Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ Công an hỗ trợ TP Hà Nội cấp sổ sức khỏe điện tử cho 100% người dân sống trên địa bàn; Coi trọng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân…

 

Mong muốn Pháp hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực ngành y tế, nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Chiều 14/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi để trao đổi, nghiên cứu về hợp tác giữa Pháp-Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống HIV, lao, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Vui mừng gặp lại Giáo sư và bày tỏ ấn tượng trong lần thăm Viện Pasteur Paris nhân chuyến thăm chính thức Pháp hồi tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ngưỡng mộ Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi – người đồng tác giả tìm ra HIV-virus gây bệnh AIDS vào năm 1983; được trao giải Nobel Sinh lý học và Y học vào năm 2008 vì những đóng góp cho nhân loại.

Với Việt Nam, từ năm 1988 đến nay, Giáo sư đã có hơn 20 lần đến Việt Nam, trực tiếp đào tạo cũng như giúp nhiều nhà khoa học và bệnh viện, viện nghiên cứu kết nối với nhiều chuyên gia trên thế giới, tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp không ngừng được củng cố, phát triển thời gian qua, trong đó có hợp tác y tế, đặc biệt là trong phòng, chống dịch Covid-19; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng, đánh giá cao kết quả quan hệ hợp tác y tế với Pháp nói chung và với Viện Pasteur nói riêng; cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Pháp nói chung, Viện Pasteur và Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi nói riêng khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục triển khai các nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phê duyệt các đề xuất viện trợ do Quỹ Toàn cầu tài trợ và huy động thêm nguồn ngân sách cấp cho Việt Nam từ cộng đồng quốc tế; mở rộng các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ khoa học, xây dựng cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, Viêm gan B, C và các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chọn Việt Nam là một trong các điểm nghiên cứu toàn cầu trong lĩnh vực y tế nói chung và theo dõi tình trạng mô hình dịch bệnh nói riêng; tư vấn xây dựng các chính sách, năng lực hệ thống để đáp ứng thực mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS và các dịch bệnh khác tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực y tế, tăng các suất học bổng cho sinh viên, cán bộ ngành y của Việt Nam sang học tập và thực tập tại Pháp, làm cầu nối để các nhà khoa học được trao đổi và làm việc tại 2 nước, sinh viên y khoa Việt Nam và Pháp được sang học tập lẫn nhau; dành cho Việt Nam nguồn ngân quỹ để thực hiện một số chương trình, dự án cụ thể trong lĩnh vực y tế...

Giáo sư Francoise Barré-Sinoussi và các cộng sự trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn và có sự hiểu biết, quan tâm đặc biệt tới ngành y tế, cụ thể là sức khỏe nhân dân; cảm ơn Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đã ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện để hai bên hợp tác triển khai rất hiệu quả các dự án trong lĩnh vực sức khỏe, là mô hình cho thế giới học hỏi…; cho biết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực phòng chống HIV mà còn trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như Covid-19, lao, viêm gan, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Bà Francoise Barré-Sinoussi và các cộng sự cho biết sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế và làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới như Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị. (Nhân dân trang 2)

 

Coi trọng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân

Là địa phương có một bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, nhiều bệnh viện hạng I và hạng II, chuyên khoa tuyến tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh và làm nhiệm vụ y tế dự phòng từ cấp huyện đến cơ sở, Thái Nguyên hiện là một trong những trung tâm y tế lớn của cả nước, đã và đang làm tốt việc khám, chữa bệnh cho người dân không chỉ trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có quy mô hơn 2.000 giường bệnh, 57 trung tâm, khoa, phòng với gần 1.400 cán bộ, trong đó có 363 bác sĩ. Trong số bác sĩ này, có hơn 70% là phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật cao

Thầy thuốc Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi không ngừng áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại, chuyên sâu để ghép tạng, can thiệp tim mạch nội khoa và ngoại khoa, phẫu thuật thần kinh sọ não. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, bệnh viện đã triển khai hàng trăm kỹ thuật mới, chuyên sâu để nâng cao chất lượng điều trị, giúp người dân không phải về Hà Nội chữa bệnh, giảm chi phí.

Các bệnh nhân phải phẫu thuật thần kinh sọ não, mổ tim nội soi, phẫu thuật thay van tim hai lá, đặt vòng ba lá, điều trị đích kết hợp đa mô thức trong điều trị ung thư, ghép xương nhân tạo, phẫu thuật u xương, ghép xương tự thân, phẫu thuật cột sống kết hợp theo dõi máy thần kinh trong mổ, phẫu thuật u não dưới định vị Navigation và siêu âm trong mổ, phẫu thuật điều trị ung thư niêm mạc má giai đoạn ba... đều được điều trị thành công tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Ở Bệnh viện A Thái Nguyên, cùng với việc điều trị vô sinh, hiếm muộn với tỷ lệ thành công cao, mang lại hạnh phúc cho hàng nghìn cặp vợ chồng, bệnh viện còn mong muốn giúp bệnh nhân bị rối loạn chức năng sàn chậu (tiểu tiện, đại tiện không tự chủ; táo bón; nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng tình dục... với tỷ lệ khoảng 30-40% phụ nữ hơn 50 tuổi mắc bệnh ở mức độ khác nhau) có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Không những vậy, trên địa bàn tỉnh chưa có bệnh viện nào điều trị bệnh rối loạn chức năng sàn chậu vì đây là lĩnh vực khó, chuyên sâu cho nên Bệnh viện A Thái Nguyên đã cử bác sĩ đi đào tạo chuyên môn về điều trị, giúp cho bệnh nhân không phải về Hà Nội như trước.

Bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Tôi bị sa dạ con đã ba năm nay, gần đây khối sa xuống nhiều, đau, chảy máu, đi tiểu rất khó khăn, rất phiền lòng, sinh hoạt và cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào Bệnh viện A Thái Nguyên khám và được chẩn đoán sa sinh dục độ III và được phẫu thuật nội soi đặt lưới nâng, sau bảy ngày điều trị, được các bác sĩ, hộ sinh, người nhà chăm sóc tốt, tôi đã trở lại cuộc sống bình thường.

Bệnh nhân gia tăng, đến nay hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều thực hiện chạy thận nhân tạo, giúp người bệnh không phải đi xa vất vả, chi phí tốn kém, giảm tải cho tuyến trên.

Nâng cao tinh thần phục vụ

Gần đây Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhi N.M.A gần 18 tháng tuổi ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) trong tình trạng bị đứt rời bàn tay phải, Sau hơn năm giờ tập trung phẫu thuật vi phẫu với quyết tâm cao, trong đó có phẫu thuật phục hồi mạch máu, thần kinh là rất khó, rất phức tạp, nhưng các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã nối thành công bàn tay, sau 17 ngày điều trị, cháu bé được ra viện. Kết quả này không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn mà còn là tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng của bệnh viện.

Đến nay, hệ thống khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển đồng bộ với Bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt, hai bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, chín bệnh viện hạng II, nhiều bệnh viện hạng III và hệ thống y tế dự phòng đến tận cơ sở.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, thời gian qua các bệnh viện trên địa bàn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, nguồn lực con người và triển khai nhiều kỹ thuật mới, khó. Nhờ đó, năm 2022, hơn 92% người dân đến khám, chữa bệnh hài lòng với dịch vụ y tế công trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên Đặng Ngọc Huy cho biết: Cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư trang thiết bị, thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn luôn nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm với người bệnh, vì đây là tiêu chuẩn đầu tiên nâng cao chất lượng bệnh viện. Từ đó đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. (Nhân dân trang Trung du và miền núi Bắc Bộ)

 

Bệnh viện đông nghẹt bệnh nhân hô hấp

Những ngày qua, tại bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM) đông nghẹt bệnh nhi mắc bệnh hô hấp.

Giường bệnh, võng xếp chen chúc

Tại Khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, bệnh nhi rất đông, có nhiều giường nằm 2 em, võng xếp được bày ra giữa phòng, hành lang cũng kín, võng, chiếu được xếp san sát. Phía bên ngoài có bóng mát cũng được người nhà làm nơi đặt võng cho các bé nằm, mưa thì chạy vào.

"Con tôi bị viêm phổi, điều trị ở Đồng Nai 10 ngày nhưng không khỏi nên chuyển viện lên đây. Một giường 2 cháu, do vậy nhiều cháu được cha mẹ thuê võng hoặc mang võng vào nằm", chị Lan đang nuôi con bệnh tại BV Nhi đồng 2 cho biết. Tại phòng cấp cứu, phun khí dung, truyền thuốc của khoa hô hấp, bệnh nhi cũng nằm kín mít.

Khoa Nội tổng quát, BV Nhi đồng 2, tình trạng cũng tương tự, các hành lang lâu nay được cải tạo thành phòng bệnh kê giường, đặt võng, thậm chí gầm cầu thang cũng được tận dụng làm phòng cho các hộ lý.

Tại BV Nhi đồng 2, dịch vụ cho thuê võng cũng ăn nên làm ra. Ai không chịu được cảnh cho con nằm đôi thì thuê võng, số điện thoại có sẵn. Giá đặt cọc cho mỗi cái võng là 500.000 đồng, giá thuê mỗi ngày là 20.000 đồng; pin dự phòng giá thuê 10.000 đồng/ngày, đặt cọc 150.000 đồng.

Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, tình trạng nằm đôi, nằm hành lang cũng tương tự nhưng hầu hết là bệnh nhân (BN) nằm trên giường. "Hôm thứ sáu tuần trước, thấy con ho nên tôi đưa con đi khám ở phòng mạch tư, bác sĩ (BS) nói viêm tiểu phế quản. Về uống thuốc 1 ngày thì con bị dị ứng nên đưa vào BV Nhi đồng 1. BS nói con tôi viêm tiểu phế quản phải nhập viện theo dõi, tiêm thuốc", chị Hoa (ở Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ. Dù là nằm giường ở hành lang nhưng con chị Hoa vẫn phải nằm đôi vì BN quá đông.

Nhiều biện pháp giải tỏa áp lực

BS CK2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết thời điểm này số bệnh hô hấp tương tự các năm trước, từ 200 - 300 ca nội trú và 10% BN nằm phòng cấp cứu của khoa hô hấp. BN có thể đông vào một thời điểm nào đó, nhưng không để dồn ứ, BV giải quyết xuất viện kể cả ngày chủ nhật. BV còn chuyển BN hô hấp qua các khoa nội, nội tổng hợp... Đặc biệt, khoa hô hấp lập phòng lọc bệnh tại phòng khám để hạn chế tình trạng nhập viện không cần thiết; những BN hô hấp nhẹ thay vì nhập viện thì chuyển qua khoa điều trị trong ngày. "Trong thời gian tới, nếu BN hô hấp có đông nữa thì BV cũng có giải pháp, đó là dành một số phòng của các khoa khác để chuyển BN qua điều trị và tăng cường nhân lực", BS Vinh nói.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, hiện BV có khoảng 300 BN hô hấp (10% BN nằm phòng cấp cứu) và chiếm khoảng 20% số ca nội trú. BN được giãn cách ra nhiều khoa ngoài khoa hô hấp; BV kê thêm giường cho BN nằm.

TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, cho biết hằng năm bệnh hô hấp nhiều vào mùa mưa, kéo dài từ tháng 8 - 10 và đầu tháng 11 là đỉnh cao. Nhưng năm nay đặc biệt bệnh diễn tiến kéo dài đến cuối tháng 11 và sang tháng 12 mới có thể giảm. Nguyên nhân có thể có sự trùng lắp giữa tác nhân gây bệnh hô hấp và tác nhân gây dịch bệnh khác như cúm.

"Có rất nhiều chủng vi rút gây bệnh hô hấp, vi rút cúm là một trong những chủng gây bệnh. Đặc biệt ở trẻ em thường gặp là vi rút hợp bào hô hấp (RSV), vi rút này gây bệnh ở trẻ dưới 2 tuổi là bệnh viêm tiểu phế quản (chiếm 90%)", TS-BS Tuấn nói và khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chính vẫn là rửa tay vì vi rút gây bệnh thường lây qua bàn tay nhiễm bẩn. Thứ đến là bảo vệ trẻ em tránh sự tác động của sự thay đổi thời tiết nắng, mưa. Tiêm chủng đầy đủ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống đủ nước.

Trước tình hình bệnh nhi hô hấp nhiều, số ca bệnh ở các tỉnh đến TP.HCM chiếm từ 40 - 50%, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ giao ban vùng với các tỉnh miền Nam vào ngày 16.11 để bàn giải pháp. Ngành y tế TP chỉ đạo lấy mẫu tìm nguyên nhân gây bệnh hô hấp năm nay. Thông thường các tác nhân gây bệnh hô hấp những năm trước là vi rút Adeno, RSV, cúm… (Thanh niên trang 22)

 

2 bệnh viện hợp sức: Cứu bệnh nhân sản giật, liên tiếp ngừng tim

Ngày 14/11, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp đặc biệt nguy kịch. Bệnh nhân là chị L.T.K.A (26 tuổi,ngụ tại Vũng Tàu) được bệnh viện địa phương chuyển đến với chẩn đoán, sản giật, suy đa cơ quan.

Theo thông tin bệnh sử, chị K.A mang thai con lần thứ 2. Từ tháng thứ 3 thai kỳ, thai phụ bắt đầu phù chân hai bên, phù mặt và diễn tiến ngày càng tăng dần. Bước sang tuần thứ 30, tình trạng phù toàn thân diễn tiến nặng, huyết áp khó kiểm soát. Ngày 30/10/2023 thai phụ nhập bệnh viện tại địa phương với chẩn đoán sản giật tổn thương đa cơ quan (tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp) và chuyển dạ sanh non ở thai kỳ 31 tuần 4 ngày.

Trước tình trạng nguy kịch của sản phụ, bệnh viện địa phương đã chuyển viện khẩn đến Bệnh viện Từ Dũ TPHCM và mổ lấy thai cấp cứu. Bé trai, cân nặng 1,6kg lọt lòng mẹ trong tình trạng sức khỏe tương đối ổn định. Sau mổ lấy thai, sản phụ diễn tiến suy hô hấp nặng, suy thận cấp tiến triển nhanh, tổn thương gan cấp tiến triển, và phù toàn thân tăng nhanh. Sau cuộc hội chẩn liên bệnh viện ngày 5/11 sản phụ được chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân Gia Định điều trị.

ThS.BS Giang Minh Nhật, Trưởng đơn vị Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Người bệnh chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng suy hô hấp diễn tiến nguy kịch, được đặt nội khí quản và thở máy xâm lấn.Tuy nhiên, tổn thương nhu mô phổi bệnh nhân tiến triển nhanh, đông đặc cả hai phổi. Sản phụ không đáp ứng với thông khí xâm lấn, mặc dù đã được hỗ trợ thông khí tối đa và ngừng tim hai lần vì suy hô hấp nặng”.

Nhận định đây là một trường hợp bệnh rất nặng về tim mạch và sản khoa, có tổn thương đa cơ quan, các bác sĩ đã hội chẩn toàn bệnh viện ngay trong đêm và quyết định tiến hành can thiệp VV-ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể). Sau can thiệp 8 ngày, kết hợp lọc máu liên tục, kiểm soát huyết áp, chức năng gan và thận bệnh nhân cải thiện, đồng thời, tổn thương phổi phục hồi tốt. Ngày 14/11, bệnh nhân đã cai được ECMO, cai máy thở, sức khỏe đang bình phục rất tốt. Đây là một trường hợp đặc biệt nguy kịch đã may mắn được phối hợp liên viện kịp thời cứu sống. (Tiền phong trang 6)

 

Nhập viện điều trị rối loạn tâm thần, viêm màng ngoài tim vì sử dụng thuốc lá điện tử

Viện Sức khoẻ Tâm thần - BV Bạch Mai đã tiếp nhận thăm khám không ít trường hợp bệnh nhân có các hành vi bất thường, rối loạn tâm thần do sử dụng thuốc lá điện tử. Tại nhiều cơ sở y tế khác cũng ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử nhập viện điều trị...

Nhập viện điều trị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử

Mới đây nhất, các y bác sĩ của Viện Sức khoẻ tâm thần đã tiếp nhận bệnh nhân X. đưọc gia đinh đưa đến thăm khám trong tình trạng  hay nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử.

ThS.BS. Vũ Văn Hoài, Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần- BV Bạch Mai thông tin, bệnh nhân X. cho biết khi hút thuốc lá điện tử cảm thấy có thể thoải mái hơn, cơ thể thư giãn, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ. Sau đó, bệnh nhân dùng ngày càng nhiều hơn, vài tháng trở lại đây bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá điện tử liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 cái pod chill.

"Bệnh nhân luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi. Có lúc gia đình thấy bệnh nhân nói các câu không liên quan, lướt điện thoại trong vô thức, mọi người xung quanh có gọi hỏi bệnh nhân cũng không để ý hoặc trả lời rất chậm. Gia đình lo lắng đã đưa bệnh nhân nhập Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do dùng thuốc lá điện tử"- BS Hoài thông tin

Tuy nhiên theo ThS.BS Vũ Văn Hoài, không chỉ trường hợp của bệnh nhân X. mà trong quá trình khám bệnh đã tiếp nhận không ít bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử.

 Viện Tim mạch- BV Bạch Mai mới đây cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 19 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn đau tức ngực. Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng hơn một tháng trước, bệnh nhân có sử dụng thuốc lá điện tử. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Hô hấp điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm màng ngoài tim và viêm phổi.

Tại nhiều cơ sở y tế khác cũng đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Đơn cử tại BVĐK tỉnh Cao Bằng mới đây cũng đã tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 44 tuổi ở thành phố, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử, kíp trực nhanh chóng chuyển người bệnh vào Khoa Cấp cứu xử trí và theo dõi điều trị...

Thế hệ trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử

TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện sức khoẻ Tâm thần cho biết, cũng giống như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử chủ yếu chứa nicotine và một số ít các chất khác trong buồng đệm chứa dịch (glycerin,propylene, các chất dẫn), chất tạo hương vị, chất dẫn.

"Với nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần. Glycerine có thể gây viêm phổi. Chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư"- TS.BS Thu Hà thông tin thêm.

Người sử dụng thuốc lá điện tử thường sử dụng thêm các chất khác thậm chí là chất ngây nghiện. "Thuốc lá điện tử hiện nay được hút ở tuổi trẻ khi não chưa hoàn thiện. Nếu hút thuốc lá điện tử sớm sẽ khiến cho não của trẻ chưa hoàn thiện sẽ dẫn tới những tổn thương não khiến cho trẻ sau này khó từ chối các chất gây nghiện khác"- TS.BS Thu Hà nhấn mạnh.

Các thành phần tạo nên hỗn hợp lỏng của thuốc lá điện tử khi được nung nóng sẽ biến thành các chất độc hại, có thể thấm vào máu và làm viêm mạch máu, chất độc xâm nhập vào phổi sẽ làm cản trở quá trình lưu thông oxy, tăng viêm, làm rò rỉ mạch máu, nghiêm trọng hơn là gây tích tụ dịch ở phổi.

Người hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như: ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân.

Từ thực tế điều trị, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độ, BV Bạch Mai khuyến cáo, mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi, trong thuốc lá điện tử có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi… Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi…

Hiện nay, không ít đối tượng đã pha thêm chất ma tuý vào thuốc lá điện tử. Vì chất ma tuý này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Các chất ma túy mới khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng. (Sức khoẻ & Đời sống trang 2)

 

Bệnh tật 'bủa vây' vì đồ uống có đường, chuyên gia khuyến nghị gì để bảo vệ sức khỏe người dân?

Hôm nay 14/11 - Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường. Việt Nam đang có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng.

Gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc đái thái đường ở Việt Nam tăng gần gấp đôi

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi người bệnh thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kết quả điều tra cho thấy hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với 34% là biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Cũng liên quan đến bệnh đái tháo đường, các chuyên gia cho hay theo điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới đưa ra con số có khoảng hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã lên đến gần 7,3%. Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc đái tháo đường ở nước ta tăng gần gấp đôi.

Không chỉ người trưởng thành mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng, số trẻ mắc đái tháo đường ở nước ta cũng tăng. Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.

Tại Bệnh viện Nội tiết TW, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường tuýp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến lối sống: chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực.

Mối liên hệ giữa sử dụng đồ uống có đường và nguy cơ bị thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2

Bằng chứng từ các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng và một số loại ung thư.

Đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên (1 lon/ngày) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi sử dụng.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tiêu thụ khoảng 1 lon nước ngọt/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên 22% so với những người uống ít hơn 1 lon/tháng.

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào thực phẩm, đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất). Đường tự nhiên (đường có sẵn trong các loại trái cây, rau củ, …) không tính là đường gây hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g tương đương với 5 thìa cà phê đường) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Trung bình mỗi người Việt uống hơn 50 lít đồ uống có đường mỗi năm.

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo sử dụng nhiều đồ uống có đường còn có thể gây hại lâu dài, đặc biệt là ở trẻ em.

"Ở Việt Nam, vấn đề sử dụng đồ uống có đường trong nhóm thiếu niên, nhóm vị thành niên, gia tăng, thiếu kiểm soát như hiện nay thì có thể tiên lượng là khoảng 5, 10 hoặc15 năm nữa chúng ta sẽ có một thế hệ thanh niên trong tình trạng thừa, cân béo phì với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường… điều này sẽ dẫn đến gánh nặng bệnh tật và kèm theo đó là hệ thống y tế sẽ phải gánh chịu chi phí rất nặng nề" - bà Hạnh nói.

Các chuyên gia đưa ra thông tin: Thay thế khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày bằng nước, cà phê hoặc trà không đường có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường từ 2–10%.

Chuyên gia khuyến nghị gì để giảm tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam?

Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là các biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng, cấm quảng cáo, giảm tính sẵn có, tăng cường truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.

Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

Ông Mark Goodchild, chuyên gia kinh tế WHO tại Việt Nam khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tương tự như thuốc lá, rượu bia, việc tăng thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh này là biện pháp giảm tiêu dùng hiệu quả nhất.

Theo ông, với việc đánh thuế đối với đồ uống có đường, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm lành mạnh hơn. Điều này có thể kích thích ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, tạo thêm việc làm và tăng trưởng tương tự như các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Chuyên gia của WHO cũng cho rằng đây thực sự là thời điểm tốt nhất để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở Việt Nam. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang gánh chịu gánh nặng ngày càng gia tăng do các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.

Theo các chuyên gia kinh tế việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là việc cấp bách cần triển khai.

Với mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh như hiện nay, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này nhằm điều chỉnh thói quen tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường; giảm thiểu tổn thất kinh tế do thừa cân và béo phì và mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan. Qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước. (Sức khoẻ & Đời sống trang 3)

 

Bộ Công an hỗ trợ TP Hà Nội cấp sổ sức khỏe điện tử cho 100% người dân sống trên địa bàn

Ngày 14/11, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 269 ngày 13/11/2023 về “Triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội”.

Trên cơ sở triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như căn cứ vào các quy định có liên quan, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch "Triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội". Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện thí điểm việc quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố theo đúng chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ; thực hiện đánh giá kết quả thí điểm, báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Hà Nội ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm kết nối các thông tin, dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân thành hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý chuyên ngành y tế được đầy đủ, chính xác, kịp thời; hỗ trợ công tác tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trên cơ sở khai thác, sử dụng các tiện ích từ hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử giúp người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm các chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn TP Hà Nội được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành Cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội. 100% các thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn TP được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số; được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP; kết nối, hiển thị thông tin sức khỏe của người dân trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn tại Quyết định số 4026 ngày 31/10/2023 của Bộ Y tế.

Việc xây dựng và triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý sức khỏe; các chức năng, tính năng kỹ thuật phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và các quy định về an toàn thông tin của Bộ Y tế; đảm bảo việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và các quy định về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ và hiển thị thông tin sức khỏe của người dân trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của Bộ Công an đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh thông tin trong quá trình lưu trữ, khai thác dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử của người dân không để thất thoát, lộ lọt và sử dụng dữ liệu vào mục đích bất hợp pháp.

Lộ trình triển khai thí điểm trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung chuẩn bị những điều kiện cần thiết về xây dựng phần mềm, tập huấn kỹ năng sử dụng cho các đơn vị, chức năng…, hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Giai đoạn 2 tập trung cập nhật dữ liệu, kết quả khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn thành phố, làm sạch và kết nối dữ liệu... Những nhiệm vụ của giai đoạn 2 được Hà Nội ấn định thời gian hoàn thành trước ngày 31/3/2024.

Giai đoạn 3 phối hợp với Công an địa bàn, các tổ chức đoàn thể thường xuyên rà soát thông tin hành chính của người dân biến động lên hệ thống. Tiếp tục cập nhật lên hệ thống kết quả khám sức khỏe của người dân; tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ, đánh giá kết quả triển khai áp dụng hệ thống tại địa bàn của từng UBND các quận, huyện, thị xã, phường để đưa vào tiêu chí đánh giá. Thời gian thực hiện giai đoạn 3 từ ngày 1/4/2024.

UBND TP Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành gồm: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã cũng như các tổ chức, cơ quan, đoàn thể có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện hiệu quả kế hoạch.

Để việc triển khai kế hoạch trên được hiệu quả, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 04 về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội do đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Tổ trưởng.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, trên cơ sở đề nghị của UBND TP Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an sẽ phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ UBND TP Hà Nội trong việc thực hiện kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân để xây dựng dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và các nội dung nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đặt ra. (Công an Nhân dân trang 3)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 1: “Hà Nội thí điểm lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho 100% người dân, chia sẻ thông tin trên ứng dụng VNeID”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang