Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/5/2023

  • |
T5g.org.vn - Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng; Nhiều nơi thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, lo đứt nguồn cung; Tỷ lệ tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác; Số ca COVID-19 có xu hướng giảm.

 

Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Ngày 14-5, Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai Kế hoạch số 73-KH/TWH ngày 21-4-2023 về tổ chức Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2023, chủ đề “Chuyển đổi số trong tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng” và tổ chức Lễ ra quân cấp Trung ương, tại Quảng trường 15-5 (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng).
Đây là năm thứ 13 liên tiếp ngày hội được tổ chức, mục đích tăng cường công tác sàng lọc các bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho người dân, với nhiều hoạt động tri ân gia đình cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ trong các hoạt động cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phát huy vai trò của thanh niên và thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số các hoạt động của đoàn, hội.

Dự kiến trong ngày 14-5, các tỉnh, thành đoàn, hội trên cả nước, tổ chức các chương trình khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí và các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng, với các chỉ tiêu cụ thể: 6.000 thầy thuốc trẻ tham gia ngày hội, 50.000 người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp, 50.000 người dân được tư vấn sử dụng app chăm sóc sức khỏe, 50.000 người dân được tư vấn sức khỏe trực tuyến, 100% người dân được tiếp cận với thông tin phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và các triệu chứng hậu Covid-19, 10.000 tình nguyện viên được tập huấn về dinh dưỡng và phòng, chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa, vận động hội viên, thanh niên hiến 10.000 đơn vị máu…

Các hoạt động trong ngày hội năm nay bao gồm: khám, sàng lọc, tư vấn tình nguyện; hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; hướng về biên giới, hải đảo; kết nạp đảng viên mới; tặng trang thiết bị hỗ trợ chuyển đổi số y tế trong hoạt động khám bệnh tình nguyện...

Trong khuôn khổ lễ ra quân, Trung ương Hội tổ chức tặng 30 tủ thuốc y tế thiết yếu và cờ Tổ quốc cho các đội thuyền của ngư dân bám biển; tặng 30 suất học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà 10 gia đình mẹ Việt Nam anh hùng và chiến sỹ đoàn tàu không số; khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí và tư vấn y tế từ xa cho hơn 1.000 người dân; tổ chức ngày hội sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh cho 500 thiếu nhi trên địa bàn; tặng 2 bộ máy tính, máy in cho Đồn Biên phòng Đồ Sơn và Đồn Biên phòng Bạch Long Vỹ; Công ty Cổ phần chăn nuôi CP tài trợ thuốc khám và quà tặng cho 10 tỉnh, trị giá 320 triệu đồng. Tổng trị giá nguồn lực chương trình trong lễ ra quân là gần 800 triệu đồng.

Trong ngày 14-5, 40 tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đồng loạt tổ chức Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2023. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Nhiều nơi thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, lo đứt nguồn cung

Thời gian qua, TP.HCM là một trong nhiều địa phương trên cả nước thiếu nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Để không trì hoãn lịch tiêm, nhiều người phải chi số tiền không nhỏ để tiêm vắc xin dịch vụ thay vì được tiêm miễn phí.
Bác sĩ Phạm Văn Tuấn - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh (TP.HCM) - cho biết trung tâm thường xuyên rơi vào cảnh thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, như hiện tại đang thiếu vắc xin "5 trong 1". Để không gián đoạn lịch tiêm, trung tâm y tế yêu cầu trạm y tế hướng dẫn đưa trẻ tiêm vắc xin dịch vụ.

Khổ cả đôi đàng

Bác sĩ Tuấn cho biết nhiều tháng qua số lượng vắc xin tiêm chủng mở rộng được cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. "Vắc xin tiêm chủng mở rộng là miễn phí cho người dân, nhưng thường không ổn định nên rất khó" - ông Tuấn nói.

Theo danh sách các loại vắc xin đang được tổ chức tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện có rất nhiều loại vắc xin trong chương trình mở rộng treo thông báo "hết", trong đó có vắc xin bạch hầu - uốn ván, vắc xin "3 trong 1" bạch hầu - ho gà - uốn ván, "5 trong 1" bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - sởi...

Đại diện một trạm y tế phường ở quận Bình Thạnh cho biết tiêm chủng mở rộng rất quan trọng đối với một trạm y tế, nhưng trạm y tế hiện đang "điêu đứng" vì thiếu nhiều vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Trạm hiện đang thiếu vắc xin "5 trong 1", còn vắc xin sởi đơn, vắc xin sởi - rubella MR, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván thì lúc có lúc không.

Cán bộ, nhân viên trạm y tế được tính thi đua, thu nhập tăng thêm qua cả tỉ lệ chích ngừa của trẻ trong phường; thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, trạm phải vận động trẻ đi chích ngừa dịch vụ nên dù đã cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn có cán bộ bị hạ thi đua trong quý vừa qua.

Theo đại diện HCDC, vắc xin tiêm chủng mở rộng do dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp thì việc gián đoạn cung ứng vắc xin của mỗi tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, là tình hình chung của quốc gia.

TP.HCM thiếu nhiều loại vắc xin

Vào đầu tháng 5, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh thành xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm.

Vì từ năm 2023 Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách, các địa phương sẽ cân đối khoản kinh phí sử dụng mua vắc xin tiêm chủng, triển khai đấu thầu mua sắm thay vì do Bộ Y tế mua như trước đây.

Đến 11-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế xem xét và có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng.

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết việc thành phố thiếu nhiều vắc xin tiêm chủng mở rộng đã diễn ra trong thời gian dài. Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ thì Bộ Y tế vẫn thực hiện đấu thầu, mua sắm tập trung vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Sở Y tế TP.HCM đã tính toán và gửi lượng vắc xin tiêm chủng mở rộng dự trù cần dùng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Theo đó, năm 2023 TP.HCM cần 672.526 liều vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng (gồm 12 loại/nhóm loại), vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin "5 trong 1") cần nhiều nhất với 123.070 liều.

Còn 6 tháng đầu 2024, TP dự kiến cần khoảng hơn 880.000 liều. Tổng cộng từ nay đến tháng 6-2024, TP dự kiến cần đến khoảng gần 1.553.000 liều vắc xin tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ.

Trong giai đoạn thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cho trẻ như hiện nay, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo tất cả mọi người chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm chung như thường xuyên rửa tay, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, giữ nhà cửa thông thoáng...

Ông Phạm Duy Quang - phó phòng kế hoạch tổng hợp Viện Pasteur TP.HCM - cho biết viện có 27 loại vắc xin dịch vụ trong danh mục.

Các công ty đã bắt đầu giao một số loại vắc xin vào ngày 13-5, dự kiến đến ngày 15-5 viện sẽ có 19/27 loại vắc xin dịch vụ cho hầu hết các loại vắc xin phòng các bệnh có thể tiêm chủng.

Khi nhận được loại vắc xin nào, Viện Pasteur đều tiến hành tiêm ngay các loại vắc xin đó cho người dân.

Như vậy, theo ghi nhận của phóng viên, sau một thời gian thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ từ tháng 6-2022, đến giờ vắc xin dịch vụ mới có trở lại để tiêm cho người dân.

Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, vì sao?

Đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết mới nhận được văn bản của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về rà soát nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng sử dụng trong năm 2023 - 2024.

Sở đang giao CDC rà soát nhu cầu. Theo vị này, việc chưa mua được vắc xin một phần do quy định mới về ngân sách giao địa phương tự đấu thầu tự mua, thay vì Bộ Y tế mua và cấp như trước đây.

"Tiền mua vẫn là ngân sách, mua tập trung số lượng lớn chắc chắn sẽ rẻ hơn, còn để địa phương mua có thể xảy ra tình huống Hà Nam mua giá 10 đồng, Nam Định gần đó lại mua được 9,5 đồng, như thế giải trình như thế nào? Chúng tôi mong Bộ Y tế vẫn mua như trước, sau đó chuyển ngân sách chi cho vắc xin từ địa phương về chi trả" - vị này nói.

Trong khi đó, một chuyên gia về tiêm chủng cho biết đấu thầu vắc xin đặc thù hơn so với đấu thầu thuốc, số lượng mặt hàng ít hơn, việc vì sao giá như vậy, hồ sơ thế nào... địa phương chưa làm bao giờ nên cũng lúng túng và cần một lộ trình.

Chuyên gia cho biết năm 2022, theo chỉ đạo, Bộ Y tế đã đấu thầu gối đầu đủ vắc xin cho 6 tháng đầu 2023, nay theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Y tế sẽ đấu thầu thêm 6 tháng cuối năm và 2024.

"Tùy địa phương còn hay thiếu vắc xin, nhưng vắc xin "5 trong 1", "3 trong 1" có địa phương đã thiếu từ tháng 4" - chuyên gia cho biết. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác

Ngày 14-5, Bộ Y tế cho biết, trong tuần, cả nước ghi nhận hơn 15.600 ca mắc mới Covid-19 mới, trung bình khoảng 2.234 ca/ngày; có 5 ca tử vong do COVID-19. Trung bình, số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày. Cả nước còn khoảng 100 bệnh nhân COVID-19 nặng đang phải thở oxy.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, dù số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày vẫn ở mức cao nhưng tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức 0,37%, vẫn cao hơn so với những bệnh truyền nhiễm khác (0,09%). Do vậy, để giảm tử vong cần tiếp tục cảnh giác, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, nâng cao năng lực hệ thống hồi sức, hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Trong khi đó, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng cho biết, vaccine Covid-19 qua thời gian miễn dịch sẽ giảm dần, tương tự những người đã mắc Covid-19 theo thời gian miễn dịch cũng suy giảm. Do đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine tăng cường để phòng bệnh. Thời gian tới, ngành y tế sẽ lồng ghép tiêm phòng vaccine COVID-19vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia theo hướng không tổ chức tiêm liên tục thường xuyên mà mỗi trạm y tế sẽ có 3-4 buổi tiêm vaccine COVID-19/tháng. (Công an nhân dân, trang 4, Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Số ca COVID-19 có xu hướng giảm

Từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 đến nay, số ca mới mắc COVID-19 ở TPHCM đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, số trường hợp bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn nhiều, ngành y tế kêu gọi cộng đồng tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm của ngành y tế thành phố đang thống kê từng ngày đối với các trường hợp mới mắc COVID-19 trên địa bàn.

Theo số liệu được cập nhật đến ngày 14/5, trong 14 giờ trước đó, toàn thành phố ghi nhận 115 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 44 ca cần nhập viện điều trị. Tính đến ngày 14/5, các bệnh viện trên toàn thành phố đang điều trị cho 341 bệnh nhân COVID-19, số trường hợp có biểu hiện bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp là 135. Hầu hết bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp thuộc nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ngày 5/5, thành phố ghi nhận 301 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 87 ca phải nhập viện điều trị, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 phải điều trị tại các bệnh viện lên 476 với 151 ca phải thở máy.

Trao đổi với phóng viên về tình hình dịch COVID-19, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: “Vừa qua, với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới, trên địa bàn TPHCM đã có sự gia tăng nhất định về số ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế tại thành phố và các thống kê trên thế giới cho thấy, số ca mắc biến thể phụ chưa ghi nhận thể nặng. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch COVID-19 để có phương án ứng phó phù hợp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Với xu hướng số ca bệnh đang giảm dần, hy vọng tình hình COVID-19 hiện nay cũng giống như các loại bệnh khác khi xuất hiện biến thể mới sẽ lây lan nhưng sau đó sẽ được kiểm soát tốt”.

Ngành y tế thành phố đang tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ với trọng tâm là chủng ngừa. Các phường, xã đang rà soát, thống kê tất cả những người trong nhóm nguy cơ nếu chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ triển khai tiêm chủng. Ngành y tế đang chủ động cử đội tiêm đến tận nhà người dân nếu người thuộc nhóm tiêm vắc xin COVID-19 gặp khó khăn khi đi lại.

Trong bối cảnh, số ca bệnh nặng nhập viện điều trị và cần hỗ trợ hô hấp còn nhiều, ngành y tế TPHCM cảnh báo người dân không chủ quan lơ là. Hiện các đơn vị, khoa COVID-19 tại bệnh viện đã được kích hoạt lại để kịp thời cách ly, điều trị tại chỗ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM vẫn sẵn sàng phương án kích hoạt lại BV Dã chiến số 13 trong trường hợp ca mắc gia tăng trở lai với số lượng nhiều. (Tiền phong, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang