Không còn tuyệt vọng khi trẻ bị bệnh điếc bẩm sinh vì có ốc tai điện tử
Ngày 14-12, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện phương pháp điều trị điếc bẩm sinh hiện đại nhất hiện nay là cấy ốc tai điện tử cho một bé gái 5 tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang. Ca phẫu thuật do PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng thực hiện.
Được biết, bệnh nhi bị điếc bẩm sinh do mẹ cháu trong thời gian mang thai bị nhiễm rubella ở tháng thứ 2. Từ năm 1 tuổi đến nay bệnh nhi đã đeo máy trợ thính nhưng không hiệu quả nên cháu nói rất khó khăn. Vì thế gia đình đã quyết định cho cháu bé phẫu thuật để cấy ốc tai điện tử.
Theo PGS.TS Cao Minh Thành, do nhiều nguyên nhân như người mẹ sử dụng thuốc trong thai kỳ, hoặc bị nhiễm siêu vi trùng hoặc dị dạng bẩm sinh mà tỉ lệ trẻ bị điếc bẩm sinh chiếm khoảng 0,5%. Trong số đó, nhiều trẻ bị điếc hoàn toàn dẫn đến câm.
Từ trước đến nay, để giao tiếp, trẻ điếc bẩm sinh chỉ được dạy phương pháp nhìn khẩu hình người khác để đoán nghĩa, chứ không thể nghe và nói nên trẻ khó hòa nhập cộng đồng khi trưởng thành.
Nhưng nay, với phương pháp cấy ốc tai điện tử, vấn đề trẻ điếc bẩm sinh có thể được khắc phục. Người bệnh được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh.
Theo PGS.TS Cao Minh Thành, cấy ốc tai điện tử được chỉ định cho những bệnh nhân giảm thính lực mức độ nặng và sử dụng máy trợ thính không hiệu quả. Có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em, đặc biệt ở nhóm trẻ em nghe kém nặng bẩm sinh.
Lứa tuổi có thể cấy an toàn là từ 1 tuổi trở lên, thời gian phù hợp nhất để phẫu thuật cho trẻ là lúc trẻ chưa hình thành ngôn ngữ, khoảng dưới 2 tuổi, muộn nhất là khoảng 5-6 tuổi, vì đây là thời gian mà trung tâm thính giác ở vỏ não phát triển mạnh nhất giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu cấy càng muộn, hiệu quả càng kém và người bệnh sẽ mất nhiều thời gian để huấn luyện ngôn ngữ.
Bệnh nhi sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ phải trải qua thời gian phục hồi chức năng nghe nói và tỷ lệ nghe nói của trẻ sau cấy ốc tai điện tử là 100%. Trẻ bị điếc bẩm sinh sau cấy ốc tai có thể đi học, giúp chúng có cơ hội phát triển như những trẻ bình thường, giảm một phần tỷ lệ trẻ bị tàn tật, giảm gánh nặng cho xã hội, đem lại cuộc đời mới cho người bệnh và gia đình của họ (Công an nhân dân trang 2).
Kịp thời cứu sống một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi
Cháu bé được phát hiện trong tình trạng không mảnh vải che thân và bị vứt trong thùng rác. Lúc được phát hiện, người cháu bé bị tím tái vì lạnh và sức khỏe rất yếu. Sau khi được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, hiện cháu bé đã qua cơn nguy kịch.
Ngày 14-12, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã cho biết: Trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một cháu bé sơ sinh được phát hiện trong tình trạng nguy kịch tại thùng rác ở bãi biển.
Trước đó, vào khoảng 14 giờ ngày 13-12, một nữ công nhân tên Diệp làm vệ sinh ở khu du lịch Xuân Thiều bất ngờ phát hiện một tiếng khóc trẻ con phát ra từ thùng rác cạnh bãi biển.
Sau khi đến gần mở nắp nắp thùng rác ra thì chị hoảng hồn khi thấy một bé sơ sinh vừa mới cắt rốn được bỏ trong một bao đựng gạo khoảng 10 kg. Lúc được phát hiện, người cháu bé bị tím tái vì lạnh và sức khỏe rất yếu. Ngay sau đó, người dân đã lấy khăn trùm cho bé đỡ lạnh. Đồng thời đưa cháu bé đến bệnh viện để cấp cứu.
Đến sáng ngày 14-12, sau khi được các bác sĩ tích cực cứu chữa kịp thời tại bệnh viện, hiện cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Được biết, cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi là một bé gái nặng 2,8 kg.
Ngay sau thông tin phát hiện và cứu sống cháu bé, đã có một cặp vợ chồng hiếm muộn đến xin nhận cháu bé làm con nuôi. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành thủ tục để bàn giao cháu bé cho ba mẹ mới để chăm sóc được tốt hơn (Công an nhân dân trang 2).
Bước đột phá trong phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống
Bệnh viện Bạch Mai vừa chính thức khai trương, đưa vào sử dụng hệ thống chụp O-arm và định vị trong phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống. Đây là cơ sở y tế đầu tiên ở nước ta ứng dụng công nghệ 3D hiện đại nhất trên thế giới hiện nay để định vị chính xác, tạo ra bước đột phá trong phẫu thuật các bệnh lý cột sống.
Cách đây 5 năm, cô gái N.T.L (18 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) xuất hiện triệu chứng đau cột sống thắt lưng gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại, đứng, ngồi. Để che đi dáng vẻ cong vẹo vốn gây tò mò cho mọi người chung quanh, em luôn mặc những bộ đồ thật rộng. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán xác định L. bị vẹo cột sống vô căn lên tới 70 độ và chỉ định phải phẫu thuật vì càng để lâu, độ vẹo càng lớn và độ thoái hóa tăng lên. L. và hai người bệnh khác ở Hà Nội, Nghệ An là ba người bệnh đầu tiên được các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) ứng dụng hệ thống O-arm thực hiện ca phẫu thuật. Ngay sau khi phẫu thuật, tình trạng đau giảm hẳn, độ cong vẹo cũng đã cơ bản được khắc phục, L. đã tự tin hơn rất nhiều.
Các bác sĩ cho biết, cột sống là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể người: là bộ khung để giữ hình thái, nâng đỡ khối trọng lượng cơ thể, bảo vệ tủy sống và điều khiển các cử động của cơ thể. Cột sống bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, chấn thương, biến dạng hoặc dị tật... có thể ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, gây các triệu chứng: cơ thể tê bì, đau nhức và vận động khó khăn... Khi đó có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật cột sống. Hiện nay, trên thế giới có nhiều phương pháp phẫu thuật cột sống, tùy theo tổn thương của từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Phẫu thuật cột sống thường liên quan tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng chung quanh. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ vừa phải bảo đảm sự an toàn, tránh làm tổn thương thêm cho tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu gây liệt, mất máu... vừa phải xử lý được tổn thương (thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, dị dạng, u đốt sống, chấn thương...) đồng thời tái tạo cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo, nẹp silicon... Kết quả hồi phục lâm sàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó không thể thiếu sự cân bằng cơ sinh học của hệ thống vật liệu thay thế.
Phương pháp phẫu thuật cột sống trước đây sử dụng các hệ thống chụp C-arms để hướng dẫn vị trí đặt của các ốc vít hỗ trợ. Hệ thống C-arms chỉ giới hạn trong việc cung cấp hình ảnh 2 chiều (2D), cho nên phẫu thuật viên phải tự tưởng tượng ra các chi tiết giải phẫu, bao gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít mà không ảnh hưởng đến tủy sống hay các mạch máu lớn của người bệnh. Hạn chế của C-arms còn nằm ở việc gây ra các bức xạ ảnh hưởng đến người bệnh và nhóm phẫu thuật viên.
Theo TS, BS Hoàng Gia Du, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Bạch Mai), trong phẫu thuật cột sống, một mi-li-mét là khoảng cách rất xa vì ở đó là tủy xương, mạch máu, hệ thần kinh... Nếu ca phẫu thuật không được thực hiện chính xác sẽ để lại những biến chứng rất nặng nề, thậm chí người bệnh bị liệt vĩnh viễn. Hệ thống chụp O-arm đã tạo ra sự khác biệt, độ chính xác gần như là tuyệt đối. Nó giúp phẫu thuật viên định vị chính xác vị trí cần can thiệp cũng như đưa ra phương án tối ưu, cung cấp hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện hơn, chính xác hơn và an toàn cho các bác sĩ phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thống định vị trong phẫu thuật, O-arm đã thay đổi mô hình cho phẫu thuật cột sống. Công nghệ này đã được chứng minh với các ưu thế: tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỷ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí. Nhiều nghiên cứu nhằm xem xét lại một cách kỹ lưỡng đã chứng minh rằng nếu sử dụng O-arm, độ chính xác về vị trí bắt vít đạt từ 93% đến 100%, so với tỷ lệ từ 72% đến 92% của phương pháp thông thường. Nó đồng thời làm giảm các biến chứng phẫu thuật; giảm tiếp xúc với bức xạ cho người bệnh, phẫu thuật viên và nhân viên y tế; cung cấp các thông tin quan trọng cho phép các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp; giúp bác sĩ phẫu thuật áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tổn thương mô, giảm sử dụng của thuốc và đau hậu phẫu, rút ngắn thời gian phục hồi của người bệnh...
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối ứng dụng, phát triển các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh cho người dân. Đưa kỹ thuật mới về Việt Nam chi phí sẽ thấp hơn, nhiều người bệnh sẽ được sử dụng kỹ thuật cao ngang tầm các nước trên thế giới. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ cơ quan bảo hiểm y tế để khi các kỹ thuật cao áp dụng thường quy tại các bệnh viện, người bệnh sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế cùng chi trả (Nhân dân trang 5).
Lợi ích của đề án bệnh viện vệ tinh chuyên khoa nhi
Cách đây vài năm, chuyên khoa nhi ở tuyến tỉnh chỉ thực hiện được những kỹ thuật cơ bản, thì đến nay, nhiều bệnh viện chuyên khoa nhi, sản nhi các tỉnh được thành lập, đầu tư xây mới về cơ sở vật chất và nhất là nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên thông qua đề án bệnh viện vệ tinh, đã mở rộng quy mô, thành lập các khoa phòng chuyên sâu như sơ sinh, cấp cứu, hồi sức, ngoại khoa… cũng như ứng dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật mới. Qua đó, góp phần chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhi hiệu quả hơn, đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Nhi Thái Bình là một trong năm bệnh viện vệ tinh (BVVT) đầu tiên của Bệnh viện Nhi T.Ư theo Đề án BVVT giai đoạn 2013 - 2020. Với sự giúp đỡ hiệu quả của Bệnh viện Nhi T.Ư về đào tạo liên tục nguồn cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn tại chỗ, tư vấn quản lý về lộ trình phát triển, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã có bước trưởng thành vượt bậc. Trong ba năm trở thành BVVT, Bệnh viện Nhi Thái Bình được các đồng nghiệp tuyến trên hỗ trợ đào tạo các lĩnh vực như: cấp cứu, hồi sức nhi, ngoại nhi, chấn thương chỉnh hình, các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch, huyết học, truyền nhiễm, hô hấp, thần kinh, tâm bệnh… Ngoài chín gói kỹ thuật được ký kết, nhóm chuyên gia Bệnh viện Nhi T.Ư còn hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho các đồng nghiệp trong chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh mãn tính như: hen phế quản, tự kỷ, thận hư, động kinh… Chất lượng xét nghiệm ở Bệnh viện Nhi Thái Bình cũng được nhóm chuyên gia của Bệnh viện Nhi T.Ư chú trọng chuyển giao từ cơ bản đến nâng cao. PGS, TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ: Trong thời đại y học bằng chứng, lâm sàng cần sự minh chứng của kết quả xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán, điều trị đúng đích, hiệu quả và khoa học, thì việc nâng cao chất lượng xét nghiệm đóng vai trò hỗ trợ quan trọng. Đó là kết quả hết sức đáng khích lệ đối với một bệnh viện mới có tuổi đời chưa đến mười năm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều bệnh viện chuyên khoa nhi mới thành lập, một trong những khó khăn mà Bệnh viện Nhi Thái Bình phải đối mặt là tình trạng thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn sâu, sự non nớt trong kinh nghiệm chuyên môn cũng như giao tiếp ứng xử. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thu nhập giữa các tuyến dẫn đến xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên…
Khi trở thành BVVT của Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang ưu tiên phát triển chuyên ngành tim mạch nhi khoa. Với sự hỗ trợ của thầy thuốc tuyến trên, hàng chục cháu bé không may mắc các bệnh lý tim bẩm sinh hiểm nghèo tại Bắc Giang đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế tiên tiến. Nhưng để đạt kết quả đó, đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Nhi T.Ư đã tích cực đào tạo nguồn nhân lực cho Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang trong năm lĩnh vực chuyên sâu, như chẩn đoán các dị tật tim trước mổ, gây mê, chạy tim phổi máy, phẫu thuật tim và hồi sức sau mổ. Theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2017, các ê-kíp chuyển giao kỹ thuật vẫn tiếp tục thực hiện để duy trì bền vững những kết quả đã đạt được hướng tới mục tiêu sau năm 2017, các cán bộ y tế Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang có thể triển khai kỹ thuật mổ tim một cách độc lập…
Theo quyết định của Bộ Y tế, năm bệnh viện: Sản nhi Bắc Giang, Sản nhi Ninh Bình, Sản nhi Vĩnh Phúc, Nhi Hải Dương, Nhi Thái Bình là BVVT của Bệnh viện Nhi T.Ư. Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua, Bệnh viện Nhi T.Ư tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, xây dựng tài liệu, chương trình giảng dạy, các hướng dẫn chẩn đoán, các quy trình kỹ thuật và triển khai các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thuộc chín gói kỹ thuật các lĩnh vực: hồi sức cấp cứu, sơ sinh, ngoại nhi, nội nhi tổng quát… Đến nay, các BVVT đã thực hiện thành thạo cấp cứu cơ bản cũng như các kỹ thuật chuyên sâu nâng cao: thở máy, điều trị rối loạn điện giải, thăng bằng toan kiềm, đặt Catheter động mạch, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm… kỹ thuật hồi sức sơ sinh trở thành thường quy. Một số bệnh viện đã thành lập được khoa Ngoại nhi, gây mê hồi sức và triển khai nhiều kỹ thuật cao… Bên cạnh đó, năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tự kỷ, động kinh, u bướu, huyết học lâm sàng, nội soi phế quản, nội soi tiêu hóa… cũng không ngừng được nâng cao.
Nhờ hỗ trợ của Bệnh viện Nhi T.Ư tại năm BVVT nêu trên, số lượng bệnh nhi chuyển từ các tỉnh lên tuyến trên giảm rõ rệt. Trong khi đó, số ca phẫu thuật mức độ đơn giản ở Bệnh viện Nhi T.Ư cũng giảm nhiều. Ngoài ra, các BVVT còn được Bệnh viện Nhi T.Ư hỗ trợ lâm sàng trực tuyến hằng tháng để hội chẩn từ xa, tư vấn khám, chữa bệnh. Với việc đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương, Bệnh viện Nhi T.Ư đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trẻ em các tuyến, giảm quá tải bệnh nhi lên tuyến trên và giảm chi phí cho người bệnh.
Hiện nay tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa nhi trong cả nước xếp mức thấp nhất trong các chuyên khoa, lại phân bố không đều (tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn). Do vậy, việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật vẫn là nhiệm vụ chính của đề án BVVT chuyên ngành nhi khoa trong thời gian tới. Cùng với các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thời gian tới Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ hỗ trợ tuyến dưới trong vận chuyển an toàn người bệnh; phát triển các chuyên nhi sâu phù hợp mô hình bệnh trong tương lai; phối hợp liên ngành, đa quốc gia để giải quyết những bệnh dịch mới xuất hiện, tăng cường dự phòng nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, số lượng bệnh viện tham gia là BVVT cũng được điều chỉnh tăng từ 5 lên 12 bệnh viện (Nhân dân trang 5).
Gợi mở chính sách cho quản lý biến đổi xã hội ở Việt Nam
Ngày 14-12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý biến đổi xã hội: Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”.
Tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia tại Hội thảo đã chia sẻ, thảo luận quan điểm về cơ sở lý luận, thực trạng biến đổi xã hội hiện nay, nội hàm các cấp độ biến đổi xã hội trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm, văn hóa đang ngày càng tác động sâu rộng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã nêu những bài học kinh nghiệm và cách ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề biến đổi xã hội, từ đó gợi mở những chính sách cụ thể trong quản lý biến đổi xã hội.
Giải thưởng Nghệ thuật múa Việt Nam năm 2016
Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vừa tổ chức trao giải thưởng Nghệ thuật múa Việt Nam năm 2016. Có 43 giải thưởng tặng các tác phẩm múa, công trình nghiên cứu có chất lượng cao; trong đó có sáu giải A, cho các tác phẩm: Mệnh đất trời (Phan Ngọc Hoàng), Ký ức của mẹ (Phạm Thanh Tùng), Chùm tiểu luận của NSND Ứng Duy Thịnh, Công trình nghiên cứu cấp bộ “Phát huy nghệ thuật múa trong hội làng người Việt vùng châu thổ sông Hồng” (Chủ nhiệm đề tài: Ths, NGND Vũ Dương Dũng), Giáo trình Múa tính cách (Trung cấp diễn viên múa hệ sáu năm, do NGND Nguyễn Kim Dung chủ biên), Giáo trình Múa dân tộc Khơ me Nam bộ (Trung cấp, do NGƯT Nguyễn Vĩnh Hiển và Đoàn Phúc Linh Tâm chủ biên).
Dự kiến năm 2017, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tập trung các hoạt động: mở trại sáng tác múa biên đạo chuyên nghiệp; tập huấn biên đạo múa phong trào; thi tài năng biểu diễn; tổ chức cuộc thi múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ hai tại khu vực phía nam.
TP Hồ Chí Minh xác định 127 người bệnh nhiễm vi-rút Zika
Ngày 14-12, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, đã xác định 127 ca bệnh nhiễm vi-rút Zika (trong đó có 16 phụ nữ mang thai) tại 22 trong số 24 quận, huyện và số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh, bình quân 10 ca nhiễm mới/tuần. Trong số đó, quận Bình Thạnh có nhiều ca nhiễm nhất với 23 ca bệnh nhiễm vi-rút Zika; tiếp đến là quận 2 với 17 ca nhiễm; quận Thủ Đức, quận Tân Phú và quận 12 xác định có 11 ca nhiễm.
Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân dọn dẹp nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, không trữ nước mưa tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, làm bùng phát dịch bệnh do muỗi gây ra như bệnh sốt xuất huyết, vi-rút Zika (Nhân dân trang 5).
Đến tháng 6-2018: 100% CBCS CAND sẽ tham gia bảo hiểm y tế
Trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) CAND đã triển khai thực hiện bảo hiểm y tế ở 10 đơn vị, chiếm khoảng 15% các đơn vị trong lực lượng CAND.
Ngoài ra, BHXH CAND cũng phát thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho gần 500 CBCS mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày. Để hoạt động y tế trong CAND có sự chuyển biến mạnh mẽ, năm 2017, BHXH CAND dự kiến nâng tổng số CBCS tham gia BHYT lên khoảng 85% và đến tháng 6-2018 đảm bảo 100% CBCS tham gia BHYT.
Theo Đại tá, TS. Nguyễn Khắc Thủy, Phó Cục trưởng Cục Y tế kiêm Phó Giám đốc BHXH CAND - Bộ Công an, sau 1 năm triển khai thực hiện BHYT cho thấy, việc tham gia BHYT mang lại nhiều lợi ích cho CBCS. CBCS được chủ động trong đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) phù hợp với nơi ở và đơn vị công tác.
CBCS có thẻ BHYT còn được lựa chọn và hưởng lợi từ trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế tiên tiến của y tế trong CAND cũng như y tế quân, dân y, do đó đã tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Số CBCS mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày, có thẻ BHYT khi đi điều trị đã được thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho CBCS an tâm điều trị.
Đặc biệt, với Thông tư 43 quy định biện pháp thực hiện BHYT đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND ban hành tháng 10-2016, CBCS Công an tham gia BHYT sẽ có nhiều quyền lợi. Nếu đi KCB BHYT đúng quy định, CBCS sẽ được thanh toán chi phí KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, khi KCB đúng theo quy định, CBCS có thẻ BHYT ngoài phạm vi được hưởng BHYT còn được chi trả các chi phí KCB khác, gồm thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ định của chuyên môn (An ninh thủ đô trang 5).