Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/9/2019

  • |
T5g.org.vn - Xử phạt 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm; Chú trọng phát triển du lịch y tế; Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân...

 

Kết quả bước đầu từ mô hình trạm y tế mới

Ðể người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở y tế gần nhất, giảm tải cho tuyến trên, hai năm gần đây, TP Hà Nội tích cực triển khai mô hình trạm y tế (TYT) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Trong buổi đầu tiên triển khai TYT theo nguyên lý y học gia đình, TYT xã Ðồng Tiến, huyện Ứng Hòa đã thu hút hơn 200 người dân đăng ký khám, chữa bệnh (KCB). Phấn khởi được tư vấn sức khỏe ngay gần nhà, ông Nguyễn Ðình Thạo ở xã Ðồng Tiến chia sẻ: "Ðược hưởng dịch vụ y tế ngay tại TYT mà không phải lên tuyến trên là niềm mong mỏi của tôi cũng như người dân ở xã này. Ðến đây được bác sĩ tuyến trên khám, tư vấn cẩn thận, tôi rất yên tâm"... Bà Nguyễn Thị Nhẫn cùng ở xã Ðồng Tiến cho hay: "Qua hệ thống phát thanh của xã về việc TYT xã Ðồng Tiến triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tôi đã đến từ sáng để được khám sức khỏe. Bác sĩ khám rất cẩn thận và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, các biện pháp luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe".

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa Ðặng Anh Tuân cho biết, TYT xã Ðồng Tiến đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và các quy định của mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trạm được Bệnh viện đa khoa Hà Ðông, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Mắt Hà Ðông… luân phiên đưa cán bộ xuống làm việc theo lịch từ một đến hai buổi/tuần. Bên cạnh đó, các cán bộ TYT xã Ðồng Tiến cũng được đào tạo tập huấn chuyên môn về nguyên lý y học gia đình và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm. Nhằm nhân rộng mô hình này, năm 2019, Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa đăng ký 16 TYT điểm gồm TYT các xã: Quảng Phú Cầu, Ðồng Tiến, Cao Thành, Phương Tú, Trung Tú, Ðồng Tân, Tảo Dương Văn, Hòa Nam, Hòa Phú… Phấn đấu đến năm 2020, huyện có 100% số TYT thực hiện theo nguyên lý y học gia đình để người dân được chăm sóc và quản lý tốt sức khỏe ngay tại y tế cơ sở.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa yêu cầu các TYT tuyên truyền cho người dân mắc các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính đăng ký KCB ban đầu bằng thẻ bảo hiểm y tế tại TYT. Ðáng chú ý, trạm sẽ quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử để chủ động tầm soát, phát hiện các bệnh không lây nhiễm và có những can thiệp kịp thời nhằm chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Trước đó, năm 2018, Hà Nội có bốn TYT được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, gồm TYT xã Minh Châu, huyện Ba Vì (vùng 3), TYT xã Tân Hội, huyện Ðan Phượng (vùng 2), TYT phường Tây Mỗ, quận Bắc Từ Liêm (vùng 1), TYT phường Yên Nghĩa, quận Hà Ðông (vùng 1). Tham gia vào đề án, các TYT đã được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, được các bệnh viện tuyến T.Ư và bệnh viện thành phố hỗ trợ chuyên môn, được phê duyệt danh mục kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định, tăng số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký KCB tại trạm.Qua đó, các trạm y tế đã nâng cao được năng lực KCB; thu hút số lượng bệnh nhân đến KCB tại TYT nhiều hơn, bệnh nhân tin tưởng hơn về chuyên môn của TYT. Bước đầu quản lý được hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường. Giảm chi phí KCB cho người dân đến khám tại TYT điểm.

Ðến nay, nhiều quận, huyện đồng loạt triển khai mô hình này. Ðơn cử, UBND huyện Thường Tín trong hai tháng qua đã triển khai mô hình tại các xã Quất Ðộng, Tự Nhiên, Văn Bình, Hà Hồi. Từ nay đến cuối năm 2019, huyện triển khai mô hình này tại các xã: Chương Dương, Hồng Vân, Nguyễn Trãi, Hiền Giang, Vạn Ðiểm, Thống Nhất, Minh Cường. Phấn đấu đến năm 2020, 80% số TYT của huyện triển khai mô hình này, đến năm 2021, đạt 100% . Tại quận Long Biên, hiện 14 TYT có đủ bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, y sĩ y học cổ truyền. Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến y tế gần dân, quận phấn đấu xây dựng 14 TYT đều đạt tiêu chí theo nguyên lý y học gia đình.

Từ bốn TYT thí điểm mô hình nguyên lý y học gia đình trong năm 2018, năm 2019, Hà Nội phấn đấu đạt ít nhất 45% số TYT trên địa bàn triển khai mô hình này. Ðến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, với sáu nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương… Ðây là bước tiến lớn của ngành y tế Thủ đô khi người dân được chăm sóc sức khỏe, KCB ngay tại tuyến gần nhất.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trước mắt, rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các TYT có đủ các phòng chức năng như: Phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, phòng tiêm chủng, phòng khám y học cổ truyền, phòng truyền thông tư vấn. Cùng với đó, bổ sung trang thiết bị, máy móc, bảo đảm TYT tuân thủ đúng nguyên lý y học gia đình. Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đánh giá về mô hình bệnh tật tại địa bàn để đề xuất tăng cường bác sĩ chuyên khoa. "Các đơn vị trong ngành nghiêm túc thực hiện việc luân phiên đưa các bác sĩ của tuyến trên xuống TYT làm việc từ một đến hai buổi/tuần để kịp thời hỗ trợ tuyến dưới" - ông Hiền nhấn mạnh. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Chú trọng phát triển du lịch y tế

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch đã tăng dần qua các năm, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ USD/năm.

Riêng năm 2018, khoảng 300 nghìn người nước ngoài đến khám nội trú và 57 nghìn người được điều trị nội trú tại Việt Nam. Trong đó, lượng du khách đến khám tại thành phố chiếm khoảng 40%. Ðiều đó cho thấy tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch y tế trong tương lai.

Ðại diện Bệnh viện Răng Hàm Mặt thành phố cho biết, năm 2014 có khoảng 300 Việt kiều và người nước ngoài đến khám, điều trị tại bệnh viện, nhưng vài năm gần đây đã tăng lên gần 500 lượt người. Trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân là người nước ngoài và Việt kiều tăng thêm khoảng 10%. Lý do là bởi điều trị nha khoa tại Việt Nam có chi phí rẻ mà trình độ tay nghề của bác sĩ không thua kém so với thế giới. "Hơn nữa, thành phố còn có hệ thống cơ sở y tế rộng khắp, nhiều bệnh viện tuyến cuối có tay nghề cao, ngang tầm thế giới và khu vực.

Các kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật bằng rô-bốt cũng đang phát triển mạnh mẽ. Có thể nói thành phố hội tụ đủ điều kiện để phát triển du lịch y tế như các nước. Vì vậy, ngành y tế đã phối hợp với ngành du lịch triển khai 5 loại hình du lịch y tế như: nha khoa, y học cổ truyền, thẩm mỹ, khám sức khỏe và tầm soát bệnh, các dịch vụ chuyên sâu", Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa nói. Thông tin từ Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết: Năm 2016, bệnh viện điều trị cho 22.000 bệnh nhân đến từ châu Âu và các nước có nền y học phát triển. Trang thiết bị của bệnh viện rất tốt, dịch vụ cũng ngang tầm khu vực, giá lại cạnh tranh hơn cho nên dịch vụ du lịch y tế có thể phát triển được nhưng rất tiếc y tế và du lịch chưa kết nối với nhau. Sắp tới, bệnh viện mở thêm hai phòng khám dành riêng cho người nước ngoài và theo kế hoạch sẽ xây thêm cơ sở mới 20 tầng cho người nước ngoài.

Ðại diện ngành du lịch thành phố cũng trăn trở: Với tay nghề của đội ngũ y sĩ, bác sĩ như hiện nay, ngành y tế thành phố hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vậy sao chưa kết nối để điều trị cho bệnh nhân trong nước nhằm giảm lượng người Việt Nam ra nước ngoài điều trị, bên cạnh việc tăng cường khám, chữa bệnh cho người nước ngoài? Nếu các công ty du lịch "mặn mà" thì chắc chắn mức giá sẽ tốt hơn. Các hãng lữ hành nên tiếp cận với những người có nhu cầu, tổ chức, sắp xếp ưu tiên khám đúng giờ, phù hợp với thời gian đi tua. Như thế, thay vì người dân các địa phương khác tự phát thuê xe đến thành phố để khám bệnh thì chỉ cần bỏ thêm một ít chi phí là có thể đồng thời tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng…

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng nhấn mạnh, để phát triển du lịch y tế theo hướng chất lượng cao, sắp tới các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao tay nghề khám, chữa bệnh, hình thành các phòng khám đa khoa, chuyên sâu theo tiêu chuẩn quốc tế… Riêng các nhà quản lý, nên thúc đẩy hơn nữa liên kết bệnh viện với các công ty lữ hành để hình thành, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh của thành phố, như: du lịch nha khoa, du lịch y học cổ truyền, du lịch chữa bệnh hiếm muộn…; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến giới thiệu du lịch y tế đến các địa phương và các nước. Ðể quảng bá loại hình du lịch này, từ giữa năm 2018, Sở Du lịch và Sở Y tế đã phối hợp nghiên cứu và triển khai nhiều hoạt động trong thời gian qua như: tọa đàm "Ðịnh hướng phát triển sản phẩm du lịch y tế"; ngày hội "Du lịch nha khoa"; ra mắt sách "Cẩm nang du lịch y tế TP Hồ Chí Minh", song ngữ Anh - Việt.

Nội dung cuốn cẩm nang là giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những thông tin cơ bản về sản phẩm du lịch y tế tại TP Hồ Chí Minh, như: các thế mạnh của du lịch và y tế thành phố hiện nay; thông tin (phương pháp điều trị, thời gian làm việc), hình ảnh, địa chỉ và bản đồ thu nhỏ các đơn vị có chức năng khám, điều trị trong: khám sức khỏe, y học cổ truyền, nha khoa thẩm mỹ và tầm soát bệnh lý chuyên sâu (tim mạch, ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm); hình ảnh, địa chỉ liên hệ của một số điểm tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố; một số cơ sở lưu trú, điểm mua sắm và điểm ăn uống; bản đồ du lịch và y tế thành phố; thông tin, địa chỉ, số điện thoại cần thiết, giải đáp các thắc mắc liên quan đến du lịch y tế. Sở Y tế và Sở Du lịch hy vọng, cẩm nang này sẽ thật sự là người bạn đồng hành, hữu ích đối với du khách khi có nhu cầu đến thành phố để du lịch và kết hợp sử dụng các dịch vụ y tế.

Phòng Quản lý nghiệp vụ y Sở Y tế thành phố cho biết, để tham gia dịch vụ du lịch y tế, các cơ sở khám bệnh phải bảo đảm năm tiêu chí, gồm: tính pháp lý, chất lượng dịch vụ, chuyên môn bác sĩ, điều trị khám sức khỏe tổng quát và giá cả, phương thức thanh toán. Cùng với chất lượng chuyên môn, ngành y tế cũng chú trọng đến chất lượng dịch vụ cho khách hàng như: cơ sở y tế cần có bảng chỉ dẫn bằng hai thứ tiếng Anh - Việt, bác sĩ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc có đội ngũ phiên dịch. Sở Y tế sẽ thẩm định các điều kiện này để cung cấp danh sách đạt chuẩn cho ngành du lịch quảng bá. (Nhân dân, trang TP.Hồ Chí Minh)

 

Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình đổi mới với mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó cấu phần chất lượng dịch vụ y tế là vô cùng quan trọng để bảo đảm an toàn cho người bệnh và người dân

83% người bệnh đã bày tỏ hài lòng về ngành y tế

Trong 2 ngày từ 11 -12/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội quản lý Bệnh viện châu Á tổ chức Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 (HMA 2019).

Đây là lần thứ 4 hội nghị được tổ chức tại Việt Nam (2009, 2012, 2016) và thu hút trên 2.500 đại biểu từ 28 quốc gia gồm các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu trong khu vực và các nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ y tế tên tuổi trên thế giới tham dự.

Về phía Việt Nam, trên 100 đại biểu từ Bộ Y tế và 80 bệnh viện trong cả nước đã tham dự Hội nghị với nhiều dự án cải tiến chất lượng bệnh viện để chia sẻ với các đồng nghiệp trong khu vực. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad, TS Kidong Park- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và đại diện đến từ Ấn Độ đồng chủ trì phiên khai mạc toàn thể của hội nghị

Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương;  TS Dzulkefly Ahmad, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia; TS Kidong Park- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam

Trong bài trình bày tại phiên khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ với 2.500 đại biểu về kinh nghiệm cũng như cách làm của Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

“Nếu như 8- 9 năm trước đây, mỗi lần đi thăm bệnh viện, khi nói chuyện với người dân, tôi thường nhận được nhiều phàn nàn về tình trạng chật chội giường bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế ít cười, chỗ chờ khám chật chội, khu cấp cứu phân luồng chưa khoa học... thì hiện nay đã khác hẳn. Với quyết tâm “lấy người bệnh làm trung tâm”, cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng và đạt sự hài lòng của người bệnh, chúng tôi đã quyết liệt đổi mới, bộ mặt của các bệnh viện đã có sự thay đổi nhiều, tình trạng nằm ghép gần như không còn”- Bộ trưởng nói

Dẫn chứng từ thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm gần đây, Bộ Y tế Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình đổi mới với mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó cấu phần chất lượng dịch vụ y tế là vô cùng quan trọng để bảo đảm an toàn cho người bệnh và người dân, đồng thời đẩy mạnh thực hiện y tế công cộng, chú trọng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, kiểm soát dịch bệnh, sàng lọc sớm một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, ung thư....

Ngành Y tế cũng đã xây dựng Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí và 1.200 tiểu mục có cập nhật với JCI nhằm cụ thể hoá được những gì người bệnh đáng được hưởng, đánh giá được thực trạng và đo lường được sự cải thiện chất lượng bệnh viện.

Trên 2.500 đại biểu từ 28 quốc gia gồm các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu trong khu vực và các nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ y tế tên tuổi trên thế giới tham dự Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18

Đồng thời, ngành cũng triển khai các Tiêu chí An toàn phẫu thuật cập nhật theo Tổ chức Y tế thế giới, chất lượng xét nghiệm cập nhật theo ISO-15189 và đang từng bước xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng độc lập. Đồng thời triển khai chương trình Bệnh viện vệ tinh, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của các bệnh viện tuyến dưới, củng cố lòng tin của người dân với hệ thống y tế cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, an toàn chất lượng ngay tại địa phương mình.

“Bên cạnh việc bảo đảm an toàn, chuẩn mực lâm sàng đối với những gì người bệnh được hưởng, ngành Y tế quan tâm đến sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế thông qua việc thiết lập Đường dây nóng ngành y tế để lắng nghe trực tiếp phản hồi của người bệnh về chất lượng dịch vụ; triển khai chương trình nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử cho nhân viên các bệnh viện; áp dụng bộ câu hỏi để khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp, thay đổi trang phục của nhân viên y tế...”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết

Bộ trưởng cũng dẫn thêm thông tin thực tế, những nỗ lực đổi mới này đã được thể hiện qua kết quả đánh giá độc lập của Liên hợp quốc, do tổ chức PAPI thực hiện, chỉ số hài lòng của người bệnh đạt 83%.

Nỗ lực để đạt bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để đảm bảo ngành y tế vận hành hiệu quả, tài chính y tế là rất quan trọng. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Việt Nam đạt 89%, nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả các đối tượng nghèo, cận nghèo; gói quyền lợi bảo hiểm y tế tương đối rộng so với mức đóng, bao gồm cả chi trả thuốc, chi phí điều trị một số bệnh nặng, chi phí lớn như ung thư, ghép tạng.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện nhằm huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hoá mô hình cung cấp dịch vụ. Giá dịch vụ y tế được xây dựng và kiểm soát bởi chính phủ và công khai tại tất cả các bệnh viện.

“Là một nước thu nhập trung bình, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả bước đầu đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi trung giải quyết một số vấn đề như: Nâng cao chất lượng y tế cơ sở; Tiếp tục đổi mới phương pháp chi trả dịch vụ theo hướng trường hợp bệnh; Xây dựng hệ thống kiểm định lâm sàng và tiến tới đánh giá chất lượng độc lập, công khai kết quả và gắn với chi trả bảo hiểm y tế...”-mBộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, đổi mới quản lý chất lượng và đổi mới quản lý bệnh viện là mục tiêu mà các bệnh viện Việt Nam đang hướng tới.

“Hội nghị Quản lý Bệnh viện châu Á 2019 được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành bệnh viện nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng của mọi giải pháp là bệnh viện chất lượng và an toàn người bệnh. Chúng tôi mong muốn, sau Hội nghị này, các bệnh viện Việt Nam sẽ không ngừng nâng cao và cải thiện kỹ năng quản lý, điều hành bệnh viện, đặc biệt trong cơ chế tự chủ như hiện nay”-PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Phát triển y học gia đình từ y tế cơ sở

Y học gia đình đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn là một khái niệm còn khá mới mẻ.

Y học gia đình phát triển theo sự phát triển của kinh tế xã hội và nguồn lực đầu tư cho y tế. Phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những giải pháp mà ngành y tế đang triển khai thực hiện nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.

Trên thế giới, ở nhiều quốc gia, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển và được người dân tin tưởng lựa chọn. Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Trên cả nước hiện có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản... Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và có thể kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho mỗi người dân... Y tế cơ sở Việt Nam được tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới vì chúng ta có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã/phường, thậm chí tới cả y tế thôn bản.

Các chương trình đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) theo nguyên lý y học gia đình cho các đối tượng khác công tác tại trạm y tế xã bao gồm y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và cán bộ dược đã được Hội đồng thẩm định trong tháng 8/2018 và được Bộ Y tế phê duyệt theo QĐ số 114/QĐ-K2ĐT ngày 31/8/2017. Các chương trình đào tạo này có thời lượng từ 3-6 tuần (y sĩ: 6 tuần, điều dưỡng, hộ sinh: 4 tuần, cán bộ dược: 3 tuần) và tập trung vào việc bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hành CSSKBĐ theo nguyên lý học gia đình để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển và nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Đã có nhiều chính sách để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở như: Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ quan điểm coi y tế cơ sở nền tảng, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã được ban hành (Đề án 2348), chương trình hành động triển khai Quyết định 2348 và xây dựng hướng dẫn mô hình điểm cho trạm y tế của 26 xã, phường và Quyết định số 2559/QĐ-BYT ngày 20/4/2018 của Bộ Y tế về tăng cường quản lý và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã giai đoạn 2018 - 2020.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn, trọng tâm là khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; đến năm 2025 có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của CSSKBĐ, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Như vậy ngày càng khẳng định tính ưu việt của y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, gần với dân để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế và vì vậy người dân sẽ được tư vấn nhiều hơn, cụ thể và hiệu quả. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Phát động phong trào “Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao”

Sáng 12/9, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động “Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao” trong cán bộ, viên chức, lao động trong ngành y tế.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, nhiều nghiên cứu đã chứng minh khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân. Trong ngày vệ sinh tay toàn cầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lấy chủ đề “phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết do chăm sóc y tế - chính sách từ nơi bàn tay của bạn”. Hưởng ứng chủ đề này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã phát động trong hệ thống công đoàn của cán bộ ngành y tế “vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao”.

Đồng chí Phạm Thanh Bình chia sẻ, cán bộ ngành y tế duy trì thói quen rửa tay hàng ngày sẽ hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vì vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam mong muốn các cấp công đoàn trong ngành y tế toàn quốc vào cuộc để tuyên truyền đến toàn thể cán bộ y tế, qua đó “bảo vệ blouse trắng” và sức khỏe cho gia đình, người bệnh và cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM 'kêu cứu'

Đầu tháng 9.2019, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM gửi công văn đến UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM “cầu cứu” về việc chưa được cấp chỉ tiêu quy hoạch xây dựng khoa khám bệnh. Trong khi đó bệnh nhân đông, không gian khám chữa bệnh chật hẹp, xuống cấp, nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (764 Võ Văn Kiệt, Q.5) nhận được Công văn số 3922 ngày 8.5.2019 của Văn phòng UBND TP.HCM về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Công văn số 2561 ngày 3.6.2019 của Sở QH-KT gửi UBND Q.5 về quy hoạch sử dụng đất tại bệnh viện này và tiến độ lập, trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch phân khu trên địa bàn Q.5. Nhưng đến nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn chưa được Sở QH-KT cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc bệnh viện để thực hiện dự án “xây dựng khối khoa khám bệnh của bệnh viện”.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, dự án xây dựng khối khoa khám bệnh được bắt đầu ghi vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2011, đến nay đã gần 8 năm nhưng thủ tục trình duyệt dự án vẫn chưa xong vì vướng mắc ở khâu quy hoạch tổng thể mặt bằng bệnh viện. Dự án một lần nữa bị đình trệ, có nguy cơ không kịp trình thẩm định phê duyệt dự án vào cuối năm 2019 và không được tiếp tục ghi vốn cho năm sau.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện việc xây dựng khối khoa khám bệnh hết sức cần thiết và cấp bách vì bệnh nhân quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề. “Diện tích sử dụng hiện tại của khoa khám bệnh và khoa cấp cứu quá nhỏ, khó bảo đảm tiếp nhận cấp cứu; khám, sàng lọc, cách ly bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng - truyền nhiễm, đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm... Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xin báo cáo và kính đề nghị TP.HCM chỉ đạo, có hướng tháo gỡ vướng mắc khó khăn trên, tạo điều kiện cho bệnh viện sớm được cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu đất”, công văn nêu.

Nhiều năm chưa quy hoạch xong

TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết năm 2012, nhân kỷ niệm 150 năm thành lập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Thành ủy và UBND TP.HCM quyết định cho bệnh viện xây dựng khối khoa khám bệnh. Tuy nhiên, sau đó họp các sở ban ngành thì mới biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được UBND Q.5 quy hoạch thành… khu công viên cây xanh và mở đường từ những năm 2007 nên không thể xây dựng được. Nhưng khi quy hoạch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thì các ban ngành của TP.HCM chưa có phương án đưa bệnh viện về đâu. Sau khi nghe ý kiến, nguyện vọng từ bệnh viện, UBND TP.HCM có công văn thông báo giải tỏa quy hoạch để bệnh viện xây dựng.

Ngày 18.12.2012, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM sau cuộc họp với các sở, ban ngành: “Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh viện lâu đời nhất tại TP.HCM, có một quá trình phát triển lâu dài và đạt được những thành tựu to lớn trong công tác điều trị, khám chữa bệnh nhiễm trùng - truyền nhiễm, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm và nghiên cứu khoa học. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đảm bảo phù hợp quy hoạch của TP.HCM, UBND TP.HCM chủ trương giữ nguyên hiện trạng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chưa tính đến phương án mở đường Cao Đạt cắt ngang khuôn viên bệnh viện và đường Lê Hồng Phong nối dài”. UBND TP.HCM giao Sở QH-KT hướng dẫn UBND Q.5 thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phân khu của khu vực theo quy định.

Khi vừa “xóa” được quy hoạch của UBND Q.5 và được cấp sổ đỏ thì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lại dính vào ranh quy hoạch khu di tích lịch sử quốc gia trong khuôn viên bệnh viện (Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi nhà cách mạng Trần Phú hy sinh vào ngày 6.9.1931). Ranh bảo vệ vòng 2 của khu di tích là 30 m, như vậy nếu xây khoa khám bệnh thì sẽ lấn vào ranh nên không thể xây dựng được. Do vậy, bệnh viện làm công văn đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh ranh giới khu di tích gửi Bộ VH-TT-DL. Đầu năm 2017, bộ này chấp thuận, giao cho bệnh viện được sử dụng gần 7.000 m2 trong quy hoạch ranh giới di tích để xây dựng khu khám bệnh.

“Sau đó, mặc dù Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã có nhiều văn bản “cầu cứu” xin cấp chỉ tiêu quy hoạch xây dựng để tiến hành xây dựng nhưng vẫn chưa được cung cấp. Đến tháng 5.2019, UBND TP.HCM ký văn bản yêu cầu Sở QH-KT gửi UBND TP.HCM chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu vực, trong đó có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Rồi Sở QH-KT có văn bản yêu cầu Q.5 gửi cho sở này bản quy hoạch chi tiết vùng. Cuối cùng đến nay “đứng hình” luôn. Bệnh viên chưa biết nguyên nhân từ đâu”, TS-BS Hùng nói. Do vậy, ngày 3.9 Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mới có công văn “cầu cứu” như trên.

Quận chưa linh động

Chiều 11.9, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết sau khi UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở QH-KT đã phối hợp UBND Q.5 xem xét dự án theo hướng hết sức linh động. Tuy nhiên dự án có hướng điều chỉnh về mặt quy hoạch và việc điều chỉnh này đang được UBND Q.5 thực hiện.

“Đồ án quy hoạch trước đây đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhưng giá trị việc lấy ý kiến chỉ kéo dài 1 năm và đến nay đã hết hạn. Do đó việc điều chỉnh quy hoạch cần phải lấy lại ý kiến cộng đồng dân cư. Sự việc đang được Sở QH-KT theo dõi rất kỹ để tạo điều kiện nhanh nhất cho phía Bệnh viện Bệnh nhiệt đới triển khai nhanh dự án”, ông Nhã nói và cho biết việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư không được đưa vào quy trình giải quyết thủ tục của dự án mà chỉ được thực hiện sau khi người dân chốt được thời điểm họp. Ngoài ra trong quá trình thực hiện ở quận chưa có sự linh động nên tiến độ việc lấy ý kiến diễn ra hơi chậm.

Theo ông Nhã, phía UBND Q.5 cũng báo với Sở QH-KT việc lấy ý kiến này sắp xong. Hiện Sở QH-KT đang chờ Q.5 chuyển phương án lấy ý kiến này cùng với đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Nếu hai phương án này được chuyển lên, trong vòng vài ngày Sở QH-KT sẽ cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của bệnh viện trình UBND TP.HCM.

Theo thông tin PV Thanh Niên nắm được, Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy đang chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị Q.5 triển khai lại, lấy ý kiến cộng đồng để chuyển lên Sở QH-KT để sở này có ý kiến về mặt quy hoạch liên quan dự án. (Thanh niên, trang 16)

 

Nhập viện do nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người'

Ngày 12.9, ông Hoàng Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết BV vừa chuyển tuyến cho bệnh nhân Đ.X.H (61 tuổi, ngụ TT.Cẩm Xuyên, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” ra BV Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

Sáng 9.9, ông H. được người thân đưa vào nhập viện tại Khoa Nội tiết, BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng sốt cao, 2 ngón bàn chân phải sưng, chảy dịch. Đến trưa cùng ngày, ông H. rét run, huyết áp tụt nên được chuyển sang khoa hồi sức tích cực để điều trị.

Tại đây, các bác sĩ lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn “ăn thịt người” Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore). Đến chiều 12.9, các bác sĩ thấy ông H. có dấu hiệu bệnh nặng thêm nên đã chuyển bệnh nhân ra BV Bạch Mai.

Bác sĩ Võ Hoài Nam, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho hay bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đái tháo đường thể 2, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải nhưng vẫn làm việc đồng áng. Do tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên đã bị vi khuẩn “ăn thịt người” xâm nhập qua vết loét mà không biết. (Thanh niên, trang 22)

 

Mang Trung thu yêu thương đến với bệnh nhi

Những ngày này, khắp nơi trên cả nước đều tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em với nhiều chương trình đặc sắc, vui nhộn và ý nghĩa. Nhưng với những bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện, được đón Tết Trung thu ở gia đình, tại nhà trường vẫn chỉ là ước mơ khó trở thành hiện thực.Từ nhiều năm nay, mang Trung thu đến với bệnh nhi đã được nhiều bệnh viện phối hợp với các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện, trở thành món quà tinh thần vô giá đối với các em nhỏ đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật.

Nụ cười tỏa sáng sau những ngày điều trị

Tới Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào những ngày này sẽ thấy không khí của “Trung thu yêu thương” diễn ra vào chiều 13-9. Để chuẩn bị cho lễ hội Trung thu lớn nhất dành cho các bệnh nhi đang điều trị, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với các nhà tài trợ đã lên kế hoạch từ cả tháng trước.

Trong phòng bệnh, các em bé đang nằm nghỉ trưa, có em trên tay đang cắm kim truyền hóa chất, khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi; có em đã truyền xong nằm nghỉ ngơi, mắt buồn vời vợi. Chị Nguyễn Thị Hải (Hà Nam), mẹ của bệnh nhi 4 tuổi đang xoa chân cho con nói: “Nhiều lúc con hỏi, mẹ ơi sao con lâu được về nhà thế, tôi lại trào nước mắt. Mấy ngày trước con được tới hội trường xem các tiết mục văn nghệ, được nhận quà, tôi mới nhớ đã đến rằm Trung thu rồi”.

Theo chị Hải, ở buồng bệnh, các con đều được thông báo, chiều 13-9 sẽ được phá cỗ, được đón Trung thu, bé nào cũng háo hức. “Các con rất mong chờ, tinh thần có vẻ phấn chấn hơn bởi ở viện rất buồn” - chị Hải nói.

Theo bà Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hiện bệnh viện có hơn 400 bệnh nhi mắc các bệnh về máu đang điều trị, trong đó có em mắc bệnh máu ác tính, phải điều trị dài ngày, nhiều đợt tại bệnh viện.

Để các em vơi bớt đau đớn, quên đi bệnh tật, được đón một cái Tết Trung thu vui vẻ, trọn vẹn, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với nhiều doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức xã hội tổ chức chuỗi hoạt động vui Tết Trung thu, tặng quà cho các em. “Trung thu yêu thương” là chương trình thứ 5 và cũng là chương trình lớn nhất mà Viện Huyết học – Truyền máu tổ chức vào dịp Trung thu 2019 cho các bệnh nhi.

Còn nhớ cách đây vài ngày, các bác sỹ, nhân viên y tế của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của hơn 400 bệnh nhi khi các em được xem những tiết mục múa lân, ảo thuật, biểu diễn Tôn Ngộ Không, đố vui có thưởng trong chương trình “Vui Tết Trung thu cùng Sacombank”.

Dường như bệnh tật, đau đớn đã nhường chỗ cho sự hân hoan. Nhiều phụ huynh rơi nước mắt khi chứng kiến niềm vui của các em nhỏ. Trong hành trình điều trị bệnh cho các em, để có được nụ cười như thế là rất hiếm hoi.

Ấm áp tình yêu thương

Với những em bé phải gắn liền với giường bệnh, Trung thu là niềm khao khát, là nỗi chờ mong từng ngày. Nửa tháng nay, tại Khoa Nội nhi, Bệnh viện K luôn rộn ràng bởi những tiếng cười và ánh mắt vui tươi của các em nhỏ khi được đón nhận tình yêu thương và sự chia sẻ của cộng đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một tuần trước Tết Trung thu, hơn 30 đoàn, cơ quan, đơn vị cùng nhiều nhóm thiện nguyện đã đến thăm hỏi và trao quà động viên tinh thần cho các em nhỏ đang điều trị tại đây.

Vui nhất có lẽ là chương trình “Trung thu thương yêu” do Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội phối hợp với nhiều đơn vị khác tổ chức đúng vào ngày Quốc khánh (2-9). Các tiết mục văn nghệ đặc sắc, múa lân, rước đèn ông sao, phá cỗ đã mang đến niềm vui cho nhiều em nhỏ. Có nhiều em bé trên tay vẫn đang truyền hóa chất, hoặc có em phải ngồi xe lăn nhưng cũng ra hội trường tham dự. Các em còn được các cô chú đoàn viên Công an hướng dẫn làm những động tác vui nhộn, bạn nhỏ nào cũng hào hứng tham gia.

Được nhận phần quà Trung thu, có em bé cảm động còn cho biết: “Con rất vui, con chỉ mong mau khỏe để năm sau đón Trung thu ở nhà”. Ths.BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K cho biết, Trung thu là dịp mà Bệnh viện K đón nhận sự chung tay, đồng hành của rất nhiều đơn vị, nhà hảo tâm chia sẻ với người bệnh ung thư, đặc biệt là các em nhỏ. Tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm đã làm vơi bớt nỗi đau và cũng là nguồn động lực to lớn để các em nhỏ cùng gia đình tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo Ths Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội, Trung thu năm nay, Bệnh viện tổ chức một chương trình nghệ thuật kết hợp vui chơi đặc sắc mang tên “Trung thu yêu thương” cho 1.900 bệnh nhi phải rời xa tổ ấm, từng giây từng phút chống chọi với bệnh tật. Từ ngày 1-9, bệnh viện đã đón nhận 3.261 suất quà cho bệnh nhi, hỗ trợ 70 bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 1.220 suất cháo và 3.410 suất cơm miễn phí.

Ngoài tổ chức vui Tết Trung thu, bệnh viện còn có chương trình “Hội chợ từ thiện” với các hoạt động đa dạng, hấp dẫn, như: học làm đèn ông sao, học làm bánh Trung thu, tô tượng, các trò chơi dân gian và nhiều trò chơi hấp dẫn khác đã khiến các bệnh nhi tham gia vô cùng vui vẻ và hào hứng. (Công an Nhân dân, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 4: “Vầng trăng yêu thương”: cho trẻ thiệt thòi”            

 

Hỗ trợ đoàn viên bị thiệt mạng tại trung tâm y tế

Ban Thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam đã có ý kiến đề nghị Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vào cuộc, chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ người nhà bệnh nhân gây rối và tấn công đoàn viên công đoàn ngành Y tế khi đang làm nhiệm vụ dẫn tới tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 20h30 ngày 7/9, khi đang chăm con ốm tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, giữa đối tượng Lương Ngọc Thuận (sinh năm 1998, trú xã Quế An – Quế Sơn) và vợ xảy ra mâu thuẫn. Thấy Thuận đánh vợ, nhân viên bảo vệ của trung tâm là ông Trần Phước Hùng (sinh năm 1957, trú thị trấn Đông Phú) chạy tới can ngăn thì bị Thuận dùng dao đâm vào vùng sườn. Mặc dù được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng nhưng ông Hùng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam đã quyết định hỗ trợ gia đình đoàn viên Trần Phước Hùng số tiền 5 triệu đồng. Đồng thời ủy quyền cho Công đoàn ngành Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn thăm hỏi, chia buồn với gia đình, động viên cán bộ nhân viên y tế yên tâm công tác. (Lao động, trang 5)

 

Sữa bột Omega 369 Q10 Alaska: Quảng cáo "trên trời", dinh dưỡng không đạt chuẩn

Các mẫu sản phẩm dinh dưỡng sữa bột Omega 369 Q10 ALASKA vừa bị lực lượng chức năng thu giữ có một số chỉ tiêu chỉ đạt 40% trở xuống so với tiêu chuẩn công bố của sản phẩm này.

Mới đây, lực lượng liên ngành tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra, bắt giữ các đối tượng đang thực hiện chào bán sản phẩm dinh dưỡng sữa bột Omega 369 Q10 Alaska của Trung tâm nghiên cứu phát triển dinh dưỡng quốc gia, chi nhánh Công ty TNHH Phát triển Dược phẩm Trường Thọ, địa chỉ 102 đường D1, khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng đang giao 7 thùng sữa Omega 369 Q10 Alaska mỗi thùng 30 lon với tổng giá trị là 101,85 triệu đồng nhưng không lập hoá đơn cho khách hàng với số lượng. Toàn bộ số hàng hoá này đều có dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn.

Mở rộng điều tra, đoàn kiểm tra thu giữ 1.170 lon 400g và 3.936 hộp vuông sản phẩm dinh dưỡng Sữa bột Omega 369 Q10 Alaska. Theo giá niêm yết, tổng giá trị của hai loại sản phẩm trên là 1,121 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mẫu sữa trên đã được lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy, một số chỉ tiêu hàm lượng protein, hàm lượng kẽm, hàm lượng Omega 3 của sản phẩm dinh dưỡng sữa bột Omega 369 Q10 Alaska này chỉ đạt mức từ 40% trở xuống so với tiêu chuẩn công bố của cơ sở, không phù hợp với mức quy định tương ứng với tiêu chuẩn công bố ngày 16/4/2019 của Trung tâm nghiên cứu phát triển dinh dưỡng quốc gia, chi nhánh Công ty TNHH Phát triển Dược phẩm Trường Thọ.

Các đối tượng cũng khai nhận, số sữa này được bán tới tay người tiêu dùng qua hình thức tổ chức hội thảo, khách hàng đăng ký mua, cung cấp số điện thoại, địa chỉ và nhân viên bán hàng liên hệ giao hàng tận nơi cho khách hàng theo từng cụm. Khách hàng mà các đối tượng nhắm đến là hội người cao tuổi.

Sữa bột Omega 369 Q10 Alaska là sản phẩm mới xuất hiện gần đây, được quảng cáo rộng rãi. Giá bán khá cao, trên 400.000 đồng/hộp. Sản phẩm này cũng được bán trên cả nước, thông qua các sàn thương mại điện tử. Tháng 8-2019, đã dấy lên thông tin hãng sữa bột này lừa đảo người tiêu dùng nhưng chưa được xác thực. (An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Nâng cao chất lượng bếp ăn bệnh viện

Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường đầu tư hệ thống bếp ăn, khu vực nhà ăn đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.

Bảo đảm truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Trung bình mỗi ngày, bếp ăn của Bệnh viện Da liễu trung ương cung cấp khoảng 300 suất ăn cho cán bộ y bác sĩ cùng 100 suất ăn cho bệnh nhân nội trú. Bệnh viện đã bố trí khu bếp theo quy trình khép kín một chiều và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Hằng ngày, nhân viên Khoa Dinh dưỡng phụ trách nhà ăn thường xuyên kiểm tra cả khâu nhập thực phẩm, bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ, thức ăn tươi sống, đúng hạn sử dụng; có hợp đồng mua bán giữa nơi tiếp nhận và nơi cung cấp thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp.

Bệnh nhân Nguyễn Đức Minh (quê ở Nghệ An) điều trị tại Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: “Tôi rất hài lòng với các món ăn tại đây. Thức ăn ngon và sạch sẽ, giá cả hợp lý. Nhà ăn cũng được bố trí sạch sẽ, thoáng mát, đáp ứng nhu cầu của người bệnh”. Còn chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở Hải Dương) đang chăm sóc người thân điều trị tại bệnh viện, nói: "Ban đầu, tôi rất lo lắng về vấn đề ăn uống vì nhà xa, lại không có người thân trên thành phố. Khi đến đây, tôi thấy yên tâm bởi bệnh viện có dịch vụ ăn uống rất tốt. Nhà ăn lúc nào cũng sạch sẽ, món ăn đa dạng và rất hợp khẩu vị".

Tương tự, tại Bệnh viện Thận Hà Nội đã bố trí 2 nhân viên nấu bữa ăn trưa cho khoảng 120-140 nhân viên y tế và bệnh nhân. Ông Hà Huy Thắng, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, để bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn cho cán bộ nhân viên y tế cũng như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện luôn chỉ đạo sát sao bộ phận nhà ăn thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là chú trọng việc truy xuất nguồn thực phẩm đầu vào. Hằng tuần, bệnh viện cử cán bộ xuống nhà ăn để kiểm tra, nhắc nhở về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ. Nhiều năm nay, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều đánh giá khá tốt về chất lượng bữa ăn cũng như thái độ phục vụ của nhân viên bếp ăn.

Còn tại nhà ăn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được thiết kế rất hiện đại, sạch đẹp như một nhà hàng. Mỗi dãy bàn ăn còn được bố trí thùng đựng rác có nắp đậy. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, với mục tiêu bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho từng bệnh nhân khi đến điều trị, bệnh viện đã đầu tư xây dựng căng tin và hệ thống nhà bếp sạch sẽ, bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho mọi người. Hằng năm, bệnh viện đều tổ chức cho nhân viên bếp ăn khám sức khỏe, học tập kiến thức an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường công tác tự kiểm tra giám sát về chất lượng thực phẩm cung cấp…

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Hằng năm, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đều tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại bệnh viện. Theo đánh giá của ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra thời gian qua, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm đã được các bệnh viện quan tâm, thực hiện khá tốt. Luôn chú trọng sức khỏe, an toàn cho người bệnh là mục tiêu mà các bếp ăn bệnh viện trên địa bàn thành phố đặt ra. Thậm chí, nhiều đơn vị còn lồng ghép cả khoa dinh dưỡng vào để kiểm soát vệ sinh bếp ăn bệnh viện được thường xuyên, đồng thời đặt các suất ăn theo chế độ dinh dưỡng, chế độ bệnh lý cho người bệnh. Với sự chú trọng của các bệnh viện và sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, đến nay trên địa bàn thành phố chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bệnh viện.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, qua kiểm tra vẫn còn nơi chưa bảo đảm bếp ăn theo nguyên tắc một chiều, thiếu dụng cụ che chắn côn trùng, khu vực chế biến chật hẹp, sắp xếp lộn xộn… Sau mỗi buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra đều yêu cầu các đơn vị có những lỗi vi phạm khẩn trương khắc phục. Mặt khác, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu bệnh viện giám sát quá trình khắc phục vi phạm của đơn vị phụ trách bếp ăn. Nếu đơn vị nào cố tình không thực hiện sẽ kiên quyết xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng.

Để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm của bếp ăn bệnh viện, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, thời gian tới, cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm bếp ăn bệnh viện, trong đó chú trọng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hằng ngày, phòng điều dưỡng, khoa dinh dưỡng của bệnh viện cần kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống, kiểm tra thức ăn chín; đồng thời ghi nhận ý kiến của bệnh nhân về các suất ăn sau mỗi cuộc họp hội đồng người bệnh để trao đổi với nhà bếp. Từ đó, khắc phục những tồn tại để phục vụ người bệnh, nhân viên y tế ngày một tốt hơn. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Bộ Y tế quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, thông tư này quy định nguyên tắc, trường hợp truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu...

Thông tư quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh. Việc lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế, cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông tư này tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp quản lý.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 16-10-2019. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Xử phạt 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm

Theo tin từ Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, từ ngày 23-8 đến nay, 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố do lãnh đạo 3 sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại 30 quận, huyện, thị xã.

Kết quả, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 44 cơ sở kinh doanh và sản xuất bánh trung thu, trong đó xử phạt 13 cơ sở. Các vi phạm chủ yếu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng, điều kiện bảo quản nguyên vật liệu, giấy xác nhận kiến thức trong sản xuất, kinh doanh bánh trung thu…

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố cho rằng, trong dịp này, không chỉ các đoàn kiểm tra của thành phố mà các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng được tăng cường. Đặc biệt, công tác kiểm tra còn được tăng cường sau Tết Trung thu để tránh trường hợp bánh hết hạn sử dụng, bánh giá rẻ, kém chất lượng “tuồn” ra thị trường. (Hà Nội mới, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang