Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc tại Lai Châu: Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở; Thiết bị Soeks không kiểm tra được độc tố trong thực phẩm; Thu hồi 2 lô thực phẩm chức năng không đạt chất lượng; Cơ quan công an vào cuộc vụ nước ngọt nghi nhiễm chì; TPHCM: 1.743 người phải nhập viện do ngộ độc

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc tại Lai Châu: Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở

Trong chương trình công tác và làm việc tại tỉnh Lai Châu từ ngày 12-14/5, cuối giờ chiều ngày 12/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Tè- Lai Châu.

Tiếp và làm việc cùng đoàn có đồng Tống Thanh Hải- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, đồng chí Hoàng Thị Hạnh- Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Đôi- giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cùng các  đồng chí trong thường trực Huyện ủy, UBND huyện Mường Tè…

Báo cáo của Trung tâm y tế huyện Mường Tè do  BSCK1 Chư Pó Xá – Phó giám đốc TTYT huyện trình bày cho thấy,  hệ thống y tế của huyện Mường Tè hiện có 1 bệnh đa khoa huyện, 14 trạm y tế, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 1 đội y tế dự phòng, 1 đội chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Tỷ lệ giường bệnh trên/ vạn đan của huyện Mường Tè hiện đạt gần 16, 3 giường bênh/ vạn dân. Hiện toàn ngành y tế Mường Tè có 232 cán bộ với 31 bác sĩ, đạt 7,2 bác sĩ/vạn dân, 3 dược sĩ đại học, 85 y sĩ còn lại là cán bộ khác… Mường  Tè hiện có 115/130 bản có nhân viên y tế thôn bản, 23 bản/79 bản có cô đỡ thôn bản. BVĐK huyện Mường Tè hiện đã triển khai thành công các kỹ thuật cao trước đây không thực hiện được như viêm phúc mạc ruột thừa, thủng tạng rỗng, mổ đẻ lần 2, 3; cắt lách… vì thế tỷ lệ chuyển tuyến giảm mỗi năm gần 2%...

TTYT huyện Mường Tè hiện đang hoạt động theo hai chức năng là hệ dự phòng (bao gồm 2 đội y tế dự phòng và sinh đẻ kế hoạch) và hệ điều trị (BVĐK huyện). Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên trong 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện Mường Tè cơ bản không có dịch bệnh lớn xảy ra, cũng như không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào…

Báo cáo tại buổi làm việc, BSCK1 Chư Pó Xá cũng cho biết ngành y tế Mường tè hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn như giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều phong tục tập quán trong chăm sóc sức khỏe không dễ thay đổi. Đặc biệt, ngành y tế Mường Tè hiện đang thiếu trầm trọng cán bộ y tế có trình độ đại học và chuyên khoa sâu như nhi khoa, răng hàm mặt…  Gần một nửa số trạm y tế trên địa bàn thiếu bác sĩ…

Tại buổi làm việc, giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Văn Đối cũng cho biết thêm, ngành y tế Lai Châu đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về nhân lực y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện ngành y tế Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn trong công tác nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của người dân. Mặc dù tỉnh đã trải thảm đỏ để thu hút bác sĩ, dược sĩ tuy nhiên việc này hiện còn khó khăn, và ít có cán bộ về công tác tại Lai Châu, do đó tỉnh xác định lấy nguồn cán bộ địa phương để đào tạo nâng cao trình độ là chính. Tỉnh đã tiến hành giải pháp đẩy mạnh việc gửi cán bộ đi đào tạo liên thông, nâng cao trình độ, đồng thời  Tỉnh ủy Lai Châu chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Danh mục trang thiết bị y tế cũng như thuốc hiện cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế Lai Châu nói chung, Mường Tè nói riêng. Mặc dù huyện Mường Tè là huyện khó khăn nhất của tỉnh khó khăn Lai Châu, nhưng nhờ nguồn đầu tư quan tâm của Chính phủ và nhiều dự án ODA , cũng như sự đầu tư của tỉnh, ngành y tế Mường Tè đã có nhiều thay đổi từ cơ sở hạ tầng đến trình độ chuyên môn của cán bộ. Đặc biệt ngành y tế Mường tè cũng đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh; công tác y tế thôn bản của huyện Mường Tè rất đáng ghi nhận, mặc dù là địa phương có nhiều khó khăn, nhưng Mường Tè đã quan tâm phát triển và phủ cán bộ y tế thôn bản rộng khắp trên địa bàn.

Về những đề xuất liên quan đến việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ của y tế Mường Tè, Bộ trưởng đề nghị ngành y tế Lai Châu tạo điều kiện cho y tế Mường Tè đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét, tìm nguồn hỗ trợ từ các dự án để phục vụ nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế (Sức khỏe & Đời sống trang 3, Gia đình & Xã hội trang 2).

Thiết bị Soeks không kiểm tra được độc tố trong thực phẩm

Được biết, lo lắng cho chất lượng thực phẩm nên hiện nay nhiều người tiêu dùng đã tìm mua thiết bị được quảng cáo là máy kiểm tra chất lượng thực phẩm mang thương hiệu Soeks, xuất xứ từ Liên bang Nga, do Công ty CP TM XNK Tâm Đức phân phối độc quyền tại Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP, máy Soeks được cấp giấy phép lưu hành theo Thông tư liên tịch số 11 của Bộ Y tế ban hành năm 2014. Trước khi Cục ATTP cấp phép lưu hành đã yêu cầu 3 đơn vị kiểm nghiệm là Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 1 (Bộ KH& CN) khảo nghiệm lại các thông số kỹ thuật của máy. Kết quả là sản phẩm đạt yêu cầu, có sai số trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, việc quảng cáo máy Soeks là máy kiểm tra chất lượng thực phẩm là không đúng bản chất. Tên đầy đủ của máy Soeks là “Bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau củ quả và thịt”. Do đó, máy này chỉ kiểm tra được về nitrat, trong khi có hàng trăm yếu tố ảnh hưởng đến ATTP máy không kiểm tra được. Ông Đỗ Hữu Tuấn cũng lưu ý, kết quả của bộ test thử nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, không nên hiểu đây máy kiểm tra thực phẩm. Để khẳng định thực phẩm có an toàn hay không cần nhiều quy trình kiểm nghiệm khác. Do đó, người dân không nên “thần thánh hóa” máy Soeks. Công ty nhập khẩu thiết bị này cũng đã bị phạt 1 lần vì quảng cáo lập lờ là “phát hiện độc tố” gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm có thể sẽ rút giấy phép lưu hành (Gia đình & Xã hội trang 2).

Thu hồi 2 lô thực phẩm chức năng không đạt chất lượng

Chiều 12.5, Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) thông báo về kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm chức năng (TPCN) không đạt chất lượng của Công ty TNHH dược mỹ phẩm Pháp USA (mẫu sản phẩm được lấy tại quầy số 506, tầng 5 tòa nhà 24T, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cuối tháng 4 vừa qua. Có 2 trong số 3 mẫu xét nghiệm không đạt chất lượng theo quy định gồm: TPCN Amkazym (số lô: 770615, NSX: 29.6.2015; HSD: 28.6.2018; được quảng cáo hỗ trợ chức năng gan); TPCN Men TH Biotyl (số lô: 280714, NSX: 18.7.2014, HSD: 18.7.2017; được quảng cáo hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ em). Cục ATTP đã yêu cầu công ty này tạm dừng lưu thông, tiến hành thu hồi 2 lô TPCN nói trên.

Cục ATTP cũng yêu cầu công ty trên tạm dừng lưu thông, thu hồi và thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa đối với 4 lô thực phẩm chức năng Hotgel CoQ10; Theravit; Vitamin E4.00UI và Amfarital do có nội dung ghi nhãn không đúng quy định (Thanh niên trang 2).

Cơ quan công an vào cuộc vụ nước ngọt nghi nhiễm chì

Liên quan đến nghi vấn nước giải khát Rồng Đỏ và C2 (của Công ty TNHH URC VN) có hàm lượng chì cao, ngày 12.5, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết đang khẩn trương tiến hành xét nghiệm mẫu thành phẩm và nguyên liệu được lấy trên thị trường và nhà máy. Ông Phong cho rằng, không có việc cơ quan chuyên môn bưng bít kết quả mẫu kiểm nghiệm sản phẩm (do Công ty TNHH URC VN chủ động lấy mẫu gửi xét nghiệm tại viện trước đó) (Thanh niên trang 3, Tuổi trẻ trang 5).

TPHCM: 1.743 người phải nhập viện do ngộ độc

Tại Hội nghị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Khu chế xuất – Khu công nghiệp năm 2016 tổ chức ngày 12/5, ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, từ năm 2012 đến nay, thành phố có 25 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.743 người phải nhập viện. Trong đó có 5 vụ ngộ độc xảy ra ở nhóm công nhân làm 353 người mắc. Theo ông Hoà, ngộ độc thực phẩm trong hai năm qua tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất đang gia tăng trở lại. Tất cả các vụ ngộ độc đều do suất ăn sẵn gây ra. Kết quả xét nghiệm cho thấy đến 80% nguyên nhân gây ngộ độc là do thức ăn nhiễm vi sinh vật.

Ông Hòa yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường giám sát điều kiện kinh doanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất và chế biến trên địa bàn như công tác sơ chế ở đơn vị kinh doanh và lò giết mổ. Đối với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phải kiểm tra 2 lần/năm, bếp ăn tập thể ít nhất 1 lần/năm (Tiền phong trang 2).

50% trẻ em Việt Nam có khẩu phần ăn thiếu vi chất dinh dưỡng

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ đạt cân nặng, chiều cao theo tuổi”, do Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với nhãn hàng Dutch Lady – Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức sáng nay, 12-5, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, theo khảo sát mới đây, có đến 50% trẻ em Việt Nam có khẩu phần ăn không đủ các vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, B1, C, D và sắt để phát triển tối ưu về trí não và chiều cao.

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á (SEANUTS), có đến 50% trẻ em Việt Nam có khẩu phần ăn không đủ các vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, B1, C, D và sắt để phát triển tối ưu về trí não và chiều cao. Cụ thể, trong số 2.880 trẻ tham gia khảo sát, có đến 77% trẻ thành thị có khẩu phần ăn thiếu vitamin A, con số này ở nông thôn là 90%. Cùng đó, có 44% trẻ thành thị và 69% trẻ nông thôn có khẩu phần ăn thiếu vitamin B1; bữa ăn của 51% trẻ thành thị và 64% trẻ nông thôn có khẩu phần ăn thiếu vitamin C; nghiêm trọng hơn là có đến 88% trẻ thành thị và 94% trẻ ở nông thôn có khẩu phần sắt không đáp ứng đủ nhu cầu. Khảo sát này cũng cho thấy, phần lớn trẻ em Việt Nam chỉ uống từ 80-140ml sữa/ ngày. PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh, tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến những hậu quả đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cụ thể, quá trình phát triển trí não của trẻ bị ảnh hưởng từ những năm tháng đầu đời có thể làm trẻ kém tập trung, tiếp thu chậm hơn và học tập không hiệu quả trong những năm sau này.

Thêm đó, trẻ cũng sẽ chậm đạt được các mốc phát triển về vận động, có thể kém linh hoạt hơn và thậm chí lười vận động hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Đặc biệt, thiếu vi chất dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng nên trẻ rất dễ mắc các bệnh theo mùa, nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu chảy.

Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai, nguyên nhân của thực trạng trên là do bữa ăn của trẻ học đường ở nước ta còn chưa đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng. Trong đó, một phần là bữa ăn của trẻ chưa đa dạng thực phẩm, mức tiêu thụ sữa hàng ngày còn hạn chế, một phần do cách chế biến thức ăn chưa hợp lý làm hao hụt dưỡng chất, hoặc do khả năng hấp thu của trẻ kém, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao… khiến trẻ không có đủ dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng.

Cũng tại hội thảo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố một kết quả nghiên cứu khác do Viện này thực hiện năm 2015 trên 120 trẻ từ 2 đến 4 tuổi tại Hà Nội cho thấy, sau 3 tháng can thiệp, nhóm trẻ được can thiệp uống Dutch Lady Khám phá hàng ngày tăng cân nặng và chiều cao tốt hơn so với nhóm đối chứng không được can thiệp. Mức tăng cân nặng trung bình của nhóm được can thiệp là 0,9 kg so với 0,6 kg của nhóm đối chứng, mức tăng chiều cao trung bình của nhóm can thiệp là 1,9 cm so với 0,9 cm của nhóm đối chứng (An ninh thủ đô trang 4, Sài gòn giải phóng trang 2).

Cung ứng đủ vaccine cho tiêm chủng mở rộng

Cục Quản lý dược - Bộ Y tế vừa có công văn gửi Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế; Công ty TNHH MTV Vaccine Pasteur Đà Lạt, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ vaccine cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân.  Theo đó, trên cơ sở dự trù nhu cầu vaccine tiêm dịch vụ năm 2016 của một số Sở Y tế tỉnh, thành phố, Cục Quản lý dược đã tổng hợp phân loại vaccine theo chủng loại và số lượng cụ thể. Cục Quản lý dược đề nghị 4 đơn vị nêu trên chủ động liên hệ các cơ sở tiêm chủng để tiếp nhận dự trù, ký hợp đồng, lên kế hoạch phân phối vaccine dịch vụ; với các công ty sản xuất vaccine trong nước khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất để đáp ứng dài hạn nhu cầu tiêm chủng của người dân (An ninh thủ đô trang 7).

Đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng: Giải pháp nào hiệu quả?

Tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn đang diễn biến phức tạp. Đây cũng là những trăn trở của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tại hội nghị "Đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố", do Sở Công thương Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức ngày 12-5.

 Yêu cầu cấp thiết từ thực tế cho thấy để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cần sự chung tay của cơ quan quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các DN, những người trực tiếp sản xuất, đặc biệt là nông dân, vì đây là người làm ra nguyên liệu cho chế biến thực phẩm.

Theo Sở Công thương Hà Nội, việc cung cấp thực phẩm sạch cho gần 10 triệu người đang sống và làm việc tại Hà Nội là vấn đề "nóng". Thêm vào đó, hằng năm Hà Nội đón khoảng 20 triệu khách du lịch nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn (khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau các loại...). Trong khi đó, sản xuất, cung ứng của thành phố mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, 60% rau củ tươi... còn lại là thu mua từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu. Vì vậy, những nguy cơ không bảo đảm ATVSTP rất lớn.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, người tiêu dùng khó có thể phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn; sản phẩm an toàn khó tiêu thụ do giá thành cao... Lâu nay, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thực phẩm tươi sống quan trọng nhất, với hơn 80% người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng hóa được phân phối tại nhiều chợ dân sinh, nhất là chợ tại các xã vùng sâu, vùng xa khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng. Ngoài ra, Hà Nội còn hàng nghìn cửa hàng, nhà hàng ăn uống, từ bình dân đến cao cấp, hằng ngày cung cấp một lượng thức ăn rất lớn cho khách hàng. Trong đó, hầu hết cửa hàng ăn uống bình dân chưa bảo đảm chất lượng ATVSTP. Để đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Tây Bắc Việt Nam đề nghị, xử phạt nặng các DN kinh doanh thực phẩm không an toàn hoặc DN mượn danh nghĩa sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch nhưng sản phẩm cung cấp không không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, hỗ trợ quy hoạch tập trung vùng nguyên liệu, vùng sản xuất để có thể dễ dàng quản lý, giám sát.

PGS.TS Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho rằng, cần rà soát, ban hành đồng bộ quy định để giúp công tác quản lý ATVSTP thuận lợi. Các chế tài xử lý vi phạm phải cụ thể, đủ sức răn đe; xác định trách nhiệm rõ ràng cơ quan quản lý, tránh hiện tượng đùn đẩy, lỏng lẻo, thiếu sâu sát. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực về con người và trang thiết bị cho quản lý ATVSTP.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, việc kiểm tra giám sát, cần được các sở, ngành tăng cường triển khai, đồng thời với giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSTP. Cũng theo ông Thăng, thành phố duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, từ sản xuất đến kinh doanh; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu, thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm tập trung gắn với "Chương trình xây dựng nông thôn mới". Lĩnh vực ATVSTP cần sự chung tay của cơ quan quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các DN, những người trực tiếp sản xuất, đặc biệt là nông dân, vì đây là người trực tiếp làm ra nguyên liệu cho chế biến thực phẩm (Hà Nội mới trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang