Ngày đầu TPHCM triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine Covid-19
Ngày 14-6, TPHCM phát động tháng cao điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 nhằm vận động người dân đồng ý tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ các liều tiêm nhắc. Trong tháng cao điểm này, các UBND quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ mở các điểm tiêm chủng cố định. Địa phương sẽ thông tin rộng rãi đến người dân đang sinh sống tại địa bàn về địa chỉ điểm tiêm cố định, thời gian tiêm, đối tượng tiêm.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay, tuy số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày giảm rất sâu nhưng dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu. Do đó, nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với những người chưa tiêm vaccine hay tiêm chủng không đầy đủ.
“Việc tiêm vaccine là hết sức quan trọng như thông điệp V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) do Bộ Y tế đề xuất. Riêng đối với vaccine, nhờ chiến lược ngoại giao của Chính phủ mà TPHCM đã được phân bổ vaccine sớm và tạo được miễn dịch cộng đồng vững chắc. Tuy nhiên hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian do đó việc tiêm nhắc là hết sức quan trọng”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Những người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp… hãy đi tiêm nếu chưa tiêm đủ liều vaccine.
Sở Y tế TPHCM chỉ đạo tất cả các bệnh viện, Trung tâm Cấp cứu 115, các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn sẵn sàng cử nhân viên y tế tham gia các đội tiêm vaccine của đợt cao điểm tiêm vaccine nhắc lại phòng Covid-19, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt thời gian diễn ra đợt cao điểm.
Tại điểm tiêm quận 12, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, để tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng, ngành y tế kêu gọi mỗi người dân và gia đình tiếp tục hưởng ứng việc tiêm nhắc lại như các mũi tiêm cơ bản.
Trường hợp người không đến điểm tiêm, đề nghị thông báo cho trạm y tế phường để tổ chức tiêm tại nhà. Nếu là công nhân lao động ở các khu công nghiệp thì đăng ký tại nơi làm việc.
Nhân viên tuyến đầu chống dịch thì đăng ký tại nơi làm việc hoặc tại địa phương. Ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận tiêm chủng.
Để chiến dịch tiêm chủng diễn ra thành công và đạt hiệu suất cao, cần sự tham gia tích cực của cộng đồng, các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tiêm chủng vaccine Covid-19 đúng lịch.
"Việc đảm bảo an toàn tiêm chủng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trước khi tổ chức tiêm, cần thu thập đầy đủ thông tin của đối tượng, rà soát kỹ thông tin tránh gây ra sai xót. Công tác tổ chức tiêm chủng, cấp cứu phải được trung tâm y tế thẩm định, tổ chức theo đúng quy định. Riêng với trẻ em, điểm tiêm cần lồng ghép tổ chức trò chơi, trò chuyện với trẻ trước khi tiêm để tạo tâm lý thoải mái cho trẻ”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng khuyến cáo. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Bộ Y tế triển khai nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết ở phía Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành y tế các tỉnh thành phía Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Chiều 13/6, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam với sự tham gia của đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thuộc 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
80% ca mắc và 100% ca tử vong vì sốt xuất huyết ở phía Nam
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, tại Việt Nam, 80% ca mắc và 100% ca tử vong (36 ca) vì sốt xuất huyết ghi nhận tại khu vực phía Nam.
Chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM nhận định, sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.
Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Cũng theo bác sĩ Lương Chấn Quang, mọi năm, khu vực miền Tây chiếm 10% số ca tử vong. Tuy nhiên, năm nay, dù mới 5 tháng đầu năm, số ca tử vong đã lên đến 25%.
Qua giám sát thường xuyên, chủng virus Dengue gây ra sốt xuất huyết năm nay là là DEN-1, type DEN-2. Nhiều năm qua, ngành y tế không ghi nhận DEN-3 lưu hành ở phía Nam. Qua giám sát, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai, chủ yếu ca bệnh là type DEN-2. "Chưa thể nói dịch gây điểm nóng là type nào, nhưng chúng tôi ghi nhận sự lưu hành 2 type DEN-1 và DEN-2", ông Quang cho hay.
Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết tự đến cơ sở tư nhân trước khi nhập viện
TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, dịch sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, số ca mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm. Tại TP.HCM, số ca mắc mới cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tính riêng tháng 5/2022, số ca bệnh nhập viện cao bằng tổng số tích lũy từ đầu năm.
TS. Ánh Dương cho biết, qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi chuyển nặng mới nhập viện.
Đại diện TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho hay, vấn đề sốt xuất huyết ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam năm nào cũng "nóng". Tuy nhiên, năm nay, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát nếu ngành y tế không có các biện pháp quyết liệt.
Theo ông Hưng, trong hai năm chống dịch COVID-19, số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM rất thấp, khiến người dân lơ là, chủ quan.
Để hạn chế số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết, ngành y tế TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra trực tiếp các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, đồng thời vận động các cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cũng có khuyến cáo đối với các phòng khám tư trên địa bàn thành phố chỉ có thể tư vấn hướng dẫn cũng như làm các xét nghiệm đơn giản nhưng tuyệt đối không được giữ các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lại để điều trị. Bởi làm vậy sẽ mất thời cơ "vàng" theo dõi, bệnh nhân rất dễ có nguy cơ chuyển nặng .
Theo đại diện Sở Y tế An Giang, địa phương này có số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tăng 387% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, An Giang gặp khó khăn lớn trong việc thiếu hóa chất diệt muỗi. Mặc dù địa phương đã đấu thầu mua hoá chất diệt muỗi nhưng phải huỷ thầu làm lại do không có đủ, hiện khoảng 1,5 tháng nữa mới có. Trong thời gian chờ mua sắm hóa chất số lượng lớn, địa phương đang đề nghị các cơ sở chỉ định thầu rút gọn dưới 100 triệu đồng để giải quyết nhanh nhưng các cơ sở cũng sợ sai phạm, nhiều nơi chưa thực hiện.
Là địa phương cũng có tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết rất cao, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.200 ca (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 176 ca bệnh nặng (chiếm 4,1%).
Theo đại diện Sở Y tế Bình Dương, địa phương này có 91 trạm y tế xã phường nhưng đang thiếu 550 biên chế tại trạm y tế xã, phường do nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài vất vả chống dịch COVID-19. Ba tháng đầu năm, khoảng 300 người nghỉ việc, vậy nên số nhân viên mới thay đòi hỏi phải tốn thời gian đào tạo, tập huấn.
Hiện ngành y tế tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai hết các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh và được UBND tỉnh cấp 8 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ là in tài liệu truyền thông nhưng chưa dám làm, còn đấu thầu thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) lo sợ sai phạm.
Tăng cường biện pháp triển khai phòng chống sốt xuất huyết
Kết luận tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành y tế các tỉnh thành phía Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như dịch COVID-19.
Liên quan đến công tác phòng chống sốt xuất huyết, Thứ trưởng Liên Hương cho hay, cần phải có sự tham mưu đề UBND tỉnh, thành ủy vào cuộc. Theo đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí cũng như nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống sốt suất huyết, tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông giám sát xử lý ổ dịch, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy tại cộng đồng, hiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động...
Hiện nay theo phân cấp phân quyền, tất cả các tỉnh thành phố đều tự đảm bảo chủ động về hóa chất cũng như kinh phí. Không thể lấy lý do là đấu thầu chưa được hoặc sợ không dám đấu thầu. Bộ Y tế không thể đấu thầu thay các địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Liên Hương, cần phải tham mưu để các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp cùng ngành y tế trong việc triển khai công tác giám sát, truyền thông phòng chống sốt suất huyết. Sở Y tế nên thành lập các đoàn kiểm tra để triển khai công tác phòng chống dịch đến huyện, đến xã và ngay tại cộng đồng và nên phối hợp truyền thông phòng chống dịch COVID-19 lẫn xuất xuất huyết cũng như các dịch bệnh khác để tiết kiệm nguồn lực.
PGS.TS Liên Hương cũng đề nghị Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế tăng cường truyền thông hơn nữa về công tác phòng chống sốt xuất huyết để đảm bảo công tác truyền thông tốt hơn. Đồng ý thành lập Ban chuyên môn kĩ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam để hỗ trợ các địa phương.
Trước thực tế còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc và dịch truyền, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp cùng Cục Quản lý Dược khẩn trương giải quyết việc mua thuốc và dịch truyền để cung cấp cho các tỉnh thành phố. Đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh tăng cường đào tạo về công tác điều trị sốt xuất huyết thông qua các bệnh viện trung ương, Sở Y tế tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn. Riêng vấn đề phê duyệt kinh phí, mua sắm hóa chất, dịch truyền điều trị sốt xuất huyết, các địa phương phải tự chủ động. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Báo động bệnh tay chân miệng tại Hà Nội
Ngày 14/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết tuần qua, Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc tay chân miệng tại 23 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Sóc Sơn (21); Mê Linh (18); Chương Mỹ (17); Đống Đa (16); Thanh Trì (15); Đông Anh (12); Ba Vì (11).
Số ca mắc tay chân miệng trong một tuần của tháng 6/2022 tương đương với số mắc trong gần 6 tháng của năm ngoái (là 178 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 624 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Trước đó, như báo Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, Hà Nội ghi nhận 175 ca tay chân miệng. Như vậy, chỉ trong 3 tuần (từ 20/5 đến 12/6), Hà Nội có gần 450 ca tay chân miệng; riêng tuần qua số ca mắc nhiều hơn tổng số ca ghi nhận trong gần 5 tháng đầu năm.
TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).
Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Theo TS Hải, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
"Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm" – BS Hải lưu ý.
Ba dấu hiệu sớm cảnh báo tay chân miệng diễn biến nặng
- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
TS.BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh, đã có nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng do gia đình không biết nên đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
"Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", ông lưu ý. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Nguy cơ mắc đồng thời cả sốt xuất huyết, tay chân miệng và biện pháp điều trị
Theo các bác sĩ, quá trình điều trị cho trẻ đồng nhiễm tay chân miệng và sốt xuất huyết rất khó khăn do thuốc dùng để điều trị cho bệnh tay chân miệng lại không được phép sử dụng trong điều trị bệnh sốt xuất huyết...
TP.HCM đang trong mùa mưa, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng phát triển. Nguy cơ trẻ đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng rất cao.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng tuần 22 của năm 2022 (từ ngày 27/5/2022-2/6/2022) thành phố ghi nhận 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 28% so với trung bình 4 tuần trước. Có 977 ca bệnh tay chân miệng được ghi nhận, tăng 19,5% so với trung bình 4 tuần trước.
Nguy cơ đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng
Thành phố liên tục ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng mới trên địa bàn. Nguy cơ đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng rất cao, vì vậy phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhi vừa mắc tay chân miệng vừa mắc sốt xuất huyết. Quá trình chẩn đoán và điều trị trẻ đồng nhiễm hai bệnh này rất khó khăn.
Trong 3 ngày đầu của bệnh rất khó để phân biệt sốt xuất huyết và tay chân miệng vì các dấu hiệu của hai bệnh này tương đối giống nhau. Quá trình điều trị cho trẻ đồng nhiễm cũng gây ra không ít khó khăn cho các bác sĩ do thuốc dùng để điều trị cho bệnh tay chân miệng lại không được phép sử dụng trong điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Tiến giải thích: "Virus gây bệnh tay chân miệng sẽ tấn công lên hệ thần kinh trung ương khiến trẻ giật mình chới với. Vậy nên trong quá trình điều trị tay chân miệng cần sử dụng các thuốc an thần để trẻ bớt giật mình, cũng như tạo điều kiện cho não nghỉ ngơi, bên cạnh đó các bác sĩ sẽ cho trẻ dùng các loại thuốc chống viêm, hạ áp, điều hòa miễn dịch.
Trong khi đó, quá trình điều trị sốt xuất huyết không được phép dùng các loại thuốc an thần. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể vào sốc bất cứ lúc nào và thuốc an thần sẽ che lấp đi những triệu chứng, dấu hiệu sốc, cảnh báo biến chứng, cảnh báo nặng ở trẻ. Việc bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo có thể khiến tình trạng bệnh nhân ngày càng trở nặng, thậm chí là tử vong".
Cần ưu tiên điều trị bệnh nào trước?
Do hướng điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng khác nhau nên nếu không có cách điều trị phù hợp dung hòa được cả hai bệnh thì có thể khiến tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi. Chính vì vậy khi tiếp nhận các ca bệnh đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng các bác sĩ cần phải hết sức chú ý tới các triệu chứng của bệnh nhân. Bên cạnh đó cần cho bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng bệnh.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân giảm, HTC cô đặc có nghĩa là bệnh sốt xuất huyết đang chiếm ưu thế. Nếu bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng thì bệnh tay chân miệng đang có diễn tiến nặng hơn. Các bác sĩ cần nhận định chính xác bệnh nào đang có xu hướng nặng hơn để ưu tiên điều trị kịp thời. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14).
TP.HCM phát động tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn người dân tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại tại những địa điểm cụ thể, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm chủng, đảm bảo bao phủ vaccine cho người dân, duy trì miễn dịch với COVID-19 phòng ngừa dịch bệnh có thể quay trở lại.
Hiện nay người dân đang có tình trạng chủ quan với việc tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 vì cho rằng dịch bệnh đã ổn định. Điều này rất nguy hiểm vì dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc và nguy cơ xuất hiện biến chủng mới vẫn còn đó.
Ngày 14/6, Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ phát động tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm đẩy mạnh công tác tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19. Qua đó, đảm bảo bao phủ mũi vaccine nhắc lại cho người dân thành phố. Đặc biệt đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao gặp khó khăn trong việc đến điểm tiêm sẽ được địa phương tổ chức tiêm tại nhà.
Lễ phát động đã diễn ra đồng loạt với 6 nhóm /điểm tiêm chủng dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Cụ thể:
Nhóm 1: Điểm tiêm tại trường học cho đối tượng học sinh từ 5-12 tuổi;
Nhóm 2 và 3: Điểm tiêm tại khu chế xuất và công ty cho đối tượng công nhân và người lao động;
Nhóm 4 và 5: Điểm tiêm tại cộng đồng và bệnh viện cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ;
Nhóm 6: Điểm tiêm tại nhà cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong việc di chuyển.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, hiện nay tuy số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày giảm rất sâu nhưng dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu. Do đó, nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với những người chưa tiêm vaccine hay tiêm chủng không đầy đủ. BS. Thượng khẳng định, việc tiêm vaccine là hết sức quan trọng theo như thông điệp V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) do Bộ Y tế đề xuất.
Riêng đối với vaccine, nhờ chiến lược ngoại giao của Chính phủ mà TP.HCM đã được phân bổ vaccine sớm và tạo được miễn dịch cộng đồng vững chắc. Tuy nhiên hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian do đó việc tiêm nhắc là hết sức quan trọng. Các loại vaccine hiện nay đều đang được thế giới triển khai tiêm chủng an toàn.
Trong thời gian qua, TP.HCM cũng đã triển khai tiêm chủng an toàn. Chính vì thế, ngành y tế kêu gọi mỗi người dân, gia đình cùng hưởng ứng Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19. Cụ thể, những người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp… hãy đi tiêm nếu chưa tiêm đủ liều vaccine.
Sở Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện, Trung tâm Cấp cứu 115, các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn sẵn sàng cử nhân viên y tế tham gia các đội tiêm vaccine của đợt cao điểm tiêm vaccine nhắc lại phòng COVID-19, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt thời gian diễn ra đợt cao điểm.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết đã chính thức kiến nghị UBND TP.HCM đưa hoạt động tiêm chủng và kết quả triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những tiêu chí thi đua quan trọng của năm 2022.
Lãnh đạo Sở Y tế đã đặc biệt đến giám sát công tác tiêm vaccine cho 10 người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong việc di chuyển đến điểm tiêm tại khu phố 6, phường 25, quận Bình Thạnh. Việc tiêm chủng tại nhà được tổ chức đảm bảo an toàn tiêm chủng. Người được tiêm sẽ được nhân viên y tế xuống tận nhà thực hiện khám sàng lọc, đo huyết áp, nhiệt độ trước khi tiến hành tiêm chủng.
Sau tiêm chủng, nhân viên y tế dặn dò người được tiêm các dấu hiệu cần theo dõi và cấp giấy xác nhận tiêm chủng. Khi có dấu hiệu bất thường, người dân có thể đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Để tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng, ngành y tế kêu gọi mỗi người dân và gia đình tiếp tục hưởng ứng việc tiêm nhắc lại. Mũi tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể không bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 có thể tăng cường hơn nữa hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã suy yếu theo thời gian sau khi tiêm các liều cơ bản và bổ sung. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng
Ngày 14-6, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6 đến 12-6), trong khi số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn thành phố giảm thì số mắc tay chân miệng lại tăng.
Cụ thể, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 2 ca so với tuần trước đó) tại 10 quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thì số mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội lại gia tăng. Cụ thể, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc tay chân miệng tại 23 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó); trong đó, các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Sóc Sơn (21); Mê Linh (18); Chương Mỹ (17); Đống Đa (16); Thanh Trì (15); Đông Anh (12); Ba Vì (11).
Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong một tuần của tháng 6-2022 tương đương với số mắc trong gần 6 tháng của năm ngoái (là 178 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 624 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo CDC Hà Nội, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết nói riêng và dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, thành phố tiếp tục tăng cường các đội đáp ứng nhanh phòng dịch; đồng thời, duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp. Bên cạnh đó, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, đáp ứng với diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Dự kiến, sáng mai (15-6), Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh nhận biết về bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt. Đồng thời, củng cố duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. (Hà Nội mới, trang 1).
Thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống Covid-19
Sáng 14-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 với 469/475 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 94,18%).
Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2022 trên phạm vi cả nước.
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát bao gồm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực (bao gồm nhân lực, tài lực, vật lực) phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (Tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan); Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng (Đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan)...
Ngoài nội dung trên, trong phiên họp sáng 14-6, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2023; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2023 trên phạm vi cả nước; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7-2020 đến hết tháng 6-2023.
Về đối tượng giám sát, ở cấp trung ương gồm Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; ở địa phương: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: HĐND, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: HĐND, UBND 51 tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung giám sát gồm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. (An ninh thủ đô, trang 2).
Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại nhiều tỉnh miền Tây
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại nhiều tỉnh miền Tây, ngành y tế phải vất vả phòng, chống dịch bệnh.
Dịch bệnh tăng gấp 10 lần tại nhiều huyện ở An Giang
Ngày 14.6, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 5.6, toàn tỉnh có 4.557 ca mắc SXH, tăng hơn 3.500 ca và tăng 387% so cùng kỳ năm 2021.
Có 10/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang (trừ H.Tri Tôn) có số ca mắc SXH tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ, trong đó có 6/11 địa phương tăng trên 500% so cùng kỳ.
Cụ thể, H.Châu Phú tăng 997% với 735 ca; H.Phú Tân tăng 792% với 535 ca; TX.Tân Châu tăng 1.031% với 396 ca; H.An Phú tăng 967% với 448 ca; H.Tịnh Biên tăng 780% với 387 ca và H.Thoại Sơn tăng 770% với 383 ca.
Theo ông Hiền, tuy số ca mắc SXH tại An Giang tăng, nhưng đến nay tỉnh chưa ghi nhận ca tử vong. Dự báo đến tháng 7, dịch SXH tại An Giang sẽ chạm đỉnh.
Chỉ đạo tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh vào sáng 14.6, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu các ngành, các địa phương trong tỉnh khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, không để dịch bùng phát, lan rộng, tránh tình trạng “dịch chồng dịch”.
Đồng Tháp có 2 ca tử vong
Tính từ đầu năm đến ngày 10.6, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 1.968 ca mắc SXH, tăng 1.391 ca (gần 250%) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 59 ca mắc nặng và 2 ca tử vong thuộc H.Hồng Ngự. Dịch SXH đang bùng phát và lây lan mạnh ở H.Hồng Ngự với 378 ca, TP.Hồng Ngự 287 ca, TP.Cao Lãnh 251 ca…
Ngành y tế tỉnh đã triển khai một đợt chiến dịch diệt lăng quăng và xử lý 565 ổ dịch SXH tại 12 huyện, thành phố. Đồng thời, ra quân phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường, thị trấn của H.Hồng Ngự và TP.Hồng Ngự.
Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ TT.Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự) có cháu 10 tuổi mắc bệnh SXH đang điều trị tại Trung tâm Y tế H.Hồng Ngự, cho biết: Bé bị sốt, nhức đầu, ói. Cứ tưởng là cháu bị nóng sốt bình thường. Xét nghiệm ra thì bác sĩ nói bị SXH, kêu nhập viện điều trị”.
Theo BS.CK2 Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, mưa, nắng đan xen và nhiệt độ trung bình các ngày ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gây bệnh SXH. Ngoài ra, tình hình SXH tăng cao cũng do chu kỳ bệnh vài năm lại tăng một lần.
“Trong 2 năm rồi, số ca mắc SXH tại Đồng Tháp giảm. Còn năm nay tăng là do đến chu kỳ bệnh, cứ 2 đến 3 năm thì nó tăng cao lại. Chúng tôi cần trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân phải tham gia cùng với ngành y tế tổ chức những chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng. Phải làm liên tục để kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát lan rộng”, ông Bửu nói. (Thanh niên, trang 3).