Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng 5,7 lần, Cục Y tế dự phòng cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn; Ca mắc sốt rét tăng ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống

 

Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng 5,7 lần, Cục Y tế dự phòng cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tính đến nay Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần.
Cục Y tế dự phòng cho biết theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

Riêng tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, số mắc có chiều hướng tăng cao trong các tuần gần đây. Tính đến tuần 31/2023, Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần. 

Để tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập trung chỉ đạo thành lập ngay đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thành phố Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để báo cáo lãnh đạo Bộ.

Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Đồng thời hướng dẫn các địa phương thuộc khu vực phụ trách giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3)

 

Ca mắc sốt rét tăng ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống

Tại một số tỉnh, thành như Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16,4%, Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt rét tại tỉnh Lai Châu, Khánh Hoà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế hai tỉnh này về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt rét.

Thông tin của Cục Y tế dự phòng cho biết, theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung tại huyện Mường Tè; tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc), tập trung tại huyện Khánh Vĩnh.

Kết quả kiểm tra, đánh giá diễn biến tình hình mắc sốt rét tại thực địa thấy nguyên nhân chính là địa bàn thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng, điều kiện địa lý miền núi và kinh tế khó khăn, chủ yếu là người dân tộc với dân trí thấp; số người dân đi nương rẫy, khai thác nông lâm sản cao, nhưng việc chủ động phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, quản lý các đối tượng mắc và nguy cơ sốt rét vẫn chưa được thực hiện hiệu quả; nhiều người dân chủ quan, không tuân thủ điều trị, công tác truyền thông phòng chống sốt rét còn hạn chế; việc phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành trong phòng chống sốt rét còn hạn chế.

Để tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Lai Châu và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:

Tổng hợp, phân tích sâu tình hình mắc sốt rét, xác định rõ nguyên nhân làm gia tăng mắc sốt rét và đánh giá nguy mắc sốt rét trên địa bàn. Kiểm tra và đánh giá việc triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị các trường hợp mắc sốt rét tại các địa phương.

Chỉ đạo tăng cường giám sát, chẩn đoán phát hiện, điều trị đúng phác đồ để hạn chế nguy cơ sốt rét nặng và tử vong, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm và điều trị cho cán bộ y tế của địa phương.

Xây dựng kế hoạch đáp ứng gia tăng mắc sốt rét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để khẩn trương triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn và khống chế sự gia tăng của sốt rét trên địa bàn; tăng cường phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống để giải quyết tình hình sốt rét tại địa phương.

Cùng đó, tổ chức truyền thông các biện pháp phòng chống sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét, thực hiện ngủ màn cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy và khi bị mắc sốt rét thì sử dụng thuốc điều trị đầy đủ theo hướng dẫn. Cấp màn, võng có tẩm hóa chất diệt muỗi, kem xua muỗi; thực hiện tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân và phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.

Các tỉnh này cũng cần củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng chống sốt rét, nhất là y tế xã, thôn, bản. Đảm bảo bố trí nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phòng chống sốt rét; hướng dẫn và chi trả kinh phí mua hóa chất, kinh phí về giám sát, trả công người đi phun hóa chất và tẩm màn, bồi dưỡng người tham gia chống dịch và các hoạt động phòng chống sốt rét khác.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh này theo dõi sát diễn biến tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp phòng chống để có các biện chỉ đạo các địa phương kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh. (Sức khoẻ & đời sống, trang 8)

 

Những điều cần biết về 2 biến thể COVID-19 mới EG.5 và EG.5.1

Do khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn so với những biến thể trước đó, biến thể EG.5 đã lan ra 45 nước trên thế giới, làm tăng số ca mắc và nhập viện do COVID-19. WHO nâng mức cảnh báo EG.5 thành biến thể đáng quan tâm, trong khi biến thể Eris (EG.5.1) được đưa vào danh sách biến thể đang theo dõi.
EG.5 là biến thể phụ mới từ dòng tái tổ hợp XBB thuộc họ Omicron. Trong khi đó, biến thể EG.5.1 là một nhánh phái sinh từ nó. EG.5.1 còn có tên gọi khác là Eris.

EG.5 là biến thể COVID-19 đang chiếm chủ đạo ở Mỹ. Biến thể EG.5 chiếm 17% số ca mắc mới ở Mỹ, vượt qua cả biến thể quen thuộc XBB.1.16 (chiếm 16%). Đây là số liệu ước tính do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ đưa ra.

Đột biến nào khiến biến thể EG.5 trở nên dễ lây lan hơn?

Dòng phụ EG phái sinh từ họ tái tổ hợp XBB thuộc chủng Omicron. So với phiên bản gốc XBB.1.9.2, dòng phụ EG có thêm đột biến gene virus ở vị trí 465. Đột biến này đã từng xuất hiện trong các biến thể COVID-19 khác trước đây, tuy nhiên, vẫn chưa rõ virus đã tiến hóa thế nào để trở nên nguy hiểm hơn.

Đột biến 465 hiện diện trong khoảng 35% mẫu giải trình tự gene COVID-19 trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ rằng đột biến này đang mang lại lợi thế tiến hóa hơn so với các phiên bản trước đó.

Ở nhánh phái sinh EG.5.1, thêm đột biến thứ hai làm cho virus dễ lây lan hơn.

Theo GS.TS. David Ho - chuyên khoa vi sinh học và miễn dịch học, Đại học Columbia, Mỹ, cả hai biến thể EG.5 và EG.5.1 có khả năng chống lại các kháng thể trung hòa trong huyết thanh của người nhiễm COVID-19 cao hơn một chút.

Về mặt lâm sàng, hai biến thể mới này dường như không gây ra các triệu chứng COVID-19 khác biệt hoặc nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Theo GS.TS. Eric Topol - bác sĩ tim mạch tại Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ), về cơ bản, biến thể EG.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn so với các biến thể XBB trước đó, vì vậy mà EG.5 nhanh chóng có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài Mỹ, biến thể COVID-19 mới EG.5 đang nhanh chóng lây lan ở Ireland, Pháp, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc.

Biến thể EG.5 đang làm cho số ca mắc COVID-19 cũng như số ca nhập viện tăng lên.

Biến thể COVID-19 Eris (EG.5.1) có gì đặc biệt, triệu chứng khi mắc là gì?

Kể từ khi xuất hiện, biến thể COVID-19 mới Eris (EG.5.1) nhanh chóng trở nên phổ biến ở Anh và Mỹ.

Tính đến ngày 20/7, Eris là biến thể phổ biến thứ 2 ở Anh quốc, chiếm khoảng 14,55% tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này.

Theo Bộ Y tế Anh, số ca mắc biến thể Eris tăng 20,51% mỗi tuần tại nước này. Còn ở Mỹ, số ca mắc biến thể Eris chỉ xếp sau Arcturus (XBB.1.16).

Theo tổ chức nghiên cứu sức khỏe Zoe, các triệu chứng COVID-19 khi mắc biến thể Eris tương tự như Omicron, phổ biến nhất bao gồm:

Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
Đau đầu.
Mệt mỏi.
Hắt xì hơi.
Đau họng.
Ho.
Thay đổi về khứu giác.
Phải làm gì khi bạn mắc COVID-19?
Theo CDC, khi biết mình mắc COVID-19, bạn nên làm những điều sau nhằm điều trị bệnh cũng như tránh lây bệnh cho người khác:

Tự cách ly ở nhà.
Mở cửa sổ thoáng khí, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, lưu thông không khí tốt.
Đeo khẩu trang N-95 hoặc các khẩu trang chất lượng tốt khi ở gần người khác.
Tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và cập nhật mũi tiêm bổ sung khi cần.
Theo dõi các triệu chứng COVID-19 và gọi điện xin tư vấn bác sĩ khi cần thiết.
Uống thuốc và tuân thủ các phương pháp điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nghỉ ngơi và dùng thuốc điều trị theo triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc hạ sốt khi bị sốt, thuốc giảm đau khi bị đau đầu,...
Rửa tay thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ, khử khuẩn đồ dùng, mặt bàn,... trong nhà. (Sức khoẻ & đời sống, trang 16)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang