Nâng mức độ cảnh báo dịch Zika
Ngày 31-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động thực hiện giám sát trọng điểm tại 62 bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch. Bên cạnh việc giám sát tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, giám sát tại bệnh viện, các Trung tâm Y tế (TTYT) và các trạm y tế của thành phố cũng đã tích cực giám sát tại cộng đồng các trường hợp đi từ nước ngoài, từ vùng dịch về Hà Nội có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Kết quả hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội chưa phát hiện người nhập cảnh từ các nước đang có dịch về Hà Nội nghi nhiễm vius Zika tại Hà Nội. Thời gian qua, Hà Nội cũng gửi 6 mẫu bệnh phẩm máu có kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue âm tính về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm tìm virus Zika, kết quả xét nghiệm đều âm tính.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội cho biết, chủ động đáp ứng phòng chống dịch, Hà Nội luôn duy trì hoạt động của 65 đội chống dịch cơ động. Tại TTYT Dự phòng Hà Nội, phòng xét nghiệm đã nhận chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm xác định virus Zika từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Hiện nay, phòng xét nghiệm này đủ khả năng xét nghiệm khoảng 500 mẫu chẩn đoán xác định bệnh do virus Zika bằng phương pháp sinh học phân tử.
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Bộ Y tế đã nâng mức độ cảnh báo dịch bệnh do virus zika lên cấp độ 2 (mức độ cảnh báo khi đã có trường hợp bệnh). Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước cũng như quốc tế, cộng thêm dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp nên nguy cơ xâm nhập và lây lan dịch zika tại cộng đồng rất cao. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu nâng mức độ cảnh báo phòng chống dịch bệnh do virus zika lên cấp độ 2 và chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế Thủ đô thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch theo tình huống đã xuất hiện các ca bệnh nhiễm virus Zika tại Hà Nội.
Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 9-4 tới, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết”. Tại buổi lễ này, UBND các quận, huyện của thành phố sẽ ký cam kết với Sở Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Sau lễ phát động, chiến dịch được triển khai đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã và tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các xã, phường trọng điểm nguy cơ cao về sốt xuất huyết.( An ninh thủ đô trang 4, Thanh niên trang 5)
Cùng chủ đề bài viết có các tin, bài sau:
*Công an nhân dân (trang 7) 1/4: 2 kết quả xét nghiệm virus Zika ở Khánh Hòa trái ngược nhau: Bộ Y tế khẳng định chưa có người nhiễm Zika ở Việt Nam
Hai học sinh nhập viện sau khi tiêm vắc xin tại trường
Nằm trong kế hoạch của tỉnh, nhà trường tổ chức tiêm vắc xin sởi – rubella, sau khi tiêm có 2 học sinh trường buồn nôn, chóng mặt, khó thở và phải nhập viện.
Theo đó, sáng ngày 31/3, học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) được tiêm vắc xin sởi – rubella. Khoảng 30 phút sau khi tiêm, em Phan Thị Linh và Phạm Thị Hà, học sinh lớp 12B4 có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, khó thở… đã được đưa tới Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu.
Đến 12h30 cùng ngày, tại khoa cấp cứu chống độc, trong khi em Hà mệt đã ngủ thì em Phan Thị Linh khóc, người nhà liên tục phải động viên học sinh này.
Trao đổi với báo chí, thầy Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết, việc tiêm vắc xin sởi – rubella theo kế hoạch của tỉnh. Trường có hơn 600 học sinh, bắt đầu tiêm từ ngày 30/3.
“Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 400 học sinh được tiêm nhưng chỉ có 2 học sinh trên có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn đã được đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do tâm lý 2 học sinh này không được ổn định, buổi chiều sẽ tiêm cho 200 học sinh còn lại” Thầy Hải cho biết thêm.( Tiền phong trang 6, Nông thôn ngày nay trang 5)
Thu hồi lô thuốc Cefpodoxim
Cục Quản lý Dược vùa đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô thuốc viên nang cứng Cadicefpo 200 (Cefpodoxime 200mg) do Công ty TNHH US Pharma USA sản xuất.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt vừa ký công văn số 3454/QLD-CL của Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô thuốc viên nang cứng Cadicefpo 200 (Cefpodoxime 200mg); số lô: 080915, NSX: 09/10/2015, HD: 09/10/2018, SĐK: VD-13350-10 do Công ty TNHH US Pharma USA sản xuất.
Trước đó, Cục Quản lý Dược nhận được báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cho biết, qua kiểm nghiệm mẫu thuốc viên nang cứng Cadicefpo 200 (Cefpodoxime 200mg); số lô: 080915, NSX: 09/10/2015, HD: 09/10/2018, SĐK: VD-13350-10 do Công ty TNHH US Pharma USA sản xuất lấy tại nhà thuốc số 1- Công ty TNHH Dược phẩm Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Cục Quản lý Dược yêu cầu công ty TNHH US Pharma USA phối hợp với nhà phân phối khẩn trương gửi thông báo thu hồi này đến các cơ sở bán buôn, bán lẻ , sử dụng lô thuốc này và báo cáo về Cục trước ngày 4/4/2016.
Thuốc viên nang cứng Cefpodoxim được dùng dưới dạng uống để điều trị các bệnh từ nhẹ đến trung bình ở đường hô hấp dưới, kể cả viêm phổi cấp tính mắc phải ở cộng đồng.(Tiền phong trang 6)
Dùng tế bào gốc mô mỡ tự thân phục hồi sụn khớp
Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng thành công phương pháp dùng tế bào gốc mô mỡ tự thân tiêm tại chỗ, giúp phục hồi sụn khớp. PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ xương khớp cho biết, đây là phương pháp điều trị bảo tồn, tế bào gốc của chính bệnh nhân được phân tách từ mô mỡ, sau đó được kích hoạt và tiêm vào ổ khớp. Phương pháp này giải quyết tận gốc tổn thương sụn khớp vốn là nguyên nhân gây thoái hóa khớp.( Tiền phong trang 6)
Có thẻ BHYT vẫn phải tự chi trả nhiều khoản
Tại hội thảo tư vấn xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 31-3, bà Kari Hurt - đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam có tới hơn 17.000 hạng mục dịch vụ kỹ thuật đang được triển khai tại các tuyến y tế.
Tuy phạm vi rộng nhưng gói BHYT vẫn chưa bao quát được hết mọi dịch vụ cần thiết cho người có thẻ BHYT, có những mục bị trùng, không tương ứng với hệ thống áp mã dịch vụ, thủ thuật, phân nhóm thuốc quốc tế.
Vì vậy, người có thẻ BHYT vẫn phải tự chi trả cho nhiều dịch vụ. Theo Bộ Y tế, 76% dân số nước ta đã tham gia BHYT. Việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản nằm trong chiến lược bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tạo thuận lợi cho việc thực hiện BHYT toàn dân.( An ninh thủ đô trang 4)
Phát hiện ổ ấu trùng sán heo trong não nam sinh
Ngày 31.3, ông Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết BV đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân A Lý Hùng (16 tuổi, ngụ TT Đăk Tô, Kon Tum) nhập viện trong tình trạng cở thể xanh xao, đau đầu dữ dội. Bác sĩ phát hiện có khối lạ choán chỗ trong não sau khi chụp MRI. Ngày 24.3, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, phát hiện khối này là tổ nhiều nang kén sán dải heo đường kính khoảng 5 cm có vỏ bao dày. Cũng theo các bác sĩ, nếu không mổ kịp thời, bệnh nahan có thể bị những biến chứng nguy hiểm… Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang được theo dõi.( Thanh niên trang 5)
Mô hình Bác sĩ gia đình Chăm sóc sức khỏe toàn diện
Qua 3 năm triển khai mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ), ngành y tế TPHCM đã gặt hái được một số thành công nhất định. Không chỉ mạng lưới y tế xuyên suốt xuống tận cơ sở mà người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện hơn. Đến nay, BSGĐ đã được triển khai tại các bệnh viện quận, huyện và cả các trạm y tế xã, phường.
Theo dõi sức khỏe suốt đời
Dù thí điểm triển khai sau các bệnh viện (BV) bạn, nhưng Phòng khám BSGĐ của BV Quận 2 TPHCM đã trở thành “điểm hẹn” của không ít bệnh nhân trên địa bàn. Mới 9 giờ sáng ngày đầu tuần nhưng khu khám bệnh BSGĐ của BV đã vơi dần bệnh nhân.
Cụ Nguyễn Ngọc Châu (67 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) nói: “Tôi đến từ 7 giờ, vừa xong các xét nghiệm máu, nước tiểu rồi. Giờ đợi bác sĩ xem lại kết quả, lấy thuốc là về”. Đã khám bệnh diện BHYT tại BV Quận 2 nhiều năm, với bệnh cao huyết áp, tiểu đường nhưng theo cụ Châu thì khoảng 2 năm trở lại đây mới “dễ thở”, nhờ có phòng khám BSGĐ mà rút ngắn được thời gian chờ đợi, bác sĩ tư vấn tận tình và nếu cần có thể liên lạc với chính bác sĩ đã theo dõi bệnh của mình. “Có hôm mệt quá không đi nổi. Gọi lên phòng khám thì có bác sĩ xuống thăm khám, đo huyết áp rồi kê đơn thuốc luôn. Thiệt đỡ khổ”, cụ Châu cho biết.
Tại BV quận Gò Vấp TPHCM, từ năm 2013 đã đưa vào hoạt động Phòng khám BSGĐ giúp người bệnh tránh được tình trạng chờ đợi, được chăm sóc toàn diện. Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc BV quận Gò Vấp cho biết, ban đầu Phòng khám BSGĐ có 2 bàn khám với khoảng 10 bác sĩ làm việc trong giờ hành chính, nhưng nay đã phải kê thêm 2 bàn nữa vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu.
Ghi nhận tại các phòng khám BSGĐ cho thấy, phần lớn các bệnh lý được khám, tầm soát thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày, viêm gan... Lãnh đạo một BV cho biết, người bệnh thường mắc các bệnh mạn tính được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe liên tục. Trong những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý cần được điều trị chuyên sâu, BSGĐ sẽ hướng dẫn và giới thiệu bệnh nhân đi đúng tuyến, tránh trường hợp bệnh một đường, đi khám một nẻo. Sau khi khám, hồ sơ bệnh nhân sẽ được lưu trên bệnh án điện tử, giúp tiết kiệm thời gian cho những lần khám sau. Người bệnh khám và điều trị bởi BSGĐ dù phải trả chi phí cao hơn so với khám dịch vụ thông thường, song vẫn được tính BHYT…
Theo TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, y học gia đình là y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe thông thường cho mọi lứa tuổi tại các phòng khám BSGĐ. “Vấn đề quan trọng là BSGĐ không chỉ tiếp cận người bị bệnh mà cả những người chưa phát bệnh trong gia đình, để giúp họ dự phòng, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”, TS Hiệp nhìn nhận.
Kéo bệnh nhân về cơ sở
BS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, người đặt nền móng cho mô hình BSGĐ tại TPHCM, cũng nhìn nhận, phòng khám BSGĐ là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, theo dõi sức khỏe của người dân ban đầu để sàng lọc và chữa các bệnh thông thường, trong trường hợp bệnh nặng cần chuyên môn thì BSGĐ mới chuyển lên tuyến trên để xử lý.
“Với cách làm này, các BV sẽ không bị quá tải do tiếp nhận hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh thông thường, cũng tới chầu chực chờ khám”, BS Nguyễn Thế Dũng nói. “BSGĐ ở trạm y tế sẽ là vệ tinh cho BV quận, huyện và bệnh nhân sẽ được chăm sóc ngay tại địa bàn phường, nếu cần chuyển lên tuyến trên thì chính bác sĩ trạm y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn đúng tuyến, đúng bệnh chứ không phải “chạy loạn xạ” như hiện nay”, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, mô hình BSGĐ của Việt Nam đi sau thế giới cả nửa thế kỷ, nhưng dù muộn vẫn còn hơn. BSGĐ là người vừa có chức năng dự phòng, vừa có chức năng điều trị. Mặc dù “đi sau” nhưng mô hình BSGĐ vẫn luôn là xu thế của thế giới, bởi tính đúng đắn, hiệu quả, nhắm đến nhiều mục tiêu cùng lúc.
Từ năm 2012, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2012 - 2016 ở 7 tỉnh và TP gồm: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang với mục tiêu có tối thiểu 50% BV tuyến trung ương, 100% số cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị trấn và 10% phòng khám đa khoa tư nhân tham gia triển khai mô hình phòng khám BSGĐ.
“Đến nay cả nước đã thành lập được hàng trăm phòng khám BSGĐ và được đánh giá mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải BV”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết.
Để phát triển mô hình BSGĐ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kế hoạch đến năm 2017, 100% các trường đại học y có đào tạo bác sĩ đa khoa; thành lập, kiện toàn bộ môn hoặc khoa y học gia đình, có phòng khám BSGĐ. Đồng thời sẽ kiện toàn mô hình tổ chức, quy mô, nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ để phấn đấu đến 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám BSGĐ.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích, cho phép BSGĐ chuyển tuyến khắp nơi; phòng khám BSGĐ được ký hợp đồng thanh toán BHYT… “Kế hoạch và lộ trình đã có nhưng cần thêm các giải pháp, hành động và sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền các địa phương từ tỉnh, thành phố đến xã, phường…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị.( Sài gòn giải phóng trang 1)
20 công ty vi phạm an toàn thực phẩm bị xử phạt hơn 480 triệu đồng
Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong quý I/2016, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 480,4 triệu đồng.
Trong đó, 13 công ty vi phạm về quảng cáo, 6 công ty vi phạm về chất lượng sản phẩm, 1 công ty vi phạm 2 hành vi (quảng cáo và ghi nhãn).
Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thu hồi 4 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 6 lô sản phẩm vi phạm.
Danh sách 7 công ty bị xử phạt từ 20 - 200 triệu đồng, bao gồm: Công ty TNHH FES (Việt Nam), địa chỉ tại số 11, đường số 8, KCN Việt Nam – Singapore, Thuận An, Bình Dương.
Công ty này đã vi phạm sản xuất, bán ra thị trường 2 lô sản phẩm thực phẩm Maccoffee café phố - Cà phê sữa đá (lô sản xuất ngày 9/12/2015 và 10/12/2015) không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật/quy định an toàn thực phẩm.( Hà Nội mới trang 5)
Hơn 80 thực phẩm chức năng bị tố “nhái hoạt chất”
Ngày 31-3, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang đã có cuộc làm việc với các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp dược, giải quyết tố cáo của doanh nghiệp về việc hơn 80 loại thực phẩm chức năng nhái hoạt chất và công dụng điều trị/hỗ trợ điều trị u xơ tử cung, phì đại lành tính tuyến tiền liệt có trong một số loại thuốc đã được đăng ký bản quyền tác giả.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Minh Đức (ĐH Y dược TP.HCM), trong số 84 mẫu thuốc và thực phẩm chức năng được gửi thử nghiệm, chỉ có 3 mẫu đạt tiêu chuẩn về hàm lượng hoạt chất, số còn lại chỉ thấy vết hoặc có hàm lượng ở mức thấp, thậm chí không tìm thấy hoạt chất.
“Kết quả thử nghiệm cho thấy chất lượng thực phẩm chức năng công bố có chứa hoạt chất hỗ trợ điều trị u xơ tử cung, phì đại tuyến tiền liệt là đáng báo động”- ông Đức cho biết.
“Kiểm tra cam thảo thì hàm lượng hoạt chất theo Dược điển VN phải là 6%, thì mẫu cam thảo lấy tại một bệnh viện tuyến T.Ư chỉ đạt hơn 1%, hay lấy mẫu sâm thì phát hiện họ đã tách chiết hết saponin trong đó. Rất lo ngại các thực phẩm chức năng có sử dụng nguyên liệu từ dược liệu”- GS Kỳ đánh giá.
Ông Lê Văn Giang nhận định khó khăn hiện mới có một số chất chuẩn như sâm, linh chi, cao bạch quả để xác định hàm lượng hoạt chất trong dược liệu, còn phần lớn chưa có chất chuẩn để định lượng hàm lượng hoạt chất. Trong khi đó quy định hiện hành chỉ yêu cầu kiểm tra định tính các hoạt chất mà nhà sản xuất công bố có trong thực phẩm chức năng.
Về việc hơn 80 sản phẩm thực phẩm chức năng đang bị tố là nhái và chất lượng kém, ông Giang cho biết sẽ sớm tổ chức lấy mẫu và chuyển kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư.
VN hiện có hơn 20.000 loại thực phẩm chức năng đã công bố tiêu chuẩn chất lượng, 60-65% là hàng sản xuất trong nước và tại các thành phố lớn, có đến 40-50% người trưởng thành cho biết từng sử dụng thực phẩm chức năng.( Tuổi trẻ trang 14)
VN phẫu thuật nội soi 2 ca truyền máu song thai
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 31-3, Giáo sư Yves Ville làm việc tại Bệnh viện Necker, Trường đại học Paris Decartes đã đốt laser loại bỏ các thông nối mạch máu cho hai thai phụ bị hội chứng truyền máu song thai tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Hai thai phụ được điều trị trong ngày (một ca 18 tuần tuổi, một ca 24 tuần tuổi), sẽ tiếp tục theo dõi định kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ…(Tuổi trẻ trang 14)
Cắt khối u hốc mắt
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Hồ Quốc, phó trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết một ngày sau phẫu thuật cắt u hốc mắt, anh N.H.N. đã tỉnh táo, nhưng mắt vẫn còn sưng nề nên chưa đánh giá được thị lực…(Tuổi trẻ trang 14)
Cứu sống 2 bệnh nhân bị trâu húc dập cơ tim, rách phổi
Chiều 31.3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa mổ cấp cứu thành công, cứu sống 2 bệnh nhân bị trâu húc bị dập cơ tim, rách phổi, gãy xương sườn.
Bệnh nhân Dương Kiều (42 tuổi, ngụ tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được chuyển vào Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh lúc 17 giờ 54 ngày 28.3 do bị trâu húc. Các bác sĩ chuẩn đoán bị đa chấn thương, rách ngực trái, rách màng tim, dập cơ tim, gãy 4 xương sườn, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân Kiều ngay sau đó được mổ cấp cứu, xử lý vết thương.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ 30 phút, các bác sĩ đã khâu thành công vết thương rách màng tim, mở cửa sổ màng tim, khâu cầm máu, cố định xương ức, cố định các xương sườn bị gãy, dẫn lưu màng phổi trái. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân Kiều hồi phục khá tốt.
Bệnh nhân Võ Đức Hiếu (36 tuổi, ngụ tại xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện lúc 18 giờ 10 ngày 29.3, cũng do bị trâu húc. Anh Hiếu nhập viện trong tình trạng bị thương nặng ở ngực trái; lóc da, dập nát cân cơ vùng ngực trái; gãy các xương sườn số 3, số 4 và dập, rách thùy trên phổi trái, dập tâm thất trái…, tiên lượng có nguy cơ tử vong cao.
Sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh phẫu thuật, mở cửa sổ màng tim, khâu vết thương thùy trên phổi trái, cố định các xương sườn bị gãy, cắt lọc khâu vết thương cơ da, dẫn lưu màng phổi trái, sức khỏe của bệnh nhân Hiếu qua cơn nguy kịch.
+Chiều 31.3, bác sĩ Trần Đức Dũng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh), cho biết sức khỏe của 2 bệnh nhân Kiều và Hiếu đang tiến triển rất tốt nhưng vẫn đang được các y, bác sĩ của bệnh viện theo dõi, điều trị, chăm sóc.( Thanh niên trang 5)