Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên tim; Thị trường XKLĐ 2017:Tương lai sáng với nghề điều dưỡng, hộ lý; SCIC đầu tư xây bệnh viện và tháp truyền hình; Bệnh viện Phổi trung ương chuẩn bị triển khai kỹ thuật ghép phổi; Vợ chồng tử vong sau bữa cơm trưa với thịt cóc...

Thị trường XKLĐ 2017:Tương lai sáng với nghề điều dưỡng, hộ lý

Năm 2017, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hứa hẹn “sáng sủa” khi nhu cầu về nghề hộ lý, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tại các nước phát triển tăng mạnh. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là tình trạng lao động Việt Nam phạm pháp tại các nước họ tới làm việc không hề suy giảm, thậm chí còn tăng.

Mang về đất nước 11 tỷ USD

Sáng 13/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2016, Việt Nam đưa trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, cao nhất từ trước tới nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm và mang về cho đất nước khoảng 11 tỷ USD trong năm này.

“Các năm trước có một số thị trường XKLĐ đóng băng, sau nỗ lực của ngành đã được khơi thông. Như mở lại thị trường Hàn Quốc sau gần 5 năm tạm dừng, thị trường Nhật Bản cũng có hướng mở tích cực với những ngành nghề mới. Việt Nam hiện là nước dẫn đầu trong 15 nước có lao động đang làm việc tại Nhật Bản với thu nhập ước tính hơn 11.000 tỷ đồng”, ông Dung nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2016, lao động Việt Nam chủ yếu sang làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2017, ông Hương dự báo thị trường XKLĐ rất triển vọng, khi các thị trường truyền thống vẫn tiếp tục phát triển, một số thị trường mới được mở ra, như: Australia, Israel, Rumania, Séc, Thái Lan. Việt Nam cũng  thí điểm đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản, Đức… “Hiện tỷ lệ già hóa dân số tại khu vực châu Âu và Nhật Bản rất lớn, họ có nhu cầu tuyển nhiều lao động chăm sóc sức khỏe, đây sẽ là triển vọng thời gian tới”, ông Hương nói.

Ngoài ra, theo ông Hương, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 vẫn là giảm lao động bỏ trốn, không về nước mà ở lại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Dù Bộ LĐ-TB&XH đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, thực tế số lao động bỏ trốn chưa giảm, song tốc độ tăng đã chậm lại.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, dù hiện tại các nước yêu cầu tay nghề với lao động Việt Nam chưa cao, nhưng phải nâng dần chất lượng lao động. Người lao động cũng phải tự nâng cao kỹ năng, vì yêu cầu tuyển dụng của các nước sẽ ngày càng cao.

Vẫn làng nhàng

Dự hội nghị và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù đưa lao động đi nước ngoài đạt kỷ lục từ trước tới nay, nhưng phải chấn chỉnh nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, nếu không thị trường sẽ kém bền vững.

“Tôi vừa ký văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH rà soát, chấn chỉnh các đơn vị đưa du học sinh, thực tập sinh đi học và làm việc ở nước ngoài, vì tình trạng người Việt phạm pháp rất nhiều. Tại Nhật Bản, người Việt đứng đầu về vi phạm pháp luật. Hay Hàn Quốc cũng vậy, nên phải làm thật nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng  tỏ ra lo lắng với việc ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ LĐ-TB&XH. Dù số liệu xếp hạng năm 2016 chưa công bố, nhưng sơ bộ thì Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thụt lùi, dù trước đó năm 2015 đã tụt xuống thứ 11 (năm 2014 xếp thứ 9).

“Bộ LĐ-TB&XH đã cố gắng, nhưng các bộ ngành khác còn làm tốt hơn, như Bộ Y tế tăng tới 9 bậc. Vì vậy, cần tiếp tục cải tiến hoạt động của ngành, như chi trả chế độ cho người có công, bảo trợ xã hội có thể thuê đơn vị dịch vụ, bưu điện, ngân hàng làm”, Phó Thủ tướng nói. Ngoài ra, ngành lao động quan tâm mở rộng xã hội hóa dịch vụ giới thiệu việc làm, bảo trợ xã hội; tiếp tục phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận những chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cam kết đưa vào chương trình hành động năm 2017. “Công nghệ thông tin chúng ta đứng ở mức làng nhàng, trong khi các bộ khác tăng vượt bậc. Trong hoạt động của bộ, tôi đã 3 lần đề cập vấn đề này. Đã giao đích danh các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện. Bộ LĐ-TB&XH phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, điều này hoàn toàn làm được”, ông Dung nói.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu toàn ngành LĐ-TB&XH tập trung làm tốt công tác chăm lo Tết cho người có công, đối tượng bảo trợ, hộ nghèo. (Tiền phong, trang 5)

 

SCIC đầu tư xây bệnh viện và tháp truyền hình

Năm 2017, SCIC sẽ tập trung vào đầu tư hàng loạt dự án lớn như khởi công toà tháp Tài chính, xây dựng bệnh viện tại Thái Nguyên, mở rộng bệnh viện K; xây tháp truyền hình.

Thông tin vừa được ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch HĐTV Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết tại buổi họp sáng 13/1.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, một trong những điểm nhấn năm 2016 của SCIC là công tác bán vốn dù thị trường không thuận lợi.

Năm 2016, SCIC bán vốn thành công tại 73 doanh nghiệp (trong đó có tới 37 doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần), thu về 16.112 tỷ đồng trên giá vốn 3.083 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,2 lần. So với chỉ tiêu kế hoạch, giá trị bán vốn đạt 105% và gấp 4,5 lần năm 2015”.

Đặc biệt, ngày 12/12/2016, SCIC đã thực hiện bán 5,4% số cổ phần  tại Vinamilk theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thu về 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn. So với giá thị trường tại thời điểm giao dịch, SCIC đã thu về giá trị gia tăng tới hơn 800 tỷ đồng do giá bán 144.000 đồng/cổ phần cao hơn giá thị trường ngày chốt phiên giao dịch là 133.700 đồng.

“Đây là nỗ lực rất lớn của SCIC, thu hút được dòng vốn ngoại lớn bổ sung vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước.”, Chủ tịch SCIC khẳng định.

Người đứng đầu SCIC cho biết, nửa đầu năm 2017 có thể khởi công dự án Tháp tài chính trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) sau một thời gian không thể triển khai. Về đầu tư vào dự án nhà máy thép Thái Nguyên, SCIC đã báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính và đến thời điểm này vẫn “bảo toàn” được 1.000 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Ông Chi cũng cho biết thêm, trong năm 2017, SCIC cũng triển khai hàng loạt các dự án như Tháp truyền hình với VTV; xây dựng bệnh viện theo hình thức BOT ở tỉnh Thái Nguyên; mở rộng bệnh viện K; đầu tư xây dựng hạ tầng và xử lý rác thải. (Tiền phong, trang 5)

 

Bệnh viện Phổi trung ương chuẩn bị triển khai kỹ thuật ghép phổi

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay trên thế giới, ghép phổi đã phát triển mạnh, số ca ghép phổi liên tục tăng theo các năm. Bệnh viện Phổi trung ương sẽ xây dựng một chương trình ghép phổi.

Để làm được việc đó, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì việc đào tạo đội ngũ chuyên môn sâu là rất quan trọng. Mới đây, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi thuộc Bệnh viện Phổi trung ương với quy mô 270 giường bệnh.

Đây sẽ là trung tâm ghép phổi hiện đại, tiên tiến hàng đầu Việt Nam, ngang tầm với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, bệnh viện đã làm việc với GS Marc Stern - chuyên gia ghép phổi của Pháp để lên kế hoạch triển khai ghép phổi. Bệnh viện cũng sẽ cử một kíp cán bộ đi học tập nước ngoài trước 6 tháng khi ca ghép đầu tiên được tiến hành, dự kiến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Nhung, tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu ở giai đoạn cuối người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. Ngoài ra các căn bệnh cũng được chỉ định ghép phổi như: Xơ phổi, xơ nang phổi giai đoạn cuối... (Hà Nội mới, trang 5)

 

Vợ chồng tử vong sau bữa cơm trưa với thịt cóc

Chiều 12-1, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Trưởng Công an xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, vợ chồng ông Nguyễn Văn Cương (57 tuổi), bà Nguyễn Thị Hiên (56 tuổi, cùng trú xã Nghi Thạch) cùng tử vong trong chiều 11-1.

Theo Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc, trưa 11-1, vợ chồng ông Cương ở nhà làm thịt cóc để ăn. Sau khi ăn khoảng hai giờ đồng hồ, bà Hiên thấy đau bụng, buồn nôn nên đi tìm chồng để đưa đi bệnh viện. Tuy nhiên, bà Hiên phát hiện chồng đã chết trên giường nhà. Hàng xóm đến đưa bà Hiên đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng, tiên lượng khó qua khỏi, đến 17g chiều cùng ngày, người thân xin đưa bà Hiên về rồi bà Hiên tử vong.

Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên, Công an huyện Nghi Lộc và Ban công an xã Nghi Thạch đã có mặt để ghi nhận tình hình, tìm hiểu sự việc. Người thân của vợ chồng ông Cương từ chối giám định tử thi. (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

Kê toa… dinh dưỡng cho người bệnh

Không chỉ điều trị ngoại khoa bằng mổ xẻ, điều trị nội khoa bằng hàng tá thuốc tây - đông y mà chế độ dinh dưỡng cũng góp phần rất lớn trong hỗ trợ điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, đến nay công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện (BV) chưa được chú trọng, người bệnh vẫn chưa được tư vấn hướng dẫn cụ thể về khẩu phần dinh dưỡng hoặc được cung cấp khẩu phần phù hợp. Do đó, không chỉ đa số người bệnh trong và sau điều trị thường bị suy dinh dưỡng mà bệnh tật cũng khó đẩy lùi, nhất là đối với các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, tim mạch…

Hơn 40% bệnh nhân suy dinh dưỡng

Là một trong những BV hàng đầu về chăm sóc thai phụ, sản phụ, BV Từ Dũ TPHCM đã xác định chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến bà mẹ và trẻ  sơ sinh. Do đó, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế của BV Từ Dũ được thành lập khá sớm và hiện nay đã thiết kế các suất ăn bệnh lý nội viện cho thai phụ, sản phụ và bệnh nhân bị đái tháo đường, suy thận. Năm 2002, BV Từ Dũ đã xây dựng bếp ăn một chiều, đảm bảo cung cấp được 3 bữa chính cho bệnh nhân bị bệnh lý đái tháo đường và 2 - 3 bữa ăn phụ cho bệnh nhân bị các bệnh lý khác được khuyến cáo dùng bữa ăn tiết chế thay thế. “Một trong những bệnh lý phổ biến của thai phụ là bệnh đái tháo đường. Do đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con. Vì vậy, BV luôn khuyến cáo, tư vấn thai phụ có chế độ dinh dưỡng tiết chế phù hợp mặc dù có thể không hợp khẩu vị so với nấu tại gia đình”, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Từ Dũ cho biết… Tại BV Huyện Bình Chánh, TS Lê Thị Hoàng Liễu (phụ trách Khoa Dinh dưỡng), cho biết thường xuyên hội chẩn dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng, nhất là đối với bệnh nhân phải ăn bằng ống truyền để đảm bảo chế độ dinh dưỡng tiết chế hợp lý. “Trong năm 2016 đã cung cấp trên 5.000 suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân, kể cả ngoại trú lẫn nội trú”, TS Hoàng Liễu cho biết.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện chiếm tỷ lệ rất cao, trung bình tới 20% - 50%, riêng tại TPHCM có tỷ lệ 40,7%. Trong đó, bệnh nhân suy dinh dưỡng nằm Khoa Hồi sức tích cực chống độc đến 65%, bệnh nhân Lão khoa 72,3%, bệnh nhân ung thư đại tràng trước phẫu thuật 83,5%... Theo Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, đa số BV, nhất là các BV tư, chưa quan tâm đúng mức, đáp ứng dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh. “Công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú, xây dựng kế hoạch can thiệp về dinh dưỡng, cung cấp suất ăn chưa được thực hiện đầy đủ…”, bác sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo.

“Kê toa” thực đơn bệnh lý

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhìn nhận chế độ dinh dưỡng, tiết chế không hợp lý không chỉ làm bệnh nhân suy dinh dưỡng mà còn làm tăng biến chứng, tử vong, thời gian nằm viện dài, chi phí điều trị tốn kém. Mỗi loại bệnh, mỗi thể trạng bệnh nhân đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng, dù có dùng nhiều loại thuốc nhưng không có một chế độ ăn hợp lý thì cũng rất khó điều trị tốt. “Từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011 hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV nhưng đến nay vẫn không ít BV chưa thực hiện”, ông Khuê băn khoăn. Theo Thông tư 08/2011, tất cả các BV từ cấp huyện trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế, có 3 nhiệm vụ: Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân trước xuất viện; hội chẩn nuôi ăn bệnh nhân tại giường; cung cấp suất ăn bệnh lý (nuôi ăn đường miệng, nuôi ăn qua ống thông). Tuy nhiên, thực tế, nhiều BV tuyến trên quá tải bệnh nhân, không đủ nhân sự thực hiện đánh giá tất cả bệnh nhân ngoại trú; không đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng và không thể chọn lọc được đối tượng cần được tư vấn dinh dưỡng. Còn không ít BV tuyến dưới hạn chế về nhân lực, chuyên môn…  Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhi có một ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị nhưng không phải BV nào cũng chú ý triển khai… PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Sở Y tế đã đốc thúc các BV dành khoản kinh phí để xây dựng, thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế và sắp tới sẽ kiểm tra, đánh giá cũng như có cơ chế giám sát”.

Mới đây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã nghiên cứu xây dựng bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý bao gồm 32 thực đơn mẫu cho 8 chế độ ăn (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, gout, suy dinh dưỡng, sinh lý, ăn qua ống thông…). “Với bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý, các BV có thể tham khảo để tự tổ chức cung cấp suất ăn, hoặc hợp đồng cung cấp suất ăn, hoặc chí ít cũng tư vấn cho người bệnh”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp nói. Đánh giá cao bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý, các chuyên gia y tế cho rằng lãnh đạo các BV cần quán triệt thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện và tăng cường đào tạo, tập huấn, nhất là chuyên khoa đại học và sau đại học về dinh dưỡng - tiết chế; dinh dưỡng lâm sàng… Mặt khác, Bộ Y tế sớm nghiên cứu thanh toán bảo hiểm y tế cho chế độ ăn bệnh lý nhằm thuận lợi cho người bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Miền Bắc: Thời tiết dị thường, dịch bệnh phức tạp

Sau những ngày nóng nực giữa mùa đông, rồi mưa ẩm kéo dài, thời tiết tại miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm. Dù nhiệt độ không xuống quá thấp nhưng trước diễn biến rất dị thường của thời tiết, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân.

Nhiều người đổ bệnh

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân vào viện khám và điều trị không ngừng tăng do ảnh hưởng của thời tiết thất thường. Hiện tại, phòng khám nhi của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên 300 trẻ tới khám/ngày, trong đó hơn một nửa số này là các bệnh về đường hô hấp cấp tính, viêm mũi họng dẫn đến viêm phế quản. Đáng chú ý, có nhiều trẻ nhập viện vì viêm phế quản nặng, biến chứng viêm phổi, mất nước ở cơ thể, suy hô hấp nên sức khỏe nguy hiểm.

PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết nóng lạnh thất thường trong mùa đông xuân năm nay cũng làm cho số lượng bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, ho, sốt, tiêu chảy tăng mạnh. Ước tính số lượng trẻ tới viện khám và phải nhập viện tăng lên hơn 1,5 lần so với ngày thường và trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Đối với người cao tuổi, có hàng chục trường hợp bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim phải nhập viện cấp cứu khiến Khoa Hồi sức tích cực quá tải.

Không chỉ có các bệnh viện tuyến trên có số bệnh nhân tăng cao do ảnh hưởng bất thường của thời tiết mà tại bệnh viện của một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn..., số bệnh nhân nhập viện tăng đáng kể. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận trên 300 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em.

Dịch bệnh rình rập

Thời tiết bất thường của mùa đông xuân năm nay cũng khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vào mùa đông xuân các dịch bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, sốt xuất huyết, tay chân miệng... thường gia tăng nhưng đáng lo ngại là các dịch bệnh lây lan qua đường ăn uống, nhất là liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp, cúm và ngộ độc rượu. Bởi lẽ mùa đông xuân cũng là thời điểm Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội đầu năm nên lượng thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ tăng đột biến. Trong khi đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa chặt chẽ; tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm, gia súc ốm chết vẫn diễn ra. Hiện nay, tuy Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 và cúm A/H5N6 nhưng nguy cơ dịch cúm bùng phát vào mùa đông xuân rất cao do một số quốc gia trong khu vực đang có dịch cúm. Cùng với đó, dịch bệnh tay chân miệng cũng rất dễ bùng phát vì đây là loại bệnh mà có số người mắc luôn ở mức cao.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng nhận định, trong những tháng tới của năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa rõ nét, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân. Các bệnh dịch mới nổi có thể tiếp tục bùng phát trên thế giới trong đó có Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh do virus Zika tiếp tục tăng cả về số địa phương và số ca bệnh được ghi nhận.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết gây ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang rình rập, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng. Ngành y tế sẽ phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Bộ Y tế cũng tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, cũng như không ăn tiết canh heo, giết mổ heo ốm, bệnh. Đảm bảo ăn chín, uống chín và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Nhiều người dân hiểu lầm là cứ sinh đẻ thoải mái

Trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế trình 2 phương án để điều chỉnh mức sinh. Trong đó, phương án 1 cho phép các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách và số con. Để làm rõ hơn về vấn đề này tránh việc nhiều người dân hiểu lầm là cứ “sinh đẻ thoải mái”, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân (ảnh nhỏ), Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế).

Điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện thực tế

Thưa ông, những ngày vừa qua, nhiều người đã hiểu rằng, phương án điều chỉnh mức sinh trong dự thảo Luật Dân số mang tính “nới lỏng”, đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng được sinh con một cách thoải mái. Điều này có đúng không?

- Trước hết, phải làm rõ vấn đề như thế này. “Nới lỏng” chỉ là một cách nói nôm na vì xét trên phương diện pháp luật, chúng ta chưa bao giờ thực hiện “siết” việc sinh con mà chủ yếu là cuộc vận động để người dân thực hiện sinh ít con, cụ thể là hướng đến mỗi cặp vợ chồng bình quân có 2 con như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993 đã nêu ra. Và khẩu hiệu vận động được nêu ra trong Thông tư 01 năm 1994 là thực hiện mỗi cặp vợ chồng dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Đây là khẩu hiệu xuyên suốt trong công tác DS-KHHGĐ hơn 20 năm qua.

Về phương án đưa ra trong dự thảo Luật Dân số, thực ra đây không phải là đề xuất để “nới lỏng” mức sinh mà là nội dung chúng ta đang điều chỉnh. Đó là điều chỉnh mục tiêu của cuộc vận động sinh ít con trước đó cho phù hợp hơn với tình hình thực tế chung của đất nước, sự khác biệt về những kết quả giảm sinh mà các địa phương đã đạt được cũng như thực hiện theo Kết luận 119 của Ban Bí thư ngày 4/1/2016 nhằm duy trì được mức sinh thay thế trong thời gian càng dài càng tốt.

Cụ thể, đối với những địa phương mức sinh vẫn còn cao như các tỉnh miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cần tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh để đưa mức sinh đạt mức sinh thay thế. Bên cạnh đó, cũng có những xem xét để điều chỉnh lại mức sinh ở một số khu vực có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, TPHCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Còn với những tỉnh đã đạt mức sinh thay thế, cần tiếp tục duy trì thành tựu này.

Xin ông có thể cho biết, tại sao lại có phương án điều chỉnh như vậy?

- Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và thuộc nhóm những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Chúng ta chỉ mất khoảng 17 - 18 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già và mất khoảng 20 năm tiếp theo có thể sẽ đạt ngưỡng dân số siêu già.

Bên cạnh đó, chúng ta đã đạt được vững chắc mức sinh thay thế trong vòng hơn 10 năm qua. Nó thể hiện nhận thức và hành vi của người dân đã thay đổi rất nhiều. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, phương hướng, đường lối trong công tác DS-KHHGĐ tập trung vào việc vận động để người dân hiểu và chấp nhận việc dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt. Đến nay, chúng ta đã đạt được mục tiêu ấy, sớm hơn 10 năm so với thời hạn (đạt được năm 2005 so với thời hạn năm 2015).

Tất nhiên, chúng ta không loại trừ một bộ phận người dân có thể hiểu lầm rằng sẽ được đẻ rất nhiều con, nhưng tôi nghĩ, “nhiều” theo quan niệm của họ cũng không thể bằng như trước. Trước đây, bình quân, nếu đẻ ở mức thoải mái, một phụ nữ sẽ có khoảng 5 - 6 người con. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng này không còn nhiều. Hay nói cách khác, quy mô gia đình ít con đã được định hình trong nhận thức và hành vi của đại đa số người dân, nhất là giới trẻ.

Do đó, chúng ta phải tính đến những yếu tố tác động qua lại giữa phát triển kinh tế, xã hội và công tác dân số trong thời gian sắp tới. Với tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh và việc hội nhập với quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, sẽ có những tác động không nhỏ vào sự biến đổi xã hội nhất là trong hành vi sinh đẻ của người dân. Đây là một trong những lý do chúng ta tiến hành điều chỉnh mục tiêu của cuộc vận động về sinh đẻ cho hợp lý hơn.

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Nếu phương án điều chỉnh mức sinh trên được Quốc hội phê duyệt và đưa vào áp dụng trong thực tiễn, theo ông, sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

- Phải nói rõ như thế này, không có một phương án nào hoàn hảo cả. Sẽ có những mặt tích cực và tiêu cực. Hiện nay, quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn khá lớn; mật độ dân số cao (gấp 5 lần so với mật độ trung bình của thế giới và gấp 2,5 lần mật độ bình quân của châu Á cũng như Đông Nam Á); bình quân ruộng đất thấp. Do đó, nếu dân số của Việt Nam tiếp tục tăng sẽ tạo sức ép trong việc ổn định quy mô dân số cũng như cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số. Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, lực lượng bước vào độ tuổi lao động khá lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta cũng khá cao, tạo sức ép về cung ứng việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm hạn chế trên, phải kể đến những mặt tích cực của phương án điều chỉnh này mang lại. Trong tương lai, với nhu cầu phát triển của đất nước và yêu cầu về nhân lực, nếu mức sinh xuống thấp sẽ gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Làm thế nào để duy trì được nguồn cung ứng lao động một cách liên tục, tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực để kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng là bài toán chúng ta phải tính đến. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh mức sinh giữa các khu vực trên cả nước để đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức sinh giữa các khu vực sẽ làm chậm lại tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại nước ta. Hay nói cách khác, nó sẽ kéo dài thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già cũng như là siêu già. Đảm bảo tỷ lệ hỗ trợ an sinh xã hội cho người cao tuổi khi tương lai sẽ có nhiều người lao động hơn.

Như vậy, để thích ứng với bối cảnh mới, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, chúng ta đang chuyển từ trọng tâm giảm sinh sang ưu tiên hơn đến cơ cấu dân số và chất lượng dân số. Cụ thể, chúng ta chuyển từ việc chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề về quy mô dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề về dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.

Nếu trước đây, chúng ta chỉ xem xét một chiều về việc xử lý các vấn đề về quy mô dân số để tạo điều kiện cho sự phát triển thì hiện nay, chúng ta phải xem xét một cách chặt chẽ, gắn bó hữu cơ hơn những yếu tố về dân số và phát triển, bao gồm dự báo trước những tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội ngược trở lại đối với những yếu tố về dân số như mức sinh, mức chết đặc biệt là những biến đổi về cơ cấu dân số như mức sinh giảm, tốc độ già hóa tăng lên…

Bên cạnh đó, lồng ghép chặt chẽ những yếu tố dân số vào trong những quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn để đảm bảo dân số với khía cạnh con người không chỉ là đối tượng mà còn là mục tiêu đối với toàn bộ quá trình phát triển.

Riêng việc nâng cao chất lượng dân số, đây là một vấn đề rất lớn, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Nâng cao chất lượng dân số là nâng cao cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần để đảm bảo nguồn nhân lực ngày càng cao hơn cho sự phát triển đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông! (Gia đình & Xã hội, trang 6)

 

Cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên tim

Ngày 13/1, Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực đã phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân bị tổn thương tim rất đặc biệt, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân là anh Đ.Đ.T. (27 tuổi, tỉnh Hải Dương) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương trong tình trạng sốc nặng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức lúc 4 giờ ngày 8/1, tình trạng bệnh nhân rất nặng với mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp, dị vật là thanh sắt 2 đầu kích thước gần 10mm cắm thẳng vào trước xương ức ngang mức khoang liên sườn 4.

Bệnh nhân được phẫu thuật lúc 4h30 tại phòng mổ chuyên khoa tim mạch, với tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ. Do là ca bệnh rất khó nên PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực đã trực tiếp phẫu thuật.

Bác sĩ Ước cho biết, bệnh nhân bị thương tổn rất nặng và hi hữu khi 2 que sắt đều xuyên qua tim và cắm vào thành bên cột sống. Que bên phải còn xuyên qua khoang màng phổi và nhu mô phổi trái, khoang màng phổi trái có khoảng 2.500 ml nước máu và máu đông. Bệnh nhân có tới 6 lỗ thủng ở tim, kích thước từ 10 – 15mm. Thành ngực của bệnh nhân cũng chảy máu nhiều do đứt động mạch ngực trong ở 2 bên xương ức. Sau 6 tiếng mổ liên tục, ca mổ đã kết thúc thành công.

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước cho biết đây là ca bệnh trên thế giới cũng ít gặp, tại Việt Nam chưa có báo cáo nào về ca bệnh tương tự. (Tiền phong, trang 10)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 6: “Cứu sống bệnh nhân bị đâm 6 vết thủng tim”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang