Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Cảnh báo tăng bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch sau Tết; Kiến nghị bệnh viện có nhiều người vi phạm kỷ luật phải thi tuyển lãnh đạo; Người mắc COVID-19 sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như thế nào?; Lễ hội Xuân hồng lần thứ XVI tiếp nhận hơn 11.700 đơn vị máu…

 

Cảnh báo tăng bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch sau Tết

Sau Tết, thói quen ăn uống và sinh hoạt bị thay đổi dẫn đến nhiều người mắc phải các bệnh lý chuyển hóa, hô hấp, tim mạch, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...
Ngoài ra, hiện thời tiết có nhiều thay đổi dẫn đến các bệnh về hô hấp có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ em.

Vì sao bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch tăng?

Theo ghi nhận tại các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM..., số bệnh nhân thăm khám các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiêu hóa, gan mật, hô hấp, tình dục có xu hướng gia tăng...

Bác sĩ Phí Hải Anh, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho hay nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến nhiều người xáo trộn thói quen ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, chất béo, bia, rượu, nước ngọt... là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tăng sau Tết.

Bệnh nhân chủ yếu đến khám các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh gút...), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng...) và đặc biệt là các biến chứng của bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não...).

Còn tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, sau Tết, lượng bệnh nhân đến khám tư vấn, xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, các bệnh về da có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trước Tết trung bình có 228 - 304 ca khám bệnh qua đường tình dục/ngày, sau Tết tăng lên 301 - 384 ca/ngày.

Nguyên nhân là do trong kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân thường có thói quen thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, béo, cộng thêm việc thay đổi thời tiết khiến các bệnh về da gia tăng (viêm da cơ địa, mụn trứng cá, dị ứng)... 

Số lượng ca mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai cũng gia tăng. Đặc biệt, nhiều người đến khám sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh hô hấp vào mùa

Bác sĩ Lê Công Thiên - phó khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết sau Tết âm lịch, các bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp gia tăng, nổi trội là suyễn, viêm phổi... 

Cụ thể, trẻ mắc bệnh về hô hấp chiếm 60 - 70%, trong khi đó các bệnh lý về tiêu hóa khoảng 20%, còn lại là các loại bệnh khác. Trẻ nhập viện trong tình trạng thường là sốt cao, khó thở, ho có đờm...

Theo bác sĩ Thiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc các bệnh về hô hấp như ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng không được đảm bảo trong dịp Tết như đi chơi xa ăn uống thất thường, dễ bị bệnh, thời tiết thay đổi.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - trưởng khoa nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho hay những ngày qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm và thủy đậu tới thăm khám. Bệnh cúm thông thường có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, từ đó dẫn tới tử vong.

"Hiện vẫn còn tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị cúm không theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ dẫn đến khó khăn trong việc điều trị. Bởi vậy, khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi thì cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân nên tiêm phòng vắc xin cúm để phòng bệnh", bác sĩ Kim Anh khuyến cáo.

Bác sĩ Hải Anh cũng khuyến cáo đây cũng là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển có thể gây ra rất nhiều nguy cơ gây bệnh như bệnh đường hô hấp (hen phế quản, viêm khí - phế quản cấp...), viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, thủy đậu... 

Vì vậy người dân, nhất là những người có cơ địa dị ứng và tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, cần lưu ý để không bị mắc bệnh.

Trường học cần lưu ý khâu vệ sinh

Bác sĩ Lê Thị Thu Phương - khoa nội nhi tổng hợp Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết vào thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm nên dễ phát sinh các bệnh lý về đường hô hấp, truyền nhiễm do vi rút. Đặc biệt là những trẻ bị sẵn các bệnh mãn tính như hen phế quản, viêm tiểu phế quản.

"Tại trường học cần phải đặc biệt lưu ý đến khâu vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, cốc chén uống nước, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra, cần phải thường xuyên lau dọn tay nắm cửa và đồ chơi vì đó là nơi vi khuẩn, vi rút trú ẩn", bác sĩ Phương cảnh báo.

Theo bác sĩ Phương, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay, mọi người nên phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giữ gìn vệ sinh nhất là vệ sinh tay, đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng chung đồ dùng như khăn mặt, cốc, chén... (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Kiến nghị bệnh viện có nhiều người vi phạm kỷ luật phải thi tuyển lãnh đạo

Ngày 12.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM kết quả thực hiện kế hoạch thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Sở Y tế kiến nghị UBND TP xem xét, thống nhất chủ trương thực hiện quy trình thi tuyển chức danh giám đốc và phó giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở này. Theo đó, có 3 trường hợp đơn vị phải thi tuyển giám đốc và phó giám đốc, gồm: đơn vị đặc biệt khó khăn về nguồn nhân sự bổ nhiệm; nội bộ lãnh đạo đơn vị có dấu hiệu thiếu đoàn kết; đơn vị có nhiều người vi phạm kỷ luật.

Trước đó, Sở Y tế đã tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM; có 25/28 ứng viên đủ tiêu chuẩn bước vào thi vòng 1 (thi lý thuyết); 3 ứng viên có số điểm cao nhất vòng 1 được vào thi vòng 2 (trình bày đề án). Kết quả, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu, có số điểm cao nhất vòng 2. Sở Y tế đã ký quyết định điều động, bổ nhiệm bác sĩ Lê Anh Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM. (Thanh niên, trang 6).

 

Người mắc COVID-19 sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như thế nào?

Từ ngày 1/4/2023, COVID-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là nội dung Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế vừa ban hành.
Theo thông tư này, COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35, bắt đầu từ ngày 1/4/2023. Bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Vậy, với người dân, khi bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19

Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, người dân, khi bị mắc COVID-19 được ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa COVID-19.

Theo đó, đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập, trừ trường hợp quy định tại mục 4 của Nghị định, Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa COVID-19 bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường và dịch vụ kỹ thuật.

Việc thanh toán thực hiện theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng trong các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chưa được ban hành giá. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ngân sách chi trả chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chi trả dịch vụ kỹ thuật không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở đó hoặc của bệnh viện chủ quản.

Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19 được thực hiện theo nguyên tắc chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân được ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo nguyên tắc tại (1a), (1b) của Nghị định.

Mức giá dịch vụ, danh mục thuốc, vật tư y tế và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa COVID-19: áp dụng theo hạng, theo tuyến của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.

Sở Y tế có trách nhiệm ký hợp đồng với cơ sở y tế tư nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19.

Trường hợp người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội nếu bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng các khoản tiền sau:

Chế độ ốm đau: Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động bị mắc COVID-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc COVID-19.

Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Tại Điều 29 của Luật BHXH năm 2014, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc COVID-19, nếu người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật và 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Tiền lương nếu chưa nghỉ hết phép: Nếu người bị mắc COVID-19 nghỉ việc để điều trị mà vẫn còn phép năm thì thời gian nghỉ việc này có thể được trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương.

Trước đó, Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/1/2020 của Bộ trưởng Bộ y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm theo nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm: Ngân sách nhà nước; Vốn viện trợ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. (Công an nhân dân, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Lễ hội Xuân hồng lần thứ XVI tiếp nhận hơn 11.700 đơn vị máu

Ngày 13-2, theo tin từ Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, kết thúc lễ hội Xuân hồng lần thứ XVI - năm 2023 đã tiếp nhận được 11.708 đơn vị máu, tăng hơn 3.700 đơn vị máu so với dự kiến ban đầu.

Trước đó, lễ hội Xuân hồng lần thứ XVI - sự kiện hiến máu lớn nhất vào mỗi dịp đầu xuân khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị sau Tết - đã diễn ra liên tục trong 7 ngày (từ ngày 6 đến 12-2) tại 7 địa điểm. Sau gần 2 tuần, sự kiện đã đón tiếp trên 12.000 người tham dự và tiếp nhận được 11.708 đơn vị máu.

Đến với lễ hội Xuân hồng năm nay, trong số hàng chục nghìn người tham gia hiến máu, có không ít người có người thân là bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. 

Mặc dù nhà ở cách Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đến 17 km nhưng chị Nguyễn Thị Mai (36 tuổi ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn rủ chồng cùng đi hiến máu. Tuy mới bắt đầu hiến máu từ năm 2021 nhưng đến nay, chị Mai đã có 6 lần trao đi giọt máu của mình để cứu sống người bệnh.

Chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Nếu tôi biết đến hiến máu sớm hơn thì tôi đã tham gia lâu rồi. Con của bạn thân tôi đang bị ung thư máu cũng điều trị tại Viện. Nếu có đủ sức khỏe thì một năm, tôi sẽ đi hiến máu 3 lần, nếu không thì 2 lần, cho những người bệnh đang cần máu như con của bạn tôi”.

Nói về những người thân của người bệnh tham gia hiến máu, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, đây là trải nghiệm thực sự xúc động của người bệnh, gia đình người bệnh, của những người tham gia hiến máu.

“Tôi rất xúc động và hạnh phúc khi thấy hình ảnh người đến hiến máu xếp thành hàng dài tại viện ngay đầu năm mới. Khác với hàng nghìn lễ hội đầu xuân diễn ra trên cả nước, Xuân hồng là lễ hội duy nhất mà những người đến tham dự không mong điều gì cho bản thân mình mà đến để trao tặng những món quà sự sống”, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh chia sẻ.

Trải qua 16 năm tổ chức (từ năm 2008 đến 2023), lễ hội Xuân hồng đã thu hút hàng trăm nghìn người tham dự, tiếp nhận trên 111.000 đơn vị máu.

Cùng với lễ hội Xuân hồng và các lịch hiến máu sắp tới, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương hoàn toàn có thể bảo đảm việc cung cấp máu cho điều trị tại hơn 180 bệnh viện khu vực phía Bắc. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Yêu cầu thường xuyên giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Ngày 13-2, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 3 đến 10-2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 11 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 56% so với tuần trước đó).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 99 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng 11 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã; 74/579 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, tuần qua cũng có thêm 1 ổ dịch sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 5 ổ dịch sốt xuất huyết và hiện đã kết thúc hoạt động.

CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành theo dõi sát tình hình dịch bệnh, đồng thời tăng cường giám sát, điều tra, xử lý dịch và ca bệnh phát hiện tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp. Đồng thời, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, thường xuyên giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Gia hạn đăng ký lưu hành khoảng 8.880 thuốc đợt đầu tiên trong năm 2023

Cục Quản lý dược vừa có quyết định gia hạn đăng ký lưu hành khoảng 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế.

Bộ Y tế cho biết, để bảo đảm đủ nguồn thuốc cho điều trị, Cục Quản lý dược vừa có quyết định gia hạn đăng ký lưu hành khoảng 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 80 của Quốc hội về việc đồng ý gia hạn đăng ký lưu hành một số loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Trong số những loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này có hơn 6.800 thuốc trong nước, gần 1.900 thuốc nước ngoài… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế đề nghị triển khai thực hiện khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế vừa đề nghị các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo khoản 4 Nghị quyết 144/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế có công văn số 517/BYT-BH gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các bộ, ngành; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế đề nghị triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ.

Công văn nêu rõ, Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Để triển khai thực hiện khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất:
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê chính xác, đầy đủ, cụ thể và cung cấp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT danh sách nhà thầu đã trúng thầu vật tư, hóa chất kèm quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng cung cấp vật tư, hóa chất và danh mục các máy do các nhà thầu này cung cấp máy sau khi trúng thầu; 

Văn bản thể hiện nhà thầu cung cấp máy cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất; 

Các máy do các nhà thầu nêu trên cung cấp cho cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc về quản lý trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về trang thiết bị y tế.

Tại văn bản do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký ban hành, Bộ Y tế nêu rõ mức giá và phạm vi thanh toán thực hiện theo quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế và quy định về phạm vi, quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Tại khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang