“Thầy thuốc đồng hành” bám trụ tuyến đầu
Hết giờ làm tại khu cách ly tập trung ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ Nguyễn Phương về nhà với suy nghĩ bộn bề sau ngày dài căng thẳng. Hình ảnh những tập hồ sơ bệnh án, ca cấp cứu cứ xoay tròn trong đầu.
Chị muốn chìm vào giấc ngủ. “Không được, còn rất nhiều người bệnh đang chờ hỗ trợ!”, bác sĩ Nguyễn Phương tự nhủ. Quả thật, khi chị mở laptop, danh sách chờ tư vấn của Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã kéo dài hút mắt, bất chấp nỗ lực không ngừng của hàng nghìn y, bác sĩ tình nguyện. Dò tìm những người bệnh lớn tuổi nhất trong danh sách, bác sĩ Nguyễn Phương bắt đầu “ca trực” đặc biệt của mình. Những buổi tư vấn thường kéo dài hàng giờ đồng hồ.
“Mỗi lần nhấc máy trò chuyện với người bệnh, tôi đều cảm nhận được niềm vui, sự an tâm của họ. Có không ít người già neo đơn, phải cách ly một mình, dù đã được hỗ trợ nhu yếu phẩm, nhưng không có ai chăm sóc, trấn an. Tôi nhớ mãi một bác đã 64 tuổi, do có bệnh lý nền nhưng ở một mình cho nên lo lắng tới mức không ăn, không ngủ. Bác nghe tư vấn mà lúc nào cũng chỉ sợ tôi cúp máy. Khi cuộc trò chuyện chuẩn bị kết thúc, bác dặn đi dặn lại “Con nhớ gọi bác hằng ngày nghe”… Đó chính là nguồn động lực giúp tôi quên hết mệt mỏi, đôi khi say sưa tư vấn tới nửa đêm”, bác sĩ Nguyễn Phương chia sẻ.
Cuối tháng 7 vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở y tế và y, bác sĩ ở các tỉnh, thành phố phía nam đã quá tải. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh F0 cách ly tại nhà, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp Tổ Thông tin đáp ứng nhanh (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhanh chóng triển khai Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” qua tổng đài 1022.
Với dữ liệu lấy trực tiếp từ CDC các địa phương, Mạng lưới có nhiệm vụ sàng lọc, tiếp cận nhóm người bệnh dễ tổn thương thông qua thăm hỏi, tư vấn y tế gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại. Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: từ 2.500 thành viên ban đầu, đến nay, Mạng lưới đã có tới gần 10 nghìn y, bác sĩ tham gia. Toàn Mạng lưới đã hỗ trợ hiệu quả 146 nghìn người bệnh F0 qua gần 600 nghìn cuộc đàm thoại.
Thành công của Mạng lưới không chỉ ghi dấu tinh thần tình nguyện, xung kích, mà còn thể hiện sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ trẻ trong lồng ghép cùng lúc nhiều mô hình tiếp sức người bệnh điều trị tại nhà. Tiêu biểu như chương trình “Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà” được triển khai từ tháng 8/2021, đến nay đã cấp phát miễn phí hơn 10 nghìn túi thuốc tặng người bệnh F0. Mỗi túi chứa nhiều loại dược phẩm đặc trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm cả thuốc chống đông và máy đo SpO2.
“Với kinh phí hơn một triệu đồng/túi thuốc, các cấp Hội Thầy thuốc trẻ trên cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực vận động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, rà soát để cấp phát theo mức ba túi thuốc ở cùng gia đình được trang bị một máy SpO2 và một nhiệt kế... nhằm tiết kiệm nguồn vật lực, giúp chương trình hỗ trợ được nhiều trường hợp F0 hơn. Tới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai thêm 10 nghìn “Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà”, tiếp tục đồng hành với người bệnh”, anh Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.
Trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam còn chế tạo năm “container xét nghiệm lưu động”, một “container phòng khám lưu động”, trao 100 nghìn khẩu trang N95, 200 nghìn khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, 40 nghìn bộ đồ bảo hộ các loại, 26 nghìn kít xét nghiệm các loại cùng hàng trăm thiết bị y tế hiện đại và bình oxy tặng cơ sở y tế tại các địa phương có dịch; hỗ trợ lực lượng y, bác sĩ chống dịch hàng nghìn suất ăn, thực phẩm và quà tặng... với tổng giá trị hơn 87 tỷ đồng.
Nhờ sự tiếp sức thường xuyên từ “hậu phương”, lực lượng y tế ở tuyến đầu đã kiên cường từng bước đẩy lui dịch bệnh. Suốt gần bốn tháng qua, kỹ thuật viên Trần Minh Nhật (sinh năm 1992) chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn. Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, anh đã tình nguyện hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 6, sau đó tiếp tục đến tăng cường tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh theo hình thức “ba tại chỗ”.
“Nhiều lần, tôi vừa đưa hộp cơm lên miệng thì nhận lệnh bổ sung bình oxy cấp cứu. Do thang máy ưu tiên người bệnh, cho nên chúng tôi thường phải ôm bình oxy chạy thật nhanh từ hầm lên mười mấy tầng lầu. Vừa mệt, vừa đói, nhưng không bao giờ chúng tôi chậm trễ. Bởi ở giai đoạn cấp cứu, chỉ sớm vài giây cũng có thể cứu sống người bệnh. Trong quá trình tình nguyện, tôi và nhiều đồng nghiệp đã nhiễm bệnh, nhưng đều động viên nhau cố gắng hồi phục thật nhanh để quay lại tuyến đầu”, anh Nhật hồi tưởng.
Phát huy sức trẻ, nhiệt huyết của lực lượng tình nguyện, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh đã thành lập Đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trẻ tại thành phố mang tên Bác. Khởi động tại quận Phú Nhuận vào cuối tháng 8/2021, Đội hình đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng phản ứng nhanh, đoàn viên tình nguyện, cơ sở y tế các cấp khám, chữa bệnh và đặc biệt là tư vấn tâm lý cho người bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh cho biết: người nhiễm Covid-19 sau khi hồi phục dễ gặp vấn đề tâm lý. Các thành viên Đội hình sẽ đến nhà, trực tiếp thăm khám, đưa ra hướng hỗ trợ người bệnh theo ba cấp độ. Sau khi chống dịch trong giai đoạn cao điểm, những ngày này, đội ngũ thầy thuốc trẻ tình nguyện lại tiếp tục tổ chức “Bếp cơm dã chiến”, cung cấp những suất cơm ấm áp nghĩa tình đến người bệnh, cán bộ, y, bác sĩ ở các cơ sở y tế.
Đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến không ít gia đình ly tán. Tại những địa phương có dịch bùng phát, đời sống của người yếu thế bị đảo lộn nghiêm trọng. Gia đình chị Lý Thị Sáu nhiều năm nay dựa vào thu nhập ít ỏi từ quầy trứng vịt lộn mở mỗi tối ở tổ 24, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Chồng chị là lao động tự do, thỉnh thoảng mới có người gọi đi phụ hồ. Hai trong số năm người con của anh chị Sáu nhiễm chất độc da cam, không thể đi lại. Nắm bắt hoàn cảnh đặc biệt đó, Hội Liên hiệp Thanh niên, Câu lạc bộ Xe bán tải TP Đà Nẵng đã tặng chị Sáu một xe bán nước mía làm phương tiện sinh kế. Đây là một phần của chương trình hỗ trợ các hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn của tuổi trẻ Đà Nẵng.
Những ngày mưa tháng 10, Đội phản ứng nhanh Thành đoàn Đà Nẵng với nòng cốt là thành viên Câu lạc bộ vẫn thường xuyên có mặt ở hai đầu thành phố để dẫn đường cho đồng bào về quê bằng xe máy từ các tỉnh phía nam. Lần thứ hai ra quân, 51 thành viên của Đội phản ứng nhanh còn phối hợp nhiều nhóm từ thiện hỗ trợ đồng bào sửa xe, bơm xăng, dầu, trao tặng suất ăn, nhu yếu phẩm…
Trong giai đoạn TP Đà Nẵng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội vừa qua, đội cũng đã hỗ trợ vận chuyển khoảng 40 tấn rau, củ, hàng hóa tiếp sức các khu phong tỏa và vận động nguồn lực, trao hơn một nghìn suất quà, nhu yếu phẩm tặng các gia đình khó khăn. “Chúng tôi đã thức trắng nhiều đêm liên tiếp. Thấm mệt, nhưng cứ nghĩ tới còn nhiều bà con gặp khó khăn trong đại dịch, cả đội lại tiếp tục cố gắng hơn. Anh em đều có chung suy nghĩ: tuổi trẻ cần biết cống hiến, hy sinh vì người khác”, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xe bán tải TP Đà Nẵng Phan Minh Việt bộc bạch.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Với những cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe toàn dân nói riêng, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là dịp để mỗi hội viên, thanh niên bày tỏ niềm tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng trung thành với lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần gắn bó, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, ra sức phát triển Hội.
Chính truyền thống quý báu đó đã tạo nên động lực xuyên suốt các chặng đường lịch sử, hun đúc lớp lớp người trẻ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dịch họa. Ở mọi hoàn cảnh, điều kiện, thanh niên Việt Nam đều quyết không ngại khó khăn, gian khổ, luôn xung kích, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tình nguyện, góp sức trẻ trên tuyến đầu. (Nhân dân, trang 1)
Giảm nỗi lo hậu Covid-19
TP Hồ Chí Minh đã trải qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19. Số ca nhiễm ngày càng giảm mạnh, tỷ lệ phủ vắc-xin tăng nhanh. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đã chữa khỏi, những tác động tiêu cực mà các F0 phải gánh trong đợt dịch này là rất lớn.
Là F0 triệu chứng nhẹ và được địa phương đồng ý cho tự cách ly tại nhà, thế nhưng sau khi khỏi bệnh gần một tháng, chị T.N.T. (quận Phú Nhuận) vẫn thấy mệt mỏi, khó thở và thường xuyên nhức đầu, chị T. phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ. “Tôi như trầm cảm, chẳng muốn nói chuyện với chồng, con hay làm việc. Lúc nào tôi cũng thấy lo lắng, bất an, nhất là khi nhớ lại giai đoạn mình phải thở oxy, chống chọi với các diễn biến của bệnh. Không biết đến khi nào tôi mới khỏe mạnh thật sự”, chị T. thở dài.
Mặc dù theo thống kê của Bộ Y tế, đợt dịch này cả nước chỉ có khoảng 11% số ca nhiễm Covid-19 trở nặng, còn lại hơn 80% F0 không triệu chứng hoặc ở mức nhẹ, trung bình nhưng nhiều người bệnh vẫn lo âu, dẫn đến các tổn thương về tinh thần, tâm lý. Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Trung ương 1 cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn khi thời gian giãn cách kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhiều người dân tại thành phố. Sau một thời gian dài tham gia điều hành Tổ Y tế từ xa của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với nhiệm vụ chính là tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, ThS, BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng bộ môn Nhiễm cảm nhận rõ nỗi lo mà các F0 gặp phải. Theo bác sĩ Vân Anh, chứng “Covid kéo dài” (“long Covid”) bao gồm các triệu chứng xảy ra ở một số người sau khi đã khỏi bệnh. Thông thường, Covid-19 gây bệnh ở mức độ nhẹ và người bệnh sẽ hồi phục trong khoảng vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, một số người vẫn còn các triệu chứng sau khi đã khỏi bệnh trong vài tháng, thậm chí là một năm mà không khỏe hoàn toàn. Dấu hiệu phổ biến nhất là mệt mỏi. Triệu chứng có thể xuất hiện theo từng đợt nhưng thường kéo dài dai dẳng… Cùng với đó, bác sĩ Vân Anh cho rằng, sang chấn tâm lý do Covid-19 cũng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức: “Sang chấn tâm lý để lại những hậu quả lâu dài về các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội hay tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, người bị sang chấn tâm lý sau Covid cần được phát hiện và điều trị sớm, đồng thời duy trì các điều trị nâng đỡ trong một thời gian dài”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc được phát hiện kịp thời, điều trị đúng phác đồ sẽ giúp người nhiễm Covid-19 sớm hồi phục. Với những F0 biểu hiện nhẹ, trung bình, quá trình điều trị này sẽ được ngắn hơn rất nhiều và giảm những tổn thương sau Covid. Tuy nhiên, sau khi chuyển từ tình trạng dương tính sang âm tính, người bệnh không được chủ quan mà cần đặt cơ thể vào tình trạng chăm sóc, theo dõi đặc biệt trong ít nhất sáu tháng để kịp thời phát hiện những thay đổi tiêu cực, nhất là về mặt tâm lý. Với thể trạng còn yếu sau quá trình điều trị, theo PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện, bổ trợ thêm các loại dược phẩm, vitamin cần thiết để tăng sức đề kháng tự nhiên. Ở giai đoạn “dưỡng thương” này, quan trọng nhất là thực dưỡng. Thức ăn phải đa dạng, đủ thành phần được chế biến hạn chế dầu mỡ sẽ giúp người bệnh dễ dàng hấp thu dưỡng chất. Chất lượng giấc ngủ phải được coi trọng vì đây là quá trình rất cần thiết để cơ thể phục hồi chức năng của các cơ quan. Các F0 sau khi khỏi bệnh cũng cần tập trung luyện thở để rút ngắn thời gian phục hồi tổn thương ở phổi.
Nhằm hạn chế thấp nhất những thương tổn kéo dài sau quá trình điều trị Covid-19, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần lưu ý những bất thường để kịp thời đi khám. Trong trường hợp thường xuyên lo âu, mất ngủ, ngủ không ngon, F0 hậu Covid-19 cần sớm tìm giải pháp cải thiện “vệ sinh giấc ngủ” như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh uống cà-phê và rượu vào cuối ngày, không nhìn vào màn hình trước khi ngủ… Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm giúp dễ ngủ, uống nước ấm, xông phòng hoặc mở các loại nhạc phù hợp. “Tùy vào tình trạng của mỗi cá nhân mà F0 sau quá trình điều trị Covid có thể cần thuốc để giảm các triệu chứng như ho hoặc đau và phục hồi chức năng các cơ quan quan trọng như tim, phổi... Với một số trường hợp, liệu pháp vật lý và vận động, điều trị lo âu hoặc trầm cảm là cần thiết. Do đó, những người có biểu hiện triệu chứng “Covid kéo dài” nên đến những bệnh viện có các đơn vị điều trị sau Covid để được khám, theo dõi và nhất là cần theo các chương trình tập phục hồi chức năng để giữ cho cuộc sống có chất lượng tốt”, bác sĩ Vân Anh nhắn nhủ.
Phối hợp đông - tây y trong việc phục hồi cơ thể sau Covid cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc đến thời gian gần đây. Họ cho rằng, nếu chọn lọc các phương pháp phù hợp với thể trạng và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, lương y, các F0 sau điều trị sẽ sớm quay lại nhịp sinh hoạt bình thường, tránh được những hệ quả đáng tiếc làm giảm chất lượng cuộc sống. Còn các chuyên gia tâm lý thì cho rằng, quá trình phục hồi tâm lý cần được triển khai song song với phục hồi sức khỏe vì lúc đó người bệnh rất dễ gặp những thương tổn kéo dài, càng để lâu càng khó khắc phục. Sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè và cộng đồng là điều vô cùng cần thiết giúp các F0 sớm tách biệt khỏi sự ảnh hưởng không mong muốn từ dịch bệnh. (Nhân dân, trang TPHCM)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 5: “Gánh nặng hậu Covid-19: Cùng giúp bệnh nhân nỗ lực vượt qua”
Bảo đảm công tác điều trị trong trạng thái bình thường mới
Sau hơn 10 ngày nới lỏng giãn cách, người dân đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, đó là thách thức buộc người dân phải điều chỉnh thói quen, không được chủ quan và cần phải cảnh giác phòng, chống dịch bệnh hơn nữa. Người dân cần thực hiện nghiêm quy định Chỉ thị 18 của UBND thành phố, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.
Trên lĩnh vực y tế, thành phố đã xây dựng các lộ trình thích ứng trong điều kiện bình thường mới với mục đích vừa bảo đảm công tác điều trị bệnh thông thường vừa phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc Covid-19. Cụ thể, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn quy trình xử lý gồm bốn bước khi phát hiện ca mắc Covid-19 tại các cơ sở y tế phù hợp yêu cầu trong tình hình mới gồm: cách ly tạm F0, đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để đưa ra hướng xử trí, cách ly, điều trị phù hợp, nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” và chăm sóc F0. Đối với các phòng khám chưa đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khi phát hiện người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 lập tức liên hệ và hướng dẫn người bệnh đến các bệnh viện để được tầm soát theo quy định.
Sở Y tế cũng tham mưu UBND thành phố thành lập tại mỗi quận, huyện một bệnh viện dã chiến với số giường từ 300 đến 500; trong đó, có 30 đến 50 giường trang bị oxy để sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố xảy ra, song song với việc chuyển đổi dần công năng của các bệnh viện tuyến quận, huyện để bảo đảm thực hiện công tác điều trị bệnh cho người dân. Ngoài ra, để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân nặng khi lực lượng tăng cường rút về, thành phố đã giữ lại ba bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 cũng như sẵn sàng tiếp nhận ba trung tâm hồi sức tại các bệnh viện dã chiến này do những bệnh viện Trung ương phụ trách. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng mô hình bệnh viện ba tầng tại các bệnh viện dã chiến nhằm kịp thời điều trị cho các bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định ngành y tế cả nước nói chung và ngành y tế thành phố nói riêng đã đứng vững trước cơn bão “Covid-19” trong suốt gần năm tháng qua. Tuy nhiên, sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 cũng cho thấy những bất cập, yếu kém của hệ thống y tế thành phố trong suốt nhiều năm qua, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người dân trong điều kiện vi-rút SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, thành phố cần củng cố nguồn nhân lực, trang thiết bị của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế phường, xã, thị trấn, cũng như cần duy trì hoạt động của trạm y tế lưu động.
Thành phố cần đầu tư công tác y tế dự phòng, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp để chủ động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Ngoài ra, việc tái cấu trúc lại bộ máy, cơ sở vật chất của các bệnh viện và cơ sở y tế khác phải thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp để sẵn sàng đảm nhận hai chức năng quan trọng, đó là điều trị bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân không Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới hiện nay. (Nhân dân, trang TPHCM)
Bệnh viện dã chiến vắng dần bệnh nhân
Theo Sở Y tế TPHCM, sau 2 tuần nới lỏng giãn cách, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực. Số ca F0 mắc mới, thu dung điều trị mỗi ngày giảm ở tất cả các tầng, lượng bệnh nhân xuất viện hàng ngày tăng. Các bệnh viện (BV) dã chiến dần vắng bệnh nhân và sắp hoàn thành sứ mệnh của mình, các BV điều trị Covid-19 đang trên đà phục hồi công năng, dần trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Thu hẹp điều trị Covid-19
Những ngày gần đây, nhiều khu vực trong BV dã chiến số 12 đã bắt đầu trống vắng bệnh nhân, đặc biệt các giường bệnh ở khu cấp cứu không còn trường hợp nào phải thở oxy.
Theo bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, Giám đốc BV dã chiến số 12, vào lúc cao điểm (khoảng cuối tháng 8), mỗi ngày đơn vị này điều trị hơn 70 bệnh nhân nặng cần hỗ trợ oxy, trong đó nhiều ca thở bằng máy dòng cao HFNC. Tuy nhiên đến thời điểm này, mỗi ngày BV chỉ còn tiếp nhận 30-40 ca bệnh. Số bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện mỗi ngày một nhiều. Hiện nơi này đang điều trị cho hơn 420 bệnh nhân. Dự kiến BV dã chiến số 12 sẽ hoàn thành sứ mệnh và giải thể vào đầu tháng 11 tới đây.
Tại BV dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 (do BV Nhi đồng Thành phố phụ trách) từ cao điểm hơn 4.000 bệnh nhân và thường xuyên quá tải, đến ngày 14-10, những bệnh nhân cuối cùng cũng đã xuất viện.
Theo lộ trình của Sở Y tế TPHCM, trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, 13 BV dã chiến điều trị Covid-19 của thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động từ nay đến cuối năm, trả lại cơ sở vật chất để các trường đại học, cao đẳng bắt đầu tiếp nhận học sinh, sinh viên trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư vào phục vụ người dân.
Đồng thời, khi tình hình dịch bệnh ổn định, số ca mắc Covid-19 giảm rõ, thành phố sẽ hình thành mô hình BV dã chiến điều trị Covid-19 ba tầng thay thế cho các BV dã chiến của quận, huyện và BV dã chiến TP.
Phục hồi công năng bệnh viện
Cùng với các BV dã chiến, lượng bệnh nhân nhập viện tại các BV điều trị Covid-19 và “BV tách đôi” cũng giảm mạnh, đặc biệt là giảm số bệnh nhân nặng. Các BV này đang tích cực chuẩn bị phục hồi công năng, đảm bảo vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc Covid-19, vừa khám chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân thành phố cũng như các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại BV Chợ Rẫy - đơn vị tuyến cuối của khu vực phía Nam, những ngày gần đây số lượng bệnh nhân Covid-19 cũng đang giảm dần. Hiện trong số 85 bệnh nhân đang điều trị tại đây chỉ còn 2 ca ECMO, 20 bệnh nhân thở máy xâm lấn, số còn lại đang trong tình trạng sức khỏe ổn định.
TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, hiện các khoa phòng đang dần trở lại trạng thái bình thường. Là BV tiếp nhận tới 60% bệnh nhân từ các tỉnh thành nên công tác chuẩn bị đang được sắp xếp kỹ lưỡng. Khu vực tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 được phân luồng riêng. Khoa Cấp cứu của BV đã tiếp nhận các bệnh lý thông thường, các khoa phòng đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó, các BV được chuyển đổi theo mô hình “BV tách đôi” cũng đang dần thu hẹp khu vực điều trị Covid-19, mở rộng khu vực điều trị không Covid-19. Đơn cử như BV Nguyễn Trãi, được chuyển đổi mô hình tách đôi với 350 giường điều trị Covid-19, trong đó có 100 giường bệnh nặng. Hiện nay số lượng bệnh nhân điều trị và số lượng bệnh nặng đã giảm sâu. BV đã sẵn sàng, chờ điều phối của Sở Y tế về phương án phục hồi công năng. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Doanh nghiệp được chủ động xét nghiệm cho nhân viên
Ngày 14-10, đại diện Bộ Y tế đã làm rõ hơn một số nội dung về hướng dẫn xét nghiệm để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, yêu cầu về xét nghiệm tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc người đã khỏi bệnh. Đồng thời cũng tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong quyết định xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch.
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Hơn nữa, với những người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm trong các tình huống, như: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh được tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Về phía các địa phương được chủ động quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch. Để tiết kiệm, Bộ Y tế cũng hướng dẫn trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ thì thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu.
* Cũng trong ngày, Bộ Y tế đã tiếp nhận 560.000 liều vaccine AstraZeneca và 12,5 tấn vật tư y tế từ Hungary, Croatia và Slovakia hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Trường ĐH, CĐ khó tuyển y bác sĩ đáp ứng quy định về y tế
Cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp phải bố trí nhân viên y tế trình độ bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định. Thế nhưng việc tuyển người theo quy định rất khó khăn.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về y tế trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo nêu rõ trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào điều kiện, nhu cầu, phải bố trí nhân viên y tế trường học có trình độ bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định.
Trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí nhân viên y tế, phải ký hợp đồng với trung tâm y tế huyện, quận, thành phố hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe người học.
Thông tư này khi chính thức có hiệu lực sẽ thay thế cho Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học ký từ 21 năm trước (ngày 1.3.2000) của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Đăng tuyển dụng nhưng không ai nộp hồ sơ
Đối với một trường ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe, các quy định trên hoàn toàn có thể đáp ứng một cách dễ dàng. Với các trường đa ngành có đào tạo ngành y, việc đáp ứng các điều kiện này cũng không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, đối với các trường ĐH không có khối ngành sức khỏe, thì việc tuyển y bác sĩ về công tác tại bộ phận y tế của trường là hết sức khó khăn.
Chia sẻ về quy định này, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Đây là quy định rất cần thiết đối với các cơ sở giáo dục, vì số lượng sinh viên (SV) rất đông, có trường lên đến hàng chục ngàn SV. Hằng ngày, vẫn có những trường hợp SV đau đầu, chóng mặt, đau bụng thậm chí có em ngất xỉu vì gặp vấn đề sức khỏe cần phải hỗ trợ thuốc men hoặc cấp cứu. Tuy nhiên, để tuyển được bác sĩ là không hề dễ dàng vì đối với một người tốt nghiệp ngành y đa khoa ra, thì làm việc ở bệnh viện vẫn phù hợp và hấp dẫn hơn. Chính vì thế, trường đã tuyển vào biên chế một bác sĩ đã về hưu và một y sĩ để thay nhau chăm sóc sức khỏe cho người học, cán bộ giảng viên”.
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một bác sĩ chuyên khoa, có tay nghề sẽ không mặn mà với công việc chăm sóc y tế ở cơ sở giáo dục vì so với làm việc ở bệnh viện hay cơ sở y tế thì thu nhập thấp hơn nhiều. “Bên cạnh đó, về trường làm việc thì các bác sĩ sẽ không phát huy được chuyên môn và khó phát triển được nghề nghiệp, do công việc chỉ đơn giản là tư vấn sức khỏe, sơ cứu nhẹ nhàng… Do đó, tuyển bác sĩ về trường là vô cùng khó khăn”, thạc sĩ Trung chia sẻ.
Còn Trường CĐ Kinh tế đối ngoại có 5 cơ sở nên bắt buộc mỗi cơ sở đều phải có nhân viên y tế. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho hay việc tuyển dụng vô cùng khó khăn. “Ngoài lương, trường cũng có thu nhập tăng thêm và một số ưu đãi, nhưng không mời được bác sĩ. Vì thế, trường chỉ mời được các y sĩ về làm việc. Hiện trường muốn tuyển thêm y sĩ để mỗi cơ sở có 2 nhân viên thay phiên nhau trực, tuy nhiên đăng thông tin tuyển dụng mà không có ai chịu về”, PGS-TS Minh nhìn nhận.
Trường CĐ Công thương TP.HCM trước đây cũng tuyển y sĩ cho bộ phận y tế. Sau khi tạo điều kiện cho y sĩ này học chuyên tu lên bác sĩ, thì không lâu sau đó, bác sĩ đã... xin nghỉ để đi làm bên ngoài.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho hay: “Một trường học có cả chục ngàn SV, nhất định phải có y bác sĩ để chăm sóc y tế. Tuy nhiên, công việc của nhân viên y tế ở trường học cũng chủ yếu là cung cấp thuốc men cho trường hợp nhẹ, nếu nặng thì chỉ sơ cứu rồi làm thủ tục đưa đi bệnh viện, ngoài ra chỉ làm các công việc liên quan bảo hiểm y tế... Vì thế, y bác sĩ khó phát triển được chuyên môn, nghề nghiệp, chưa kể thu nhập cũng thấp hơn so với làm ở các bệnh viện, phòng khám”.
Nên cho trường tuyển cả điều dưỡng
Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão, giảng viên Trường ĐH Duy Tân và đang công tác kiêm nhiệm tại Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: “Nếu không có bác sĩ, để đáp ứng quy định, các trường có thể tuyển y sĩ. Tuy nhiên, y sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề khám bệnh thì sau khi nhận bằng tốt nghiệp, phải có 12 tháng thực hành trong bệnh viện. Thường y sĩ nào có chứng chỉ thì cũng vẫn thích làm việc ở bệnh viện, trung tâm y tế hơn. Chưa kể, hiện nay số lượng người đi học y sĩ rất ít. Vì vậy, việc tuyển y sĩ có chứng chỉ khám bệnh cũng lại vướng mắc chứ không dễ dàng”.
Theo bác sĩ Bão, quy định này là cần thiết nhưng nên mở rộng, nhân viên y tế trong các cơ sở giáo dục ĐH và nghề nghiệp không nhất thiết phải là bác sĩ, y sĩ mà cả điều dưỡng (y tá), vì điều dưỡng cũng có thể sơ cấp cứu và đánh giá ban đầu. “Một y sĩ mà chưa có kinh nghiệm thì chưa chắc đã bằng một điều dưỡng, vì thế, điều dưỡng cũng có thể làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người học”, bác sĩ Bão nói.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn đề xuất các trường có thể tuyển bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc các bác sĩ y tế dự phòng, y tế cộng đồng về làm việc. (Thanh niên, trang 17)
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em: Nhóm 16-17 tuổi tiêm trước
Ngày 14.10, Bộ Y tế có Văn bản số 8688/BYT-DP hướng dẫn về việc “tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi” gửi UBND các tỉnh, thành.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Theo đó, mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.
Vắc xin sử dụng tiêm cho trẻ em đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này; và sử dụng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vắc xin. Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 này nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Theo hướng dẫn, tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ trẻ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng cần thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bộ Y tế cho biết thêm, đến hết ngày 11.10, bộ này đã tiếp nhận và tổ chức tiêm hơn 55 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau. Với một số loại vắc xin phòng Covid-19, theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em, các kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. (Thanh niên, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 12-17 tuổi”; Công an Nhân dân, trang 1: “Cho phép tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi”; Tuổi trẻ, trang 5: “Tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi ngay trong tháng 10”; Nông thôn ngày nay, trang 1: “Chính phủ ban hành Nghị quyết mới: Lên lộ trình tiêm vaccine sớm đưa học sinh lại trường”
TP.HCM sẽ sớm ban hành chiến lược về y tế
Ngày 14.10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 9 mở rộng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát và đã trải qua 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM về cuộc sống bình thường mới.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rất rõ trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm. Nếu như 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 5,66% so với cùng kỳ thì đến quý 3 - thời gian TP.HCM thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm 24,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, nền kinh tế cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 271.639 tỉ đồng, giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM ước đạt hơn 16,2 tỉ USD…
Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, ông Lê Hòa Bình cho biết TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế; trong đó rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng... để kịp thời giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Không để lỡ cơ hội
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn chỉ ra những mặt chủ quan, hạn chế, bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo trước các tình huống dịch bệnh. “Trong đại dịch, chúng ta càng thấy rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp của từng cán bộ từ TP đến cơ sở. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rất rõ những hạn chế, yếu kém của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống mà bình thường không thể thấy hết”, ông Nên nhìn nhận.
Ông Nên cũng nêu nguyên nhân khách quan xuất phát từ thực trạng dân số, tình hình dân cư, đời sống và sinh hoạt của một bộ phận lao động nghèo kiếm sống bằng nghề dịch vụ đường phố, tá túc ở những khu nhà trọ không đảm bảo yêu cầu khi có dịch, khó thực hiện giãn cách. Hệ thống y tế và hệ thống chính trị cơ sở bộc lộ sự quá sức với số lượng người dân quá lớn khi dịch bệnh ập đến.
Về các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị khẩn trương ban hành chiến lược về y tế bởi đây là trụ cột trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó nâng cao chất lượng y tế TP, nhất là y tế cơ sở, đảm bảo người dân tiếp cận sớm nhất ngay từ cơ sở; tạo điều kiện cho y tế công lập, tư nhân, nâng cao khám chữa bệnh; tổ chức lại các trung tâm y tế thuộc UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức. (Thanh niên, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 3: “TPHCM vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế”; Tuổi trẻ, trang 5: “TP.HCM tăng tốc cho giai đoạn nới lỏng giãn cách”
Đẩy mạnh ngoại giao vaccine để phòng, chống dịch bệnh, góp phần phục hồi kinh tế
Chiều 14/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm 8 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được chỉ định trong nhiệm kỳ 2021 – 2024.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trọng trách tại các quốc gia ở khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Đại dương và nhấn mạnh, đây là vinh dự to lớn và cũng là nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện.
Nêu bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến các nước đều phải nỗ lực đẩy mạnh tranh thủ huy động nguồn lực cả bên trong và bên ngoài để phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong đối ngoại, huy động các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho sự phát triển về mọi mặt của đất nước.
Cùng với đó là phát huy truyền thống “ngoại giao chân thành từ trái tim tới trái tim”, tạo sự hiểu nhau, tin cậy lẫn nhau, qua đó đẩy mạnh hợp tác với các đối tác bạn bè truyền thống một cách vững chắc trên tất cả các lĩnh vực; tranh thủ tối đa tiềm lực của các đối tác, đem lại lợi ích trong cả quan hệ song phương và đa phương.
Chủ tịch nước cũng nhắc nhở các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện đẩy mạnh thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế để có nguồn lực phòng, chống dịch bệnh ở trong nước, góp phần phục hồi kinh tế. Từ những kinh nghiệm của nước ngoài, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện cần chắt lọc, tham mưu mô hình tăng trưởng, thu hút nguồn lực. Trong bối cảnh dịch COVID-19 thì cần triển khai đối ngoại linh hoạt sáng tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đề xuất việc tiếp xúc đa dạng trong bối cảnh bình thường mới.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; coi công tác kiều bào và bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm; huy động các nguồn lực của bà con kiều bào đóng góp xây dựng đất nước; giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe các đề xuất, ý kiến của các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thay mặt cho các Đại sứ, Trưởng đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ? Nguyễn Thanh Hải bày tỏ vinh dự nhận nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao; đồng thời lắng nghe, tiếp thu những nhiệm vụ, chỉ đạo của Chủ tịch nước để tiếp tục thực hiện hiệu quả, thắng lợi chính sách đối ngoại Việt Nam đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. (Công an Nhân dân, trang 1)
Bộ Y tế làm rõ hơn hướng dẫn về xét nghiệm để 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19'
Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và người đã khỏi bệnh COVID-19 chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; không thực hiện xét nghiệm việc đi lại của người dân, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế
Ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, yêu cầu về xét nghiệm tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh, đồng thời cũng tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong quyết định xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch.
Theo đó, điểm mới trong thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong hướng dẫn tạm thời này thể hiện ở chỗ:
Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng như: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất vị giác và khứu giác…;
Cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; nhóm nguy cơ gồm các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người… như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…
Không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Những người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm trong các tình huống sau: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Các cơ sở sản xuất kinh doanh được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.
Các địa phương chủ động quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Không chỉ định việc xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân”
Bắt giữ 9 đối tượng trong 3 đường dây làm giấy xét nghiệm COVID-19 giả
Đấu tranh với các đối tượng trong đường dây làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 vừa triệt phá, Cơ quan CSĐT - Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã bắt giữ thêm 5 đối tượng thuộc 2 đường dây khác.
Cơ quan công an cho biết, 5 đối tượng này ở 2 đường dây làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 khác, tuy nhiên có liên hệ qua lại với nhóm làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 bị Công an TP Phan Thiết triệt phá vào ngày 10/10.
Tiến hành khám xét nhà các đối tượng, thu giữ nhiều máy tính, tài liệu có liên quan trong vụ án. Cơ quan công an cũng xác định nhóm này đã làm giả hàng trăm giấy xét nghiệm với kết quả âm tính giả.
Hiện Cơ quan CSĐT - Công an TP Phan Thiết đang làm rõ mối quan hệ giữa 3 đường dây chuyên làm giả giấy xét nghiệm COVID-19, có dấu hiệu phạm tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức."
Trước đó, vào chiều 10/10, Cơ quan CSĐT - Công an TP Phan Thiết đã bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 gồm: Trần Xuân Đạt (SN 1987); Diệp Từ Hiếu (SN 1977), cùng trú phường Phú Trinh, TP Phan Thiết; Phùng Thành Tài (SN 1993, trú phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết) và Nguyễn Minh Tiến (SN 1987, trú xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).
Khám xét tại nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 27 giấy xét nghiệm test nhanh COVID-19 có kết quả âm tính giả mang tên các phòng khám, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP Phan Thiết cùng nhiều vật dụng có liên quan.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận do thấy nhu cầu rất lớn của người dân về giấy xét nghiệm COVID-19, các đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả từ tháng 9/2021. Để thực hiện hành vi này, Trần Xuân Đạt đã đặt Diệp Từ Hiếu làm giả 100 giấy xét nghiệm, sau đó bán cho người có nhu cầu với giá 70.000 đồng/giấy.
Hiện Công an TP Phan Thiết đang tích cực thu hồi các giấy xét nghiệm giả đã được bán ra. Cùng đó, cơ quan công an đề nghị người dân đang sử dụng các giấy xét nghiệm giả đã mua của các đối tượng trên thì nhanh chóng đến công an các địa phương cung cấp thông tin phục vụ cho công tác điều tra. Trường hợp người dân cố tình không đến khai báo có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Qua trên có thể thấy, các đối tượng làm giả đã lợi dụng nhu cầu của những người có nhu cầu sử dụng giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 nhưng không cần đi xét nghiệm. Với ở mức giá chấp nhận được, các đối tượng đã tìm cách làm giả giấy và con dấu của các cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận để bán nhằm thu lợi bất chính.
Trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch, những giấy giả xét nghiệm này tuy chỉ được bán ra với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng nhưng hậu quả của nó để lại thật khôn lường. Sẽ ra sao nếu như có người được đi qua các chốt kiểm soát bằng giấy giả kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính nhưng trong người lại đang có virus SAR-CoV-2. Điều này đang tiếp tay cho dịch bệnh phát tán rộng hơn và phá hủy những cố gắng trong một thời gian dài của chính quyền và người dân ở các địa phương.
Đây chỉ là một số vụ án được lực lượng công an vào cuộc điều tra, bắt giữ được các đối tượng làm giấy xét nghiệm COVID-19 giả. Liệu có còn nhiều đường dây chưa được đưa ra "ánh sáng".
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt thật nghiêm minh không chỉ đối với những đối tượng làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 mà còn cả đối với những người mua và sử dụng giấy xét nghiệm giả để mang tính răn đe, đồng thời là bài học cảnh tỉnh cho những trường hợp khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 13)
Bảo đảm an toàn thực phẩm kết hợp phòng dịch
Hiện tại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã đang tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm khi phát hiện trường hợp vi phạm...
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm
Hơn 3 tuần nay, cửa hàng phở Thìn ở B2-11 (đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đã mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Anh Phạm Xuân Điều, chủ cửa hàng này cho biết, hiện trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 100 suất/ngày. Trước khi mở cửa trở lại, cơ sở đã được tập huấn về các tiêu chí phòng dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ cửa hàng sữa chua trân châu Hạ Long (đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngoài tuân thủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, cửa hàng cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch. Cụ thể, mỗi khách hàng đến đây đều phải bảo đảm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và quét mã QR khai báo y tế...
Tại thời điểm kiểm tra 2 cửa hàng nêu trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và quận Nam Từ Liêm đánh giá, các cơ sở này đã chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng dịch cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm. Hệ thống dụng cụ được sắp xếp ngăn nắp, thực phẩm cũng như các nguyên liệu pha chế, bao gói sản phẩm đều có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc… Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh một số mẫu thực phẩm và dụng cụ chế biến đều bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, chỉ có khoảng 20% cơ sở hoạt động trở lại với hình thức phục vụ bán mang về. Khi các cơ sở hoạt động trở lại, quận đã tăng cường tập huấn và kiểm tra các điều kiện an toàn thực phẩm, nhất là kiểm tra hợp đồng mua bán thực phẩm, các dụng cụ bao gói thực phẩm phải bảo đảm xuất xứ, nguồn gốc…
Còn tại huyện Sóc Sơn, trong 9 tháng năm 2021, các đơn vị chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với 465 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 393 cơ sở bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; còn lại 72 cơ sở có vi phạm (chiếm 15,5% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra). Các đoàn thanh, kiểm tra đã thực hiện xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng đối với 47 trong tổng số 72 cơ sở được phát hiện có vi phạm. Cùng với tịch thu toàn bộ hàng hóa không bảo đảm chất lượng, huyện cũng đã thông báo công khai cơ sở vi phạm để người dân biết và phòng tránh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, thời điểm hiện nay, cùng với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh còn phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, huyện đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải ký cam kết bảo đảm song hành hai nhiệm vụ nêu trên.
Kiên quyết đóng cửa cơ sở không bảo đảm an toàn
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có hơn 83 nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh và sản xuất thực phẩm chịu sự quản lý của 3 ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT.
Để duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt hiệu quả song hành với việc phòng, chống dịch, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, trong thời điểm hiện tại khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đầu tiên là các địa phương cần rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Tiếp đến, cùng với việc tập huấn, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương phải tăng cường tổ chức thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phải xử lý nghiêm, đồng thời chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện vi phạm.
“Trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh hoạt động của các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc kiểm tra đột xuất các cơ sở, huyện sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề, tập trung vào từng lĩnh vực do các ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT quản lý. Các đoàn kiểm tra của huyện sẽ kiên quyết đóng cửa hoạt động các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống dịch.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, từ nay đến cuối năm 2021 là cao điểm buôn bán, vận chuyển và sử dụng thực phẩm, do đó, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phù hợp với điều kiện dịch Covid-19. Trong đó sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử phạt nghiêm các cơ sở có vi phạm để tạo sức răn đe. (Hà Nội mới, trang 5).