Mua thuốc không đơn, hiểm họa khôn lường
TS Satoko Otsu ghi nhận Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực về việc chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh với việc thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, phòng chống kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nghiêm trọng và không thể giải quyết đơn lẻ.
“Không ở đâu lại mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam khi người dân không cần đơn cũng có thể mua được thuốc tại bất kỳ nhà thuốc nào. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện góp phần làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, việc dùng kháng sinh không kiểm soát trong chăn nuôi cũng góp phần vào tình trạng kháng thuốc”. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại hội nghị 5 năm thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc 2013-2020” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 14-1.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng việc kháng thuốc kháng sinh chính là qui trình chống nhiễm khuẩn ở các bệnh viện (BV) chưa tốt, khi những người làm nhiệm vụ ở các đơn vị chống nhiễm khuẩn thiếu kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm lại chưa cao.
Nhiều BV, cán bộ kỷ luật mới bị điều làm công tác chống nhiễm khuẩn. Qui trình chống nhiễm khuẩn chưa tốt khiến cho thiết bị y tế chưa chắc đã được kiểm tra đảm bảo chất lượng để tránh nhiễm khuẩn, nên phải tăng việc dùng thuốc kháng sinh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kể lại thực tế mà ông đã gặp tại nhiều BV là có những bệnh nhân lớn tuổi bị gãy xương đùi rồi tử vong, do nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Nhiều bác sĩ cũng tâm sự về tâm trạng bất lực khi phải nhìn bệnh nhân chết dần vì kháng thuốc kháng sinh.
Theo công bố của WHO, tính đến tháng 7-2016, Việt Nam và Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đều được xác nhận ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng với thuốc điều trị lựa chọn đầu tiên.
Năm 2016, thế giới có 490.000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét. Ước tính tỷ lệ kháng thuốc điều trị HIV là 7% ở những người khởi trị với ARV tại các nước đang phát triển, còn ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 10-20%. Điều này cho thấy, kháng thuốc kháng sinh đang trở thành thách thức rất lớn đối với các thầy thuốc không chỉ tại Việt Nam và trên thế giới.
Ông Khuê cũng chỉ ra các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh là việc các bác sĩ kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý, như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao; không kê đơn theo kết quả vi sinh, kéo dài việc điều trị lâu hơn cần thiết; Bệnh nhân tự ý sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc không đủ liệu trình; Sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; Thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; Thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn kháng thuốc kháng sinh. Bên cạnh chấn chỉnh việc kê đơn thuốc và bán thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc, bệnh án ở các BV, mới đây, Bộ Y tế còn tổ chức truyền thông về phòng chống kháng thuốc cho sinh viên ngành y dược - những bác sĩ, dược sĩ sẽ quyết định việc sử dụng thuốc cho người bệnh trong tương lai.
TS Satoko Otsu - Trưởng nhóm y tế khẩn cấp của Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết việc kháng thuốc kháng sinh đang làm cho cuộc chiến chống bệnh HIV, sốt rét, lao v.v… trở nên khó khăn hơn. Việc điều trị bệnh khó khăn hơn, thậm chí thất bại, sẽ làm giảm nỗ lực của ngành Y tế, do đó, kháng thuốc kháng sinh trở thành vấn đề an ninh tế toàn cầu nên đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ hơn để chống lại.
TS Satoko Otsu ghi nhận Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực về việc chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh với việc thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, phòng chống kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nghiêm trọng và không thể giải quyết đơn lẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, điều quan trọng nhất cần làm là nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng, về việc cần thiết phải mua thuốc theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ, nhận thức về vấn đề kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào.
Đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ, dược sĩ mới kiểm soát được vấn đề kê đơn, bán thuốc. Vấn đề phải coi trọng là nâng cao chất lượng của đơn vị chống nhiễm khuẩn tại các BV, nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho bệnh nhân.
Đại diện của WHO khuyến cáo Việt Nam tập trung vào các hành động ưu tiên: Phối hợp với cộng đồng để thay đổi hành vi của người tiêu dùng, cán bộ y tế và nông dân về việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch hành động có sự tham gia của đa ngành về phòng chống kháng thuốc kháng sinh. Triển khai các hoạt động xét nghiệm có chất lượng với mạng lưới đủ mạnh để tạo ra cơ sở dữ liệu giám sát chặt chẽ về kháng thuốc kháng sinh và sử dụng kháng sinh, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách… (Công an Nhân dân, trang 1)
Yêu cầu các Sở Y tế đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine ComBE Five
Sau khi có 3 trẻ tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five (2 bé ở Nam Định và 1 bé ở Hà Nội), mặc dù các chuyên gia còn đang xem xét nguyên nhân tử vong của các cháu bé, nhưng Bộ Y tế cũng có công điện gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5%, cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương với tỷ lệ khoảng 0,05%. Tuy vậy, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được điều trị.
Mặc dù tỷ lệ các phản ứng trên nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế chỉ đạo triển khai ngay các nội dung: Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng, cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn, hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt về xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở tiêm chủng phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.
Các Sở Y tế cử cán bộ có trình độ chuyên môn hợp lý từ tuyến trên xuống tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường trong khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng, đặc biệt là những Trạm Y tế không có bác sỹ hoặc những xã, phường khó khăn. (Công an Nhân dân, trang 1)
Lập đường dây nóng giải đáp thắc mắc, tư vấn tiêm chủng
Dự án tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) ngày 14-1 thông báo sử dụng số điện thoại 0981480480 để làm đường dây nóng trả lời trực tiếp cho người dân và cộng đồng về các thắc mắc cũng như tư vấn về công tác tiêm chủng.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện đã có nhiều tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắc-xin ComBe Five. Ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5% thì cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật với tỷ lệ khoảng 0,05%. Mặc dù tỷ lệ các phản ứng nêu trên nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, thì cần tăng cường công tác truyền thông, trong đó giải đáp thắc mắc, tư vấn qua đường dây nóng là cách làm hiệu quả. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 3: “Đường dây nóng tư vấn tiêm chủng”; Tiền phong, trang 6: “Lập đường dây nóng tư vấn về tiêm vắc- xin”
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao
Ngày 14-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Theo thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, thậm chí trầm trọng hơn nhiều nước. Không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam; người dân sử dụng thuốc bừa bãi, không có chỉ định của bác sĩ... Kháng kháng sinh được xác định là một trong những mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21 do sự lan rộng của vi khuẩn kháng thuốc.
Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, các bộ, ngành liên quan và mỗi người dân thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong Kế hoạch hành động quốc gia. Đó là nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ y tế và hành động chống kháng kháng sinh; sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…(Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 5: “Quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh còn nhiều khó khăn”
Quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bảo đảm
Chiều 14-1, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 1-2019.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2018, toàn ngành tiếp tục hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, với diện bao phủ BHXH, BHYT tiếp tục tăng; tỷ lệ nợ giảm thấp nhất từ trước tới nay. Ước tính năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đạt hơn 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng, với tổng số thu ước đạt hơn 332 nghìn tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch được giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.
Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, với hơn 177 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; 122.843 người hưởng BHXH hằng tháng (trong đó, hưởng lương hưu là 99.290 người); ... (Nhân dân, trang 8)
Ghép phổi thành công từ người cho sống:Đánh dấu trình độ phát triển cao của y học
Tháng 12-2018, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đã đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" do Giáo sư Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài được đánh giá là đạt kết quả xuất sắc, chứng minh trình độ phát triển cao của nền y học Việt Nam, mở ra một hướng điều trị mới, hiệu quả cho các bệnh nhân bị mắc các bệnh phổi nặng.
Ca ghép lịch sử
Tháng 11-2016, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y tiếp nhận bệnh nhân là bé trai 7 tuổi Ly Chương Bình, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Cháu bé ở trong tình trạng giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3 và chỉ có ghép phổi thì bệnh nhi mới có cơ hội được cứu sống. Bố và bác cháu Bình đã đồng ý cho một phần phổi của mình để ghép cho cháu bé. Điều may mắn là tất cả chỉ số của cả người cho và người nhận đều phù hợp từ 70% đến 80%. Ca ghép do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) tiến hành. Giáo sư Đỗ Quyết cho biết, ghép phổi là một trong những ca ghép tạng rất khó vì đây là cơ quan hô hấp bảo đảm cung cấp oxy cho cơ thể. Hơn nữa, việc chăm sóc phần phổi được ghép khỏe khoắn, đủ chức năng để ghép cũng rất phức tạp vì khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao.
Ngày 21-2-2017, ca phẫu thuật đã được tiến hành thành công sau khoảng thời gian mổ kéo dài 10 tiếng. Cháu Bình được cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy phổi từ bác ruột để ghép. Ngay sau khi mổ, hai người cho được rút ống nội khí quản và phổi đã giãn nở ra hoàn toàn, không có biến chứng. Đặc biệt, cháu Bình không có biến chứng về lâm sàng cũng như không bị nhiễm trùng.
Chị Phàn Thị Tâm, mẹ cháu Ly Chương Bình cho biết, đến nay, sau gần 2 năm ghép phổi, ca phẫu thuật đã đem tới điều kỳ diệu cho cậu bé. Hiện cháu đã tăng cân, sức khỏe ổn định, đi học và sinh hoạt bình thường.
Hiệu quả đầu tư khoa học
Theo Giáo sư Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, sau những ca ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép khối tụy - thận thành công, trong những năm gần đây, Học viện Quân y đã nghiên cứu triển khai ghép phổi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2016, Học viện đã tích cực xây dựng đề cương nghiên cứu, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép phổi tại Bệnh viện Đại học Okayama và đón đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép phổi. Tháng 11-2016, Học viện được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20). Đề tài được triển khai trong 3 năm (2016-2019) với khoản hỗ trợ 13,1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và có sự phối hợp thực hiện của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy cùng một số chuyên gia Nhật Bản.
Tại buổi nghiệm thu đề tài nói trên, các chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá rất cao những kết quả đề tài đạt được. Cùng với việc thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, đề tài đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình: Gây mê trong ghép thùy phổi từ người cho sống; kỹ thuật lấy, rửa, bảo quản phổi từ người cho sống; kỹ thuật ghép thùy phổi từ người cho sống; điều trị, chăm sóc sau ghép phổi. Đề tài được nghiệm thu sớm một năm so với kế hoạch.
Giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước cho rằng, việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam đã mở ra một phương pháp mới trong điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi nặng và đưa trình độ ghép phổi của Việt Nam theo kịp thế giới, tạo dấu mốc quan trọng trong lịch sử ghép tạng của Việt Nam. Trong số 6 tạng của con người là thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột, Việt Nam đã ghép thành công thận, gan, tim, khối tụy - thận và bây giờ là ghép phổi, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên thực hiện các ca ghép đó. "Tất cả thành công trong ghép tạng đều là sản phẩm khoa học của các đề tài, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước. Nếu không có sự đầu tư cho khoa học và công nghệ, chúng ta không thể có được những thành tựu này", Giáo sư Phạm Gia Khánh nhấn mạnh.
Ca ghép thùy phổi từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam đã chứng minh trình độ phát triển cao của nền y học Việt Nam bởi ghép phổi khó hơn rất nhiều so với các kỹ thuật ghép tạng đã thực hiện. Các quy trình ghép đã được xây dựng từ kết quả nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, logic, phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể chuyển giao cho các trung tâm ghép khác. (Hà Nôi mới, trang 5)
Sự cố y khoa tại Bệnh viện Hòa Bình: Mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm
Ngày 14-1, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 7 bị cáo liên quan đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân tử vong.
Phiên tòa có 2 bị cáo bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại khoản 2, Điều 98 - Bộ luật Hình sự năm 1999 gồm: Bùi Mạnh Quốc (sinh năm 1986) trú phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xử lý nước Trâm Anh và Hoàng Công Lương (sinh năm 1986) đăng ký hộ khẩu tại Quốc Oai (Hà Nội), thường trú xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình, nguyên bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
5 bị cáo bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại khoản 2, Điều 285 - Bộ luật Hình sự năm 1999 gồm: Trần Văn Sơn (sinh năm 1990) trú phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, cán bộ công tác tại Phòng Vật tư thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (sinh năm 1965) trú xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình, nguyên là Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (sinh năm 1962), trú phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng Khoa hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương (sinh năm 1962), trú phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn (sinh năm 1976), trú phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Các luật sư tham dự phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa vì cần thiết phải triệu tập thêm đại diện Bộ Y tế, cán bộ giám định của Bộ Công an; đề nghị ra Quyết định thực hiện trưng cầu giám định pháp y sức khỏe tâm thần đối với bị cáo Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã bác đề nghị này.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày. (Hà Nôi mới, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 8: “Mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Công Lương”; Sài Gòn giải phóng, trang 6: “Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục hầu tòa sau khi ra viện”; Tiền phong, trang 1: “Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Đề nghị giám định tâm thần BS Hoàng Công Lương”
Dịch sởi lại bủa vây
Những ngày gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn và trẻ em có tăng đột biến, nguy hiểm nhất là ở phụ nữ có thai, những bệnh nhân có bệnh khác, dễ gây biến chứng nặng. Các chuyên gia dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu đi lại của người dân gia tăng... là điều kiện thuận lợi khiến bệnh sởi có thể lây lan, bùng phát.
Dịch tăng mạnh ở 2 miền Bắc - Nam
Từ đầu năm 2019 tới nay, gần như ngày nào Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng tiếp nhận một vài trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết nếu trong năm 2018, số ca mắc bệnh sởi rải rác từ đầu năm tới cuối năm chỉ khoảng 50 trường hợp, thì trong vòng 2 tuần qua, số bệnh nhân mắc sởi có chiều hướng tăng cao, từ 5 - 7 trường hợp/tuần, rải rác tại các địa bàn của Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang; đối tượng mắc chủ yếu là nữ giới trong độ tuổi 25 - 40. Thậm chí, trong số các trường hợp mắc sởi đang điều trị có cả những bệnh nhân đang mang thai và đều không tiêm ngừa vaccine.
“Sở dĩ các trường hợp bệnh nhân sởi nằm tại khoa đa số là nữ và mang thai vì bệnh sởi gây sốt rất cao, khiến người mẹ có nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch dẫn tới bội nhiễm (ngoài bệnh sởi, người bệnh còn nhiễm thêm một hay nhiều vi trùng, vi khuẩn hay virus khác gây thêm bệnh), khả năng sinh non cao.
Vì vậy, bắt buộc phải điều trị nội trú để kịp thời xử lý các biến chứng có thể xảy ra. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu đến từ cộng đồng, người này lây bệnh cho người kia qua tiếp xúc giữa người mắc bệnh với người lành”, TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, từ đầu năm đến nay BV ghi nhận 65 ca sởi nhập viện, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo, số bệnh nhân nhập viện do bệnh sởi chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Tháng 1 lẽ ra là “cuối mùa sởi” nhưng hiện tại trẻ em, người lớn, thai phụ đang phải nhập viện hàng loạt vì bệnh sởi gia tăng. Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con nên cuối cùng nhập viện cùng con mình. Vừa qua, BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 3 gia đình (3 - 4 người trong một nhà) lây bệnh sởi cho nhau rồi vào đây điều trị”, bác sĩ Hoa thông tin.
Còn BV Nhi đồng 2 cũng đang điều trị cho 61 ca mắc sởi, trong đó có 5 ca đang phải thở ôxy. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết bệnh nhi nhập viện tại đây chủ yếu đến từ tỉnh phía Nam (chiếm 70%). Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chỉ 3 - 4 tháng tuổi và hầu hết đều có bệnh nền như tim mạch, bại não, động kinh…
Chủ động phòng ngừa
Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2019, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận sự gia tăng mạnh cả 3 loại dịch bệnh ở trẻ là sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi. Một số dịch bệnh có số ca mắc tăng như sởi, tay chân miệng đều được khống chế kịp thời và không có bệnh nhân tử vong.
Cụ thể, trong tuần đầu tiên năm 2019, trên địa bàn thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Hiện 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi; các quận có nhiều ca bệnh là quận 8, 12, Thủ Đức và Bình Tân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, các chuyên gia cho rằng sởi là căn bệnh lành tính, có thể chỉ cần điều trị tại tuyến cơ sở trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc một căn bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc mắc sởi sau đó bị bội nhiễm, thì nhất định phải được điều trị nội trú tại BV.
Bởi căn bệnh kép sởi - bội nhiễm hoặc cũng mắc bệnh khác rất nguy hiểm, gây suy giảm hấp thu, giảm miễn dịch và có thể viêm não ở cả trẻ em lẫn người lớn. Trong trường hợp bệnh biến chứng nặng có thể gây tử vong và đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ tử vong trong dịch sởi năm 2014.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, hiện nay có tình trạng một số người coi thường bệnh sởi, coi nhẹ việc tiêm phòng, hoặc khi mắc sởi thì không thực hiện cách ly mà tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp bình thường với người xung quanh. Một số lại nghiêm trọng hóa căn bệnh, khi mắc sởi thì đòi nằm viện. Môi trường BV làm bệnh nhân bị bội nhiễm, lây chéo, khiến cho dịch sởi bùng phát khó kiểm soát.
“Người dân hãy bình tĩnh khi mắc sởi, nên tới khám tại các cơ sở y tế để nắm được tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt chú ý cách ly để tránh lây bệnh. Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc có cơ địa đặc biệt như người già hoặc phụ nữ có thai, bệnh nhân cần được đưa tới BV càng sớm càng tốt. Hơn nữa, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, nhất là trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai”, bác sĩ Thúy Hoa khuyến cáo. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Cảnh báo bệnh sởi tăng mạnh ở nhiều nơi”; Lao động, trang 8: “Nhiều trẻ nhập viện do bệnh sởi bùng phát”
Khám và điều trị gần 8.000 trường hợp u máu mỗi năm
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ X của Trung tâm U máu, để các chuyên gia giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong điều trị u máu bẩm sinh.
Trung tâm U máu được thành lập với các hoạt động chính bao gồm khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho các học viên trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế. Đây là trung tâm u máu thứ 8 trên thế giới và được đánh giá là trung tâm u máu mạnh nhất ngoài nước Mỹ, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn, trường đại học nổi tiếng của Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc…
Cách đây nhiều năm, u máu được xem là dạng bệnh lý khó điều trị, nếu không được phát hiện sớm, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Với sự ra đời của Trung tâm U máu đầu tiên tại Mỹ, nghiên cứu phương pháp điều trị bằng tia laser và các yếu tố thuận lợi gây bệnh, đến nay việc điều trị bệnh dị dạng mạch máu ở trẻ em đã được cải thiện và có thể phòng ngừa từ trong bào thai.
Tại Trung tâm U máu của BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi năm có gần 8.000 trường hợp đã được khám và điều trị, con số này tương đương với số lượng khám, điều trị u máu tại một bang của nước Mỹ, minh chứng cho sự phát triển vượt bậc trên hành trình 10 năm của trung tâm. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Thêm một trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình
Sở Y tế TPHCM vừa chọn Trạm y tế phường 12 quận Gò Vấp là mô hình điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Đây là trạm thứ 2 trong 24 trạm được chọn triển khai thí điểm đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Bệnh viện Quận Gò Vấp sẽ cử bác sĩ luân phiên mỗi 6 tháng đến công tác tại trạm y tế; Trung tâm Y tế quận cũng cử luân phiên bác sĩ của trạm y tế lên bệnh viện thực hành khám chữa bệnh.
Dự kiến, trong thời gian tới, hơn 60.000 dân cư ngụ tại phường 12 quận Gò Vấp sẽ được các bác sĩ của trạm quản lý và chăm sóc sức khỏe; khi ốm đau, người dân đến Trạm y tế phường 12 quận Gò Vấp để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và kê đơn, cấp thuốc, làm kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp cần thiết, người dân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 2 trao đổi trực tiếp và tư vấn.
Trong năm 2019, Trạm y tế phường 12 quận Gò Vấp cũng bắt đầu triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân cư trú trên địa bàn phường, đồng thời sẽ được các bác sĩ tích hợp tầm soát 2 bệnh không lây nhiễm là tăng huyết áp và tiểu đường để được quản lý và chăm sóc. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Bất an với nạn “phê” rượu bia dịp Tết
Từ cuối năm dương lịch và cận Tết Nguyên đán, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ ngộ độc rượu, tai nạn giao thông do say rượu, các vụ xô xát, đánh nhau, bạo lực gia đình đều tăng theo... Đây là tình trạng không mới, nhưng sau nhiều năm đề cập vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Theo khảo sát của WHO và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam, có 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%) ca tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu. 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia...
Uống đến... chết
Những ngày qua, tình trạng ngộ độc rượu lại gia tăng - tỷ lệ thuận với các cuộc liên hoan, tất niên, chia tay năm cũ, chào mừng năm mới diễn ra cấp tập. Mới đây, trong hai ngày ngày 24 – 25.12.2018, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân là Lê Văn X, 64 tuổi; Nguyễn Văn N, 47 tuổi và Lê Văn T, 24 tuổi, đều thường trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong tình trạng hôn mê, rối loạn hô hấp, suy tuần hoàn.
Người nhà cho biết, cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23.12 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu của họ là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, suy hô hấp, nhìn mờ. Bệnh nhân Lê Văn X được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc methanol, chuyển Bệnh viện Trung ương Huế điều trị do bệnh tiên lượng rất nặng.
Bệnh nhân Nguyễn Văn N và Lê Văn T được chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol tại Bệnh viện Quảng Trị. Riêng trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N có hàm lượng methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol. Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2.1.2019.
Từ tháng 11.2018, chưa đến cuối năm, các hội bạn bè, đồng nghiệp rủ nhau đi “tất niên sớm”, gặp gỡ, ôn chuyện liên tục, anh Nguyễn Huy Quang (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) gần như “chìm” trong hũ rượu. Đến đầu tháng 12, ngủ dậy sau một trận nhậu say xỉn, anh Quang bỗng đau bụng dữ dội. Người nhà đưa anh vào viện và chỉ sau vài câu hỏi, bác sĩ vội vã đưa anh vào phòng cấp cứu hồi sức. Xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy anh Quang bị viêm tụy cấp với các chỉ số men gan ở mức cực kỳ nguy hiểm. Anh Quang đã phải nằm hồi sức cấp cứu suốt 3 tuần liền, với nhiều phen hút chết.
“Cũng vào cuối năm ngoái, sau các cuộc nhậu, tôi đã bị viêm tụy cấp nhập viện. Đã muốn chừa nhưng bạn bè suốt ngày rủ nhậu, còn khích bác “kém tắm” khi không dám uống nên tôi lại tặc lưỡi chủ quan. Đợt này thì chừa” – anh Quang nói.
Cuối năm, với các cuộc liên hoan, tất niên, tổng kết triền miên, không ít người - nhất là nam giới, đã đặt mình vào tình trạng uống rượu đến “thập tử nhất sinh”. Cũng có nhiều người không có cơ hội để hối hận.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ gần Tết Dương lịch đến qua Tết Âm lịch, các bác sĩ lại bận nháo nhào với các ca ngộ độc rượu, viêm thận cấp, chảy máu đường tiêu hóa vì rượu. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng này vẫn không đỡ. Đáng ngại nhất là các ca ngộ độc methanol do uống phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc.
"Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh hoặc gây ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao. Có không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội” – bác sĩ Nguyên chia sẻ.
“Hung thần xa lộ” vì say rượu
Vì say rượu, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng đã xảy ra, khiến nhiều người chết và bị thương. Tối 25.12, sau khi xe Hyundai 5 chỗ gây tai nạn liên hoàn ở chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội), tài xế Trần Quyết Thắng (46 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) được kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả ghi nhận 1,177 miligram/lít khí thở, cao gấp rưỡi so với mức cao nhất theo quy định.
Trước đó, lúc 20 giờ ngày 25.12, ông Thắng lái xe Hyundai 5 chỗ đi trên đường Trần Duy Hưng theo hướng về Nguyễn Chí Thanh, khi đến đầu cầu vượt Trần Duy Hưng đã tự đâm vào dải phân cách cứng giữa đường. Tài xế cho xe lùi lại và đâm vào xe máy của cặp vợ chồng trẻ khiến người vợ mang bầu 22 tuần tuổi phải nhập viện. Tiếp đó, tài xế Thắng đâm vào xe máy của hai phụ nữ, khiến bà bầu 31 tuần tuổi phải vào viện theo dõi...
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cứ từ dịp gần lễ tết là tình trạng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông lại tăng cao, trong đó các ca chủ yếu liên quan đến bia rượu. Cụ thể trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 ca cấp cứu, trong đó hơn 200 ca do tai nạn giao thông. Trong đó có nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Các nạn nhân đều là thanh niên, đang trong độ tuổi lao động. Nhiều bệnh nhân nhập viện mà mùi rượu bia vẫn nồng nặc, thậm chí có ca các bác sĩ không thể gây mê vì bệnh nhân say xỉn.
Không chỉ gây tai nạn, say rượu bia cũng là “chất xúc tác” dẫn đến nhiều vụ đánh nhau, án mạng ngoài đường, án mạng giữa bạn bè, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng... mà cơ quan chức năng không thể thống kê đầy đủ.
Ngoài nguy cơ tử vong, ngộ độc, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), uống rượu bia quá chén còn là nguyên nhân của 31% số vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày…( Nông thôn Ngày nay, trang 1)
Vinmec hợp tác với thương hiệu y tế hàng đầu Nhật Bản
Ngày 13.1, Hệ thống y tế Vinmec ký kết hợp tác với Bệnh viện SANNO, một trong những bệnh viện tư nhân tiên tiến nhất tại Nhật Bản và Trường đại học quốc tế Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (IHUW - trường đại học đầu tiên đào tạo toàn diện về y khoa tại Nhật Bản).
Thông qua thỏa thuận hợp tác có thời hạn 10 năm (2019 - 2029), Hệ thống y tế Vinmec sẽ đưa mô hình khám sức khỏe cao cấp của SANNO và IHUW về VN vào đầu năm 2019. Tọa lạc ngay bên cạnh Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội), Trung tâm kiểm tra sức khỏe cao cấp Vinmec - SANNO sở hữu cơ sở vật chất hiện đại và trang thiết bị máy móc tiên tiến nhất, được vận hành theo mô hình khám sức khỏe của SANNO và IHUW. Trung tâm kiểm tra sức khỏe này sẽ cung cấp cho khách hàng các sản phẩm khám sức khỏe cao cấp theo tiêu chuẩn và chất lượng Nhật Bản. Sự khác biệt của các sản phẩm này là được thiết kế chuyên biệt dành cho người khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi, có khả năng sàng lọc toàn diện và phát hiện rất sớm các bệnh lý chuyên sâu về tim mạch, đái tháo đường, ung bướu...
SANNO và IHUW sẽ tham gia cùng Vinmec ở tất cả các công đoạn: Xây dựng, thẩm định, đánh giá các sản phẩm khám sức khỏe tổng quát, cung cấp nhân sự quản lý y tế cấp cao và cán bộ y tế tay nghề giỏi từ Nhật Bản tới làm việc tại Vinmec. (Thanh niên, trang 4)
Sau tiêm vaccine ComBE Five: Theo dõi bé kể cả trong đêm ngủ
Sốt là phản ứng thông thường sau tiêm vaccine, tỷ lệ trẻ sốt sau tiêm khá cao. Theo các chuyên gia, cha mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chặt chẽ kể cả trong đêm ngủ.
Tăng mạnh số trẻ em, người lớn mắc sởi ở hai miền
Trong 1 tuần trở lại đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) đã tiếp nhận, điều trị 70 ca bệnh sởi, chưa kể các ca thăm khám điều trị ngoại trú.
Đây là thời điểm cuối mùa bệnh sởi nhưng số bệnh nhân lại tăng đột biến. Điểm đáng lo ngại, có tới 1/2 số bệnh nhân là người lớn, trong đó có cả các thai phụ. Các bác sĩ khuyến cáo, dù là người lớn hay trẻ em, nhất là thai phụ, khi có dấu hiệu mắc bệnh sởi cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian gần đây gia tăng các ca người lớn mắc sởi, đa số là phụ nữ, không ít người là thai phụ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng xảy ra tương tự khi thường xuyên có 20 trẻ mắc sởi điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm.
Đây là những người không tiêm chủng hoặc tiêm sởi không đủ mũi, cả trẻ em và người lớn. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh sởi lây qua đường hô hấp. Bệnh có nhiều biến chứng nặng nếu chưa được chích ngừa.
Những trẻ không được tiêm phòng ngừa bệnh sởi hoặc lịch sử tiêm chủng không rõ ràng rất dễ mắc bệnh. Việc tiêm chủng rất quan trọng, vì khả năng lây lan trong không khí cao, dễ lây cho trẻ nhỏ dưới 9 tháng – lứa tuổi chưa được tiêm chủng bệnh sởi, nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Với phụ nữ, các chuyên gia lưu ý, cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm vaccine
Các chuyên gia khẳng định với vaccine 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào như ComBE Five - loại được đưa vào chương trình tiêm miễn phí từ tháng 12/2018 ở Việt Nam, tỉ lệ sốt trên 38 độ C lên tới 50%.
Các chuyên gia khẳng định sốt là phản ứng thông thường, phản ứng tốt sau tiêm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt lưu ý việc phải theo dõi trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện và xử trí kịp với những trường hợp trẻ có phản ứng mạnh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi tiêm chủng, với các vaccine như ComBE Five, thậm chí cả những mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dịch vụ, trẻ cũng đều có các biểu hiện đau, có thể sưng nề đỏ tại nơi tiêm, sốt.
Thông thường các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước, tăng cường bú mẹ và theo dõi bé kể cả trong đêm ngủ.
Theo quy định, sau tiêm ComBE Five, bé sẽ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà, người lớn cần phải theo dõi các biểu hiện trẻ đau tại nơi tiêm, quấy khóc, sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn bú, nôn trớ, khó thở.
Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Khi có các biểu hiện như sốt trên 38 độ 5, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa bé đến cơ sở y tế và đặc biệt các dấu hiệu như quấy, bỏ bú, khó thở, tím tái, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm... thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tốt nhất là đưa đến bệnh viện gần nhất.
Tiêm phòng cho trẻ không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân của trẻ mà còn tạo kháng thể chống bệnh tật tốt cho cả cộng đồng. Các bệnh tật đã có vắc xin phòng bệnh thì nên tiêm phòng cho trẻ.
Với trẻ dưới 1 tuổi, các nguy cơ mắc nhiều bệnh như đường hô hấp, tiêu hóa, do hệ miễn dịch còn non yếu. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, trong nhóm tuổi này lại cần phải tiêm chủng nhiều, do vậy, mọi người cần chú ý phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp như vệ sinh mũi sạch sẽ, tránh đưa con ra đi ngoài nhiều khi thời tiết thay đổi, nơi ô nhiễm môi trường, nơi đông người. (Gia đình & Xã hội, trang 7)
Người nước ngoài đổ về Việt Nam khám bệnh
- Ngoài việc trở về để thăm thân nhân, kinh doanh, du lịch… ngày càng nhiều Việt kiều đã chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quê nhà. Các bệnh nhân Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ , Úc, Anh... cũng đã đến VN để điều trị ở một số lĩnh vực.
40 năm xa quê hương, bà H. (58 tuổi, Việt kiều Mỹ, quê Bình Thuận) cùng hai em gái quyết định trở về VN. Hai tuần là khoảng thời gian để chị em bà vừa thăm nhà vừa phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện thẩm mỹ ở Q.1.
"Ở Mỹ, các dịch vụ này giá cả cao gấp 3 - 4 lần ở VN. Đó là chưa kể việc phẫu thuật trải qua khá nhiều thời gian chờ đợi" - bà H. chia sẻ lý do chọn phẫu thuật thẩm mỹ ở VN.
Chất lượng và giá rẻ
Anh Th. (44 tuổi, ở New York, Mỹ), người vừa trải qua phẫu thuật hút 6 lít mỡ bụng, vui mừng nói: "Ở Mỹ, hẹn thăm khám phẫu thuật hút mỡ này rất khó khăn. Vợ tôi xem trên mạng mới biết được ở VN có phẫu thuật hút mỡ bụng rất tốt nên bay về".
Tại các phòng hậu phẫu của bệnh viện này, có rất nhiều Việt kiều vừa trải qua phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực, nâng mũi... Đại diện bệnh viện cho biết trong vòng 3 năm nay, số lượng Việt kiều về nước làm đẹp tăng gấp 2 - 3 lần so với trước.
Không còn là một năm một lần, lượng khách này về thường xuyên hơn, có thể một năm 2 - 3 lần. "Ngoài vấn đề chất lượng, giá vừa phải thì làm thẩm mỹ ở VN rất phù hợp với người Á Đông" - vị đại diện này nói.
Nha khoa cũng là điểm đến được nhiều Việt kiều lựa chọn. Cuối tháng 11- 2018, chồng chị M. từ Mỹ về VN để cấy ghép implant do chi phí ở VN rẻ hơn rất nhiều so với Mỹ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Huy - giám đốc chuyên môn hệ của một hệ thống nha khoa - cho biết: "Những năm gần đây, chúng tôi thu hút nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt Việt kiều đến điều trị, chăm sóc răng miệng. Đặc biệt, giai đoạn gần giáng sinh, tết cổ truyền, chúng tôi tiếp nhận khoảng 900 - 1.200 lượt khách Việt kiều, người nước ngoài".
"Ngoài việc có đủ các trang thiết bị hiện đại, quy trình điều trị theo chuẩn quốc tế, đặc biệt khách hàng có chế độ bảo hành dài hạn trong khi chi phí điều trị lại rẻ hơn khá nhiều so với nước ngoài nên bệnh nhân lựa chọn về nước khám, chữa bệnh là điều dễ hiểu" - bác sĩ Huy chia sẻ.
Từ khu vực đến thế giới
Ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - cho biết năm 2018 số lượng bệnh nhân có quốc tịch nước ngoài đến khám bệnh là 664 người, điều trị nội trú 1.225 người. Trong đó chiếm một phần lớn là người Campuchia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Úc...
Sau ca mổ bướu âm hộ, bà L. (68 tuổi, người Campuchia) đã có thể ngồi và "ăn được, ngủ được". Suốt mấy chục năm mang trên mình cục bướu, việc được các bác sĩ người Việt phẫu thuật thành công khiến bà như trút bỏ được gánh nặng khó nói bấy lâu nay.
Người nhà bà L. cho biết nhiều năm điều trị ở quê nhà, dù tốn kém đủ đường nhưng bà vẫn không khỏi bệnh. Thế rồi "tiếng lành đồn xa", Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM được gia đình bà "đặt trọn niềm tin".
Sang VN từ ngày 11 - 1, chỉ 3 ngày sau bà L. đã được phẫu thuật. Đây là điều mà người nhà bà bảo rằng "khó tin" và giờ đây, chỉ còn ít ngày nữa bà được xuất viện.
"Người Campuchia qua khám, điều trị bệnh nhiều là do địa lý gần, giá cả vừa phải và chất lượng dịch vụ tốt so với nhiều nước trong khu vực", - bác sĩ Tạ Thanh Liêu - Phó trưởng khoa ngoại 1 (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - nói.
Trong khi đó, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết trung bình một tuần có trên 20 bệnh nhân Lào, Campuchia qua khám các bệnh lý về nam khoa.
"Tôi có hỏi lý do, một số nói hiện đang công tác tại TP.HCM. Ngoài ra ở bệnh viện có các chuyên ngành đặc biệt mà ở nước họ không có và một phần, họ nghe tiếng tăm về trình độ của bác sĩ VN" - bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng, ở các nước châu Á trung bình giá một lần khám 100 - 200USD tùy chuyên khoa, trong khi ở Bệnh viện Bình Dân mức giá khám chỉ 5 - 10USD.
Chi phí nối ống dẫn tinh ở bệnh chỉ khoảng 1.000 USD, trong khi nếu thực hiện thủ thuật này ở các bệnh viện quốc tế giá cả phải lên đến 6.000 - 10.000 USD. Bác sĩ Dũng còn cho biế, ngoài bệnh nhân Việt kiều, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận khoảng 2 ca bệnh đến từ các nước Mỹ, Anh, Úc... phẫu thuật tiết niệu nam học.
Tiềm năng điều trị lĩnh vực vô sinh hiếm muộn rất lớn
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - đánh giá hiện nay tiềm năng điều trị cho người nước ngoài, Việt kiều trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn đang rất lớn.
Theo bác sĩ Tường, dịch vụ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) ở Mỹ rất đắt, chưa kể việc đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa khó, chờ đợi rất lâu...
Trong khi về VN, bệnh nhân gặp được bác sĩ chuyên khoa giỏi nhất, được tư vấn kỹ, chi phí điều trị, ăn ở, đi lại khá thấp. "Kết quả điều trị hiện nay ở nước ta có chất lượng tương đương Mỹ và tốt hơn châu Âu, do đó lượng người bệnh về điều trị càng nhiều nên tiềm năng trong tương lai rất lớn" - bác sĩ Tường nói.
Một Việt kiều đang sống ở Mỹ cho hay giá dịch vụ IVF tại Mỹ lên tới trên 20.000 USD/đợt điều trị, trong khi khả năng thành công chỉ hơn 30%. "Từ khi sang Mỹ sinh sống tôi chỉ đi học nên không có nhiều tiền, vì vậy tháng 2 tới tôi sẽ về VN để điều trị hiếm muộn"- chị nói với Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, nhóm người bệnh này có yêu cầu cao và họ "khó hài lòng" hơn so với bệnh nhân trong nước. "Đó là đòi hỏi chính đáng và chúng ta cần phải khai thác hết tiềm năng y tế du lịch này bởi VN được đánh giá là một trong những nơi có điều kiện tốt nhất" - bác sĩ Tường nói.
Theo bác sĩ Tường, ở Mỹ giá một lần làm IVE trung bình khoảng 20.000USD trong khi ở VN chỉ khoảng 3.500 USD, tức thấp hơn gần 6 lần.
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, giá dịch vụ IVF cũng cao hơn gấp 3 lần so với VN. Ngoài chất lượng, chữa bệnh giá rẻ chính là nguyên nhân khiến TP.HCM hiện đang trở thành điểm đến cho người nước ngoài đổ về khám chữa vô sinh.
Hút bệnh nhân bằng dự án "dây rút ngược"
Tại cuộc gặp với báo giới nhân dịp năm mới 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay năm 2018, các bệnh viện trong nước đã tiếp nhận 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú, 57.000 người trong đó được điều trị nội trú.
Phần lớn trong số này là Việt kiều, người Lào, Campuchia, ngoài ra có người Nhật, Hàn Quốc... khám, chữa các loại bệnh về răng, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản. Đây được coi là tiền đề để ngành y tế xúc tiến một dự án có tên gọi "dây rút ngược" nhằm thu hút bệnh nhân là người nước ngoài, Việt kiều và người VN có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài ở lại điều trị trong nước.
Và một sự kiện có thể coi là tín hiệu lạc quan: vừa qua Bệnh viện K đã tiến hành ca phẫu thuật khá phức tạp do khối u tương đối lớn (4x5 cm) và xâm lấn thành chậu cho một bệnh nhân người Nhật Bản. Sống ở VN 8 năm và đang làm việc cho một Công ty xây dựng Nhật Bản, kỹ sư xây dựng U. có đầy đủ bảo hiểm y tế Nhật Bản và có quyền lợi chi trả phí điều tri tại các bệnh viện quốc tế trong nước. Tuy nhiên, ông U. và gia đình đã quyết định chọn phẫu thuật tại Bệnh viện K.
Theo vị này, thời gian qua đã có nhiều bệnh nhân người Lào, Campuchia, Hàn Quốc và giờ có thêm bệnh nhân Nhật Bản chọn lựa chữa bệnh ở bệnh viện.
Bác sĩ Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, vốn nổi tiếng trong giới y khoa trong và ngoài nước bởi phương pháp "Dr Lương" - phẫu thuật nội soi u tuyến giáp.
Từ nội soi 3 lỗ, năm 2018 các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã thực hiện nội soi 1 lỗ với cách thức đơn giản hơn. Nhờ những tiến bộ này, trong hơn 10 năm qua đã có 270 bác sĩ của 15 quốc gia từ Bồ Đào Nha, Singapore, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Úc, Ả Rập Xê út... đến VN học phương pháp "Dr Lương".
"Trước đây chúng tôi cũng mổ u tuyến giáp bằng phương pháp mổ mở, sau mổ bệnh nhân nào cũng có một vết sẹo dài ngang chân cổ, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, nhất là khi bệnh nhân là nữ giới và còn trẻ tuổi. Nhờ chuyển sang phẫu thuật nội soi, bệnh nhân tự tin lên nhiều. Phương pháp của chúng tôi cũng đơn giản hơn cách mổ nội soi tuyến giáp ở nhiều nước và đây là lý do các bác sĩ nước ngoài đến học ở VN"- ông Lương chia sẻ. (Tuổi trẻ, trang 1)