Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; Diễn đàn cấp cao về các bệnh không lây nhiễm và sự phát triển bền vững tại Việt Nam; Vận động 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế...

Kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Dù đã được tăng cường quản lý, nhưng vẫn còn quá nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm tại Hà Nội. Thiếu nguồn cung thực phẩm sạch, thiếu nhân lực thanh tra chuyên ngành, xử lý chưa nghiêm ở tuyến cơ sở… là những khó khăn trong kiểm soát ATTP ở Thủ đô.

Tại hội nghị đánh giá công tác ATTP tám tháng qua, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành đã thanh, kiểm tra hơn 6.800 lượt cơ sở, phát hiện 725 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 10,62%), trong đó có 301 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; không công bố hợp quy, phù hợp ATTP; vi phạm nhãn hàng hóa; không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất; hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng…

Số liệu của toàn thành phố cho thấy, qua kiểm tra gần 80 nghìn lượt cơ sở, phát hiện hơn 12 nghìn cơ sở vi phạm ATTP, phạt 4.100 cơ sở hơn 22 tỷ đồng, trong đó chuyển điều tra xử lý hình sự ba vụ, đồng thời tiêu huỷ nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý chất lượng thực phẩm của thành phố đã lấy 2.970 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 107 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Xét nghiệm nhanh thực phẩm đạt 95%.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội đã thực hiện tốt sự phối hợp liên ngành về quản lý ATTP. Bên cạnh đó, thành phố duy trì phối hợp cam kết các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điểm mới và nổi bật trong công tác thanh, kiểm tra năm nay là thực hiện hiệu quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại năm quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn. Thành phố đã thành lập năm đoàn cơ động kiểm tra liên ngành, đáp ứng nhanh việc kiểm tra đột xuất, xử lý thông tin báo chí nêu, người dân phản ánh và các điểm nóng bức xúc về ATTP. Đề cập đến những khó khăn, ông Hiền cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội tuy có giảm, nhưng vẫn còn diễn ra. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các quận, huyện, xã, phường thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP.

Điều đáng nói là, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn dù thời gian qua đã được đẩy mạnh, nhất là ở 10 xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP nhưng vẫn còn chưa kiên quyết, chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Trong khi đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua, nhưng Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực ATTP. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP theo Chỉ thị 13 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình hộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn. Mặt khác, tăng cường thanh tra xử lý vi phạm, nhân rộng thanh tra chuyên ngành ATTP đồng loạt tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP. Đáng chú ý, các quận, huyện cần chú trọng kiểm tra ở chợ cóc, chợ tạm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo tinh thần không nể nang, né tránh; xử lý mạnh theo quy định để răn đe và ngăn chặn các vi phạm khác phát sinh. Đối với trường học, thành phố yêu cầu, tất cả các trường phải mua rau, thực phẩm của các cơ sở an toàn, được cấp chứng nhận ATTP. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường. (* Nhân dân (trang Hà Nội))

Diễn đàn cấp cao về các bệnh không lây nhiễm và sự phát triển bền vững tại Việt Nam

Ngày 12-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới phối hợp tổ chức diễn đàn cấp cao về các bệnh không lây nhiễm (BKLN) và sự phát triển bền vững tại Việt Nam. Đây là diễn đàn quan trọng để các cơ quan chức năng tìm ra các giải pháp hữu hiệu trên cơ sở định hình bức tranh tổng quát của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống các BKLN; nâng cao nhận thức và sự hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách trong kiểm soát các bệnh này. Nhân dịp này, các chuyên gia, nhất là đoàn công tác liên ngành của LHQ đặc trách về các BKLN (đang có chuyến làm việc tại Việt Nam) đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam về tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống BKLN, hướng tới sự phát triển bền vững cho người dân và đất nước.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật tử vong ngày càng lớn của các BKLN, ước tính có 73% số trường hợp chết và 66% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc là do các bệnh này, chủ yếu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mãn tính. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn liên quan đến thói quen, tập quán của người dân và do mức độ gia tăng của các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu và rối loại mỡ máu... Trong khi đó, việc đáp ứng đối với dự phòng và kiểm soát BKLN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp ưu tiên, cần tăng cường hợp tác đa ngành, các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và quản lý BKLN tại y tế cơ sở… (* Nhân dân (trang 8))

Vận động 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về triển khai công tác y tế học đường năm học 2016-2017 trên địa bàn Hà Nội, với chỉ tiêu là 100% số trường học có phòng y tế riêng, 100% số trường học phấn đấu có cán bộ y tế trình độ từ trung cấp trở lên; 98,5% số học sinh mầm non và phổ thông được khám sức khỏe định kỳ; không để xảy ra dịch bệnh lớn và ngộ độc thực phẩm.

Năm học 2016-2017, Sở Y tế sẽ điều tra yếu tố vệ sinh học đường (nguồn nước, bếp ăn...) tại 60 trường học; đánh giá thực trạng sức khỏe học sinh từ 11 đến 17 tuổi trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường trực thuộc vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 100%. Sở GD-ĐT triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học, đưa y tế học đường vào thành chỉ tiêu thi đua của ngành... (* Hà Nội mới (trang 3))

Zika lây lan tại Đông Nam Á: Mối lo đại dịch bùng phát

Dù được phát hiện tại Uganda từ năm 1947 nhưng phải tới năm 2014, thế giới mới thực sự hoảng hốt vì Zika sau đợt bùng phát tại Châu Mỹ. Kể từ đó, toàn bộ khu vực Mỹ La tinh và Caribbean liên tục chứng kiến sự hoành hành của loại vi rút nguy hiểm này với trọng điểm là Brazil. Với tốc độ lây lan nhanh trong khi chưa có vắc xin đặc chủng để phòng ngừa, giờ đây Zika đang có nguy cơ trở thành hiểm họa đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Ngày 11-9, Chính phủ Singapore cho biết, số ca nhiễm vi rút đã lên tới 329 người sau khi bệnh nhân đầu tiên tại đảo quốc Sư tử mới được phát hiện vào ngày 27-8. Cũng trong ngày 11-9, Thái Lan thông báo phát hiện thêm 21 ca lây nhiễm Zika tại thủ đô Bangkok; trong khi Malaysia, Philippines cũng đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.

Tới nay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người nhiễm vi rút Zika sẽ đối mặt với những triệu chứng phổ biến như sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, khớp và phát ban. Tuy nhiên, mối nguy hiểm thực sự lại nằm ở việc phụ nữ mang thai nhiễm Zika có thể sinh ra con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 4-2015 tại Brazil, số trẻ bị tật đầu nhỏ trong năm 2015 riêng ở nước này đã tăng gấp 10 lần so với những năm trước. Một số vùng khác như Polynesia (Pháp) cũng ghi nhận sự gia tăng dị tật não và cột sống ở thai nhi và trẻ sơ sinh trong những năm qua. Tới nay, các cơ quan y tế đều cho rằng, nhiễm Zika có mối liên quan với những bất thường nêu trên nếu người mẹ bị nhiễm loại vi rút này trong giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ. Do đó, dù không phải loại bệnh “vô phương cứu chữa” và tỷ lệ khỏi bệnh là rất cao, nhưng những di chứng mà Zika gây ra đối với phụ nữ mang thai và đặc biệt là cơ chế lây lan dễ dàng qua loại muỗi Andes gây nên nỗi hoảng sợ, tâm lý hoang mang cho nhiều người. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội và đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch tại những quốc gia mà nó xuất hiện. Chỉ ngay sau khi những thông tin về Zika xuất hiện, các nước đã đưa ra cảnh báo đối với người dân có kế hoạch du lịch tới các vùng dịch. Khuyến nghị trên ngay lập tức dẫn tới việc nhiều công ty du lịch nhận thấy tín hiệu rõ ràng về sự suy giảm số lượng tour đăng ký tới những quốc gia có Zika do tâm lý e ngại về sức khỏe. Đây là thực tế mà những quốc gia có tỷ trọng đóng góp lớn của “ngành công nghiệp không khói” vào nền kinh tế chiếm vị trí quan trọng như Singapore, Thái Lan hay Malaysia.

Cho đến nay, việc đối phó với sự bùng phát trên diện rộng của dịch Zika hoàn toàn chỉ là giải pháp tuyên truyền cho người dân, khuyến cáo phòng tránh lây nhiễm trực tiếp và diệt các tác nhân truyền bệnh, nổi bật nhất là diệt muỗi. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận sự hiện diện của Zika tại 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như thế để thấy rằng, việc kiểm soát bệnh dịch không đơn giản và cần sự phối hợp của nhiều lực lượng trong một quốc gia và giữa các nước, các khu vực.

Riêng đối với Đông Nam Á, nơi được xem là một “thiên đường du lịch” hấp dẫn khách du lịch quốc tế - dự kiến có thể đứng thứ tư trên thế giới với hơn 187 triệu lượt khách/năm theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) - thì việc kiềm chế sự lây lan thành một đại dịch của Zika là vô cùng cấp thiết. Điều này không chỉ đóng góp cho mục tiêu thúc đẩy tiềm năng du lịch của khu vực mà còn có ý nghĩa quyết định đối với thành quả tăng trưởng kinh tế chung của cả Đông Nam Á. (* Hà Nội mới (trang 8))

Nhiều dịch vụ bệnh viện còn kém

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện (BV) diễn ra ở TPHCM ngày 12-9. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng để nâng cao chất lượng, đa số các bệnh viện đã thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng nhằm bao quát, giám sát chất lượng các hoạt động trong BV. Việc thực hiện khảo sát, ghi nhận sự góp ý của người bệnh đã giúp bộ mặt nhiều BV có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề quản lý BV vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa được nâng cao, thậm chí tại một số BV hạng đặc biệt, hạng 1, việc xử lý quản lý rác thải, quản lý các dịch vụ an ninh... còn kém.

Do đó, Bộ trưởng  Y tế nhấn mạnh phải trao quyền tự chủ để các BV tự tăng cường quản lý chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. “Tư duy quản lý chất lượng BV vẫn còn như thời bao cấp, đang còn bằng lòng với tất cả, chưa có sự linh hoạt, nhạy bén để thay đổi cách quản lý nhằm hướng đến sự hại lòng của người bệnh.  Vì vậy, quy hoạch lãnh đạo không chỉ có chuyên môn giỏi mà cần được đạo tạo về quản lý” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Theo chủ trương của Bộ Y tế, các BV sẽ được giao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm, trong đó có tự chủ tài chính, tự chủ giá dịch vụ, bảo hiểm y tế... (*Sài Gòn giải phóng (trang 3))

Đồng Nai: Đình chỉ cơ sở chữa bệnh bằng “gạo lứt, muối mè”

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu một cơ sở khám chữa bệnh đặt tại chùa Long Hương, đóng tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) ngưng hoạt động. Căn cứ vào những sai phạm của cơ sở này, Sở Y tế cũng sẽ tiến hành xử phạt hành chính.

Trước đó, khi đoàn thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra cơ sở này, những người thực hiện khám chữa bệnh tại đây đã không xuất trình được chứng chỉ hành nghề và bằng cấp chuyên môn. Người đứng tên phòng khám nội tổng hợp đặt tại chùa, bác sĩ Trần Anh Triết cũng không có mặt.

Theo phản ảnh của người dân, nhiều bệnh nhân đến đây đã được các “thầy” tư vấn dưỡng sinh bằng cách ăn muối mè, gạo lứt và dùng thuốc Đông y. Sau khi khám bệnh, “thầy” chỉ định bệnh nhân đến mua thuốc tại Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất Quy Nguyên (Công ty Quy Nguyên), nằm trên đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Tây, quận Thủ Đức (TPHCM). Một số trường hợp bệnh được chữa bằng thuốc Đông y cũng do thầy kê toa và chỉ định mua tại công ty nói trên.

Được biết, vào cuối tháng 8-2016, Thanh tra Sở Y tế TPHCM và lực lượng an ninh của Công an TPHCM đã tiến hành kiểm tra Công ty Quy Nguyên. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện một số lượng dược liệu nhưng cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc mua bán, chứng minh nguồn gốc.  (*Sài Gòn giải phóng (trang 3))

Phẫu thuật thẩm mỹ phiêu lưu ký

 Xã hội hiện đại, tư duy về cái đẹp “thoáng” hơn, nhiều bạn trẻ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện hình thức để tự tin hơn trong cuộc sống. Đó là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, đằng sau “công cuộc chỉnh trang” ấy là những câu chuyện bi hài, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

 “Nghiện” thẩm mỹ

Ở Hà Nội, khắp các tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy,…các trung tâm thẩm mỹ mọc lên ngày càng nhiều, các dịch vụ làm đẹp từ bình dân đến hạng sang, từ tiểu phẫu đến đại tu nhan sắc nở rộ. Qua một số bác sỹ tư vấn làm đẹp, tôi được biết những câu chuyện dở khóc, dở cười sau mỗi ca chỉnh trang nhan sắc.

Cô gái Lê Ngọc Trâm, SN 1994, quê ở Hải Phòng, buôn bán mỹ phẩm ở Hà Nội tìm đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Hai Bà Trưng để hút mỡ bụng. Trâm có khuôn mặt trái xoan, cằm Vline, mũi thanh, cao lại thêm má lúm đồng tiền. Khi hỏi, Trâm cũng không nhớ mình đã tiến hành đại phẫu, tiểu phẫu bao lần ở các cơ sở thẩm mỹ. Trâm kể, lúc trước khi tìm đến thẩm mỹ cô có ngoại hình bình thường. “Sau khi chia tay mối tình đầu kéo dài 4 năm, mình tìm đến thẩm mỹ để xinh hơn người yêu người đó”, Trâm nói.

Qua một người bạn giới thiệu, Trâm đánh liều cắt đôi mắt một mí để sửa “cửa sổ tâm hồn”. Cắt mí thành công, Trâm đẹp hơn. Từ đó, cô bước vào con đường làm đẹp nhờ dao kéo. Trâm tiếp tục cắt cánh mũi, đôi mắt mí lót cũng được đem ra nhấn mí cho to rõ hơn, rồi tiếp đến là nâng ngực, nâng vòng 3, hút mỡ bụng để có dáng người như ý. Đến nay, khi các công cuộc đại tu tổng thể xong, Trâm vẫn tiếp tục hành trình “tiểu phẫu” với phun mí, phun mày, môi và chưa có ý định dừng lại.

Trần Ngọc Phương Linh, SN 1995, quê Thái Nguyên là sinh viên một trường nghệ thuật ở Hà Nội. Linh cho biết, trên người cô hầu như chỗ nào cũng thẩm mỹ chỉnh sửa. Gia đình có điều kiện, chiều cao trên 1,6m, khuôn mặt ưa nhìn nhưng Linh luôn không hài lòng với vẻ ngoài của mình. Chiếc mũi thấp, Linh quyết định sửa cao lên để “tây” hơn. Sau lần đầu thẩm mỹ thành công, Trâm xinh hơn. Nhưng từ đó cô tiếp tục “nghiện” làm đẹp. Linh nâng mũi, độn cằm, tiêm botox, hút mỡ mắt, hút mỡ bụng, cánh tay, nâng ngực, chỉnh cho mắt to ra... Nhiều bác sĩ khuyên Linh không nên chỉnh sửa vì cơ thể gọn gàng, gương mặt khá hài hòa, nhưng cô vẫn muốn “sửa tiếp cho đẹp hơn nữa”.

BS Dương Văn Tươi (biệt hiệu là BS Tươi Sài Gòn), người có nhiều năm kinh nghiệm, từng làm cho nhiều bệnh viện thẩm mỹ lớn tại Sài Gòn, Hà Nội cho biết: Trong quá trình thăm khám, tư vấn thẩm mỹ ông gặp rất nhiều cô gái trẻ tìm đến thẩm mỹ sau khi thất bại trong tình yêu, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, bị stress… Thực tế, “Nhân vô thập toàn, con người không ai hoàn hảo. Việc người ta không hài lòng về điểm nào đó trên cơ thể và muốn cải thiện nó là điều tự nhiên. Nhưng khi gặp cú sốc tinh thần, dựa vào những can thiệp dao kéo để làm đẹp bằng mọi giá là rất nguy hiểm.

“Có những cô gái có tiền sử bệnh máu không đông, bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, nên khi tiêm thuốc vào cơ thể sẽ có những phản ứng mạnh nhưng vẫn kiên quyết đòi thẩm mỹ. Đẹp phải đi đôi với an toàn. Cả người đi làm đẹp và bác sĩ nhiều nơi vẫn còn chủ quan khi tiến hành phẫu thuật. Cũng vì lý do này mà không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra”, BS Tươi nói.

Theo BS Tươi, có những chị em, trên người hầu như không còn điểm khuyết nào để phẫu thuật vẫn đến để bác sĩ tư vấn xem làm sao để đẹp hơn. Bác sĩ khuyên nên dừng lại thì vùng vằng không chịu, tìm trung tâm khác để tiếp tục làm đẹp. Ranh giới giữa ham muốn làm đẹp và “nghiện” làm đẹp đôi khi cũng khá mong manh. “Phẫu thuật thẩm mỹ như một con dao hai lưỡi, nó có thể khiến chị em trở nên đẹp đẽ, hoàn thiện hơn. Nhưng nếu không biết điểm dừng, hoặc làm đẹp bất chấp an toàn, nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc, tiêu tốn tiền bạc và thời gian”, BS Tươi nói.

Cược mạng sống cho “tử thần”

Nguyễn Thị H., SN 1994 quê ở Thái Nguyên (sinh viên một trường CĐ ở Hà Nội) có dáng người cao ráo, khuôn mặt ưa nhìn nhưng vòng 1 “hơi bị lép” so với những bạn cùng lứa. Điều đó khiến H. luôn thiếu tự tin khi diện quần áo. Có một khoản tiền tiết kiệm, H. đến một thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy tìm hiểu về cách nâng ngực.

H. cho biết, sau khi xem qua hình dạng của bộ ngực, nhân viên ở đây cho biết, thẩm mỹ này chỉ thực hiện các tiểu phẫu như cắt mí mắt, lăn kim làm mịn da…còn muốn nâng ngực phải vào bệnh viện. Nhân viên tư vấn thêm cho cô phương pháp không cần phẫu thuật mà vẫn có được “vòng một đẹp như ý” khi bơm mỡ nhân tạo vào ngực.

Theo lý giải của nhân viên tư vấn, mỡ nhân tạo không gây tác dụng phụ, làm ngực đẹp một cách tự nhiên, không gây đau nhức cho phụ nữ như cách nâng ngực bằng silicone. Mù mờ về kiến thức y khoa, H. quyết định bơm ngực với chi phí 15 triệu đồng. Sau khi đóng tiền đầy đủ, chị được gây mê tại chỗ. Thẩm mỹ viện đã bơm chất gì vào người, H. cũng không hay biết.

Sau hơn 1 tháng kiêng cự, H. có vòng 1 căng tròn như ý. Nhưng sau vài tháng, ngực của H thường đau nhức, thỉnh thoảng rát đỏ ở chỗ tiêm silicone. Cô đi bệnh viện khám và tá hỏa khi bác sĩ cho biết, cô đã bị biến chứng do tiêm silicone lỏng và phải điều trị cắt bỏ toàn bộ ngực.

GS.TS.BS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết: “Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 25 - 30 ca điều trị biến chứng do tiêm silicone vào vòng một, vòng ba, vào mặt, mũi, cằm”.

Mới đây, các bác sỹ ở khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn vừa phẫu thuật lấy những mô viêm vón cục (là silicone) trong vòng 1 cho hai cô gái trẻ. “Nạn nhân khi biến chứng nặng mới tìm đến bệnh viện để chữa trị nên việc điều trị gặp khó khăn, phải cắt bỏ cả hai bên ngực và đặt túi ngực nhân tạo thay thế”, GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết. 

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, trước đó mấy tháng, bệnh viện có một trường hợp là nữ, 25 tuổi, ở Hà Nội bị biến chứng do tiêm silicone vào vòng 3 ở TPHCM. Việc bơm silicone lỏng được thực hiện ngay trong một khách sạn. Cô gái tỏ ra rất hài lòng sau đợt nâng cấp khi vòng 3 trở nên tròn đẹp. Nhưng đúng một năm sau cô phát hiện vòng 3 của mình thường bị đau, rát đỏ. Để giải quyết những ca bị biến chứng, các bác sỹ phải mổ chỗ tiêm silicone, sau đó dùng ống hút silicone ra. Tuy nhiên, mỗi lần hút không được nhiều, vì silicone lỏng đã xâm nhập vào cơ thể.

Trong khi đó, theo BS Dương Văn Tươi, ông không nhớ đã can thiệp bao nhiêu ca bị biến chứng do silicone, chỉ biết họ hầu hết là nạn nhân của những tiệm làm tóc, nail, spa. “Nhu cầu nâng cấp vòng 1, vòng 3 của chị em thời gian gần đây là rất lớn. Nhưng tâm lý nhiều bạn trẻ muốn làm đẹp nhưng sợ phẫu thuật. Muốn được đẹp nhanh, kín đáo…nên đến những cơ sở làm đẹp không đảm bảo.

Nhiều cô gái nhầm lẫn họ được bơm bằng “mỡ nhân tạo” nhưng thực chất là silicone lỏng. Trong những ca phẫu thuật, chúng tôi gắp ra nhiều silicone vón cục trong ngực, mông, mặt… Thậm chí, phải cắt bỏ ngực, mông. Khi đã biến chứng thì không chữa được khỏi hẳn, silicone vẫn tồn tại trong cơ thể và nếu để lâu từ 10 đến 20 năm còn có thể gây ung thư”, BS Tươi nói.

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết: Silicone lỏng sau khi tiêm trực tiếp vào một số bộ phận xung quanh nhờ quá trình thực bào, từ vị trí được bơm ban đầu sẽ theo trọng lực chảy xuống phía dưới, len lỏi trong chất gian bào, theo trục các sợi thần kinh, mạch máu, hậu quả biến dạng mô làm “chảy xệ” vùng được bơm. Loại biến dạng này thường gặp ở mí mắt, má, cằm, môi, ngực, mông. Silicone gây suy: phổi, hô hấp, gan, thận, tắc mạch ở não...  Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

“Để phẫu thuật tạo hình, các chị em phải đến những nơi uy tín, bác sĩ có tay nghề để loại trừ những nguy cơ biến chứng. Tuyệt đối không bơm silicone trực tiếp vào cơ thể để tránh phải mang di chứng suốt đời, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng”, GS.TS Sơn nói. (*Tiền phong (trang 9))

Đảm bảo chất lượng thực phẩm: Chuyển mạnh sang hậu kiểm

Nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Y tế đang chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đây cũng được xem là giải pháp giúp tăng khả năng kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Bảo vệ người tiêu dùng

Tại buổi đối thoại chính sách quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) về tháo gỡ rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp do Cục ATTP – Bộ Y tế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12-9, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, Cục ATTP đang thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm, trong đó tập trung theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như điều kiện sản xuất của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Phân tích sâu hơn về việc này, Phó Cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga cho biết, thời gian trung bình “kiểm tra thường” tại cửa khẩu với một sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trước đây phải mất 9,3 ngày thì nay rút xuống còn 5,5 ngày, do hầu như chỉ kiểm tra bằng cảm quan, trừ trường hợp nghi ngờ mới lấy mẫu xét nghiệm.

Tương tự, thời gian trung bình “kiểm tra chặt” - lấy mẫu xét nghiệm - với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu cũng giảm được gần 50% do hiện chỉ kiểm tra chặt với những lô hàng có cảnh báo mất ATTP hoặc lô hàng trước đó có vấn đề.

Ở góc độ đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, quan điểm quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm nặng về hậu kiểm hơn tiền kiểm là cần thiết.

“Thực tế cho thấy, hầu hết sản phẩm khi kiểm tra giấy tờ đều đạt song khi kiểm tra thực tế tại cơ sở, dây chuyền sản xuất thì lại hoàn toàn khác. Chẳng hạn có doanh nghiệp lấy mẫu nguồn nước máy gửi đi kiểm nghiệm, đạt hết các chỉ tiêu nhưng sau khi được cấp giấy chứng nhận rồi thì lại sử dụng nước giếng khoan để chế biến thực phẩm...” – ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Hậu kiểm không tốt, hậu quả nặng nề

Rõ ràng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là bước chuyển biến quan trọng về quản lý ATTP trong bối cảnh hiện nay, giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thế nhưng, những áp lực, khó khăn trong quá trình triển khai cũng vô cùng nặng nề bởi nếu hậu kiểm không tốt thì chắc chắn hậu quả sẽ rất lớn.

Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là thực tế đang đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, nhất là trong bối cảnh lực lượng thanh tra, cán bộ làm công tác hậu kiểm ATTP còn mỏng.

Tuy vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, không phải vì thiếu cán bộ mà lo ngại hậu kiểm không đạt hiệu quả. “Nếu chúng ta kiểm tra đột xuất, không báo trước, kiểm tra thực tế sát sao không để lọt sai phạm thì sẽ có sức cảnh báo lớn tới các doanh nghiệp” – ông Hùng phân tích thêm. Trong khi đó, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cũng thừa nhận, có nhiều áp lực khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm song Cục sẽ quyết tâm làm bằng được.

Dung sai về thực phẩm phải được công khai

Tại buổi đối thoại, Cục ATTP và VCCI đã lấy ý kiến về việc xây dựng một khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm. Theo đó, các sản phẩm thực phẩm chế biến thường có thời hạn sử dụng nhất định (thường trong vòng 1 năm), trong thời gian đó, hàm lượng các chất dinh dưỡng, vitamin… không thể giữ nguyên.

Vì thế, cần có quy định về khoảng dung sai để các sản phẩm thực phẩm này có thể xuất khẩu ra nước ngoài cũng như thực phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam được lưu thông một cách thuận lợi. Dung sai này phải được ghi rõ ràng trên nhãn hàng hóa và mức dung sai công bố phải trên cơ sở khoa học, được cơ quan có thẩm quyền công nhận. (*An ninh Thủ đô (trang 1))

Xứng đáng là bệnh viện đầu ngành của lực lượng CAND

Bệnh viện 19-8 được thành lập theo Quyết định số 3203-NV/QĐ ngày 28-8-1976 trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện 265 trực thuộc Cục Hậu cần Công an vũ trang và Bệnh viện 367 trực thuộc Vụ Tài vụ - Vật tư, Bộ Công an.

Bệnh viện 265 tiền thân là Bệnh xá 265 Công an vũ trang, thành lập ngày 14-9-1961 và ngày này được Bộ Công an xác định là ngày truyền thống của Bệnh viện 19-8.

Trải qua 55 năm, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Bệnh viện 19-8 đã không ngừng phấn đấu, xây dựng, trưởng thành và phát triển trở thành Bệnh viện đa khoa hạng I, đầu ngành của Bộ Công an.

Hiện nay, Bệnh viện 19-8 có quy mô 550 giường bệnh với 39 khoa, phòng, trung tâm với nhiệm vụ: khám, cấp cứu, thu dung và điều trị cán bộ, chiến sỹ Công an; bệnh nhân bảo hiểm y tế và nhân dân trên địa bàn. Bệnh viện có đội ngũ thầy thuốc giỏi và cán bộ, nhân viên giàu y đức, tận tình chăm sóc và phục vụ người bệnh.

Bệnh viện được trang bị các thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: máy chụp cộng hưởng từ, CT cắt lớp 16, 64, 256 lát, máy siêu âm 4D thế hệ mới, các máy nội soi tiêu hóa, nội soi hô hấp, máy xét nghiệm sinh hóa tự động đa chức năng, Laser điều trị, phòng mổ áp lực âm siêu sạch… đáp ứng được yêu cầu ghép tạng, các thiết bị hiện đại phục vụ phẫu thuật nội soi.

Bệnh viện 19-8 thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đi học tập, tu nghiệp tại các trung tâm y tế chuyên sâu trong và ngoài nước. Đến nay, bệnh viện đã có đội ngũ y, bác sỹ đông đảo là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú với hơn 20 Tiến sỹ, 50 Thạc sỹ; hàng trăm bác sỹ chuyên khoa cấp II, chuyên khoa cấp I.

Đội ngũ cán bộ y, bác sỹ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đến nay đã có hàng trăm đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở được nghiệm thu và đã được áp dụng vào công tác điều trị có hiệu quả.

Đảng ủy, lãnh đạo Bệnh viện 19-8 xác định nâng cao trình độ chuyên môn, lựa chọn hướng đột phá là một yêu cầu sống còn. Phẫu thuật nội soi được phát triển rộng rãi tại các khoa ngoại, khoa chuyên khoa, giải quyết được các trường hợp phức tạp như nội soi cắt đại tràng, nội soi cắt tử cung, nội soi cắt thận, nội soi phẫu thuật một số bệnh tai mũi họng.

Thực hiện thành công hàng nghìn ca phẫu thuật Phaco tại khoa Mắt. Thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp vai và khớp gối, trồng lại chi thể đứt rời tại khoa Ngoại Chấn thương.

Trung tâm Ung bướu triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại tiên tiến trong điều trị. Ứng dụng các xét nghiệm hiện đại như PCR chẩn đoán H1N1, xét nghiệm các Macker ung thư, chẩn đoán Giải phẫu bệnh tức thì.

Kỹ thuật chụp và can thiệp mạch qua da đã cứu sống nhiều bệnh nhân bệnh tim mạch. Các khoa nội đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị cho các chuyên khoa như nội soi màng phổi, nội soi tiêu hóa điều trị…

Đặc biệt năm 2008, ca ghép thận trên người đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện 19-8 đạt kết quả tốt. Đến nay, bệnh viện đã tiến hành ghép thận được 24 ca đều thành công tốt đẹp. Từ năm 2010, Bệnh viện 19-8 đã tiến hành phẫu thuật tim mở cho bệnh nhân đầu tiên.

Đến thời điểm này, bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật thành công 10 bệnh nhân. Trung tâm Huyết học truyền máu cũng đã tiến hành ghép tủy cho 2 bệnh nhân thành công tốt đẹp.

Đây là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật cao của Bệnh viện 19-8, cũng là đóng góp có ý nghĩa vào chương trình và chiến lược phát triển y tế của quốc gia. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật ghép thận, ghép tủy, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tim mở, kỹ thuật chụp mạch vành đặt stent…

Bệnh viện 19-8 đã góp phần nâng cao chất lượng khám, cấp cứu, điều trị và nâng cao trình độ kỹ thuật, uy tín của đội ngũ cán bộ y tế trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Là bệnh viện đầu ngành của Y tế CAND, vì vậy công tác chỉ đạo tuyến có ý nghĩa quan trọng. Bệnh viện thường xuyên đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho y tế các trường, trại và các địa phương, cử chuyên gia giúp một số bệnh viện của ngành và được lãnh đạo Bộ Công an cử làm chuyên gia xây dựng y tế và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ Công an Lào.

Ngoài ra, bệnh viện đã trực tiếp đào tạo nhiều cán bộ y tế cho Công an Lào, Campuchia. Thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân là cán bộ Công an Lào và Campuchia. Trong những năm gần đây, khám bệnh cho hàng nghìn người nước ngoài.

Bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp là một trong những nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo Bộ giao cho Bệnh viện 19-8. Bệnh viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ này, hằng năm, tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho hàng nghìn lượt và thu dung điều trị hàng trăm lượt bệnh nhân là cán bộ cao cấp.

Bệnh viện thành lập các tổ bảo vệ sức khỏe và đội cấp cứu, phục vụ các Hội nghị quốc gia và quốc tế như: SEA Games, Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị ASEM, APEC, MACOH được tổ chức tại Hà Nội.

Đặc biệt, trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 2 đội cấp cứu của Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẩn trương tham gia cấp cứu, phân loại, xử trí ban đầu về y tế trong sự cố pháo hoa tại sân vận động Mỹ Đình.

Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện tốt các chương trình y tế như: phòng chống lao, bướu cổ, sốt rét, HIV, phòng chống dịch cúm H5N1, H1N1 và H7N1, làm tốt công tác y tế cộng đồng, tham gia tích cực các chương trình từ thiện, nhân đạo…

Hằng năm, bệnh viện tổ chức nhiều đoàn cán bộ y tế tới vùng sâu, vùng xa để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, mổ mắt, tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.

 Với những thành tích đã đạt được, trong đợt bình xét tiêu chuẩn Thương hiệu bền vững và phát triển trên toàn quốc năm 2010, Bệnh viện 19-8 là 1 trong 10 đơn vị vinh dự được trao Cúp vàng “Thương hiệu bền vững và thịnh vượng”.

Bệnh viện 19-8 đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và nhân kỷ niệm 55 Ngày truyền thống Bệnh viện 19-8 được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất vì có thành tích trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. (*Công an Nhân dân (trang 3))

Thực phẩm chức năng phải có nghiên cứu đánh giá hiệu quả

 Hội nghị đối thoại giữa cơ quan quản lý an toàn thực phẩm lần đầu tiên được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Phòng Thương mại - Công nghiệp VN tổ chức chiều 12.9 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học phải có hồ sơ công bố nghiên cứu đánh giá hiệu quả, chứ không thể tùy tiện liệt kê “công dụng”.

Ông Phong cũng cho hay theo quy định chung, hàm lượng một chất trong sản phẩm đạt 70% trở xuống (dung sai từ 30%) coi như hàng giả nhưng VN lại chưa có quy định này. Bởi vậy, sẽ lấy ý kiến để sớm đưa ra quy định buộc doanh nghiệp phải đưa ra sản phẩm có chất lượng ổn định, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng. Trước mắt, doanh nghiệp phải ghi công khai hàm lượng và dung sai trên nhãn sản phẩm. Khi kiểm tra không đạt sẽ bị xử phạt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng dung sai càng thấp thì người tiêu cùng càng được lợi; có biện pháp để tránh tình trạng công bố hàm lượng cao nhưng hàm lượng thực lại thấp sát đến mức như hàng giả. “Với các chất có lợi cho sức khỏe, Bộ Y tế cần quy định hàm lượng tối thiểu; chất có hại cho sức khỏe thì phải có quy định giới hạn tối đa cho phép”, ông Hùng đề xuất. (*Thanh niên (trang 7))

Sự hài lòng của bệnh nhân là trên hết

Bệnh nhân đến bệnh viện có thể chữa lành bệnh nhưng mang nỗi đau tinh thần, bởi vì có những tổn thương khác trong quá trình điều trị. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị “Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện” diễn ra tại TPHCM ngày 12.9, đó là y-bác sĩ được đào tạo để phục vụ bệnh nhân thì phải làm sao cho bệnh nhân hài lòng, đó là mục tiêu trên hết.

Sự hài lòng không chỉ là mũi kim tiêm nhẹ tay, sự hài lòng không chỉ là thái độ chăm sóc ân cần của thầy thuốc, sự hài lòng không chỉ là giường bệnh không ghép hai người, mà còn nhiều nhu cầu khác. Những nhu cầu cần có là bệnh viện xanh, sạch. Đã là bệnh viện thì không thể không sạch, cao hơn là tạo được không gian xanh và môi trường an toàn.

Những nỗ lực của ngành y tế trong những năm qua đã thay đổi tích cực chất lượng của các bệnh viện, nhiều bệnh viện được xây mới hoặc cải tạo, có những bệnh viện triển khai kỹ thuật y học hiện đại không thua các nước tiên tiến, nhiều đề án được triển khai hiệu quả như luân phiên cán bộ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới hoặc ký cam kết không nằm ghép. Tuy nhiên, còn không ít hạn chế, tồn tại trong các bệnh viện khiến cho bệnh nhân chưa thể hài lòng. Hài lòng sao được khi còn những y-bác sĩ quát nạt hay lạnh lùng với bệnh nhân, hài lòng sao được khi có những sai sót y khoa khiến một nữ sinh phải cưa chân, hài lòng sao được khi bảo vệ bệnh viện chặn xe chở bệnh nhân vì nạn “cai đầu dài” vận chuyển ở các bệnh viện.

Còn nữa, nhiều bệnh viện rất bẩn, nhà vệ sinh hôi hám, rác xả bừa bãi. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không ngần ngại chỉ ra những “căn bệnh” của các bệnh viện, trong đó có việc xử lý rác thải bệnh viện chưa tốt, không chỉ làm cho bệnh viện dơ bẩn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh là cấp thiết, có những công việc thay đổi không tốn một cắc là nụ cười, là thái độ phục vụ bệnh nhân của nhân viên y tế. Nhưng có những sự thay đổi bắt buộc phải có đủ nguồn tài chính, muốn không nằm ghép thì phải xây thêm phòng, trang bị thêm giường, muốn bệnh viện sạch, xanh thì phải xây mới, phải cải tạo và có quỹ đất. Sẽ không có sản phẩm y tế chất lượng cao khi giá thành quá thấp.

Cùng với việc thực hiện những công việc cần có thời gian và tiền bạc, y-bác sĩ hãy làm ngay những việc trong tay và trong tâm của mình, đó là tận tâm với bệnh nhân, chuyên tâm với nghề để hạn chế tối đa sai sót y khoa. Bệnh nhân không mong chờ nằm trên chiếc giường êm ái nhưng bị mổ nhầm. (*Lao động (trang 2) )

Cứu sống người bệnh mang thai 40 tuần tuổi nằm trong ổ bụng

Ngày 12.9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, sức khỏe bệnh nhân N.T.K (31 tuổi, trú xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) đã ổn định sau khi được phẫu thuật cấp cứu do bị biến chứng khi mang thai 40 tuần tuổi trong ổ bụng.

Trước đó, chị K nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở vùng bụng, sau khi thăm khám, các bác sỹ đã phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân có khối thai đã chết lưu khoảng 40 tuần tuổi, gây biến chứng chảy máu trong ổ bụng.

Sau đó các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy khối thai ra ngoài, bảo toàn tính mạng cho người mẹ.

Theo BS Chuyên khoa 2 Phan Xuân Khôi – Trưởng khoa Phụ sản; người trực tiếp phẫu thuật – cho biết, đây là trường hợp thai lạc chỗ nằm trong ổ bụng rất hiếm gặp, chỉ 1/10.000 trường hợp mang thai mắc phải. Kết quả phẫu thuật cho thấy, khối thai bị bao bọc xung quanh bằng ruột và nội tạng của người mẹ.

“Thông thường những trường hợp này thì thai khoảng 2 - 3 tuần tuổi sẽ chết lưu, gây ra các biến chứng cho mẹ và phải can thiệp lấy khối thai ra ngoài. Tuy nhiên trường hợp khối thai lạc chỗ đến 40 tuần tuổi là trường hợp rất hiếm gặp từ trước đến nay” – BS Khôi cho biết. (*Lao động (trang 2) )

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang