TPHCM: Phát hiện thêm 6 ca mắc Zika
Tổng số ca bệnh do vi rút Zika đến nay tại TPHCM là 35 trường hợp tại 13/24 quận huyện. Như thế, đã có thêm 2 quận huyện xuất hiện ca bệnh. Ngày 11/11, Sở Y tế TPHCM đã có thông báo cập nhật về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn. Theo đó, tính đến hôm nay 11/11, phát hiện thêm 6 ca (trên 80 trường hợp nghi ngờ) dương tính với vi rút Zika. Trong đó, có 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TPHCM và trường hợp còn lại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Kết quả số mẫu dương tính có giảm so với lô mẫu trong 2 tuần lễ trước. Cụ thể, tuần 43 có 16/60 mẫu, tuần 44 có 8/47 mẫu dương tính. Như vậy, tổng ca bệnh do vi rút Zika đến nay tại TPHCM là 35 trường hợp. Số phường xã có ca bệnh là 24 phường xã, thuộc 13/24 quận huyện (tức đã có thêm 2 quận huyện xuất hiện ca bệnh). Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng cho biết, tính đến tháng 10, số ca sốt xuất huyết có xu hướng giảm, chỉ còn tăng 19% so với cùng kỳ 2015. Trong khi hồi đầu năm tăng trên 80% so với cùng kỳ. Hiện thành phố có gần 16 nghìn ca mắc sốt xuất huyết (Tiền phong, trang 4).
Lạ kỳ ba người “siêu nhỏ” cùng huyện
Ba người này ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi. Điều kỳ lạ là cả ba đều là người đồng bào dân tộc thiểu số H’rê.
Hàng triệu người mới có một người như thế này. Một cậu bé H’rê đã 8 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 3,5kg và cao 50cm. Một thiếu nữ người H’rê 20 tuổi nhưng chỉ cao 80cm...
Ba người H’rê tí hon
Cô gái nhỏ xíu này tên Đinh Thị Huyền (20 tuổi, xã Sơn Nham), nhìn như một đứa trẻ học mầm non. Ông Đinh Éo - cha Huyền - cho biết Huyền là con gái đầu lòng, ông không biết vì sao Huyền mãi không chịu lớn, trong khi em của Huyền đều lớn. Tính cách của Huyền cũng rất trẻ con. Cô thường xuyên tham gia các trò chơi của lũ trẻ trong làng. Người dân địa phương gọi Huyền là cô gái tí hon.
Ông Đinh Văn Bay, chủ tịch UBND xã Sơn Nham, cho biết Huyền là người nhỏ nhất từ trước đến nay tại xã này. Đã có nhiều đoàn kiểm tra y tế đến xã thăm khám và phát thuốc cho Huyền kèm nhiều vitamin mong cải thiện thể trạng, nhưng sáu năm qua Huyền vẫn giữ nguyên cân nặng 11kg và chiều cao 80cm.
Dù có chiều cao khiêm tốn nhưng Huyền tiếp thu và học như các bạn. Tốt nghiệp lớp 9 Huyền đủ điều kiện lên lớp 10 nhưng vì nhà xa, lại không biết đi xe đạp nên đành bỏ lỡ chuyện học. Cha mẹ Huyền cũng muốn cho con ở nhà để dễ bề chăm sóc. Một cậu bé tí hon khác có thể trạng tương tự Huyền ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà). Đó là em Đinh Văn Khít, dù đã 11 tuổi nhưng chỉ cao 78cm và nặng 8kg.
Ông Đinh K’Tênh - cha Khít - cho biết Khít ra đời chỉ nặng 800g, kể từ khi sinh ra Khít ăn uống rất ít, giữ mãi thể trạng siêu nhỏ của mình. Khác với Huyền, Khít không tiếp thu được bài vở, nhiều năm học mẫu giáo mà vẫn chưa... “tốt nghiệp”. Cậu bé khá nhút nhát, chỉ luẩn quẩn bên người thân và người dân trong làng.
“Có lần nó chui vào lu gạo ngủ, nhà tôi và người làng đi kiếm mãi không ra. Tưởng đâu cháu bị lạc đâu đó trong rừng, ai ngờ tối đến vợ tôi lấy gạo nấu cơm thì thấy nó ngủ ngon lành trong lu” - ông K’Tênh nói.
Với chiều cao và cân nặng siêu nhỏ thế nhưng Khít vẫn chưa phải là người giữ kỷ lục nhỏ nhất VN, người đang nắm giữ kỷ lục đó là cậu bé Đinh Văn K’Rể (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà), đã 8 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 3,5kg và cao 50cm. Hiện K’Rể đang theo học lớp 1 ở Trường tiểu học Sơn Ba và ở nội trú có thầy cô chăm sóc. Ông Đinh Văn An - cha K’Rể - cho biết khi sinh ra em có thể trạng nhỏ hơn trẻ bình thường, khi lên 3 tuổi thì không lớn thêm nữa, mỗi ngày chỉ ăn vài thìa cơm. Ông An có một con trai sinh trước K’Rể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác cả về thể trạng lẫn trí tuệ.
Thầy Đặng Văn Cương, hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba, cho biết K’Rể tiếp thu nhanh những gì nghe nói, nhưng với con chữ thì còn rất khó khăn để có thể học tập như bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, K’Rể đã hòa nhập cộng đồng hơn khi tham gia các hoạt động ở trường với những bạn cùng trang lứa. K’Rể có thể vỗ tay và vẽ vời lung tung. “Lúc mới xuống trường cậu bé rất sợ người lạ, nhưng hiện nay đã vui vẻ hơn” - thầy Cương nói.
Mắc hội chứng người lùn đầu chim
Ông Nguyễn Tấn Đức, giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết trường hợp của K’Rể và Khít đã được ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi quan tâm suốt thời gian qua, thường xuyên bổ sung các vitamin và khoáng chất để giúp hai cháu nâng cao thể trạng và sức khỏe. Ngành y tế Quảng Ngãi cũng đã nhờ nhiều chuyên gia của các trung tâm y tế lớn ở TP.HCM và Hà Nội thăm khám cho hai cháu. Theo các chuyên gia nhận định, cả hai em mắc hội chứng Setkel là hội chứng người lùn đầu chim.
Hội chứng người lùn đầu chim là dị tật bẩm sinh ở trẻ với các đặc trưng về hình dạng thấp bé, trọng lượng thấp, kích thước đầu nhỏ, não nhỏ, trán bị thụt vào, mắt to, tai đóng thấp, mũi nhô ra có hình như mỏ chim, cằm tương đối nhỏ. Đây là một bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.
Ở VN, đến thời điểm hiện tại mới phát hiện 8 trường hợp mắc hội chứng người lùn đầu chim. Tuy nhiên, ở thể trạng trung bình 70 - 80cm thì chưa có trường hợp nào nhỏ bé như K’Rể. Riêng đối với trường hợp của Huyền (vừa phát hiện), các bác sĩ phải khám cụ thể tình trạng sức khỏe. Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, có thể Huyền bị rối loạn nội tiết tố, thiếu nội tiết tố tăng trưởng, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh... dẫn đến nhỏ bé. “Sở Y tế sẽ cử đoàn thăm khám cũng như nhờ các chuyên gia kiểm tra tình trạng sức khỏe của Huyền, xem có phải mắc hội chứng người lùn đầu chim hay không để có hướng điều trị cụ thể” - ông Đức nói (Tuổi trẻ, trang 14).
Phẫu thuật cứu sống nạn nhân bị đa chấn thương nặng
Các bác sĩ và diều dưỡng Khoa Phẫu thuật thần kinh (PTTK) Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vừa cứu sống một nạn nhân bị đa chấn thương nặng, đó là chấn thương hàm mặt, chấn thương cột sống lưng, chấn thương sọ não, trong đó chấn thương hàm mặt là nặng nhất. Nạn nhân là bà Đ.T.T, 59 tuổi, nhà ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vào ngày 19-10, trong khi đi xe máy do không quan sát nên đã va vào dải phân cách và ngã đập mặt xuống đất chấn thương nặng vùng mặt. Nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê và được đưa lên Khoa PTTK để hồi sức, chăm sóc, điều trị.
Đến ngày 28-10, nạn nhân được phẫu thuật hàm mặt. Kíp phẫu thuật do bác sĩ Dương Đình Tuấn đảm nhiệm. Các bác sĩ đã phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới, xương hàm trên, khâu lại các vết thương, khâu phục hồi tạo hình mặt. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, cuộc mổ tiến hành xong. Những ngày sau bệnh nhân được chăm sóc tích cực vì bệnh nhân đã đặt nội khí quản để thở máy, đặt xông dạ dày để ăn qua xông. Đến chiều 9-11, bà T. đã tiến triển tốt, được rút ống nội khí quản để tự thở, rút ống xông dạ dày để có thể ăn nhẹ và nói chuyện bình thường. Đây là trường hợp đa chấn thương rất nặng được cứu sống, đã thể hiện trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ của tập thể thầy thuốc Khoa PTTK, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (An ninh thủ đô, trang 2).
Tạo “cú huých”cho sản xuất thuốc trong nước phát triển Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, phát động cuộc vận động Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam là những giải pháp cơ bản thời gian qua của Bộ Y tế nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược trong nước. Kết quả đạt được đã nâng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của doanh nghiệp về tỷ lệ sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế… |
Sau bốn năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco Trần Túc Mã cho biết, doanh thu từ hệ thống nhà thuốc của đơn vị tăng trưởng tốt. Cụ thể, thuốc Boganic năm 2015 tăng trưởng hơn 50% so với năm 2014; thuốc Ampelop năm 2015 tăng trưởng hơn 20% so với năm 2014… Traphaco là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược với doanh thu chín tháng đầu năm 2016 là 1.500 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Trên đà tăng trưởng đó, công ty đầu tư xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP- EU (Thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) với tổng vốn đầu tư 480 tỷ đồng, sẽ đưa vào sử dụng trong quý I - 2017. Kết quả tăng trưởng đáng kể nêu trên là nhờ doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới để tăng năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời nhờ sự “cộng hưởng” của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Năm sản phẩm chủ lực của đơn vị đã được tặng Giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” (một hoạt động của đề án) đã tạo thêm sự tin tưởng của người dân đối với các sản phẩm của Traphaco. Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế được triển khai từ năm 2012 nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), với nhiều hình thức tuyên truyền, nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, đến nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng thuốc về giá trị tiền. Cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Các nhà sản xuất dược phẩm trong nước đang tạo bước tiến mới, có khuynh hướng đầu tư chiều sâu về khoa học và công nghệ, chất lượng cho nhà máy và sản phẩm. Đáng chú ý, nhận thức của người tiêu dùng, người bệnh, cán bộ y tế về thuốc trong nước có sự chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của sở y tế 61 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện tăng từ 61,5% năm 2010 lên 67,89% năm 2015; tuyến tỉnh tăng từ 33,9% năm 2010 lên 35% năm 2015. Một số bệnh viện có số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng nhiều như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất. Tỷ lệ tăng dù chưa như mong muốn nhưng bước đầu đã thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên dùng thuốc trong nước. Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam" được coi là “cú huých” đối với các nhà sản xuất thuốc trong nước. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Trần Đức Chính, trước đây, ngành dược chưa có khái niệm về thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP), không có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn này nhưng từ khi triển khai Đề án thì các nhà máy sản xuất thuốc đã đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). Chất lượng thuốc cũng được doanh nghiệp chú trọng, chứng minh qua việc tiến hành thử tương đương điều trị, tương đương sinh học. Dù là thuốc sản xuất trong nước nhưng chất lượng đạt tiêu chuẩn GMP- WHO, hoặc GMP - EU. Đó là bước phát triển ngoạn mục của công nghiệp dược trong nước. Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc trung ương Nguyễn Đăng Lâm khẳng định, qua công tác lấy mẫu thuốc, kiểm nghiệm, xác định chất lượng thuốc và nguyên, phụ liệu làm thuốc ở tất cả các cơ sở, từ khâu sản xuất, xuất, nhập khẩu, bảo quản đến lưu thông, phân phối thuốc trong phạm vi cả nước những năm qua, có thể khẳng định, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước ít vi phạm hơn thuốc ngoại. Hơn 80% số mẫu lấy kiểm tra chất lượng là thuốc nội, chỉ có gần 20% số mẫu lấy kiểm tra chất lượng là thuốc nhập khẩu, nhưng tỷ lệ không đạt chất lượng của thuốc nhập khẩu lại cao hơn thuốc sản xuất trong nước. Có thể nói, chưa lúc nào hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc trong nước có hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện như hiện nay. Từ Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP đều quy định ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, như: hồ sơ mời thầu không được chào thầu thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu điều trị và khả năng cung cấp; nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước từ 25% trở lên. Gần đây, Luật Dược (sửa đổi) (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) đã có hẳn một chương riêng (Chương II) thể hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách phát triển thuốc sản xuất trong nước, chẳng hạn như: đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế… ưu tiên mua thuốc generic, sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước… Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nêu trên, mới đây, Thông tư 10/2016/TT-BYT đã ban hành danh mục 146 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Con số 146 thuốc tuy còn "khiêm tốn" về số lượng so với hơn một nghìn thuốc trên thị trường nhưng lại là cơ hội lớn cho thuốc nội khi đây là những thuốc thiết yếu, thuộc danh mục thuốc đấu thầu, dùng nhiều, có mặt ở tất cả các nhóm điều trị. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp băn khoăn khi theo quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT thì 146 thuốc sản xuất trong nước kể trên vẫn phải cạnh tranh với thuốc nhập khẩu ở nhóm mời thầu khác, nhất là trong bối cảnh một số bác sĩ kê đơn vẫn “sính” thuốc ngoại. Tuy cửa đã “hé mở” cho thuốc nội nhưng khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc là tỷ lệ trúng thầu vào các cơ sở điều trị còn thấp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đấu thầu còn nặng về “đấu giá”, cho nên không có cơ hội cho thuốc tốt trúng thầu vào các cơ sở y tế dù thuốc rất có uy tín ở thị trường tự do. Đại diện Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, trong khi các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” bán tốt tại các hiệu thuốc, thì tại cơ sở điều trị không tăng, thậm chí còn giảm, như doanh thu thuốc Hoạt huyết dưỡng não giảm trung bình trong các năm 2014, 2015 gần 60%, Boganic giảm hơn 50%... Nguyên nhân do chi phí đầu tư chất lượng khiến giá thành của các sản phẩm cao, trong khi Luật Đấu thầu còn nặng về giá và chưa có cơ chế đấu thầu riêng những sản phẩm chất lượng tốt. Mặc dù Bộ Y tế đã khuyến khích các sản phẩm đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”, bằng cách ưu tiên điểm kỹ thuật nhưng điểm vẫn thấp, gây thiệt thòi trong đấu thầu so với các doanh nghiệp không chú trọng tạo sản phẩm chất lượng. Nhiều chuyên gia kiến nghị, Bộ Y tế cần có phương án phù hợp, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” trong điều trị tại các cơ sở y tế. Một doanh nghiệp kinh doanh dược cho biết, theo dõi kết quả trúng thầu của các công ty dược trong nước, có nhà máy lớn thấy rằng, có những kết quả đấu thầu sản phẩm trúng ít và giá trị tiền thấp chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, trong khi thuốc nhập ngoại chiếm phần nhiều. Nhằm tạo “cú huých” cho thuốc sản xuất trong nước được sử dụng rộng rãi, nhiều hơn ở các tuyến điều trị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Trần Đức Chính kiến nghị, cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm túc các quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có các nhà máy đạt chuẩn, có thuốc tương đương sinh học cần tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để thay đổi tập quán người dùng; người kê đơn. Thời gian qua, một số sản phẩm có tác dụng điều trị tốt, giá phù hợp nhưng việc quảng bá sản phẩm chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ trương dùng thuốc sản xuất trong nước cần sự vào cuộc của cơ quan truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội. Như một quyết tâm từ cơ quan quản lý, Cục trưởng Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế hoàn toàn có thể cải thiện trong thời gian tới bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền và tăng chất lượng thuốc, tăng số lượng thuốc phải thử tương đương sinh học. Những giải pháp mang tính tổng lực nêu trên đều cần đưa đến kết quả là tăng giá trị tiền thuốc trong nước tại các bệnh viện. Từ mức đạt 50% nhu cầu sử dụng hiện nay, thuốc sản xuất trong nước phải đạt mục tiêu đến năm 2020 bảo đảm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm như Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 10-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Khi những con số đó trở thành hiện thực, một mặt giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, mặt khác nâng dần vị thế của ngành công nghiệp dược trong nước (Nhân dân, trang 4). |
Giảm mất cân bằng giới tính khi sinh: Nhiệm vụ lâu dài, cách làm bền bỉ
Thời gian qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Hà Nội đã được đẩy mạnh với các giải pháp nhằm làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Tuy nhiên, bên cạnh việc số người sinh con thứ ba trở lên đã giảm thì tỷ số chênh lệch giới tính nam nữ còn khá cao, đặc biệt là ở ngoại thành. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần phải coi đây là nhiệm vụ lâu dài, với cách làm bền bỉ.
Hậu quả từ tâm lý "trọng nam, khinh nữ"
Chỉ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 bé trai/100 bé gái. Duy trì tỷ số này trong giới hạn nói trên sẽ giúp bảo đảm sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của một quốc gia, địa phương. Tuy nhiên, theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong 9 tháng năm 2016, trên địa bàn thành phố, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, cứ 113,6 bé trai thì có 100 bé gái. Mặt khác, tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng chưa bền vững. Tâm lý muốn sinh con trai đã khiến cho nỗ lực khống chế tỷ lệ MCBGTKS và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 gặp khó khăn. Các phòng khám siêu âm mọc lên ngày càng nhiều, kiếm lợi nhờ tâm lý muốn biết giới tính sớm của con ở sản phụ, tạo cơ sở cho việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính của trẻ.
Bác sĩ Chu Hoàng Giang, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện nay, việc chẩn đoán giới tính thai nhi có thể đúng đến 70% ở tuần thứ 12 và chính xác ở tuần thứ 14-16 với những bác sĩ giỏi. Mặc dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính thai nhi nhưng số người biết trước giới tính con mình trước khi sinh hiện lên đến khoảng 90%. Đáng bàn hơn, nhiều phòng khám đông y cũng đua nhau cung cấp dịch vụ nhận biết giới tính thai nhi sớm. Chị Nguyễn Hải Yến (phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Khi thai nhi được 9 tuần tuổi, tôi được bạn bè giới thiệu một thầy lang nổi tiếng về chẩn đoán giới tính thai nhi. Khi bắt mạch, thầy lang này phán thai nhi là con gái. Thế nhưng, tại phòng khám đông y khác, thầy lang người Trung Quốc lại cho kết quả là con trai. Trên thực tế, tôi đã sinh một bé gái".
Theo dự báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam giới. Điều này đồng nghĩa với số nam giới tương ứng sẽ đối mặt với nguy cơ không tìm được vợ. Nếu như tại nước ta, MCBGTKS xảy ra ngay từ lần sinh đầu tiên thì với các nước trong khu vực Châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, MCBGTKS xảy ra ở lần sinh thứ hai, thứ ba. Mặt khác, ở nhiều nước, MCBGTKS chỉ xảy ra ở nhóm phụ nữ có trình độ thấp, kinh tế khó khăn, vùng nông thôn. Còn ở Việt Nam, tình trạng này xảy ra ở khắp các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, cả với người giàu và người nghèo, người có học vấn cao hoặc thấp. Điều này cho thấy tâm lý “trọng nam, khinh nữ” đã đang tiếp tục để lại hậu quả xấu.
Thay đổi nhận thức
Tình trạng mất cân bằng giới tác động lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số nước ta, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. MCBGTKS dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới, làm gia tăng tệ nạn xã hội, thiếu lao động phù hợp cho những ngành nghề thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tình trạng MCBGTKS chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Hạn chế tình trạng này là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi cách làm bền bỉ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài các giải pháp của ngành, cần đưa nội dung KHHGĐ vào hương ước, tiêu chí xây dựng làng văn hóa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho hệ thống dân số địa phương cũng như kinh phí duy trì hoạt động DS-KHHGĐ, bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ chính sách dành cho tuyên truyền viên dân số. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ sản khoa, tăng cường quản lý các phòng khám tư, yêu cầu tuyệt đối không tiết lộ giới tính thai nhi khi tuổi thai thấp.
Còn theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, bên cạnh việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo công tác dân số cấp quận, huyện, thị xã tại địa bàn. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn trong việc thực hiện quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Rõ ràng, giải pháp cốt lõi là làm thay đổi nhận thức để không chỉ khắc phục tình trạng MCBGTKS mà còn là để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền lợi như nam giới (Hà Nội mới, trang 5).
Chuyện chưa kể về những ca cấp cứu xuyên đêm ngoài biển khơi
Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Sở Y tế Quảng Ninh giao cho mỗi bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ trực tiếp một huyện vùng khó khăn. Trong đó, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được phân công hỗ trợ toàn diện cho Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, từ đầu năm 2016.
Cán bộ bệnh viện luân phiên ra đảo
Cách đất liền 32 hải lý, huyện đảo Cô Tô là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm Y tế huyện Cô Tô có quy mô 20 giường bệnh nhưng thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho gần 7.000 người dân của huyện và bốn xã của các huyện Hải Hà, Thủy Nguyên (Hải Phòng) và ngư dân của nhiều tỉnh từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa ra khai thác thủy sản. Khó khăn lớn nhất của Trung tâm là thiếu nguồn nhân lực có tay nghề giỏi. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế tuy đã được đầu tư nâng cấp song chưa đồng bộ, thiếu phương tiện vận chuyển người bệnh từ đảo vào đất liền, nhất là những ngày thời tiết xấu, biển động.
Kể về thời gian chuẩn bị để chuyển giao kỹ thuật cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, BS Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh cho biết, sau nhiều chuyến làm việc, khảo sát, đơn vị đã cử nhân lực luân phiên giúp đỡ Trung tâm. Những lĩnh vực là thế mạnh của Bệnh viện, thiết thực với cơ sở y tế nơi đảo xa được tập trung chuyển giao là: Sản phụ khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức. Ngoài trực cấp cứu, hàng tuần bệnh viện cử 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm luân phiên nhau ra huyện đảo để trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân.
Đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh đã bố trí được 32 đợt (64 cán bộ) tăng cường ra hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Các bác sĩ trực tiếp tham gia khám cho hơn 1.000 lượt người bệnh ngoại trú và nội trú cũng như tham gia xử trí cấp cứu nhiều trường hợp bị bỏng điện, sốc phản vệ, đau quặn thận, hen phế quản cấp… Đồng thời khám, tư vấn điều trị nội trú một số bệnh lý hay gặp ở trẻ em như: Viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, dị ứng cấp… Nhiều ca bệnh sản-nhi như băng huyết sau sinh, phẫu thuật cắt khối u chửa ngoài tử cung… cũng được các bác sĩ từ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh ứng cứu kịp thời.
Nhờ sự hỗ trợ chuyển giao của Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã thực hiện được nhiều kỹ thuật xét nghiệm khó. Trong việc hỗ trợ cho y tế đảo xa, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh chú trọng đến việc đào tạo cán bộ gắn với chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, nhiều lượt cán bộ của Trung tâm được đưa về Bệnh viện đào tạo nâng cao tay nghề.
Những kíp cấp cứu đặc biệt “siêu cơ động”
BS Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, Bệnh viện lúc nào cũng có một đội nhân viên y tế “cơ động” để sẵn sàng tăng cường cho y tế huyện đảo Cô Tô hoặc các ca cấp cứu trên biển. “Có thông tin về ca cấp cứu là 10 phút sau, một ê-kíp bao gồm 8 người gồm các bác sĩ, y tá, điều dưỡng… sẽ sẵn sàng lên đường”, BS Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Một trong những bệnh nhân ở Cô Tô may mắn được cứu bởi nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh là chị Đinh Thị Huệ (SN 1996, thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô). Ngay sau khi chuyển dạ, chị Huệ được người nhà đưa vào nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Một ngày sau, chị sinh hạ em bé nặng 3,8kg bằng phương pháp đẻ thường. Trong quá trình khâu vết mổ, sản phụ đã bị chảy máu sau đẻ do tử cung co kém. Nhận thấy cơ sở vật chất không đủ điều kiện nên Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã nhờ sự trợ giúp của Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.
Nhận được tin báo, BS Đỗ Minh Cường (Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh) cùng các y, bác sĩ đã nhanh chóng lên đường. Sau hơn 2 giờ đồng hồ cấp cứu, các y, bác sĩ dùng thuốc tăng co khâu cơ ở đoạn cổ tử cung và truyền 4 đơn vị máu, 2 đơn vị huyết tương cho sản phụ. Ngay sau đó, sản phụ đã được chuyển vào Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh để theo dõi và điều trị.
Còn với BS Tạ Thị Thu Hợp (Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh), ca cấp cứu xuyên đêm cho một thai phụ chuyển dạ nhưng có dấu hiệu suy thai cách đây không lâu khiến chị phải thốt lên là “kỷ niệm để đời”. Nhận thông tin khi thời tiết không thuận lợi, người bệnh đang mất máu nhiều mà chưa xác định thuộc nhóm máu nào, kíp cấp cứu quyết định vẫn lên đường, mang theo tới... 30 đơn vị máu của cả bốn nhóm. Sau khi xử lý cho người mẹ qua cơn nguy kịch, nhóm cấp cứu lại đưa người bệnh về đất liền để tiếp tục điều trị.
BS Tạ Thị Thu Hợp chia sẻ về những khó khăn, vất vả khi đi cấp cứu giữa đêm ngoài khơi xa: “Không ít lần tôi và đồng nghiệp phải xuất phát ra đảo khi trời nhá nhem tối. Một tiếng đồng hồ di chuyển từ Bệnh viện ra đến cảng Cái Rồng. Sau đó lại mất bằng đó thời gian vượt sóng ra đảo. Không phải là không hoang mang, lo lắng khi chị em đi đêm đi hôm ngồi xuồng ra đảo. Có người còn say sóng mệt lả. Nhưng đặt chân lên bờ là anh em lại sấp ngửa lao vào cấp cứu, xong lại vội vã lên tàu trở về để mai bắt đầu làm việc” (Gia đình & Xã hội trang, 7).