Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/2/2022

  • |
T5g.org.vn - Khẩn trương ban hành hướng dẫn phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi; Số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao, Việt Nam đã có 197 ca nhiễm biến thể Omicron; Đến lúc xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa thông thường?: Thận trọng hơn khi 'chuyển hạng'; TP.HCM đề xuất thí điểm thanh toán BHYT cho phòng khám bác sĩ gia đình…

 

Khẩn trương ban hành hướng dẫn phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 37/TB-VPCP (ngày 10-2- 2022) thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19, diễn ra ngày 8-2.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi. Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc Covid-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm Covid-19, hoặc quá tải.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế...

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao, Việt Nam đã có 197 ca nhiễm biến thể Omicron

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 26.379 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 26.372 ca tại 58 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, nước ta có thêm 5 ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 197 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 16 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).

Cụ thể, tính từ 16h ngày 12-2 đến 16h ngày 13-2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 26.379 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 26.372 ca ghi nhận trong nước (giảm 930 ca so với ngày trước đó). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Phú Yên (giảm 569 ca), Gia Lai (giảm 525 ca), Nghệ An (giảm 384 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (tăng 535 ca), Thái Nguyên (tăng 303 ca), Hải Dương (tăng 225 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 24.119 ca/ngày.

58 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh: Hà Nội (2.940), Hải Dương (1.906), Nam Định (1.894), Hải Phòng (1.483), Thái Nguyên (1.281), Nghệ An (1.166), Ninh Bình (1.099), Vĩnh Phúc (976), Hòa Bình (894), Bắc Ninh (850), Đà Nẵng (842), Thanh Hóa (788), Phú Thọ (778), Quảng Ninh (608), Quảng Nam (576), Bắc Giang (561), Đắk Lắk (535), Bình Định (519), Thái Bình (516), Hưng Yên (499), Quảng Bình (492), Lào Cai (474), Quảng Trị (470), Sơn La (415), Lâm Đồng (332), Đắk Nông (330), Yên Bái (282), Hà Nam (217), Bà Rịa - Vũng Tàu (213), Thừa Thiên - Huế (202), Quảng Ngãi (201), Tuyên Quang (190), Khánh Hòa (190), thành phố Hồ Chí Minh (182), Lạng Sơn (181), Hà Tĩnh (163), Cao Bằng (146), Điện Biên (124), Hà Giang (110), Cà Mau (97), Vĩnh Long (89), Bình Dương (86), Bắc Kạn (79), Lai Châu (73), Kiên Giang (61), Bạc Liêu (50), Bến Tre (43), Bình Thuận (32), Cần Thơ (26), Trà Vinh (21), Đồng Nai (21), Tây Ninh (19), Long An (14), Hậu Giang (11), Ninh Thuận (10), An Giang (10), Tiền Giang (3), Đồng Tháp (2).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.510.860 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.427 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.503.698 ca, trong đó có 2.223.937 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (515.851), Bình Dương (293.300), Hà Nội (168.514), Đồng Nai (100.063), Tây Ninh (88.749).

Về tình hình điều trị, có thêm 7.815 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.226.754 trường hợp. Ngoài ra, hiện có 2.610 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 1.943 ca thở ôxy qua mặt nạ, 301 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 81 ca thở máy không xâm lấn, 269 ca thở máy xâm lấn và 16 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 12-2 đến 17h30 ngày 13-2 ghi nhận 84 ca tử vong tại: Thành phố Hồ Chí Minh (3), Hà Nội (14), Đồng Nai (7), Đà Nẵng (6), Hải Phòng (6), Kiên Giang (6), An Giang (4), Bình Định (4), Vĩnh Long (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Bạc Liêu (3), Bắc Ninh (3), Bình Thuận (3), Hậu Giang (2), Phú Yên (2), Bến Tre (1), Cần Thơ (1), Đắk Nông (1), Đồng Tháp (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Long An (1), Phú Thọ (1), Quảng Bình (1), Quảng Nam (1), Thái Nguyên (1), Trà Vinh (1), Tuyên Quang (1). 

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 89 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.946 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN). (Hà Nội mới, trang 7).

 

Đến lúc xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa thông thường?: Thận trọng hơn khi 'chuyển hạng'

Cần thận trọng hơn trong nhìn nhận về đặc tính của COVID -19 cũng như “chuyển hạng” cho bệnh dịch này. Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN. PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định: “Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa nên đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A và coi nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường”. Theo ông Phu, để có thể đưa một bệnh truyền nhiễm ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc xin), tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội… Bởi trên thực tế hiện nay, nếu đưa Covid-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Covid-19 còn ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, theo tôi, vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường”, PGS Phu nêu quan điểm và cho hay, việc các quốc gia lựa chọn biện pháp ứng phó với Covid-19 không chỉ phụ thuộc vào vấn đề y tế mà còn có nhiều yếu tố khác như kinh tế, an sinh, xã hội.

“Cần đánh giá giữa lợi ích và rủi ro; y tế chỉ là một phần trong đó. Một số quốc gia có thể vì áp lực kinh tế nên tiến hành “nới lỏng” và mở cửa. Tuy nhiên, các quốc gia khác đặt vấn đề phòng chống dịch bệnh lên cao hơn thì vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ”, PGS Phu phân tích.

Ông Phu cũng đánh giá VN đã có sự thay đổi lớn từ chiến lược zero Covid sang thích ứng Covid. Do đó, có thể thấy trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trong lộ trình “nới lỏng” dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đảm bảo cho yêu cầu chống dịch và ổn định kinh tế.

Khi nào có thể xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường? Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, phải đến khi Covid-19 không còn nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế; tỷ lệ tử vong do Covid-19 được khống chế việc tác động ở ngưỡng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác, thì có thể cân nhắc xem như bệnh truyền nhiễm thông thường. Lúc này, chúng ta có thể thay đổi các giải pháp trong chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả”.

“Ví dụ như lúc đó, có thể không tiến hành các biện pháp xét nghiệm giám sát tất cả các trường hợp nghi nhiễm như hiện nay mà chỉ giám sát trọng điểm hoặc xét nghiệm ca bệnh phục vụ cho điều trị, không thực hiện cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt áp dụng cách phong tỏa như hiện nay…”, ông Phu nói.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, theo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A/H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Hiện tại, Covid-19 vẫn đang trong danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Châu Âu dần mở cửa

Các nước châu Âu đang lần lượt dỡ bỏ biện pháp chống Covid-19 và quay về cuộc sống bình thường nhờ độ phủ vắc xin cao và sự xuất hiện của biến thể Omicron có độc lực thấp hơn những biến thể khác. Theo Reuters, ngày 1.2 Đan Mạch trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên chấm dứt toàn bộ biện pháp hạn chế, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, dù số ca nhiễm mới tại đây đang tăng lên.

Covid-19 cũng không còn được xem là bệnh nghiêm trọng ở Đan Mạch. Đất nước này đã tiêm 2 liều vắc xin cho 80% người từ 5 tuổi trở lên và hơn 60% dân số Đan Mạch đã được tiêm liều thứ ba. Hành khách đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 có thể nhập cảnh bình thường ở Đan Mạch.

Sau Đan Mạch, nước láng giềng Thụy Điển từ ngày 9.2 cũng bỏ hầu hết các biện pháp chống dịch và gần như ngừng xét nghiệm. Thụy Điển cũng sẽ xem Covid-19 là bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng nhờ đã tiêm ít nhất 2 liều cho gần 84% người từ 12 tuổi trở lên. 53% người từ 18 tuổi trở lên ở Thụy Điển cũng đã được tiêm liều thứ ba. Hiện Thụy Điển vẫn chưa cho phép hành khách từ nước ngoài nhập cảnh, trừ trường hợp khẩn cấp, cho đến ngày 31.3.

Riêng người từ các nước nằm trong Khối Schengen có thể vào Thụy Điển mà không cần trình bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc tiêm vắc xin hay đã khỏi bệnh. Ngày 12.2, Na Uy trở thành đất nước tiếp theo dỡ bỏ phần lớn biện pháp hạn chế. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là mối đe dọa đối với đất nước. Theo đó, người dân Na Uy không cần phải đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội. Bệnh nhân Covid-19 cũng không còn phải cách ly mà được khuyến nghị ở nhà trong 4 ngày.

Hiện 91,1% người từ 18 tuổi trở lên ở Na Uy đã tiêm 2 mũi vắc xin. Từ ngày 12.2, hành khách từ mọi nước có thể đến Na Uy mà không cần phải cách ly hay chứng minh mình đã tiêm vắc xin, xét nghiệm hoặc khỏi bệnh. Ngoài ra, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan cùng nhiều nước khác đang chuẩn bị hoặc đã có kế hoạch mở cửa trở lại trong những tuần tới. (Thanh niên, trang 1).

 

TP.HCM đề xuất thí điểm thanh toán BHYT cho phòng khám bác sĩ gia đình

Ngày 13.2, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM và Sở TT-TT tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Y tế cơ sở - sức khỏe cộng đồng”.

Nhiều ý kiến cử tri nêu hàng loạt bất cập của hệ thống y tế cơ sở, quá tải của các trạm y tế… lộ rõ trong đại dịch Covid-19, đồng thời đề xuất chính quyền TP.HCM sớm có các giải pháp nâng cao chất lượng của y tế cơ sở để đáp ứng trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị UBND TP.HCM xây dựng các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, thu hút người dân đến khám chữa bệnh (KCB) ban đầu và thụ hưởng các dịch vụ. TP.HCM cần bố trí nhân lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân theo quy mô dân số ở các đơn vị hành chính; xây dựng các chính sách đãi ngộ phù hợp để tạo động lực mới cho nhân viên y tế về công tác ở tuyến cơ sở; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đúng với chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở; khai thác hiệu quả trang thiết bị, máy móc đã được đầu tư trước đó. Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị tháo gỡ những bất cập trong KCB bằng BHYT, cải thiện danh mục thuốc, công KCB ban đầu ở trạm y tế, cấp chứng chỉ hành nghề và thi thăng hạng cho nhân viên y tế cơ sở.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế phường xã, thị trấn, trong đó tập trung nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách để thu hút bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại các trạm y tế; phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình. UBND TP.HCM cũng sẽ đề xuất BHXH VN và Bộ Y tế cho phép thí điểm thanh toán BHYT ở các phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà, cũng như tăng cường thêm các loại thuốc dành cho bệnh mãn tính về trạm y tế để giảm áp lực cho y tế tuyến trên.

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ đề án củng cố hệ thống y tế cơ sở để trình HĐND TP.HCM thông qua, ông Đức cũng cho biết sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các phần mềm tại các trạm y tế, đảm bảo liên thông với các tuyến trên. Mặt khác, TP.HCM sẽ nghiên cứu mô hình hoạt động trạm y tế theo hình thức công tư để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất; từng bước chuyển trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế về UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Thông tin về nguồn vốn đầu tư cho y tế cơ sở, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Trần Anh Tuấn cho biết căn cứ nhu cầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM ưu tiên ghi vốn đầu tư cho 79 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 10.700 tỉ đồng; riêng năm 2022 ưu tiên bố trí vốn cho 60 dự án với kinh phí 5.042 tỉ đồng. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã đề xuất T.Ư dành thêm nguồn vốn đầu tư từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho 178 dự án lĩnh vực y tế với kinh phí hơn 6.500 tỉ đồng. Cụ thể, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 16 trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức và 152 trạm y tế phường, xã, thị trấn. (Thanh niên, trang 5).

 

TPHCM thu hút bác sĩ về y tế cơ sở

Ngày 13-2, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời, chủ đề về y tế cơ sở - sức khỏe cộng đồng. 

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Quá tải và thiếu hụt nhân lực

Trả lời câu hỏi của cử tri Phạm Quang Lâm (phường Đa Kao, quận 1) về thực trạng hoạt động của y tế cơ sở, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng đánh giá, đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự quá tải của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát, y tế cơ sở dần trở lại các chức năng thường quy như trước đây. Tuy nhiên, khối lượng công việc của các trạm y tế vẫn rất lớn, thậm chí là khổng lồ; trong đó, phải đảm đương 19 chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, sức khỏe người cao tuổi, rồi các chương trình đặc thù về phòng chống lao, HIV/AIDS…

Với khối lượng công việc lớn trong khi biên chế còn hạn hẹp, nhân viên y tế cơ sở phải cố gắng chia sẻ, chia nhau tăng ca, thậm chí một người đảm đương nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ. Sự quá tải cũng là điểm yếu của hệ thống y tế cơ sở, do vậy cần được quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực và có chính sách đặc thù để y tế cơ sở đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

 Cử tri Nguyễn Vũ Trường An (Trưởng Trạm y tế phường Tân Quy, quận 7) nêu tình trạng tuyến y tế cơ sở đã chịu áp lực không hề nhỏ vì thiếu nhân sự và đề nghị có giải pháp thu hút nhân lực cũng như chế độ đãi ngộ tốt hơn cho y tế cơ sở.

Về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lâm Hùng Tấn đánh giá, hiện nay mỗi trạm y tế chỉ 5-10 nhân viên y tế, không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Với số lượng nhân viên như thế, chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã, thị trấn có từ 6.000-20.000 dân. Tuy nhiên, TPHCM có số lượng dân số rất đông, hầu hết các phường có trên 50.000 dân, thậm chí có phường, xã trên 100.000 dân nên trạm y tế khó có thể đảm đương các nhiệm vụ. Do đó, TPHCM đã đề xuất Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan giải pháp theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên/20.000 dân và cứ thêm 2.000-3.000 dân thì tăng thêm 1 nhân viên y tế nhằm đảm bảo phù hợp với quy mô, mật độ và cơ cấu dân số các địa bàn có đông dân cư.

Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục duy trì mô hình y tế lưu động. Thành phố cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực y tế từ tuyến trên về công tác tại tuyến cơ sở và thu hút nguồn lực y tế cộng đồng tham gia vào y tế cơ sở.

Dân chưa mặn mà khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế

Liên quan đến việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại trạm y tế, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay có 178 trạm y tế (chiếm 60% số trạm y tế) triển khai khám chữa bệnh BHYT. Số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế chỉ hơn 9.000 thẻ trong tổng số hơn 8,2 triệu thẻ BHYT tại TPHCM (chiếm 0,11%). Số lượng đi khám chữa bệnh năm 2021 tại trạm y tế cũng chỉ 114.000 lượt trong tổng số 12 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (chiếm 0,9%).

Sở dĩ người dân chưa quan tâm đi khám chữa bệnh ở trạm y tế là bởi đặc điểm TPHCM có mạng lưới các bệnh viện đa khoa hạng 1, hạng 2 chất lượng và dày đặc, nên người dân đến thẳng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhiều hơn. Hơn nữa, các bác sĩ ở các trạm y tế đang rất thiếu; danh mục về thuốc cấp cho người dân cũng giới hạn.

Trước nhiều đề xuất của cử tri về việc tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế, giúp người có bệnh mạn tính có thể ghé trạm y tế tái khám và nhận thuốc, không phải đi tới bệnh viện xa xôi, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng nêu các giải pháp của ngành y tế. 

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, trong chương trình nâng cao năng lực trạm y tế cơ sở, có vấn đề nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao khám chữa bệnh và chăm sóc người cao tuổi, người có bệnh mạn tính ổn định có thể thăm khám và lãnh thuốc tại trạm y tế. Hiện nay, do danh mục thuốc tại trạm y tế còn hạn chế nên tới đây, cần mở rộng danh mục để người dân khám chữa bệnh ở tuyến 2, tuyến 3 có thể tái khám, lãnh thuốc tại trạm. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại trạm y tế, Sở Y tế TPHCM có kế hoạch tăng cường mở rộng phòng khám đa khoa vệ tinh tại các trạm y tế.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, nếu làm được điều này, thì danh mục thuốc tại trạm y tế được thanh Qũy BHYT thanh toán sẽ được mở rộng và người dân có bệnh mạn tính ổn định có thể tái khám, lãnh thuốc tại trạm y tế.

Đồng thời, sẽ tăng cường số trạm y tế, có thể xem xét tăng số trạm y tế trên mật độ dân cư và diện tích, vị trí địa lý.

Ngành y tế cũng tăng cường nguồn nhân lực, ngoài tăng về biên chế, sẽ mở rộng chế độ chính sách như hợp đồng có thời hạn với nhân viên y tế có tay nghề chuyên môn cao đã nghỉ hưu đến làm việc tại trạm y tế. Có thể luân phiên bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao từ bệnh viện tuyến trên về công tác tại trạm y tế và ngược lại, luân phiên bác sĩ ở trạm y tế tới các bệnh viện tuyến trên để bồi dưỡng, đào tạo các chương trình bổ sung.

Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết, Sở Y tế đã trình UBND TPHCM chương trình thí điểm cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới ra trường thực hành tại bệnh viện đa khoa kết hợp với trạm y tế. Chương trình thí điểm này là chìa khóa giúp tăng nhân lực cho trạm y tế trong thời gian tới.

Đặc biệt, Sở Y tế có phần mềm tăng kết nối trạm y tế với các bệnh viện. Khi khám chữa bệnh có các vấn đề cần hội chẩn thì trạm y tế có thể kết nối và trao đổi trực tiếp với chuyên gia ở bệnh viện tuyến cuối để tư vấn khám chữa bệnh. “Điều này rất quan trọng, giúp tăng chuyên môn và tăng niềm tin của người dân đối với trạm y tế, tăng thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế”, ông Nguyễn Anh Dũng nhìn nhận.

Nhân viên y tế tham gia y tế cơ sở có quyền lợi gì?

Trả lời câu hỏi của cử tri “nhân viên y tế tham gia y tế cơ sở có quyền lợi gì, được phát triển nghề nghiệp ra sao, có được ưu tiên chuyển công tác lên tuyến trên hay không?”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng báo tin mừng là Bộ Y tế đang dự thảo chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và học sau đại học cho người làm ở y tế cơ sở. Kế tiếp, sẽ có kế hoạch ưu tiên người công tác ở y tế cơ sở được luân phiên, chuyển giao học tập và đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên.

Về thu nhập, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, đây cũng là vấn đề đang kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét làm sao chế độ, chính sách ở y tế cơ sở có thể thu ngắn được chênh lệch giữ y tế cơ sở và y tế tuyến trên.

Một vấn đề có nhiều ưu tư và đang được kiến nghị là cho phép bác sĩ ở cơ sở được sử dụng chứng chỉ hành nghề chuyên ngành để thực hiện khám chữa bệnh ngoài giờ theo chuyên khoa của chứng chỉ hành nghề. Điều này giúp động viên và góp phần tăng thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lâm Hùng Tấn cho biết, hiện nay TPHCM đang thực hiện hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở với mức từ 300.000-900.000 đồng/người/tháng tùy trình độ và công việc.

Ông Lâm Hùng Tấn đánh giá, mức hỗ trợ thêm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giữ chân và đãi ngộ với đội ngũ y tế cơ sở. Hiện nay, TPHCM đang đề xuất HĐND TPHCM áp dụng hệ số thu nhập tăng thêm đối với nhân viên y tế công tác tại tuyến cơ sở với mức tối đa 1,8 lần mức lương và phụ cấp hiện hưởng. Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho y tế cơ sở.

Trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Sỹ Thắng (phường 17, quận Gò Vấp), về thực trạng TPHCM còn bao nhiêu trung tâm y tế, trạm y tế cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn khẳng định, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế là vấn đề cấp bách, được ưu tiên đầu tư. Nhu cầu vốn xây mới, cải tạo, nâng cấp của ngành y tế trong giai đoạn 2021-2025 là 10.700 tỷ đồng với 79 dự án và đã được HĐND TPHCM thông qua.

Riêng năm 2022, có 60 dự án được bố trí vốn với tổng mức là 5.042 tỷ đồng. Cùng với đó, TPHCM đề xuất với Trung ương dành thêm nguồn vốn từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế cho 178 dự án với quy mô trên 6.500 tỷ đồng. Trong đó, cải tạo, nâng cấp, xây mới 16 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và TP Thủ Đức với nhu cầu vốn 206 tỷ đồng; 152 trạm y tế phường xã với nhu cầu vốn 569 tỷ đồng.

Sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, UBND TPHCM sẽ sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn để trình HĐND TPHCM xem xét thông qua. Trong đó tập trung các yếu tố như: mạng lưới tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực; các cơ chế chính sách thu hút bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại các trạm y tế, y phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình.

TPHCM cũng đề xuất BHXH, Bộ Y tế cho phép thành phố triển khai thí điểm cơ chế thanh toán BHYT đối với phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà, tăng cường các loại thuốc bệnh mạn tính cho các trạm y tế để giảm áp lực khám BHYT tại các bệnh viện tuyến trên.

Đồng thời, trình HĐND TPHCM xem xét, thông qua cơ chế, chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, UBND TPHCM cũng sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các phần mềm quản lý dữ liệu ngành y tế, quản lý hồ sơ bệnh án tại các trạm y tế và đảm bảo liên thông tuyến trên để từng bước phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình. Thành phố chú trọng nghiên cứu mô hình hoạt động trạm y tế theo các hình thức công – tư nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất.

UBND TPHCM cũng sẽ sớm thực hiện các bước quy trình sớm nhất có thể việc chuyển các trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế về quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý.

Điều hành chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị chính quyền thành phố cần xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu và thụ hưởng các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại y tế cơ sở.

Đồng chí nhấn mạnh, phải xây dựng các giải pháp bền vững để tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực phù hợp cho tuyến y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân trong điều kiện bình thường mới so với số dân hiện có tại các đơn vị hành chính. Cùng với đó, phải xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm tạo động lực mới cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở và thu hút nhân viên y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở; có chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cũng lưu ý, phải có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các bất cập khi khám bệnh BHYT; cải thiện danh mục thuốc trong khám chữa bệnh ban đầu; vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề và thi thăng hạng cho đội ngũ y tế cơ sở… (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tiền phong, trang 4; Tuổi trẻ, trang 4).

 

F0 tăng nhanh, thuốc điều trị COVID-19 rao bán tràn lan

Tuần đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại các tỉnh miền Trung, trong đó đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh, ghi nhận số lượng F0 tăng vọt với hàng nghìn trường hợp trong cộng đồng. Ngành Y tế có dấu hiệu quá tải khiến người dân nháo nhào mua các loại thuốc đặc trị, điều trị COVID -19 được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, dù không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 F0 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Ngày 12/2, tại một số phường, xã vùng đỏ là Vinh Tân, Hưng Bình, Lê Mao, Trường Thi… UBND thành phố Vinh (Nghệ An) đã cho dừng các hoạt động không thiết yếu để chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh, các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: cắt tóc, gội đầu, làm đẹp, mát xa, vũ trường, kararaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rạp chiếu phim, các hoạt động thể dục thể thao. Các nhà hàng quán ăn, chỉ được phép bán mang về trừ nhà hàng thuộc cơ sở lưu trú. Tại các địa phương này, các cơ quan, công sở chỉ làm việc với 50% quân số, tăng cường làm việc trực tuyến.

Trước đó, vào ngày 8/2, trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp trên địa bàn thành phố, nhiều ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, UBND thành phố Vinh cũng đã cho tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông người những ngày đầu năm mới. Động thái này được đưa ra sau khi ghi nhận, trên địa bàn tỉnh này số lượng F0 tăng kỷ lục sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ tính riêng trong buổi sáng ngày 13/2, toàn tỉnh ghi nhận 1.166 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 286 ca cộng đồng. 1 tuần sau Tết, tính từ ngày 6/2 đến sáng ngày 13/2, trên địa bàn Nghệ An ghi nhận 15.380 trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3.330 ca cộng đồng.

Theo đánh giá của CDC Nghệ An, hiện nay dịch COVID-19 đã lây lan hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, có nhiều ổ dịch phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, với số F0 lên đến hàng trăm chỉ trong thời gian ngắn. Hiện nay, tại Nghệ An mỗi ngày trung bình số F0 ghi nhận đã vượt 2.000 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, số người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn rất lớn.

Trong khi đó, ở địa phương lân cận là tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày sau Tết Nguyên đán đến nay cũng ghi nhận số lượng F0 tăng cao kỷ lục. Tính từ ngày 6/2 đến ngày 12/2, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.782 người nhiễm COVID-19 mới, trong đó có tới 1.183 ca cộng đồng. Sau kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch bệnh ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi có 8 xã, phường, thị trấn có mức độ nguy cơ cấp 3 và cấp 4.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, thì nguyên nhân số ca bệnh tăng cao sau kỳ nghỉ có nhiều người hồi hương và nhiều hoạt động giao lưu, thăm hỏi, lễ lạt diễn ra, điều này đã nằm trong dự tính của ngành y tế từ trước. Hiện nay, Hà Tĩnh đang hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai để “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” theo Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/1/2022 của Bộ Y tế. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành thực hiện test nhanh kháng nguyên cho hơn 40.000 người để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.

Vấn đề này, đại diện Sở Y tế Nghệ An cho rằng, ngoài yếu tố lượng người về từ các vùng dịch lớn, thì một bộ phận không nhỏ người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, tín hiệu mừng là dù ca nhiễm mới tăng cao nhưng tỉ lệ triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng chiếm số lượng lớn, số ca nhập viện ít, phần lớn bệnh nhân điều trị và theo dõi tại các cơ sở thu dung và tại nhà.

Ma trận thuốc điều trị, đặc trị COVID-19

Trước thực trạng số người nhiễm COVID-19 tăng cao sau kỳ nghỉ Tết, ngành Y tế có dấu hiệu quá tải và cho F0 điều trị tại nhà, không ít người đã rất hoang mang khi không được chăm sóc, tư vấn kịp thời. Trong bối cảnh đó, để tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, nhiều người đã nháo nhào tìm mua Kit xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19. Nắm bắt được nhu cầu này, không ít người đã lên mạng xã hội rao bán các sản phẩm nói trên, với các mệnh giá khác nhau. Điều đáng nói, những mặt hàng được tiếp thị qua mạng xã hội, được giới thiệu là “hàng xách tay”, có người từ nước ngoài mang về, nằm ngoài danh mục cho phép được lưu hành của Bộ Y tế, nhưng vẫn được mua bán công khai.

Cụ thể, tại nhiều facebook cá nhân, đã đăng bán công khai các loại thuốc điều trị COVID-19, hàng xác tay từ Nga, Ấn Độ hoặc Pháp với đầy đủ các dạng và dùng cho mọi lứa tuổi, có cả thuốc điều trị cho trẻ em. Trong đó, thuốc Molnupiravir 400mg được bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên, thuốc Molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang, thuốc Arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 350.000 đồng/hộp 10 viên, Molnupiravir 200mg giá 3 triệu đồng, Favipiravir và Remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng… Nhiều người bị F0, dù biết những loại thuốc này chưa được phép lưu hành, nhưng vì tin vào “sản phẩm xách tay từ châu Âu” nên đã bỏ tiền triệu ra để mua về uống. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn mua cả thuốc dành cho trẻ em (dạng viên nén, pha nước hoặc siro) để tự điều trị cho con cái của mình.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Bác sĩ Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, theo Quyết định 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn và chuẩn đoán của điều trị COVID-19 thì hiện nay, Việt Nam chỉ mới đưa vào sử dụng 3 loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 là gồm Molnupiravir, Remdesivir và Favipiravir. Cái loại thuốc điều trị khác, được rao bán là bất hợp pháp, thậm chí có thể gây nguy hiểm, để lại di chứng khi chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Trước thực trạng rao bán thuốc điều trị tràn lan như hiện nay, ngày 11/2 Sở Y tế Nghệ An cũng đã có văn bản về việc không được kinh doanh thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế Nghệ An, Molnupiravir là thuốc đang thử nghiệm lâm sàng, chưa được cấp phép lưu hành, chỉ được dùng miễn phí cho các bệnh nhân COVID-19 tham gia chương trình nghiên cứu. Việc mua bán, sử dụng sai mục đích đối với thuốc Molnupiravir là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.

Để tránh hiện tượng sử dụng thuốc Molnupiravir sai mục đích tại Nghệ An, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An không được mua, bán thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Đối với các trường hợp vẫn cố tình vi phạm, sẽ xử lý nghiêm. Thông báo là vậy, nhưng khi phóng viên liên hệ với một số người rao bán trên facebook, sản phẩm này vẫn được chào mời với giá từ 2,5-3 triệu đồng cho loại vỉ 10 viên. (Công an nhân dân, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang