân, teo cơ và giảm sút cân nghiêm trọng.

Sau ba tuần điều trị tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được điều trị thải độc chì cùng những chế độ chăm sóc đặc biệt. Đến nay, người bệnh đã có những tiến triển đáng kể, có thể đứng lên và tự đi lại được. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho biết việc thải độc chì cần điều trị lâu dài kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng. (Nhân dân, trang 5).

 

Tặng Bệnh viện Xanh-pôn nhiều trang, thiết bị y tế

Chiều 12 -4, các trang thiết bị y tế trị giá 10 tỷ đồng đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bàn giao cho Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân thủ đô.

Các trang thiết bị y tế được trao tặng lần này gồm một nồi hấp tiệt trùng; bốn Monitor theo dõi bệnh nhân 7 thông số; hai máy thở xâm nhập và không xâm nhập; hai dao mổ điện cao tần; một máy phá rung tim và tạo nhịp tim; một máy xét nghiệm huyết học >= 18 thông số; một máy cắt lạnh; một bộ dụng cụ vi phẫu và một ô tô 16 chỗ. (Nhân dân, trang 5).

 

Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2017: Phải thay đổi trong quản lý

Chiều 12-4, tại Hội nghị triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2017 trên địa bàn thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các cấp chính quyền, sở, ngành phải quyết liệt và tích cực vào cuộc. Vấn đề mấu chốt là cần phải có sự thay đổi trong phương pháp quản lý mới mong đạt hiệu quả cao nhất.

Còn nhiều nan giải

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã phản ánh về sự vào cuộc quyết liệt thông qua các đợt thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, phía sau đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.

Ngay sau khi trên địa bàn Hà Nội xảy ra các vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 28 trường hợp nhập viện, trong đó 4 người tử vong, suốt từ ngày 16-3 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã lập 17 đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra 87 cơ sở (18 cơ sở kinh doanh rượu, 69 nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống), đã tịch thu, tiêu hủy hơn 1.100 lít rượu không rõ nguồn gốc, phạt hành chính 53 cơ sở với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, ngày 6-4 vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lại tiếp nhận bệnh nhân Bùi Duy Ph. (50 tuổi ở Kim Mã, Ba Đình) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung thừa nhận, không riêng rượu, ngay cả vấn đề quản lý ATTP nói chung, nếu chỉ kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, xử phạt thì mới quản lý được “phần ngọn”.

Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Đỗ Hữu Tuấn cho rằng, cách đây 3 năm, Hà Nội cũng xảy ra vụ ngộ độc “rượu nếp 29 Hà Nội”. So với các địa phương khác, Hà Nội đã rất quyết liệt và sát sao trong công tác quản lý ATTP. Riêng năm 2016, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra và xử phạt với số tiền lên tới hơn 24 tỷ đồng. Song, do việc sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ xuất hiện ở nhiều nơi, nên dù vào cuộc quyết liệt đến mấy cũng khó triệt để trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, việc quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải có sự thay đổi. Chính quyền các xã, phường, thị trấn đã được giao trách nhiệm quản lý ATTP phải nắm rõ trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, từ đó mới có thể quản lý tốt phần việc này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Minh Sơn cho biết, từ tháng 3-2016, thành phố phát động phong trào thi đua ATTP và nhận được sự hưởng ứng của 100% đơn vị trên địa bàn. Một số nơi đã xây dựng được những mô hình điểm về ATTP, nhưng chưa được nhân rộng. Hơn nữa, công tác quản lý ATTP của chính quyền cơ sở chưa hiệu quả, thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên và thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đưa ra dẫn chứng, khi các đoàn của thành phố kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh, hỏi cán bộ quản lý địa bàn nhưng họ không nắm được cơ sở này đã được cấp phép hay chưa. “Ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải niêm yết công khai giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu cơ sở nào không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định.

Siết chặt các lò rượu thủ công

Theo Phó Cục trưởng Cục ATTP Đỗ Hữu Tuấn, Tháng hành động vì ATTP được phát động trên toàn quốc, mỗi năm tập trung một chủ đề “nóng”. 3 năm qua, chủ đề được chọn đều liên quan đến chất lượng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Năm 2017, chủ đề được chọn là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, với một đô thị đông dân như Hà Nội, lĩnh vực ATTP luôn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm hiệu quả mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện và xã, phường, được Chính phủ đánh giá cao. Quan trọng hơn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, những tồn tại trong công tác ATTP đã hạn chế, vi phạm trong lĩnh vực này đã giảm. Tuy nhiên, vấn đề ngộ độc rượu methanol thời gian gần đây trên địa bàn thành phố trở nên nhức nhối. Chính vì vậy, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ, có kế hoạch, làm chi tiết và thường xuyên hơn. Công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, sẽ phải siết chặt. Các cơ sở nấu rượu thủ công đều phải đăng ký và những vụ ngộ độc gây chết người phải xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc các sở, ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, chứ không chỉ giao trách nhiệm cho cấp dưới. Ngay sau khi kết thúc Tháng hành động vì ATTP 2017, trong báo cáo gửi UBND thành phố, các địa phương, sở, ngành phải ghi rõ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, huyện, thị xã và Giám đốc, Phó Giám đốc sở đã đi kiểm tra được bao nhiêu lần. Đơn vị nào không có báo cáo sẽ xử lý nghiêm.

"Năm nay, thành phố cũng sẽ có đánh giá thi đua và động viên khen thưởng đột xuất, biểu dương các lực lượng và nhân dân, những người làm tốt công tác ATTP" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định. (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang