Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: Tỉ lệ bao phủ BHYT đạt trên 82,5% dân số; Cán bộ mặt trận là lực lượng nòng cốt phòng, chống dịch sốt xuất huyết; Bộ Y tế thành lập hội đồng đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội.

 

Hà Nội: Tỉ lệ bao phủ BHYT đạt trên 82,5% dân số

Tính đến hết tháng 8.2017, kết quả thu BHXH, BHYT, BHTN là 21.193,4 tỉ đồng, đạt 63,7% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 3.693,9 tỉ đồng

Trong tháng 8.2017, BHXH thành phố cấp được 17.074 sổ BHXH, luỹ kế từ đầu năm đến nay là 279.161 sổ BHXH chuyển đến người lao động; cấp mới, gia hạn cho 179.111 thẻ BHYT, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố có 6.097.459 thẻ BHYT đang trong thời gian sử dụng.

Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH luôn được quan tâm, đảm bảo đến tận tay đối tượng trước ngày mùng 10 của tháng, an toàn, chính xác. Tổng số tiền chi tháng 8.2017 là 2.473,6 tỉ đồng (trong đó chi lương hưu và trợ cấp hàng tháng cho 570.340 đối tượng thụ hưởng).

Cũng trong tháng 8.2017, BHXH thành phố kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng, trong đó hưởng hàng tháng là 1.916 đối tượng. Hưởng một lần là 5.036 lượt đối tượng thụ hưởng, trợ cấp thất nghiệp cho 18.794 lượt người hưởng. Hiện nay, có 205 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với BHXH thành phố, trong tháng 8.2017, thực hiện 855.736 lượt khám chữa bệnh.

Ngoài ra, BHXH thành phố đã phát triển, mở rộng được 903 doanh nghiệp với 2.408 lao động, nâng tổng số doanh nghiệp lên 51.701 doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tỉ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn thành phố đạt trên 82,5% dân số (chưa bao gồm BHYT do BHXH Bộ Quốc Phòng cấp).

Tính đến hết tháng 8, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 3.693,9 tỉ đồng, chiếm 11% số phải thu (giảm 0,6% so với tháng trước).

Trong thời gian qua, BHXH TP.Hà Nội đã thực hiện thanh, kiểm tra 77 đơn vị (trong đó kiểm tra là 50 đơn vị, thanh tra chuyên ngành là 27 đơn vị). Số tiền nợ trước khi đi thanh tra, kiểm tra là 36,3 tỉ đồng. Kết quả sau thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 15,5 tỉ đồng tiền nợ BHXH (đạt 42,65%). Phối hợp với BHXH các quận, huyện thực hiện kiểm tra 86 đơn vị sử dụng lao động. Số tiền nợ trước khi kiểm tra là 13,9 tỉ đồng, sau kiểm tra thu hồi 5,1 tỉ đồng (đạt 36,6%).

Quyết liệt thu hồi nợ BHXH, BHYT

Theo Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục như: Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn ở mức rất cao; công tác nhập dữ liệu để trả sổ BHXH người lao động tiến độ còn chậm, một số khó khăn trong công tác thí điểm thực hiện Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của BHXH Việt Nam, dữ liệu thông tin đồng bộ chưa cao, phần mềm tra cứu còn tương đối chậm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, hoàn thiện hệ thống dữ liệu.

Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Đức Hòa đề nghị các phòng nghiệp vụ, BHXH huyện tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, khẩn trương hoàn thành trong các tháng cuối năm 2017. Thực hiện tốt công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 76/2017/NĐ-CP được thực hiện vào kỳ chi trả lương hưu tháng 9.2017 đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng do BHXH thành phố quản lý chi trả (kể cả đối tượng di chuyển đến chưa được điều chỉnh). Tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện để tổ chức thực hiện tốt chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thủ đô.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2017, các đơn vị trực thuộc BHXH cần tiếp tục phối hợp với các cấp Công đoàn triển khai quyết liệt thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN nhằm bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ, có hiệu quả đợt cao điểm thu nợ BHXH từ ngày 1.8 đến 31.10.2017; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp tốt với các sở, ngành để thanh tra liên ngành.

Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Thường xuyên làm việc với Giám đốc các cơ sở KCB BHYT có chi phí tăng cao.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT. Phấn đấu giảm tỉ lệ hồ sơ chậm muộn xuống dưới 5% từ tháng 9.2017. Tập trung đẩy nhanh việc rà soát nhập dữ liệu quá trình tham gia BHXH, trả sổ BHXH cho người lao động. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 595.QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (Lao động, trang 4).

 

Cán bộ mặt trận là lực lượng nòng cốt phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Chiều 13-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban với đại diện các tổ chức thành viên; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 30 quận, huyện, thị xã nhằm đánh giá tình hình và triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. 

Hội nghị đã đánh giá tình hình dịch sốt xuất huyết và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm so với 2 tuần đầu tháng 8. Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã đã trao đổi kinh nghiệm công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp kiểm tra, giám sát dịch bệnh và phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhấn mạnh tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay diễn biến vẫn rất phức tạp, cao điểm của dịch từ tháng 9 đến tháng 11, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đình Đức đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã cần bám sát chỉ đạo của thành phố, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. MTTQ các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ hơn nguy cơ của dịch để tự giác phòng, chống. Cán bộ mặt trận các cấp tiếp tục là lực lượng nòng cốt tham gia các đội xung kích, đội giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; bảo đảm 100% trường học, nhà dân được phun thuốc diệt muỗi.

* Trong ngày 13-9, Đoàn giám sát của Sở Y tế Hà Nội và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng đã làm việc với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Xây dựng về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Đây là hai trường thuộc địa bàn phường Đồng Tâm, khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết của quận Hai Bà Trưng.

Tại Trường Đại học Xây dựng hiện có 20.000 sinh viên, trong đó khu vực ký túc xá có 1.000 sinh viên. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 12 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Còn tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng có 20.000 sinh viên, trong đó có 3.000 sinh viên ở ký túc xá. Đến nay, toàn trường ghi nhận 90 sinh viên mắc sốt xuất huyết. 

Qua kiểm tra, tại các nhà trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Tại khu vực đang trong quá trình sửa chữa của các trường, nhiều phế liệu, phế thải chưa được loại bỏ. Hệ thống thoát nước mưa chưa được đậy kín nên dễ phát sinh các ổ bọ gậy… (Hà nội mới, trang 1).

 

Bộ Y tế thành lập hội đồng đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội

Trong tuần từ ngày 4 đến 10/9, Hà Nội ghi nhận 2.325 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 1.244 trường hợp so với tuần cao điểm), tuy nhiên tại một số huyện ngoại thành lại có số ca mắc tăng...

Thông tin tại hội nghị Giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội chiều ngày 12/9, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 4 đến 10/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.325 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 1.244 trường hợp so với tuần cao điểm). Đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 27.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Các quận, huyện trọng điểm về số ca bệnh sốt xuất huyết trước đây hiện cũng ghi nhận số ca mắc giảm từ 40-100 ca/tuần như: Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy... Bên cạnh đó, một số quận/ huyện  như: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên ghi nhận ca mắc tăng từ 10-20 ca/tuần.

Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho rằng, dù dịch đã có dấu hiệu chững lại nhưng do thời tiết nắng-mưa thất thường, một số huyện ngoại thành có số ca mắc tăng nếu công tác chống dịch không tiếp tục quyết liệt nguy cơ dịch lại bùng lên trong thời gian tới.

Về vấn đề số ca mắc sốt xuất huyết ở ngoại thành tăng, ông Hạnh lý giải: Do người lao động mang bệnh từ nội thành về, cộng thêm số bệnh nhân tại chỗ nên số liệu tăng. Việc xử lý dịch ở ngoại thành thuận tiện hơn ở nội thành, ngành y tế các huyện phải tập trung xử lý ổ dịch, có thể huy động lực lượng y tế ở xã khác vào xã có nhiều ổ dịch.

“Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết vẫn tồn tại yếu kém ở 2 khâu, đó là diệt bọ gậy và phun hoá chất chưa triệt để. Cụ thể, công tác xử lý ổ dịch có nơi chưa đúng quy định, nhiều dụng cụ chứa nước còn có ổ bọ gậy. Trong khi đó, việc phun hoá chất mới chỉ tiến hành ở ngoài ổ dịch, trong nhà dân chưa được phun. Mặt khác, đội xung kích hoạt động chưa đúng yêu cầu, tổ giám sát không nói rõ kết quả giám sát, chưa có hoạt động giao ban giữa đội xung kích và tổ giám sát…”- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ.

Thông tin tại cuộc họp, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng cho rằng, qua kết quả giám sát tại 8 xã/phường của 8 quận/huyện, nhiều nơi tỷ lệ phun hoá chất đạt rất thấp, số hộ gia đình còn ổ bọ gậy còn cao. Cụ thể, tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai), tỷ lệ phun đạt 70% số hộ dân, 15% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tỷ lệ phun đạt 65% số hộ, 15% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), tỷ lệ phun đạt 55% số hộ, 40% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), tỷ lệ phun đạt 80%, 15% nhà còn sót ổ bọ gậy…

Được biết, hiện tại, thành phố Hà Nội có 40 máy phun mù nóng, bảo đảm ít nhất mỗi quận/huyện có 1 máy phun mù nóng. Thời gian tới, công tác diệt bọ gậy và phun hoá chất tiếp tục được triển khai quyết liệt. Riêng đối với các huyện ngoại thành có số bệnh nhân bắt đầu tăng lên, tại mỗi ổ dịch cần huy động toàn bộ lực lượng y tế ở tất cả các xã để dập dịch, khống chế không để lây lan.

Để có những biện pháp chống dịch có hiệu quả, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, Bộ Y tế vừa thành lập Hội đồng gồm 20 giáo sư, chuyên gia trong đó có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và GS. TS Trịnh Quân Huấn- nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế được bầu là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng này cũng đã họp nhằm xem xét, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố hiện tại và tương lai để tiếp tục đưa ra các giải pháp. (Sức khỏe & đời sống, trang 7; Gia đình & xã hội, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang