Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyến Thị Kim Tiến làm việc tại Sơn La: Đầu tư mạnh mẽ y tế cơ sở: Đảm bảo cho chăm sóc sức khỏe gần dân nhất
Sáng ngày 13/12, tại xã Chiềng Yên- huyện Vân Hồ- tỉnh Sơn La, Bộ Y tế và Liên minh Châu Âu (EU), UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức khánh thành công trình xây dựng Trạm y tế xã Chiềng Yên bằng nguồn vốn hỗ trợ của EU
Bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La đã cắt băng khánh thành công trình.
Phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình trạm y tế xã Chiềng Yên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: công trình trạm y tế xã Chiềng Yên là một trong số những công trình đầu tư cho trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã do Bộ Y tế ban hành sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2020 và 2025 bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Việc chọn trạm y tế xã Chiềng Yên là sự chọn lựa đúng đắn, có ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu thuận lợi cho nhân dân và đồng bào các dân tộc anh em trong vùng đến khám, chữa bệnh; đây sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe một cách có chất lượng, hiệu quả và gần dân nhất. Công trình gồm khu làm việc là nhà cấp III, 02 tầng gồm 11 phòng với tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình là hơn 3,4 tỷ đồng.
Thông tin tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, thực tế qua nghiên cứu khảo sát về cơ sở nhà trạm, nhân lực y tế, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, Bộ Y tế và UBND tỉnh Sơn La đã chọn xã Chiềng Yên - huyện Vân Hồ là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trạm y tế đã xuống cấp, chật hẹp, nhân dân có nhu cầu khám, chữa bệnh tại trạm lớn, tỉnh đã có quyết định đầu tư nhưng chưa có nguồn vốn là 1 trong 6 xã của tỉnh Sơn La được đầu tư đợt này
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, y tế cơ sở gồm y tế huyện, trạm y tế xã và thôn, bản có vai trò hết sức quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế và Dân số.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 2/3 số lượt khám, chữa bệnh là ở tuyến huyện và tuyến xã, riêng đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là những nơi có tỷ lệ người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Hệ thống y tế cơ sở tốt sẽ bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại gần nơi cư trú, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện Kinh tế - Xã hội, đời sống của người dân còn khó khăn.
“Việc thường xuyên khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở cho người dân sẽ góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh, tật, giảm chi phí điều trị và các chi phí gián tiếp không cần thiết như: chi phí đi lại, ăn, ở cho người bệnh và người nhà đi thăm nuôi người bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ Y tế cũng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước còn khoảng 200 trạm y tế chưa có nhà; khoảng 2.650 trạm y tế xã là nhà tạm, cần phải xây dựng mới, khoảng 3.000 trạm cần phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay vẫn chưa có nguồn vốn riêng từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các trạm y tế xã, mà chủ yếu đang dựa vào một số dự án ODA, ngân sách địa phương, vốn đầu tư từ Chương trình 135, chương trình nông thôn mới và hỗ trợ từ một số doanh nghiệp,… nên thực tế, số trạm y tế xã được đầu tư để đạt Tiêu chí quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân còn thấp, hiện mới đạt khoảng 50%, phải phấn đấu và quan tâm đầu tư hơn nữa thì mới có thể đạt 70% vào năm 2020 (Sức khỏe đời sống, trang 3).
Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý chất thải y tế
Báo Nhân Dân nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng nhiều bệnh viện (BV) chưa thực hiện các biện pháp xử lý triệt để chất thải y tế. Nguồn chất thải này mới chỉ được xử lý sơ sài ngay tại các BV hoặc đưa đi chôn lấp không bảo đảm quy trình, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.
Bài 1: Chất thải y tế đi đâu?
Thời gian qua, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển, chôn lấp chất thải y tế không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, khiến dư luận bức xúc. Thực trạng này xảy ra trong một thời gian dài, nhưng chậm được các cơ quan chức năng xử lý, khắc phục…
CHẤT THẢI NẰM TRONG KHU DÂN CƯ
Dư luận rất bất bình về bãi chất thải y tế được phát hiện nằm trong khu dân cư Gốc Bựu, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) trong nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe người dân, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý. Khu vực tập kết chất thải này nằm phía sau bãi rác của thôn Quan Độ, ước tính lên tới hàng chục tấn, với hàng trăm bao tải đựng vỏ chai, ống truyền, xi-lanh, kim tiêm… chất đống cao như núi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi chất thải y tế này hình thành từ nhiều năm nay, được thu gom tại các BV khu vực phía bắc.
Ngay sau khi nhận được thông tin của người dân về bãi chất thải y tế nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh thành lập đoàn kiểm tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu gom, tái chế chất thải trên địa bàn xã Văn Môn. Xét thấy hành vi của chủ thu gom chất thải có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, cần điều tra, xét hỏi nhiều đối tượng để xử lý nghiêm, lãnh đạo các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công an và Y tế tỉnh Bắc Ninh thống nhất để Công an tỉnh chủ trì điều tra, xác minh. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy: Bãi tập kết chất thải y tế có diện tích 1.800 m2 tại thôn Quan Độ là của Công ty TNHH Bảo Ngọc (Công ty Bảo Ngọc). Tại thời điểm kiểm tra, xác minh, chất thải bao gồm: chai, lọ thủy tinh, ống truyền dịch, bơm kim tiêm… để lộ thiên, không có tường bao, mái che, nền không được xây chống thấm… Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu giám định đối với chất thải nêu trên để tiến hành phân tích, đánh giá mức độ nguy hại; đồng thời tiến hành bốc dỡ lượng chất thải này đưa về lưu giữ và niêm phong tại Công ty TNHH Môi trường VK, tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, chờ hướng xử lý tiếp. Tính đến nay, lượng chất thải đã được bốc dỡ, vận chuyển đến Công ty TNHH Môi trường VK là 90.280 kg.
Theo hồ sơ thu thập được, Công ty Bảo Ngọc đã ký hợp đồng thu gom chất thải từ 12 cơ sở y tế, BV đa khoa trong và ngoài tỉnh. Cụ thể gồm: BV Đa khoa Nông nghiệp, ở huyện Thanh Trì (TP Hà Nội); BV Hữu Nghị Hà Nội; BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); BV Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh; BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình; BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ; BV A Thái Nguyên; BV C Thái Nguyên; BV Sản-Nhi Bắc Giang; BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh; BV Quân y 110 (TP Bắc Ninh). Đoàn kiểm tra đang tiếp tục làm việc với Công ty Bảo Ngọc để điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của công ty và các đơn vị liên quan làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định.
Liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường tại thôn Quan Độ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh) Lưu Xuân Hùng cho biết: Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí chung quanh bãi chứa chất thải cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,8 lần. Nước thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt, sản xuất không được thu gom, xử lý và xả trực tiếp ra các ao hồ, mương máng thông qua các hệ thống cống rãnh thoát nước chung quanh làng nghề dẫn đến nước thải bị ứ đọng lâu ngày, phát sinh mùi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trao đổi với chúng tôi về những bất cập trong việc quản lý chất thải y tế trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Tâm cho biết: Hiện, toàn bộ các BV tuyến tỉnh và tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều có khu xử lý chất thải y tế tại chỗ. Ngoài ra, trong tổng số 18 BV trên địa bàn tỉnh thì có 11 BV có lò đốt rác thải y tế; bảy BV còn lại không có lò đốt nhưng đã có hợp đồng với các công ty và đơn vị chức năng để xử lý chất thải y tế. Việc bảo vệ môi trường, các chế tài, quy định liên quan thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của ngành tài nguyên và môi trường.
CHÔN CHẤT THẢI NGAY TRONG BỆNH VIỆN
Qua thông tin phản ánh của người dân về việc BV Đa khoa Đà Bắc (Hòa Bình) chôn lấp chất thải y tế ngay trong BV, gây ô nhiễm môi trường, ngày 8-9-2016, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hòa Bình) phối hợp Công an huyện Đà Bắc tổ chức kiểm tra thực tế tại BV này. Quá trình kiểm tra đã phát hiện tại khu vực phía sau Khoa Ngoại của BV có một hố đất lớn, bên dưới hố có nhiều túi ni-lông chứa đựng nhiều vật thải nghi là chất thải y tế. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu lãnh đạo BV Đa khoa Đà Bắc giữ nguyên hiện trạng, đồng thời cung cấp hồ sơ liên quan việc quản lý, xử lý chất thải y tế. Sau đó, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp các cơ quan chức năng làm việc với lãnh đạo BV đa khoa Đà Bắc và tiếp tục khai quật vị trí chôn lấp chất thải y tế. Tổng số chất thải y tế được phát hiện dưới hố chôn lấp là 71 bao, tương đương 1.335 kg. Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, Giám đốc BV Đa khoa Đà Bắc Lương Văn Thịnh thừa nhận, số chất thải y tế nêu trên được BV chôn lấp từ tháng 12-2015 trở về trước. Hành vi chôn lấp chất thải y tế chưa qua xử lý xảy ra tại BV này đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 21 Nghị định 79/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hiện, vụ việc đã được Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra, xác minh theo quy định. PC 46 Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục tiến hành công tác giám định mẫu đất, mẫu nước tại khu vực chôn lấp chất thải y tế của BV để xác định mức độ gây ô nhiễm môi trường; tập trung điều tra, xác minh làm rõ tính chất, mức độ vi phạm; hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) bức xúc: Việc BV Đa khoa Đà Bắc chôn lấp chất thải y tế, khó có thể nằm ngoài bài toán về lợi ích kinh tế. Việc chôn lấp này sẽ tiết kiệm và rẻ hơn nhiều so với phương pháp xử lý đúng quy trình, thân thiện với môi trường. Việc BV chôn lấp chất thải y tế lén lút như vậy là không thể chấp nhận được. BV thường được đặt ở trung tâm các khu dân cư, vì vậy, nếu các chất độc hại, vi-rút gây bệnh thấm vào đường nước ngầm thì hậu quả rất khó lường.
CHẤT THẢI QUA NHIỀU PHỐ, PHƯỜNG
BV Đa khoa và BV Sản-Nhi tỉnh Bắc Giang mỗi ngày đón tiếp và phục vụ khoảng hai nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh, do đó lượng chất thải y tế thải ra mỗi ngày là tương đối lớn. Tuy nhiên, phần lớn trong số chất thải y tế mang mầm bệnh độc hại đã không được xử lý đúng quy trình.
Qua quan sát của chúng tôi, cứ khoảng 19 giờ 30 phút hằng ngày, khi chiếc xe rác chuyên dụng của Công ty Vệ sinh môi trường tỉnh lại đỗ trước cổng phụ của BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang trên đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) để thu gom gần chục xe đẩy chứa rác thải và chất thải y tế đựng trong túi ni-lông kín mít. Chỉ trong chốc lát, tất cả số rác trên các xe đẩy được đưa hết lên thùng xe, kể cả số túi ni-lông chứa chất thải y tế. Chiếc xe lại tiếp tục di chuyển về phía BV Sản-Nhi. Ông chủ quán cà-phê, sống ở gần cổng BV lắc đầu ngao ngán: "Hôi lắm, ngày nào cũng thế, cứ đến giờ này tôi phải vào trong nhà ngồi và đóng cửa lại. Chứ cứ ngồi ngoài đường thì không thở được, 15 phút sau khi xe ô-tô chở rác này đi khỏi mới hết mùi".
Khi xe ô-tô này đến BV Sản-Nhi, thì rác đã được chuyển đến "điểm tập kết" nằm ngay ngoài tường bao BV với khoảng chục chiếc xe đẩy đầy có ngọn. Ngoài số rác sinh hoạt không bao gói, có rất nhiều túi ni-lông căng đầy mà nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy là chất thải y tế. Chiếc xe vừa gom rác ở BV như được lập trình trước, tiếp tục “tạt” qua khu chung cư Quang Minh, khu nhà chín tầng đường Hùng Vương, trước cổng trụ sở UBND phường Hoàng Văn Thụ. Rác thải sinh hoạt của các khu dân cư chung quanh đã chờ sẵn. Với những công nhân vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ tại các điểm thu gom rác này thì không có gì khác giữa rác hữu cơ, rác vô cơ với rác thải y tế. Tất cả các loại rác đều đưa vào thùng xe "một hành trình, một điểm đến" là bãi rác Đa Mai. Bãi rác này không có chức năng xử lý chất thải y tế, bởi vì không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc xử lý rác ở đây chỉ là ép và tạo thành đống chứ chưa được chôn lấp đúng cách.
Tình trạng thu gom và xả chất thải y tế bừa bãi ra môi trường cũng diễn ra ngay tại một số BV trên địa bàn TP Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Quý, người dân ở gần BV Nông nghiệp I, ở xã Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Hằng ngày, cứ vào khoảng 19 giờ, nhân viên của BV lại xách hàng chục túi ni-lông có chứa chất thải y tế từ trong BV chuyển ra khu vực tập kết rác thải sinh hoạt ngay trước cổng BV. Trong những túi ni-lông mầu xanh ấy chứa rất nhiều kim tiêm, dây truyền dịch, bông, băng, gạc vẫn còn dính máu… Phải đến bảy giờ sáng hôm sau, “ổ” rác thải y tế độc hại này mới được Công ty vệ sinh môi trường Hà Nội bốc lên xe chở đi chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ông Phạm Văn Thời là người sống ở gần khu vực tập kết bãi rác nêu trên bức xúc: Vậy là người ta xử lý rác thải sinh hoạt cũng giống như đối với kim tiêm, ống truyền dịch và các chất thải y tế khác. Không ai quan tâm mức độ độc hại cũng như thời gian phân hủy mỗi loại rác không hề giống nhau. Và cũng không ai quan tâm xem bệnh truyền nhiễm có thể theo xe rác rải dọc đường từ đây ra bãi rác, lan tỏa vào không khí và bụi đường để “đậu” vào bất cứ đâu, từ bát phở dọc đường cho đến chui thẳng vào mũi người đi đường. Phải chăng ngành y tế và các đơn vị liên quan về vệ sinh môi trường đang cố tình quên, hoặc nhầm lẫn về giải pháp, hoặc chưa thật sự quan tâm đến những hậu quả độc hại mà số chất thải y tế chưa được xử lý có thể gây ra đối với môi trường sống (Nhân dân, trang 5).
Phó chủ tịch QH tổng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 13-12, các đoàn giám sát thuộc Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiền dẫn đầu đã có các cuộc kiểm tra đồng loạt về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, các đoàn giám sát thuộc Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã đến kiểm tra tại các địa điểm gồm Siêu thị Lotte Mart (TP Biên Hòa) về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm ăn liền; Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom) về chuỗi khép kín chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ gà sạch đạt chuẩn VietGAP, trang trại chăn nuôi heo của bà Phạm Thị Kim Loan (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom), giám sát chất lượng, vệ sinh bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP Biên Hòa)…
Qua kiểm tra, siêu thị Lotte Mart đã cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn gốc, thời hạn bảo hành, chất lượng và giá cả sản phẩm. Trong khi đó, các đơn vị chăn nuôi được đánh giá dự trữ đầy đủ các loại vaccine chữa bệnh cho heo, bảo quản thuốc tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải khắc phục như chưa thực hiện tốt các công đoạn thực hành an toàn chăn nuôi theo quy trình Vietgap, vệ sinh khu vực trang trại chưa bảo đảm … (Pháp luật TPHCM ngày 13/12; Thanh niên, trang 7).