Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Để thuốc tốt, rẻ đến tay người bệnh: Lo hiệu quả chữa bệnh; Tạm dừng chuyên môn bác sĩ gác chân lên ghế tiếp bệnh nhân; Phòng chống sốt xuất huyết: Nếu lơ là, dịch sẽ bùng lên; Nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm; ...

 

Để thuốc tốt, rẻ đến tay người bệnh: Lo hiệu quả chữa bệnh

Bác bỏ những ý kiến cho rằng việc tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng trong đấu thầu thuốc tập trung là số ảo do dùng “chiêu” lấy giá kế hoạch trừ đi giá trúng thầu nên hãng dược có thể nâng giá kế hoạch lên, Bộ Y tế khẳng định không có cơ sở và đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc tiết kiệm là có thật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng thuốc.

Tiết giảm 30% chi phí mua thuốc

Khi đề cập về đấu thầu thuốc tập trung, dược sĩ H.T - trưởng khoa dược một bệnh viện công lập tại TPHCM khẳng định việc làm này có nhiều thuận lợi. “Đấu thầu thuốc tập trung là hình thức tiến bộ mà các nước tiên tiến trên thế giới đã làm. Cái lợi lớn nhất là giá thuốc sẽ rẻ hơn”- ông nói và dẫn chứng: Giả sử ở TPHCM có 30 BV, nếu đấu thầu riêng lẻ thì phải cần có 30 hội đồng thầu, mỗi hội đồng thầu ít nhất có cả chục người. Chi phí thời gian cho hội đồng đó hoạt động xét từ lúc nộp hồ sơ đến khi ra kết quả tốn nhiều thời gian và tiền bạc, công sức của hơn 300 người. Còn đấu thầu tập trung thì chỉ có 30 người, sẽ đỡ hơn 300 người.

“Đấu thầu thuốc tập trung cũng sẽ làm các cơ quan quản lý như Sở Y tế, cơ quan BHXH giảm bớt thời gian, công sức khi xét duyệt danh mục, hồ sơ của công ty đấu thầu. Đơn cử như UBND TP đã quy định giá không được lệch quá 5%, BV đấu thầu xong thì phải dò coi có công ty nào lệch quá 5% không, Sở Y tế và cơ quan BHXH cũng phải dò tương tự”- dược sĩ này nói thêm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc BHXH TPHCM cho biết, sau hai năm tham gia vào hội đồng đấu thầu thuốc tập trung ở Sở Y tế, BHXH nhận thấy giá thuốc đã ổn định hơn. Đây cũng là lý do mà theo bác sĩ Huyền, trong năm 2015 từ đấu thầu tập trung bảo hiểm xã hội đã kết dư được hơn 1.000 tỷ đồng. Với hàng chục hội đồng đấu thầu ở bệnh viện theo phân quyền lại hiện nay, theo bà Huyền, cơ quan bảo hiểm sẽ không đủ nhân sự để tham gia vào hội đồng thầu. Đó là chưa kể, khi giao cho bệnh viện tự đấu thầu riêng lẻ, tình trạng mỗi nơi mỗi giá chắc chắn sẽ tái hiện như trước đây. “Bảo hiểm xã hội bảo lưu quan điểm đấu tập trung cả thuốc và thiết bị y tế”- bà Huyền nói.

Chứng minh việc đấu thầu thuốc tập trung vào các năm qua là hướng đi đúng, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, trong năm 2016 việc đấu thầu thuốc tập trung đã tiết giảm được 30% chi phí mua thuốc của các cơ sở y tế trên cả nước. Kết quả này được thống kê trên cơ sở so sánh kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế trong cả nước theo phương thức mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cục Quản lý Dược đang áp dụng, đó là so sánh số tiền thực tế mua thuốc sử dụng ở 2 kỳ đấu thầu để mua cùng một loại thuốc với cùng số lượng sử dụng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trị giá tiền mua thuốc Levofloxacin 500mg/100mg là 5,249 tỉ đồng cho 36.563 viên vào năm 2013 thì trong năm 2015, 2016 với số tiền 5,613 tỷ đồng mua được đến 52.530 viên, tiết kiệm được hơn 34%; hoặc tiền mua kháng sinh Imipenem + Cilastatin là 4,948 tỷ/17.567 lọ thì khi đấu thầu tập trung chỉ là 11,984 tỷ đồng/57.500 lọ đã tiết kiệm 35% chi phí sử dụng. “Quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian, thống nhất giá thuốc so với đấu thầu riêng lẻ”- đại diện Cục Quản lý Dược chia sẻ.

Không dám nói

Khẳng định đấu thầu thuốc tập trung có nhiều lợi ích song dược sĩ T. cho rằng còn nhiều phát sinh. Với một lượng mặt hàng thuốc khổng lồ như vậy thì chẳng có công ty nào đáp ứng được hết, nên khi đấu thầu tập trung, các công ty thường bị thiếu hàng. “Nếu sản xuất dư ra ngay từ đầu, lỡ không trúng thầu thì thuốc đó phải đem hủy; còn trúng thì sản xuất, nhập khẩu không kịp nên hàng luôn bị thiếu. Nguy hiểm nhất, khi nhắm vào giá để đấu thầu tập trung, giá rẻ nhất thì trúng. Trước đây, người ta chú ý đến chất lượng của thuốc, nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu để sản xuất, giá có cao hơn một chút nhưng uống vào rất công hiệu. Còn bây giờ, giá cả quyết định việc trúng thầu nên họ mua nguyên liệu Trung Quốc giá rẻ, không thể kiểm soát được chất lượng nguyên liệu”- ông phân tích.

Nghiêm trọng hơn, theo dược sĩ này nhiều công ty không có nhà máy, xí nghiệp. Họ đăng ký tên của nhà máy gia công, mua nguyên liệu sẵn, gửi gia công, chủ yếu là để kiếm tiền chứ có quan tâm chất lượng. “Các bác sĩ ai cũng biết nhưng không dám nói. Có trường hợp lãnh đạo BV Việt Đức phản ứng chất lượng thuốc A. trước đây uống vài ngày đã khỏi, nhưng giờ cũng loại đó uống cả tuần, bệnh nhân vẫn không hết bệnh. Khi Bộ Y tế khẳng định thuốc A. đã được Bộ kiểm nhập qua giấy tờ, đảm bảo chất lượng tốt. Nếu bác sĩ bảo thuốc kém thì phải chứng minh được trên bao nhiêu người, trên bao nhiêu mẫu, phải có nghiên cứu rõ ràng…Vậy là không ai dám nói, trong khi bác sĩ đều biết điều đó.  Chỉ cần khác nguyên liệu thì chất lượng thuốc đã khác nhau.

Một lãnh đạo của bệnh viện ở TPHCM khẳng định: Bộ Y tế vẫn biện luận là đấu thầu tập trung tiết kiệm mấy ngàn tỷ, nhưng chất lượng điều trị như thế nào mới quan trọng. Trong khi cái này Bộ lại không đánh giá được. “Họ chỉ đánh giá được tiết kiệm bao nhiêu tiền, còn uống hết hay không hết bệnh mới là vấn đề. Chưa kể tác dụng phụ, hậu quả của việc dùng thuốc giá rẻ đó như thế nào… Nếu so sánh trên người bệnh, họ cũng không ham mua thuốc rẻ đâu. Thuốc giá “bèo” thì bệnh nhân cũng không an tâm (Tiền phong, trang 4).

 

Chưa có bệnh viện nào nói 'thuốc kém chất lượng'

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng- Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TPHCM khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong hôm qua, 12/9.

Ông Đỗ Văn Dũng nói: Sau đấu thầu thuốc, Sở Y tế TPHCM có chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm thành phố lấy mẫu và kiểm nghiệm 92/1.211 thuốc trúng thầu. Kết quả các thuốc lấy mẫu đạt chất lượng 100%. Sở cũng yêu cầu các bệnh viện theo dõi hiệu quả và độ an toàn của thuốc trên lâm sàng. Đến nay chưa có bệnh viện nào phản ánh về chất lượng của thuốc trong điều trị.

Trước năm 2014 các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP HCM thực hiện đấu thầu thuốc riêng lẻ. Qua thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng đã kết luận việc đấu thầu thuốc riêng lẻ có nhiều bất cập như giá thuốc trúng thầu của cùng một thuốc chênh lệch nhau khá nhiều giữa các bệnh viện trên cùng địa bàn; việc đấu thầu thuốc thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng kế hoạch, hồ sơ mời thầu, xử lý tình huống trong đấu thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Do mỗi bệnh viện tập trung công sức để đấu thầu nên đấu thầu thuốc riêng lẻ làm mất nhiều thời gian, nhân lực và tăng chi phí đấu thầu, dược sĩ không còn nhiều thời gian để làm công tác chuyên môn dược.

Giá cả của thuốc so với trước khi chưa đấu thầu tập trung ra sao, thưa ông?

Điểm khác biệt lớn nhất của hoạt động đấu thầu thuốc tập trung là danh mục thuốc của các bệnh viện, sau khi thông qua Hội đồng thuốc và điều trị, được tổng hợp thành một danh mục thuốc thống nhất và chỉ có một hội đồng tổ chức đấu thầu. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung được phản biện bởi Ban phác đồ điều trị và Hội đồng tư vấn chuyên môn ngành y tế bao gồm Ban giám đốc sở, lãnh đạo các phòng chức năng của sở, Ban giám đốc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa lớn của thành phố, đại diện bảo hiểm xã hội thành phố, các chuyên gia lâm sàng của một số bệnh viện.

Các thuốc có nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp không phổ biến nhưng có giá cao bất thường theo khuyến cáo của bảo hiểm xã hội phải loại ra khỏi danh mục thuốc đấu thầu tập trung; ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, có cân đối tỉ lệ giá trị thuốc biệt dược gốc/generic, thuốc ngoại/thuốc nội, tỉ lệ giữa các nhóm thuốc generic.

Một thống kê cụ thể trên 19 thuốc cùng tên thương mại cho thấy: Có 19 thuốc có giá trúng thầu năm 2014 thấp hơn giá trúng thầu năm 2011 từ 11,76% đến 347,37%, chênh lệch 45 tỷ đồng; Có 19 thuốc có giá trúng thầu năm 2014 thấp hơn giá trúng thầu năm 2012 từ 11,76% đến 400%, tiết kiệm được 54 tỷ.

Nhưng việc gom về một mối cũng xảy ra nhiều hệ luỵ, như: thiếu thuốc và các đơn vị trúng thầu không cung ứng kịp?

Nhược điểm lớn nhất của đấu thầu thuốc tập trung là có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở giai đoạn đầu ngay sau khi có kết quả đấu thầu. Nguyên nhân là do nhà thầu chỉ có một lượng thuốc tồn kho cơ bản để kinh doanh. Sau khi trúng thầu, nhà thầu mới đẩy mạnh việc nhập khẩu hoặc sản xuất để thực hiện hợp đồng giao nhận thuốc. Việc này có thể khắc phục bằng cách xây dựng các tiêu chí cao trong việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đối với những gói thầu có quy mô lớn; thực hiện việc dự trữ thuốc tồn kho gối đầu giữa 2 đợt đấu thầu.

Có thông tin cho rằng, khi đấu thầu thuốc tập trung doanh nghiệp trong nước dù đã nỗ lực nhiều nhưng vẫn không đáp ứng, nghĩa là họ bị rớt thầu khá nhiều. Thực sự vấn đề này như thế nào? Có lý do gì không, thưa ông?

Đấu thầu tập trung đòi hỏi các nhà thầu tham gia phải có đủ năng lực, kinh nghiệm và có danh mục thuốc đáp ứng được yêu cầu của bên mời thầu với chất lượng và giá cả hợp lý. Do tính cạnh tranh cao trong đấu thầu nên nhiều nhà thầu bị rớt thầu. Điều này phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Phương thức đấu thầu hiện nay là phương thức một giai đoạn 2 túi hồ sơ: Túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và túi hồ sơ đề xuất về tài chính. Toàn bộ nhà thầu được đánh giá năng lực, kinh nghiệm và được chấm điểm kỹ thuật cho từng sản phẩm. Những nhà thầu có sản phẩm đạt điểm kỹ thuật tối thiểu 80 điểm mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá về giá dự thầu. Yếu tố kỹ thuật chiếm 30% và yếu tố giá chiếm 70% trong đánh giá và chọn thuốc trúng thầu. Như vậy để trúng thầu đầu tiên, thuốc phải đạt tiêu chí, chất lượng, kỹ thuật và công nghệ, sau đó thuốc phải có giá thấp hơn các thuốc có cùng mức chất lượng, tiêu chí kỹ thuật (Tiền phong, trang 5).

 

Tạm dừng chuyên môn bác sĩ gác chân lên ghế tiếp bệnh nhân

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa yêu cầu Bệnh viện mắt T.Ư giải trình về video clip liên quan cán bộ của bệnh viện này có tư thế khám bệnh chưa đúng quy định.

Trước đó, trên mạng xã hội có chia sẻ video do một ông bố của bệnh nhân ở Quảng Ninh đưa con đi khám mắt tại Bệnh viện Mắt T.Ư quay. Người đàn ông bức xúc khi thấy nữ bác sĩ khám cho con mình bằng cách vạch mắt ra xem, không dùng bất cứ thiết bị máy móc kiểm tra nào và chỉ ghi trong sổ khám bệnh là cận thị nặng. Ông bố yêu cầu bác sĩ khám lại cẩn thận cho con. Trong video trên mạng, bác sĩ giải thích “mỗi bệnh cần thiết bị khác nhau”, với bệnh nhi này “bác sĩ khám và thấy như thế đủ rồi”. Video đối thoại dài khoảng bảy phút thì ba phút đầu nữ bác sĩ này gác chân lên ghế.

TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, đã nhận được thông tin về video clip tư thế khám bệnh chưa đúng quy định của 1 bác sĩ trong bệnh viện. Bệnh viện Mắt T.Ư đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để làm rõ sự việc, nghiêm túc kiểm điểm và xử lý kịp thời (nếu có sai phạm). Tổ công tác gồm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng khoa Mắt trẻ em, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ kiêm Phó ban Đổi mới phong cách và tinh thần thái độ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh của Bệnh viện mắt T.Ư.

Sau khi xem lại video clip, các thành viên của tổ công tác đã xác định người được phản ánh trong clip là TS Nguyễn Thị Minh, đang công tác tại khoa Mắt trẻ em. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 21/7. Tổ công tác đã yêu cầu bác sĩ Minh viết bản tường trình và kiểm điểm sự việc. Qua xem xét video clip, đọc bản tường trình của bác sĩ Minh cũng như biên bản làm việc giữa khoa Mắt Trẻ em với bác sỹ Minh, Bệnh viện Mắt T.Ư nhận định, bác sĩ Nguyễn Thị Minh đã có tư thế ngồi đối thoại với người nhà người bệnh chưa đúng với quy định của Bộ Y tế, gây phản cảm cho người bệnh cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của nhân viên y tế khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh viện mắt T.Ư đã yêu cầu bác sĩ này tạm dừng làm chuyên môn, tiếp tục viết tường trình.

TS Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, Bệnh viện mắt T.Ư xin tiếp thu ý kiến phản ánh của người bệnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm và chân thành xin lỗi người bệnh cũng như người nhà người bệnh. Sau khi có kết quả báo cáo từ tổ công tác, Bệnh viện viện mắt T.Ư sẽ nghiêm túc xử lý bác sĩ Minh tùy theo mức độ sai phạm (Tiền phong, trang 6).

 

Phòng chống sốt xuất huyết: Nếu lơ là, dịch sẽ bùng lên

Chiều 12-9, tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới SXH trên địa bàn thành phố trong tuần qua tiếp tục giảm. Hiện dịch SXH đã tạm chững lại, tuy nhiên nguy cơ bùng phát trong thời gian tới vẫn còn.

Tỷ lệ phun hóa chất mới đạt 70%

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 10-9), toàn thành phố ghi nhận 2.325 trường hợp mắc SXH (giảm 1.244 trường hợp so với tuần cao điểm), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 27.000 trường hợp. Trong đó, nhiều quận, huyện trọng điểm về SXH ở nội thành cũng đã ghi nhận số ca mắc giảm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, dù dịch SXH đã có dấu hiệu chững lại nhưng do thời tiết nắng-mưa thất thường, một số huyện ngoại thành hiện vẫn có số ca mắc tăng nên nếu lơ là thì nguy cơ dịch lại bùng lên trong thời gian tới là rất lớn. 

Đáng chú ý, theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH vừa qua cho thấy, hoạt động diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH ở nhiều nơi vẫn chưa triệt để, thậm chí chưa đúng quy định. Kết quả kiểm tra trực tiếp tại một số ổ dịch vẫn phát hiện rất nhiều dụng cụ chứa nước còn có ổ bọ gậy, trong khi việc phun hóa chất mới chỉ tiến hành ở ngoài ổ dịch, trong nhà dân chưa được phun… 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, giám sát tại 8 xã, phường của 8 quận, huyện, nhiều nơi tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi đạt rất thấp. Cụ thể, tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai), tỷ lệ phun đạt 70% số hộ dân, 15% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tỷ lệ phun đạt 65% số hộ, 15% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), tỷ lệ phun đạt 55% số hộ, 40% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), tỷ lệ phun đạt 80%, 15% nhà còn sót ổ bọ gậy…

Lập hội đồng đánh giá công tác phòng dịch

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý lưu ý, tuy dịch SXH trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu giảm nhưng xu hướng số mắc giảm còn chậm, mỗi ngày vẫn ghi nhận tới trên 300 bệnh nhân mắc mới. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện, xã phường không được phép lơ là, cần tiếp tục tự kiểm tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh này, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là tập trung diệt bọ gậy, quyết tâm diệt bọ gậy tại 100% các hộ gia đình; rà soát và bổ sung lực lượng cho đội xung kích diệt bọ gậy. Nếu cần thiết phải tập huấn lại cho đội xung kích và các tổ giám sát. Đặc biệt, với các huyện ngoại thành có số mắc tăng cần tập trung lực lượng để xử lý triệt để các ổ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Riêng về công tác phun hóa chất diệt muỗi, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế phải tiếp tục chỉ đạo rà soát từng ổ dịch SXH, xem lại quy trình phun, chất lượng phun và đánh giá hiệu quả công tác này, đồng thời ưu tiên phun hóa chất ở những ổ dịch mới và các xã, phường trọng điểm… Dự kiến vào cuối tuần này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý sẽ trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống SXH ở huyện Hoài Đức.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống SXH, ngày 11-9, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng gồm 20 thành viên, trong đó có các giáo sư, chuyên gia hàng đầu nhằm xem xét, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội để đưa ra các giải pháp. Hội đồng này có sự tham gia của cả đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), do GS Trịnh Quân Huấn - chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế làm Chủ tịch (An ninh thủ đô, trang 7). 

 

Nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm

Ngày 12-9 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, trường Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo “Quản lý lâm sàng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng và bệnh truyền nhiễm mới nổi”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, Việt Nam luôn là điểm nóng đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ trở thành đại dịch. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục phải đối mặt với những dịch bệnh như SARS, cúm gia cầm H1N1, H5N1, sởi, tay chân miệng và đang hiện hữu là sốt xuất huyết. Tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang có xu hướng gia tăng trở lại, ước tính 30% từ năm 2010. 

Với hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bao phủ rộng khắp toàn quốc, người bệnh đã được tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn với các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các cơ sở khám chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải, năng lực quản lý, chuyên môn trong việc thu dung, tiếp nhận, điều trị người bệnh nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi của các cơ sở khám chữa bệnh giữa các tuyến còn chênh lệch nhau khá lớn khiến cho các bệnh viện tuyến cuối càng liên tục phải đối mặt với tình trạng quá tải, nhất là trong các đợt dịch. 

Vì vậy, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm luôn là ưu tiên của Bộ Y tế. Hàng loạt chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn nhằm thiết lập hệ thống, nâng cao năng lực cho Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Kiểm soát nhiễm khuẩn đã được ban hành như Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc năm 2008, Thông tư hướng dẫn Kiểm soát nhiễm khuẩn năm 2009… 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá về thực trạng, xác định định hướng công tác quản lý bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng và bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Việt Nam thời gian qua; nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong quản lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng ở Việt Nam. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, đơn vị về công tác diễn tập phòng, chống bệnh truyền nhiễm mới nổi, cơ sở vật chất và nhân lực trong xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, tình hình nhân lực khoa truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc các tỉnh biên giới (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Gần 30 năm khám, chữa bệnh từ thiện

Là người có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm về ngành Y, ông Đặng Cát, sinh năm 1936, ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, đã tự nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho người bệnh ở TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ khi nghỉ hưu (năm 1989) đến nay, ông đã giúp nhiều người từng “thập tử nhất sinh” hồi phục sức khỏe, trở lại cuộc sống yên vui.

Người thầy thuốc bình dị

Trong một ngày đầu tháng 9, tôi tìm gặp ông Đặng Cát tại căn nhà nhỏ ở cuối ngách 416/22 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Mở đầu câu chuyện, người bác sĩ cao tuổi nhưng vẫn minh mẫn, niềm nở: “Tôi ở nhà chỉ có ba việc thôi: Nấu cơm, bơm nước và khám bệnh”. Thấy tôi thắc mắc, ông giải thích rõ hơn, bơm nước là để tránh ngập, vì sân và nhà thấp hơn nhiều so với nền đường bên ngoài. Điều kiện chỗ ở còn khó khăn như vậy, nhưng gần 30 năm qua, ông Cát khám, chữa bệnh cho mọi người mà không nhận thù lao. Đồ đạc trong căn phòng nhỏ của ông cũng rất đơn sơ. Một vài bức tranh trên tường và tủ đựng thuốc... đều là những vật dụng do những người đã được ông chữa khỏi bệnh mang đến cảm tạ. Niềm vui tuổi già của ông là chữa bệnh cứu người và nghe những làn điệu quan họ mỗi khi rảnh rỗi.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề y tại tỉnh Nam Định, năm 1952, ông Đặng Cát nhập ngũ, được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y, phục vụ ở nhiều chiến trường. Năm 1954, ông tham gia đoàn quân tiếp quản Thủ đô. Những năm sau đó, ông lại tiếp tục tham gia kháng chiến, được đơn vị cử đi học và trở thành bác sĩ quân y. Là người chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, trong thời gian công tác tại vùng đất Sơn La, ông đã tìm ra nhiều bài thuốc Nam kết hợp với Tây y trong điều trị bệnh. Không chỉ am tường chuyên môn ngành Y, ông Cát còn giỏi kiến thức toán học, văn học. Ông chia sẻ, kiến thức các ngành học đều bổ trợ lẫn nhau nên suốt thời tuổi trẻ, ông đều tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi và học có phương pháp nên nhớ nhanh và nhớ lâu. Một điều đặc biệt ở ông Cát là dù đã hơn 80 tuổi, trải qua bao biến động của cuộc đời nhưng ông luôn giữ được nguyên tắc của riêng mình: Không hút thuốc lá; không uống bia, rượu và không sử dụng điện thoại. Ba người con của ông giờ đã thành đạt, lập gia đình riêng, thường đưa các cháu về chơi với ông bà chứ không “thăm” qua điện thoại. Người bệnh ở xa đau yếu quá không đi được thì ông Cát tự đạp xe đến khám, tuyệt đối không tư vấn qua điện thoại. Dù rằng, để điều khiển xe đường xa cũng có phần khó khăn, vì ông là thương binh hạng 4/4, phần bắp cánh tay trái phải dùng nẹp vĩnh viễn, thường đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Qua câu chuyện của ông, tôi được biết điểm rất riêng nữa là ông Cát khám không bao giờ ghi vào sổ sách và thường nhớ bệnh của bệnh nhân chứ không nhớ tên của họ. Người cựu bác sĩ quân y cho biết: Tôi chỉ nhớ tên những trường hợp “đặc biệt”, tức là họ bị bệnh nặng, đã chạy chữa nhiều nơi không khỏi hoặc đang “thập tử nhất sinh”... 

Chữa bệnh bằng tâm thiện

Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông Đặng Cát bị gián đoạn khi có hai người khách đến. Người bác sĩ già đón tiếp thân thiện và giới thiệu ngay với tôi: “Bà đây ở Cống Vị, bị u thanh quản. Đây là con trai đưa bà đến”. Lời giới thiệu nhanh gọn của ông đã xua tan suy nghĩ tôi đang băn khoăn về việc ông khám mà không ghi chép vào sổ sách để theo dõi tình trạng bệnh. Sau khi ân cần hỏi han, thăm khám cho bệnh nhân, ông Cát trò chuyện thân tình rồi kê đơn thuốc. Bà khách tên là Trương Thị Phào, 80 tuổi, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình nói với tôi: “Tôi bị u thanh quản 2 năm nay, đi chữa ở 4 bệnh viện rồi nhưng không nơi nào chỉ định mổ vì tuổi đã cao. Cứ một thời gian u lại to lên, chèn ép rất đau, ảnh hưởng việc nói và ăn uống. Từ khi được bác sĩ Cát điều trị 2 đợt, mỗi đợt 10 ngày, tôi thấy đỡ đau hơn, khối u cũng chưa thấy to trở lại”.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều người đã được ông Đặng Cát khám, chữa và bệnh đã tiến triển rõ rệt. Bệnh nhân của ông đến từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Họ tìm đến ông vì mắc nhiều bệnh khác nhau như: Xuất hiện u ở đầu, ở cổ, ở ngực; ung thư phế quản; ung thư đại tràng, thiểu năng tuần hoàn não, hẹp van tim, nấm… Điều khiến vị bác sĩ tốt bụng trăn trở là bệnh nhân ở các tỉnh xa về Hà Nội thường phải thuê nhà trọ khoảng 400 nghìn đồng/ngày, tính ra mỗi đợt điều trị 10 ngày thì tiền thuê nhà tốn hơn tiền thuốc. Do đó, với chuyên môn y khoa sâu rộng và kinh nghiệm tích lũy, khi kê thuốc cho bệnh nhân, ông Cát cân nhắc để có phương án vừa thuận tiện, vừa đỡ tốn kém nhất cho họ. Đã có rất nhiều trường hợp từng bi quan, chán nản về tình trạng bệnh tật, nhưng sau khi được ông Cát khám và điều trị, sức khỏe đã hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều gia đình coi ông như ân nhân nên thỉnh thoảng vẫn qua lại thăm hỏi. Nhắc đến việc này, ông Cát cười hiền hậu: Tôi không nhớ hết mọi người đâu, nhưng khi họ quay lại, thấy họ khỏe mạnh là tôi vui rồi!

Nếu như những năm trước, ông Cát vẫn thường trực tiếp đến nhà bệnh nhân để thăm khám thì khoảng 4 năm nay, ông gần như không đi nữa. Một phần do tuổi cao, một phần vì ông nghĩ: “Mình đến nhà thì chỉ khám được một người, còn ở nhà thì khám được nhiều người hơn”. Bệnh nhân đến nhà nhờ ông khám vẫn đông và niềm vui của ông là giữ gìn được sức khỏe cho mọi người. Việc làm thầm lặng, ý nghĩa của ông Đặng Cát qua nhiều năm tháng đã được nhân dân và chính quyền các cấp ghi nhận. Ông được Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng về thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2009); được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu” (năm 2013); là một trong 124 gương điển hình tiên tiến tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014)… Tiễn tôi ra cửa, ông lại nhắc: “Con người là vốn quý của xã hội. Sức khỏe là vốn quý của con người. Khi mọi người có sức khỏe thì gia đình họ sẽ vui vẻ, học tập và công tác tốt, góp phần xây dựng đời sống xã hội ngày càng tốt lên”. Chính với tâm niệm thế, gần 30 năm nay, ông đã tự nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho nhiều người ở TP Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thật đáng quý biết bao! (Hà Nội mới, trang 8).

 

Ứng phó với dịch bệnh khi chuyển mùa

Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp

Theo thông tin từ BV Nhi Trung ương, trung bình một tuần qua, số lượng bệnh nhi đến thăm khám tại BV là  19.186 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày 2.750 bệnh nhân. Mặc dù số lượng bệnh nhân không tăng đột biến so với trước đó, tuy nhiên do là thời tiết giao mùa nên số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh lý về hô hấp có gia tăng.

ThS.BS. Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, BV Nhi Trung ương cho biết, giao mùa là thời điểm virut hợp bào hô hấp (RSV) và các virut gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Tuy nhiên năm nay số lượng các bệnh nhi sơ sinh mắc viêm phổi nặng do nhiễm RSV tăng đột biến. Mỗi ngày bệnh viện phải sàng lọc 80-120 bệnh nhân làm test RSV, 30-40% trong số đó nhiễm RSV. Bệnh nhân phải nhập viện chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

“Trong tổng số gần 200 ca hiện đang điều trị tại khoa thì có đến 60 ca mắc viêm phổi do nhiễm RSV” - BS. Hà cho biết.

Tại phía Nam, từ đầu tháng 8 đến nay, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cũng tiếp nhận gần 10.000 lượt bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến đường hô hấp và gần 5.000 trẻ phải nhập viện điều trị. Khoa Hô hấp 1 của BV này luôn có khoảng 300 trẻ điều trị mỗi ngày. Phần lớn trẻ nhập viện do mắc các bệnh như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Theo BS. Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi Đồng 2, thời tiết chuyển mùa từ mưa sang nắng chính là lý do khiến trẻ nhập viện gia tăng trong những ngày gần đây bởi thời điểm này các loại vi khuẩn, virut phát triển mạnh, sinh sôi nhanh chóng, độc lực cao khiến nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp. Trong số gần 5.000 trẻ nhập viện có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Theo BS. Hà, RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng tập trung vào các thời điểm giao mùa. BS. Hà cũng cho biết, virut này có thể gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh nhưng tỷ lệ không cao. Những trẻ dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong cao bao gồm: trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai), trẻ bị mắc các bệnh tim bẩm sinh và các bệnh mạn tính. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có kế hoạch điều trị kịp thời. “Tránh trường hợp rất nhiều cha mẹ khi thấy con khò khè, khó thở đã vội vàng đưa ngay con lên tuyến Trung ương. Chính điều này lại vô tình khiến con nặng thêm do trẻ có thể suy hô hấp trên đường vận chuyển. Bên cạnh đó, khi các gia đình đổ dồn về tuyến Trung ương, bệnh nhi quá đông như hiện nay sẽ không tránh khỏi tình trạng lây nhiễm chéo, ảnh hưởng đến bệnh nhi khác cũng như chính bản thân trẻ đang mắc bệnh”, BS Hà nhấn mạnh.

Không lơ là SXH, TCM

Mưa nắng thất thường và giao mùa cũng khiến nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, TCM diễn biến phức tạp. Về dịch bệnh sốt xuất huyết, mặc dù thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên hiện cả nước đã ghi nhận 117.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 người tử vong. Riêng tại Hà Nội, với gần 27.000 trường hợp mắc trong tổng số 117.000 ca mắc sốt xuất huyết, hiện Thủ đô là địa phương có số người mắc sốt xuất huyết lớn nhất cả nước, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở một số quận/huyện trọng điểm như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm và có xu hướng lan ra các huyện ngoại thành. Báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trong các tuần gần đây, số ca mắc đã giảm so với thời điểm trước từ 500-1.500 ca so với các tuần của tháng 8/2017. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay và thời gian sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng. Từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận gần 4.000 ổ dịch, trong đó đã khống chế hơn 3.500 ổ dịch.

Trong tuần qua, TP. Hà Nội cũng ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh TCM. Ngoài ra, ghi nhận 2 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 3.500 trẻ nhập viện vì bệnh TCM. Tại các Khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng thành phố, chỉ trong tháng 8, số trẻ nhập viện điều trị TCM đã tăng hơn 10% so với các tháng trước đó (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang