122 bệnh viện sẽ liên thông kết quả xét nghiệm y học |
Ngày 13-3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm y học. Thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 27-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025, cũng như thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ thì từ ngày 1-7-2017 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm y học đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; với bệnh viện hạng một và tương đương là trước ngày 1-1-2018. |
Hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu 122 bệnh viện trực thuộc bộ và bệnh viện hạng một và tương đương rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm y học. Để đạt mục tiêu đó, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học (Nhân dân, trang 1; An ninh thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 8).
Kỹ thuật huỳnh quang điều trị dị dạng mạch máu não
Ngày 13. 3, Bệnh viện Việt Đức thông báo, các bác sĩ khoa Phẫu thuật thần kinh II, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Dương Đức Tâm (35 tuổi, quê ở Quảng Bình) bị tắc động mạch cảnh não bên trái khiến mắt bị mờ bằng kỹ thuật huỳnh quang. Trước đó, bệnh nhân Tâm được chuyển từ Bệnh viện Mắt trung ương sang Bệnh viện Việt Đức do mắt trái bị mờ. Các bác sĩ đã dùng kỹ thuật huỳnh quang để phẫu thuật mạch máu não, “thông tắc”. (Tiền phong, trang 6).
Dừng các cơ sở nấu rượu không phép sau vụ 9 nam sinh ngộ độc
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định 20 hộ dân nấu rượu ở Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) đều không có giấy phép hoạt động và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.Trong khi đó tại huyện Thanh Oai, địa phương này đang tổng rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.
100% cơ sở nấu rượu không phép
Lần theo nguồn gốc sản xuất rượu chứa methanol mà Sở Y tế Hà Nội xác định sau vụ 9 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương nhập viện 5 ngày trước, ngày 13/3 phóng viên đã về những địa phương này để tìm hiểu.
Theo ghi nhận, từ đầu ngõ cụm 8, làng Thúy Hội xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), từng tốp từng tốp người dân địa phương xôn xao câu chuyện cơ sở rượu Bắc Hùng cung cấp rượu cho các đại lý, cửa hàng có thể dẫn tới việc hàng loạt sinh viên ngộ độc sau khi uống. Bà Thơm (người địa phương) cho biết, vài ngày gần đây liên tiếp có các đoàn kiểm tra các hộ dân nấu rượu. “Sau khi biết cơ quan chức năng xác định rượu Bắc Hùng liên quan tới vụ ngộ độc rượu, cả làng đều lo lắng, bất an vì từng sử dụng rượu ở đây. Mỗi khi đoàn công tác ra về, gia đình ông Hùng đều đóng cửa và ít ra ngoài”, bà Thơm nói.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 13/3, lãnh đạo UBND xã Tân Hội cho biết, ngày 11/3 địa phương đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra toàn bộ 20 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Theo đó, xã xác định 100% cơ sở này là các hộ dân tự nấu rượu gạo phục vụ nhu cầu địa phương và đều không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. “Trước mắt UBND đã tạm đình chỉ sản xuất đối với những hộ này để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý. Đồng thời phối hợp với UBND huyện lập các đoàn công tác liên ngành tổ chức lấy mẫu, kiểm tra quy trình sản xuất”, ông nói.
Đối với hộ gia đình ông Hùng (trú cụm 8, làng Thúy Hội, người được cho là cung cấp cho quán hàng tạp hóa liên quan vụ việc sinh viên ngộ độc rượu 5 ngày trước), tổ công tác đã thu giữ 80 lít rượu tại nhà ông Hùng. Qua bước đầu kiểm tra, số rượu này chưa có dấu hiệu pha hóa chất. Về thông tin cơ quan điều tra xác định nhóm sinh viên ngộ độc rượu sau khi uống rượu do chứa methanol, vị phó chủ tịch cho biết, đơn vị chưa xác định được ông Hùng có giấu giếm mua rượu nơi khác về để pha chế bán cho các cửa hàng hay không. Do đó UBND xã gửi mẫu rượu đã thu giữ lên cơ quan chức năng để thẩm định lần nữa về nồng độ methanol.
Chủ cơ sở bán rượu trốn khỏi nhà
Trong khi đó, tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), mấy ngày nay người dân trong thôn vẫn chưa hết hoang mang về vụ ngộ độc rượu liên quan tới cơ sở chuyên cung cấp rượu Duy Hảo của bà Nguyễn Thị Hảo. Ngôi nhà 50m2 đầu thôn của bà chủ này luôn trong tình trạng khóa trái. Bà Sinh (người địa phương) cho biết, bà Hảo có hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi hai con. Vài năm trở lại đây, bà Hảo không nấu rượu mà mua từ nơi khác về rồi bán lại cho các quận, huyện khác ở Hà Nội.
“Giá rượu nếp truyền thống tại địa phương có giá 40.000-45.000 đồng/lít trong khi những loại rượu trôi nổi tại các cửa hàng tạp hóa chỉ từ 15.000-20.000 đồng/lít. Loại rượu trôi nổi này thường bán cho những người lao động phổ thông hoặc sinh viên. Người dân trong thôn không sử dụng rượu Duy Hảo”, bà Sinh nói.
Ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn Cự Đà cho biết, vài ngày trước khi cơ quan công an tới làm việc về vụ ngộ độc rượu, bà Hảo do quá sợ hãi đã rời khỏi nhà. Sau đó, cơ quan chức năng đã mời người phụ nữ này lên làm việc. Từ trước đến nay, trong thôn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc rượu phải nhập viện điều trị. “Cả thôn có gần 2.000 hộ, trước đây có khoảng 30 hộ nấu rượu theo phương thức truyền thống sử dụng gạo nếp và men tự sản xuất để sử dụng và cung cấp ra thị trường.Tuy nhiên hiện nay những hộ nấu rượu đã giảm đi nhiều”, ông Tuấn nói (Tiền phong, trang 11).
Rượu ngoại, rượu thuốc cũng gây ngộ độc
Ngày 13/3, Bệnh viện Bạch Mai thông báo 9 sinh viên nhập viện vì ngộ độc methanol đã được giải độc và hồi sức thành công. Các bác sĩ cảnh báo, không chỉ rượu có methanol mà cả rượu nhập ngoại, rượu thuốc cũng có khả năng gây ngộ độc nặng cho người dùng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau khi được điều trị tích cực, lọc máu, giải độc, hồi sức, đến ngày 11/3 cả 4 bệnh nhân nặng nhất phải thở máy đều đã được rút ống thở, giao tiếp được. Đến sáng qua, cả 6 bệnh nhân còn lại đều tỉnh táo, giao tiếp tốt. Trong đó, có 4 bệnh nhân bị giảm thị lực, 3 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương não sẽ tiếp tục được làm các thăm dò để kiểm tra và đánh giá.
TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu rượu chứa methanol đem đến những cái chết nhanh chóng thì ngay cả rượu thật, tức là rượu chứa etanol cũng làm cho người uống có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các căn bệnh mạn tính như xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, tim mạch, ung thư... Rượu chứa cồn, tức là ancol etylic (etanol), rất độc hại cho cơ thể vì nó ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Rượu là nguyên nhân gây tử vong, là một chất kích thích mạnh ngang hàng với heroin về mặt độc hại và nguy cơ lệ thuộc (nghiện rượu).
TS Vũ Trường Khanh cho biết: Nếu như 10 năm trước số bệnh nhân nhập viện bị xơ gan chủ yếu do viêm gan do virus thì gần đây chuyển biến thành xơ gan do rượu. Chỉ tính riêng tại Khoa Tiêu hóa, mỗi năm gần đây phải điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú bị xơ gan, viêm tụy do rượu.
Bác sĩ Nguyên cho biết, nhiều người quan niệm sai lầm rằng rượu tự nấu không khử được andehit nên mới nguy hiểm, còn rượu nhập, được chưng cất tốt là không sao. Thực ra, ethanol vào cơ thể chuyển hóa vẫn là nguyên nhân gây tổn thương tế bào gan, gây xơ gan và ung thư gan.
Về cơ chế quản lý và giám sát rượu sản xuất thủ công, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết là việc của Bộ Công Thương. Về phía Bộ Y tế ông Phong cho hay chỉ có thể khuyến cáo người dân về cách sử dụng rượu để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu (Tiền phong, trang 11).
Vụ phòng khám 168 Hà Nội: Thai phụ chết não có chỉ định phải bỏ thai
Liên quan đến vụ một thai phụ Trần Thị T.T (ở Quảng Ninh, mang thai tuần 22) bị chết não sau khi khám tại Phòng khám 168 Hà Nội, ngày 13-3, người nhà bệnh nhân cho biết bệnh viện vừa có chỉ định đình chỉ thai của chị T. Theo chị Trần Thị Thu Hằng – chị gái bệnh nhân T. cho biết, sáng 13-3, sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo tới gia đình rằng tình hình chị T. và thai nhi diễn biến rất xấu và có chỉ định đình chỉ thai nghén. Đến trưa ngày 13-3, các bác sĩ khoa Sản của Bệnh viện Bạch Mai đã tới phòng điều trị của bệnh nhân T tại khoa Cấp cứu (A9). “Hiện chúng tôi chưa biết diễn biến cụ thể như thế nào nhưng gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất” - chị Hằng chia sẻ. Cũng theo chị Hằng, đại diện Phòng khám 168 Hà Nội đã bày tỏ ý định hỗ trợ chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân T. nhưng gia đình từ chối.
Cũng liên quan đến vụ việc này, chiều nay, 13-3, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội (tiếp theo công văn số 255/KCB-HN mà Bộ Y tế gửi Sở Y tế Hà Nội ngày 9-3) đẩy nhanh tiến trình xác minh vụ việc.
Cụ thể, công văn thứ hai của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến ký đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tai biến đối với bà Trần Thị T.T (bệnh nhân nữ, 29 tuổi, ở Quảng Ninh, đang mang thai tuần 22, bị tai biến chết não sau khi khám phụ khoa tại Phòng khám 168 Hà Nội, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai).
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ gia đình bà Trần Thị T.T trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân này. Yêu cầu Phòng khám 168 Hà Nội có thông báo, hướng dẫn và chuyển người bệnh đang điều trị tại Phòng khám tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng để triệu tập và yêu cầu bác sĩ người Trung Quốc có tên Trịnh Túc Vinh (Zheng Zu Rong) – nữ bác sĩ đã trực tiếp chỉ định điều trị cho bệnh nhân T. trước khi xảy ra tai biến – để báo cáo, tường trình chi tiết quá trình khám bệnh, chữa bệnh cho bà Trần Thị T.T.; cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông về trường hợp tai biến nêu trên.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, tư nhân thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 18-3-2017 (An ninh thủ đô, trang 6; Công an nhân dân, trang 2; Tuổi trẻ, trang 14; Gia đình & Xã hội, trang 6).